Kiến Thức Cơ Bản Và Chăm Sóc Ban đầu Cho Trẻ Khe Hở Môi - Vòm ...
Có thể bạn quan tâm
Khe hở môi - vòm miệng (KHM - VM) là dị tật bẩm sinh thường gặp, chiếm tỷ lệ 1:1000 đến 1:600 trẻ mới sinh tùy theo chủng tộc và vùng địa lý.
A – MỞ ĐẦU
Khe hở môi – vòm miệng (KHM – VM) là dị tật bẩm sinh thường gặp, chiếm tỷ lệ 1:1000 đến 1:600 trẻ mới sinh tùy theo chủng tộc và vùng địa lý.
Khe hở môi (KHM) và khe hở vòm miệng (KHVM) hay khe hở hàm ếch có thể xảy ra đơn lẻ hoặc kết hợp, với nhiều mức độ khác nhau hoặc có khi nằm trong các hội chứng.
B – NGUYÊN NHÂN NÀO GÂY RA KHM – VM?
KHM, KHVM do bất thường trong quá trình hình thành vùng mặt, xảy ra vào khoảng tuần thứ 8 – 12 của thai kỳ. Có nhiều yếu tố có thể tác động lên quá trình này:
- Các yếu tố bên ngoài: tiếp xúc với bức xạ (tia X, phóng xạ), hóa chất (thuốc trừ sâu, Dioxin,…)
- Mẹ bị ốm, cảm cúm
- Di truyền: trong gia đình (bố mẹ, ông bà, họ hàng) có người bị KHM-VM.
C – CÓ NHỮNG LOẠI KHM – KHVM NÀO VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA CHÚNG?
Mức độ ảnh hưởng của KHM-VM phụ thuộc vào hình thái tổn thương.
1. Khe hở môi:
Vấn đề quan tâm hàng đầu của trẻ bị KHM là ảnh hưởng thẩm mỹ. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào mức độ có thể gây các rối loạn về chức năng: bú, phát âm các âm môi (m, p, b). Trường hợp tổn khuyết đến xương ổ răng có thể gây ảnh hưởng đến quá trình mọc răng, răng mọc sai vị trí hoặc không mọc được.
2. Khe hở vòm miệng:
Trẻ bị KHVM đơn thuần không bị ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ nhưng lại gặp khó khăn trong ăn uống (thức ăn lên mũi, sặc, dễ trớ) và phát âm sai (nói ngọng, giọng mũi hở). Ngoài ra, trẻ còn thường bị các bệnh tai mũi họng như viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm amidal,… lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chung, và có tác động xấu lên thính giác của trẻ. Những trẻ nghe kém do viêm tai giữa mạn tính kéo dài cũng gặp khó khăn trong phát triển ngôn ngữ.
3. KHM phối hợp KHVM:
Đây là thể nặng nhất trong nhóm dị tật KHM-VM, trong đó KHM-VM toàn bộ hai bên gây ra những biến dạng nặng nề về giải phẫu, đòi hỏi quá trình điều trị đúng nhằm đạt được mục tiêu thẩm mỹ, chức năng và giảm thiểu những tác động xấu lên sự phát triển như: hẹp hàm trên, lùi tầng giữa mặt (móm).
D – NHỮNG VẤN ĐỀ CHA MẸ THƯỜNG GẶP PHẢI KHI CHĂM SÓC TRẺ KHM – KHVM?
Ngày nay, với tiến bộ của kỹ thuật siêu âm chẩn đoán trước sinh, đa phần các bậc cha mẹ đều được thông báo trước về tình trạng dị tật của trẻ. Tuy nhiên, vẫn có một số gia đình hoàn toàn bất ngờ và bị động khi đón nhận con sinh ra mang dị tật KHM-VM vì không phát hiện được trong quá trình mang thai. Thậm chí, ngay cả khi đã được thông báo trước, nhiều người vẫn không khỏi lúng túng trong việc tiếp nhận và chăm sóc trẻ. Dưới đây là các vấn đề mà các bậc cha mẹ có con bị KHM-VM thường gặp:
1. Sau khi sinh, khi nào em bé được ghép mẹ?
Với bất kỳ em bé nào, ngay sau sinh đều được đánh giá về các chức năng cơ bản như hô hấp, tim mạch, các phản xạ sơ sinh. Nếu trẻ đáp ứng tốt, em bé sẽ được đưa về cho mẹ chăm sóc. Vì vậy, gia đình không nên quá lo lắng.
2. Cách cho ăn cho trẻ bị KHM – VM như thế nào?
- Những trẻ bị KHM đơn thuần thường ít gặp khó khăn trong việc bú mẹ/ăn sữa bằng bình.
- Trẻ có KHVM hoặc KHM phối hợp KHVM do trẻ không tạo được áp lực âm nên trẻ không bú hoặc mất sức khi bú.
- Một số loại bình sữa chuyên dụng thân mềm hỗ trợ bóp, chống sặc cho trẻ:
- Cần lưu ý tránh để núm ti của bình sữa tì mạnh gây đau, loét vách ngăn mũi ở các trường hợp KHVM toàn bộ.
- Đối với các trường hợp KHM-VM toàn bộ, tổn thương thông từ trước ra sau, việc cho trẻ bú mẹ hoặc ti bình khi không có khí cụ (hàm NAM) sẽ làm nặng tình trạng ban đầu do núm ti mẹ/ ti bình đặt vào giữa, làm rộng thêm khe hở. Điều này gây khó khăn cho việc phẫu thuật và trẻ sẽ đau nhiều hơn do vết mổ bị căng.
- Không nên cho trẻ ăn quá no và lưu ý vỗ ợ hơi trước khi đặt trẻ nằm.
3. Hàm NAM là gì?NAM là từ viết tắt của Nasoalveolar Molding trong tiếng Anh. Đây là một khí cụ tháo lắp được chế tạo riêng dựa trên khuôn hàm của từng trẻ KHM – VM nhằm hai mục đích chính: |
- Là dụng cụ ngăn cách khoang mũi và khoang miệng, giúp trẻ ăn sữa không bị lên mũi.
- Điều chỉnh trước phẫu thuật: thu hẹp khe hở, nâng cao phần cánh mũi bị xẹp, đưa mấu nhô (trong các trường hợp KHM 2 bên) về đúng vị trí, tạo điều kiện cho phẫu thuật môi mũi thẩm mỹ tối đa. Đồng thời, giảm đau, sưng nề sau mổ do các cấu trúc sai lệch đã được đưa gần về với vị trí giải phẫu bình thường.
- Ngoài ra, với những cải tiến về kỹ thuật, hiện nay trẻ đeo NAM có thể ăn bằng bình như trẻ bình thường mà không lo núm ti sẽ lọt vào giữa khe hở, làm rộng thêm khe hở hoặc gây đau, loét vùng vòm miệng.
*Trường hợp nào cần đeo NAM trước phẫu thuật?
- Việc chỉ định đeo NAM sẽ được bác sỹ đưa ra sau khi thăm khám đánh giá mức độ khe hở và tình trạng toàn thân của trẻ.
- Vì vậy, trẻ cần được khám và tư vấn tại bác sỹ chuyên khoa Răng Hàm Mặt để có được kế hoạch điều trị toàn diện, tốt nhất là trong tuần đầu sau sinh.
4. Thời điểm nào phẫu thuật là tốt nhất cho trẻ?
4.1 Phẫu thuật tạo hình môi:
-
-
- Phần lớn các trung tâm phẫu thuật lớn trên thế giới ủng hộ quan điểm thời gian phẫu thuật tạo hình môi lúc 3 tháng tuổi, với cân nặng khoảng 5 – 6kg. Đây là thời điểm trẻ đã đạt được một mốc trong quá trình phát triển. Các quá trình trao đổi chất cũng như các hệ cơ quan trưởng thành và hoàn thiện hơn giúp trẻ trải qua cuộc phẫu thuật (gây mê) được an toàn và thuận lợi hơn.
- Với sự phát triển về trình độ tay nghề của phẫu thuật viên cũng như đội ngũ Gây mê hồi sức tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện nay việc phẫu thuật tạo hình môi có thể được tiến hành cho trẻ dưới 3 tháng tuổi, góp phần giúp làm giảm áp lực tâm lý cho các gia đình có con bị KHM.
- Tuy nhiên, việc lựa chọn thời điểm phẫu thuật thích hợp cần được thảo luận và quyết định bởi bác sỹ và gia đình trẻ, sau khi thăm khám kỹ và cân nhắc giữa những nguy cơ và ích lợi có được.
-
4.2 Phẫu thuật tạo hình vòm miệng:
-
-
- Thời điểm phẫu thuật tạo hình vòm miệng lý tưởng từ 9 đến 18 tháng tuổi tùy thuộc vào loại và mức độ khe hở.
- Mục tiêu của phẫu thuật tạo hình vòm miệng nhằm đóng kín khe hở, phục hồi lại giải phẫu giúp trẻ có được quá trình phát triển ngôn ngữ và phát âm bình thường. Bên cạnh đó tránh được những hậu quả không mong muốn: lỗ thông mũi miệng sau mổ, tình trạng thiểu năng vòm hầu (gây nói ngọng).
-
4.3 Phẫu thuật ghép xương ổ răng:
-
-
- Với những trẻ có khuyết ở vùng xương ổ răng (phần lợi có các răng mọc) sẽ cần phẫu thuật ghép xương tạo chỗ cho răng mọc hoặc làm răng giả.
- Thời điểm phẫu thuật có thể từ lúc 7 – 13 tuổi dựa trên sự đánh giá mọc răng qua phim X-quang.
-
4.4 Các phẫu thuật khác:
-
-
- Phẫu thuật sửa chữa: phẫu thuật sửa sẹo lồi, tạo hình môi, mũi thì hai
- Phẫu thuật sửa ngọng: cho các trường hợp thiểu năng vòm hầu, lỗ thông mũi miệng
- Phẫu thuật chỉnh hình xương mặt: cho các trường hợp có bất cân xứng về xương hàm.
-
5. Ngoài phẫu thuật, trẻ bị KHM-VM cần những thăm khám và điều trị gì?
- Thăm khám Sơ sinh và Nhi khoa tổng quát: nhằm phát hiện những bất thường kèm theo như: tim bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa, bệnh máu,…
- Thăm khám Thính học – Ngôn ngữ và Phục hồi chức năng: trẻ cần được sàng lọc Thính học nhằm phát hiện và điều trị sớm những tổn thương về sức nghe. Đây cũng là chuyên khoa sẽ theo dõi và đánh giá ngôn ngữ và tập sửa ngọng cho trẻ sau quá trình phẫu thuật vòm miệng (Link Quản lý ngôn ngữ ở trẻ KHVM).
- Thăm khám Tai Mũi Họng: phát hiện và điều trị các bệnh lý viêm mũi họng, viêm tai giữa, đặt ống thông khí,…
- Tư vấn về Dinh dưỡng: giúp cho trẻ có được sự phát triển như những trẻ bình thường khác và đủ sức khỏe trải qua phẫu thuật được an toàn, thuận lợi.
- Tư vấn Di Truyền: giải đáp thắc mắc về nguyên nhân, nguy cơ khi có kế hoạch sinh con tiếp theo.
- Thăm khám Răng Hàm Mặt: ngoài việc thực hiện các phẫu thuật tạo hình KHM, KHVM, các bác sỹ chuyên khoa Răng Hàm Mặt còn theo dõi tiến trình mọc răng, thay răng của trẻ, kiểm soát và duy trì sức khỏe răng miệng, nắn chỉnh răng: đeo NAM trước phẫu thuật môi, tạo khoảng để phẫu thuật ghép xương ổ răng, điều chỉnh các bất cân xứng răng mặt,…
Bệnh viện Nhi Trung ương là một trong những Bệnh viện hàng đầu của cả nước về chăm sóc sức khỏe trẻ em. Trong đó, Khoa Răng Hàm Mặt đóng vai trò là nơi tiếp nhận, thăm khám, tư vấn và điều trị cho trẻ KHM – VM từ những giai đoạn đầu tiên cho đến khi trưởng thành. Hiện tại, khoa Răng Hàm Mặt cùng các tổ chức KHM – VM nước ngoài đã và đang tài trợ cho các trẻ đến khám và điều trị tại Khoa nhằm giúp trẻ phục hồi về thẩm mỹ, chức năng và hòa nhập xã hội.
Mọi chi tiết tư vấn và điều trị xin liên hệ:
-
-
- Khoa Răng – Hàm – Mặt – Bệnh viện Nhi Trung ương.
- Điện thoại: 024.6273.8928
- Email: k.rhm@nch.org.vn
-
Bs. Trịnh Đỗ Vân Ngà
Khoa Răng -Hàm -Mặt – Bệnh viện Nhi trung ương.
Từ khóa » Giải Phẫu Vòm Miệng
-
Giải Phẫu ổ Miệng
-
Khoang Miệng: Gồm Những Cấu Trúc Nào Và đóng Vai Trò Ra Sao?
-
Vòm Miệng – Wikipedia Tiếng Việt
-
Giải Phẫu Miệng
-
Giải Phẫu Bệnh Học Khoang Miệng - Health Việt Nam
-
Phẫu Thuật Khe Hở Vòm Miệng Bẩm Sinh - Bệnh Viện Quân Y 103
-
KHOANG MIỆNG - SlideShare
-
Khám Chữa Bệnh Phổ Biến Kiến Thức Y Khoa - Sở Y Tế Hà Nội
-
Cấu Tạo Của Khoang Miệng | Vinmec
-
CÁC VẤN ĐỀ VỀ GIẢI PHẪU VÀ MÔ HỌC
-
Phẫu Thuật Tạo Hình Khe Hở Vòm Miệng Không Toàn Bộ | BvNTP
-
Phẫu Thuật Tạo Hình Khe Hở Vòm Miệng Toàn Bộ | BvNTP
-
Thiểu Năng Màn Hầu - Rối Loạn Về Tai Mũi Họng - MSD Manuals