KINH NGHIỆM ĐI LỄ ÔNG HOÀNG MƯỜI KHAI MỞ TÀI LỘC

Đi lễ Ông Hoàng Mười như thế nào cho đúng?

“Đất lề quê thói Nghệ An

Miếng trầu cau đậu dâng quan Hoàng Mười

Trông hoa lại nhớ đến Người

Đông về lại nhớ Hoàng Mười Nghệ An”

Hằng năm, cứ vào mùng 10/10 Âm lịch, đền Ông Hoàng Mười đón nhận đông đảo tín đồ thập phương đến cầu nguyện, tham quan. Vậy, đi lễ Ông Hoàng Mười như thế nào cho đúng? Bài viết này Tử Vi Sơn Long sẽ giải đáp và cung cấp tất cả các thông tin cần thiết về việc đi lễ Ông Hoàng Mười.

 

di-le-ong-hoang-muoi

 >>> Xem thêm: Lập lá số Tử Vi

Thông tin cơ bản về lễ Ông Hoàng Mười

Vị trí Đền thờ Ông Hoàng Mười

Du khách có thể đến cầu nguyện tại hai ngôi đền chính thờ Ông Hoàng Mười.

  • Đền Củi (Khu Độc Linh) với hơn 400 năm tuổi, toạ lạc tại xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, cách thành phố Vinh 10km.
  • Đền thờ Ông Hoàng Mười (Mỏ Hạc Linh Từ) tại địa phận làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh 2km. Đây là nơi lưu giữa 21 đạo sắc phong và lăng mộ của Quan Hoàng Mười.

Điều thú vị là cả hai ngôi đền nằm cách nhau chỉ vỏn vẻn con sông Lam. Du khách đứng từ đền bên này có thể quan sát được đền còn lại. Với vị trí cận kề nhau, tín đồ có thể dễ dàng hành hương cả hai ngôi đền. Hợp lý nhất là đi lễ Ông Hoàng Mười tại đền Củi và di chuyển sang đền Ông Hoàng Mười để viếng thăm lăng mộ của Ông.

Thời gian tổ chức Lễ hội Ông Hoàng Mười

Hiện nay, đền Ông Hoàng Mười tổ chức hai lễ hội chính: Lễ hội Rước Sắc 14/3 Âm lịch và Lễ giỗ Ông Hoàng Mười 10/10 Âm lịch.

  • Đối với Lễ hội Rước Sắc, đền tổ chức vào ba ngày 14, 15, 16/3 Âm lịch.
  • Ngày 14/3 Âm lịch
    • Sáng: Lễ Yết Cáo
    • Chiều: Rước sắc từ nhà thờ họ Nguyễn ra đền Ông Hoàng Mười.
    • Tối: Lễ Đại Tế
  • Ngày 15/3 Âm lịch
    • Sáng: Lễ dâng hương
    • Chiều: Hát Chầu Văn
    • Tối: Lễ Yết Cáo
  • Ngày 16/3 Âm lịch
    • Sáng: Rước sắc bằng thuyền từ đền Ông Hoàng Mười về lại nhà thờ họ Nguyễn tại làng Xuân Am.
  • Đối với Lễ giỗ Ông Hoàng Mười (lễ chính), đền tổ chức vào ba ngày, 9,10,11/10 Âm lịch.
  • Ngày 9/10 Âm lịch
    • Chiều: Rước sắc từ nhà thờ họ Nguyễn ra đền Ông Hoàng Mười.
    • Tối: Lễ đại tế
  • Ngày 10/10 Âm lịch
    • Sáng: Lễ tưởng niệm, dâng hương.
    • Chiều: Hát Chầu Văn.
    • Tối: Lễ tạ ơn
  • Ngày 11/10 Âm lịch
    • Chiều: Rước sắc từ nhà thờ họ Nguyễn ra đền Ông Hoàng Mười.

Cách thức di chuyển đến Đền Ông Hoàng Mười

Đối với khách hành hương, thời gian đi lễ Ông Hoàng Mười hợp lý nhất là dành tối thiểu 2 ngày 1 đêm để tham quan và thờ cúng. Tuỳ vào tình trạng sức khoẻ, thời gian và kinh phí, du khách có thể lựa chọn các phương tiện di chuyển đến đền Ông Hoàng Mười.

  • Di chuyển bằng máy bay: Du khách đi từ sân bay Nội Bài (HAN) đến sân bay Vinh (VII). Đây là lựa chọn tiết kiệm thời gian nhất, chỉ tốn 1 tiếng để bay đến Vinh. Sau đó, bắt taxi di chuyển đến khu vực đền Ông (tầm 10km cho đền Củi tại Hà Tĩnh và 2km cho đền Ông tại Nghệ An). Chi phí di chuyển dao động từ 800.000 – 1.000.000VNĐ/chiều. Lưu ý: Mỗi ngày chỉ có 1-2 chuyến bay, du khách nên tranh thủ đặt vé trước 1-2 tuần.
  • Di chuyển bằng tàu lửa: Du khách khởi hành từ ga Hà Nội đến ga thành phố Vinh. Thời gian di chuyển mất 6 tiếng với mức giá từ 200.000 – 550.000VNĐ/chiều. Tuỳ vào hạng ghế ngồi. Sau đó bắt taxi di chuyển đến đền thờ Ông.
  • Di chuyển bằng xe khách: Du khách bắt xe từ Bến xe Nước Ngầm đi đến thành phố Vinh hoặc Hà Tĩnh, thời gian di chuyển từ 5 – 7 tiếng. Sau đó tiếp tục bắt taxi để đến đền thờ. Nếu bắt xe đi Hà Tĩnh, du khách trực tiếp liên hệ tài xế cho dừng ở đền Củi. Chi phí di chuyển dao động từ 170.000 – 350.000VNĐ/chiều.
  • Di chuyển bằng xe riêng: Cung đường từ Hà Nội đến thành phố Vinh khoảng 330km, đi tầm 5 tiếng tuỳ mật độ giao thông. Du khách chạy thẳng cao tốc Pháp Vân đi QL1A, đền Ông Hoàng Mười nằm gần chân cầu Bến Thuỷ 2. Nếu du khách có nhu cầu ghé thăm đền Củi (Hà Tĩnh), chúng ta tiếp tục chạy qua cầu Bến Thuỷ 2, quẹo phải sang QL1A (đi dọc sông Lam), đi thẳng tầm 7km nữa sẽ đến đền Củi.

Sắm lễ Ông Hoàng Mười gồm những gì?

Khi đi Lễ Ông Hoàng Mười, các con nhang, đệ tử thường cầu mong được Ông độ về mặt công danh sự nghiệp, phát tài phát lộc. Đặc biệt là cầu mong con em học hành thành tài, rạng danh tổ tiên. Vậy, lễ vật dâng Ông Hoàng Mười gồm những gì? Về cơ bản, một bộ lễ vật đầy đủ trong hệ thống Tứ Phủ sẽ bao gồm lục cúng (tức hoa tươi, quả tươi, đèn nến, trà, nhang thơm và thức ăn như xôi oản hoặc lễ mặn giò, thịt,…).

Theo nhà đền Ông Hoàng Mười, lục cúng phổ thông dâng lên ông bao gồm:

  • 1 mâm gà trống luộc nguyên con (có thể thay thế bằng chân giò luộc hoặc thịt heo quay)
  • 1 mâm xôi trắng, xôi gấc,…
  • 1 mâm vàng quan màu vàng 5 dây.
  • 1 mâm sớ điệp, hoa, quả, cau, trầu, tiền dương, chai nước.
  • 1 mâm 1 dây vàng trắng, 1 chai rượu, 5 chén rượu, tiền vàng, nén nhang, tiền dương, 1 đĩa muối, 1 đĩa gạo, 5 quả trứng vịt đã rửa sạch và 1 bó hoa để ban thờ Quan Ngũ Hổ.
  • 1 mâm cờ quạt bút sách (Nếu cầu mong đường học vấn).

Ngoài ra, khi tín chủ mong muốn trả lễ hoặc là các đồng anh – lính chị (Người có căn đồng số lính) có thể tham khảo và chuẩn bị thêm các mẫu Oản Lễ Tứ Phủ phù hợp. Chi phí cho một bộ Oản dao động từ 350.000 đến 1.000.000 đ tuỳ theo sự chi tiết, tỉ mỉ, kích thước của mẫu. Nên mua ở cơ sở uy tín để tránh mua phải đồ kém chất lượng. Một điều cần lưu ý khi chọn lễ vật dâng Ông Hoàng Mười. Đó chính là chọn lễ vật có màu vàng vì màu vàng là màu yêu thích của Ông khi ngự đồng.

Văn khấn đền Ông Hoàng Mười

“Con tấu lạy tam vị đức vua cha.

Tấu lạy hội đồng thánh mẫu.

Con tấu lạy chư vị đình thần bốn phủ.

Tấu lạy đức thánh Trần triều, tấu lạy hội đồng nhà Trần

Con tấu lạy tứ phủ chầu bà ba tòa quan lớn hoàng triều hoàng quận, tấu lậy hội đổng quan hoàng.

Con tấu lạy quan Hoàng Mười thủ phủ đồng đền nơi đây

Con tấu lạy hội đồng tiên cô thánh cậu cùng hạ ban năm dinh 5 tướng, 10 dinh quan các ngự tại đền quan hoàng Mười linh từ.

Xuân thiên cát nhật đương thời, hôm nay là ngày… đệ tử con là….. cùng toàn thề bản hội… ngụ tại địa chỉ… Con về bái yết cửa quan Hoàng linh từ con có cơi trầu bát nước thanh bông trà quả phù lang thanh tiết phù tiết thanh lang. Tiền vàng sớ điệp tấu lên quan Hoàng.”

Xin mở cung tài – khai cung lộc

Đệ tử con muôn trung bách Bái, chân con quỳ, tay con chắp, miệng con tấu đức Hoàng Mười trong tỉnh nghệ an. Long vân khánh hội, cát nhật đương thời, kỳ thi khánh tiệc, khánh đại giai kỳ. Nay nhất tâm tưởng vạn tâm cầu, nhất tâm cửa phật, thật tâm cửa thánh con đến cửa quan Hoàng. Con lễ bạc lòng thành, trước ngài chứng tâm, ngài chứng lễ. Sau thời ngài ân xá, phúc xá, đại xá con đói cơm thèm lộc, đói lộc xin ngân. Để rồi năm phương ngài tiếp lộc mười phương ngài tiếp tài. Trên ngài gia hộ, dưới ngài độ ngài thương. 

Ngài mở cung tài – ngài khai cung lộc. Ngài cho con xin đồng ngân, đồng xuyến, đồng tiền, đồng lương, giọt dầu, nén nhang….. Để con trước lo việc tiên cung, tiên thánh – sau thời con gánh việc trần gian. Ngài cho con có đồng ra, đồng vào. 

Cầu con có con, cầu của có của. Mùa xuân có lộc, thu đông có tài. Khách gần mang đến, khách xa mang về. Lộc Hoàng lát đường đi không hết. Con nhất tâm tưởng vạn tâm cầu xin Hoàng. Hoàng ngoảnh mặt đi chúng con dại – Hoàng ngoảnh mặt lại chúc con khôn để rồi Hoàng cho xin lộc rơi, lộc vãi để có thêm đồng tiền, bát gạo. Để qua kỳ đói, khỏi kỳ nạn cho đẹp bằng người cho tươi bằng của. Con chí thiết lòng thành, không dám tham lam. Chỉ xin quan ban quốc dư, lộc tài mà không dám đơn sai. A di đà Phật lạy Hoàng !!!

Văn khấn xin lộc sức khỏe

A di đà phật, đầu năm chí giữa, nửa năm chí cuối, xuân hạ thu đông, tứ thời bát tiết, tháng thuấn, ngày nghiêu. Lại nhất tâm mưa không quản, nắng không nề, đường xa bái ngái. Tập bè kết phúc, tập phúc kết duyên đứng trước án tiền kêu cầu phật tiền, tiên, thánh, thần. Nay con có đăng trà quả thực, lễ mọn tâm thành đến lễ bái cửa hoàng để rồi ba mươi mồng một hội rằm người thương. Hoàng cho con già được mạnh khoẻ – trẻ đặng bình an. Bách bệnh tiêu tan vạn bệnh tiêu tán cho sức khỏe con được tốt để trên lo việc thánh – dưới gánh việc trần. 

Hoàng chẳng thiếu chi phép hoàng chẳng hẹp chi quyền, ngài khoá âm dạy dương, bồi hơi tiếp sức để cho đầu con được tinh tấn, thông minh, cho ngôn từ xúc tích, ý nghĩ chuyên sâu. Xin Hoàng cho con được sáng hai con mắt chặt hai đầu gối. Hoàng cho thuốc tiên tẩy hết bụi trần thanh cao rồi lại mười thanh cao. Hoàng cho con trước làm sao thì sau thời gia đình con cũng vậy. Để rồi điều lành mang lại điều dại mang đi, sổ sinh lại mở – sổ tử không phê. Mọi chốn bốn bề nương nhờ phật thánh, đình thần tam tứ phủ. 

Nay trên con đường phụng sự việc thánh thần – trần gian, con cũng tạo nên vô số, vô biên, vô lượng, công đức, lỗi lầm…. Nay con lầm biết lỗi, biết tội mà đến cửa cha cửa mẹ kêu cầu vọng bái để một lời không xảy bảy lời không dám đơn sai. Để rồi nương bóng hoàng sẽ được bình an, tai qua nạn khỏi. A di đà phật nay xin hoàng xá u, xá mê, xá lầm, xá lối, xá tội trần gian cho con biết đường mất lội biết lối mà về. Cho đi đúng đường mà tu đúng đạo.

Xin lộc buôn Bán

Ngày nay đói cơm thèm lộc, đói phúc thèm tài. Nay nương nhờ cửa cha, cửa mẫu cho chúng con xin lộc buôn, lộc bán, lộc vào, lộc ra. Cho con buôn may, bán đắt, buôn chín bán mười, buôn tươi bán tốt. Của một đồng, công một nén, một vốn bốn lời để thuận lòng khách đến, vừa lòng khách đi. Cho khách gần mang đến, khách xa mang về. Để rồi xin bề trên phật Thánh soi xét cho người thương, cho giàu cửa hàng cho sang cửa ngõ. Buôn có bạn, bán có phường.

Hàng hoá, tàu xe đi đường thượng lộ bình an, xuôi thuyền kịp bến. Cửa hàng, công việc còn nhỏ nay ơn trên ban lộc cho tiểu thành đại, cho ít thành nhiều, được khang trang, sạch sẽ, mát mẻ, hanh thông. Mở hàng có khách đến, tỏ lời khách thương để có thêm ngân thêm xuyến mà trang trải cuộc sống gia đình. A di Đà Phật!!!

Những điều kiêng kỵ khi đi Lễ Ông Hoàng Mười

Sau đây là một vài điều kiêng kỵ mà con nhang, đệ tử tuyệt đối không phạm vào, trách việc vô lễ trước Ông Hoàng Mười:

  • Trang phục kín đáo, màu sắc thanh nhã.
  • Giữ tâm thanh tịnh, không phát ngôn bừa bãi, lời nói văng tục.
  • Kiêng kỵ các loại thức ăn như tiết canh, các loại trứng lộn, tỏi hành sống. Đặc biệt không ăn thịt chó, rắn,…trong quá trình hành hương.
  • Thành tâm khấn nguyện, không đùa giỡn chốn tôn nghiêm.
  • Ưu tiên chọn lễ vật màu vàng, tránh chọn các màu sắc khác.

Hiện nay, việc đi lễ Ông Hoàng Mười ngày càng phổ biến và thu hút đông đảo tín đồ thập phương. Điều đó cũng dẫn đến nhiều tệ nạn như buôn thần bán thánh, lừa đảo, nâng giá vào dịp lễ, móc túi, cướp giật, thái quá việc đốt vàng mã gây ngộp khói…du khách nên có ý thức bảo vệ tài sản cũng như sức khoẻ cá nhân và cộng động.

Lời kết

Ông Hoàng Mười nói riêng và tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung là một trong những điểm tựa tâm linh của đông đảo người dân Việt. Hi vọng qua bài viết này, chúng ta sẽ có thêm thông tin đúng về đi lễ Ông Hoàng Mười. Chúc anh chị, cô chú đi lễ Ông Hoàng Mười suôn sẻ và đạt được như tâm nguyện.

Xem thêm: Tục Thờ Thần Tài Thổ Địa

3.4/5 - (7 bình chọn)

Từ khóa » đặt Lễ đền ông Hoàng Mười