Kinh Nghiệm Chọn Gạch Xây Nhà Từ Chuyên Gia - Trangkim
Có thể bạn quan tâm
Gạch là vật tư xây dựng quan trọng, mang tính quyết định đến chất lượng công trình. Chọn gạch xây nhà như thế nào để tối ưu nhất? Và cách kiểm tra chất lượng của viên gạch ra sao? Tất cả sẽ được giải đáp qua nội dung dưới đây!
Mục lục
- Các loại gạch xây nhà phổ biến hiện nay
- Gạch nung
- Gạch không nung
- Kinh nghiệm chọn gạch xây nhà
- Chọn gạch xây nhà dựa trên chi phí
- Chọn loại gạch dựa trên kết cấu căn nhà
- Chọn đặc tính của gạch phù hợp với công trình
- Cách kiểm tra chất lượng gạch xây nhà
- Kiểm tra kích thước và độ phẳng
- Kiểm tra màu gạch
- Kiểm tra độ thấm hút của viên gạch
- Kiểm tra độ chắc chắn của gạch
- Một số lưu ý khi thi công tường gạch
Các loại gạch xây nhà phổ biến hiện nay
Có khá nhiều loại gạch xây dựng trên thị trường hiện nay. Về cơ bản, có thể chia chúng thành 2 nhóm: gạch nung và gạch không nung.
Gạch nung
Gạch nung – hay còn gọi là gạch tuynel – là loại gạch được làm từ đất sét với màu nâu đỏ đặc trưng. Đất sét là hỗn hợp của một số oxit ngậm nước, với tỷ lệ như sau: silicat (chiếm 50% – 60%), alumina (hay còn gọi là nhôm oxide, chiếm 20% – 30%), vôi (chiếm 2% – 5%), oxit sắt (chiếm 5% – 6%), magie (chiếm dưới 1%).
Đất sét sau khi khai thác được đem đi ngâm ủ, loại bỏ tạp chất rồi đưa vào công đoạn sơ chế nhằm đạt độ mịn dẻo theo quy chuẩn. Trải qua giai đoạn sơ chế, đất sét được tạo hình và đem đi phơi nắng tự nhiên hoặc sấy khô trong thời gian quy định. Sau đó, sản phẩm được đem nung ở nhiệt độ từ 900 – 1000 độ C. Gạch thành phẩm sau nung đạt tiêu chuẩn sẽ đáp ứng các tính năng chống ẩm, chịu lực, chịu nhiệt rất tốt.
Để chọn gạch xây nhà, gia chủ có thể cân nhắc các loại gạch nung phổ biến là gạch thẻ đặc, gạch 2 lỗ, gạch 4 lỗ, gạch 6 lỗ…
Gạch thẻ đặc
Đúng như tên gọi, đây là loại gạch đặc, không có lỗ. Tùy vào đơn vị sản xuất, gạch có kích thước tiêu chuẩn là 190 x 85 x 50mm hoặc 210 x 95 x 58mm; trọng lượng từ 1.5kg – 2.1kg/viên.
Gạch thẻ chuyên dụng cho các công trình đòi hỏi chịu lực, chịu nhiệt lớn; các hạng mục như móng gạch, tường móng, bể nước, bể phốt, xây tường nhà dày 2 lớp…
Theo quy ước, gạch thẻ đặc được phân thành 3 loại khác nhau là A1, A2 và B tương ứng với chất lượng giảm dần từ A đến B.- Ưu điểm: chắc chắn, chịu lực cao, chống thấm nước tốt (Khả năng hút ẩm từ 14%-18%).
- Nhược điểm: trọng lượng nặng gây ảnh hưởng tiến độ thi công; giá thành gấp 2 – 3 lần so với gạch rỗng.
Gạch 2 lỗ
Gạch 2 lỗ – còn gọi là gạch thông tâm – có kích thước và hình dáng tương tự với gạch thẻ đặc, tuy nhiên có 2 lỗ rỗng. Trọng lượng từ 1.3kg – 1.6kg/viên.
Theo chuyên gia xây dựng, khi chọn gạch xây nhà, nên kết hợp các loại gạch khác nhau. Trong đó, gạch 2 lỗ được sử dụng cho các hạng mục ít phải chịu lực hoặc không yêu cầu cao về chống thấm. Ví dụ như tường ngăn phòng, tường trang trí không tô… Ngoài ra, nhà cấp 4 đơn giản cũng có thể sử dụng loại gạch này để tiết kiệm chi phí.
- Ưu điểm: trọng lượng nhẹ; tiết kiệm thời gian và chi phí xây dựng. Khả năng cách âm, cách nhiệt tốt.
- Nhược điểm: Chịu lực, chống thấm kém. Không phù hợp để xây dựng các hạng mục đòi hỏi tính chịu lực cao, các công trình lớn… và các vị trí thường xuyên tiếp xúc với nước như phòng tắm, nhà vệ sinh.
Gạch 4 lỗ
Gạch 4 lỗ là loại gạch phổ biến nhất trong các công trình nhà ở dân dụng hiện nay. Kích thước thường gặp nhất của gạch là 190 x 80 x 80mm. Trọng lượng tầm 1.15kg – 1.2kg/viên.
Gạch 4 lỗ chuyên dùng để xây tường 100mm, phù hợp với nhiều loại hình từ nhà ở cao tầng, biệt thự đến chung cư, văn phòng.
- Ưu điểm: trọng lượng nhẹ nên tiến độ xây dựng nhanh; giá thành hợp lý.
- Nhược điểm: do nhiều lỗ nên khả năng cách âm, cách nhiệt tương đối hạn chế. Mặt khác, khả năng chịu lực cũng kém hơn so với gạch thẻ đặc.
Gạch 6 lỗ
Gạch 6 lỗ có độ rỗng cao, trọng lượng nhẹ, thường được sử dụng để thi công tường nhà 100, 150, 200mm. Gạch có các kích thước phổ biến là 170 x 115 x 75mm, 210 x 140 x 95mm, 220 x 150 x 105mm. Trọng lượng từ 1.5kg – 2.3kg/viên.
- Ưu điểm: trọng lượng nhẹ, tiến độ xây dựng nhanh; giúp tiết kiệm chi phí và nhân công.
- Nhược điểm: cách âm, cách nhiệt kém. Chịu lực ở mức trung bình.
Gạch không nung
Gạch không nung – hay còn gọi là gạch block – được cấu tạo từ các thành phần chính là xi măng, cát và đá mạt. Đây là loại gạch được định hướng sẽ thay thế gạch xây dựng truyền thống (gạch đất sét nung) trong tương lai.
Gạch không nung được sản xuất trên dây chuyền cơ giới hóa cao, đóng rắn bằng công nghệ rung, ép thay vì tác động bằng nhiệt độ. Gạch có trọng lượng nhẹ, kích thước lớn hơn từ 2 – 11 lần so với gạch nung.
Dưới đây là 2 loại gạch không nung phổ biến mà gia chủ có thể chọn để xây nhà.
Gạch bê tông khí chưng áp (ACC)
Gạch bê tông khí chưng áp được sản xuất từ xi măng, vôi, cát nghiền mịn, nước và chất tạo khí. Gạch có kích thước đa dạng, trong đó kích thước sử dụng cho tường 100mm là 100 x 200 x 600 mm, tường 150mm là 150 x 200 x 600mm, tường 200mm là 200 x 200 x 600mm. Trọng lượng gạch ACC là 600 – 850kg/m³; bằng khoảng 1/2 gạch thẻ đặc.
Gạch ACC phù hợp để xây dựng cho cả công trình dân dụng và công trình dịch vụ, công nghiệp. Chuyên dụng cho các hạng mục như tường bao, tường ngăn, lát sàn, chống nóng mái…
- Ưu điểm:
– Trọng lượng nhẹ, giúp tiết kiệm thời gian và nhân sự thi công; giúp giảm tải trọng cho những nơi có nền đất yếu.
– Khả năng cách âm cực tốt nên thường được ứng dụng trong xây tường quán karaoke, quán bar, nhà nuôi chim yến…
– Độ bền vững cao, chịu lực tốt.
– Hệ số dẫn nhiệt thấp, giúp điều hòa nhiệt độ và chống cháy hiệu quả.
– Thân thiện với môi trường. Sản xuất gạch không nung giúp giảm thiểu gấp 5 lần lượng khí thải CO2 so với sản xuất gạch nung.
Gạch AAC được chuyên gia đánh giá là loại gạch không nung tốt nhất hiện nay.- Nhược điểm:
– Khả năng chống thấm hạn chế, không phù hợp những công trình tại môi trường ẩm, nhiều nước.
– Được xem là loại gạch “kén vữa”, không thể xây dựng với xi măng thông dụng.
– Không phù hợp khi thi công tại các công trình kiến trúc nhiều góc cạnh.
Gạch bê tông cốt liệu
Gạch bê tông cốt liệu có thành phần là bột đá, xi măng và các chất phụ gia. Tương tự như gạch đất sét nung, gạch bê tông cốt liệu được sản xuất theo dạng khối đặc hoặc dạng 2 lỗ, 4 lỗ… Gạch có kết cấu vững chắc theo nguyên lý hình thành bê tông. Về trọng lượng, gạch bê tông cốt liệu nặng gấp 3 lần so với gạch ACC.
Gạch bê tông cốt liệu phù hợp với các công trình đòi hỏi khả năng chịu tải cao; thường được sử dụng để xây tường chịu lực, tường bao che.
- Ưu điểm:
– Kích thước, hình dáng đa dạng, phù hợp với nhiều loại hình, công năng xây dựng.
– Khả năng chống thấm, cách âm, cách nhiệt tốt.
– Độ bám vữa cao giúp tăng khả năng chịu lực và giảm thiểu tình trạng rạn nứt.
– Thân thiện với môi trường.
- Nhược điểm:
– Trọng lượng nặng gây khó khăn khi vận chuyển và thi công.
– Giá thành cao hơn so với gạch nung.
Kinh nghiệm chọn gạch xây nhà
Có thể thấy rằng mỗi loại gạch xây dựng đều có mặt ưu – nhược điểm riêng. Nên sử dụng loại gạch nào còn tùy thuộc vào điều kiện thực tế công trình và ngân sách của gia chủ.
Chọn gạch xây nhà dựa trên chi phí
Thông thường, để xây 1m2 tường cần bao nhiêu viên gạch? Và tương ứng với từng loại gạch, chi phí sẽ là bao nhiêu? Hãy cùng tham khảo bảng báo giá và định mức xây tường gạch có độ dày 110mm sau đây:
Loại gạch | Kích thước | Đơn giá/viên (ĐVT: đồng) | Định mức/m2 | Chi phí/m2 (ĐVT: đồng) |
Gạch thẻ đặc V1 | 190x85x50 | 1,663 | 68 | 113,084 |
Gạch tuynel 2 lỗ TCVN | 210x100x57 | 1,365 | 55 | 75,075 |
Gạch tuynel 4 lỗ | 200x130x90 | 1,200 | 46 | 55,200 |
Gạch tuynel 6 lỗ A1 | 170x75x115 | 1,515 | 39 | 59,085 |
Gạch bê tông khí chưng áp (ACC) | 600x200x75 | 12,900 | 8.3 | 107,600 |
Gạch bê tông cốt liệu rỗng R100 | 390x100x190 | 4,138 | 12.5 | 51,725 |
Gạch bê tông cốt liệu đặc D100 | 390x100x190 | 6,933 | 12.5 | 86,663 |
Lưu ý: bảng báo giá trên cập nhật từ nhà sản xuất gạch Phú Điền. Tùy vào từng đơn vị sản xuất, giá thành sản phẩm sẽ có sự chênh lệch. Bên cạnh đó, chi phí xây tường gạch sẽ còn bao gồm chi phí nhân công và vật tư đi kèm (xi măng xây dựng, xi măng trát, cát).
Như vậy, bằng cách nhân định mức gạch trên 1m2 với tổng diện tích xây dựng, gia chủ sẽ ước tính được số lượng và tổng chi phí gạch cần sử dụng cho ngôi nhà mình. Từ đó có thể cân đối ngân sách để chọn loại gạch phù hợp.
Chọn loại gạch dựa trên kết cấu căn nhà
Để chọn được loại gạch tối ưu cho căn nhà, trước hết chúng ta cần phải lên phương án xây dựng cụ thể. Thông thường, gạch được sử dụng cho phần móng và các bức tường của công trình. Đối với phần móng, gạch đặc không lỗ là phương án tốt nhất. Còn đối với các hạng mục tường, vách, có thể tham khảo một số kinh nghiệm như sau:
– Tường đơn (110mm): sử dụng gạch đặc, gạch 4 lỗ hoặc gạch bê tông cốt liệu.
– Tường đôi (220mm): sử dụng gạch 2 lỗ, gạch 4 lỗ hoặc gạch 6 lỗ.
– Tường ba (335mm, kết cấu nhà ở trên 3 tầng): nên dùng các loại gạch có khối lượng nhẹ, chịu lực cao như gạch ACC, gạch bê tông và gạch đặc.
– Tường 2 lớp chống nóng: gạch lỗ (2 lỗ hoặc 4 lỗ); gạch bê tông hoặc gạch ACC.
Lưu ý: không xây dựng móng gạch trên nền đất yếu.Chọn đặc tính của gạch phù hợp với công trình
Mỗi ngôi nhà được xây dựng với những đặc điểm, yêu cầu khác nhau. Chẳng hạn, nhà hướng Tây đề cao tính chống nóng thì nên chọn gạch bê tông hoặc gạch thẻ đặc để tăng khả năng cách nhiệt. Hoặc giả như gia chủ yêu cầu cao về tính cách âm, gạch ACC là loại vật tư được chuyên gia khuyên dùng.
Bên cạnh đó, tùy thuộc vào từng hạng mục như móng nhà, tường bao, tường vách, tường nhà vệ sinh… mà chúng ta chọn gạch xây nhà có đặc tính phù hợp. Không nhất thiết chỉ sử dụng 1 loại gạch nhất định mà có thể kết hợp 2 – 3 loại gạch để đem đến hiệu quả tối ưu nhất.
Cách kiểm tra chất lượng gạch xây nhà
Thực tế, mỗi loại gạch đều có những quy định cụ thể về kích thước, cân nặng, cường độ chịu lực… theo tiêu chuẩn TCVN của bộ xây dựng. Việc kiểm tra chất lượng gạch được căn cứ dựa trên những quy định này. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm chọn gạch xây nhà, người ta cũng có thể kiểm tra nhanh chất lượng gạch theo các tiêu chí như sau:
Kiểm tra kích thước và độ phẳng
Kích thước của viên gạch phải đúng với quy chuẩn. Độ sai lệch về kích thước không được vượt quá ± 6mm đối với chiều dài; ± 4mm chiều rộng và ± 3mm với chiều cao. Cách viên gạch cần đảm bảo đồng đều về kích cỡ, vuông thành sắc cạnh.
Độ cong vênh của gạch không vượt quá 5mm. Nếu gạch cong vênh sẽ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, gây kéo dài thời gian thi công và tốn thêm nhiều vữa.
Để kiểm tra độ phẳng của gạch, bạn có thể chọn ra một số viên gạch bất kỳ và lần lượt áp chúng vào nhau. Nếu gạch bị cong vênh sẽ xuất hiện khe hở.Kiểm tra màu gạch
Gạch đất sét nung đạt tiêu chuẩn có màu cam đậm hoặc nâu đỏ đặc trưng. Các viên gạch đều màu, sáng, đẹp. Nếu gạch có màu tối sẫm có thể do nung lâu, bị già lửa. Hoặc ngược lại, gạch có màu cam nhạt thường là do nung chưa tới, rất giòn và dễ vỡ. Cần tránh chọn phải những lô gạch này.
Tương tự, đối với gạch không nung cũng nên chọn những lô gạch có màu sắc đồng đều.
Kiểm tra độ thấm hút của viên gạch
Kiểm tra độ thấm hút bằng cách ngâm gạch trong nước trong 24h. So sánh trọng lượng của viên gạch trước và sau khi ngâm, nếu trọng lượng gạch tăng thêm quá 15% thì đây là loại gạch chống nước kém, không nên sử dụng.
Kiểm tra độ chắc chắn của gạch
– Nếu gạch đem đập vỡ ra mà thành nhiều mảnh nhỏ, vụn thì độ chắc chắn kém. Gạch chất lượng khi đập vỡ sẽ không quá nát, vụn.
– Gạch tốt khi va vào nhau tạo âm thanh ken ken.
– Thả viên gạch ở độ cao 1m, gạch tốt không bị vỡ vụn.
Xem thêm về cách kiểm tra chất lượng gạch tại video:
Một số lưu ý khi thi công tường gạch
– Xây dựng theo nguyên tắc từ dưới lên trên, tường chính xây trước, tường phụ xây sau.
– Vữa xây dựng phải có cường độ chịu lực đạt yêu cầu thiết kế và có độ dày tiêu chuẩn như sau:
+ Đối với tường và cột gạch: từ 9cm đến 13cm;
+ Đối với lanh tô xây vỉa: từ 5cm đến 6cm;
+ Đối với các khối xây khác bằng gạch: từ 9cm đến 13cm.
– Các viên gạch phải được gắn chặt với nhau, không có khe hở (tức no vữa).
– Phải sử dụng những viên gạch nguyên để xây tường chịu lực, các mảng tường cạnh cửa và cột. Gạch vỡ đôi chỉ được dùng ở những chỗ tải trọng nhỏ như tường bao che, tường ngăn, tường dưới cửa sổ.
– Không dùng gạch vỡ, gạch ngói vụn để chèn, đệm vào giữa khối xây chịu lực.
– Phần tường mới xây phải được che đậy cẩn thận, tránh mưa, nắng và phải được tưới nước thường xuyên.
Trên đây là những kinh nghiệm chọn gạch xây nhà nhằm đảm bảo an toàn cũng như chất lượng công trình. Hy vọng qua nội dung Trang Kim vừa chia sẻ, bạn đọc đã có được những thông tin cần thiết để lựa chọn loại gạch phù hợp nhất cho ngôi nhà của mình.
Để nhận tư vấn về thiết kế và vật tư xây dựng, vui lòng để lại thông tin bên dưới hoặc liên hệ trực tiếp hotline 24/7: 0985.999.895; địa chỉ email: kientructrangkim@gmail.com.
Nguồn tham khảo:
- https://cafeland.vn/tin-tuc/gach-tuynel-va-ung-dung-trong-doi-song-99570.html
- https://vatlieuxaydung.org.vn/vlxd-co-ban/gach-xay/so-voi-gach-do-gach-khong-nung-co-nhung-uu-va-nhuoc-diem-gi–8206.htm
- https://vietnammoi.vn/mach-ban-kinh-nghiem-chon-mua-gach-xay-nha-ben-dep-dam-bao-chat-luong-20210527181625412.htm
- https://www.ultratechcement.com/home-building-explained-single/are-you-choosing-only-the-best-bricks-for-your-house
Từ khóa » Giá Gạch Ko Vữa
-
Báo Giá Gạch Xây Không Vữa Chất Lượng - Giá Tốt Nhất 2022
-
Gạch Xây Không Cần Vữa – Tư Vấn Tất Tần Tật Từ A-z
-
Gạch Xây Không Vữa Là Gì? Ưu điểm Và Những Lưu ... - Kiến Trúc Tây Hồ
-
Bảng Giá Gạch Xây Không Trát Viglacera Mới Nhất 2021
-
Gạch Xây Không Vữa đánh Giá Chi Tiết ưu Nhược điểm - YouTube
-
Cập Nhật Bảng Giá Gạch Xây Dựng Hôm Nay 2022 - Xaydungso
-
Gạch Xây Dựng - Giá Gốc Tại Nhà Máy đã Bao Gồm Vận Chuyển
-
Gạch Xây Không Trát Viglacera - Ưu Điểm - Báo Giá - Big House
-
Gạch Không Trát 2 Lỗ - Kích Thước 210x100x60 - Lazada
-
Gạch Ghép Không Vữa - Các Loại Gạch Xây Nhà Không Trát
-
Bảng Báo Giá Gạch Bê Tông Mới Nhất Năm 2021 - CityA Homes
-
Gạch Xây Không Vữa Là Gì? Ưu điểm Và Những Lưu ý Khi Sử Dụng
-
Gạch Xây Không Trát Giá Rẻ - Vật Liệu Xây Dựng ưa Chuộng Nhất Hiện ...