Kim Dung - Thien Long Bat Bo

Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ]
Bàn Về Tư Tưởng Phật Học trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung

* Phần Hai Bàn về " Thiên Long Bát Bộ " hay "Lục Mạch Thần Kiếm" * Thích Chơn thiện

[ Mục lục ] / [ Trang trước ] / [ Trang sau ]
A. GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT
Kim Dung sáng tác truyện Thiên Long Bát Bộ vào năm 1963; khởi đăng trên Minh Báo Hồng Kông và Nam Dương Thương Báo (Singapore) từ ngày 03-09-1963. Bộ truyện dài mười tập, 3000 trang, 50 hồi, chừng hai triệu chữ, đăng liên tục bốn năm. Đây là tác phẩm dài nhất và là một trong các tác phẩm tuyệt vời của Kim Dung, đặc biệt đầy màu sắc Phật Giáo, lòng nhân ái, hữu nghị quốc tế, tinh thần dân tộc khai minh, và đầy nét thẩm mỹ.

Bối cảnh của truyện trải khắp sáu nước: Đại Lý ở Phương Nam; Đại Tống ở Trung Nguyên; Đại Liêu, Tây Hạ, Đại Kim ở Phương Bắc, và một nước Đại Yên đã bị xóa tên trên bản đồ lịch sử.

Xung đột xảy ra chung quanh các mâu thuẫn trong mối liên hệ con người, quốc gia và quốc tế. Cục diện chính là xung đột lịch sử giữa đại Liêu và Đại Tống, đan xen vào các âm mưu quốc tế và ý đồ khôi phục nước Đại Yên của nhà Mộ Dung.

Chiến tranh đẫm máu tàn phá các giá trị nhân văn, văn hóa, chỉ nhằm phục vụ tham vọng bá quyền của Đại Liêu, và toan tính phục quốc phiêu lưu của nhà Mộ Dung. Tất cả bi thương đều trút xuống một con người bản tâm trung chính, nghĩa khí, nhân đạo là anh hùng Tiêu Phong: Tiêu Phong hứng chịu rất oan khuất các hậu quả của sự man trá, căm hờn, đố kỵ, thành kiến hẹp hòi, kỳ thị chủng tộc ở xã hội chàng đang sống.

Tình người vượt khỏi biên giới lãnh thổ, giai cấp, tuổi tác giữa ba anh em kết nghĩa Kiều Phong, Hư Trúc và Đoàn Dự tỏa sáng trên toàn truyện là tiếng nói giá trị của thời đại, hóa giải được các hận thù lịch sử, đem lại hòa bình bền vững cho toàn cõi Trung Quốc, đã thắp sáng thao thức của độc giả bốn phương.

Thái độ sống rất hiền triết, giản dị, lặng lẽ của vị sư già giữ tàng kinh các Thiếu Lâm tự, mà rất trí tuệ Phật Giáo, là tiếng hống sư tử làm bừng tỉnh một cõi giang hồ của Võ lâm đương thời, giúp giang hồ thấy rõ các hạn chế, ràng buộc của dục vọng và tư duy ngã tính từng gây ra sóng gió, loạn lạc. Tất cả nội dung đó đã được Kim Dung chuyển tải qua ba nghìn trang sách đầy mỹ cảm, với hai điểm nhấn rất đặc biệt:

- " Muốn có hy vọng giải thoát thì đầu tiên phải trừ tham, trừ ái, trừ thủ, trừ triền".

(Tr 28, tập 10; NXB Văn Học, Hà Nội, 2003)

- " Chỉ khi nào tất cả đế vương cùng tướng quân khắp thiên hạ đều tin vào Phật Pháp mà lấy từ bi làm gốc, thì lúc đó mới không còn thảm họa chiến tranh".

(Tr 273; Tập 10; NXB Văn Học, Hà Nội 2003)

Trừ tham, ái, triền và phát triển từ bi là loại trừ sạch các tác nhân gây ra khổ đau cho các cá nhân và xã hội, là đem lại hòa bình, an lạc và hạnh phúc cho đời. Đây là tiếng vọng của Phật giáo từ đỉnh Himalaya, xứ Ấn, mà độc giả có thể nghe qua từng hồi truyện Lục Mạch Thần Kiếm.

B. GIỚI THIỆU TỪNG HỒI TRUYỆN:

Hồi 1 : GIỮA ĐƯỜNG GẶP CHUYỆN BẤT BÌNH

1.1. Lược truyện

- Thái tử nước Đại Lý, Đoàn Dự là một thanh niên có tâm hồn trong sáng, nhân ái, trung thực, khoáng đạt, chàng thông tỏ Dịch Lý, Tứ Thư, Ngũ Kinh và các tư tưởng Phật học. Đặc biệt về Phật học, chàng được một Thiền sư thạc đức giáo huấn. Vốn ưa chuộng thẩm mỹ và Phật lý, chàng từ chối tập luyện võ nghệ, thường rời hoàng cung để du sơn ngoạn thủy.

Tại Vô Lượng Sơn, chứng kiến cảnh bịp bợm, dối trá của một cuộc tỉ võ: thấy Cung Quang Kiệt bịp lừa địch thủ mà bật cười. Tiếng cười ấy đã đem lại hiểm họa cho chàng: Tả Tử Mục, thầy của Cung Quang Kiệt, nghĩ rằng Đoàn Dự đang cười chế nhạo kiếm thuật của Vô Lượng phái, liền bảo Cung Quang Kiệt thách thức Đoàn Dự đọ kiếm. Một thiếu nữ ngây thơ mà nhanh nhạy, giỏi võ, thấy vậy liền nhúng tay can thiệp: nàng điều khiển con chuột kịch độc của nàng, gọi là Thiểm Điện Điêu, tấn công Cung Quang Kiệt để cứu nguy Đoàn Dự.

- Bấy giờ bang Thần Nông, một bang phái chuyên sử dụng độc dược (hóa chất cực độc) đang vây chặt Vô Lượng sơn để tiêu diệt Vô Lượng phái.

- Đoàn Dự nhân danh công bằng, nhân ái, đã bỏ qua sự thù hiềm với Vô Lượng phái, cùng Chung Linh đi thương lượng giải chiến với Tư Không Huyền, bang chủ bang Thần Nông.

- Tư Không Huyền thì đang bị Thiên Sơn Đồng Mỗ quái nhân cấy "sinh tử phù" vào thân thể buộc phái Thần Nông phải tiêu diệt kỳ tuyệt phái Vô Lượng, và đoạt về Vô Lượng Ngọc Bích. Ông ta đã khống chế, ngược đãi Chung Linh và Đoàn Dự.

- Chung Linh, núng thế phải thả con Thiểm Điện Điêu tấn công làm Tư Không Huyền bị độc thương nặng, nhiều môn nhân bị chết thảm, Tư Không Huyền khống chế được Đoàn Dự và Chung Linh và đòi giải dược. Chung Linh thì ở lại làm con tin, Đoàn Dự thì đi về Vạn Kiếp Cốc để cầu thuốc giải của Chung Vạn Cừu, bố của Chung Linh.

Đoàn Dự lại lạc bước giang hồ đi vào một khúc quanh khác của kiếp nạn...

1.2. Ý kiến

- Vô Lượng Sơn; Vô Lượng Kiến, Vô Lượng Ngọc Bích.

Các từ ngữ này vốn mang âm hưởng Vô Lượng (Amita) của danh hiệu đức Phật A Di Đà (Amita, Amitabha, Amitayur), giáo chủ của cõi Cực Lạc (vắng mặt mọi khổ đau), biểu tượng của nguồn chân tâm của con người, theo giáo nghĩa của tông Tịnh Độ, Phật Giáo Trung Quốc. Đó là nghĩa Vô lượng quang (biểu tượng của trí tuệ, hay Tuệ uẩn), Vô lượng thọ (biểu tượng của đại định, hay Định uẩn), và Vô lượng công đức (biểu tượng của phạm hạnh thanh tịnh, hay Giới uẩn). Cũng có thể gọi là Tuệ đức, Định đức và Giới đức.

Tác giả Kim Dung, qua phát ngôn của Đoàn Dự, bảo đó là Tứ Vô Lượng Tâm: đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả hoặc từ vô lượng, bi vô lượng, hỉ vô lượng, xả vô lượng. Mong cho hết thảy chúng sinh an vui là nghĩa đại từ, mong cho hết thảy chúng sinh thoát khổ là nghĩa đại bi; vui vẻ đối với chúng sinh, mà không sân không hận, là nghĩa đại hỷ; xử sự bình đẳng, không thiên lệch đối với chúng sinh, và mong chúng sinh cũng xử sự như thế, là nghĩa đại xả. Vì lẽ đó mà Đoàn Dự có thái độ sống rằng:

"Từ thuở nhỏ, ta đã thụ giới theo đạo Phật, sau cha ta mời thầy đồ dạy ta học Tứ thư, Ngũ kinh, đồng thời một vị Cao Tăng dạy kinh Phật. Ta đang học không sát, không sân, từ bi đại lượng, đột nhiên cha ta lại bắt ta luyện tập võ nghệ. Học lối đánh người, giết người, lòng ta cảm thấy có điều trái ngược.

(Tr 40, Tập I)

- Để thuyết phục Tư Không Huyền giải chiến, Đoàn Dự lập luận:

"Nghe nói quý bang cùng Vô Lượng Kiếm kết mối thâm thù. Hôm nay chính mắt tại hạ đã thấy hai người bên phái Vô Lượng Kiếm bị thảm tử, vì động mối thương tâm nên đến đây có đôi lời khuyên giải. Tại hạ trộm nghĩ rằng: oan cừu nên gỡ ra chớ chẳng nên buộc vào, vả lại gây cuộc giao đấu, chém giết là trái phép nước, việc đến tai quan lại càng rắc rối. Vậy nên xin Tư Không bang chủ kìm ngựa trước vực sâu, cấp tốc quay về, không nên gây thêm cừu oán cùng Vô Lượng Kiếm nữa".

(Tr 49, tập I)

Đây là giáo nghĩa "lấy từ bi dập tắt hận thù" của các bộ phái lớn của nhà Phật.

- Khi một lão nhân bang Thần Nông hỏi Đoàn Dự: "Các hạ thuộc môn phái nào? Tôn sư đại hiệu là gì?". Chàng đáp: "Ta không ở môn phái nào cả".

(Tr 48, Tập I).

Thái độ sống không chủ trương phục vụ cho riêng một môn phái nào, mà chỉ vì tình người, con người là thái độ sống "vô ngã, vị tha" của Phật giáo. Nói khác đi, bang phái của Đoàn Dự là "Bang phái vì hòa bình, an lạc, hạnh phúc cho đời".

Hồi 2 : LỜI NGUYỀN Ở VẠN KIẾP CỐC
2.1. Lược truyện

- Trên đường đến Vạn Kiếp Cốc, Đoàn Dự lạc vào vùng cấm địa của phái Vô Lượng Kiếm, rơi xuống vực thẳm, may mắn bám được một cành tùng lớn mà sống sót. Chàng men vào một thạch động của Vô Lượng Sơn, ẩn kín, vốn là nơi của nhị vị Tiền bối võ lâm: Tiêu Dao và Thu thủy (đã mất), sững sờ nhìn một tượng ngọc tuyệt mỹ, tuyệt sắc giai nhân, lớn bằng người thật. Lòng sinh ngưỡng mộ, tôn kính vẻ đẹp, chàng bất giác sụp lạy thần tượng một nghìn lạy, theo lời ghi trên gối lạy. Bất chợt phát hiện ra bí pháp Lăng Ba Vi Bộ và Bắc Minh Thần Công dấu trong gối lạy; cũng theo lời chỉ dạy của tượng tiên nữ, chàng không dám không luyện tập bí pháp. Sau ba ngày liền luyện tập chàng đã có thể sử dụng bí pháp, dù chưa đến mức thành thạo: Lăng Ba Vi Bộ là bộ pháp né tránh các đòn đánh của đối phương; Bắc Minh Thần Công là võ công chuyển tán nội lực của đối phương qua nội lực của mình.

- Rồi tìm thấy lối ra khỏi thạch động, chàng đi đến Vạn Kiếp Cốc. Đoàn Dự tự giới thiệu khi xin yết Kiến Cốc Chủ và phu nhân để cầu thuốc giải cứu Chung Linh. Cốc chủ phu nhân sớm nhận ra Đoàn Dự là người nhà của Đoàn Chính Thuần, người yêu của bà và bố đẻ của Chung Linh, bà ân cần thăm hỏi. Chung Vạn Cừu thì nổi máu ghen, từ chối lời yêu cầu của Đoàn Dự. Cốc chủ Phu nhân, Cam Bảo Bảo, bảo nhỏ Đoàn Dự đem theo một tín vật mà bà trao để về Đại Lý cầu Đoàn Chính Thuần đi giải cứu.

2.2. Ý kiến

- Khi thấy đôi tình nhân của phái Vô Lượng Kiếm lẫn trốn giữa lúc bang phái bị vây hãm, Đoàn Dự bảo hai người ấy là tàn ác: "chỉ lo cho nổi vui của mình mà bỏ rơi bang phái".

(Tr 68, Tập I)

Đây là tinh thần dấn thân vì hạnh phúc, an lạc của số đông, tập thể của nhà Phật, đặc biệt là tinh thần phát triển của giáo nghĩa Đại thừa, như chính bản thân Đoàn Dự đã bất chấp hiểm nguy dấn thân giúp đời.

- Đoàn Dự đã bật cười thành tiếng lúc ẩn núp khi nghe đôi tình nhân thề thốt, đã bị đôi tình nhân rượt đuổi giết. Chàng bất giác than thầm: "Đoàn Dự ơi là Đoàn Dự, chúng nó thề thốt có thành chó cái, chó đực gì cũng mặc kệ, có liên can gì đến ngươi? Việc gì ngươi phải cười người ta? Tiếng cười đó chẳng phải giết chết mấy chục mạng người sao?"

(Tr 71, Tập I).

Ý Đoàn Dự là: Nếu chàng bị giết bây giờ thì sẽ không cứu được Chung Linh, Tư Không Huyền và nhiều môn nhân phái Thần Nông, mà còn gây náo động cả hoàng cung nước Đại Lý nữa. Đây là sự thật về mối tương quan nhân duyên trùng trùng của vạn hữu theo giáo lý Duyên Khởi của nhà Phật mà tác giả Kim Dung đã khéo giới thiệu.

Trong lúc thậm nguy mà chàng quên nghĩ đến bản thân, chỉ nghĩ đến người thì quả là một biểu hiện cái tâm rất vị tha của Phật giáo.

- Trước bức tượng ngọc quá đẹp, Đoàn Dự đã cảm khái thốt ra:

"U cốc này đúng là Cực Lạc của nhân gian".

(Tr 90, Tập I).

Với cái tâm thuần thiện ưa chuộng cái chân, cái mỹ thì thạch động đẹp đẽ, yên tỉnh kia được cảm nhận là nơi an vui, vắng mặt mọi cảm giác khổ đau,nói khác đi, được cảm nhận là cực lạc ở nhân gian. Với tâm lý đầy dục vọng, sân hận thì u cốc hiện ra là nơi quá buồn bã, u tịch! Tâm và cảnh dính chặt với nhau trong cảm nhận của con người cũng là chủ trương của giáo lý Nhà Phật, tiêu biểu qua giáo lý Duyên Khởi và Ngũ Uẩn.

- Về Bắc Minh Thần Công, tác giả Kim Dung ghi :

"Bắc Minh Thần Công lấy nội lực của thiên hạ làm của mình. Nước lớn biển Bắc không phải tự nhiên mà có. Lời rằng: Trăm sông đổ vào biển, nước của biển sở dĩ có là vì dung chứa nước của trăm sông. Biển cả bao la cũng là vì biết tích tụ.

(Tr 96, Tập I).

Cũng thế, khi tâm từ và tâm bi mở lớn như biển cả, khi tuệ tâm vô ngã thấy rõ pháp giới là mình, mình là pháp giới, tất cả dung nhiếp nhau thì tâm thức sẽ không bị buộc chặt hạn chế trong tự ngã hẹp hòi, mà có thể dung chứa vô vàn tự ngã khác. Đây là Bắc Minh Thần Công của tâm và tuệ: Nếu Lục Mạch Thần Kiếm có thể chặt đứt các khí giới khác, thì trí tuệ có thể cắt đứt mọi vô minh, phiền não và khổ đau.

Về mặt xã hội cũng thế, một nền văn hóa mở rộng để tiếp thu cái hay cái đẹp của văn học, khoa học kỹ thuật của một nền văn hóa khác thì nền văn hóa ấy của xã hội ấy sẽ trở nên rất hùng mạnh, sẽ là nền văn hóa đệ nhất.

- Về Lăng Ba Vi Bộ, bộ pháp di chuyển thân của Lăng Ba Vi Bộ là tạo ra một ảnh ảo khiến đối phương chỉ tấn công vào ảnh ảo, nên đương sự luôn dễ dàng thoát nạn. Điều này nói lên rằng nếu một người sống, hành động không vì tự ngã thì thiên hạ sẽ không thể gây thương tổn người ấy. Nói khác đi, tâm vị tha thì không hại mình, hại người, còn tâm vị kỷ thì gây ra việc hại mình, hại người.

Hai môn võ công thượng thừa trên là một kết hợp để phát triển tâm thức và phát triển xã hội mà tác giả đã trao vào tay Đoàn Dự, một thanh niên mãi mong thể hiện nếp sống nhà Phật cho tự thân và cho đời.

- Lệnh của tượng ngọc tiên nữ bảo Đoàn Dự đi vào Lan Hoàng Phúc Địa (một thư viện đặc biệt của Võ học) để đọc các sách võ thuật mà luyện tập. Khi thấy thư viện sách trống rỗng, Đoàn Dự thấy lòng mừng khấp khởi về việc khỏi phải luyện võ. Rồi bỗng chàng cảm thấy xấu hổ tự than:

"Đoàn Dự ơi là Đoàn Dự, ngươi vui vì không phải tuân lệnh thần tiên tỉ tỉ thì đã là bất trung với nàng rồi. Ngươi không thấy võ công điển tịch đáng lẽ phải thất vọng mới phải, sao lại lấy làm sung sướng là sao?"

(Tr.101. tập I).

Đoàn Dự chịu trách nhiệm về tâm thức chàng thì phải chịu trách nhiệm từ ý nghĩ. Đây là ý nghĩa "tác ý tạo nên Nghiệp", và ý nghĩa "tu tâm" của Phật Giáo.

Hồi 3 : NGƯỜI ĐƯỢC VỢ, KẺ VẠ LÂY
3.1. Lược truyện

- Cam Bảo Bảo mượn của Mộc Uyển Thanh con thần mã Mai Hắc Côi cho Đoàn Dự để về Đại Lý cầu Đoàn hoàng gia đi cứu Chung Linh cho kịp lúc, và muốn tạo cơ hội cho hai bố con gặp mặt nhau lần đầu.

- Nhóm gia nhân của Vương phu nhân đánh vây Mộc Uyển Thanh nhiều phen. Mộc Uyển Thanh phải hỗn chiến từng phen mới thoát nạn.

- Mộc Uyển Thanh đặt Đoàn Dự trên lưng Mai Hắc Côi để cùng trốn thoát đám người vây bắt. Nàng xử sự với Đoàn Dự quá lạnh lùng và khắt khe: Thỉnh thoảng hành hạ chàng vì cái tánh "nói này, nói nọ". Sau cùng, nàng thả cho chàng một mình về Đại Lý.

- Trên đường về, Đoàn Dự lại giáp mặt Cung Quang Hào và Cáp Quang Bội (cặp tình nhân) và lại bị rượt giết. Mộc Uyển Thanh đi sau Đoàn Dự để theo dõi và yểm trợ chàng nên kịp hạ sát hai người kia để cứu chàng. Bấy giờ Mộc Uyển Thanh và Đoàn Dự thay đổi quyết định, hai người cùng lên đường cứu Chung Linh.

- Bốn nữ kiếm Cung Linh Thứu được lệnh truy nã Cung Quang Hào và Cáp Quang Bội (mà họ chưa từng gặp mặt), ngỡ Mộc cô nương và Đoàn Dự là hai người cần truy nã nên bao vây đánh, Mộc Uyển Thanh liền sử dụng ám tiễn giết chết ba tay nữ kiếm và bị nữ kiếm thứ tư (là một cao thủ) đánh ép nàng đến hồi nguy kịch, Đoàn Dự liền xách một xác chết nhảy vào đỡ nhiều nhát kiếm cho Uyển Thanh, giúp Mộc Uyển Thanh hạ sát nữ kiếm.

Hai người dùng áo khoác của hai nữ kiếm để cải dạng mình, dấu mình khỏi tầm mắt của đám gia nhân của Vương phu nhân, đi đến bang Thần Nông, một bang phái đang rất sợ hãi các nữ kiếm áo xanh, các sứ giả của Thiên Sơn Đông Mỗ. Phát hiện được điểm yếu tâm lý đó. Đoàn Dự bèn giả giọng ra lệnh Tư Không Huyền giải chiến lập tức, và đưa cho chàng thuốc giải "đoạn trường thảo" để cứu giải chàng và Chung linh.

- Chung Linh trở về Vạn Kiếp Cốc. Mộc cô nương và Đoàn Dự lại lên đường, chưa có quyết định mới nào để hành động. Vừa lúc ấy nhóm gia nhân của vương phu nhân lại tái hiện tấn công hai người. Hai người lại thoát hiểm, nhưng lần này Mộc cô nương bị thương thế không nhẹ...

3.2. Ý kiến

- Nghe nhóm gia nhân của Vương Phu nhân đang tìm giết Mộc Uyển Thanh, chủ nhân của thần mã Mai Hắc Côi, Đoàn Dự liền quày ngựa về tìm Mộc cô nương để phi báo. Vừa đến nhà Mộc cô nương thì Đoàn Dự vừa rơi vào một trận địa mà chỉ trong chốc lát thì đao kiếm sẽ chát chúa. Thấy chàng không biết võ nghệ, Uyển Thanh nói:

"Tài cán cỡ như ngươi mà cũng dám xưng là đại trượng phu sao? Đoàn Dự đáp: "Anh hùng hảo hán hay không há phải ở chỗ võ công cao hay thấp? Những kẻ võ nghệ tuyệt luân mà hành vi bỉ ổi, đốn mạt, đâu có xứng đáng là đại trượng phu? Cô gái áo đen (Uyển Thanh) cười: "ha ha, ngươi giữa đường gặp chuyện bất bình, trượng nghĩa đến đây báo tin, chẳng qua mong được làm đại trượng phu một chút. Đến lúc đại trượng phu bị người ta chặt ra 17, 18 mảnh lại biến thành... nát bét đại trượng phu"

(Trang 135, Tập I).

Thế là, theo ý của tác giả, trượng phu là cái tâm trượng phu biểu hiện qua hành động thiết thực, trung chính giúp người, mà không hẳn căn cứ vào võ nghệ, tài năng. Dù vậy, cái tâm trượng phu cũng cần có năng lực hành động thì mới là thiết thực hữu ích và trí tuệ; tùy lúc tùy cảnh mà hành xử cương, nhu, hệt như Đoàn Dự không hề sợ hãi trước đao kiếm, nhưng chàng phải hạ mình hết mực trước một Mộc Uyển Thanh cứng rắn, cố chấp và lạnh lùng để cục diện không trở nên tồi tệ. Đây là thái độ sống "tùy duyên nhi bất biến" của nhà Phật, hay tinh thần "phương tiện thiện xảo trong kinh Pháp Hoa của Phật Giáo đại thừa"

- Mùi hương hiện hữu:

Truyện viết:

"Chàng đứng cách nàng không đầy hai thước, chợt có mùi hương thoảng đưa vào mũi, mùi thơm nhẹ nhàng như lan mà không phải lan, ngây nhất như xạ mà không phải xạ. Một mùi thơm dìu dịu như có như không, nhưng làm cho người ngửi thấy phải mê ly, phải rùng mình".

(trang 137, tập I)

Một mùi hương có thật mà đã không thể xác định tính chất của nó, huống nữa các hiện hữu tinh tế khác? (!). Đây là một trường hợp điển hình gợi nhớ đến âm hưởng của giáo lý Bát Nhã vốn phi hữu, phi vô:

"Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác sắc, sắc chính là Không, Không chính là sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng thế".

("Sắc bất dị không, Không bất dị sắc; sắc tức Thị Không, Không tức thị sắc, thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị").

Hồi 4 : LỜI THỀ CỦA MỘC CÔ NƯƠNG
4.1. Lược truyện

- Thần mã Mai Hắc Côi lấy tàn lực phóng qua vực thẳm vừa đến mức đủ để Uyển Thanh và Đoàn Dự phóng lên bờ. Mai Hắc Côi thì rơi xuống vực sâu...

- Vừa đuối sức, vừa thương tiếc thần mã, Uyển Thanh ngất lịm người. Đoàn Dự băng bó vết thương cho nàng và ngồi cạnh chăm sóc.

- Nhóm ác gia nhân nhà họ Vương lại tiến qua vực tấn công. Đoàn Dự sắp đá lăn xuống vực để ngăn cản. Vừa lúc ấy, Nam Hải Ngạc Thần xuất hiện định giết Mộc Uyển Thanh để trả thù cho đệ tử đã bị nàng hạ sát. Đoàn Dự khéo nói khích rằng: "Kẻ đại anh hùng thì không đánh người đang bị thương, người yếu kém thế cô..." nghe có lý, Nam Hải Ngạc Thần buông tha cho cả hai. Ông ta thấy Đoàn Dự có tướng của nhà võ, muốn thâu Đoàn Dự làm đồ đệ chân truyền nên bảo vệ Đoàn Dự và Uyển Thanh đánh đuổi bọn gia nhân của Vương phu nhân, dù Đoàn Dự chưa khứng chịu.

- Đến thời điểm hẹn của bốn đại ác nhân, Nam Hải Ngạc Thần vội vã ra đi, đem theo Uyển Thanh làm con tin để giữ chân Đoàn Dự và gây áp lực chàng...

4.2. Ý kiến

- Mộc Uyển Thanh đã được sư phụ nhồi sọ rằng "Nam giới toàn là kẻ nói dối, phụ bạc, đừng tin tưởng họ", thế mà trước thái độ sống xử thế chân thật, vị tha của Đoàn Dự, nàng đã bị thuyết phục và nhận chàng làm vị hôn phu.

- Nghe Đoàn Dự thuật các chuyện can dự của chàng ở Vô Lượng Sơn, nàng bảo:

"Ngươi đã không biết võ nghệ sao còn cứ xen vào chuyện giang hồ để mang lụy vào thân". (trang 190, tập I).

Đoàn Dự đáp:

"Việc đã lỡ rồi, hối cũng vô ích. Ta chỉ còn ân hận một điều là làm phiền lụy đến cô nương mà thôi"(trang 190, tập I)

- Rõ là thái độ sống của một tâm hồn vị tha!

Hồi 5 : LĂNG BA VI BỘ
5.1. Lược truyện

- Mộc Uyển Thanh bị Nam Hải Ngạc thần điểm huyệt mê man suốt ba ngày liền. Sau đó nàng được tự do đi lại trong khu vực của bốn đại ác nhân để chờ Đoàn Dự cho đến hạn chót 7 ngày.

- Nam Hải Ngạc Thần đã rượt đuổi Vân Trung Hạc, kẻ háo sắc định hại Uyển Thanh, Uyển Thanh nói khích để hai người đánh nhau hầu nàng có cơ hội thoát thân, nhưng bất thành.

- Diệp Nhị Nương bắt cóc con nhỏ của Tả Tử Mục, đang bị tứ đại hộ pháp nước Đại Lý giúp Tả Tử Mục rượt bắt.

- Chín nữ kiếm của Cung Linh Thứu tra hỏi Đoàn Dự về tin tức của Cung Quang Hào và Cáp Quang Bội và bốn thánh sứ đã bị Uyển Thanh giết. Đoàn Dự bị giữ lại ở Vô Lượng Sơn chờ chín nữ kiếm trở về sau một cuộc tìm kiếm tiếp theo. Lợi dụng thời gian nhàn rỗi ấy Đoàn Dự luyện tập tiếp Lăng Ba Vi Bộ và Bắc Minh Thần Công.

- Nhờ hai môn võ công trên mà Đoàn Dự mở được đường thoát khỏi các người canh giữ chàng, đi cứu Mộc cô nương. Càng xung trận, Đoàn Dự càng có cơ hội thu nội lực của các cao thủ về cho mình; nội lực chàng càng trở nên hùng hậu hơn hẳn. Một hôm, tình cờ chàng nuốt chửng một con rít cực độc và một con Mảng Cổ Chu Cáp siêu độc khi chàng đang há miệng theo dõi con Thiểm Điện Điêu. Hai con vật kịch độc đã giúp Đoàn Dự phát huy nội lực vô cùng thâm hậu, và có khả năng đề kháng vạn độc.

- Thấy bóng Diệp Nhị Nương chạy qua, Đoàn Dự ngỡ là Mộc Uyển Thanh, bèn rượt theo và may mắn gặp tứ đại hộ pháp Đại Lý của chàng và Mộc cô nương tại trú xứ của bốn đại ác nhân.

5.2. Ý kiến

- Các hành động ác hại của con người, theo giáo lý nhà Phật, là do dục vọng và tà kiến mà phát sinh. Cũng nói là do tham, sân, si mà phát sinh. Các tâm lý cấu uế khác như ngã mạn, kiêu căng, bỏn sẻn, dối gạt, nịnh hót, ganh ghét, đố kỵ, tàn độc, nhiễu hại... đều từ tham, sân, si (hay ngũ cái: trạo cử, hôn trầm, dục, sân, nghi) mà sinh.

Lục Mạch Thần Kiếm sắp hạng có bốn loại tâm lý cực ác trong các tâm ác như là:

- Cùng hung cực ác: Tiêu biểu là nhân vật Vân Trung Hạc, người háo sắc, thường nhiễu hại các cô gái, đố kỵ và giết người không một chút úy kỵ.

- Hung thần ác tác: Tiêu biểu là Nam Hải Ngạc Thần, người hăng hái đánh lộn, giết người thì bẻ gãy cổ và cười khoái trá. Đây là loại khoái trá giết.

- Vô ác bất tác: Tiêu biểu là Diệp Thị Nương, người có nhan sắc mà đầy căm hận, thường bắt cóc trẻ thơ kháu khỉnh để giỡn đùa rồi giết chết ném vào bụi. Đây là loại lạnh lùng giết trẻ thơ.

- Ác quán mãn doanh: tiêu biểu là Đoàn Diên Khánh, lạnh lùng và đầy căm hận, giết cả huynh đệ ruột thịt và kết nghĩa. Đến mức độ này thì gọi là đệ nhất ác nhân.

Trên thực tế, Diệp Nhị nương và Đoàn Diên Khánh vốn là người lương thiện, chỉ vì đời bạc đãi nên trở thành đại hận, không từ bỏ một việc ác nào. Tác giả Kim Dung đã đẩy cái tâm lý bất thiện đến các hành động cực hại của chúng gây ra cho đời để người đời né tránh, hướng về điều thiện. Đây là nội dung của hai bước đi đầu, trong ba bước đi chính, của giáo lý nhà Phật thường được các bộ phái Phật giáo giới thiệu.

- Từ bỏ mọi điều ác (chư ác mạc tác).

- Làm mọi việc lành (chúng thiện phụng hành).

- Giữ thanh tịnh tâm ý (Tự tịnh kỳ ý).

- Ức Quang Tiêu canh giữ Đoàn Dự ở Vô Lượng Sơn đã nói: "Ngươi mà mở mồm nói một câu, ta sẽ cho ngươi một bạt tai; nói hai câu; hai bạt tai; nói ba câu, ba bạt tai. Ngươi biết đấy chứ?"

Đoàn Dự thầm nghĩ:

"Thằng Cha côn đồ này nói sao làm vậy. Tuy ta bị Mộc cô nương tát mấy cái thật, tuy đau trên má nhưng trong bụng lại vui vui. Còn như lần này bị ăn bạt tai của tên côn đồ kia chắc chẳng vui gì?"

(trang 269, tập I)

Cùng một cái bạt tai lên má mà ít nhất có hai tác dụng, tính chất khác nhau, nói lên tính chất bất định của nó. mẫu chuyện kể ra nghe có vẻ rất "tầm phào", nhưng lại rất là triết lý. Nói lên được sự thật bất định tính của các hiện hữu, theo giáo lý nhà Phật. Thật ý vị!

- Đoàn Dự nhớ lại lời dạy của bá phụ, Bảo Định Vương rằng: "Bá phụ thường dạy rằng con người sống ở trên đời, nếu không ăn, không mặc thì không thể sống được. Thế nhưng, một bát cháo, một mảnh khăn cũng đều lấy của người khác. Lấy của người khác là điều không thể tránh được, có điều phải báo đáp như thế nào? Nếu thu vào ít mà trả ra nhiều thì được. Nếu lấy của kẻ giàu có bất nhân để đem cho kẻ không cơm áo thì cũng không đáng thẹn, nhà Nho nhân nghĩa hay nhà Phật từ bi cũng đều như thế. Bòn khố rách, dù sơn kiệu thì là bạo ngược; còn như buôn bán làm giàu rồi làm điều thiệu cho cả thiên hạ, bố thí khắp mọi người thì là Phật sống. Thành thử không phải chuyện thu hay không thu, mà tại cách dùng thiện hay ác?

(trang 271- 172, tập I).

Tư tưởng trên của Bảo Định Vương ca ngợi pháp bố thí, lòng từ bi thương đời của nhà Phật rất là tích cực: giúp đỡ cho hết thảy mọi người có điều kiện sống an vui, hạnh phúc thoát khỏi các khổ cực, bần hàn, túng quẩn là tâm của Phật giới. Bảo Định vương đã dùng cái tâm ấy mà cai trị nước Đại Lý nên nhân dân Đại Lý sống trong cảnh thanh bình, lòng rất sùng mộ nhà vua. Đây cũng là một tư tưởng Phật học của tác giả Kim Dung vậy.

Hồi 6 : CHƯA KỊP BÁI SƯ, SƯ ĐÃ ... BÁI!
6.1. Lược truyện

- Đoàn Dự và Uyển Thanh cùng Chu Đan Thần rời khỏi trú xứ của bốn đại ác nhân trở về Đại Lý. Vân Trung Hạc âm thầm theo dõi để bắt Uyển Thanh. Chu Đan Thần dùng nghi kế đánh lừa Vân Trung Hạc khiến ông ta tưởng đang có đủ mặt tứ đại hộ pháp mà sợ hãi lánh mặt. Lát sau, Vân Trung Hạc biết là ngụy kế, liền rượt đuổi ba người. Đến am Ngọc Hư Quán, nơi tịnh cư của Ngọc Hư Tản Nhân Đao Bạch Phượng, vương phi của Đoàn Chính Thuần, Vân Trung Hạc bị vây đánh, đại bại mà bỏ chạy...

- Cao Thăng Thái, Phó Tư Quy và Chữ Vạn Lý thì bận đánh đuổi Diệp Nhị Nương và Nam Hải Ngạc Thần. Ba người ở thế thượng phong, nhưng bị Diệp Nhị Nương đánh lén nên Cao Thăng Thái bị thương không nhẹ. Cả ba trở về họp mặt ở Ngọc Hư Quán và thỉnh cầu Ngọc Hư Tản Nhân trở về hoàng cung để tính kế đối địch với bốn đại ác nhân.

- Giữa tiệc rượu đoàn tụ vui vầy ở hoàng cung, Nam Hải Ngạc Thần đến đòi Đoàn Dự bái ông ta làm sư phụ. Đoàn Dự ra điều kiện nếu ông ta xuất ba chiêu mà chế ngự được chàng thì chàng sẽ làm lễ bái sư; ngược lại, nếu sau ba chiêu mà không khống chế được chàng thì ông ta phải bái chàng làm sư phụ, một sư phụ không truyền dạy võ công, Nam Hải Ngạc Thần ưng thuận.

Cục diện diễn ra gây bất ngờ cho hết thảy mọi người: Đoàn Dự đã sử dụng Lăng Ba Vi Bộ tránh được ngót sáu mươi chiêu của Nam Hải Ngạc Thần, rồi dùng Bắc Minh Thần Công hóa tán nội lực của ông ta khiến ông ta hoảng hốt ngã lăn ra đất, xấu hổ khôn cùng.

Nam Hải Ngạc Thần miễn cưỡng sụp lạy Đoàn Dự tám lạy của lễ bái sư rồi lặng lẽ biến đi...

6.2. Ý kiến

- Lục Mạch Thần Kiếm truyện ghi rõ:

"Nước Đại Lý ở riêng một cõi phương Nam, các vị hoàng đế đều sùng tín Phật Pháp".

(trang 40, tập II)

Tác giả viết thế là gián tiếp giới thiệu đạo Phật đến độc giả bốn phương: theo dõi truyện là vừa theo dõi các ảnh hưởng Phật giáo biểu hiện qua Đoàn Dự và hoàng cung Đại Lý.

- Bảo Định Đế, Đoàn Chính Thuần, và Đoàn Dự đều có một tấm lòng thương người rất sâu sắc. Các vua chúa đều rời ngôi báu xuất gia lúc trọng tuổi. Nhân dân rất sùng mộ Bảo Định Đế và Đoàn Chính Thuần đến độ sau ngày thất lạc trở về nước, thái tử Đoàn Diên Khánh không dám đòi lại ngôi báu của vua cha đã bị một loạn thần thoán đoạt. Thái tử lặng lẽ biến đi luôn...

Hồi 7 : CHA ĂN MẶN, CON KHÁT NƯỚC
7.1. Lược truyện

- Tần Hồng Miên là một bà vợ lẽ của Đoàn Chính Thuần sinh hạ Mộc Uyển Thanh. Bà vừa là sư phụ nghiêm khắc của nàng.

- Cam Bảo Bảo cũng là một tình nhân của Đoàn Chính Thuần mang thai Chung Linh, về sau thành thân với Chung Vạn Cừu.

- Tần Hồng Miên và Cam Bảo Bảo kết nghĩa tỉ muội. Cả hai đều muốn trừ khử tình địch Đoan Bạch phượng, đã hạ lệnh cho Mộc Uyển Thanh hành thích bà.

- Giữa tiệc vui đoàn tụ, nhận ra Ngọc Hư Tản Nhân là Đoan Bạch Phượng, kẻ thù của sư phụ, Uyển Thanh liền phóng tiễn độc hại bà. Đoàn Dự nhanh nhẹn kịp đón mũi tên độc thay mẹ. Hỏi rõ sự tình, Đoàn Chính Thuần nhận ra Uyển Thanh là con gái của mình, lòng vừa mừng, vừa đau đớn. Ông nói rõ sự tình cho Mộc cô nương biết. Biết sự thật sư phụ chính là mẹ đẻ, và Đoàn Dự là anh ruột, Uyển Thanh đau đớn rời khỏi hoàng cung giữa đêm khuya, đi những bước đi vô định...

- Tiếp diễn là sự xuất hiện của Tần Hồng Miên, Cam Bảo bảo và Chung Vạn Cừu trước mặt Đoàn Chính Thuần và Đao Bạch Phượng. Hai bên đấu khẩu... đấu chưởng... đấu kiếm...

Giữa lúc ồn ào ấy, Nam Hải Ngạc Thần, theo kế hoạch của bốn đại ác nhân và Chung Vạn Cừu, đã lẻn vào cung bắt Đoàn Dự đưa về Vạn Kiếp Cốc để uy hiếp hoàng gia...

- Bảo Định Đế, Đoàn Chính Thuần, và tứ đại hộ pháp âm thầm theo lề luật giang hồ đến Vạn Kiếp Cốc để cứu Đoàn Dự.

- Đoàn Diên Khánh muốn bôi nhọ danh dự hoàng gia đã giam giữ Mộc Uyển Thanh cùng một nơi và cho hai người uống thuốc kích dục...

- Uyển Thanh và Đoàn Dự phải rất vất vả mới tự chế ngự được các kích động của dục tình... cho đến thời điểm các người hoàng gia, đưa Chung Linh vào thay thế Uyển Thanh. Vừa lúc ấy, bốn đại ác nhân mời anh hùng trên giang hồ đến chứng kiến cảnh loạn luân tồi tệ của hoàng gia: Chung Vạn Cừu đã bẽ mặt thấy người con gái ở cạnh Đoàn Dự là con gái của ông ta, mà không phải là Uyển Thanh. Quần hùng cũng lấy làm ngỡ ngàng...!

7.2. Ý kiến

Vạn Kiếp Cốc, trong hồi 7, diễn ra như một trận địa Điện Biên Phủ Việt nam. Đó là thời điểm xác định rõ chính nghĩa và thắng lợi của chính nghĩa; đám bốn đại ác nhân và Chung Vạn Cừu, dù đã vận dụng hết trăm mưu nghìn kế hại hoàng gia nhân từ của Đại Lý, đều đại bại thê thảm!

Đọc xong hồi 7, và cả hồi 8, thấy Đoàn Dự và Hoàng gia thoát nạn, ai cũng thở phào nhẹ nhỏm. Cho biết, từ thâm tâm mọi người, ai cũng mong chờ chiến thắng của điều thiện, phía thiện; ai cũng ghét bỏ cái ác, phe ác, và mong nó sớm biến mất khỏi cuộc đời. Đấy là lý do cần thiết giáo lý nhà Phật của cuộc đời.

Hồi 8 : ÔNG GIÀ ÁO XANH LÀ AI?
8.1. Lược truyện

- Giáp mặt ác nhân Đoàn Diên Khánh, thoạt đầu Bảo Định Đế chưa biết ông ta là ai. Cho đến khi Đoàn Diên Khánh sử dụng thành thạo võ công "Ngũ dương chỉ" nhằm để Bảo Định Đế rõ thân thế của mình, bấy giờ Bảo Định Đế nhận ra ông ta là thái tử, con của Thượng Đức Đế Đoàn Liên Nghĩa đã mất tích trong cuộc nội loạn ở hoàng cung - do một loạn thần gây ra. Bảo Định Đế bèn thương lượng về điều kiện thả Đoàn Dự. Điều kiện duy nhất mà Đoàn Diên Khánh yêu cầu là Ngai báu.

- Trở lại Hoàng Cung thượng nghị với Đoàn Chính Thuần, Cao Thăng Thái và Phạm Hoa, Bảo Định Đế chịu trao ngai vàng cho Đoàn Diên Khánh. Ba vị đại thần kia thì quyết không thể trao muôn dân và hạnh phúc của muôn dân vào tay đệ nhất ác nhân ấy. Chỉ có thể đi đến một chọn lựa là phải loại trừ ngay kẻ hung ác ấy để trừ họa cho xứ sở.

- Bảo Định Đế hạ chỉ phong Đoàn Chính Thuần làm Hoàng Thái Đệ là người sẽ kế vị ngôi báu. Giữa đêm vắng, người cải trang đi tìm thăm phương trượng Hoàng Mi, chùa Niêm Hoa, một người bạn tâm giao của nhà vua để xin ý kiến giải quyết cuộc khủng hoảng do Đoàn Diên Khánh gây ra, Bảo Định Đế thực hiện lời yêu cầu bỏ thuế muối để giản sức dân của Hoàng Mi Đại Sư 2 năm trước. Hoàng Mi Đại Sư hiến kế cùng Bảo Định Đế đi cứu Đoàn Dự.

- Bảo Định Đế, lại một lần nữa cùng quần thần đi vào hành động: Hoa Hách Cấn đào địa đạo dẫn đến chỗ giam Đoàn Dự ở Vạn Kiếp Cốc để tránh giao chiến; Hoàng Mi đại sư thì thách đấu cờ vây với Đoàn Diên Khánh ở bên ngoài nhà giam Đoàn Dự.

- Phạm Hoa và Hoa Hách Cấn mở đường hầm tình cờ lạc vào phòng Chung Linh. Được Chung Linh mách tin, hai người đào tiếp đến đúng chỗ giam giữ, và thay thế Chung Linh vào chỗ Uyển Thanh.

8.2. Ý kiến

- Niêm Hoa tự: tên chùa chỉ sự kiện "Niêm hoa vi tiếu" của Thế Tôn khi ngài trao truyền "Chánh pháp nhãn tạng" cho tôn giả Ca Diếp, vị sơ tổ của Thiền tông Trung Hoa.

- Khi Bảo Định Đế nói: "Đoàn Dự không chịu luyện tập võ nghệ vì nghĩ rằng đó là việc giết người", Hoàng Mi đáp: "Không hiểu võ nghệ vẫn giết người được. Giỏ võ nghệ vị tất đã giết người".

(trang 155, Tập II)

Tác giả Kim Dung đã lập luận rõ ràng: giết người là do ý chủ trương tự mình giết, hoặc sai sử giết, hoặc vui vẻ thấy giết. Nếu giỏi võ nghệ mà có lòng nhân thì có thể cứu mình, cứu người, nhất là giữa cuộc đời đầy bạo loạn. Đây là tư duy thông thoáng, khác hẳn tư tưởng Nho giáo vụ vào hình thức. Hệt như suy nghĩ của Ba Thiên Thạch trong lời phát biểu: "Chúng ta làm đến Tam Công nước Đại Lý, nhưng nếu vì quốc gia đại sự thì dù là đào mồ quật mã, hay ăn trộm đi nữa cũng không thể từ nan được".

(trang 159, tập II)

Đấy là các tư duy đậm màu sắc vô chấp của Phật giáo.

Hồi 9 : PHƯỢNG BAY RA, LOAN VÀO TỔ
9.1. Lược truyện

- Hoàng Mi đại sư dùng Kim Cương chỉ lực để khắc bàn cờ vây trên nền đá và khắc dấu quân đi. Ván cờ dần đi vào gay cấn, Hoàng Mi sắp rơi vào thế bí...

- Chung Linh vào phòng giam kịp thay chỗ Mộc Uyển Thanh, các đại thần Đại Lý đưa Mộc cô nương ra ngoài trước.

- Lúc cửa nhà giam mở ra trước mắt quần hào, Đoàn Dự bế Chung Linh đi ra khiến Chung Vạn Cừu và bốn đại ác nhân sững sốt, bẽ bàng. Thế là cách sắp đặt mưu hại của các ác nhân phút chốc thành "dã tràng xe cát..."

- Đoàn Dự liền vận Bắc Minh Thần Công vào đầu gậy sắt của Đoàn Diên Khánh và điều khiển khắc dấu quân đi vào tử địa, chuyển thế thắng của Diên Khánh thành bại.

- Biến cố kết thúc. Tất cả hồi cung mở tiệc mừng.

- Hoàng gia lại được tin Huyền Bi Đại sư Thiếu Lâm và sư huynh của Thôi Bách Tuyền bị tử nạn bởi chiêu thức "Gậy ông đập lưng ông" của nhà Mộ Dung.

- Thôi Bách Tuyền, trên đường về Đại Tống, đã ghé lại Vạn Kiếp Cốc để cứu Chung Linh đang bị Vân Trung Hạc bắt đi. Hoàng Mi tăng thì trở lại Vạn Kiếp Cốc để xem lại ván cờ và xóa nhòa các dấu vết.

- Đoàn Chính Thuần đi thăm dò tin tức Chung Linh, con gái của ông ta, đã theo địa đạo đến gặp Cam Bảo Bảo (Chung Vạn Cừu Phu nhân).

- Vân Trung Hạc đang dằng co với Chung Linh ở cửa hầm địa đạo tại chỗ ở của cô. Trong địa đạo đã có mặt Hoàng Mi tăng và các anh hùng Đại Lý dùng nội lực giữ Chung Linh. Chung Vạn Cừu, Nam Hải Ngạc thần và Diệp Nhị Nương tiếp tay Vân Trung Hạc. Đoàn Dự ở trên địa đạo thì giữ chân Diệp Nhị Nương và vận dụng Bắc Minh Thần công khiến nội lực của nhóm ác nhân tràn vào cơ thể chàng; chàng trở nên vô cùng mạnh mẽ kéo ra khỏi cửa địa đạo một đoàn người dính vào nhau. Tất cả đều kinh ngạc tưởng rằng Đoàn Dự sử dụng Hóa Công Đại Pháp của Tinh Tú Lão quái!

9.2. Ý kiến

- Vua Bảo Định Đế nhân ái chăm sóc dân tình, nặng tình hoàng tộc nên rất khó xử sự đối với việc Đoàn Diên Khánh bắt cóc Đoàn Dự: Nhà vua vừa không thể trao toàn dân cho kẻ ác, không thể để mất Đoàn Dự, vừa không nỡ gây tổn thương Đoàn Diên Khánh. Những gì tốt nhất có thể làm là điều nhà vua chọn lựa. Chọn lựa thì hẳn bản thân đã có sự hy sinh. Giải pháp cuối cùng để hành động là âm thầm giải cứu và tránh gây tổn hại đến mức tối đa có thể: đây là giải pháp nặng nét từ bi và trí tuệ của Phật Giáo!

Hồi 10 : KIẾM KHÍ DỌC NGANG NHƯ TƯỜNG KHÓI
10.1. Lược truyện

- Đoàn Dự thu vào cơ thể nhiều loại nội lực âm công và dương công mà không biết cách chuyển hóa nên người trở nên cuồng sốt. Các thái y ở hoàng cung không thể chữa trị. Bảo Định Đế đưa Đoàn Dự đến Thiên Long tự nhờ các đại sư hóa giải.

- Tại chùa Thiên Long, các đại sư đang nhập định luyện công tăng sức để chờ đối phó với Cưu Ma Trí, quốc sư nước Thổ Phồn, nên chưa thể giúp Bảo Định Đế điều hòa kinh mạch cho Đoàn Dự. Bảo Định Đế bèn đánh bạo hướng dẫn Đoàn Dự dẫn khí vào hư vô. Kết quả ổn định được thân nhiệt.

- Bảo Định Đế liền thế phát xuất gia, đạo hiệu là Bản Trần. Khô Vinh Hòa Thượng, bốn đại thiền sư và Bản Trần cùng khởi luyện Lục Mạch Thần kiếm, một võ công thượng thừa của Thiên Long tự. Mỗi vị Tăng chỉ tập trung luyện một chỉ kiếm để kịp ứng phó với Cưu Ma Trí.

- Khô Vinh dạy Đoàn Dự ở cạnh sư quan sát kỹ và nhớ thuộc nằm lòng sáu đồ hình và chú dẫn của thần kiếm Lục Mạch, rồi ngầm luyện theo quy luật của Thiên Long tự, các cư sĩ thì không được phép luyện Lục Mạch.

- Cưu Ma Trí tặng chùa Thiên Long 72 huyền công, và cách phá giải 72 huyền công của Thiếu Lâm Tự. Đổi lại, sư yêu cầu Thiên Long tự trao cho sư sách Lục Mạch Thần Kiếm để hỏa thiêu tặng người bạn đã quá vãng Mộ Dung Bác.

- Thương lượng không thành, Cưu Ma Trí liền vận chưởng xuất ba đại chỉ kiếm của Thiếu Lâm Tự (Niêm Hoa chỉ, Đa - La Diệp chỉ, và Vô Tướng Kiếp chỉ) để uy hiếp. Các đại sư Thiên Long Tự liền vận Lục Mạch Thần Kiếm để nghênh đón. Do thời gian luyện Lục Mạch Thần Kiếm quá ngắn nên chỉ kiếm phát ra uy lực còn non, Khổ Vinh Hòa thượng phải dùng tuệ xuất chỉ lực bất thần, vừa có chỉ lực "nghi binh" khiến Cưu Ma Trí nhất thời không kịp đón đỡ, thần kiếm cắt đứt mất một mảnh y trên vai làm rướm máu. Cưu Ma Trí phải lùi lại nhiều bước để né tránh. Thế là chiêu đầu của nhà sư Thổ Phồn ở thế hạ phong.

- Cưu Ma Trí cẩn mật dốc toàn lực xuất Vô Tướng kiếp chỉ tấn công đồng lượt sáu nhà sư chùa Thiên Long. Khô Vinh biết Cưu Ma Trí sẽ tạo cơ hội đánh cướp đồ hình Lục Mạch Thần Kiếm, liền xuất một chỉ lực đốt cháy sách Lục Mạch, một chỉ lực đẩy khói vận thành bốn nhóm tấn công Cưu Ma Trí. Cưu Ma Trí vội lui về thế thủ. Lúc nhận ra khỏi tỏa khắp phòng biết là sách Lục Mạch Thần Kiếm đã bị thiêu, Cưu Ma Trí thất vọng biết rằng ông ta đã thua gọn chiêu thứ hai.

- Cưu Ma Trí nghĩ kế rút lui an toàn, bèn dỡ ngón ma giáo: Vừa dùng xảo ngôn đánh lừa sự chú ý của các đại sư, vừa bất thần điểm huyệt Bản Trần dẫn đi ra khỏi thiền phòng.

Đoàn Dự vội vàng chạy theo Bản Trần nắm chặt bàn tay bá phụ và truyền vào Bắc Minh Thần Công để hóa tán nội lực của Cưu Ma Trí, kéo bá phụ tách khỏi nhà sư Thổ Phồn. Mọi người kinh ngạc về võ công của chàng...

Cưu Ma Trí nhanh trí không dám đối chưởng với Đoàn Dự, dùng kỹ thuật điểm huyệt, điểm các yếu huyệt trên cơ thể chàng trong chớp nhoáng, rồi kẹp chàng lên ngựa phi nước đại. Cưu Ma Trí mừng thầm cho rằng Đoàn Dự là cuốn sách Lục Mạch Thần Kiếm sống.

Chùa Thiên Long không kịp rượt đuổi quốc sư Thổ Phồn đầy mưu lược...

10.2. Ý kiến

- Nước Đại Lý ở phía Nam Trung Quốc, nay là tỉnh Vân nam, là một quốc độ Phật giáo. Các vương tử, đại thần đều rất sùng Phật. Các đế vương sau khi truyền ngôi đều xuất gia ở Thiên Long Tự, theo truyền thống Chuyển Luân Thánh Vương của Phật giáo rất nguyên thủy.

Trung Nguyên thì có Thiếu Lâm tự thuộc Thiền tông của Phật Giáo phát triển kể từ tổ Đạt Ma sang truyền đạo đời Lương Võ Đế.

Thiên Long thì có hai bí kíp Nhất Dương Chỉ và Lục Mạch Thần Kiếm, Thiếu Lâm thì có Dịch Cân Kinh và Thất Thập Nhị Huyền Công, là những bí pháp danh trấn giang hồ trên toàn cõi Trung Quốc, như là hai nguồn sáng Nhật, Nguyệt rọi sáng toàn bộ văn hóa, Lịch sử xứ này.

Nhất Dương Chỉ thực sự là một chỉ kiếm thuộc bí pháp Lục Mạch Thần Kiếm. Thần Kiếm là biểu tượng của trí tuệ toàn giác, hay gọi là Kim Cương Bát Nhã trí, có thể chặt đứt vô minh và hết thảy mọi thứ ràng buộc khổ đau, như là kiếm khí có thể chặt đứt các khí giới. Trí tuệ ấy phát khởi từ sáu nguồn mạch; sáu căn, sáu trần và sáu thức (gọi là sáu xúc xứ, hay Lục xứ). Trong trí tuệ ấy có mặt tâm đại từ, đại bi. Trí tuệ ấy nói đủ là: Đại Bi và Đại Tuệ, có thể hàng phục mọi thứ xấu ác, khổ sầu.

Tác giả Kim Dung, với Thiên Long Bát Bộ, hầu như đang giới thiệu Phật Giáo như là nhân tố để ổn định yên bình toàn cõi giang hồ vốn đầy dẫy tham vọng, hận thù, tà kiến và bạo hành. Khí giới tối ưu để dẹp tan mọi vận hành của tâm lý xấu là tâm đại từ bi, vô dục và vô trước (vô chấp thủ). Cuộc đọ sức giữa nhà sư Thổ Phồn Cưu Ma Trí (với sức mạnh của nhiều loại võ công vô địch trên giang hồ) với Lục Mạch Thần Kiếm (mà về sau mà Đoàn Dự sẽ biểu hiện)đầy đủ sức mạnh để chiến thắng của các nhà sư Thiên Long Tự cho độc giả thấy rõ sức mạnh tối ưu ấy.

Giới thiệu văn hóa Phật giáo bằng võ thuật như thế thì quả là ý vị và tài tình!

- Để có cái nhìn đúng về sức mạnh của Niêm Hoa Chỉ, Đa La Diệp Chỉ, Vô Tướng Kiếp Chỉ (của chùa Thiếu Lâm) và Nhất Dương Chỉ (của chùa Thiên Long) Khô Vinh đại trưởng lão hỏi Bản Nhân phương trượng rằng:

"Theo người thì Nhất Dương Chỉ của họ Đoàn, Đại Lý so với ba loại chỉ pháp Niêm Hoa, Đa La Diệp, Vô Tướng Kiếp của Thiếu Lâm, ai hơn, ai kém?"

"Chỉ pháp không có hơn kém, công phu rèn luyện có kẻ cao người thấp".

(trang 293, Tập II).

Đấy là tác giả xác nhận rằng: sức mạnh diệu dụng của các võ công là nằm ở nội lực sung mãn của người sử dụng, mà không nằm ở võ pháp, võ thuật. Cùng thế, đại, tiểu thừa Phật giáo là nằm ở tâm hành của các hành giả, mà không nằm ở Pháp, giáo lý. Giáo lý như Duyên Khởi, Tứ đế, v.v.. không có đại, tiểu (Đây là quan điểm rất trí tuệ, rất chuẩn xác về võ thuật, và về giáo lý nhà Phật). Đây là cái nhìn rất vô ngã và rất khoáng đạt giúp độc giả bốn phương có cơ sở tin tưởng vào nhận thức nghiêm túc của tác giả về Phật học.

- Cưu Ma Trí đã khổ luyện chỉ công Niêm Hoa, Đa La Diệp, và Vô Tướng Kiếp nhưng chỉ lực phát ra với uy lực còn hạn chế, do vì sư xuất chiêu với tâm còn tham vọng, trí trá. Ngược lại, Đoàn Dự chỉ nhiếp Lục Mạch Thần Kiếm trong chốc lát đã có thể phóng ra chỉ kiếm khiến Cưu Ma Trí kinh tâm (nếu Đoàn Dự khổ luyện cho đến mức thuần thục xuất chỉ theo ý muốn thì sức mạnh của Lục Mạch Thần Kiếm hẳn là vô cùng), do vì chàng xuất chiêu với tâm vô dục, vô chấp, và với tâm đại từ bi. Đại bi và đại tuệ mới là sức mạnh quyết định của võ thuật và của văn hóa. Có thể nói, với niềm tin trong sáng, đó là sức mạnh của một nền văn hóa hậu hiện đại, phải chăng?

A. Giới thiệu khái quát
B. Giới thiệu từng hồi truyện
Hồi 1 : Giữa đường gặp chuyện bất bình Hồi 2 : Lời nguyền ở Vạn Kiếp Cốc
Hồi 3 : Người được vợ, kẻ vạ lây Hồi 4 : Lời thề của Mộc Cô Nương
Hồi 5 : Lăng Ba Vi Bộ Hồi 6 : Chưa kịp bái sư đã ... bái !
Hồi 7 : Cha ăn mặn, con khát nước Hồi 8 : Ông già áo xanh là ai
Hồi 9 : Phượng bay ra, loan vào tổ Hồi 10 : Kiếm khí dọc ngang như tường khói
Hồi 11 : Hai cô Mỹ nữ, một chiếc thuyền con Hồi 12 : Người đâu gặp gỡ làm chi ...
Hồi 13 : Cô nương chỉ điểm, quần hào nhẩn ngơ Hồi 14 : Mỹ tửu chạy theo lục mạch, Đệ huynh uống đủ thiên bôi
Hồi 15 : Dù người phụ ta, ta chẳng phụ người Hồi 16 : Ân xưa oán cũ, sớm bạn trưa thù
Hồi 17 : Nguyện làm con cóc khác thường, chỉ mong thiên nga ngó đến Hồi 18 : Một ngày ba nỗi đại oan, anh hùng Khất đan rơi lệ
Hồi 19 : Trợn mắt xem khinh nghìn hảo hán, nhất tâm cứu mạng tiểu cô nương Hồi 20 : Chữ trên vách đá đã mòn , hình xăm trước ngực vẫn còn trơ trơ
Hồi 21: Nghìn dặm đường trường, mơ hồ mộng ảo Hồi 22 : Tiểu kính hồ lần ra manh mối
Hồi 23 : Chưa vui sum họp đã sầu chia ly ... Hồi 24 : Yêu nhau lắm cắn nhau đau ...
Hồi 25 : Nén thương đau, đạp tuyết lên đường Hồi 26 : Tay không bắt cọp
Hồi 27 : Chốn thiên quân bắt tướng, khất cái hóa đại vương Hồi 28 : Chịu thảm hình trở thành " thiết sửu "
Hồi 29 : Hàn độc trùng, luyện hàn độc chưởng Hồi 30 : Cuộc hội ngộ kinh hoàng ở Tiết gia trang
Hồi 31 : Nát óc tính cờ đành tự tử, vô tâm đi ẩu được thần công Hồi 32 : Người câm trổ tài hùng biện, Nhà sư lãnh phái tiêu dao
Hồi 33 : Đẩu chuyển tinh di, trấn áp hồ quần, cẩu đảng Hồi 34 : Núi phiêu Diễu mây dồn gió giật
Hồi 35 : Cứu Đồng Mỗ, tiểu tăng phạm giới Hồi 36 : Bóng hồng đã khép cửa thiền
Hồi 37 : Cùng cười ha hả một tràng, cuối đường yêu hận rõ ràng là không Hồi 38 : Chén chú chén anh, đồng bệnh si tình thành huynh đệ
Hồi 39 : Vải thưa che mắt thánh, bốn chín gặp năm mươi Hồi 40 : Biết lúc nào bỏ được lòng si
Hồi 41 : Mười tám kỵ sĩ Yên vân, Khí thế thiên binh vạn mã Hồi 42 : Giả chết chờ thời phục quốc, cõi thiền nặng nợ phu thê
Hồi 43 :Một đời mộng bá vương, cùng trở về cát bụi Hồi 44 : Đừng xây mộng đẹp mà chi, trăm năm chẳng có duyên gì với nhau
Hồi 45 : Đáy giếng khô hai lòng hòa nhịp, chốn bùn lầy hẹn ước chung thân Hồi 46 : Ba câu hỏi kén ngôi phò mã
Hồi 47 : Hoa trà nở rộ vì ai Hồi 48 : Kẻ thù lại chính là cha, đứa con oan nghiệt bây giờ là vua
Hồi 49 : Sống chết chẳng qua là giấc mộng, sá gì phú quý với vinh hoa Hồi 50 : Trung nghĩa khó toàn đành tự vẫn, thân tàn chưa tỉnh mộng quân vương
TỔNG LUẬN
Cốt truyện
- Thiên Long Bát Bộ -
- Lục Mạch Thần Kiếm -

Từ khóa » đoàn Dự Nuốt Cóc