Kiến Thức Trọng Tâm 24 Tác Phẩm Ngữ Văn Lớp 9 Quan Trọng Thi Vào 10

Kiến thức trọng tâm Ngữ văn 9 quan trọng (ôn thi vào 10)
  • Siêu sale sách Toán - Văn - Anh Vietjack 25-11 trên Shopee mall
Trang trước Trang sau

Nhằm mục đích giúp học sinh nắm chắc kiến thức môn Ngữ văn lớp 9 để chuẩn bị tốt cho kì thi vào lớp 10 năm 2023-2024, VietJack tổng hợp toàn bộ nội dung trọng tâm của các tác phẩm thơ, truyện quan trọng trong chương trình Ngữ văn lớp 9 đầy đủ, chi tiết.

Kiến thức trọng tâm Ngữ văn 9 quan trọng (ôn thi vào 10)

Xem thử Đề ôn vào 10 Văn Xem thử Đề vào 10 Văn Hà Nội Xem thử Đề vào 10 Văn Tp.HCM Xem thử Đề vào 10 Văn Đà Nẵng

Chỉ từ 150k mua trọn bộ đề ôn thi Văn vào 10 bản word có lời giải chi tiết:

  • B1: gửi phí vào tk: 0711000255837 - NGUYEN THANH TUYEN - Ngân hàng Vietcombank (QR)
  • B2: Nhắn tin tới Zalo VietJack Official - nhấn vào đây để thông báo và nhận giáo án
  • Tác giả Tác phẩm Văn 9 Kết nối tri thức

    Xem chi tiết

  • Tác giả Tác phẩm Văn 9 Chân trời sáng tạo

    Xem chi tiết

  • Tác giả Tác phẩm Văn 9 Cánh diều

    Xem chi tiết

Lưu trữ: Kiến thức trọng tâm Tác giả Tác phẩm Văn 9 (sách cũ)

  • Ôn thi vào lớp 10 Truyện Kiều của Nguyễn Du
  • Ôn thi vào lớp 10 Cảnh ngày xuân năm 2024
  • Ôn thi vào lớp 10 Chị em Thúy Kiều năm 2024
  • Ôn thi vào lớp 10 Kiều ở lầu Ngưng Bích năm 2024
  • Ôn thi vào lớp 10 Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga năm 2024
  • Ôn thi vào lớp 10 Đồng chí năm 2024
  • Ôn thi vào lớp 10 Bài thơ về tiểu đội xe không kính năm 2024
  • Ôn thi vào lớp 10 Đoàn thuyền đánh cá năm 2024
  • Ôn thi vào lớp 10 Bếp lửa năm 2024
  • Ôn thi vào lớp 10 Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ năm 2024
  • Ôn thi vào lớp 10 Ánh trăng năm 2024
  • Ôn thi vào lớp 10 Con cò năm 2024
  • Ôn thi vào lớp 10 Mùa xuân nho nhỏ năm 2024
  • Ôn thi vào lớp 10 Viếng Lăng Bác năm 2024
  • Ôn thi vào lớp 10 Sang thu năm 2024
  • Ôn thi vào lớp 10 Nói với con năm 2024
  • Ôn thi vào lớp 10 Chuyện người con gái Nam Xương năm 2024
  • Ôn thi vào lớp 10 Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh năm 2024
  • Ôn thi vào lớp 10 Hoàng Lê nhất thống chí năm 2024
  • Ôn thi vào lớp 10 Làng năm 2024
  • Ôn thi vào lớp 10 Lặng lẽ Sa Pa năm 2024
  • Ôn thi vào lớp 10 Chiếc lược ngà năm 2024
  • Ôn thi vào lớp 10 Bến quê năm 2024
  • Ôn thi vào lớp 10 Những ngôi sao xa xôi năm 2024

Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá

I. Những nét chính về tác giả - tác phẩm

1. Tác giả

- Huy Cận (1919 - 2005), tên đầy đủ là Cù Huy Cận, quê ở huyện Vụ Quang, tỉnh Hà Tĩnh.

- Ông là một trong những gương mặt xuất sắc của nền thi ca Việt Nam hiện đại: 

+ Trước cách mạng tháng Tám: Huy Cận là một trong những tên tuổi nổi bật của phong trào thơ Mới, với những đề tài mang cảm hứng vũ trụ và nỗi sầu nhân thế.

+ Sau cách mạng tháng Tám: Thơ Huy Cận đã có nhiều tìm tòi, với đề tài mang cảm hứng vũ trụ song tràn đầy niềm vui chứ không còn mang nặng nỗi sầu nhân thế.

- Phong cách sáng tác: Thơ Huy Cận luôn vận động ở nhiều đối cực: vũ trụ - cuộc đời, sự sống - cái chết, hiện thực - lãng lạn, niềm vui – nỗi buồn...; giọng điệu mộc mạc, chân tình, lắng đọng; hình ảnh thì thâm trầm, khơi gợi;...

2. Tác phẩm

a. Hoàn cảnh sáng tác

- Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” ra đời năm 1958. Đây là thời kì miền Bắc được giải phóng, bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội để chi viện cho chiến trường miền Nam.

- Bài thơ là kết quả sau chuyến đi thực tế ở vùng mỏ Quảng Ninh. Từ chuyến đi thực tế này, hồn thơ Huy Cận mới thực sự trở lại và dồi dào trong cảm hứng về thiên nhiên đất nước, về lao động và niềm vui trước cuộc sống mới.

- Bài thơ được in trong tập “Trời mỗi ngày lại sáng” năm 1986.

b. Ý nghĩa nhan để

- Hình ảnh “đoàn thuyền” gợi về một sự đoàn kết, ở đó có sự đồng lòng, chung sức giữa các thành viên.

- Phản ánh không khí lao động sổi nổi, hăng say của những người dân chài.

- Gợi lên những thành quả lao động góp phần xây dựng đất nước theo nhịp sống mới sau chiến tranh.

c. Bố cục: Ba phần

Được bố cục theo hành trình một chuyến ra khơi của đoàn thuyền đánh cá:

- Phần một: 2 khổ thơ đầu: Cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi.

- Phần hai: 4 khổ thơ tiếp: Cảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển.

- Phần ba: khố thơ cuối: Cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về.

II. Tìm hiểu chi tiết

1. Cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi (hai khổ thơ đầu)

a. Khung cảnh trời biển

Mở đầu bài thơ là cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi trên phông nền của một buổi hoàng hôn tuyệt đẹp:

“Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Sóng đã cài then, đêm sập cửa”

- Tác giả đã đặt nhân vật trữ tình từ một điểm nhìn nghệ thuật rất đặc biệt: đó là một điểm nhìn di động được đặt trên con thuyền đang tiến bước ra khơi.

- Sử dụng một hình ảnh so sánh rất độc đáo: “Mặt trời xuống biển như hòn lửa”

+ Tả thực vầng mặt trời đó rực từ từ chìm xuống lòng biển khép lại vòng tuần hoàn của một ngày.

+ Gợi quang cảnh kì vĩ, tráng lệ của bầu trời và mặt biển lúc hoàng hôn.

+ Gợi bước đi của thời gian và đặc biệt thời gian này nó không chết lặng mà có sự vận động theo hành trình của đoàn thuyền đánh cá.

- Sử dụng hình ảnh nhân hóa: “Sóng đã cài then, đêm sập cửa”

+ Tả những con sóng xô bờ như những chiếc then cửa của vũ trụ để chìm vào trạng thái nghỉ ngơi.

+ Gợi cảm giác gần gũi, thân thương, bởi vũ trụ được hình dung như một ngôi nhà lớn của con người.

    Qua hai câu thơ đầu có thể thấy, Huy Cận yêu thiên nhiên và yêu mến cuộc đời như thế nào

b. Cảnh đoàn thuyền ra khơi

Trên phông nền thiên nhiên tuyệt đẹp ấy, con người dần dần xuất hiện:

“Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi

Câu hát cáng buồm cùng gió khơi.”

- Phụ từ “lại” tạo được điểm nhấn ngữ điệu và sức nặng cho câu thơ:

+ Gợi thế chủ động của con người và cho biết công việc ra khơi vần lặp đi lặp lại hàng ngày, trở thành một hành động quen thuộc.

+ Đồng thời, miêu tả một hành động đối lập: đối lập giữa hoạt động của vũ trụ với hoạt động của con người.

- Hình ảnh “câu hát căng buồm cùng gió khơi”:

+ Cụ thể hóa niềm vui phơi phới, sự hào hứng, hăm hở của người lao động.

+ Gợi cho chúng ta liên tưởng tới luồng sức mạnh đã đưa con thuyền vượt trùng ra khơi.

+ Với nghệ thuật chuyển đổi cảm giác “câu hát căng buồm” gợi vẻ đẹp tâm hồn của người lao động gửi gắm vào trong lời hát.

    Đoàn thuyền ra khơi trong trạng thái phấn chấn, náo nức đến lạ kì và dường như có một sức mạnh vật chất đã cùng với gió làm thổi căng cánh buồm, đẩy con thuyền lướt sóng ra khơi.

Trong tâm trạng phấn chấn, náo nức ra khơi, những người dân chài đã cất cao tiếng hát.         

“Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng

Cá thu biển Đông như đoàn thoi 

Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng 

Đến dệt lưới ra, đoàn cá ơi!”

- Từ “hát rằng” gợi lên niềm vui của người dân chài, hứa hẹn một chuyến ra khơi bội thu.

- Thủ pháp liệt kê (cá bạc, cá thu) và so sánh (như thoi đưa) mang đến âm hưởng ngợi ca, tự hào trong câu hát về sự giàu có của biển cả.

- Hình ảnh nhân hóa “đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng”:

+ Cho thấy không khí lao động hăng say không kể ngày đêm của người lao động.

+ Gợi hình ảnh những đoàn cá đang dệt những tấm lưới giữa biển đêm.

+ Gợi những vệt nước lấp lánh được tạo ra khi đoàn cá bơi lội dưới ánh trăng.

    Tác giả đã phác họa rất thành công một bức tranh thiên nhiên kì vĩ, thơ mộng và qua đó gợi được tâm hồn phóng khoáng, tình yêu lao động và niềm hi vọng của người dân chài.

2. Cảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển

a. Hình ảnh đoàn thuyền đánh cá được miêu tả cụ thể và rất sinh động: 

“Thuyền ta lái gió với buồm trăng 

Lướt giữa mây cao với biển bằng 

Ra đậu dặm xa dò bụng biển 

Dàn đan thế trận lưới vây giăng”

- Đoàn thuyền đánh cá được tái hiện trên nền thiên nhiên bao la, rộng mở: chiều cao của gió của trăng, chiều rộng của mặt biển và còn cả chiều sâu của lòng biển.

- Với cảm hứng nhân sinh vũ trụ, Huy Cận đã xây dựng hình ảnh đoàn thuyền đánh cá rất tương xứng với không gian:

+ Cách nói khoa trương phóng đại qua hình ảnh “lái gió với buồm trăng”, “lướt giữa mây cao với biển bằng” cho thấy con thuyền đánh cá vốn nhỏ bé trước biển cả bao la đã trở thành con thuyền kỳ vĩ, khổng lồ, hòa nhập với không gian bao la, rộng lớn của thiên nhiên, vũ trụ.

+ Khi con thuyền buông lưới thì như dò thấu đáy đại dương. Rõ ràng, con thuyền cũng như con người đang làm chủ không gian này.

+ Hệ thống động từ: được rải đều trong mỗi câu thơ: “lái”, “lướt”, “dò”, “dàn”, cho thấy hoạt động của đoàn thuyền và con thuyền đang làm chủ biển trời.

    Khổ thơ gợi lên một bức tranh lao động thật đặc sắc và tráng lệ. Bức tranh ấy như thâu tóm được cả không gian vũ trụ vào trong một hình ảnh thơ, đồng thời nâng con người và con thuyền lên tầm vóc vũ trụ.

b. Lần theo đoàn thuyền đánh cá, tác giả đã mở ra sự giàu có, phong phú và tấm lòng hào phóng, bao dung của biển cả:

“Cá nhụ cá chim cùng cá đé 

Cá song lấp lánh đuốc đen hồng 

Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe 

Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long”

- Bằng thủ pháp liệt kê, tác giả đã miêu tả sự phong phú và giàu có của biển cả quê hương qua những loài cá vừa ngon lại vừa quý hiếm của biển.

- Hình ảnh ẩn dụ “cá song lấp lánh đuốc đen hồng”.

+ Tả thực loài cá song, thân dài, trên vảy có những chấm nhỏ màu đen hồng.

+ Gợi hình ảnh về đoàn cá song như một cây đuốc lấp lánh dưới ánh trăng đêm, đã tạo nên một cảnh tượng thật lộng lầy và kì vĩ.

- Hình ảnh nhân hóa “Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe”:

+ Miêu tả động tác quẫy đuôi của một chú cá dưới ánh trăng vàng chiếu rọi.

+ Gợi một đêm trăng đẹp, huyền ảo mà ánh trăng như thếp đầy mặt biến khiến cho đàn cá quẫy nước mà như quẫy trăng.

- Hình ảnh nhân hóa “Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long”:

+ Tả nhịp điệu của những cánh sóng.

+ Gợi nhịp thở của biển, vũ trụ lúc đêm về. Biển như mang linh hồn của con người, như một sinh thể cuộn trào sức sống.

- Trước sự giàu có và phong phú đến vô cùng của biển cả, đã mở ra tâm trạng háo hức vui tươi để người dân chài lưới tiếp tục cất cao tiếng hát:

“Ta hát bài ca gọi cá vào

Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao

Biển nuôi ta lớn như lòng mẹ 

Nuôi lớn đời ta tự buổi nào”

+ Hình ảnh so sánh “biển cho ta cá như lòng mẹ”

++ Biển tựa như nguồn sữa khổng lồ đã nuôi dưỡng con người tự bao đời.

++ Thể hiện sâu sắc niềm tự hào và lòng biết ơn của người dân chài với biển cả quê hương.

    Ẩn sau khổ thơ, ta thấy lòng biết ơn của con người trước ân tình của quê hương đất nước.

c. Khung cảnh lao động hăng say trên biển

Một đêm trôi nhanh trong nhịp điệu lao động khẩn trương, hào hứng, hăng say:

“Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng

Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng 

Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông 

Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.”

- Hệ thống từ ngữ tượng hình: “kéo xoăn tay”, “lưới xếp”, “buồm lên” đã đặc tả để làm hiện lên một cách cụ thể, sinh động công việc kéo lưới của những ngư dân.

- Hình ảnh ấn dụ “ta kéo xoăn tay chùm cá nặng”:

+ Những nét tạo hình gân guốc, chắc khỏe, cơ bắp cuồn cuộn gợi vẻ đẹp khỏe khoắn của người dân chài lưới trong lao động.

+ Đồng thời gợi lên một mẻ lưới bội thu.

- Hình ảnh “vẩy bạc”, “đuôi vàng” đầy ắp những khoang thuyền:

+ Cho thấy sự giàu có của biển cả quê hương và niềm vui phơi phới của người lao động.

+ Màu bạc của vảy cá, màu vàng của đuôi cá dưới ánh mặt trời như lóe cả rạng đông. Điều đó cho thấy bút pháp sử dụng màu sắc đại tài của Huy Cận.

    Tác giả đã diễn tả được một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ với sự giàu có hào phóng của thiên nhiên. Đồng thời khắc họa thành công hình tượng người lao động lớn lao, phi thường.

3. Cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về

Đoàn thuyền đánh cá trở về trong câu hát:

“Câu hát căng buồm với gió khơi

Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời 

Mặt trời đội biển nhô màu mới 

Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.”

- Câu hát ra khơi và câu hát trở về thoạt nghe thì ta tưởng nó cùng một âm hưởng, cùng một lối miêu tả. Nhưng nếu đọc kĩ, ta sẽ thấy: Câu hát ra khơi là “Câu hát căng buồm cùng gió khơi”, còn câu hát trở về là “Câu hát căng buồm với gió khơi”.

+ Khi viết về câu hát ra khơi, tác giả sử dụng từ “cùng” để gợi cái sự hài hòa giữa ngọn gió và câu hát, từ đó tái hiện một chuyến đi biển thuận lợi và bình yên. 

+ Khi viết về câu hát trở về, tác giả đã biến đổi từ “cùng” thành từ “với” để gợi niềm vui phơi phới khi họ được trở về trên những con thuyền đầy ắp cá.

+ Với nghệ thuật đầu cuối trong câu hát, ta còn thấy được điệp khúc của khúc ca lao động.

- Hình ảnh nhân hóa “Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời”

+ Đoàn thuyền như trở thành một sinh thể sống để chạy đua với thiên nhiên bằng tốc độ của vũ trụ.

+ Nâng tầm vóc của đoàn thuyền, con người sánh ngang với tầm vóc của vũ trụ. 

+ Gợi tư thế hào hùng, khẩn trương để giành lấy thời gian để lao động. Và trong cuộc chạy đua này, con người đã chiến thắng. Khi “Mặt trời đội biển nhô màu mới” thì đoàn thuyền đã về đến bến: “Mắt cá huy hoàng muôn dặm khơi”.

- Hình ảnh hoán dụ “mắt cả huy hoàng”:

+ Miêu tả muôn triệu mắt cá li ti được phản chiếu ánh rạng đông trở nên rực rỡ, huy hoàng.

+ Đây không còn là ánh sáng của tự nhiên nữa, mà là sánh sáng của thành quả lao động lấp lánh ánh vui.

    Khổ thơ mang âm hưởng của bản anh hùng ca lao động, thể hiện niềm vui phơi phới của con người khi làm chủ đất trời.

III. Tổng kết

1. Nội dung

- Phác họa thành công vẻ đẹp của thiên nhiên và của người lao động mới.

- Khám phá, ngợi ca sự giàu có, hào phóng của thiên nhiên đất nước và tầm vóc lớn lao của người lao động. Đồng thời, cho thấy sự hồi sinh của thiên nhiên, đất nước sau chiến tranh.

2. Nghệ thuật

- Một ngòi bút tràn đầy cảm hứng thiên nhiên, vũ trụ.

- Hình ảnh thơ phong phú, giàu sức gợi.

- Kết cấu đầu cuối tương ứng đặc sắc.

Bài thơ Bếp lửa

I. Những nét chính về tác giả - tác phẩm

1. Tác giả

- Bằng Việt tên khai sinh là Nguyễn Việt Bằng. Ông sinh năm 1941, quê huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây.

- Ông bắt đầu “cầm bút” từ những năm 60 của thế kỉ XX và tập trung khai thác ở hai mảng đề tài chính: cuộc chiến đấu của nhân dân ta trong kháng chiến chống Mĩvẻ đẹp của con người giữa cuộc sống đời thường.

- Phong cách sáng tác: Thơ Bằng Việt mang giọng điệu thủ thỉ, tâm tình; ngôn từ điềm đạm; cấu tứ mạch lạc và hệ thống thi ảnh đặc sắc.

2. Tác phẩm

a. Hoàn cảnh sáng tác

- Bài thơ “Bếp lửa” ra đời năm 1963, khi ấy tác giả đang là sinh viên ngành Luật tại Liên Xô và mới bắt đầu đến với thơ.

- Bài thơ in trong tập “Hương cây - Bếp lửa”, năm 1968.

b. Ý nghĩa nhan đề

    “Bếp lửa” là một hình ảnh độc đáo, sáng tạo, xuất hiện nhiều lần trong bài thơ, nó vừa mang ý nghĩa tả thực, vừa mang ý nghĩa biểu tượng:

- Trước hết, đây là một bếp lửa thực, quen thuộc, gần gũi trong mỗi gia đình của người Việt. Đồng thời, nó là hình ảnh gắn với kỉ niệm ấu thơ về một người bà cụ thể, có thật của tác giả.

- Bếp lửa là biểu tượng giàu ý nghĩa:

+ Bếp lửa gợi lên sự tảo tần, chăm sóc, yêu thương của người bà dành cho người cháu trong những năm tháng đói nghèo, chiến tranh để trưởng thành và khôn lớn. 

+ Bếp lửa gợi lên bao vất vả, cực nhọc của đời bà. Song bà nhóm bếp lửa cũng chính là nhóm lên sự sống, niềm vui, niềm tin, và hi vọng cho cháu vào một tương lai phía trước.

+ Bếp lửa còn là biểu tượng của gia đình, quê hương, đất nước, cội nguồn... đã nâng bước người cháu trên suốt hành trình dài rộng của cuộc đời.

    “Bếp lửa” là tên gọi của một bài thơ cảm động về tình bà cháu giản dị, thiêng liêng. Đồng thời thể hiện tình cảm gia đình, quê hương, đất nước sâu sắc…

c. Bố cục: Bốn phần

- Phần một: khổ thơ đầu: Hình ảnh bếp lửa - Nơi bắt đầu nỗi nhớ.

- Phần hai: 3 khổ tiếp: Những kỉ niệm tuổi thơ được sống bên bà và bếp lửa.

- Phần ba: 2 khổ tiếp: Suy ngẫm về bà và bếp lửa.

- Phần bốn: khổ thơ cuối: Nỗi nhớ về bà và bếp lửa.

II. Trọng tâm kiến thức

1. Hình ảnh bếp lửa – Nơi bắt đầu nỗi nhớ

Dòng hồi tưởng bắt đầu từ hình ảnh thân thương, ấm áp về bếp lửa. Để rồi, từ hình ảnh bếp lửa ấy, dòng kỉ niệm về bà thức dậy và được tái hiện:

“Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

Một bếp lửa ấp iu nồng đượm”

- Trước hết, đó là hình ảnh bếp lửa tả thực, nhỏ bé, gần gũi, quen thuộc trong mỗi gia đình từ bao đời.

- Hình ảnh ẩn dụ “ấp iu nồng đượm”:

+ Gợi đến bàn tay cần mẫn, khéo léo, chính xác của người nhóm lửa.

+ Gợi tấm lòng chi chút của người nhóm ngọn lửa.

- Từ “bếp lửa” được điệp lại hai lần:

+ Gợi bóng dáng của người bà, người mẹ tần tảo, thức khuya dậy sớm chăm sóc cho chồng, cho con.

+ Diễn tả dòng cảm xúc dâng tràn ùa về từ kí ức.

- Từ láy “chờn vờn”:

+ Miêu tả bếp lửa với ngọn lửa bốc cao, bập bùng, tỏa sáng, ẩn hiện giữa màn sương sớm.

+ Bếp lửa ấy mờ tỏa, chờn vờn trong kí ức về những năm tháng tuổi thơ được sống bên bà của nhà thơ.

    Một cách tự nhiên, hình ảnh bếp lửa đã làm trỗi dậy dòng cảm xúc yêu thương mành liệt trong người cháu:

“Cháu thương bà biết mấy nắng mưa!”

- Bộc lộ sự thấu hiểu đến tận cùng những vất vả, nhọc nhằn, lam lũ của đời bà.

- Chữ “thương” dùng thật đắt qua vần thơ cảm thán, diễn tả cảm xúc đến rất tự nhiên và lan tỏa tâm hồn người cháu.

     Hình ảnh “bếp lửa” đã khơi dậy trong lòng người cháu bao cảm xúc để những dòng hồi tưởng, kí ức từ đó ùa về khiến người cháu không khỏi xúc động.

2. Những kỉ niệm tuổi thơ bên bà và kỉ niệm với bếp lửa

a. Những kỉ niệm hồi lên bốn tuổi

Đó là kỉ niệm tuổi thơ với những năm tháng gian khổ, thiếu thốn, nhọc nhằn:

“Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói

Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi

Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy”

- Từ láy “đói mòn đói mỏi”:

+ Miêu tả một hiện thực đau thương trong lịch sử: Năm 1945, do chính sách cai trị hà khắc của phát xít Nhật và thực dân Pháp đã khiến hơn hai triệu đồng bào ta chết đói.

+ Câu thơ trĩu xuống, khiến lòng người như nao nao, nghẹn ngào khi nghĩ về kí ức tuổi thơ ấy.

- Hình ảnh “bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy” phần nào diễn tả được hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn của gia đình khiến người cha phải bươn chải kiếm sống đủ nghề.

- Hình ảnh “đói mòn đói mỏi”“khô rạc ngựa gầy” là những hình ảnh đậm chất hiện thực, đặc tả được sự xơ xác, tiều tụy của những con người trong cuộc mưu sinh

Trong những năm đói khổ ấy, cháu cùng bà nhóm lửa:

“Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu

Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay”

- Khói bếp của bà chẳng làm no lòng cháu nhưng đã lưu giữ một kỉ niệm sống mãi không nguôi: mùi khói đã hun nhèm mắt cháu để đến bây giờ nghĩ lại “sống mũi còn cay’’.

- Tác giả nhắc đi nhắc lại từ “khói”: “mùi khói”, “khói hun” gợi một sự ám ảnh về một thời gian khó đã đi qua.

- Cảm giác cay cay vì khói bếp và cái cay cay bởi nỗi xúc động của người cháu như hòa quyện, quá khứ và hiện tại như đồng hiện trên những dòng thơ.

    Những hình ảnh, những kỉ niệm bên bà, bên bếp lửa đã cho thấy một tuổi thơ gian khổ, thiếu thốn, nhọc nhằn và đầy ám ảnh của tác giả. Để rồi khi đã đi xa, ông không khỏi xúc động mỗi khi nghĩ về bà và những kỉ niệm bên bà.

b. Những kỉ niệm hồi lên tám tuổi

• Đó là những năm tháng cháu sống trong sự cưu mang, dạy dỗ của bà:

“Tám năm ròng, cháu cùng bà nhóm lửa”

- Gợi khoáng thời gian tám năm cháu nhận được sự yêu thương, che chở, bao bọc của bà.

- Tám năm ấy, cháu sống cùng bà vất vả, khó khăn nhưng đầy tình yêu thương.

- Bếp lửa hiện diện như tình bà ấm áp, như chỗ dựa tinh thần, như sự cưu mang đùm bọc đầy chi chút của bà.

• Đó là những năm tháng hồn nhiên, trong sáng và vô tư qua hình ảnh tâm tình với chim tu hú:

“Tu hú kêu trên những cảnh đồng xa 

Tu hú kêu bà còn nhớ không bà? 

Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế 

Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!”

- Tiếng chim tu hú - âm thanh quen thuộc của đồng quê mỗi độ hè về, để báo hiệu mùa lúa chín vàng đồng, vải chín đỏ cành.

- Tiếng chim tu hú như giục giã, như khắc khoải điều gì da diết lắm, khiến lòng người trỗi dậy những hoài niệm nhớ mong. Tiếng tu hú gợi nhớ, gợi thương:

+ Về tám năm kháng chiến chống Pháp “mẹ cùng cha công tác bận không về” bà vừa là cha, vừa là mẹ.

+ Về những năm tháng tuổi thơ, về một thời cháu cùng bà nhóm lửa, được sống trong tình yêu thương, đùm bọc, cưu mang trọn vẹn của bà:

“Cháu ở cùng bà, bà kể cháu nghe 

Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học’’

Các động từ: “bà bảo”, “bà dạy”, “bà chăm” đã diễn tả sâu sắc tấm lòng bao la, sự chăm chút, nâng niu của bà đối với đứa cháu nhỏ. Các từ “bà” - “cháu” được điệp lại bốn lần, đan xen vào nhau như gợi tả tình bà cháu quấn quýt yêu thương.

    Bà vừa là bà, vừa là sự kết hợp cao quý của tình cha, nghĩa mẹ, ơn thầy.

• Tình yêu, sự kính trọng bà của người cháu được thế hiện thật chân thành, sâu sắc qua câu thơ:

“Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc”

- Hình ảnh con chim tú hú xuất hiện tiếp tục ở cuối khố thơ với câu hỏi tu từ là một sáng tạo độc đáo của Bằng Việt nhằm diễn tả nỗi lòng da diết của mình khi nhớ về tuổi thơ, về bà:

“Tu hủ ơi! Chẳng đến ở cùng bà

Kêu chi hoài trên những cảnh đông xa?”

+ Gợi hình ảnh chú chim đang lạc lõng, bơ vơ, côi cút khao khát được ấp ủ, che chở. 

+ Đứa cháu được sống trong tình yêu thương, đùm bọc của bà đã chạnh lòng thương con tu hú. Và thương con tu hú bao nhiêu, tác giả lại biết ơn những ngày được bà yêu thương, chăm chút bấy nhiêu.

    Trong khi hồi tưởng về quá khứ, người cháu luôn thể hiện nỗi nhớ thương vô hạn và lòng biết ơn bà sâu nặng.

c. Những kỉ niệm thời bom đạn chiến tranh

    Từ trong khói lửa của cuộc chiến tranh tàn khốc, người bà càng sáng lên những phẩm chất cao đẹp:

“Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi

Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi 

Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh”

- Hình ảnh “cháy tàn cháy rụi” gợi sự tàn phá, hủy diệt khủng khiếp của chiến tranh.

- Trước hiện thực khó khăn, ác liệt ấy, bà vẫn mạnh mẽ, kiên cường không kêu ca, phàn nàn. Điều đó được thể hiện qua lời dặn dò của bà với cháu:

“Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh: 

Bố ở chiến khu, bố còn việc bố, 

Mày có viết thư chớ kể này kể nọ, 

Cứ báo nhà vẫn được bình yên!”

+ Bà đã gồng mình, lặng lẽ gánh vác mọi lo toan để các con yên tâm công tác. 

+ Bà không chỉ là chỗ dựa vững chắc cho hậu phương mà còn là điểm tựa vững chắc cho cả tiền tuyến.

+ Bà đã góp phần làm ngời sáng vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam vốn giàu lòng vị tha, giàu đức hi sinh.

3. Những suy ngẫm về bà và bếp lửa

    Từ những kỉ niệm tuổi thơ được sống bên bà, nhận được sự yêu thương, chăm sóc của bà bên bếp lửa quê hương, người cháu suy ngẫm về cuộc đời bà và bếp lửa.

a. Những suy ngẫm về hình ảnh bếp lửa

    Trong bài thơ, trên dưới mười lần tác giả nhắc đến bếp lửa và hiện diện cùng bếp lửa là hình ảnh người bà, với vẻ đẹp tần tảo, nhẫn nại và đầy yêu thương. Và đến đây, tác giả đã dành một khổ thơ để nói lên những suy ngẫm về bếp lửa:

“Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen 

Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn

Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng...”

- Hình ảnh bếp lửa ở dòng thơ đầu là hình ảnh tả thực về sự vật hữu hình, cụ thể, gần gũi và gắn liền với những gian khổ của đời bà.

- Từ hình ảnh “bếp lửa” hữu hình, tác giả đã liên tưởng đến “ngọn lửa” vô hình “lòng bà luôn ủ sẵn” với ý nghĩa trừu tượng và khái quát:

+ Bếp lửa bà nhóm lên không phải chỉ bằng nhiên liệu bên ngoài, mà còn bằng chính ngọn lửa từ trong lòng bà - ngọn lửa của tình yêu thương, niềm tin vô cùng “dai dẳng”, bền bỉ và bất diệt.

+ Ngọn lửa bền bỉ và bất diệt ngày ngày bà nhóm cũng chính là nhóm niềm vui, niềm tin, niềm yêu thương để nâng đỡ cháu trên suốt những chặng đường dài.

+ Bà không chỉ là người nhóm lửa, giữ lửa mà còn là người truyền lửa - ngọn lửa của sự sống, niềm tin cho các thế hệ nối tiếp.

    Chính vì cảm nhận, thấu hiểu được trong hình ảnh bếp lửa bình dị mà thân thuộc kia một sự kì diệu và thiêng liêng, nhà thơ đã thốt lên: “Ôi kì lạ và thiêng liêng — bếp lửa!”.

- Các động từ: “nhen”, “ủ sẵn”, “chứa” đã khẳng định ý chí, bản lĩnh sống của bà, cũng là của những người phụ nữ Việt Nam.

- Điệp ngữ - ẩn dụ “một ngọn lửa” cùng kết cấu song hành đã làm cho giọng thơ vang lên mạnh mẽ, đầy xúc động, tự hào.

    Thông qua những suy ngẫm về hình ảnh bếp lửa, tác giả đã khẳng định và ngợi ca vẻ đẹp tần tảo, nhẫn nại, đầy yêu thương của bà hiện lên lấp lánh như một thứ ánh sáng diệu kì.

b. Những suy ngẫm về bà và cuộc đời bà

    Hình ảnh bà luôn gắn với hình ảnh bếp lửa, ngọn lửa. Bà là người nhóm lửa, cũng là người giữ cho ngọn lửa luôn ấm nóng và tỏa sáng. Để rồi mỗi khi nhớ lại, người cháu vô cùng cảm phục và biết ơn bà:

“Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa

Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ

Bà vẫn giừ thói quen dậy sớm”

- Cụm từ chỉ thời gian “đời bà”, “mấy chục năm” đi liền với từ láy tượng hình “lận đận” và hình ảnh ẩn dụ “nắng mưa” đã diễn tả một cách sâu sắc và trọn vẹn về cuộc đời đầy những lận đận, gian nan, vất vả của bà.

- Thời gian có thể trôi, mọi sự có thể biến đổi, song chỉ duy nhất một sự bất biến: Suốt cả một cuộc đời lận đận, vất vả, bà vẫn “giữ thói quen dậy sớm” để làm công việc nhóm lửa, nhóm lên niềm tin, tình yêu thương cho cháu.

    Tình thương yêu tác giả dành cho bà được thể hiện trong từng câu chữ. Tình cảm ấy giản dị, chân thành mà thật sâu nặng thiết tha.

    Bà không chỉ nhóm lửa bằng đôi tay khẳng khiu, gầy guộc, mà còn bằng tất cả tấm lòng đôn hậu “ấp iu nồng đượm” đối với con cháu:

“Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm

Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi

Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui

Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ”

- Điệp từ “nhóm” được nhắc lại bốn lần, đan kết với những chi tiết tả thực mang đến nhiều ý nghĩa và liên tưởng khác nhau:

+ “Nhóm bếp lửa”, “nhóm nồi xôi gạo” là hình ảnh tả thực công việc của bà.

+ “Nhóm niềm yêu thương”, “nhóm dậy cả những tâm tình” là hình ảnh ẩn dụ về công việc thiêng liêng và cao quý nhất của con người. Bà đã khơi dậy trong tâm hồn cháu và những người xung quanh niềm yêu thương, sự chia sẻ.

    Có thể nói, cảm xúc của nhà thơ như dâng trào khi suy ngẫm về bà và bếp lửa. Khổ thơ như một sự tổng kết để ngợi ca, khẳng định về bà: Bà là người phụ nữ tần tảo, giàu đức hi sinh, luôn chăm lo cho mọi người.

4. Nỗi nhớ bà và bếp lửa

    Nỗi nhớ bà và bếp lửa gợi lên từ một thực tại, người cháu năm xưa giờ đã lớn khôn, trưởng thành, đã được chắp cánh bay xa, được làm quen với những chân trời rộng lớn:

“Giờ cháu đã đi xa, có ngọn khói trăm tàu,

Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,

Nhưng vẫn chăng lúc nào quên nhắc nhớ:

Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”

- Dòng thơ đầu được ngắt thành hai câu để gợi sự chảy trôi của thời gian (từ bốn tuổi, tám tuổi đến trưởng thành); gợi sự biến đổi của không gian (từ căn bếp của bà đến những khoảng trời rộng lớn).

- Điệp từ “trăm” mở ra một thế giới rộng lớn với bao điều mới mẻ.

- Điệp từ “có” kết hợp với thủ pháp liệt kê:

+ Cho thấy người cháu đã có những thay đổi lớn trong cuộc đời, đà tìm được bao niềm vui mới.

+ Khẳng định đứa cháu không thể quên được ngọn lửa của bà, tấm lòng đùm bọc, ấp iu của bà. Ngọn lửa ấy đã thành kỉ niệm ấm lòng, thành niềm tin thiêng liêng, kì diệu nâng bước người cháu trên suốt chặng đường dài.

    Khổ thơ chứa đựng đạo lí thủy chung, cao đẹp bao đời của người Việt: “uống nước nhớ nguồn”. Đạo lí ấy được nuôi dưỡng ở mỗi tâm hồn con người từ thuở ấu thơ, để rồi như chắp cánh để mỗi người bay cao, bay xa trên hành trình cuộc đời.

III. Tổng kết

1. Nội dung

- Bài thơ “Bếp lửa” đã khẳng định, ngợi ca tình cảm bà cháu bình dị, gần gũi mà thiêng liêng.

- Qua những hồi tưởng và suy ngẫm của người cháu đà trưởng thành, nhớ lại những kỉ niệm đầy xúc động về người bà và bếp lửa, đã bộc lộ những tình cảm thiêng liêng, sâu nặng đối với gia đình, quê hương, đất nước.

2. Nghệ thuật

- Sự kết hợp hài hòa của các phương thức biểu đạt: biểu cảm, tự sự, miêu tả, bình luận.

- Hệ thống hình ảnh vừa chân thực lại vừa giàu ý nghĩa biểu tượng.

- Cảm xúc mãnh liệt, chân thành và đậm chất triết lí sâu xa.

Truyện ngắn Làng

I. Những nét chính về tác giả - tác phẩm

1. Tác giả

- Kim Lân (1920 - 2007), tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài. Ông sinh ra và lớn lên trên một làng quê trù phú và giàu truyền thống văn hóa ở Từ Sơn - Bắc Ninh.

- Con người: Kim Lân là người nghiêm khắc với bản thân, nghiêm túc với công việc.

- Kim Lân bắt đầu “cầm bút” từ những năm 1941, lựa chọn cho mình sở trường truyện ngắn và nhanh chóng trở thành một cây bút xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại.

- Ông là một trong những nhà văn am hiểu sâu sắc về nông thôn và người nông dân. Bởi vậy, ông lựa chọn đề tài về người nông dân để phát huy sở trường của mình.

+ Trước Cách mạng tháng Tám: Tái hiện được cuộc sống, sinh hoạt văn hóa và những thú vui bình dị chốn thôn quê như: đánh vật, chọi gà, thả chim,...

+ Sau Cách mạng tháng Tám: Khám phá vẻ đẹp tâm hồn người nông dân. Đó là những con người với cuộc sống cực nhọc, khổ nghèo nhưng vẫn chăm chỉ làm lụng, tràn đầy niềm tin vào tương lai.

- Phong cách nghệ thuật: Kim Lân có một lối viết tự nhiên, chậm rãi, nhẹ nhàng, hóm hỉnh và giàu cảm xúc; cách miêu tả rất gần gũi, chân thực. Đặc biệt ông có biệt tài phân tích tâm lí nhân vật.

2. Tác phẩm

a. Hoàn cảnh sáng tác

- Truyện ngắn “Làng” được viết năm 1948. Đây là thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

-Tác phẩm được đăng lần đầu trên Tạp chí Văn nghệ năm 1948.

b. Ý nghĩa nhan đề

- Xuyên suốt tác phẩm, nhà văn kể về làng chợ Dầu nhưng không lấy tên tác phẩm là “Làng Chợ Dầu” Nếu lấy tên tác phẩm là “Làng chợ Dầu” thì câu chuyện sẽ trở thành chuyện riêng của một cái làng cụ thể; ông Hai sẽ trở thành người nông dân cụ thể của làng chợ Dầu ấy. Như vậy, chủ đề, tư tưởng của truyện bị bó hẹp, không mang ý nghĩa khái quát.

- Tác giả đã sử dụng một danh từ chung là “Làng”, mang ý nghĩa khái quát để đặt tên cho tác phẩm. Đó sẽ là một câu chuyện về những làng quê nước ta trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp; ông Hai sẽ trở thành nhân vật biểu tượng cho người nông dân Việt Nam yêu làng, yêu nước. Như vậy, chủ đề, tư tưởng, ý nghĩa của truyện được mở rộng.

c. Tóm tắt

    Ông Hai người làng chợ Dầu, trong kháng chiến, buộc phải rời làng đi tản cư. Là một người nông dân yêu làng tha thiết: ông hay khoe về làng mình; ngày nào cũng ra phòng thông tin vờ xem tranh ảnh để lắng nghe tin tức về làng. Ruột gan ông cứ múa lên, trong đầu bao nhiêu ý nghĩ vui thích khi nghe về những chiến công của làng.

    Một hôm, tại quán nước, ông Hai nghe tin làng chợ Dầu làm Việt gian theo giặc. Ông cảm thấy khổ tâm, nhục nhã và xấu hổ vô cùng, về nhà, ông nằm vật ra giường nhìn lũ con mà nước mắt trào ra. Ông không dám đi đâu, chỉ ru rú ở nhà, norm nớp lo sợ. Ông Hai lâm vào hoàn cảnh bế tắc khi bà chủ nhà có ý đuổi khéo gia đình ông, nhưng không thể về làng vì về làng là bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ. Ông chỉ biết tâm sự với đứa con về nỗi lòng của mình.

    Chỉ khi thông tin được cải chính, rằng làng chợ Dầu vẫn kiên cường đánh giặc ông mới vui vẻ và phấn chấn hẳn lên. Ông đi khoe với bác Thứ, với mọi người: nhà ông bị giặc đốt, làng ông bị giặc phá, về nhà, ông vui vẻ mua quà cho lũ con.

d. Ngôi kể

- Truyện được kể theo ngôi thứ ba.

- Tác dụng: Làm cho câu chuyện trở nên khách quan và tạo cảm nhận giác chân thực cho người đọc.

II. Trọng tâm kiến thức

1. Tình huống truyện và ý nghĩa của tình huống truyện 

- Tình huống truyện đặc sắc: Ông Hai nghe tin làng chợ Dầu làm Việt gian theo Tây.

+ Tác giả đã đặt nhân vật ông Hai vào một tình huống đối nghịch với tình cảm, niềm tự hào: Một con người vốn yêu làng và luôn hãnh diện về nó thì bỗng nghe tin làng lập tề theo giặc.

+ Tình huống bất ngờ ấy đã bộc lộ một cách sâu sắc, mạnh mẽ tình yêu làng, yêu nước và tinh thần kháng chiến của ông Hai.

- Ý nghĩa của tình huống truyện:

+ Về mặt kết cấu của truyện: Tình huống này phù hợp với diễn biến của truyện, tô đậm tình yêu làng, yêu nước của người nông dân Việt Nam mà tiêu biểu là nhân vật ông Hai.

+ Về mặt nghệ thuật: Tình huống truyện đã tạo nên một cái thắt nút cho câu chuyện, tạo điều kiện để bộc lộ mạnh mẽ tâm trạng và phẩm chất của nhân vật, góp phần thế hiện chủ đề của tác phẩm.

2. Diễn biến tâm trạng của nhân vật ông Hai

a. Người nông dân mang tình yêu làng tha thiết

- Ông tự hào, hãnh diện về làng và kể về nó với niềm say mê, náo nức đến lạ thường:

+ Trước Cách mạng tháng Tám: Ông khoe con đường làng lát toàn đá xanh, trời mưa đi chẳng lấm chân; ông khoe sinh phần của một vị quan tổng đốc trong làng;...

+ Khi kháng chiến bùng nổ: Ông khoe về một làng quê đi theo kháng chiến làm cách mạng; ông kể một cách rành rọt những hộ, những ụ, những giao thông hầm hào;...

- Khi buộc phải tản cư, ông Hai đã rất nhớ về làng:

+ Ông thường xuyên chạy sang nhà bác Thứ để kể lể đủ thứ chuyện về làng, để vơi đi cái nỗi nhớ làng.

+ Ông kể cho sướng cái miệng, cho vơi cái lòng mà không cần biết người nghe có thích hay không.

+ Ông thường xuyên theo dõi tình hình của làng cũng như tình hình chiến sự.

    Tạo ra một hoàn cảnh đặc biệt, Kim Lân đã thể hiện một cách rất tự nhiên, chân thực tình cảm, niềm tự hào của ông Hai với làng chợ Dâu của mình.

b. Khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc

• Ban đầu, ông chết lặng vì đau đớn, tủi hồ như không thế điều khiển được cơ thê của mình: “Cổ ông lão nghẹn đắng lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng hẳn đi, tưởng như không thở được”.

- Cái tin ấy quá bất ngờ và khi trấn tĩnh lại, ông còn cố không tin vào cái tin dữ ấy. Nhưng rồi những người tản cư kể rành rọt quá, lại khẳng định họ “vừa ở dưới ấy lên”, “mắt thấy tai nghe”, làm ông không thể không tin.

Sau giây phút ấy, tất cả dường như sụp đổ, tâm trí ông bị ám ảnh, lo lắng, day dứt:

- Ông vờ lảng ra chỗ khác, rồi về thẳng nhà. Nghe tiếng chửi bọn Việt gian, ông “cúi gằm mặt mà đi”.

- Về đến nhà ông nằm vật ra giường, nhìn lũ con, tủi thân mà “nước mắt ông cứ tràn ra”.

- Muôn vàn nỗi lo ùa về trong tâm trí ông:

+ Ông lo cho số phận của những đứa con rồi sẽ bị khinh bỉ, hắt hủi vì là trẻ con làng Việt gian: “Chúng nó cùng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng, hắt hủi đấy ư? Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu”.

+ Ông lo cho bao nhiêu người tản cư làng ông sẽ bị khinh, tẩy chay, thù hằn, ghê tởm: “Chao ôi! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian!... Suốt cái nước Việt Nam này người ta ghê tởm, người ta thù hằn cái giống Việt gian bán nước...”

+ Ông lo cho tương lai của gia đình rồi sẽ đi đâu, về đâu, làm ăn sinh sống ra sao: “Rồi đây biết làm ăn, buôn bán làm sao? Ai người ta chứa”.

    Một loạt những câu hỏi gợi lên tâm trạng khủng hoảng, rối rắm, không có lối thoát của ông Hai.

- Trong trạng thái khủng hoảng, giận dữ ông nam chặt hai tay mà rít: “chúng bay ăn miếng cơm hay ăn miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhà thế này”.

- Niềm tin bị phản bội, những mối nghi ngờ bùng lên và giằng xé trong ông: “ông kiểm điểm từng người trong óc”.

Mấy ngày sau đó, ông hoang mang, sợ hãi khi phải đối diện với cuộc sống xung quanh:

- Ông không dám đi đâu, chỉ quẩn quanh ở nhà và nghe ngóng tình hình bên ngoài: “một đám đông tủm lại, ông cũng để ý, dăm bảy tiếng nói cười xa xa ông cũng chột dạ”.

- Lúc nào ông cũng nơm nớp, hoang mang, lo sợ tưởng như người ta để ý đến, bàn tán đến “cái chuyện ấy”. Thoáng nghe những tiếng Tây, Việt gian, cam nhông... là ông lùi ra một góc, nín thít: “Thôi lại chuyện ấy rồi!”

- Ông không dám nói chuyện với vợ, hay ông không dám nhìn thẳng vào thực tế phũ phàng đang làm ông đớn đau.

• Tình yêu làng quê và tinh thần yêu nước đã dẫn đến cuộc xung đột nội tâm ở ông Hai.

- Ông Hai rơi vào tình trạng khủng hoảng, tuyệt vọng và bế tắc hoàn toàn:

+ Ông thoáng có ý nghĩ “hay là trơ về làng” - rồi ông lại gạt bỏ ý nghĩ về làng, bởi “làng đã theo Tây, về làng là rời bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ, là cam chịu trở về kiếp sống nô lệ”.

+ Buộc phải lựa chọn một, ông đã tự xác định một cách đau đớn nhưng dứt khoát: “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây rồi thì phải thù”.

    Quyết định của ông Hai đã khẳng định tình yêu nước mạnh mẽ, thiêng liêng, rộng lớn, bao trùm lên tình cảm của làng quê. Điều gì đã khiến ông có sự lựa chọn dứt khoát đó? Phải chăng chính niềm tin vào Đảng, cách mạng, kháng chiến đã hướng ông có được sự lựa chọn đó.

- Nhưng dù đã dứt khoát như thế, ông vẫn không thể dứt bỏ tình cảm với nơi mà ông đã sinh ra, lớn lên và gắn bó gần hết cuộc đời. Bởi vậy, ông muốn được tâm sự, như để phân bua, để minh oan, cởi bỏ nỗi lòng.

+ Ông trút hết nỗi lòng vào những lời thủ thỉ, tâm sự với đứa con ngây thơ, bé bỏng.

+ Tình yêu sâu nặng với làng, nên ông muốn lí trí và trái tim bé bỏng của con phải khắc sâu, ghi nhớ câu: “Nhà ta ở làng chợ Dầu” - nơi chôn rau cắt rốn của bố con ông.

+ Ông nhắc cho con về tấm lòng thủy chung với kháng chiến, với cụ Hồ của bố con ông: “Anh em đồng chí biết cho bố con ông. Cụ Hồ trên đầu, trên có soi xét cho bố con ông”.

+ Ông khẳng định tình cảm sâu nặng, bền vững và rất thiêng liêng ấy: “Cái lòng của bố con ông là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai”.

    Dưới hình thức trò chuyện, tâm với đứa con, nhưng thực chất là lời tự vấn, để tự minh oan và khẳng định tấm lòng thủy chung của mình với làng, kháng chiến, cách mạng; để làm vơi đi phần nào những khổ tâm đã dằn vặt ông bấy lâu nay.

    Qua diễn biến tâm trạng của ông Hai, Kim Lân đã khám phá và làm nổi bật những nét đẹp trong tâm hồn người nông dân cách mạng: hài hòa giữa lòng yêu làng và tình yêu nước, nhiệt tình cách mạng.

c. Khi nghe tin làng cải chính

- Khi nghe tin cải chính làng chợ Dầu không theo giặc, như có một phép hồi sinh khiến thái độ ông Hai thay đổi hẳn: “Cái mặt buồn thiu mọi ngày bong tươi vui, rạng rỡ hẳn lên”.

- Nó giúp rũ sạch mọi đau khổ, tủi nhục, bế tắc và đưa ông trở lại với “thói quen” cũ, lật đật đi khắp nơi khoe làng: “Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ, đốt nhẵn! Ông chủ tịch làng tôi vừa mới lên đây cải chính cái tin làng Dầu chúng tôi đi Việt gian ấy mà. Láo, Láo hết! Toàn là sai sự mục đích cả”.

- Phải chăng, khi niềm tin và tình yêu bị phản bội, bị dồn nén trong những dằn dặt, khủng hoảng quá lâu dễ khiến con người ta có những suy nghĩ không bình thường?

+ Đối với người nông dân, căn nhà là tất cả cơ nghiệp, là biết bao công cày cuốc mà nên. Vậy mà ông sung sướng, hê hả loan báo cho mọi người biết cái tin “Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ, đốt nhẵn!” một cách tự hào như một niềm vui, niềm hạnh phúc.

+ Nhưng ngôi nhà là tài sản riêng, dù có mất nhưng danh dự vẫn còn, thế là ông vui, ông hạnh phúc.

+ Đó là minh chứng hùng hồn, chứng minh cho làng ông, cho bố con gia đình ông và những người tản cư trên đây không theo giặc, vẫn một lòng thủy chung, tình nghĩa và sẵn sàng hi sinh tất cả cho kháng chiến.

    Ông Hai chỉ là một người nông dân bình thường như bao người nông dân khác nhưng ông đã biết hi sinh tài sản riêng của mình cho kháng chiến. Điều này cho thấy cuộc kháng chiến chống Pháp đã đi sâu vào tiềm thức của người dân để trở thành cuộc kháng chiến toàn dân.

- Ông phấn khởi mua quà về chia cho các con và có ý định nuôi con lợn để ăn mừng,...

     Tình yêu làng và lòng yêu nước của ông Hai thực sự sâu sắc và khiến người đọc vô cùng cảm động. Tin cải chính đã trả lại cho ông tình yêu, niềm tự hào sâu sắc về làng. Nó đã xây dựng lên trong ông những “bức tường thành” vững chắc không súng đạn nào có thể công phá, cháy rụi được.

3. Những đặc sắc về nghệ thuật

- Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện: Tác giả đặt nhân vật vào tình huống cụ thể để thử thách nhân vật, để nhân vật tự bộc lộ chiều sâu tư tưởng và chủ đề của truyện.

- Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật:

+ Khắc họa thành công nhân vật ông Hai, một người nông dân yêu làng, yêu nước tha thiết,...

+ Tác giả miêu tả rất cụ thể những diễn biến nội tâm từ suy nghĩ, hành động đến ngôn ngữ,...

+ Với thủ pháp nghệ thuật đối thoại và độc thoại nội tâm đã diễn tả một cách chính xác và mạnh mẽ những ám ảnh, day dứt của nhân vật.

     Điều đó chứng tỏ Kim Lân am hiểu sâu sắc người nông dân và thế giới tinh thần của họ.

- Nghệ thuật sử dụng ngôn từ rất đặc sắc:

+ Ngôn ngữ truyện mang tính khẩu ngữ và lời ăn, tiếng nói hàng ngày của người nông dân.

+ Lời kể chuyện và lời nói của nhân vật có sự thống nhất về sắc thái, giọng điệu. 

+ Ngôn ngữ nhân vật vừa có nét chung của người nông dân Việt Nam cần cù, chịu khó, lại vừa mang đậm những nét cá tính riêng của nhân vật nên rất sinh động.

- Cách trần thuật truyện tự nhiên, linh hoạt với những chi tiết sinh hoạt, đời sống hàng ngày xen vào với mạch tâm trạng khiến cho truyện sinh động hơn.

III. Tổng kết

1. Nội dung

- Kim Lân đã tái hiện thành công diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai để mà qua đó làm nổi bật nét đẹp trong tâm hồn người nông dân Việt Nam: vẻ đẹp của tấm lòng chất phác, nồng hậu, vừa yêu làng, lại vừa yêu nước, nhiệt tình với cách mạng.

2. Nghệ thuật

- Lối kể chuyện giản dị, tự nhiên, ngôn ngữ mang tính khẩu ngữ.

- Ngòi bút phân tích tâm lí sắc sảo.

- Sự kết hợp giữa ngôn ngừ độc thoại và đối thoại.

- Hệ thống hình ảnh chi tiết, giàu sức gợi.

Xem thử Đề ôn vào 10 Văn Xem thử Đề vào 10 Văn Hà Nội Xem thử Đề vào 10 Văn Tp.HCM Xem thử Đề vào 10 Văn Đà Nẵng

Lời giải bài tập lớp 10 sách mới:

  • Giải bài tập Lớp 10 Kết nối tri thức
  • Giải bài tập Lớp 10 Chân trời sáng tạo
  • Giải bài tập Lớp 10 Cánh diều
  • Tài liệu cho giáo viên: Giáo án, powerpoint, đề thi giữa kì cuối kì, đánh giá năng lực, thi thử THPT, HSG, chuyên đề, bài tập cuối tuần..... độc quyền VietJack, giá hợp lí

Tủ sách VIETJACK luyện thi vào 10 cho 2k10 (2025):

  • Giải mã đề thi vào 10 theo đề Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh (300 trang - từ 99k/1 cuốn)
  • Bộ đề thi thử 10 chuyên (120 trang - từ 99k/1 cuốn)
  • Cấp tốc 7,8,9+ Toán Văn Anh thi vào 10 (400 trang -từ 119k)
  • Hơn 20.000 câu trắc nghiệm Toán,Văn, Anh lớp 9 có đáp án

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH ĐỀ THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 9

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và sách dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Giáo án, bài giảng powerpoint Văn, Toán, Lí, Hóa....

4.5 (243)

799,000đs

199,000 VNĐ

Đề thi vào 10 Toán Văn Anh của Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh... có lời giải

4.5 (243)

799,000đ

199,000 VNĐ

Sách Toán - Văn- Anh 6-7-8-9, luyện thi vào 10

4.5 (243)

199,000đ

99.000 - 149.000 VNĐ

xem tất cả

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS. Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ Văn được các Giáo viên hàng đầu biên soạn bám sát kiến thức trọng tâm, hệ thống lại câu hỏi phần Tiếng Việt, các tác phẩm văn học, bài thơ có trong đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.

Trang trước Trang sau Đề thi, giáo án lớp 9 sách mới các môn học
  • Giáo án lớp 9 (các môn học)
  • Giáo án điện tử lớp 9 (các môn học)
  • Giáo án Toán 9
  • Giáo án Ngữ văn 9
  • Giáo án Tiếng Anh 9
  • Giáo án Khoa học tự nhiên 9
  • Giáo án Vật Lí 9
  • Giáo án Hóa học 9
  • Giáo án Sinh học 9
  • Giáo án Địa Lí 9
  • Giáo án Lịch Sử 9
  • Giáo án GDCD 9
  • Giáo án Tin học 9
  • Giáo án Công nghệ 9
  • Đề thi lớp 9 (các môn học)
  • Đề thi Ngữ Văn 9 (có đáp án)
  • Đề thi Toán 9 (có đáp án)
  • Đề thi Tiếng Anh 9 mới (có đáp án)
  • Đề thi Tiếng Anh 9 (có đáp án)
  • Đề thi Khoa học tự nhiên 9 (có đáp án)
  • Đề thi Lịch Sử và Địa Lí 9 (có đáp án)
  • Đề thi GDCD 9 (có đáp án)
  • Đề thi Tin học 9 (có đáp án)
  • Đề thi Công nghệ 9 (có đáp án)

Từ khóa » Các Tác Phẩm Văn 9 Thi Vào 10