Kiểm Soát Tin Giả Trong Phòng, Chống Dịch Covid-19
Có thể bạn quan tâm
Tin giả về đại dịch và phòng, chống dịch COVID-19 có thể xuất phát từ sự vô ý, tùy tiện, thiếu trách nhiệm hoặc chủ ý của người tạo ra và đưa tin, nhằm phá hoại và trục lợi về kinh tế, làm cản trở, giảm uy tín, hiệu quả hoạt động của tổ chức, cơ quan và cả xã hội trong phòng, chống dịch bệnh.
Thời gian gần đây, tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch COVID-19 có dấu hiệu gia tăng. Trong đó, tập trung chủ yếu vào việc kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vaccine COVID-19, xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vắc xin của Chính phủ, việc sử dụng Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19; xuyên tạc về tình hình dịch bệnh tại một số điểm nóng hay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương...
Nhiều thông tin có nguồn từ các video clip của những người cách ly, người dân trong khu vực bị giãn cách, phong tỏa. Việc xuất hiện nhiều thông tin xấu độc cùng số lượng lớn các video clip “tự phát” được phát tán tràn lan trên không gian mạng đã làm giảm niềm tin của người dân vào công tác phòng chống, dịch bệnh; gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội… Nếu không xử lý tốt sẽ dễ phát sinh điểm nóng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh của cả nước. Đặc biệt, hiện nay các thế lực thù địch đang có xu hướng gia tăng việc sử dụng tin giả để chống phá sự ổn định và phát triển của đất nước trên tất cả các lĩnh vực và bằng tất cả các phương diện khác nhau, do dó hoạt động phòng, chống tin giả liên quan đến dịch COVID-19 phải được xác định là mặt trận hàng đầu hướng đến mục tiêu nhanh chóng chiến thắng đại dịch.
Phân tích về tin giả về dịch COVID-19 và phòng, chống dịch COVID-19 ở Việt Nam có thể cần làm rõ hơn ở một số vấn đề sau đây:
Một là, tin giả về dịch COVID-19 xuất hiện ngay từ thời điểm đầu tiên dịch xuất hiện và kéo dài thường xuyên liên tục. Lợi dụng khả năng ẩn danh trên mạng xã hội, một số người không ngần ngại đăng tải thông tin bịa đặt, ác ý về tình hình dịch bệnh. Vì vậy, tin giả hoành hành nhanh và nguy hiểm hơn cả dịch COVID-19. Sự hoảng loạn của số đông có thể làm cho mối nguy cơ của dịch bệnh tăng theo cấp số nhân. Chẳng hạn, việc mua vét, tích trữ khẩu trang, dịch sát trùng, bình thở oxi… ngoài vùng dịch, những nơi ít bị dịch bệnh đe dọa, khiến cho những người có nhu cầu thực sự lại không thể tiếp cận với phương pháp phòng dịch tối thiểu và cơ bản. Từ đại dịch thông tin tác động đến sự kỳ thị của cộng đồng với những cá nhân liên quan đến COVID-19; và do vậy dẫn đến khó kiểm soát dịch bệnh vì người bệnh sẽ giấu bệnh, không dám khai báo. Thậm chí những kẻ thiếu thiện chí còn bịa đặt, vu cáo cơ quan chức năng che giấu thông tin, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền nhằm thực hiện mưu đồ chính trị đen tối của mình…
Hai là, tin giả về dịch COVID-19 chủ yếu từ truyền thông xã hội. Thông tin thiếu được kiểm chứng, thiếu được trích dẫn nguồn, hoặc nếu có thì nguồn được gán cho người hay tổ chức có uy tín trong ngành Y thường có xu hướng dẫn giải sai lệch, không có thật, gây hoảng sợ trong cộng đồng. Trong khi đó, người tiếp nhận không phân biệt ý kiến của một người và cơ quan chức năng có thẩm quyền khi đưa ra các thông tin liên quan đến dịch bệnh và hoạt động phòng, chống dịch COVID-19. Không ít người chỉ có thói quen tiếp cận thông tin mà hầu như không có năng lực sàng lọc thông tin. Nhiều công chúng tiếp cận truyền thông xã hội nhưng thiếu kỹ năng kiểm chứng tin. Xu hướng công chúng “ nghiện truyền thông xã hội”, coi truyền thông xã hội là nguồn cung cấp thông tin chính về dịch COVID-19, nhưng lại chưa có nhiều người có năng lực tự đánh giá thông tin thật/giả. Do đó, khi công cụ truyền thông xã hội nằm trong tay hàng chục triệu người dân, thì Nhà nước rất khó có chế tài xử phạt nào hiệu quả, cũng như các cơ quan chức năng không thể đủ lực lượng để giám sát, kiểm tra, xử lý kịp thời.
Ba là, lâu nay không ít người dân Việt Nam vẫn tin tưởng các thông tin do truyền thông xã hội cung cấp, coi đó là nguồn đáng tin cậy bên cạnh các kênh thông tin chính thống. Vì thế, với thiện chí muốn giúp nhau cập nhật về những diễn biến của bệnh dịch và có thêm các thông tin phòng chống, rất nhiều người đã không ngần ngại chuyển tiếp qua mạng xã hội các tin thiếu chính xác, sai khoa học liên quan tới đại dịch. Trong dòng chảy thông tin về dịch bệnh, rất nhiều người muốn được tham gia, thể hiện mình là người nhạy cảm với thời cuộc, có tác động đến xã hội. Tuy nhiên, họ không thể lường hết được những hậu quả xã hội do các tin giả được phát tán trên truyền thông xã hội.
Bốn là, không ít tài khoản mạng xã hội có nhiều người theo dõi đã lợi dụng những thông tin về dịch bệnh để “nuôi” sức hút cho tài khoản của mình. Họ liên tục cập nhật những thông tin liên quan đến dịch bệnh, trong đó, có những thông tin chưa kiểm chứng, thông tin sai, trích dẫn những con số hay dự báo thiếu căn cứ khoa học và chuyên môn... Đây chính là một lý do dẫn đến tin giả về COVID-19 lại được các tài khoản mạng có nhiều người theo dõi quan tâm tận dụng, nhằm mục tiêu lợi ích kinh tế bất chấp các tổn hại đối với xã hội.
Năm là, các tin giả về dịch COVID-19 gây nên sự sợ hãi về căn bệnh này sẽ dẫn đến hệ quả xã hội nghiêm trọng hơn bản thân đại dịch. Việc tiếp cận tin giả về sự nguy hiểm của dịch bệnh, số lượng người chết về dịch bệnh, các biện pháp phòng ngừa và điều trị phi khoa học hoặc chưa được kiểm chứng… khiến không ít người hoang mang, sợ hãi. Những tin giả liên quan đến việc đeo khẩu trang, xét nghiệm, hiệu quả thử nghiệm vaccine, nguồn gốc của COVID-19; tình trạng tử vong… đã làm giảm mức độ sẵn sàng của người dân trong việc tuân thủ những hướng dẫn về bảo vệ sức khỏe cộng đồng (các biện pháp 5K, duy trì giãn cách xã hội…). Các tin giả còn có khả năng tạo các tâm lý phản đối, mâu thuẫn trong xã hội, khiến người dân không tin tưởng vào các cơ quan chức năng, chính quyền trong phòng, chống dịch hiện nay.
Từ đó, thiết nghĩ muốn hạn chế nguy cơ gia tăng tin giả về dịch COVID-19, các cấp, các ngành và mỗi người dân cần tuân thủ và thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Thứ nhất, cần phải đảm bảo sự thành công rõ ràng, kịp thời của các biện pháp phòng, chống đại dịch đang được triển khai. Nếu những kết quả phòng, chống dịch và tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, có triển vọng tích cực thì các tin giả liên quan, cũng như hệ quả tác động xã hội tiêu cực của nó sẽ có xu hướng giảm.
Thứ hai, mỗi nhà báo và cơ quan báo chí phải đảm bảo “vai trò mục tiêu kép”, vừa là nhà báo, cơ quan báo chí chuyên nghiệp tích cực sản xuất, đưa tin về các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19; vừa là những cá nhân, tổ chức đi đầu trong phòng, chống tin giả liên quan đến dịch COVID-19. Trong đó, đặc biệt là đảm bảo năng lực, trách nhiệm và tính hiệu quả của nhà báo, cơ quan báo chí trong kiểm chứng nguồn tin của hoạt động báo chí. Nhà báo và cơ quan báo chí không chỉ là người phát hiện ra thông tin mà còn phải có trách nhiệm thẩm định, kiểm chứng và giải thích thông tin. Phát huy vai trò chủ động, tiên phong, dẫn dắt, định hướng của báo chí chính thống, bảo đảm chính xác, kịp thời, góp phần ngăn chặn tin giả.
Thứ ba, cần tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan chức năng có thẩm quyền, các chuyên gia có uy tín cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh, và phòng chống dịch COVID-19 trên các phương tiện truyền thông đại chúng; và đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội được tiếp cận.
Thứ tư, cần tích cực đẩy mạnh tuyên truyền trên các loại hình truyền thông hướng đến mục tiêu: mọi người dân đều có hiểu biết cơ bản về dịch bệnh; mọi người dân đều có thái độ bình tĩnh và yên tâm về các biện pháp phòng, chống dịch; mọi người dân đều chủ động tuân thủ, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch; mọi người dân tích cực chấp hành các quy định liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đồng thời, các thông điệp về truyền thông cần thống nhất, dễ hiểu để mọi giai tầng xã hội đều nhận thấy rõ chủ trương, lộ trình của các biện pháp và mục tiêu phòng, chống dịch COVID-19 của Đảng và Nhà nước dựa trên bằng chứng: “Biết mình đang ở đâu, khó khăn gì, cần phải làm gì, những bước thực hiện tiếp theo là gì, các mục tiêu và triển vọng trung và dài hạn”.
Thứ năm, mỗi người dân nói chung cần tự nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội của bản thân, hãy bình tĩnh để tiếp nhận những thông tin và dữ kiện ở các cơ quan có thẩm quyền, ngay cả khi nó trái ý hay ngoài mong đợi; đồng thời phải không ngừng tự tích lũy năng lực xử lý sàng lọc thông tin khi tham gia truyền thông xã hội.
Quang Nghị
Từ khóa » Các Biện Pháp Phòng Chống Tin Giả
-
Ngăn Chặn Tin Giả, Tin Sai Sự Thật Về Dịch Bệnh Covid-19
-
Phòng, Chống Tin Giả Trên Không Gian Mạng Và Cách Nhận Diện
-
Các Nước Mạnh Tay Phòng Chống Tin Giả - BÁO SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
-
Tăng Cường Xử Lý Tin Giả, Tin Sai Sự Thật Về Covid-19 Trên Mạng
-
Tăng Cường Tuyên Truyền, Xử Lý Tin Giả, Tin Sai Sự Thật Về Bệnh COVID ...
-
Giải Pháp Kiểm Soát Tin Giả Trong Phòng, Chống Dịch COVID-19
-
Phòng Chống Tin Giả: Giải Pháp đồng Bộ Và Chế Tài đủ Mạnh
-
Tăng Cường Xử Lý Tin Giả, Tin Sai Sự Thật Về Covid-19 - Sở Y Tế Cà Mau
-
Nguyên Nhân Và Giải Pháp Kiểm Soát Tin Giả Trên Mạng Xã Hội
-
Kiểm Soát Và Giảm Thiểu Tác Hại Xã Hội Của Tin Giả
-
Các Giải Pháp Kỹ Thuật, Công Nghệ Góp Phần Ngăn Chặn Thông Tin Sai ...
-
24/08/2020: Cảnh Giác Với Tin Giả Trên Mạng Xã Hội
-
Chống Tin Giả - Fake News, Tin Rác, Thông Tin Sai Sự Thật.
-
Ngăn Chặn Tình Trạng Tin Giả Trên Mạng Xã Hội