Kiếm Tiền Online, Coi Chừng Mắc Bẫy - VietNamNet

"Việc làm tại nhà ổn định, ngày làm chỉ 2-3 tiếng là nhận được từ 300 đến 500.000 đồng…" hay "chỉ cần ít vốn tải app về và chỉ ngồi đếm tiền…" và hàng trăm status khác của các trang mạng xã hội không khỏi làm nhiều người đang rảnh rỗi tò mò, muốn kiếm thêm thu nhập vào xem cách kiếm tiền thời 4.0. Thế nhưng, không ai biết được đâu là những việc thật hay những dẫn dắt quanh co nhằm trục lợi của những kẻ "buôn vịt trời" có hạng!

Chiếc bánh vẽ "việc nhẹ, lương cao…"

Để tìm hiểu kỹ, chúng tôi đã tham gia vào các nhóm (group) "săn việc" qua các trang mạng xã hội nhằm tìm hiểu rõ thông tin hoạt động của các nhóm này. Lướt sơ qua trang mạng xã hội Facebook, gõ tìm kiếm "kiếm tiền online" là có thể bắt gặp hàng chục "cách" kiếm tiền online, mỗi nhóm đều rêu rao có từ vài trăm đến hàng trăm ngàn người tham gia tìm kiếm thông tin, việc làm thêm cho những người có thời gian nhàn rỗi muốn kiếm thêm thu nhập. Tại đây, có đủ các loại công việc giới thiệu cho các người tham gia, công việc từ đào tiền ảo (đào coin), hay tạo app trên điện thoại...

{keywords}
Một nhóm tạo trang shopping mall chụp ảnh sự kiện nhằm lôi kéo nhiều người tham gia

Thế nhưng, không phải dễ để kiếm được một công việc đúng nghĩa giống như lời quảng cáo được đăng tải. Qua một dòng trạng thái "Rảnh thời gian, không cần vốn, ngày làm 2 tiếng tại nhà trên điện thoại, tuần thu nhập 2 triệu", do một người dùng tên là T.V đăng trên mạng xã hội qua group "Kiếm tiền online 5.0", trong vai người tìm việc, chúng tôi đã kết nối với người này yêu cầu hướng dẫn.

Chưa đầy một phút, T.V đã phản hồi: "Đây là công việc rất đơn giản, chỉ cần đăng ký theo đường link và có mã giới thiệu của T.V, làm theo hướng dẫn sẽ được. Khi thực hiện xong thì mới biết đây là một website tiếp thị, công việc là lấy những link quảng cáo từ các website mua bán, tạo thành một link mới cho mình và đăng trên các trang mạng xã hội. Khi có một người click vào để xem quảng cáo và mua hàng thì người tạo link sẽ được một số tiền hoa hồng tương ứng, ngoài ra khi thành viên mời được người mới đăng ký cũng sẽ được nhận một khoản hoa hồng… Thì cũng là một việc. Tuy nhiên, cách này vẫn còn khả dĩ chấp nhận được, mặc dù không hề "việc nhẹ, lương cao" như lời rao bởi để lôi kéo câu view là cả một nghệ thuật, đòi hỏi bài bản và kỹ năng chứ đâu phải dễ như ra đường... nhặt lá!

Những người dùng mạng xã hội đăng tải nhiều status như một "ma trận" đủ loại công việc khiến cho nhiều người lầm tưởng đây là những công việc kiếm tiền thật sự nhẹ nhàng, lương cao, nhưng thực ra đó như những "miếng bánh" dụ những ai ham tiền, muốn kiếm tiền nhanh mà lại chỉ thích làm việc nhẹ nhàng.

Chúng tôi tiếp tục tiếp cận với một facebooker có nickname K.Phương trên trang "Kiếm tiền Online", Phương giới thiệu app kiếm tiền trên điện thoại webshopping, Tiki8866.com, RichN giống như một game trò chơi giật đơn hàng được cho là dễ kiếm tiền mà không mất thời gian. Theo tính toán của Phương, lợi nhuận một tháng lên tới 150%, chỉ cần nạp ít vốn ban đầu (tối thiểu 300.000đ, cao nhất 500 triệu đồng) vào ví ảo (tài khoản để chơi) là kiếm được lợi nhuận và rút tiền được ngay.

Theo hướng dẫn của K. Phương, phóng viên (PV) cũng đăng ký thử trải nghiệm, sau khi tải app có biểu tượng logo chữ S (không khác gì logo của trang mua sắm Shopee) thì đăng ký tài khoản, sau đó đăng nhập vào app. Trên app có phần giới thiệu: "Trang Shopping Mall là một phần của công ty thương mại điện tử xuyên biên giới Shopee, có trụ sở chính tại Singapore…" nhằm cho khách vào chơi có cảm giác yên tâm, game được chơi bằng cách click vào chữ "giật đơn" để nhận món hàng ảo được mua, từ thông tin giá của đơn hàng ảo sẽ nhận được hoa hồng tương ứng, mỗi ngày làm được 60 đơn hàng.

Hơn thế nữa sau khi đăng ký xong, chúng tôi chụp lại ảnh và gửi hình cho K. Phương để được cho vào một nhóm kín trên Zalo như đã hứa hẹn, nhưng điều đặc biệt là trên nhóm kín này chỉ có boss (nhóm người tạo zalo) mới được quyền trao đổi cung cấp thông tin cho nhóm. Chỉ sau 2 ngày, một boss có nickname là Cau thông báo cho các thành viên biết trong nhóm hiện có hơn 5.000 người tham gia. Để thu hút nguồn vốn, boss còn đưa ra chiêu trò khuyến mãi nạp càng nhiều được hưởng hoa hồng càng cao. Đến ngày thứ 4 thì app bị sập, kèm theo đó là mọi thông tin trên zalo cũng bị… giải tán. Với chiêu trò đó, hàng ngàn người chơi đã bị mắc bẫy nạp tiền, người ít, kẻ nhiều, số tiền nhóm người tạo zalo lừa của người tham gia được cho là cũng lên đến vài tỉ đồng.

{keywords}
Người dân đến Cơ quan Công an tố cáo một trang web lừa đảo hàng tỷ đồng.

Sập app này lập app mới

Chị Hoa, một người làm trong lĩnh vực phần mềm vi tính cho biết, những app kiếm tiền này đa phần đều ảo. Phần mềm được viết, xây dựng rất sơ sài, thông tin không rõ ràng, không có địa chỉ cụ thể, không tồn tại được lâu. Sau khi tạo website, app điện thoại lôi kéo khách hàng vào chơi, các nhóm này sẽ tìm cách đánh vào lòng tham của khách hàng nhằm dụ dỗ "con mồi" nạp thật nhiều tiền, đến khi thấy vừa đủ là bọn chúng sẽ cho sập app, xem như mọi thông tin bị cắt đứt không thể liên lạc được, chị Hoa cho biết thêm.

Tìm kiếm thêm thông tin trên trang mạng xã hội Shopping mall được biết, các dạng app này bị sập không phải là mới. Trong đợt dịch COVID-19 năm 2020, app "giật đơn hàng" Tailoc888 cũng đã lấy đi hàng tỉ đồng của những người tham gia nhằm kiếm những khoản thu nhập hấp dẫn này. Chỉ trong vài ngày sau khi kích ứng được hàng tỉ đồng từ hàng ngàn người chơi, app Tailoc888 bỗng dưng bị sập để lại nhiều nỗi đau, sự uất ức cho nhiều người.

 Tuy nhiên, khi app Tailoc888 vừa sập chưa được bao lâu thì trên mạng xã hội lại xuất hiện không ít trang web, app khác được đăng tải với hình thức kiếm tiền dễ dàng hơn, hoa hồng cao hơn. "Khách thân quen" lại tiếp tục tìm đến những website, app này, đến khi app bị sập thì họ lại giật mình biết rằng mình bị lừa nhưng không biết khiếu nại ở nơi đâu, vì thông tin trên các website, app kiếm tiền trên điện thoại kiểu này đều mập mờ không rõ ràng, chỉ duy nhất có số tài khoản của người nạp tiền được đưa lên hệ thống.

Theo chị Hoa, những website, app trên điện thoại dạng này được viết rất đơn giản nên khi sập, thì chỉ cần một thời gian ngắn là có thể sửa đổi website, app khác dựa trên nền tảng lập trình của website, app cũ. Đối tượng chỉ cần thay đổi hình ảnh, cách thiết kế đôi chút là tạo lại ngay một website, app mới, vì không có đăng ký pháp lý rõ ràng nên các loại hình thức này chỉ sử dụng được một thời gian là phải thay đổi để tránh sự giám sát của cơ quan chức năng.

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân, trong thời gian qua có một số website, app cá nhân thiết kế lập trình trò chơi, những yếu tố thu hút khách hàng tham gia để câu view, like hay hướng dẫn một cách thức một công việc, điều chắc rằng cách thức như vậy phải tốn một chi phí nào đó. Sau một thời gian, khi số khách hàng tham gia, hoặc số tiền của những khách hàng chơi trò chơi có đầy app hay không, nếu có đủ 2 điều kiện này, người tạo ra áp có một lợi nhuận nhất định, sau đó sẽ chiếm dụng số tiền của khách hàng, thậm chí sẽ làm sập website, app chỉ là sớm hay muộn.

{keywords}
Sau mỗi app kiếm tiền sập sẽ có những app kiếm tiền khác lập tức thay thế, lôi kéo người chơi để kiếm hoa hồng.

Cho đến nay, những website, app trên điện thoại kiếm tiền vẫn được một số người quảng cáo trên các trang mạng xã hội Facebook, zalo và đang hoạt động, dù biết là những trang web này là website ảo, app kiếm tiền ảo, nhưng một số người trên mạng xã hội vẫn âm thầm tham gia vào các group này để mong kiếm được món hời cho công việc nhẹ nhàng không tốn nhiều thời gian.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), những mô hình hoạt động của các website, ứng dụng "hoàn tiền mua sắm" (cashback) đều không rõ ràng, không minh bạch trong mô hình hoạt động, có nhiều dấu hiệu biến tướng, sử dụng mô hình kinh doanh đa cấp trái phép.

Cashback thời gian gần đây nổi lên như một xu hướng mua sắm thương mại điện tử hiện đại. Tuy nhiên, qua quá trình theo dõi và thu thập thông tin qua các phương tiện Internet, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhận thấy nhiều trang thương mại điện tử, ứng dụng internet được quảng cáo theo mô hình cashback và có những đặc điểm như khi sử dụng các website, ứng dụng thương mại điện tử này để giao dịch mua sắm thì người tham gia được "vẽ" là luôn có lợi với giá trị hoàn tiền/ chiết khấu cho mỗi giao dịch được quảng cáo rất hấp dẫn từ 80% tới 100% hoặc thậm chí cao hơn dành cho cả bên bán và bên mua.

Để hạn chế những rủi ro tài chính và pháp lý, Cục cảnh báo người dân không nên tham gia đầu tư và phát triển hệ thống của những website và ứng dụng thương mại điện tử có dấu hiệu này.

Tuy nhiên, vẫn có một số người mê muội, lao vào những trò chơi "giật đơn hàng" trên app kiếm tiền của bọn lừa đảo, họ cho rằng vì đã mất tiền vào những lần app trước bị sập nên những app sau này sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn. Một nickname tên NK cho biết, đầu tháng 4-2021, từng được rút tiền lãi sau khi chơi trên app webshopping555.cc, đến ngày 10-4 app sập thì đã nhanh chóng lên facebook "săn" app để chơi tiếp, thời gian rảnh không làm gì cứ kiếm app thế này cũng được, dù biết app không tồn tại bao lâu nhưng cũng được một khoản tiền "cơm gạo"(?) NK còn cho hay anh này giới thiệu một người bạn, người này cũng nạp 10 triệu vào app mới chơi chung. Bình quân một ngày NK cũng kiếm được 500.000đ, sau 4- 5 ngày, NK sẽ rút tiền cả gốc lẫn lãi, phòng ngừa app sập...

Chuyện app có sập trước hoặc sau 5 ngày hay không thì đây cũng là một kiểu dung túng cho hành vi mờ ám, có thể NK và bạn của anh ta không mất tiền khi chơi app lừa đảo này nhưng còn rất nhiều người vẫn lao vào những trò kiếm tiền như thế này sẽ là "mồi ngon" cho chúng, và vòng lặp lại xoay vòng. Chẳng có việc nhẹ, ít vốn không tốn thời gian lại mang lại thu nhập cao bất thường nào cả. Do vậy, người dân cần đề cao cảnh giác khi tham gia mạng xã hội kiếm việc làm online, tránh bị dụ dỗ, mất tài sản một cách đáng tiếc.

(Theo An Ninh Thế Giới)

Từ khóa » G66 Lừa đảo