Kinh Duy Ma Cật Chương 7: Quán Chúng Sanh - Đại Thừa

Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh – Tập 14 – Số 475 (Kinh Tập Bộ)Vimalakirti Nirdesa Sutra – 維摩詰所說經 – Duy Ma Cật Sở Thuyết KinhNước Trung Hoa – triều Hậu Tần (384~417) thời kỳ Ngũ Hồ Thập Lục QuốcTam Tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập (344~413) Hán dịch từ Phạn văn năm 406Tham chiếu Thuyết Vô Cấu Xưng Kinh của ngài Huyền Trang (602~664)Tỳ kheo Thích Tuệ Sỹ (1943~2023) Việt dịch từ Hán vănNhà xuất bản Phương Đông xuất bản năm 2008daithua.com biên tập năm 2020

Chương 7: QUÁN CHÚNG SANH

Văn Thù hỏi Duy Ma Cật:

  • Bồ tát nên quán sát chúng sanh như thế nào?

Duy Ma Cật đáp:

  • Như nhà ảo thuật quán sát ảo vật mình tạo ra; Bồ tát nên quán sát chúng sanh cũng như vậy.
  • Cũng như bậc trí giả nhìn trăng nơi đáy nước; nhìn bóng mình trong gương; nhìn ánh lửa khi nhiệt bốc; như tiếng vọng của lời gọi; như mây nổi trong bầu trời; như đám bọt nước; như bong bóng trên mặt nước; như lõi chuối rỗng; như ánh chớp lóe kéo dài; như đại thứ năm; như uẩn thứ sáu; như tình thứ bảy như nhập thứ mười ba; như giới thứ mười chín; Bồ tát nên quán sát chúng sanh cũng như vậy.
  • Cũng như sắc trong Vô Sắc Giới; như mầm của hạt giống hư; như thân kiến của Tu đà hoàn; như sự nhập thai của A na hàm; như ba độc của La hán; như tham, sân, phá giới của Bồ tát đã chẳng đắc Pháp nhẫn; như tập khí phiền não nơi Phật; như sắc được thấy bởi người mù; như hơi thở ra vào của vị đang nhập diệt tận định; như dấu chân chim trong hư không; như đứa con của người đàn bà vô sanh; như phiền não của người được biến hoá; như những điều thấy trong chiêm bao khi đã thức; như sự thọ thân của vị đã diệt độ; như ngọn lửa không khói; Bồ tát nên quán sát chúng sanh cũng như vậy.

Văn Thù Sư Lợi hỏi:

  • Bồ tát quán như thế thì làm sao thực hành lòng từ?

Duy Ma Cật đáp:

  • Bồ tát sau khi quán như vậy, lại suy nghĩ: Ta sẽ thuyết pháp như vậy cho chúng sanh. Đó chính là lòng từ chân chánh.
  • Ngài nên tu hành từ tịch diệt, vì không có gì sanh.
  • Hành từ không nóng bức, vì không có phiền não.
  • Hành từ bình đẳng, vì bình đẳng với ba thời.
  • Hành từ vô tranh, vì không có gì khởi.
  • Hành từ Bất Nhị, vì trong ngoài không kết hợp.
  • Hành từ bất hoại, vì rốt ráo diệt tận.
  • Hành từ kiên cố, vì tâm không huỷ.
  • Hành từ thanh tịnh, vì các pháp tánh tịnh.
  • Hành từ vô biên, vì như hư không.
  • Hành từ của A la hán, vì diệt giặc kết sử.
  • Hành từ của Bồ tát, vì an ổn chúng sanh.
  • Hành từ Như Lai, vì được như tướng.
  • Hành từ của Phật, vì thức tỉnh chúng sanh.
  • Hành từ tự nhiên, vì không do nhân mà được.
  • Hành từ Bồ đề, vì một vị bình đẳng.
  • Hành từ không thể sánh, vì đã đoạn trừ các ái.
  • Hành từ của đại bi, vì hướng dẫn bởi Đại thừa.
  • Hành từ không mệt mỏi vì quán không, vô ngã.
  • Hành từ của pháp thí không còn nuối tiếc.
  • Hành từ của trì giới, vì chuyển hóa người phạm giới.
  • Hành từ nhẫn nhục, vì hộ vệ mình lẫn người.
  • Hành từ của tinh tấn, vì gánh vác chúng sanh.
  • Hành từ của thiền định, vì không cảm thọ vị ngọt.
  • Hành từ của trí huệ, vì mọi sự đều đúng thời.
  • Hành từ của phương tiện, vì thị hiện tất cả.
  • Hành từ không ẩn dấu, vì trực tâm thanh tịnh.
  • Hành từ của thâm tâm, vì không tạp hành.
  • Hành từ không dối trá nên chẳng còn việc hư giả.
  • Hành từ an lạc, vì khiến cho đạt được an lạc của Phật.
  • Đó là những hạnh từ của Bồ tát.

Văn Thù Sư Lợi hỏi:

  • Bồ tát hành bi như thế nào?

Duy Ma Cật đáp:

  • Tất cả công đức mà Bồ tát làm đều được chia sẻ cho cho hết thảy chúng sanh.

Văn Thù Sư Lợi hỏi:

  • Thế nào là hỷ?

Duy Ma Cật đáp:

  • Hoan hỷ không hối tiếc những lợi ích gì.

Văn Thù Sư Lợi hỏi:

  • Thế nào là xả ?

Duy Ma Cật đáp:

  • Gia ân mà mà không mong cầu tri đáp trả.

Văn Thù Sư Lợi hỏi:

  • Sợ sanh tử, Bồ tát nên nương tựa vào đâu?

Duy Ma Cật đáp:

  • Bồ tát, trong khi sợ hãi sanh tử, nương tựa vào sức mạnh của công đức Như Lai.

Văn Thù Sư Lợi hỏi:

  • Bồ tát muốn nương nhờ sức mạnh của công đức Như Lai thì cần phải an trụ như thế nào?

Duy Ma Cật đáp:

  • Bồ tát muốn nương nhờ sức mạnh của công đức Như Lai thì cần phải an trụ nơi chỗ độ thoát hết thảy chúng sanh.

Văn Thù Sư Lợi hỏi:

  • Bồ tát nên tiêu trừ cái gì để độ thoát chúng sanh?

Duy Ma Cật đáp:

  • Muốn độ thoát chúng sanh phải tiêu trừ phiền não của họ.

Văn Thù Sư Lợi hỏi:

  • Làm sao để tiêu trừ phiền não?

Duy Ma Cật đáp:

  • Nên thực hành chánh niệm.

Văn Thù Sư Lợi hỏi:

  • Làm sao để thực hành chánh niệm?

Duy Ma Cật đáp:

  • Hãy hành bất sanh và bất diệt.

Văn Thù Sư Lợi hỏi:

  • Pháp gì bất sanh? Pháp gì bất diệt?

Duy Ma Cật đáp:

  • Bất thiện thì bất sanh; pháp thiện thì bất diệt.

Văn Thù Sư Lợi hỏi:

  • Đâu là nguồn gốc của thiện và bất thiện?

Duy Ma Cật đáp:

  • Thân là nguồn gốc của thiện và bất thiện.

Văn Thù Sư Lợi hỏi:

  • Đâu là nguồn gốc của thân?

Duy Ma Cật đáp:

  • Dục tham là gốc.

Văn Thù Sư Lợi hỏi:

  • Đâu là nguồn gốc của dục tham?

Duy Ma Cật đáp:

  • Hư vọng phân biệt là gốc.

Văn Thù Sư Lợi hỏi:

  • Đâu là nguồn gốc của hư vọng phân biệt?

Duy Ma Cật đáp:

  • Tưởng đảo điên là gốc.

Văn Thù Sư Lợi hỏi:

  • Đâu là nguồn gốc của tưởng đảo điên?

Duy Ma Cật đáp:

  • Vô trụ là gốc.

Văn Thù Sư Lợi hỏi:

  • Đâu là nguồn gốc của vô trụ?

Duy Ma Cật đáp:

  • Vô trụ chẳng có gốc.
  • Thưa ngài Văn Thù Sư Lợi, từ gốc vô trụ này mà các pháp được kiến lập.

Bấy giờ trong thất của Duy Ma Cật có một Thiên nữ thấy các trời, người đến nghe pháp, liền hiện thân xuống rải hoa trời lên các Bồ tát và đại đệ tử. Hoa rắc trên thân các Bồ tát tức thì rơi xuống đất, nhưng rắc trên thân các Đệ tử thì bám vào. Tất cả các vị đệ tử dùng thần lực phủi hoa, nhưng hoa không đi.

Thấy vậy, Thiên nữ hỏi Xá Lợi Phất:

  • Sao ngài phủi hoa đi?

Xá Lợi Phất đáp:

  • Hoa này không như pháp, nên phải phủi đi.

Thiên nữ nói:

  • Đừng bảo hoa này không như pháp.
  • Vì sao? Vì chúng không có gì phân biệt, mà chính ngài đang khởi tâm phân biệt. Nếu người xuất gia trong Phật pháp mà còn có cái phân biệt, cái đó mới là không như pháp. Nếu không khởi phân biệt nữa, đó là như pháp.
  • Nhìn chư Bồ tát xem, hoa không bám được vào thân vì các ngài đã đoạn trừ hết thảy tưởng phân biệt. Cũng như người khi đang run sợ thì bị ma lung lạc. Đệ tử vì sợ sanh tử nên bị sắc, thinh, hương, vị, xúc lung lạc. Người không còn sợ hãi, thì tất cả năm dục không làm gì được.
  • Vì tập khí của kết sử vẫn còn nên hoa bám được thân đó thôi. Nếu tập khí của kết sử trừ sạch, hoa không bám được.

Xá Lợi Phất hỏi:

  • Cô ở nhà này bao lâu rồi?

Thiên nữ đáp:

  • Tôi ở đây cũng lâu như sự giải thoát của bậc kỳ niên.

Xá Lợi Phất hỏi:

  • Ở đây lâu chừng ấy sao?

Thiên nữ hỏi lại:

  • Giải thoát của kỳ niên thì lâu bằng chừng nào?

Xá Lợi Phất lặng im không đáp. Thiên nữ lại hỏi:

  • Sao bậc Đại trí kỳ cựu im lặng?

Xá Lợi Phất nói:

  • Sự giải thoát không thể diễn giải bằng lời. Vì vậy, tôi không biết nói gì.

Thiên nữ nói:

  • Ngôn thuyết và văn tự đều là biểu lộ của giải thoát.
  • Vì sao? Vì giải thoát không ở trong, không ở ngoài, không ở giữa; văn tự cũng không ở trong, không ở ngoài, không ở giữa. Vì vậy, thưa ngài Xá Lợi Phất, không có việc lìa văn tự mà diễn thuyết giải thoát.
  • Tại sao? Tất cả pháp đều là biểu hiện của giải thoát.

Xá Lợi Phất hỏi:

  • Vậy cô há không muốn nói rằng dâm, nộ, si cũng là giải thoát?

Thiên nữ đáp:

  • Phật vì người tăng thượng mạn mà nói rằng xa lìa dâm, nộ, si là giải thoát đó thôi. Với người không còn tăng thượng mạn, Phật nói tự tánh dâm, si đồng nhất với giải thoát.

Xá Lợi Phất ca ngợi:

  • Lành thay, lành thay, Thiên nữ! Cô đã sở đắc gì, chứng nghiệm cái gì mà biện tài xuất chúng như vậy?

Thiên nữ đáp:

  • Tôi không sở đắc gì cũng không chứng nghiệm gì mà được biện tài như vậy.
  • Vì sao? Nếu có sở đắc, sở chứng, thì đối với Phật pháp đó là tăng thượng mạn.

Xá Lợi Phất hỏi:

  • Trong ba thừa, cô chí hướng thừa nào?

Thiên nữ đáp:

  • Khi cần giảng pháp Thanh văn để chuyển hóa chúng sanh, tôi là Thanh văn. Khi cần giảng pháp nhân duyên để chuyển hóa chúng sanh, tôi là Bích chi Phật. Khi cần pháp đại bi để chuyển hóa chúng sanh, tôi là Đại thừa.
  • Thưa Xá Lợi Phất, như người bước vào rừng hoa chiêm bặc chỉ ngửi thấy mùi hương chiêm bặc thơm át hẳn các mùi khác; cũng vậy, người bước vào nhà này chỉ ngửi thấy mùi hương công Đức Phật và chẳng còn thiết mùi hương Thanh văn hay Bích chi phật.
  • Thưa Xá Lợi Phất, khi mà Đế Thích, Phạm Thiên, Tứ Thiên vương, các trời, rồng, quỷ thần vào nhà này và được nghe vị Thượng nhân này giảng thuyết Chánh pháp, hết thảy đều hâm mộ mùi hương công Đức Phật mà phát tâm Đại thừa trước khi ra khỏi nhà này.
  • Thưa Xá Lợi Phất, tôi ở đây mười hai năm, chưa từng nghe pháp Thanh văn hay Bích chi phật, mà chỉ nghe pháp của chư Phật bất khả tư nghị, đại từ, đại bi.
  • Thưa Xá Lợi Phất nhà này luôn hiện tám pháp chưa từng có, rất khó gặp. Những gì là tám?
    • Thứ nhất, nhà này được rọi sáng bằng ánh kim quang suốt cả ngày đêm không khác nhau; chẳng cần đến mặt trời hay mặt trăng mới sáng.
    • Thứ hai, những ai bước vào nhà này không bị bức rức bởi những cáu bẩn.
    • Thứ ba, nhà này thường có Đế Thích, Phạm Thiên, bốn Thiên vương và các Bồ tát ở phương khác đến đây hội họp không dứt.
    • Thứ tư, Lục độ Ba la mật và các pháp bất thối chuyển luôn được giảng dạy trong nhà này.
    • Thứ năm, trong nhà này thường được nghe nhạc trời huyền diệu tấu diễn vô lượng âm thanh của của sự giáo hoá bằng Chánh pháp.
    • Thứ sáu, nhà này chứa bốn kho tàng tích trữ đầy tràn nhiều bảo vật chu cấp cho người cùng khổ mà không hề kiệt tận.
    • Thứ bảy, khi vị Thượng nhân nhà này nghĩ tưởng đến Phật Thích Ca, Phật A Di Dà, Phật A Súc, Bảo Đức, Bảo Viêm, Bảo Nguyệt, Bảo Nghiêm, Nan Thắng, Sư Tử Hưởng, Nhất Thiết Lợi Thành, cùng vô lượng chư Phật khắp mười phương thế giới, thì các Ngài liền đến giảng thuyết rộng rãi pháp tạng bí yếu của chư Phật. Thuyết xong rồi mới trở về.
    • Thứ tám, hết thảy mọi thiên cung trang nghiêm và đất Phật thanh tịnh đều ánh hiện trong nhà này.
  • Thưa ngài Xá Lợi Phất, nhà này thường hiện tám pháp chưa từng có, rất khó gặp này. Khi đã chứng kiến tám sự kiện bất khả tư nghị như vậy, ai còn vui thích nơi pháp Thanh văn làm gì?

Xá Lợi Phất hỏi:

  • Sao cô không chuyển đổi thân nữ này đi?

Thiên nữ đáp:

  • Mười hai năm nay tôi tìm kiếm tướng người nữ, mà không thể tìm thấy được. Vậy tôi phải chuyển cái gì đổi cái gì? Cũng như nhà ảo thuật làm trò tạo nên một thân nữ huyễn. Nếu có người hỏi, Sao không chuyển đổi thân nữ? Người này hỏi có chính xác không?

Xá Lợi Phất đáp:

  • Không chính xác. Sự huyễn không có tướng cố định, làm sao chuyển?

Thiên nữ nói:

  • Hết thảy các pháp cũng đều như thế, không có tướng cố định, sao ngài hỏi tôi không chuyển đổi nữ thân?

Nói đoạn, Thiên nữ dùng thần lực biến Xá Lợi Phất thành như Thiên nữ và nàng tự hoá thân thành như Xá Lợi Phất, rồi hỏi:

  • Sao ngài không chuyển đổi thân nữ đó đi?

Xá Lợi Phất, trong hình tượng Thiên nữ, đáp:

  • Tôi ở đây không biết do chuyển biến gì mà biến thành thân nữ.

Thiên nữ đáp:

  • Thưa Xá Lợi Phất, nếu ngài có thể chuyển đổi thân nữ đó, thì hết thảy người nữ cũng có thể chuyển. Cũng như Xá Lợi Phất chẳng phải nữ mà hiện thân nữ. Tất cả người nữ cũng vậy, dù họ hiện thân nữ nhưng không phải nữ.
  • Cho nên Phật dạy: Hết thảy pháp đều phi nam phi nữ.

Nói xong, Thiên nữ rút lại dùng phép thần thông khiến Xá Lợi Phất trở lại tướng ban đầu, và hỏi:

  • Sắc tướng thân nữ nay đâu rồi?

Xá Lợi Phất đáp:

  • Sắc tướng thân nữ không tại đó, cũng không không tại đó.

Thiên nữ mới nói:

  • Cũng vậy, hết thảy pháp không ở tại đó, nhưng không hề không ở tại đó. Và này, không tại đó, cũng không không tại đó, đó là Phật thuyết vậy.

Xá Lợi Phất hỏi:

  • Chết ở đây, cô sẽ sanh về đâu?

Thiên nữ đáp:

  • Hoá thân bởi Phật sanh như thế nào, tôi cũng sẽ sanh như vậy.

Xá Lợi Phất nói:

  • Hoá thân bởi Phật không chết, không sanh.

Thiên nữ đáp:

  • Chúng sanh cũng vậy, không chết, cũng không sanh.

Xá Lợi Phất hỏi:

  • Chừng bao lâu cô sẽ chứng đắc Giác ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?

Thiên nữ đáp:

  • Chừng nào Xá Lợi Phất trở lại làm phàm phu, khi ấy tôi sẽ chứng đắc Giác ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Xá Lợi Phất nói:

  • Tôi trở thành phàm phu; không có trường hợp đó.

Thiên nữ nói:

  • Cũng không có chuyện tôi chứng đắc Giác ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
  • Vì sao? Vì Bồ đề không có trú xứ, nên không có người chứng đắc.

Xá Lợi Phất nói:

  • Có vô lượng chư Phật nhiều như số cát sông Hằng nay đang chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; đã chứng đắc, sẽ chứng đắc; thế là nghĩa thế nào?

Thiên nữ đáp:

  • Do văn tự thế tục mà nói có ba đời, chứ không phải Bồ đề có quá khứ, hiện tại, hay vị lai.

Thiên nữ lại nói:

  • Thưa Xá Lợi Phất, ngài có chứng A la hán đạo chăng?

Xá Lợi Phất đáp:

  • Không có gì chứng đắc nên chứng đắc.

Thiên nữ nói:

  • Cũng vậy, chư Phật và Đại Bồ tát do không có gì chứng đắc nên chứng đắc.

Bấy giờ, Duy Ma Cật nói với Xá Lợi Phất:

  • Thiên nữ này đã cúng dường chín mươi hai ức Phật. Nàng có thể du hý với thần thông lực của Bồ tát, đã hoàn thành mọi ước nguyện, đã chứng Vô sanh Pháp nhẫn và đắc pháp Bồ tát bất thối chuyển. Do bản nguyện mà nàng tùy thời hiển hiện để giáo hóa chúng sanh.

Từ khóa » Thiên Nữ Rải Hoa