Kim Tiền Thảo Và Những Bài Thuốc Trị Sỏi Tiết Niệu, Sỏi Mật • Hello Bacsi

Tên thường gọi: Kim tiền thảo

Tên gọi khác: Mắt trâu, đồng tiền lông, vảy rồng, mắt rồng

Tên nước ngoài: Coin-leaf desmodium

Tên khoa học: Desmodium styracifolium (Osb.)

Họ: Đậu (Fabaceae)

Tổng quan 

Tìm hiểu chung về cây kim tiền thảo

Đây là loài cây thảo, mọc bò, sau đứng thẳng, cao khoảng 0,3-0,5m. Ngọn non dẹt, có khía và lông tơ trắng. Thân hình trụ, màu xanh hơi vàng, phủ đầy lông mịn màu vàng hoa. Lá mọc so le có 1 hoặc 3 lá chét hình tròn. Lá dài khoảng 1,5-3,4cm, rộng 2-3,5cm, đầu tù hoặc hơi lõm, mặt trên màu lục xám nhạt có gân rõ, mặt dưới phủ lông trắng bạc mềm như nhung. Lá kèm có lông, có khía. Cuống lá dài 1-2,5cm, có lông.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu ngọn cành thành chùm ngắn hơn lá, phủ đầy lông trắng mịn, hoa màu hồng tía. Quả đậu nhỏ, giữa các hạt thắt lại. Mùa hoa quả vào tháng 3-5.

Bộ phận dùng

Kim tiền thảo thường được dùng toàn cây, phần ở trên mặt đất. Thời gian thu hái chủ yếu vào mùa hè và thu, có thể dùng tươi hay phơi hoặc sao khô.

Thành phần hóa học

Theo nghiên cứu, dược liệu khai thác được ở Việt Nam có chứa flavonoid và saponin. Ngoài ra, trong loài cây này còn phát hiện các hợp chất khác như: desmodimin, desmodilacton, lupenon…

Tác dụng, công dụng

Kim tiền thảo có tác dụng, công dụng gì?

Các tác dụng dược lý được nghiên cứu trên động vật của loài cây này gồm:

  • Ức chế hình thành sỏi canxi oxalat ở thận, tăng lượng bài tiết nước tiểu (cao kim tiền thảo thử nghiệm ở chuột sống trắng)
  • Tăng cường sự phân tiết dịch mật
  • Tăng lưu lượng mạch vành, hạ huyết áp (dung dịch chế từ kim tiền thảo thử nghiệm trên chó gây mê)

Trong y học cổ truyền, đây là dược liệu có vị ngọt, tính mát, quy vào các kinh can, thận, bàng quang. Vị thuốc này có tác dụng thanh nhiệt, trừ thấp, lợi tiểu, thông lâm.

Từ đó, thầy thuốc dùng loài cây này để chữa sỏi đường tiết niệu, sỏi mật, viêm gan vàng da, viêm thận, phù thũng, nhiệt lâm, thạch lâm. Ngày nay, kim tiền thảo vẫn nổi tiếng trong việc điều trị sỏi thận, sỏi mật và được ứng dụng trong bào chế các dạng thuốc từ dược liệu.

Liều dùng

Liều dùng thông thường của kim tiền thảo là bao nhiêu?

Liều dùng hàng ngày thường từ 15-30g, dùng sắc nước uống.

Một số bài thuốc có kim tiền thảo

bài thuốc chứa kim tiền thảo

Cây được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?

  1. Chữa sỏi đường tiết niệu:

Kim tiền thảo 30g, hải kim sa 15g (gói trong vải), đông quỳ tử 15g, xuyên phá thạch 15g, hoài ngưu tất 12g, hoạt thạch 15g. Tất cả đem sắc nước uống.

Kim tiền thảo 30g, xa tiền tử 15g, chích sơn giáp 10g, thanh bì 10g, ô dược 10g, đào nhân 10g, xuyên ngưu tất 12g. Sắc nước uống.

Kim tiền thảo 30g, hạt mã đề (hoặc cây mã đề), dừa nước, kim ngân hoa mỗi thứ 15g. Sắc lấy nước uống.

Kim tiền thảo 40g, mã đề 20g, tỳ giải 20g, trạch tả 12g, uất kim 12g, ngưu tất 12g, kê nội kim 8g. Các vị thuốc này đem thái nhỏ, phơi khô rồi sắc với 400ml đến còn 100m, chia uống 2 lần trong ngày.

Kim tiền thảo 25g, râu mèo 15g, đông quỳ tử (quả cây cối xay) 15g, xuyên phá thạch (rễ cây mỏ quạ Cudrania tricuspidata (Carr.)) 15g, hoạt thạch 15g, ngưu tất 12g. Sắc lấy nước uống

Có thể dùng kim tiền thảo đơn độc uống thay nước chè để tống sỏi (trà kim tiền thảo).

  1. Chữa sỏi đường mật:

Kim tiền thảo 30g, chỉ xác (sao) 10-15g, xuyên luyện tử 20g, hoàng tinh 10g, sinh đại hoàng 10g. Tất cả đem sắc nước uống.

  1. Chữa viêm thận, phù, viêm gan, viêm túi mật:

Kim tiền thảo 40g, mộc thông 20g, ngưu tất 20g, dành dành 10g, chút chít 10g. Sắc uống mỗi ngày một thang.

Lưu ý, thận trọng

Uống kim tiền thảo nhiều có ảnh hưởng hay có tác dụng phụ gì không?

Để sử dụng dược liệu này một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc đông y uy tín. Đã có trường hợp bị dị ứng với vị thuốc này gây ra những độc tính nghiêm trọng.

Lưu ý, không nên dùng quá nhiều vì có thể gây đau bụng, đầy chướng bụng, buồn nôn và làm mất tác dụng của thuốc. Khi dùng quá liều, gan sẽ hoạt động quá mức và có khả năng suy giảm chức năng nghiêm trọng.

Tùy từng trường hợp, các vị thuốc trong bài thuốc có thể cần gia giảm cho phù hợp. Do đó, tốt nhất bạn không nên tự ý phối hợp các loại dược liệu. Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.

Mức độ an toàn của kim tiền thảo

Không sử dụng dược liệu này cho phụ nữ đang mang thai, phụ nữ đang cho con bú hay trẻ em.

Tương tác có thể xảy ra với kim tiền thảo

Dược liệu cũng có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng.

Một số vấn đề sức khỏe cũng có thể không phù hợp để sử dụng vị thuốc này. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu hay thuốc từ dược liệu nào.

[embed-health-tool-bmi]

Từ khóa » Cây Tiền Thảo