Kiến Nghị 3 Giải Pháp Khắc Phục Thực Phẩm Bẩn - Báo Kinh Tế đô Thị

Về hành lang pháp lý quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, ĐB Lê Thị Nga đã liệt kê ra hàng loạt Luật, pháp lệnh có liên quan như: Luật trực tiếp là Luật an toàn thực phẩm năm 2010, Nghị định 38/CP năm 2012, Luật hóa chất, Luật Thú y, Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực phẩm, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Pháp lệnh về quản lý thị trường. Về chế tài có: Bộ luật Hình sự, Luật xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Dân sự... ĐB nhận định: “Có thể khẳng định hành lang pháp lý cho an toàn thực phẩm đã rất đầy đủ. So với pháp lệnh trước đây thì trách nhiệm quản lý nhà nước và cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành đã được phân định rất rõ ràng trong đó có: Trách nhiệm của Chính phủ, trách nhiệm chủ trì của Bộ Y tế, trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Bộ TTTT, Bộ GD&ĐT, của UBND các cấp...” “Pháp lý đã đầy đủ, nhưng vì sao vi phạm ngày càng nhiều?”, ĐB Nga đặt câu hỏi và cũng lý giải rằng: Nguyên nhân bao trùm là việc tổ chức thực thi luật còn nhiều yếu kém. Năm 2009, trước khi ban hành Luật An toàn thực phẩm, Quốc hội khóa XII đã giám sát tối cao, chỉ ra 6 tồn tại yếu kém, 11 nguyên nhân chủ quan, 5 nguyên nhân khách quan. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 34 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm. Qua gần 6 năm thi hành luật, 7 năm thi hành nghị quyết, tổ chức bộ máy, các điều kiện cho công tác này đã được kiện toàn đáng kể, nhưng còn rất nhiều tồn tại, hạn chế và nguyên nhân chủ quan cho đến nay vẫn chưa được khắc phục, thậm chí có mặt còn trầm trọng hơn. Theo ĐB Lê Thị Nga, quản lý yếu kém tại nhiều ngành, nhiều cấp dưới các dạng: Không thực thi đầy đủ nhiệm vụ; buông lỏng quản lý; cá biệt có trường hợp tiếp tay, làm ngơ cho sai phạm nhưng lại không bị phát hiện, xử lý. Sự chia cắt và thiếu phối hợp trong quản lý dẫn đến: Khi có vụ việc xảy ra, ai cũng khẳng định mình làm đúng quy trình và cuối cùng không quy được trách nhiệm. Đơn cử: Salbutamol - chất có tác hại lớn đối với con người khi dùng làm thức ăn chăn nuôi, nhưng lại có tác dụng sản xuất thuốc chữa bệnh, bị Bộ NN&PTNT cấm nhập, nhưng được Bộ Y tế cho phép nhập. Với số lượng lớn (hơn 9 tấn trong 2 năm), sau khi vào được nội địa, cơ quan chức năng đã không kiểm soát được đường đi của chất này, hiện chưa ai trả lời được có bao nhiêu tấn được dùng vào sản xuất thuốc, có bao nhiêu bị sử dụng sai mục đích, tuồn ra thị trường làm chất tạo nạc? Đề nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ có liên quan làm rõ để trả lời công luận và báo cáo Quốc hội. Chế tài hành chính hiện đã rất nặng, phạt tối đa tới 200 triệu đồng, phạt gấp 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm nhưng xử lý nhìn chung không nghiêm, có vụ phạt cho tồn tại, không loại trừ tiêu cực trong xử phạt. Hiếm có trường hợp xử lý hình sự. Kỷ luật công vụ lỏng lẻo: Các vụ ngộ độc, buôn bán chất cấm, sản xuất, chế biến thực phẩm bẩn vừa qua liên tiếp được báo chí phanh phui, nhưng việc quy trách nhiệm cho công chức quản lý, chí ít cũng về hành vi “thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ” hiếm khi được thực hiện… ĐB Lê Thị Nga cũng cho biết: Nhiệm kỳ khóa XIII chưa tổ chức một cuộc giám sát tối cao hoặc tái giám sát của Quốc hội, giám sát của UBTV Quốc hội hay một phiên giải trình của ủy ban chuyên môn riêng về nội dung này, mới chỉ có chất vấn hoặc phát biểu riêng lẻ của các ĐB Quốc hội. Người hỏi cũng chẳng có điều kiện để kiểm chứng các thông tin được trả lời. Ví dụ: Bộ trưởng nói: chỉ có 1% thủy sản, 10% rau và 7,6% thịt có dư lượng chất cấm, kháng sinh. Cử tri cho rằng chưa phản ánh đúng thực trạng nhưng không có cơ quan nào giúp ĐB để đánh giá độc lập. Bộ trưởng nói: “Lực lượng mỏng, phương tiện yếu, kinh phí thiếu”. ĐB không kiểm chứng được và không lý giải được tại sao công nghệ thông tin, chính phủ điện tử, máy móc kỹ thuật ngày càng được đầu tư hiện đại mà người ngày càng thiếu, phương tiện ngày càng yếu. Từ đó, ĐB Lê Thị Nga kiến nghị 3 giải pháp để góp phần khắc phục tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian tới. Thứ nhất, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao việc chấp hành pháp luật an toàn thực phẩm ngay tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XIV. Trước mắt, cần yêu cầu Chính phủ tổ chức thực hiện đúng 10 nhiệm vụ được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 34/2009. Thứ hai, đề nghị Chính phủ tổ chức ngay một phiên họp chuyên đề trong tháng tới để đánh giá chính xác thực trạng, mức độ mất an toàn thực phẩm hiện nay và có giải pháp chặn đứng tình hình. Thứ ba, để chuẩn bị áp dụng tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm tại Điều 317 Bộ luật Hình sự mới với mức phạt tiền cao nhất là 500 triệu đồng, phạt tù cao nhất là 20 năm, Chính phủ cần sớm rà soát, bổ sung, quy định rõ ràng, minh bạch hơn về danh mục chất cấm, quy chuẩn ngưỡng cho phép tồn dư hóa chất, kháng sinh, phương thức giám định xác định tỷ lệ tổn hại sức khỏe do thực phẩm bẩn gây nên để vừa xử lý nghiêm minh nhưng cũng tránh oan sai và hình sự hóa các vi phạm hành chính.

Từ khóa » Giải Pháp Cho Vấn đề Thực Phẩm Bẩn