Kim Kiều Thề Ước (cc. 429-454) Phạm Thị Nhung

Kim Kiều Thề Ước (cc. 429-454) Phạm Thị Nhung

Kim Kiều Thề Ước (cc. 429-454) Phạm Thị Nhung Xuất Xứ Sau buổi du xuân, Kiều về nhà, đầu óc luôn luôn bị ám ảnh về số kiếp hồng nhan bạc phận của Đạm Tiên mà sợ cho hậu vận. Nàng nghĩ đến chàng Kim nhưng lại âu lo cho duyên phận trắc trở. Còn Kim Trọng, tình yêu đã làm chàng liều lĩnh, giả danh du học thuê hiên Lãm Thúy để mong có cơ hội gặp lại Kiều. Nhờ bắt được kim thoa, Kim Kiều tái ngộ. Chàng giãi bầy tâm sự và hai bên đã ước hẹn chuyện trăm năm rồi trao khăn, gửi quạt làm tin. Nhân dịp cha mẹ và hai em về bên ngoại mừng lễ thọ, Kiều sang thăm Kim Trọng để thỏa lòng mong nhớ. Kiều và Kim đã trải qua một buổi chiều hạnh phúc bên nhau. Đại Ý Tình yêu đang độ say mê, bồng bột, lại lo cho hạnh phúc chẳng được bền lâu, Kiều trở lại nhà Kim Trọng ngay đêm hôm đó. Nàng tình tự với Kim và cùng chàng làm lễ thề ước. Bố Cục Đoạn thơ này có thể chia làm 3 phần: I - Câu 429-434 Kiều đang đêm sang nhà Kim Trọng. a/ 429-431 Kiều chuẩn bị trở lại nhà Kim. b/ 432-434 Cảnh vườn khuya đầy bóng tối. II - Câu 435-444 Kiều tới nhà Kim Trọng. a/ 435-440 Nỗi mừng bất ngờ của Kim b/ 441-444 Lí do thúc đẩy Kiều trở lại nhà Kim. III- Câu 445-454 Kim Kiều thề ước. a/ 445-446 Kim long trọng đón tiếp Kiều. b/ 447-452 Nghi lễ thề ước. c/ 453-454 Tiệc rượu mừng. Phân Tích I – Câu (429-434) a) Kiều chuẩn bị sang nhà Kim Trọng. (429-431) Tối hôm đó, Kiều từ nhà Kim Trọng trở về, vừa hay tin cha mẹ còn dở tiệc bên ngoại, Kiều mừng quá, hối hả buông bức rèm the nơi cửa trước xuống. Rèm the ở đấy chỉ tấm màn treo nơi cửa ra vào, dệt bằng tơ mỏng và thưa, cốt che nắng, gió, và giữ cho nhà được kín đáo. Vì cha mẹ vắng nhà, Kiều lại muốn trở sang nhà Kim Trọng nên nàng có ý kiểm soát lại cửa ngõ, buông rèm, cài cửa trước khi đi. Kiều một mình « xăm xăm băng lối vườn khuya » là nàng rảo bước đi một mạch như lao mình vượt qua khu vườn tịch mịch đã bao phủ bóng đêm, nhằm hướng nhà Kim Trọng tiến tới. Đêm ấy, ngoài vườn vắng lặng, ánh trăng chiếu trên những chòm lá ngọn cây chỗ rậm chỗ thưa tạo ra những mảng ánh sáng loang lổ, gây nên một bầu không khí rờn rợn đầy bất trắc. Lại thêm ngọn đèn nơi phòng đọc sách của Kim hắt ra một thứ ánh sáng chập chờn, yếu ớt làm tăng thêm vẻ u huyền ma quái của không gian. (Tác giả dùng chữ « trướng huỳnh », là màn đom đóm để chỉ phòng học, lấy tích Xa Dận, người đời Tấn, nhà nghèo thường bắt đom đóm để lấy ánh sáng đọc sách). Kiều tất nhiên cũng cảm thấy rùng mình sợ hãi trước cảnh « thân gái, vườn khuya, một mình », nhưng nàng vì muốn gặp lại Kim Trọng nên liều lĩnh, bất chấp tất cả. II - Câu 435-444 a) Nỗi mừng bất ngờ của Kim Trọng. (435-440) Kim ngồi tựa án, đang ở trạng thái nửa tỉnh nửa mê, sắp chìm vào giấc ngủ. « Tiếng sen », chỉ bước chân của Kiều, sẽ động, rất nhẹ, làm Kim hơi tỉnh giấc hòe (giấc hòe là giấc ngủ). Kim còn lơ mơ ngủ nên khi Kiều tiến về phía chàng, Kim mơ màng tưởng như bóng trăng soi rọi vào phòng chàng trước đó đã « xế » tức đã nghiên chếch đi, đã lu mờ đi ; trong ảo giác của chàng hiện ra hình ảnh một đóa hoa lê trắng ngát, đang tiến lại gần. Kim Trọng vừa tỉnh giấc, bất ngờ thấy Kiều ; chàng có cảm tưởng được gặp tiên nữ và tâm thần mơ màng như đang ở chốn thần tiên. (Non Thần là cù lao ở Thần Châu, chỗ tiên ở. Còn đỉnh Giáp là Núi Vu Giáp, nơi thần nữ ở. Nhắc đến điển Vu Giáp người ta thường nghĩ là nhắc đến chuyện ái ân, vì Vua Sở Tương Vương có lần ngự chơi ở Đền Cao Đường, mộng thấy thần nữ Núi Vu Giáp đến xin hầu chăn gối. Nhưng ở đây, Kim Trọng vừa thức giấc, thần trí chưa được tỉnh táo nên không thể có ngay ý tưởng về chuyện ái ân. Huống chi trong ảo giác của chàng vừa thấy Kiều hiện ra như một đóa hoa lê trắng ngần, thanh khiết. Do đó, chỉ có thể giải thích « đỉnh Giáp » là chốn thần tiên). Chuyện Kiều tới gặp Kim sự thực đã hiển nhiên. Kim vẫn không dám tin, chàng vẫn còn ngờ là đang gặp nàng trong « giấc mộng đêm xuân », tức là giấc mộng tình đẹp. Còn Kiều, trong lúc tình yêu đang sôi nổi, bồng bột, nàng đã không ngần ngại thổ lộ cùng Kim lí do vì sao nàng đã phải « đánh đường », tức là liều lĩnh tìm đường mở lối, băng qua cả một khoảng vườn mênh mông vắng ngắt giữa đêm hôm khuya khoắt như thế để tìm gặp chàng. Người Trung Hoa đã viết chữ « an » theo sự hội ý: chữ nữ ở dưới chữ miên, có nghĩa là người con gái chỉ được yên ổn khi ở trong nhà (miên là mái nhà). Chưa nói tới lễ giáo, chỉ nói tới sự an nguy của bản thân người phụ nữ khi đi vào chỗ vắng vẻ lúc đêm khuya ; Kiều hiểu điều này nên nàng tỏ ra ý thức rất rõ về sự liều lĩnh, táo bạo của nàng. Tất cả không ngoài vì tình yêu! Vâng, Kiều chỉ vì tình yêu « vì hoa », vì tình nàng yêu Kim, nên nàng mới bất chấp nguy hiểm, lặn lội đi tìm tình yêu “tìm hoa”, tìm tình Kim yêu nàng để chứng thực nàng đang hạnh phúc. Nhưng cái hạnh phúc có thật ngày hôm nay khi Kim Kiều được ở bên nhau, nhìn tỏ mặt nhau « rõ mặt đôi ta », Kiều lo sợ nó quá mỏng manh, trong tương lai, biết đâu chỉ còn có trong mộng ảo. III - Câu 445-454 a) Kim Trọng Đón Tiếp Kiều (445-446). Kim thấy Kiều tới thì mừng quýnh. Chàng vội vàng trịnh trọng mời đón Kiều vào nhà. Chàng luýnh quýnh hết nối thêm nến vào cái giá nến có đế hình hoa sen, châm lửa cho sáng lên, ; lại loay hoay đốt thêm trầm vào lư hương có hình quả đào cho gian phòng được sáng sủa, ấm cúng, thơm tho, để tiếp đón người đẹp cho được lịch sự, trang trọng. b) Nghi Lễ Thề Ước (447-452) Kim và Kiều mỗi người thảo lời thề trên một tờ giấy hoa tiên (sẽ trao đổi cho nhau) và chia hai lọn tóc mây của Kiều vừa cầm dao cắt xuống để làm lễ phát thệ. Nửa đêm hôm đó, vừng trăng to tròn, sáng ngời treo giữa bầu trời như chứng giám cho tấm lòng thành khẩn và sự đồng tâm nhất trí của Kim và Kiều khi họ phát lời thề nguyện. “Đinh ninh hai miệng” là hai miệng cùng chăm chăm chờ đợi, biểu lộ lòng họ đang chăm chú và khăng khăng tin tưởng chắc chắn vào lời thề sắp được phát ra (nói về tinh thần). « Một lời song song » là cùng một lời thề giống nhau. Hai miệng cùng phát ra một lúc, sóng đôi với nhau (nói về hình thức). Kim và Kiều đã hỏi nhau cặn kẽ đến cùng, không bỏ sót một điều gì dù nhỏ đến đâu như từ chân tơ đến kẽ tóc. Nói chung là tất cả những điều thắc mắc trong lòng để được cùng nhau cam kết sẽ chia sẻ buồn vui. Lời thề « đồng tâm » tức lời thề một lòng, một dạ thủy chung với nhau trọn cả cuộc đời trăm năm. Lời thề này Kim Kiều nguyện ghi nhớ thật sâu, thật chắc vào lòng, tưởng như khắc vào tận xương không thể nào phai mờ được. Lời thề « đồng tâm » của Kim và Kiều thật tha thiết quá không chỉ lâu dài với thời gian trăm năm cuộc đời mà còn ở mức độ khắc sâu đến tận xương cốt. c) Tiệc Rượu. (453-454). Sau lễ nghi thề ước, Kim và Kiều cùng nhau thưởng thức rượu ngon (quỳnh tương), đựng trong những chiếc chén ngọc quý có sắc ráng chiều màu vàng ối (chén hà). Họ ngồi sát bên nhau gần đến nỗi « dải là hương lộn » là dải lưng bằng lụa của họ hương thơm tỏa trộn lẫn vào nhau, và hình bóng của họ « bình gương bóng lồng » là như quện lấy nhau, như chập làm một, phản chiếu trên tấm kính (tấm gương) của chiếc bình phong. Phê Bình . Kiều vì tự do hành động, tự nàng tìm đến với Kim, tự rẽ lá, băng rào sang chơi nhà Kim, lại tự trở lại tìm chàng giữa đêm khuya và nói với chàng những lời yêu đương say đắm, lãng mạn (ảnh hưởng tiểu thuyết) thiếu cảnh giác: Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa mà sau này nàng đã phải chịu đựng bao nhiêu búa rìu của dư luận. Với Nguyễn Du, có lẽ nào ông lại để cho nhân vật yêu quý nhất của mình có những hành động xấu xa, những lời nói hớ hênh, dại dột? Chúng ta nên hiểu, qua nhân vật Kiều ở đây, Nguyễn Du muốn nói lên quan niệm của ông về tình yêu chủ động và về hạnh phúc mà tình yêu mang đến. Một tình yêu nồng nàn nhưng trong sạch đầy nhân bản tính, và một hạnh phúc đích thực của kiếp người. Theo Nguyễn Du, tình yêu lí tưởng (thiên về đời sống tinh thần) bồng bột sôi nổi và trong sạch hồn nhiên của tuổi trẻ không hề bợn chút xấu xa, tội lỗi. Ngay đoạn thơ sau « Kiều hầu đàn Kim Trọng», Nguyễn Du đã có dịp chứng minh quan niệm về tình yêu đứng đắn, đoan chính của Thúy Kiều. Tình yêu của Kiều đối với Kim Trọng ở đây có khác nào tình yêu lãng mạn, say đắm và cũng rất mực trong trắng, thơ ngây của Juliette đối với Roméo? Còn quan niệm trai gái không được giao tiếp thân cận (nam nữ thụ thụ bất thân), thực ra chỉ là quan niệm đặc biệt của người Trung Quốc, còn dân Việt Nam từ ngàn xưa vẫn cho phép trai gái được gặp gỡ, tìm hiểu nhau. Theo tài liệu của Việt Tử trong Chân Dung Nguyễn Du, ta được biết: « Các nhà nhân chủng học đã đồng thanh công nhận người Mường là người Việt thuần túy. Ở trên Mường chữ « quan lang » còn nhắc ta tổ chức quan lang với Lạc hầu, Lạc tướng dưới thời Hùng Vương... Ở Mường có chế độ Bộ Mong, cho trai gái tới tuần cập kê được đi lại nói chuyện với nhau, tìm hiểu nhau. Khi nào đồng ý, họ xin cha mẹ cho cưới » (sđd, trang 136). Lại theo tục lệ cổ truyền của dân tộc, vào những ngày hội hè đình đám hàng năm hay những ngày rảnh rỗi, những lúc nghỉ ngơi, dân ta thường tổ chức những cuộc hát ví, hát đúm, hát đối đáp, hát quan họ vv... Đây chính là những dịp thuận lợi để trai gái gặp gỡ, và có thể tỏ tình kín đáo, mà âm thầm gắn bó trao duyên. Có nơi còn đi xa hơn như Làng Viêm Xá, Tỉnh Bắc Ninh có tục trai gái hát đối đáp. Vào kì hội (mùa xuân và mùa thu), gái Viêm Xá mời trai Làng Hòa Bão sang dự đám. Họ hát với nhau tới nửa đêm thì được mời về nhà chị Cả thết đãi. Sau bữa tiệc, lúc hát trở lại, các gái làng, trai làng và trai Hoài Bão chia từng tốp 10 người hát. Cuộc hát vui tại nhà chị Cả kéo tới 4, 5 giờ sáng. Đặc biệt khoảng 2, 3 giờ khuya bao nhiêu đèn nến nhà chị cả tắt hết, trai gái cùng nằm với nhau mà hát. Cặp nào ưa nhau cứ việc dắt nhau đi, muốn làm gì thì làm. « Cổ tục Làng Viêm Xá cho phép trai gái gặp gỡ tự do trước là để họ cùng nhau thi tài qua câu hát, hai là để họ tìm hiểu nhau cho hết « ngọn nguồn lạch sông » trước khi cùng nhau tính một chữ « đồng ». (Hội Hè Đình Đám - Q. Ha., Toan Ánh, trang 210-211). Đọc tài liệu về ca dao, ta cũng thấy nhờ tục mời trầu mà có biết bao nhiêu cô gái sắc sảo, khôn ngoan đã tự kén cho mình được người bạn tình trăm năm, bằng cách mượn miếng trầu để ướm tình hay để tấn công đối phương: Trầu đã có đây, cau đã có đây, Nhân duyên chưa định, trầu này ai ăn? Trầu này trầu túi, trầu khăn Trầu này dải yếm, anh ăn trầu nào? Trầu này trầu tính, trầu tình Trầu nhân, trầu nghĩa, trầu mình, trầu ta. Trầu này têm tối hôm qua Giấu cha, giấu mẹ đem ra cho chàng v.v... Bởi vậy, bên cạnh những nhà Nho chịu ảnh hưởng nặng nề giáo lí Khổng Mạnh, không ngần ngại kết án Kiều là « tà dâm » như Nguyễn Công Trứ (Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm) và cấm đoán con gái không được đọc Truyện Kiều sợ bị ảnh hưởng xấu (Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều), thì lại có nhiều nhà Nho khác, tiêu biểu là Chu Mạnh Trinh (1862-1905), tuy theo Nho học, ông vẫn giữ nếp sống Việt, sẵn sàng chấp nhận quan điểm của Nguyễn Du về tình yêu và bênh vực Thúy Kiều. Có lẽ Chu Mạnh Trinh đã được đọc bài thơ tứ tuyệt Du Viên Bất Trú (tới chơi vườn không được vào) của Diệp Thiệu Ông (đời Tống), trong có hai câu: Xuân sắc mãn viên quan bất trú Nhất chi hồng hạnh xuất tường lai. (Vẻ xuân đầy ắp vườn, dù cửa đóng cũng không giữ được một cành hạnh đỏ vượt khỏi tường) Lễ giáo khe khắt của xã hội phong kiến khác nào khu vườn đóng cửa kia. Tình yêu, sức sống hồn nhiên của tuổi trẻ khác nào khu vườn đầy ắp khí xuân kia. Nó không chịu nổi sự gò bó khép kín bên trong nên một cành hồng hạnh đã vượt tường nở hoa. Chu Mạnh Trinh đã mượn hình ảnh tiêu biểu này để bênh vực cho Thúy Kiều: « Nào biết đâu bông hạnh nở ngoài tường chưa để con ong qua tới!». Bàn về chung thân Thúy Kiều, Tam Hợp đạo cô có nói: « mắc điều tình ái, khỏi điều tà dâm » (c.2682) Tam Hợp đạo cô cũng là ý của Nguyễn Du. Như thế đủ thấy, Nguyễn Du cũng như họ Chu đã phân biệt rõ ràng tình ái với tà dâm. Tà dâm xấu nhưng tình ái không hề xấu. Đây phải kể là một quan niệm rất mới mẻ đối với thời đại Nguyễn Du (thế kỉ XIX). Và xã hội Việt Nam, chẳng bao giờ vì Kiều mà xấu đi, đã đành, trong những ngày hội hè hát xướng, người ta còn có dịp thấy thanh niên nam nữ nông thôn đã nhìn Kiều bằng một nhãn quan đầy mĩ cảm: Thúy Kiều là bậc bố kinh Chàng Kim cũng bậc trâm anh con nhà Có đâu ép liễu, nài hoa Có đâu tang bộc như là ai kia. Bởi chưng gia biến trăm bề Bán mình trăm lạng đền nghì muôn chung. Dở dang duyên phận vợ chồng Đó là bởi tại tơ hồng cợt trêu. Họ còn lấy làm hân hạnh được ví mình như Kiều, ví người yêu như Kim Trọng: Em đây chính thật Thúy Kiều Chờ chàng Kim Trọng sớm chiều bấy nay v.v.. Trở lại quan niệm của Nguyễn Du về tình yêu và hạnh phúc, căn cứ vào những đoạn thơ Kim Kiều hạnh ngộ, Kim Kiều thề ước vừa được trình bầy ở trên, chúng ta đủ thấy, Nguyễn Du đã mặc nhiên chấp nhận và ca ngợi tình yêu tự do chủ động, nghĩa là có sự đồng tình, đồng điệu và sự đóng góp xây dựng của hai bên nam nữ. Có như thế tình yêu mới nẩy nở hoàn toàn tự nhiên, hợp với nhân bản tính. Có như thế tình yêu mới tạo được hạnh phúc đích thực cho cả hai bên; và có như thế tình yêu mới có cơ sở để trở nên sâu lắng và bền chặt. Nguyễn Du cần xây dựng một tình yêu như thế cho Kim và Kiều, để họ có thể vượt được bao nhiêu thử thách trong suốt 15 năm Kiều luân lạc. Chuyện Kiều nửa đêm « xăm xăm băng lối vường khuya một mình » trở lại nhà Kim Trọng còn có thể giải thích về phương diện tâm lí học. Nàng bị khích động bởi « mặc cảm đoạn trường ». Quả vậy, Kiều là người con gái tài hoa diễm lệ tuyệt vời, bản tính lại đa tình, đa cảm. Ngay khi còn bé, nàng đã được ông thầy tướng đoán quyết một lời: Anh hoa phát tiết ra ngòai Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa. (415-416) Dù sao trong thời gian Kiều còn thơ ấu hay đang sống dưới sự yêu thương che chở của cha mẹ, ý tưởng tài mệnh tương đố này cũng chỉ mờ nhạt trong tâm trí nàng. Cho tới ngày Lễ Thanh Minh, câu chuyện đời Đạm Tiên mới là một chứng tích rõ rệt nhất, gần gũi nhất cho số kiếp hồng nhan bạc phận. Vì thế, nó đã tác động mãnh liệt vào tâm tư Kiều. Nó ám ảnh nàng đến nỗi nằm mộng thấy Đạm Tiên báo cho biết nàng có tên trong sổ đoạn trường! Từ đó, Kiều mới bị xâm chiếm bởi mặc cảm đoạn trường. Vì mặc cảm đoạn trường, Kiều lo sợ cho hạnh phúc mỏng manh, nên nay có hoàn cảnh, nàng phải bám vào hoàn cảnh đi tìm tình yêu, vội vàng nắm lấy hạnh phúc đang ở tầm tay: Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa. Bây giờ rõ mặt đôi ta Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao! Kiều dùng chữ « hoa » ở đây rất đúng lúc để diễn tả mối tình bồng bột sôi nổi đang đốt cháy tâm can nàng, và nhóm chữ « đánh đường tìm hoa » nói lên cái táo bạo, liều lĩnh của Kiều khi tìm gặp Kim. Đối với Kiều, Đạm Tiên tượng trưng cho mệnh bạc, cho số kiếp đoạn trường làm Kiều lo sợ bao nhiêu, thì Kim Trọng tượng trưng cho mệnh hậu, đức dày, cho tình yêu tuổi trẻ, cho hạnh phúc lứa đôi khiến nàng khao khát mong cầu bấy nhiêu. Từ đó, trong thâm tâm Kiều không khỏi có cái tâm lí- Một khi được con người tài cao, mệnh hậu yêu thương hết dạ, cộng tác hết lòng, chàng sẽ giúp nàng phấn đấu chống lại định mệnh khắc nghiệt, thì lo gì nàng không thoát khỏi số kiếp đoạn trường? Thế là cùng lúc, một do tình yêu tự do, say mê, bồng bột cùa tuổi trẻ lôi cuốn, một do bản năng tranh đấu để sinh tồn của con người thúc đẩy ; Kiều quyết phá số mệnh khắc nghiệt để giành lấy tình yêu, giành lấy tự do hạnh phúc cho đời mình. Vốn là người con gái sắc sảo, Kiều thừa thông minh và khôn ngoan để biết nắm cơ hội, tạo hoàn cảnh nuôi dưỡng, xây dựng cho mối tình đầu vừa chớm nở giữa Kim và nàng mỗi ngày một thêm keo sơn gắn bó, cho Kim Trọng mãi mãi là của nàng. Hiểu thế ta sẽ không còn ngạc nhiên khi thấy Kiều lần đầu được tái ngộ với Kim, biết chắc Kim tha thiết yêu mình (không chỉ cảm nhận một cách chủ quan như lần sơ ngộ ở Hội Đạp Thanh). Kiều đã dễ dàng trộm phép cha mẹ mà trao khăn đổi quạt, và hứa hẹn « Một lời vâng tạc đá vàng thủy chung » với chàng. Lại nhân dịp cha mẹ và hai em sang bên ngoại dự lễ mừng thọ, Kiều cố ý ở nhà (Theo KVK truyện, Kiều vờ ốm) để có dịp tự tay chọn lựa những hoa quả đang mùa thật ngon đem sang tạ ơn Kim Trọng (trả kim thoa), để được tình tự với chàng cho thỏa lòng mong nhớ. (Biết đâu chuyện Kim bắt được kim thoa để hai bên sớm được tái ngộ chẳng đã do Kiều nhúng tay? Khi nghe tin Kim Trọng thuê hiên Lãm Thúy (do bọn đầy tớ kháo nhau); Kiều âm thầm mắc chiếc kim thoa gài tóc của nàng trên cành đào hướng về phía nhà Kim Trọng để chờ chàng?) Lần này, biết tin cha mẹ còn dở tiệc bên ngoại chưa thể về ngay, Kiều vội vàng «Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình», trở lại nhà Kim Trọng để bầy chuyện lập bàn thờ, chưng nến, đốt hương, cắt tóc thề, rồi cả Kim và Kiều đều viết rõ lời thề trên giấy hoa tiên và cùng phát thệ. Bao nhiêu lời hẹn ước trước đó đối với Kiều vẫn là chưa đủ. Vả lại, có lễ nghi trịnh trọng vẫn hơn. Nó gây tác động tâm lí, nhắc nhở Kim và nàng phải ý thức hơn về lời thề của mình. Trong những lần Kim Kiều gặp gỡ sau ngày Hội Đạp Thanh, Nguyễn Du cũng muốn giúp họ tạo nên những kĩ niệm đẹp, thật đẹp để họ không bao giờ quên. Nhờ vậy, tuy xa cách, tình yêu vẫn được những kỉ niệm đẹp ấy nuôi dưỡng, giúp họ vượt qua được những cảnh phũ phàng của mười lăm năm xa cách. Nguyễn Du đã giúp họ những gì? 1. Cây đào: những lần tái ngộ đầu tiên Nguyễn Du đã thêm cho họ cây đào. Cây đào ở cuối vườn nhà Kiều, bên kia tường là Hiên Lãm Thúy. Ngày ngày Kim Trọng vẫn ghé mắt nhìn sang. Lần đầu tiên Kim nhìn thoáng thấy Kiều ở dưới gốc đào: Cách tường phả buổi êm trời. Dưới đào dường có bóng người thướt tha (289-290) Kim vừa chạy ra, người con gái đã biến mất. Kim đã với được chiếc kim thoa của nàng vướng trên một cành đào: Lần theo tường gấm dạo quanh. Trên đào nhác thấy một cành kim thoa. (293-294) Nhờ đó, Kim được gặp lại Kiều. Nhân hôm cha mẹ và hai em vắng nhà, Kiều khẽ hắng giọng làm hiệu gọi Kim cũng nơi gốc đào này: Cách hoa sẽ dặng tiếng vàng Dưới hoa đã thấy có chàng đứng trông. (379-380) Thì ra Kim Trọng lúc nào cũng loanh quanh, luẩn quẩn bên gốc đào để chờ Kiều. Tóm lại, cây đào đã gắn liền với những kỉ niệm về mối tình đầu giữa Kim và Kiều. Sau nửa năm xa vắng, Kim trở lại vườn Thúy, chàng thấy mọi vật đều đổi thay. Riêng có cây đào vẫn tưng bừng nở hoa như ngày nào, như muốn trêu ghẹo nỗi cô đơn của chàng: Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông. (2748) 2. Vừng trăng Thề : Đêm thề nguyền Nguyễn Du đã thêm cho họ « vừng trăng vằng vặc ». Đêm hôm ấy, vừng trăng to tròn, trong vắt, sáng rực rỡ giữa bầu trời bao la, xanh thăm thẳm. Không gian cũng được bao phủ bởi ánh trăng thanh... Tất cả đó đã tạo thêm cho cuộc thề nguyền của Kim Kiều cái không khí thiêng liêng, gây ấn tượng mạnh cho người trong cuộc. Vừng trăng và cuộc thề nguyền này đã trở thành những kỉ niệm bất tửtrong lòng Kim-Kiều. Những tháng năm xa cách,kỉ niệm này luôn luôn hiện về trong những nỗi nhớ nhung của họ. - Kiều trên đường đi Lâm Truy : Dặm khuya gút tạnh mù khơi, Thấy trăng mà thẹn những lời non sông! (915-916) -Kiều ở Lầu Ngưng Bích: Tưởng người dưới nguyệt chén đồng Tin sương luống những rày trông, mai chờ. (1039-1040) - Với Kim Trọng lúc chia tay: Trăng thề còn trơ-trơ Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng. (514-542) Về hình thức nghệ thuật, đoạn thơ trên có nhiều điểm đặc biệt: Để tả tình yêu bồng bột, sôi nổi của Kiều đã đưa nàng đến sự liều lĩnh, bất chấp cả lể giáo, cả nỗi sợ hãi thân gái, khoảng vắng, đêm trường, Nguyễn Du đã đề ra hai loại hình ảnh tương phản: Hình ảnh « Một mình » tương phản với ba hình ảnh « Vườn khuya », « khoảng vắng » và « đêm trường ». Để gây ấn tượng nhỏ bé, mỏng manh của hạnh phúc con người trước cái bao la của vũ trụ, cái huyền bí của định mệnh, Nguyễn Du đã đưa ra hai hình ảnh tương phản: Hình ảnh của Kim, Kiều tương phản với hình ảnh « vừng trăng vằng vặc » giữa bầu trời bao la, thăm thẳm. Để tạo không khí nửa thực nửa mộng cho cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa Kim và Kiều (bất ngờ với Kim thì đúng hơn) trong đêm khuya thanh vắng, Nguyễn Du đã sử dụng phối hợp giữa ánh sáng lung linh của ánh trăng và ánh sáng chập chờn của ngọn đèn khuya. Đêm ấy, ánh trăng chiếu trên những chòm lá ngọn cây tạo ra những mảnh ánh sáng chỗ đậm chỗ nhạt, chỗ thưa chỗ mau gây nên một không khí huyền ảo. Phụ thêm vào đó là ngọn đèn dầu tỏa ra một thứ ánh sáng yếu ớt, đang chập trờn lay động. Giữa không gian lặng lẽ có vẻ hư huyền ấy, Kim Trọng đang tựa án thiu thiu ngủ, hồn chàng còn đầy ắp hình ảnh của người yêu và dư vi ngây ngất của cuộc hội kiến vừa qua. Khi nghe tiếng chân bước nhẹ của Kiều, chàng hơi tỉnh giấc, nhìn Kiều lại gần mà có ảo tưởng như một đóa hoa lê hiện thân. Thực hay mơ lúc này chàng chưa thể phân biệt được. Tất nhiên đoạn thơ trên thành công còn nhờ nhiều yếu tố nghệ thuật khác nữa. Đó là: chữ dùng thích đáng, trang nhã như: « Nhặt thưa », « hắt hiu », « thiu thiu » vừa gợi hình vừa gợi cảm. Cũng cần nói thêm về tác dụng của những vần « iu » trong « hắt hiu », « thiu thiu » đã gợi được ấn tượng vắng vẻ, tịch mịch, khuya khoắt. Những điển như Đỉnh Giáp, Non Thần đưa vào đây rất hợp. Chính nhờ Nguyễn Du thêm vào những từ ngữ « bâng khuâng », « mơ màng » để diễn tả tâm trạng hơi bàng hoàng, xen lẫn cảm giác thú vị của Kim Trọng khi chợt tỉnh giấc bất ngờ được gặp lại người yêu khiến chàng mơ hồ tưởng hồn mình đang phiêu du trong cõi thần tiên hay đang sống trong một giấc mộng tình đẹp. Nhờ vậy, độc giả không cần tìm hiểu điển cố vẫn thông suốt ý thơ dễ dàng. Đặc biệt đoạn thơ Kiều thề ước này, Nguyễn Du đã sử dụng rất nhiều từ hoa như: « tiệc hoa », «tiếng sen », « vì hoa », « tìm hoa », « tóc mây », « dao vàng », « chén hà », và « quỳnh hương », mà ngay cả những điển như « trướng huỳnh », « tiếng sen », « giấc hòe », « đỉnh Giáp », và « non Thần» có lẽ tác giả cũng sử dụng chúng như những từ hoa hơn là cố ý dụng điển. Sự có mặt của nhiều từ hoa ở đây không thấy sáo mà là cần thiết. Chúng vừa làm đẹp, làm duyên dáng ý nhị cho lời thơ, vừa tạo được không khí thanh lịch u nhã, nửa hư nửa thực rất liêu trai như đoạn Kim nửa đêm thức giấc gặp Kiều, và không khí trang trọng, quý phái như đoạn Kim Kiều thề nguyền. Lại trong đoạn thề nguyền, Nguyễn Du sử dụng phép đặt câu chia hai vế cân đối 4/4 như: Tóc mây một món | dao vàng chia đôi Đinh ninh hai miệng | một lời song song Để nhấn mạnh về ý đồng tâm nhất trí, và sự thành khẩn của cả hai nhân vật Kim, Kiều trong khi họ đồng thanh phát lời thề ước. Sự ngắt câu như thế còn tạo ra những nhịp dài, giữa 2 nhịp dài sẽ có một khoảng thời gian ngắt hơi (nghỉ) khá lâu, chủ ý diễn tả ý thức cao độ của Kim và Kiều về hành động cũng như về lời nguyền của họ. Kết Luận Tóm lại, qua đoạn thơ Kim Kiều thề ước, Nguyễn Du đã chứng tỏ nghệ thuật điêu luyện của ông trong cách dùng chữ, đặt câu, dụng điển, làm cho ý tứ diễn đạt được rõ ràng, duyên dáng. Ngoài ra nghệ thuật dựng cảnh, tạo không khí riêng cho mỗi trường hợp khiến gợi được nhiều cảm giác lạ cho độc giả. Điểm đặc biệt nhất vẫn là nghệ thuật tạo dựng nhân vật Kiều qua đời sống tâm lí phức tạp của nàng khiến nàng trở nên rất « sống » và rất « trẻ » . Nàng Kiều qua ngòi bút Nguyễn Du quả là một thế giới huyền bí và đầy sức hấp dẫn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trang chủ Đăng ký: Bài đăng (Atom)

pdf

  • Trang chủ
  • Kiêu, lâu Ngung Bich (pdf)

Phần I: Dẫn vào thế giới Nguyễn Du

  • Bố Cục Truyện Kiều ...
  • Accueil

Phần II: Tìm hiểu những đoạn văn hay trong Truyện Kiều

  • Kim Kiều Hạnh Ngộ (cc. 133-170) Phạm Thị Nh...
  • Kim Kiều Thề Ước ...
  • Kiều Ở Lầu Ngưng Bích (1033-1054) Phạm Thị Nhung
  • Đòn Ghen Họ Hoạn ...
  • Kiều Gặp Từ Hải ...
  • Kiều Khuyên Từ Hải Ra Hàng ...

Từ khóa » Con Của Người Hầu Gái Tập 453 454