Kinh Nghiệm Chẩn đoán “bệnh” ô Tô Qua Tiếng Kêu Khi Lái

Kinh nghiệm chẩn đoán “bệnh” ô tô qua tiếng kêu khi lái Ngọc Anh 19/04/2019 11:30

(Baonghean.vn) - Mỗi âm thanh sẽ có những thông điệp riêng để báo hiệu cho chủ xe về những sự cố. Dưới đây là một số lưu ý giúp người lái dễ dàng "bắt bệnh" cho xe của mình thông qua những tiếng kêu lạ khi lưu thông trên đường.

1. Tiếng hú tăng theo tốc độ

Khi đi tốc độ thấp trong thành phố, người ngồi trong xe có thể không nhận thấy tiếng kêu này. Tuy nhiên, khi ra xa lộ chạy ở tốc độ cao hơn, tùy theo mức độ nặng của "bệnh"; người lái có thể thấy rõ tiếng hú vọng vào xe, chạy tốc độ càng cao tiếng hú càng lớn.

Tiếng kêu có thể xuất phát từ các vòng bi trong bộ vi sai, hoặc do khe hở ăn khớp giữa các bánh răng bị sai lệch gây va đập. Hiện tượng này xảy ra với những xe trang bị hệ thống dẫn động cầu sau hoặc 2 cầu có dẫn động bằng trục các-đăng và vi sai... Nguyên nhân do xe không thay dầu đúng định kỳ, hoặc xe bị ngâm nước khiến nước lọt vào dầu cầu qua lỗ thông hơi phía trên hộp vi sai, dầu phân hủy không còn chức năng bôi trơn.

2. Tiếng "è è" khi đánh lái

Tiếng kêu xảy ra với những xe trang bị hệ thống lái trợ lực thủy lực. Khi thiếu dầu hoặc bơm trợ lực hoạt động kém, hệ thống trợ lực sẽ phát ra tiếng kêu è è. Người lái có thể không nhận ra tiếng kêu khi đi ở tốc độ cao, nhưng dễ dàng nghe thấy khi đi tốc độ thấp, trên đường vắng... Sự cố này có thể kéo theo tình trạng vô lăng nặng hơn.

Khi phát hiện thấy tiếng kêu, người lái cần kiểm tra hệ thống trợ lực có thiếu dầu hay không, bằng cách quan sát trên bình dầu có ghi Power Steering Fluid; nếu mức dầu dưới ngưỡng min thì hệ thống đang bị thiếu dầu. Nguyên nhân có thể là do có rò rỉ trên đường ống dẫn dầu trợ lực. Nếu dầu không bị hao hụt, hãy nghĩ đến hư hỏng ở bơm trợ lực.3. Tiếng “cục” 1 lần khi vào số hoặc tăng ga

Tiếng kêu chỉ 1 lần khi người lái đạp chân phanh, gạt cần chuyển số về D (tiến) hoặc R (lùi) với hộp số tự động), hoặc vào số và nhả côn với hộp số sàn, kèm theo tiếng kêu là hiện tượng giật nhẹ chưa cần tăng ga...

Khi có hiện tượng này hãy nghĩ ngay đến sự cố của trục láp (bán trục). Trong một số trường hợp như ngập nước hay va chạm dưới gầm, cao su chụp láp bị rách khiến nước và bụi bẩn chui vào bên trong then hoa, khiến các bánh răng bị han rỉ, mài mòn, không còn ăn khớp. Khi vào số, các bánh răng bị rơ va vào nhau, gây ra tiếng kêu và làm giật xe.Không có giải pháp khắc phục tình trạng bánh răng của khớp nối then hoa đã bị mòn, chỉ có thể thay thế.

4. Tiếng "cục" 1 lần khi đạp phanh

Quá trình cọ sát liên tục có thể làm cho ắc suốt phanh bị mòn và rơ. Ngay khi má phanh chạm vào trống phanh hoặc đĩa phanh (khi người lái đạp phanh), lực ma sát sẽ khiến má phanh bị cựa, gây va chạm ở ắc suốt và phát ra tiếng kêu.

Một chú ý quan trọng là nên thường xuyên kiểm tra tình trạng của các cao su cu-pen bảo vệ suốt phanh, tuyệt đối không được bôi mỡ không đúng chủng loại vào suốt phanh vì có thể gây bó kẹt, hỏng các cao su che bụi. Nên mang xe đến các gara để kỹ thuật viên phân biệt các loại mỡ đặc chủng dùng cho hệ thống phanh xe.

5. Tiếng ù ở một bánh nào đó

Bình thường khi chạy tốc độ chậm trong phố, bạn không thấy dấu hiệu gì bất thường. Nhưng khi ra đường tốc chạy tốc độ cao, tiếng ù từ bánh xe nào đó vọng lên có thể phỏng đoán là bi moay ơ bánh đã hỏng; tiếng kêu sẽ tăng tỉ lệ thuận với tốc độ của xe.

Nguyên nhân dẫn đến chết bi moayơ là do sử dụng lâu năm, mỡ bôi trơn bên trong ổ bi bị khô hoặc mất dần. Hoặc do xe thường xuyên đi vào vùng ngập nước, trong khi phớt chắn ổ bi bị hở khiến nước vào trong phá hỏng vòng bi. Hậu quả xấu nhất, khi bi moay ơ bị rơ, tiếng kêu quá lớn có thể gây hiện tượng bánh xe bị rung lắc khi vận hành, ảnh hưởng đến hiệu quả phanh.

6. Tiếng "lục cục" không đều khi đi đường xấu

Khi đi trên đường gồ ghề, gợn sóng, gầm xe xuất hiện những tiếng kêu lục cục, có lúc liên tục, có lúc thưa hơn... Có thể là một hoặc một vài rô-tuyn (các khớp cử động đa chiều) của xe đã bị rơ.

Nguyên nhân do quá trình sử dụng, lớp cao su bảo vệ có thể bị rách hoặc thoái hóa khiến bụi bẩn, nước làm hỏng chất bôi trơn của rô tuyn, tạo ma sát và mài mòn trong quá trình khớp cử động. Rô tuyn bị rơ khiến quả bi va đập khi mặt đường không bằng phẳng. Trong một số trường hợp, chụp cao su bảo vệ bị rách có thể khắc phục bằng cách thay mới, nhưng nếu rô tuyn bị rơ và chết sẽ không thể phục hồi, phải thay mới.

Từ khóa » đánh Lái Vô Lăng Có Tiếng Kêu