[Kĩ Thuật Viết] Cách Viết Truyện Ngắn | Pennie's Rambling Corner
Có thể bạn quan tâm
Đối với nhiều tác giả, truyện ngắn là thể loại mà họ thích viết nhất. Khi mà việc viết tiểu thuyết có thể là một nhiệm vụ khó nhằn và nhiêu khê, thì hầu hết mọi người đều có thể viết nháp, hoặc quan trọng hơn, là hoàn tất một truyện ngắn. Điều đó không có nghĩa là truyện ngắn thì dễ viết, hoặc là chúng không có nhiều giá trị nghệ thuật bằng tiểu thuyết. Với việc tập luyện, tính kiên nhẫn, và sự sáng tạo, bạn có thể trở thành tác giả sách bán chạy kế tiếp.
Phần 1: Viết một truyện ngắn
1. Thu thập ý tưởng cho truyện của bạn. Cảm hứng có thể đến bất cứ lúc nào, vì vậy hãy mang một cuốn sổ tay theo bất cứ nơi đâu bạn đến để có thể viết xuống những ý tưởng khi chúng nảy ra trong đầu.
- Phần lớn thời gian, bạn chỉ nghĩ tới những chi tiết nhỏ (ví dụ như một thảm họa mà bạn có thể dùng nó để xây dựng cốt truyện, tên hoặc ngoại hình một nhân vật,…) nhưng đôi khi bạn gặp may và toàn bộ cậu chuyện hiện ra trước mắt bạn chỉ trong vài phút.
- Nếu bạn gặp khó khăn khi tìm kiếm cảm hứng, hoặc bạn cần viết nhanh một câu chuyện (cho một lớp học, ví dụ vậy), hãy học cách động não, hoặc nếu bạn không thể nghĩ ra điều gì, hãy tìm ý tưởng từ người thân và bạn bè của bạn.
- Những kinh nghiệm thường giúp bạn xây dựng cốt truyện tốt hơn. Nhiều truyện ngắn kì bí của Isaac Asimov đến từ những trải nghiệm thực tế từ một số tai nạn.
2. Bắt đầu với những điều cơ bản của một truyện ngắn. Sau khi bạn đã chọn được một ý tưởng, bạn cần phải nhớ những điều cơ bản của một truyện ngắn trước khi bắt tay vào viết. Các bước để viết một truyện ngắn tốt là:
- Giới thiệu: giời thiệu nhân vật, thời gian, địa điểm, thời tiết,…
- Hành động khởi đầu: điểm mà truyện bắt đầu có cao trào.
- Cao trào: những sự kiện dẫn đến cực điểm hoặc bước ngoặt.
- Cực điểm: Nơi mà tình tiết phát triển đến đỉnh điểm hoặc bước ngoặt của câu chuyện.
- Thoái trào: câu chuyện của bạn bắt đầu đi đến kết thúc.
- Kết thúc: Một cái kết thỏa mãn, nơi mà vấn đề được đặt ra trong câu chuyện đã được giải quyết – hoặc không. Bạn không cần phải viết theo những thứ tự trên. Nếu bạn có một ý tưởng hay cho phần kết, hãy viết nó xuống. Tiến tới hoặc lùi từ ý tưởng khởi đầu của bạn (đó có thể là phần mở đầu của câu chuyện hoặc không), và tự hỏi “Điều gì xảy ra sau đó?”, “Điều gì xảy ra trước đó?”
3. Tìm cảm hứng từ người thật. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc hiểu hoặc tìm ra tính cách của một nhân vật, hãy xem trong cuộc đời bạn. Bạn có thể dễ dàng vay mượn tính cách của người quen, hoặc một người lạ mà bạn biết.
- Ví dụ, bạn có thể để ý một người nghiện cà phê, có giọng nói vang, và luôn gõ gõ gì đó trên máy tính,… Tất cả những quan sát này có thể tạo nên một nhân vật thú vị. Nhân vật của bạn còn có thể là một tổng hòa tính cách của nhiều người.
4. Hiểu nhân vật của bạn. Để một câu chuyện đáng tin, các nhân vật cần phải “thật”. Có thể rất khó để tạo ra các nhân vật vừa thú vị vừa “thật”. Nhưng dưới đây là một số kĩ năng để tạo ra “người thật” cho câu chuyện của bạn:
- Viết một danh sách, đặt đầu mục là tên nhân vật của bạn, và viết tất cả các tính cách mà bạn có thể nghĩ tới, từ vị trí của nhân vật trong dàn nhạc cho đến màu sắc yêu thích của họ, từ động lực cuộc đời cho đến món ăn yêu thích của họ. Nhân vật của bạn có nói giọng địa phương không? Họ có phong cách kì quặc nào không? Bạn sẽ không bao gồm tất cả những thứ này trong câu chuyện, nhưng bạn càng hiểu nhiều, thì nhân vật sẽ càng “thật”, đối với bạn và với cả người đọc.
- Hãy chắc chắn rằng nhân vật của bạn không hoàn hảo. Tất cả mọi người đều cần có vài khuyết điểm, vài vấn đề, vài nỗi lo. Bạn có thể cho rằng mọi người sẽ không thích đọc về những nhân vật toàn khuyết điểm, nhưng như thế hoàn toàn sai lầm. Batman sẽ không trở thành Kỵ sĩ Bóng đêm nếu như anh ta không phải là một người ở ngoài rìa xã hội!
- Mọi người có thể đồng cảm với những nhân vật có nhiều vấn đề, vì điều đó rất thực tế. Khi đặt ra khuyết điểm cho nhân vật, bạn không cần phải nghĩ ra vấn đề quái đản nào đó (mặc dù bạn hoàn toàn có thể). Với phần lớn nhân vật, hãy dùng những thứ quen thuộc với bạn. Ví dụ như, nhân vật của bạn rất nóng tính, sợ nước, cô độc, không thích tiếp xúc với con người, hút thuốc quá nhiều,… Tất cả những đặc điểm này có thể phát triển qua mạch truyện.
5. Hạn chế chiều rộng câu chuyện của bạn. Một tiểu thuyết có thể kể về câu chuyện kéo dài cả triệu năm, và bao gồm nhiều cốt truyện nhỏ, nhiều địa điểm, và cả một đội quân nhân vật phụ. Sự kiện chính của một truyện ngắn nên xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn (tính bằng ngày hoặc phút), và thường thì bạn sẽ không thể phát triển nhiều hơn một cốt truyện, hai hoặc ba nhân vật chính, và một bối cảnh. Nếu câu chuyện của bạn rộng hơn thế, có lẽ nó nên là một tiểu thuyết.
6. Quyết định người kể chuyện. Có ba góc nhìn chính để kể chuyện: Ngôi thứ nhất (“Tôi”), ngôi thứ hai (“Bạn”), và ngôi thứ ba (“cô ấy” hoặc “anh ấy”). Trong câu chuyện kể ở ngôi thứ nhất, nhân vật trong truyện là người kể chuyện. Trong câu chuyện ở ngôi thứ hai, người đọc trở thành nhân vật trong câu chuyện. Và trong câu chuyện ở ngôi thứ ba, một người ngoài cuộc là người kể lại câu chuyện. (Ngôi thứ hai rất hiếm khi được dùng.)
- Hãy nhớ trong đầu rằng người kể ở ngôi thứ nhất chỉ có thể kể lại những gì họ biết (những điều mà họ thấy hoặc được người khác kể lại), trong khi người kể ở ngôi thứ ba có thể biết tất cả và có thể thuật lại suy nghĩ của nhân vật, hoặc là chỉ biết những gì có thể nhìn thấy được.
- Bạn cũng có thể trộn lẫn những ngôi kể. Ví dụ như, bạn có thể kể bằng ngôi thứ nhất ở chương này, và chuyển sang ngôi thứ ba ở chương khác. Hoặc bạn cũng có thể để cho nhiều nhân vật cùng sử dụng ngôi thứ nhất. Một ví dụ tuyệt vời cho việc này là truyện ngắn “Rashomon” của Akutagawa Ryunosuke. Truyện ngắn này sau đó đã được chuyển thể thành phim bởi đạo diễn Akira Kurasawa.
7. Sắp xếp ý nghĩ. Sau khi đã chuẩn bị những yếu tố căn bản của câu chuyện, ghi ra một dàn ý có thể hữu dụng cho việc quyết định sự kiện nào xảy ra khi nào.
- Câu chuyện của bạn nên bao gồm ít nhất một giới thiệu, sự cố khởi đầu, cao trào, cực điểm, thoái trào và kết thúc. Bạn có thể vẽ hoặc viết ra những miêu tả đơn giản về những gì nên diễn ra ở từng phần. Làm việc này sẽ giúp bạn tập trung khi viết, và bạn cũng có thể dễ dàng thay đổi nó, vì vậy bạn có thể giữ nhịp đều đặn cho đến khi hoàn tất toàn bộ câu chuyện.
8. Bắt đầu viết. Phụ thuộc vào việc bạn có phác thảo ra cốt truyện và nhân vật hoàn chỉnh hay không, quá trình viết có thể chỉ đơn giản là lựa chọn từ ngữ đúng.
- Mặc dù vậy, viết là một quá trình gian truân. Bạn có thể không hiểu rõ nhân vật và cốt truyện như bạn nghĩ, nhưng không sao cả. Theo cách nào đó, nhân vật của bạn sẽ cho bạn biết những gì họ cần, ngay cả khi bạn dồn họ vào chân tường. Hơn nữa, bạn luôn có thể viết bản nháp thứ hai!
9. Tạo sự chú ý. Trang đầu tiên, vài người có thể nói là câu đầu tiên, của bất kỳ tác phẩm nào cần phải thu hút sự chú ý của người đọc và khiến họ mong muốn được đọc nhiều hơn.
- Một khởi đầu nhanh là một điều rất quan trọng trong truyện ngắn bởi vì bạn không có nhiều chữ để kể câu chuyện của mình. Đừng dài dòng với những lời giới thiệu nhân vật hoặc những chi tiết không thú vị về bối cảnh: Hãy đi thẳng vào cốt truyện, và tiết lộ những chi tiết về nhân vật và bối cảnh dần dần theo mạch truyện.
10. Tiếp tục viết. Chắc chắn bạn sẽ gặp trở ngại trên tiến trình hoàn tất câu chuyện. Dù sao đi nữa, bạn cần phải vượt qua điều đó. Bỏ thời gian để viết mỗi ngày, và đặt ra mục tiêu để đạt được, ví dụ như, một trang mỗi ngày. Ngay cả khi cuối cùng bạn sẽ ném những gì bạn viết hôm đó đi, thì bạn cũng đã viết và nghĩ về câu chuyện, và điều đó sẽ giúp bạn tiếp tục trên con đường dài.
11. Để câu chuyện tự viết.Khi phát triển mạch truyện, bạn có thể muốn lái câu chuyện theo hướng khác với hướng bạn đã đặt ra, hoặc bạn có thể muốn thay đổi hoặc loại bỏ một nhân vật. Hãy lắng nghe nhân vật của bạn nếu họ nói với bạn làm điều gì khác, và đừng lo lắng về việc quăng kế hoạch của bạn vào thùng rác khi mà bạn có thể tạo ra một câu chuyện tốt hơn.
Phần 3: Chỉnh sửa một truyện ngắn
1. Đọc lại và chỉnh sửa. Khi bạn đã hoàn tất câu chuyện, hãy đọc lại và sửa các lỗi sai chính tả cũng như các lỗi về ngữ nghĩa. Nói chung, hãy chắc chắn rằng câu chuyện đọc lên trôi chảy và các nhân vật và những vấn đề của họ được giới thiệu và giải quyết thỏa đáng.
- Nếu bạn có thời gian, hãy đặt câu chuyện xuống vài ngày hoặc vài tuần trước khi chỉnh sửa. Cách li bạn khỏi câu chuyện bằng cách này sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn khi đọc lại nó.
2. Lấy ý kiến từ người khác. Gửi câu chuyện đã sửa lỗi của bạn cho một người bạn tin tưởng hoặc người thân để nhận được góp ý từ họ. Cho những người đánh giá của bạn biết rằng bạn muốn nhận được ý kiến thật sự của họ về câu chuyện. Cho họ thời gian để đọc và nghĩ về nó, và cho họ một bản sao của câu chuyện mà họ có thể viết lên trên.
- Hãy chắc chắn rằng bạn xem xét tất cả những ý kiến mà người đánh giá của bạn đưa ra, không chỉ là phần mà bạn thích nghe. Cảm ơn người đánh giá của bạn vì đã đọc truyện, và đừng tranh luận với họ.
- Sửa lại câu chuyện theo những gợi ý mà bạn cảm thấy hợp lý. Kĩ năng viết của bạn sẽ tốt hơn nếu bạn có thể xem xét cẩn thận những phê bình mang tính xây dựng, nhưng bạn không cần phải làm theo tất cả những lời khuyên bạn nhận được. Vài gợi ý có thể không tốt lắm. Đây là câu chuyện của bạn, và bạn cần phải đưa ra quyết định cuối cùng!
3. Đừng bỏ cuộc. Có thể bạn sẽ rất bấn loạn nếu gặp khó khăn khi viết. Bạn có thể mất kiên nhẫn, tức giận với nhân vật, và cảm thấy buồn – hay thậm chí là một chút tội lỗi – khi nhân vật yêu quý của bạn chết hoặc bị giết.
- Hãy biết rằng rất có thể, vào một lúc nào đó, bạn sẽ nghi ngờ khả năng viết của mình. Điều đó hoàn toàn bình thường. Bạn sẽ cảm thấy rằng nó chẳng đáng để tiếp tục, và bạn nên bỏ cuộc và trở thành một người phục vụ quán cà phê. Khi những suy nghĩ này nảy ra trong đầu bạn, chúng có thể dễ dàng nắm quyền kiểm soát và khiến bạn bỏ cuộc.
- Một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất của một nhà văn là học cách đè bẹp những cảm giác đó và tiếp tục viết. Khi bạn bắt đầu có cảm giác nghi ngờ, hoặc thấy mệt hoặc chán, đừng viết nữa! Bạn có thể đứng dậy, đi dạo, ăn vặt gì đó, xem TV hoặc bất cứ thứ gì để thư giãn. Khi quay trở lại, hãy viết với tâm trí tươi mới. Có thể bạn vẫn không muốn viết, nhưng hãy nói với bản thân vài điều tốt về câu chuyện của bạn, bất cứ thứ gì, từ một câu hay mà bạn viết, đến một đoạn hội thoại đầy ý nghĩa, đến một nhân vật thú vị, và chúc mừng chính mình vì điều đó. Bạn đang làm thứ phần lớn mọi người không thể làm được.
- Nếu có ai khác biết về truyện của bạn và đã đọc nó, họ cũng có thể là một nguồn động viên tốt. Hãy nói với bản thân rằng bạn sẽ hoàn tất câu chuyện này bởi vì bạn muốn thế. Không quan trọng nếu câu chuyện này không phải là thứ tốt nhất bạn từng viết, tương lai sẽ có những truyện khác. Nếu có một mục tiêu để hoàn tất, hãy hoàn tất nó, đó là thứ bạn sẽ làm.
4. Đọc! Không gì có thể giúp bạn học cách viết một truyện ngắn tốt hơn việc đọc những truyện ngắn hay. Hãy để ý phong cách và cách các tác giả dùng sự ngắn gọn để làm nổi bật truyện của họ.
- Đọc truyện từ nhiều tác giả với nhiều phong cách có thể giúp bạn định hình giọng văn cho từng câu chuyện mình viết, và mở rộng sự sáng tạo. Hãy chú ý tới cách các tác giả phát triển nhân vật, viết hội thoại, và xây dựng cốt truyện.
Mẹo
- Những truyện ngắn đều có ít nhất hai dòng thời gian. Đó là dòng thời gian khi sự việc diễn ra, và nơi bạn tiết lộ nó cho người đọc. Hai dòng thời gian này không cần thiết phải là một.
- Nếu bạn cảm thấy ngột ngạt hay đầu óc trống rỗng, hãy để nó qua một bên trong một thời gian, một tuần hoặc một tháng, sau đó đọc lại và đánh bóng những gì bạn đã có. Việc này sẽ giúp bạn tiếp tục với sức sống mới.
- Bạn có thể viết về một sự kiện trong quá khứ hoặc một giấc mơ mà bạn có. Một cách rất tốt để viết về quá khứ là nghĩ về sự việc đó và biến nó trở nên thú vị hơn, hợp với mong muốn của bạn hơn. Nhân vật chính có thể lấy từ bản thân bạn hoặc ai đó bạn biết. Những hãy cẩn thận, vì người thật thì thường không thú vị như nhân vật trong truyện.
- Không thể tìm ra người bạn hay người thân nào trung thực đủ để nói với bạn họ thật sự nghĩ gì về câu chuyện? Hãy xem xét việc tham gia một nhóm tác giả, nơi mà bạn có thể học những mẹo nhỏ từ những tác giả khác và (hy vọng rằng) sẽ nhận được những phê bình có chất lượng. Bạn có thể tìm một câu lạc bộ địa phương, nhưng cũng có cả những nhóm online nữa.
- Hãy chắc chắn rằng bạn không bắt trí óc làm việc quá tải. Nếu bạn gặp vấn đề khi nghĩ ý tưởng, hãy làm gì đó khác. Quay trở lại với câu chuyện của bạn sau vài tiếng hoặc sau một giấc ngủ ngon, và bạn sẽ ngạc nhiên bởi những gì mình có thể làm được!
- Hãy nghiên cứu. Nếu bạn muốn viết một câu chuyện về những năm 1950, hãy nghiên cứu về bối cảnh, cách ăn mặc, tiếng lóng,… của thời kỳ đó. Nếu bạn cố viết khi không có những kiến thức trên, câu chuyện trông sẽ rất nghiệp dư, và những người biết về thời kỳ đó chắc chắn sẽ không ngần ngại chỉ trích bạn.
- Phát triển phong cách riêng của bạn. Giọng văn đặc trưng của bạn chỉ có thể có từ việc tập luyện. Bạn có thể bắt đầu bằng việc bắt chước những nhà văn khác hoặc, nếu bạn muốn viết một thể loại đặc biệt nào đó, bạn có thể tập suy nghĩ theo thể loại đó một cách thường xuyên. Cuối cùng, dù sao đi nữa, bạn chỉ cần phải viết.
- Có thể đôi khi bạn muốn ném câu chuyện của mình vào thùng rác, hãy chắc chắn rằng bạn có một lí do thật tốt, không phải chỉ là một cái cớ thoái thác, để làm thế. Nếu bạn chỉ bị mắc kẹt tạm thời, hãy cố viết tiếp. Đôi khi bạn nghĩ ra một chủ đề mà bạn thấy hứng thú hơn. Bạn có thể muốn viết về ý tưởng mới, nhưng nếu điều này xảy ra thường xuyên, nó sẽ trở thành một vấn đề: bạn sẽ bắt đầu rất nhiều câu chuyện, và chẳng hoàn thành cái nào cả.
- Hãy cố làm cho nhân vật của bạn đa dạng. Một người có thể luôn vui vẻ, trong khi người khác có thể luôn buồn chán và giận dữ. Tạo ra nhiều loại tính cách khác nhau sẽ khiến cho câu chuyện thú vị hơn với người đọc. Ai muốn đọc một câu chuyện mà tất cả nhân vật đều giống nhau chứ?
- Nếu bạn gặp vấn đề khi động não, hãy thử vẽ ra một sơ đồ, hay viết ra khoảng 5 câu cho truyện ngắn của bạn. Có thể sẽ có ích nếu bạn thử “viết tự do”, đơn giản là hãy viết ra tất cả những gì nảy ra trong đầu bạn trong một thời gian nhất định, từ 5-30 phút.
- Hãy dùng hình ảnh để giúp hình dung câu chuyện. Não của một số người hoạt động bằng hình ảnh hơn là từ ngữ và chỉ đờn giản bằng cách tưởng tượng một nơi chốn hoặc nhân vật, sau đó thêm vào những chi tiết và cảm xúc, có thể phát triển thành một câu chuyện.
- Nếu có thứ gì đó nảy ra trong đầu bạn, dù là về những ngôi nhà, hay chú chó của bạn, hãy viết nó ra và mở rộng nó. Đây là một món quà từ thần văn chương, nên đừng bỏ phí nó.
- Có bài hát nào hoặc loại nhạc nào giúp bạn kết nối với cảm xúc và sự kiện mà bạn muốn nhắm tới khi viết không? Hãy thử bật nó lên khi bạn đang viết.
- Nghĩ thật kĩ về những yếu tố của câu chuyện, ví dụ như nhân vật chính, bối cảnh, thời điểm, thể loại, nhân vật phụ, nhân vận phản diện và xung đột, và cốt truyện.
- Bạn có thể không cần phải thực hiện việc động não và viết dàn ý, nhiều tác giả đều bỏ qua bước này, và bạn có thể cảm thấy nó không cần thiết. Nhưng tất cả mọi người nên thử viết dàn ý vào lúc nào đó, ngay cả khi chỉ một lần. Hơn nữa, khi không có kế hoạch trước, rất có thể bạn sẽ không viết được một câu chuyện hay.
Cảnh báo
- Đừng nhụt chí. Nếu bạn đang cố xuất bản truyện của mình, nó gần như sẽ bị từ chối. Bị từ chối là một phần lớn của việc làm tác giả, đôi khi đó là điều chắc chắn, đôi khi thì không. Hãy tự hào rằng bạn đã hoàn tất một câu chuyện và tiếp tục tập luyện nếu bạn yêu thích việc này.
- Truyện ngắn là thể loại khó nhất để viết. Bạn phải làm tất cả những thứ xảy ra trong một tiểu thuyết (giới thiệu nhân vật, tạo xung đột, phát triển nhân vật, giải quyết xung đột) trong khoảng 20 hay 30 trang. Hãy tôn trọng thể loại này. Nó không đơn giản đâu.
- Đừng lười biếng với chính tả và ngữ pháp. Cho người đọc thấy rằng bạn biết mình đang làm gì bằng cách đưa ra một câu chuyện không có lỗi. Ít nhất, hãy đưa nó qua một chương trình kiểm tra lỗi chính tả và ngữ pháp.
- Ý tưởng không thể có bản quyền, chỉ có cách diễn tả ý tưởng thì có. Bên cạnh đó, có rất nhiều cốt truyện. Cứ thoải mái vay mượn dàn ý của bất kì tác phẩm nào – nhà văn nào cũng làm thế.
- Đừng quá tự hào về câu chuyện của mình sau khi bạn hoàn tất nó. Hãy chuẩn bị cho sự thất vọng sẽ đến, nhất là sau khi bạn nộp bản thảo cho nhà xuất bản. Thay vào đó, hãy rời xa nó.
Nguồn: http://www.wikihow.com/Write-a-Short-Story
Dịch bởi Pennie P
Chia sẻ:
Có liên quan
Từ khóa » Cách Viết Truyện Ngắn Hay
-
Cách Viết Truyện Ngắn Lôi Cuốn Hấp Dẫn Người đọc
-
Cách để Viết Truyện Ngắn - WikiHow
-
Một Số Mẹo để Viết Truyện Ngắn Hay
-
11 Bước để Viết Truyện Ngắn
-
Viết Truyện Ngắn Như Thế Nào? 11 Bí Quyết Viết Truyện Ngắn Hay
-
Cách Viết Truyện Ngắn Đơn Giản Cho Người Mới Bắt Đầu
-
Cách Viết Truyện Ngắn Như Thế Nào? - XUẤT BẢN SÁCH | AHABOOK
-
Top 10 Bí Quyết để Viết Truyện Ngắn Hay
-
Cách Viết Truyện Ngắn
-
Cách Viết Truyện Ngắn Hay - Diễn Đàn Chia Sẻ
-
[PDF] Cách Viết Truyện Ngắn - Sống Đạo Online
-
CÁCH VIẾT TRUYỆN NGẮN - Sống Đạo Online
-
Đọc Truyện Sưu Tầm Cách Viết Truyện - Cách để Viết Truyện Ngắn
-
Hướng Dẫn Cách Viết Truyện Ngắn Hay Kiếm Tiền - Next VOZ