Kiểm Toán Phần Hành Nợ Phải Thu Khách Hàng - Học Viện APT

Nợ phải thu từ khách hàng là những khỏan phải thu bằng tiền hoặc tương đương tiền mà doanh nghiệp sẽ thu được từ việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng. Khách hàng là những đơn vị hoặc cá nhân bên ngòai doanh nghiệp.

1. Trước khi tiến hành các thủ tục kiểm toán, chúng ta cần thu thập những tài liệu sau:

  • Chi tiết các khoản phải thu của khách hàng, phải thu nội bộ và các khoản ứng trước từ khách hàng, bao gồm số dư nguyên tệ và giá trị chuyển đổi sang đồng Việt Nam (nếu có)
  • Liệt kê chi tiết tuổi nợ của các khoản phải thu và bảng chỉnh hợp khớp đúng với sổ cái (nếu có sự khác biệt)
  • Bảng lập dự phòng phải thu khó đòi và danh sách các khoản nợ khó đòi trong kỳ đã được xóa nợ.
  • Chính sách tín dụng cập nhật trong năm (nếu có).
  • Những chứng từ nhận tiền sau niên độ tính đến thời điểm kiểm toán của những khoản phải thu này.

2. Các rủi ro và sai sót thường gặp đối với kiểm toán nợ phải thu khách hàng:

  • Chưa có chính sách tín dụng cụ thể, hoặc không được cập nhật;
  • Cùng một khách hàng nhưng theo dõi theo nhiều đối tượng;
  • Không theo dõi tuổi nợ chính xác;
  • Không tiến hành đối chiếu cuối kỳ cho các khoản phải thu lớn, hoặc sai lệch không được xác định;
  • Ghi nhận doanh thu và khoản phải thu không đúng kỳ kế toán;
  • Ghi nhận các khoản phải thu ảo;
  • Việc tạo các khách hàng mới trong hệ thống không được xét duyệt đầy đủ;
  • Các khoản phải thu không rõ đối tượng;
  • Không theo dõi chính xác các khoản nợ phải thu ngắn và dài hạn;
  • Chưa trích lập đầy đủ dự phòng các khoản phải thu bị quá hạn hoặc không có kha năng thu hồi;
  • Chưa tiến hành đánh giá lại các khoản phải thu gốc ngoại tệ cuối kỳ.

3. Các thủ tục đối với kiểm toán nợ phải thu khách hàng:

  Kiểm toán viên sẽ yêu cầu đơn vị được kiểm toán cung cấp cho mình bảng tổng hợp công nợ (và bảng phân loại tuổi nợ nếu đơn vị có).

  Đối chiếu số dư trên bảng tổng hợp công nợ với sổ cái, sổ chi tiết và trên BCĐKT, kiểm tra việc chuyển số dư năm trước sang năm nay để thu thập bằng chứng cho cơ sở dẫn liệu chính xác.

  Từ bảng tổng hợp công nợ kiểm toán viên sẽ tiến hành phân nhóm khách hàng để có những thủ tục kiểm toán phù hợp. Thông thường có những nhóm được phân loại như sau:

  • Nhóm không có số phát sinh (có nghĩa là số dư đầu kỳ và số dư cuối kỳ bằng nhau). Thông thường nhóm này sẽ có một số rủi ro như là tại sao lại không thu được nợ, có lập dự phòng hợp lý hay không…
  • Nhóm có số dư lớn: tùy vào mức trọng yếu mà kiểm toán viên sẽ phân loại những nhóm khách hàng có số dư vào nhóm này.
  • Đối với hai nhóm này, thông thường thì số lượng ít và nếu có xảy ra sai sót thì thông thường là sai sót ảnh hưởng trọng yếu đến toàn bộ khoản mục hoặc là toàn bộ BCTC nên kiểm toán viên sẽ tiến hành gửi thư xác nhận công nợ 100% để kiểm tra tính hiện hữu, quyền, nghĩa vụ cũng như tính chính xác của số dư. Trường hợp không nhận được thư xác nhận, buộc kiểm toán viên phải thực hiện thủ tục thay thế để thu thập bằng chứng kiểm toán. Nếu không nhận được thư xác nhận và không thể thực hiện được thủ tục thay thế nào khác, thì tùy vào mức độ ảnh hưởng mà kiểm toán viên sẽ hình thành ý kiến trên báo cáo kiểm toán dạng ngoại trừ hay từ chối đưa ra ý kiến.
  • Nhóm còn lại : đối với nhóm này có đặc điểm là đối với từng số dư thường nếu sai sót thì không có ảnh hưởng trọng yếu, nhưng nếu có sai sót nhiều khoản số dư cùng lúc thì sẽ gây ảnh hưởng trọng yếu trên BCTC, chính vì vậy với xét đoán nghề nghiệp và năng lực cá nhân của mình cùng với mức trọng yếu đã được thiết lập kiểm toán viên sẽ tiến hành tính toán cỡ mẫu, chọn mẫu gửi thư xác nhận sao cho đảm bảo không có sai sót trọng yếu, hạn chế tối thiểu rủi ro phát hiện và phù hợp với thời gian cũng như chi phí.

  Trong trường hợp không nhận được thư xác nhận, kiểm toán viên sẽ sử dụng các thủ tục thay thế như: kiểm tra các sự kiện sau ngày kết thúc niên độ, kiểm tra các hợp đồng giao dịch, kiểm tra các hóa đơn trong tháng 12 và tháng 1 trước và sau ngày khóa sổ lập BCTC. Bằng việc sử dụng các thủ tục thay thế này, kiểm toán viên cũng có thể xem xét sự phân chia niên độ (kỹ thuật kiểm cut-off), để thông qua đó tìm hiểu xem là đơn vị đã ghi nhận các khoản công nợ có đầy đủ với doanh thu hay không.

  Dựa vào bảng tổng hợp công nợ hoặc bảng phân loại tuổi nợ nếu có thì kiểm toán viên sẽ xem xét việc phân loại nợ ngắn hạn, dài hạn có hợp lý hay không.

  Đối với các khoản công nợ có gốc ngoại tệ: kiểm toán viên cũng cần phải xem xét việc đánh giá lại tỷ giá vào cuối kỳ có phù hợp với giá hiện hành và qui định hay không.

  Trong trường hợp khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi: kiểm toán viên sẽ xem xét chi tiết việc trích lập cho ai, xem tuổi nợ rồi tự mình tính toán lại cái khoản dự phòng để xem có phù hợp với qui định trích lập nợ phải thu khó đòi tại thông tư 228 hay không, cùng với việc đối chiếu với bảng số liệu của khách hàng để kiểm tra lại số liệu cụ thể cho từng đối tượng.

  Sau khi thực hiện kiểm tra chi tiết số dư, hay chi tiết nghiệp vụ, kiểm toán viên sẽ tiến hành tổng hợp các sai sót, nếu là sai sót trọng yếu thì phải yêu cầu đơn vị tiến hành sửa chữa. Đối với những sai sót còn lại, kiểm toán viên có thể yêu cầu đơn vị chỉnh sửa hoặc có thể không nhưng phải đảm bảo tổng hợp toàn bộ các sai sót không lớn hơn mức trọng yếu và không gây ảnh hưởng đến tính thích hợp đối với các thông tin được trình bày trên BCTC.

  Ngoài việc kiểm tra chi tiết số dư hay nghiệp vụ đối với các khoản công nợ, kiểm toán viên cũng cần xem xét các khoản công nợ này có khoản nào là khoản giao dịch với các bên liên quan hay không, để tiến hành thu thập các bằng chứng kiểm toán đối với việc ghi nhận công nợ đối với các bên liên quan này. Thông thường những giao dịch với các bên liên quan là những giao dịch ít khi xét đến yếu tố giá cả, rủi ro là doanh nghiệp dùng những giao dịch này để thay đổi các khoản công nợ, từ đó có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận, là những thủ thuật để làm đẹp BCTC.

4. Câu hỏi thực tế áp dụng:

Dưới đây là một số sai phạm có thể xảy ra trong khoản mục Nợ phải thu khách hàng:

  1. Tiền thu nợ của khách hàng kấuu được ghi vào niên độ hiện hành.
  2. Mức dự phòng được lập thường thấp hơn mức thực tế vì doanh nghiệp không nghiên cứu đầy đủ thông tin có liên quan.
  3. Nhiều khoản nợ phải thu trên sổ sách có chênh lệch với số liệu của khách hàng do công ty không đối chiếu với công nợ thường xuyên.
  4. Không công bố thông tin các khoản nợ phải thu đem thế chấp để vay ngân hàng.
  5. Tổng cộng các sổ chi tiết các khoản nợ phải thu không khớp với số liệu trên sổ cái.
  6. Mức nợ không thu hồi được khá cao do công ty không thu nhập thông tin về khả năng trả nợ của khách hàng khi phê chuẩn việc bán chịu.

Yêu cầu: Với mỗi sai phạm có thể xảy ra nêu trên, hãy cho biết những thủ tục kiểm soát nào có thể giúp ngăn chặn.

   Tìm hiểu thông tin khóa học Kiểm toán thực hành – Nền tảng đầu tiên cho Kiểm toán viên tương lai: https://apt.edu.vn/chuong-trinh/kiem-toan-thuc-hanh/gioi-thieu-kiem-toan-thuc-hanh/

Học viên Nghiên cứu và Đào tạo APT

Địa chỉ: Số 9 Trương Quyền, Phường 6, Quận 3, TP HCM Điện thoại: (028) 225 335 78 Hotline: 0965 855 969 Website: www.apt.edu.vn

Từ khóa » Khoản Phải Thu Khách Hàng Là Gì