Kiểm điểm, Rút Kinh Nghiệm! - Tạp Chí Kinh Tế Sài Gòn - Saigon Times
Có thể bạn quan tâm
Kiểm điểm, rút kinh nghiệm!
Luật gia Vũ Xuân Tiền (*)
(TBKTSG) - Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong nhiều cuộc họp, hội nghị, sau khi kiểm điểm, đánh giá về sự không thành công của một chủ trương, biện pháp hay một dự án đầu tư, chúng ta thường được nghe kết luận: Yêu cầu cá nhân, tổ chức có liên quan “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm”! Xung quanh cái kết luận “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm” lại có những vấn đề cần bàn một cách nghiêm túc.
Trước hết, “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm” chỉ là một lời khuyên, không phải là một hình thức kỷ luật. Do đó, sau khi đã gây ra những hậu quả dẫn đến sự thất bại của một chủ trương, chính sách, biện pháp trong quản lý hoặc một dự án đầu tư cá nhân hoặc tổ chức có liên quan sẽ vô cùng phấn khởi khi được yêu cầu “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm”! Vì vậy, những cá nhân có liên quan (với tư cách cá nhân hoặc đại diện cho một tổ chức) sẵn sàng hứa, thậm chí là xin thề, là sẽ “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm”! Và một điều chắc chắn là, “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm” để lần sau... vẫn thế!
Thứ hai, yêu cầu “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm” không phải là một mệnh lệnh bắt buộc và cũng không có một chế tài nào kiểm tra, giám sát đòi hỏi này. Trong phần “xử lý vi phạm” của tất cả các luật, pháp lệnh, nghị định... đều không có quy định nào về “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm”. Đó là cách chỉ đạo theo phương thức “đóng cửa bảo nhau”, “vỗ vai nhắc nhở”. Phương thức ấy không thể được áp dụng trong quản lý kinh tế và xã hội trong phạm vi một doanh nghiệp, một tổ chức và cả trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Thế nhưng, tại sao điều đó lại đã và đang trở nên phổ biến ở nước ta?
Thứ ba, chúng ta đã và đang phải trả giá quá đắt với yêu cầu “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm”. Chẳng hạn, để người nghèo đón Tết cổ truyền của dân tộc, Nhà nước đã hỗ trợ với nhiều ngàn tỉ đồng. Song, ở nhiều nơi, số tiền này đã bị sử dụng sai mục đích, người nghèo đã không được hỗ trợ hoặc bị cắt xén tiền hỗ trợ; ngược lại, những cán bộ có chức, có quyền lại chia nhau hưởng lợi bất chính. Sự việc bị báo chí phát hiện và đã được giải quyết bằng biện pháp yêu cầu “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm”!
Hàng loạt dự án đầu tư đã tiêu tốn từ một, vài đến hàng chục tỉ đồng nhưng khi dự án hoàn thành đã không được sử dụng vào bất kỳ việc gì và cũng được yêu cầu “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm”! Dự án cầu Nhật Tân, Hà Nội do chậm tiến độ nên tổng đầu tư (theo dự toán) đội lên tới 8.000 tỉ đồng; chỉ một đoạn đường ngắn từ Pháp Vân đến Cầu Giẽ, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm chi tới 20 tỉ đồng do đền bù sai đối tượng; áp giá đền bù sai; thanh toán sai... Những tổn thất ấy cũng chỉ giải quyết bằng yêu cầu “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm”! Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra tình trạng chi tiêu lãng phí, không đúng chế độ tới hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm ở hầu hết các cơ quan quản lý nhà nước. Tình trạng đó cũng chỉ được yêu cầu “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm”!
Tiền chi ra từ ngân sách nhà nước, dù dưới hình thức nào, cũng có nguồn gốc là tiền thuế của dân. Người dân có nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước, nếu cố tình hay vô ý không thực hiện nghĩa vụ đó, đều bị xử phạt, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng những người có quyền chi tiêu lãng phí tiền thuế do dân đóng góp lại chỉ phải “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm”. Điều đó thật là vô lý, không thể chấp nhận được.
Đảng và Nhà nước ta đã có một hệ thống các cơ quan quản lý từ trung ương tới địa phương, một hệ thống các văn bản quy định về quyền hạn, trách nhiệm của từng vị trí công tác. Theo đó, mọi hành vi vi phạm, khuyết điểm đều có một hình thức kỷ luật tương ứng. Thế nhưng, vì lý do gì, biện pháp “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm” lại được sử dụng thay thế những quy định ấy?
Cái giá phải trả cho yêu cầu “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm” bằng sự thất thoát tiền và tài sản là rất lớn. Song, lớn hơn là lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước sẽ bị xói mòn, mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh” khó có thể trở thành hiện thực. Xin đề nghị chấm dứt ngay việc xử lý hậu quả của những hành vi vô trách nhiệm, tham nhũng, lãng phí bằng yêu cầu “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm”.
________________________________
(*) Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tư vấn VFAM Việt Nam
Từ khóa » Nghiêm Túc Kiểm điểm Rút Kinh Nghiệm
-
Vụ Biệt Thự Nhiều Vi Phạm: 2 Cán Bộ Tự Kiểm điểm, Nghiêm Túc Rút ...
-
Nghiêm Túc Kiểm điểm, Rút Kinh Nghiệm đối Với Tổ Chức, Cá Nhân Có ...
-
Nghiêm Túc Rút Kinh Nghiệm Và Rút Kinh Nghiệm Sâu Sắc
-
Nghiêm Túc Kiểm điểm Rút Kinh Nghiệm - Tuổi Trẻ Online
-
Nghiêm Túc Kiểm điểm, Rút Kinh Nghiệm Trong Công Tác Phòng, Chống ...
-
Không Lạm Dụng “rút Kinh Nghiệm” Trong Xử Lý Kỷ Luật Cán Bộ, đảng ...
-
Mẫu Bản Kiểm điểm Rút Kinh Nghiệm - Luật Sư X
-
Không Có Trong Danh Mục Hình Thức Kỷ Luật, Vì Sao 'rút Kinh Nghiệm ...
-
Thông Báo Kỳ Họp Thứ 24 Của Ủy Ban Kiểm Tra Trung ương - Chi Tiết Tin
-
Nhiều Cán Bộ 'nghiêm Túc Kiểm điểm Rút Kinh Nghiệm' Vụ Nữ Trưởng ...
-
Nghiêm Túc Kiểm điểm, Rút Kinh Nghiệm Liên Quan đến Việc Tiếp Nhận ...
-
Một Số Kinh Nghiệm Rút Ra Trong Công Tác Kiểm Tra, Giám Sát Nhiệm Kỳ ...
-
Nghiêm Túc Rút Kinh Nghiệm Từ đại Hội đảng Bộ, Chi Bộ Cơ Sở
-
Kiểm điểm Rút Kinh Nghiệm - Tin Tức Cập Nhật Mới Nhất Tại