Kiến Ba Khoang - Báo Đà Nẵng

* Tôi nghe nói có loại kiến ba khoang rất nguy hiểm, nhưng chưa rõ. Rất mong Đà Nẵng cuối tuần giới thiệu. (Hà Văn Trí, Sơn Trà, Đà Nẵng)

- Kiến ba khoang, thực chất là một loài bọ cánh cứng, có tuyến độc hơn cả rắn hổ, nhưng may mắn không thể gây chết người bởi khối lượng của nọc kiến rất ít.

Kiến ba khoang. Ảnh: Wikipedia
Kiến ba khoang. Ảnh: Wikipedia

Báo điện tử VnExpress ngày 5-11-2012 có bài “Nọc kiến ba khoang độc hơn rắn hổ”. Trước đó, ngày 11-9-2012, báo Dân trí đã cụ thể hơn qua tít bài viết “Nọc độc kiến ba khoang mạnh gấp 15 lần rắn hổ mang”!

Dân trí dẫn lời ThS.BS Hoàng Văn Hội, Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét ký sinh trùng - côn trùng (tỉnh Thừa Thiên - Huế), cho biết: Kiến ba khoang có tên khoa học là Paederus fuscipes Curtis, thuộc họ Staphilinidae (cánh cụt), bộ Colleoptera (cánh cứng), lớp Insecta (côn trùng), ngành Động vật. Về mặt hình thái học, loại côn trùng này rất đặc biệt: thân mình thon, dài như hạt thóc (dài 1-1,2cm, ngang 2-3mm), nhiều màu sắc khác nhau, nhìn giống con kiến; do đó, người ta hay gọi với nhiều tên gọi khác nhau như kiến hoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong,...

Loài kiến này có 3 đôi chân, bụng có đốt, trong đó có một đốt màu đỏ, bay và chạy rất nhanh; cơ thể đôi khi màu cam tối màu, hay sậm màu và nhọn ở vùng bụng, vùng bụng trên và đầu màu đen, vùng trên giữa phát quang ngũ sắc, óng ánh màu xanh, đính kèm đôi cánh cứng (elytra). Một đôi cánh trong suốt gấp lại gọn gàng và giấu bên dưới cánh cứng. Ban ngày, bọ sẽ được nhìn thấy bò lê, hoặc bò nhanh ở quanh và giấu cánh tương tự như kiến. Khi bất thường, nó tăng kích thước phần bụng lên, có cử chỉ đe dọa như con bọ cạp và bản thân chúng cũng có thể bay và chạy nhanh trên nước.

Chúng thường sống ở ven ruộng, quanh gốc rạ, bãi cỏ, gần vùng nước, ruộng rau, trong những nơi đang xây dựng. Trong thân kiến có chất Pederine (C24H43O9N), có thể gây cháy, bỏng da giống như chất cangtadin của sâu ban miêu và chất phospho ở “con giời” (gây bệnh giời leo).

Kiến ba khoang thường tìm thấy trên các ruộng lúa (từ năm 1919), môi trường trường học, ký túc xá, khu ở trọ, nhà ở tập thể công nhân ngoại ô thành phố, có cỏ mọc xung quanh. Trong suốt mùa mưa, bão, lũ lụt các loại côn trùng này di chuyển đến các vùng khô ráo hơn. Sau những ngày mưa lũ làm ngập đồng ruộng, ao hồ thì vào ban đêm, kiến khoang theo côn trùng, theo ánh đèn bay vào nhà.

VnExpress dẫn lời TS. Vũ Văn Liên, công tác ở Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, cho biết: Muốn tránh kiến ba khoang, các gia đình cần lắp lưới ở cửa sổ, cửa ra vào, lúc ngủ phải thả màn. Khi ngồi dưới ánh đèn và quạt, con người tránh đập quệt khi có cảm giác vướng trên da, vì khi bám vào, côn trùng có thể tiết ra axit làm bỏng da.

Ngoài ra, trước khi đi ngủ, các gia đình phải làm sạch giường chiếu, chăn màn, kiểm tra kỹ để bảo đảm không có côn trùng ở chăn, chiếu; kiểm tra khăn mặt và các đồ dùng trước khi tắm rửa và quần áo trước khi mặc.

Để hạn chế kiến ba khoang vào nhà, các chuyên gia khuyên, buổi tối các gia đình cần đóng kín cửa, sử dụng đèn có ánh sáng vàng thay cho ánh sáng trắng/xanh. Khi bị kiến ba khoang bò lên người, không nên đập chết hoặc chà xát để tránh tình trạng nọc độc lan rộng trên da. Khi thấy kiến ba khoang bám vào tường, có thể lấy chổi đuổi nó ra ngoài, còn nếu chúng bám vào người thì nhẹ nhàng lấy tay búng nó ra.

ĐNCT

Từ khóa » Bọ Cánh Cứng 3 Khoang