Kiến Trúc đình Làng Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
"Đình làng rêu kín tường vôi
Ngói nghiêng mãi giữ góc trời sớm trưa
Đình làng che nắng che mưa
Giữ tâm thôn xóm vọng chùa từng cao"
Sưu tầm
Đã từ rất lâu, khi nhắc tới nét đẹp văn hóa của nông thôn Việt Nam, con người ta luôn luôn liên tưởng tới những hình ảnh tuy bình dị, gần gũi nhưng đã trở thành biểu tượng, là nét đặc trưng không thể thiếu của làng quê. Đó chính là những hình ảnh "cây đa, bến nước, sân đình,.."
Đình làng đã gắn bó với cuộc sống nông dân Việt Nam từ rất lâu. Đình là nơi chứng kiến những cảnh sinh hoạt, những thay đổi trong đời sống của làng quê Việt Nam. Đình còn là nơi trang trọng, thiêng liêng, là biểu tượng quyền lực của ngôi làng. Đình chính là nơi để mọi người tụ họp, hội bàn những công việc lớn nhỏ trong làng. Không ai rõ từ bao giờ đình làng đã trở thành một nơi để che chở, là nét đẹp văn hóa trong tâm hồn của người dân Việt Nam. Không những thế, nó còn là hình ảnh để những người con xa quê luôn nhớ về, là niềm tự hào mỗi khi nhắc tới quê hương.
Đình làng Việt Nam
Lịch sử ra đời của đình làng
Đình làng được ra đời trong thời kỳ xã hội rối ren. Đó là giai đoạn thế kỷ 16 và 17. Là thời điểm xảy ra các cuộc nội chiến giữa các tập đoàn phong kiến: nhà Trịnh và nhà Mạc ở miền Bắc, nhà Trịnh và nhà Nguyễn ở phía nam.
Triều đình suy thoái, nhân dân lầm than, làng xã tách khỏi sự quản lý của nhà nước. Vua chúa ăn chơi sa đọa, các thế lực quan lại cường hào lộng quyền chính vì thế mà một số nho sĩ bất mãn đã dứt áo quay trở về quê hướng, lấy những sinh hoạt và hoạt động lễ hội tại địa phương làm chỗ dựa tinh thần. Những tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, gia đình, dòng họ đã trở thành một nét tín ngưỡng, một nét đẹp tinh thần của người dân Việt Nam lúc bấy giờ.
Để có thể tập trung, bàn bạc công việc cũng như tổ chức các nét đẹp văn hóa nêu trên, đình làng đã trở thành nơi sinh hoạt chung cho cả làng. Đình là nơi thờ Thành hoàng làng, những người có công với làng xã, các anh hùng dân tộc. Đình làng cũng từ đó mà trở thành nơi sinh hoạt, nơi tổ chức các lễ hội hay cũng có thể là nơi hẹn hò của những đôi trai gái. Đình làng chứng kiến những cảnh sinh hoạt của người dân, là nơi gắn bó gần gũi với người dân thôn quê. Chính vì thế mà đình làng luôn là hình ảnh đầu tiên hiện lên trong tâm trí của những người con xa quê.
Kiến trúc của đình làng
Kiến trúc đình làng Việt Nam
Đình làng có thể xếp vào loại hình kiến trúc công cộng dân gian vì đó là một trung tâm sinh hoạt chính trị và xã hội của làng. Bên cạnh đó đình làng còn chính là tế bào sống và là đơn vị cư trú của xã hội Việt Nam trước cách mạng tháng 8 năm 1945.
Đa số đình làng ở đầu thế kỷ 16 có kiến trúc hình chữ nhất chri với một nếp nhà ngang, bên trong chia thành nhiều gian. Gian chính giữa chính là nơi thờ Thành Hoàng, cũng là trung tâm cân đối cho bố cục các gian bên. Bàn thờ được đẩy cao và lùi về hướng cột phía trong.
Phần quan trọng nhất trong toàn bộ kiến trúc chính là tòa Đại Đình. Đây chính là nơi hành lễ sinh hoạt công cộng và hành chính công vụ nên đòi hỏi diện tích và không gian khá lớn, trang trọng bề thế. Nhìn từ bên ngoài: mái đình có tỉ lệ đồ sộ và khá dày, chiến 2/3 chiều cao ngôi đình, bốn góc xòe rộng uốn lượn nhẹ nhàng. Bờ nóc hơi võng, có khi 2 đầu nhô cao vút ra ngoài như hình con thuyền lớn, có khi lại được đắp hình đôi rồng chầu vòng sáng các bờ dải có đắp hình trang trí con xỏ, con kìm,....
Nhà Tiền tế thường sẽ có kích thước cũng như quy mô nhỏ hơn Đại đình, mặt bằng hình chữ nhật hay hình vuông và đa số không có cửa vách bao quanh.Cùng với sân đình, các hành lang Tả vũ, Hữu vu, Tam quan,.... nhà Tiền tế chính là bộ phận nối tiếp giữa kiến trúc đình làng và ngoại cảnh tổng quan.
Cả ba thành phần kiến trúc trên đều tổ hợp trải ra theo một đường trục thống nhất nhằm tạo được không khí trang nghiêm, hoành tráng của đình làng.
Các chức năng cũng như ý nghĩa của đình làng
Chức năng tín ngưỡng
Đình làng là nơi thờ Thành Hoàng làng, đây chính là thần hộ mệnh của ngôi làng. Thần Hoàng làng trước tiên có thể là các thần tự nhiên với các tiểu sử thế tục như Sơn Tinh, Tủy Tinh,.. Các vị thần núi như Cao Các, Quý Minh cũng được thờ ở nhiều nơi.
Bên cạnh đó thần Hoàng làng có thể là các nhân thần, các nhân vật đã đi vào sử sách Việt Nam như: Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Trần Hưng Đạo. Thần Hoàng làng thứ ba có thể gắn với tín ngưỡng bản địa, như tục thờ cây, thờ đá nguyên thủy,...
Nói chung, các thần làng Việt Nam biểu hiện cho một hệ thống tín ngưỡng đa nguyên. Đó là một hệ thống bao gồm nhiều yếu tố tín ngưỡng như tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thờ mẹ, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, những người anh hùng và có phần nhỏ ảnh hưởng của Phật giáo và Nho giáo.
Đình làng Việt Nam
Chức năng hành chính
Chắc chẳng ai có thể quên được những hình ảnh công bằng về buổi xử kiện của các quan cho tới những hình ảnh ám ảnh nhức nhối khi những người nông dân bị đánh ngay tại ngôi đình khi chưa có tiền nộp tô thuế. Đúng vậy, đình làng chính là trụ sở chính, là nơi mọi công việc hành chính của làng đều được tiến hành. Từ việc xét xử các vụ tranh chấp, phạt vạ việc nộp thuế cho tới việc bắt lính. Cơ sở để giải quyết những công việc chính là lệ làng và hương ước. Hướng ước là một hình thức luật tục.
Đình làng từ lâu đã trở thành một biểu tượng của tính tự trị và sự kết nối cộng đồng trong suốt chiều dài lịch sử của mình.
Chức năng văn hóa
" Nơi này hội tụ hàng năm
Ơn sâu, nghĩa nặng viếng thăm thường kì"
Sưu tầm
Đình làng là trung tâm sinh hoạt văn hóa của làng. Đỉnh cao của các hoạt động văn hóa ở đình làng là lễ hội. Mặc dù ở làng quê Việt Nam có hội chùa và hội đền nhưng hội làng là hội gắn bó với đời sống dân làng nhất.
Bên cạnh các phần lễ và phần hội còn có những trò chơi dân gian khác nhau như cướp cầu, kéo co, đua thuyền,... Hội làng đã đáp ứng, thỏa mãn nhiều nhu cầu của con người như: nhu cầu tâm linh, nhu cầu cộng cảm, nhu cầu thể hiện sức mạnh,...
Đình làng chính là cái nôi của văn hóa Việt Nam.
Một số đình làng tiêu biểu
Đình Thụy Phiêu
Đình làng Thụy Phiêu
Đình được dựng trên một gò đất cao ở đầu làng Thụy Phiêu, cách huyện Ba Vì chừng 5km về phía Nam. Ngôi đình được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 16, có niên đại trước đình Tây Đằng. Đến nay, định Thụy Phiêu được coi là đình cổ nhất Việt Nam với gần 500 tuổi.
Cột gỗ đình làng Thụy Phiêu
Đình Thụy Phiêu là đình có kiến trúc độc đáo. Mặc dù số lượng cột trong đình không nhiều nhưng phần lớn đều là các cột to. Cột lớn nhất có đường kính 80cm, làm bằng gỗ thông đỏ, loại gỗ quý của rừng Thụy An.
Một số cột được thay bằng gỗ lim ở các lần tu bổ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trong đó có cột cái trước bên phải gian giữa được thay năm Quý Hợi (1923), cột cái sau bên phải gian giữa làm năm Canh Thịnh 8 (1800), cột quân trước gian bên phải làm năm Canh Thân (1860).
Đình Thổ Tang
Đình Thổ Tang
Đình Thổ Tang thuộc xã Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường. Đây là một trong những đình cổ nhất còn lại ở Vĩnh Phúc hiện nay. Trải qua hàng trăm năm đến nay, đình Thổ Tang còn bảo lưu được tương đối nguyên vẹn kiến trúc thời Hậu Lê.
Đình được xây dựng với quy mô đồ sộ, gồm hai tòa kiến trúc bố cục theo hình "chữ Đinh" với đại bái 5 gian dĩ và 2 gian hậu cung, dựa trên hệ thống 60 cột làm bằng gỗ tốt đại khoa (đường kính cột cái là 0,8m và cột quân là 0,6m) tạo ra diện tích sử dụng là 400m².
Tranh trạm khắc của đình Thổ Tang
Một trong những nét tiêu biểu về kiến trúc của đình Thổ Tang không thể không kể tới đó là bức chạm khắc hội mùa. Bức tranh được đặt ở ngay hè đình, cạnh cửa ra vào. Bức tranh đã tái hiện một ngày hội xuống đồng thửa trước với nhiều nhân vật thuộc đủ các tầng lớp xã hội thu nhỏ. Bức tranh được trạm khắc một cách vô cùng tinh tế, sắc sảo bởi những bàn tay của nghệ nhân xưa.
Đình Chu Quyến
Đình Chu Quyến
Đình Chu Quyến là một ngôi đình cổ có niên đại thuộc cuối thế kỷ 17. Đây là một ngôi đình tiêu biểu cho kiến trúc gỗ dân gian truyền thống của Việt Nam thời Lê trung Hưng.
Đình Chu Quyến có mặt bằng kiểu "chữ Nhất", tức là hình chữ nhật chạy dài 30m với kiến trúc 3 gian 2 chái, diện tích 395m², kết cấu khung gỗ chồng rường truyền thống với đầy đủ 6 hàng cột: 2 hàng cột cái (đường kính 60-81cm), 2 hàng cột quân (50cm), 2 hàng cột hiên (50cm) đối xứng với nhau qua trục dọc nhà. Bốn cột cái lớn gian giữa có đường kính lên tới 81cm.
Bức chạm khắc tinh tế
Vẻ đẹp độc đáo đình Chu Quyến
Những tác phẩm bằng gỗ ở đình Chu Quyến được chạm khắc vô cùng tinh tế với nhiều đề tài phong phú, phản ánh hiện thực cuộc sống của người dân mang giá trị nghệ thuật sâu sắc. Trên các xà, ván nong, cửa võng đều có chạm trổ hoa văn rồng, phượng, hổ, .... và đàn con quấn quyết bên nhau. Chu Quyến là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa sâu sắc cũng như giá trị lịch sử to lớn của dân tộc Việt Nam.
Một số tác phẩm điêu khắc dân gian Việt Nam
Gắn với làng quê Việt Nam nói chung và Đình làng Viêt Nam nói riêng không thể không nhắc tới những tác phẩm điêu khắc dân gian. Nghệ thuật điêu khắc đình làng chính là một mảng nghệ thuật đặc biệt quan trọng, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng nên nét đẹp văn hóa của người dân Việt Nam.
Qua những nét đục, nhát dao, nhát búa khỏe khắn vững chãi trên nền chất liệu bằng gỗ, đá, các nghệ nhân xưa đã tạo nên những tác phẩm mộc mạc, chất phác, cuốn hút. Những bức tranh ấy phản ánh một cách chân thực nhất, sống động nhất, giản dị nhất về cuộc sống sinh hoạt thường nhật của người dân thôn qua, hay những lễ hội đậm chất truyền thống của người dân Việt Nam.
Tác phẩm "Đánh cờ" ở đình Ngọc Canh (Vĩnh Phúc)
Xem tấm "đánh cờ:, thế nào chúng ta cũng phải buồn cười đôi chút, biết đâu vào một buổi nào đó, nỗi u sầu trong lòng ta sẽ được xóa đi đôi phần khi đứng trước tấm chạm khắc này. Bức chạm này có lối tạo hình đặc biệt, bàn cờ hình vuông, 4 người ngồi ở 4 góc và đều quay mặt ra ngoài. Chắc chắn các bạn sẽ thấy bố cục nó chẳng biết tới luật phối cảnh gì cả, thế nhưng lại hết sức chặt chẽ, vững chắc và rất đầy đặn. Bức chạm được bố trí theo lỗi nhìn rất ngây ngô, trẻ thơ.
Trai gái đùa vui ở đình Hưng Lộc (Nam Định)
Trong tác phẩm là 4 nhân vật với 4 trạng thái tình cảm khác nhau. 2 người nam, người cười thoải mái, người cười tủm tỉm. Còn 2 cô gái lại có tâm trạng ưu tư, trầm mặc. Tất cả được bố trí tạo thành nhóm có nhân vật chính và nhân vật phụ. Với đường nét thoải mái, phóng khoán đã tạo nên một bức tranh sinh động, chân thực phản ánh đúng tâm trạng, suy nghĩ cũng như tâm tư của con người trong cuộc sống.
Nhắc tới đình là nhắc tới làng, bởi đình và làng không bao giờ tách biệt nhau. Khi nói tới đình làng chắc chắn mỗi người dân Việt Nam đều gợi lên biết bao kỷ niệm tuổi thơ đầy xao xuyến. Ngôi đình chính là dấu ấn của một nền văn hóa lâu đời, là ngôi nhà công cộng của từng làng mạc. là nơi tế lễ cũng như đình đám hội hè, nơi nhân dân tụ họp bàn bạc việc chung cũng như vui chơi, giải trí.
Đình làng là bảo tàng lịch sử lớn, là nơi lưu giữ những tác phẩm điêu khắc quý giá, phản ánh cuộc sống hiện thực xã hội đương thời cũng như phản ánh tình yêu, ước mơ, mong muốn của người dân. Đình làng vừa có giá trị vật chất lại vừa có giá trị văn hóa tinh thần sâu sắc.
Xem thêm:
- Tổng hợp bộ sưu tập biệt thự 2 tầng đẹp nhất 2018
- Top 20 mẫu nhà 2 tầng nông thôn đang là sự lựa chọn của nhiều người Việt
- Top những mẫu nhà 1 tầng mái thái được ưa chuộng nhất hiện nay
Từ khóa » Di Tích đình Làng Của Người Việt
-
Kiến Trúc Đình Làng Việt
-
Đình Làng – Nét đẹp Văn Hóa Của Người Việt - Báo Thanh Hóa
-
Kiến Trúc Đình Làng Việt.
-
Một Số Vấn đề Xung Quanh Ngôi đình Làng Việt - Người Đô Thị
-
Kiến Trúc đình Làng Việt - Hội Kiến Trúc Sư Việt Nam
-
ĐÌNH LÀNG ĐÀ NẴNG
-
Giá Trị Văn Hóa, Lịch Sử Đình Làng Đà Nẵng
-
Đình – Wikipedia Tiếng Việt
-
Đình Làng - Biểu Tượng Văn Hóa Trong đời Sống
-
Đình Làng Phai Cam - Di Tích Cấp Tỉnh
-
Bảo Tồn Và Phát Huy Giá Trị đình Làng ở Thành Phố Hồ Chí Minh
-
Đình Làng Nơi Giữ Hồn Văn Hóa Việt - Báo Lao Động Thủ đô
-
đình Làng Việt Nam ý Nghĩa Và Nguồn Gốc - Trống Trường Học
-
Đình Làng-địa điểm Tâm Linh, Nơi Lưu Giữ Những Giá Trị Lịch Sử, Văn ...