Hoa là nguồn cảm hứng cho nhiều văn thi sĩ và nhân loại, có rất nhiều loài Hoa từ Vương giã chi Hoa đến Hoa đồng cỏ nội, nhiều lắm khi kể ras hết... qua bài viết này tôi xin đưa quí vị về thăm một loài Hoa dại, được tôn lên ngôi NỮ HOÀNG trong các loài hoa ở Cali - HOA POPPY- mọc rất nhiều ở nơi hoang dã, gần sa mạc. Giống như bông Sao Nhái, có 5-6 cánh nhỏ và dài độ 3-4 phân, màu vàng (Golden).
Chúng ta thường nghe nói về Hoa Poppy, nhưng có thể chưa biết nhiều về loài Hoa đặc biệt này, và tại sao Tiểu bang Cali lại chọn làm Hoa của Tiểu bang. Cũng chính vì màu vàng óng ánh của hoa khi nở rộ, như 1 tấm thảm bằng vàng trải trên mặt đất đúng với danh hiệuGoldenState. Chúng ta có thể chạy xe cán lên nó, đi bộ dẫm chân lên Hoa… không tội vạ. Nhưng nếu đưa tay bẽ, lỡ nhân viên Tiểu bang trông thấy là bị phạt ngay, ít nhất cũng $500 Dollars trở lên, vì thế phải cẩn thận, khi hái hoa phải trông chừng trước sau xem có Ông Bố, Bà Mẹ nào ở gần đó không….
Hoa Poppy ở Calicó cành nhỏ, mọc hoang giống như cỏ dại nếu ta không nhìn kỷ khi chưa trổ bông, Poppy thường mọc lẫn với cỏ dại chằng chịt. Lá rất ít, nhỏ, mịn, dài và hẹp, màu xanh tươi như lá Cúc tần Ô nhưng nhỏ hơn, sau vài cơn mưa, Poppy vươn lên mạnh mẽ, vào khoãng giữa tháng Tư đến đầu tháng Năm thì những cánh hoa Vàng óng chuốt trổ đầy đồng, chiếm trọn một vùng bao la, rộng lớn.
Hoa Poppy mọc nhiều nhất ở vùng Lancaster, California. Nếu quý bạn đi từ hướngLos Angeles. Lấy Freeway 5 North rẽ sang Fwy. 14 chạy về hướng Bắc khoãng 40 dậm, qua thị trấn Palmdale vàLancaster,Exit Ave.I quẹo trái đi về hướng West chừng 7 dậm, đến khoãng giữa đường 120 West và 170 West, chúng ta sẽ gặp ANTELOPE VALLEY CALIFORNIA POPPY RESERVE. Nếu vào đây, chúng ta sẽ có đầy đủ tài liệu về Hoa Poppy và những loài Hoa dại cũng như các loại thú và rắn của Sa mạc Mojave, trong đó có những đường lên núi đầy hoa, có những chổ nghĩ chân và nhà mát cho chúng ta picnic rất lý thú, dĩ nhiên là phải trả tiền cho chổ đậu xe.
Nếu không muốn tốn tiền, chúng ta có thể chạy tìm chổ nào hoa nở thật nhiều, ngừng lại làm một Picnic giữa đồi Hoa và chụp hình…Hàng năm, đến mùa hoa Poppy nở rộ, hàng ngàn người từ khắp các tiểu bang Hoa kỳ và các nước khác cùng về đây chiêm ngưỡng, chụp hình kỷ niệm. Nhiều người săn hình đến đây để hy vọng có đươc những tấm hình tuyệt đẹp. Theo kinh nghiệm của tôi, trước khi đến đây, nên theo dõi thời tiết để chọn ngày không có gió thì tốt nhất, vì gió sẽ làm hoa tóp lại, giống như cây mắc cỡ khi ta đụng vào nó. Khi gió yên, bông Poppy sẽ nở thật to với màu vàng óng ánh. Thử tưởng tượng cả một vùng rộng lớn hàng mấy dậm vuông, màu vàng rực rỡ dưới ánh nắng, không thấy mặt đất. Có thể nói là một rừng Hoa Poppy bao la, chạy thẳng đến đường chân trời. Hoa Poppy trông mảnh khảnh, nhưng chịu đựng khí hậu khắc nghiệt rất bền bỉ. Muà Đông tưởng chừng bị vùi lắp dưới đất cát và cỏ dại, nhưng chỉ sau vài cơn mưa, sự sống bắt đầu trổi dậy, đè bẹp cỏ dại. Mùa Đông ởLancasterthường hay có tuyết và băng giá phủ kín mặt đất trên những gốc hoa khô héo, giống như đã chết. Thế mà khi nàng Xuân ấm áp xuất hiện, cây lại vun chồi, và tươi tốt trở lại, sau đó là những cánh Hoa màu vàng óng ánh xuất hiện giữa bầu trời xanh thẩm. Hãy xem hình dưới đây khi các đồng môn ở vùng Little Sàigòn lên viếng đồi hoa Poppy, bạn sẽ thấy như một tấm thảm dệt bằng hoa vàng óng chuốt, rực rõ làm mọi ngưòi xúc động đến bàng hoàng, và hàng đoàn người đến từ phương xa, ai nấy đều say sưa,lặng yên ngắm nhìn.
Hoa Poppy có mặt khắp mọi nơi chứ không phải chỉ riêngCalimới có, và cũng có nhiều màu sắc khác nhau. Ngay bên nước Pháp cũng có hoa Poppy, nhưng màu Đỏ, khi ta chạy xe dọc theo bờ đê trước hòn đảo Mont Saint Michel, vùng Normandie, và xen lẫn trong đồng lúa mì đang chín ở Gif-sur-Yvette, ngoại ô Paris. Nhiều nhất phải kể là dọc 2 bên Xa lộ Autoroute du Soleil, hướng về Montpellier, người Pháp gọi tên là COQUELICOTS nếu dịch ra nghĩa tiếng Việt mình là bông Mồng Gà, hơi buồn cười vì nó không giống như bông mông gà của ta. Người Pháp họ không thích Hoa Coquelicots vì nó mọc tràn lan, chiếm hết vườn tược, cho nên họ bứt bỏ, nhổ hoài, vì nhà người dân Pháp thường không có nhiều đất như bên Mỹ. Ở Louisiana hoa Poppy có màu Hồng nhạt như da mặt của cô gái Đà Lạt trong buổi sáng ban mai, hoa mọc từng cụm nho nhỏ dọc theo bờ hồ Pontchartrain. Ở New Orleans cũng có hoa Poppy, Nam Cali vùng Little Saigon cũng có hoa Poppy trên đường Slater, khoảng giữa New Land nhưng có màu hồng nhạt. Hoa Poppy có đặc điểm là sống rất mạnh ngoài thiên nhiên hơn là đem về trồng trong vườn nhà, dù bạn có ra công chăm sóc chu đáo, cho nên thôi thì cứ ngắm cho đã chứ đừng đem về làm gì bạn nhé.
Trong bài viết "Tôi Đi Bán Hoa Poppy" của chị Tố Liên bên Úc châu, tôi thích bài thơ mà chị dùng để nhập đề:
"Mỗi năm xuân sắp tàn
Lại thấy Poppy nở
Khắp cả vùng trời Nam
Màu đỏ tươi rực rỡ..."
Rồi tác giả Tố Liên giải thích tại sao mà nhiều quốc gia trên thế giới lại vinh danh hay trân quí loài hoa Poppy như vậy, hãy theo dõi:
"Để biết về hoa Poppy, tôi xin sơ lược qua lịch sử, biểu tượng, ý nghĩa của hoa và mục đích của việc bán hoa này... Vì sao mà hoa Poppy được trân quý và được dùng làm biểu tượng “Tưởng nhớ” từ khi chấm dứt thế chiến I (1914 - 1918) cho tới bây giờ ?
Đối với Úc, họ rất quan tâm đặc biệt ngày lễ này, vì qua 4 năm khói lửa trên chiến trường khốc liệt tại mặt trận Tây Âu và Trung Đông (Gallipoli), 60,000 người con thân yêu của nước Úc đã phải hy sinh.
Sau những trận giao tranh khủng khiếp, chiến trường Bắc Pháp và Bỉ đã bị tàn phá, hủy diệt tiêu điều. Nhưng cũng chính tại những cánh đồng tiêu sơ đó, khi mùa xuân đến, Poppy là loài hoa đầu tiên đâm chồi, nẩy lộc, mọc lên tươi thắm, đỏ rực, sáng chói dưới ánh mặt trời… Mạch sống của hoa đỏ thắm tươi này xem như được nuôi dưỡng bằng máu của các chiến binh dũng cảm hy sinh tại sa trường.
Đến khi vị Trung tá Bác sĩ Mc Crae, người Canada vừa mới tới phục vụ tại Ypres chỉ 17 ngày ngắn ngủi thì một bạn đồng nghiệp, đồng đội đã tử thương bởi trái pháo vào ngày 2/5/1915. Chính Mc Crae đã hoàn thành tang lễ và chôn cất bạn mình chỉ một ngày sau đó tại nghĩa trang nhỏ hẹp bên ngoài tiền trạm quân y của ông mà không có được một lời cầu nguyện của giáo sĩ, một tiếng chuông nguyện của nhà thờ, hay một tiếng than khóc, tiễn đưa của thân nhân người quá cố.
Hôm kế tiếp, nhân ngồi sau ambulance gần tiền trạm, ông nhìn những cánh hoa Poppy phất phơ theo gió, giữa những hàng thánh giá đứng im lìm, trong bầu không khí tĩnh mịch, hoang sơ. Nhìn nấm mồ lạnh lẽo đơn sơ của bạn mà đau đớn tiếc thương, cảm xúc sâu xa, ông đã trút nổi thống khổ của mình bằng một bài thơ bất hủ “In Flanders Fields”:
“In flanders Fields the Poppy blow
Between the crosses row on row
That marks our place; and in the sky
The larks, still bravely singing, fly
Scarce heart amid the guns below.
We are the Dead. Short days ago
We lived, felt dawn, saw sunset glow,
Loved and were loved, and now we lie
In Flanders fields.
Take up our quarrel with the foe:
To you from failing hands we throw
The torch; be yours to hold it high.
If ye break faith with us who die
We shall not sleep, though Poppies grow”
(In Flanders Fields)
Bài thơ này đã gây xúc động mạnh mẽ khiến Bà Michael (trong YMCA Mỹ) và Bà Guerin (trong YMCA Pháp) đã vận động để được đồng minh thỏa thuận mang hoa Poppy lên áo vào ngày 11 tháng 11 hàng năm, xem như một biểu tượng để “Tưởng Nhớ” những người lính đã hy sinh và “nhắc nhở” mọi người về sự khủng khiếp của Chiến Tranh 1914 - 1918. Sau đó, hoa Poppy đã trở thành biểu tượng "Tưởng Nhớ" cho tất cả những ai đã hy sinh trong chiến tranh."
Cây Poppy là thực vật thân thảo, tuổi thọ khoảng 2 năm. Tháng 4, 5 nở hoa màu tím, trắng, đỏ và phớt hồng, dù trông chút gì lẵng lơ nhưng rất đẹp. Nó có nguồn gốc từ Châu Âu và Bắc Châu Á, người Bỉ rất thích coi là biểu trưng của nước mình. Còn người Nhật vốn quí các loài hoa thì Poppy mang tên Nhật ngữ là Hinageshi. Về thực vật học thì cây Poppy thuộc về dòng họ Anh Túc (Papaveraceae), trong vỏ quả có nhựa thuốc phiện, gây ra chứng nghiện thuốc. Đặc điểm là nụ hoa Poppy trước khi nở, đầu hoa rủ xuống như e thẹn. Khi nở, 2 cánh dài rụng đi, 4 cánh hoa mỏng, to và cuống hoa yếu càng trông như mang dáng vẻ yểu điệu kiều diễm. Khi gió thổi đong đưa cành hoa như bướm lượn. Hoa Poppy được trồng ở vườn hoa khiến ngươi ta có cảm giác như được thấy một dàn những thiếu nữ xinh đẹp đang nhảy múa, với đủ tư thế. Hoa Poppy đưa vào Trung Quốc, những người làm vườn đã nghĩ ngay đến cô vợ đẹp của Hạng Võ, nổi tiếng thời xưa nàng Ngu Cơ, nên đã đặt tên hoa Poppy là "Ngu mỹ nhân" (người đẹp họ Ngu). Ngoài ra, người ta còn gọi Poppy là Hoa Lệ Xuân, Trại Mẫu đơn, hoa chăn gấm, hoa trăm nàng tiên, hoa đầy vườn bướm,...
Hoa Poppy như trên đã nói tại tiểu bang California được gọi là Eschscholtzia California. Ở Âu Châu, loại hoa Poppy thường thấy nhất là loại Chelidonium majus, một loại cho bông lớn hơn và màu sắc rất đa dạng nhất là khi lai giống để cánh hoa có nhiều màu sắc khác nhau. Ðặc biệt nhất là loại Poppy mà tên khoa học là Sanguinaria Canadensis, một loại thường mọc tại những vùng hoang dã ở Ðông Bắc Mỹ.
Tôi xem bài viết của tác giả Hoàng Sơn Long là "Mùa Xuân Đi Xem Hoa Nở", tự hỏi về loại hoa Poppy mà ông gọi la hoa Anh Túc, nó hiện diện nhiều ở vùng sa mạc Antelope. Trong khi đất sa mạc thường thích hợp cho loại cây xương rồng, nhưng ở đây có một loại cỏ dại cho hoa đẹp như thế. Có lẽ thiên nhiên tạo ra một khung cảnh đặc biệt để cho con người thưởng thức hay chăng ? Tham khảo trang mạng California Poppy để tìm hiểu về loại hoa Anh Túc, ông khám phá ra nhiều điều kỳ lạ của loài hoa dại này.
California Poppy có tên khoa học Eschscholzia Californica. Poppy mang theo tên của nhà thực vật học người Đức Johann Friedrich von Eschscholtz. Nhà khoa học này đã tìm thấy nó ởCaliforniavào đầu thế kỷ thứ 19. Trước đó người Spanish lại gọi hoa Poppy là copadelora (cup of gold). Tự điển Anh Việt dịch là cây Anh Túc. Người ta cũng nhìn thấy nó ở vùng Tây Nam Washington State, cũng như từ Đông sang Tây của tiểu bangTexas. Chỉ có bang Californiabảo vệ loài hoa Poppy. Năm 1890 hoa Poppy được California bầu chọn “State Flower”, nhưng mãi đến năm 1903 quốc hội của tiểu bang mới chính thức công nhận.
Cây Anh Túc cho hoa, cho phấn hoa và hột cây. Hột Poppy thường được dùng trong kỷ nghệ làm bánh. Cây Anh Túc còn là nguồn thực phẩm và dược liệu đối với thổ dân da đỏ. Một vài nhóm thổ dân đã luộc cây Anh Túc hay nướng nó trên đá nung để ăn như một loại rau xanh. Người Costanoan Indians cài hoa Anh Túc trên đầu để làm đẹp và còn có công dụng giết chí rận. Thổ dân da đỏ ở vùng Mendocino dùng rễ cây Anh Túc nấu cao để trị chứng đau răng, đau đầu, trị các vết thương. Người phụ nữ Cahuilla dùng phấn hoa Anh Túc làm mỹ phẩm. Trong y học, người ta trồng cây Anh Túc để làm thuốc gây mê, thuốc tê, thuốc trị chứng động kinh, thuốc trị bệnh mất ngủ. Tinh chất rút từ cây Anh Túc cho ra một chất nhựa. Chất nhựa này có công dụng giống như nha phiến nhưng ở mức độ nhẹ. Cánh hoa Anh Túc phơi khô làm thuốc hút tạo một ít cảm giác lâng lâng.