Kinh Nghiệm Câu Cá Lóc Nổi Của Nguyễn Đạo Thiện

Chia sẻ kinh nghiệm câu cá lóc

Vào nghề câu cá lóc đã lâu với một ít kinh nghiệm câu cá lóc, nhưng tôi vẫn cảm thấy việc câu được con cá lóc lúc nó NỔI lên mặt nước, thì vẫn là một “ Việc làm khó”.

Bởi con lóc lúc NỔI nó rất ít ăn mồi ( 99% là nó không ăn mồi). Bởi vậy, để “ Bắt tụi nó” đớp mồi thì phải có cách câu (rê), hay nói theo cách khoa học là: KINH NGHIỆM CÂU CÁ LÓC NỔI!

Và cũng trải qua nhiều gian truân, vất vã và nhiều thời gian theo đuổi, tích lũy kinh nghiệm, hôm nay tôi mới “ Có cách” để Tóm mấy chú lóc nổi, xin chia sẻ cùng anh em dân câu cá lóc!

–> Xem hướng dẫn kỹ thuật câu cá lóc và 3 cách câu cá lóc hiệu quả.

ĐÔI NÉT VỀ CON CÁ LÓC

Con cá lóc là một loại cá hung dữ nhất ở thế giới thủy vật, nó là loài ăn tạp và có đặc tính khác với các loại cá khác là không bao giờ sống và đi kiếm mồi theo bầy đàn ( trừ trường hợp cùng chung đàn lúc chưa trưởng thành).

Con lóc trưởng thành chừng 2 tháng tuổi, lúc nó lớn khoảng bằng ngón tay. Dẫu nhỏ như thế, nhưng với bản chất vốn có của mình nên nó luôn tấn công các loại cá khác dù to hơn mình. ( Trường hợp này thường gặp khi ta rê con nhái bự hơn chúng mà những chú lóc này vẫn đuổi theo đớp vào chân con nhái). Vào thời điểm này chúng bắt đầu biết “ Yêu” rồi đó, yêu theo kiểu học trò mà! ( chắc trong anh em câu cá lóc cũng có người đã từng yêu trong lứa tuổi học trò rồi nhỉ??? He he..). Tình yêu lúc này đơn điệu nhưng đẹp nhất và cũng là nguy hiểm nhất, vì nó sẽ phá vỡ quy luật cuộc sống và có thể gây hại đến cả đời của mình…

Cũng như thế con lóc khi mới yêu thường ra oai, và khi người yêu xúi thì nó sẵn sàng làm bất cứ việc gì, dù đó là việc làm sai. Chẳng hạn như đuổi cắn những con cá lớn, cắn chân con nhái mà các cần thủ đang rê ( đây là việc làm sai).

Đến khi nó to chừng 2-3 lạng thì bắt đầu lập gia đình ( Biết yêu là khác và lập gia đình là khác nhé) và tự lập để xây dựng hạnh phúc gia đình và lao động để kiếm sống ( xây dựng gia đình thì không sao, nhưng khi lao động kiếm ăn mà gặp những chú nhái chạy theo sợi cước thì chúng nó “ Hết số” rồi. Ha ha…Khi con lóc trên 7 lạng thì chúng điềm đạm hơn, ít đi chơi xa, ít tham gia đám đình hè hội ( ta thường ít khi câu được những chú lóc to là cũng vì thế đó).

Lúc ăn mồi thì chú lóc mới lớn hay đùa theo con nhái ta rê chứ rất ít ăn, con lóc khoảng 2-3 lạng tạp ăn nhất, khi gặp con nhái là táp bụp, và táp rất lớn, còn những chú lóc khoảng 7 lạng trở lên thì chậm ăn mồi và khi ăn thì rất nhẹ nhàng ( có lúc chúng đớp mồi mà ta cứ tưởng những chú lóc khoảng 2-3 lạng thôi).

Con lóc ít khi thay đổi chỗ ở, khi đớp hỏng mồi thì chúng quay lại chỗ đớp cũ, thậm chí có chú bị ta kéo vô gần bờ thì bị sẫy, nhưng rồi nó lại tìm về chỗ cũ để ở và vẫn tiếp tục đớp mồi.

Theo kinh nghiệm câu cá lóc thì Công viên Lê Duẩn (Đông Hà) là nơi con lóc nổi nhiều nhất

1. Thời gian con lóc nổi:

Con cá lóc nổi vào nhiều thời điểm, nhiều mùa trong năm và chỉ nổi vào những ngày có nắng. Vào mùa Xuân nó thường nổi vào thời điểm từ 9 giờ đến 12 giờ. Mùa hè thường nổi vào buổi sáng từ 8-10 giờ. Mùa thu và mùa đông thì chúng nó nổi vào thời điểm sau những cơn mưa, lạnh mà có nắng ngày đầu tiên.

2. Dạng nổi của con lóc:

Con lóc nổi có nhiều cách:  Có con nổi lên mặt nước và đứng im, giang hai vây, mắt nhìn thẳng về phía trước, có con lóc nổi chìm- nghĩa là nổi cách mặt nước chừng 1 gang tay, có con lóc vừa nổi vừa bơi đi lù lù như tàu điện, có con nổi một nửa người ra mặt nước thoáng, còn một nửa người nấp trong đám rong hoặc cỏ…

Có con lóc chỉ nổi từ từ dưới đáy hồ ngoi lên mặt nước thở một cái rồi quẫy đuôi lặn xuống đáy để lại một vòng xoáy hai lỗ tròn ( trường hợp này dân câu cá lóc thường hỏi nhau có cá lên thở không???). Thường con lóc nổi đứng yên một chỗ, giang hai vây ra…rất ít ăn mồi, nếu ta rê con mồi qua nó chỉ đứng nhìn, hoặc quẫy đuôi một cái, thậm chí có con mình kéo con nhái qua trước mặt, keo lên lưng nó nhưng nó vẫn đứng vậy thôi.

Con lóc nổi nhưng bơi đi từ từ có thể ăn mồi nhưng cũng rất ít, riêng con lóc nỗi nữa người trong rong hoặc có thì sẽ đớp mồi đến 50%. Chung quy là con lóc nổi các dạng đều rất ít ăn mồi ( ngoại trừ trường hợp ai biết cách câu).

3. Vì sao con cá lóc nổi.

Cũng như con người chúng ta, con cá lóc khi nổi lên mặt nước cũng có những lý do của nó. Giã dụ như buồn chuyện gia đình nên chú lóc đi lang thang ra công viên giải sầu, hay nổi lên để suy nghĩ một điều gì đó. Nhưng tựu trung khi con lóc nỗi là do thời tiết thay đổi, nó muốn hưởng một bầu không khí thoáng đãng, khác với những ngày thường. ( nếu nó nổi hai con cùng nhau là nó đang đưa người yêu đi dạo đó- nếu khôn khéo thì cần thủ chúng ta sẽ tóm cả cặp nhé!). Sau con mưa giông mùa hè hay trong lúc trời động giông tố oi bức…hay nguồn nước mới được xả vào hồ…thì chúng đều nổi lên ( bà con chú ý nhé).

4. Nguyên nhân con lóc nổi không ăn mồi?

Như đã nói trên, kinh nghiệm câu cá lóc là khi con lóc nổi là lúc nó đảm bảo đầy đủ các yếu tố trong cơ thể, cả vấn đề ăn uống nó cũng đã no rồi.

Vì khi có nguồn nước mới vào hồ thì cá lóc đã đi kiếm mồi rồi, khi nguồn nước dừng và lắng động phù sa thì cũng là lúc chúng đã ăn no, và bây giờ chỉ nổi lên thưởng thức không khí mát lành mà thôi, cũng như sau trận mua dông thì trời tạnh và con lóc lại nổi, nhưng trong thời gian mưa, giông tố thì con lóc đã đi kiếm mồi rồi.

Lưu ý thêm một điều là lúc giông tố và cả mưa là lúc con lóc ăn mồi mạnh đó!

Một cần thủ dày dạn kinh nghiệm câu cá lóc ở Đông Hà đang theo những con lóc nổi (nhưng thất bại)

5. Kinh nghiệm câu cá lóc bằng cách rê con lóc nổi: 

  1. Đối với con lóc nổi cách mặt nước một gang tay và đi từ từ thì ta nên ném con nhái phía trước mặt ( đón đầu), cách chúng khoảng 3-5m, kéo con nhái đi nhanh và cũng cách mặt nước một gang tay, lưu ý thêm là khi kéo đến gần con lóc khoảng nửa mét thì ta kéo thật nhanh ( giống như con mồi hoảng sợ bỏ chạy). Kéo theo kiểu này thì con lóc sẽ đuổi theo đánh ụp ngay. Ha ha… thế là ta bỏ vô bao nhé…một chú, hai chú rồi ba chú….cứ thế mà tóm nha! Tuy nhiên, cần lưu ý thêm: Khi rê mồi con lóc không ăn liền đâu mà có thể vài đường nó mới chụp, có con đớp ngay đường rê thứ nhất, có con khi ta rê qua nó đứng chững lại nhìn trừng trừng mà không thèm ăn thì ta nên giựt giựt con nhái lượn lên lượn xuống để chọc tức nó.
  2. Đối với con lóc nổi trên mặt nước, đứng im và giang hai vây ra… thì ta ném con nhái cũng cách xa chúng 3-5m rồi kéo nổi trên mặt nước, cho con nhái chạy thật nhanh tạo thành làn sóng rẽ nước, khi đến cách chúng khoang 1- 2 gàn tay thì dừng lại cho con nhái chìm trước mặt nó..Tất nhiên là bụp thôi! Cứ thế mà bỏ mấy em vào bao nhé! ( Ngược lại các kiểu rê khác con lóc đều không ăn và chỉ quẫy đuôi bỏ chạy, để lại một vùng xoáy lớn và sự tiếc nuối của các cần thủ..he he…) ( Các bạn cứ áp dụng, xác xuất 90% đó nhé)
  3. Đối với con lóc nổi nửa trong rong nửa ngoài nước tráng…( loại lóc nổi này dễ đớp mồi nhất)…Khi rê mồi, ta nên lợi dụng đám rong hay có để làm chiến sự- nghĩa là ném con nhái trên đám rong cách xa chúng khoảng 0,5- 1m, kéo con nhái dạng như đang nhảy, rồi khéo léo cho con nháy nhảy một cú trước mặt chúng thì than ôi, hết đời chú nhái rồi( hu, hu…). Dạng lóc nổi kiểu này đớp ngay nếu con nhái nhảy trực diện, còn con nháy nhảy xuống phía sau lưng thì nó quay lại bụp liền chứ không bỏ chạy đâu. ( chúc các bạn thành công).

LỜI KẾT:

Theo kinh nghiệm câu cá lóc của riêng Đạo Thiện trong hơn 10 năm ròng rã theo con lóc, thì đây là bảo bối của bản thân, không phải để làm đề tài cho các bạn tham khảo hay học hỏi mà là dạng trao đổi kinh nghiệm mà thôi.

Tuy nhiên, cũng khẳng định với các bạn câu cá lóc nổi rằng, mình áp dụng rất thành công kiểu câu con lóc nổi như thế này. ( cũng có lắm lúc chúng không ăn mồi, quẫy đuôi bỏ chạy…nhưng cũng nên kiên trì một tý chứ đừng chưởi đổng tui nhé…he he…).

Hi vọng với các kinh nghiệm câu cá lóc này, chúc các bạn thành công trong cuộc tấn công con lóc nổi!

Nguyễn Đạo Thiện

Câu Hỏi Thường Gặp

Cá lóc nổi vào thời gian nào?

Con cá lóc nổi vào nhiều thời điểm, nhiều mùa trong năm và chỉ nổi vào những ngày có nắng. Vào mùa Xuân nó thường nổi vào thời điểm từ 9 giờ đến 12 giờ. Mùa hè thường nổi vào buổi sáng từ 8-10 giờ. Mùa thu và mùa đông thì chúng nó nổi vào thời điểm sau những cơn mưa, lạnh mà có nắng ngày đầu tiên.

Cá lóc nổi với hình dạng nào?

Con lóc nổi có nhiều cách: Có con nổi lên mặt nước và đứng im, giang hai vây, mắt nhìn thẳng về phía trước, có con lóc nổi chìm- nghĩa là nổi cách mặt nước chừng 1 gang tay, có con lóc vừa nổi vừa bơi đi lù lù như tàu điện, có con nổi một nửa người ra mặt nước thoáng, còn một nửa người nấp trong đám rong hoặc cỏ...

Vì sao con cá lóc nổi?

Con cá lóc nỗi là do thời tiết thay đổi, nó muốn hưởng một bầu không khí thoáng đãng, khác với những ngày thường.

Print Friendly, PDF & Email

Từ khóa » Cách Nhận Biết Ao Có Cá Lóc