Kinh Nghiệm Du Lịch Buôn Ma Thuột (Cập Nhật 08/2022) - Cùng Phượt

🏠︎Đắk LắkBuôn Ma ThuộtKinh nghiệm du lịch Buôn Ma Thuột Kinh nghiệm du lịch Buôn Ma Thuột (Cập nhật 11/2024) ✉︎ CPI - ⏱︎ Cập nhật lần cuối: 1 tháng 11 năm 2024

Cùng Phượt – Buôn Ma Thuột là thành phố tỉnh lị của tỉnh Đắk Lắk, đồng thời là thành phố trung tâm vùng Tây Nguyên và là một trong số 8 đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh của Việt Nam. Vùng đất này được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu ôn hòa, mát mẻ cùng hệ thống giao thông nối tới các địa phương lân cận được xây dựng tương đối thuận lợi. Với phương châm phát triển gắn với bảo tồn tôn tạo và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống du lịch Buôn Ma Thuột hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài nước.

  • Về thủ phủ Tây Nguyên khám phá bảo tàng cà phê
  • Thác Dray Nur, vẻ đẹp thơ mộng nhưng đầy huyền bí
  • Các địa điểm du lịch ở Đắk Lắk
  • Lịch trình tự lái Đà Nẵng Tây Nguyên
  • Thuê xe máy tại Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
  • 24h không chán ở Buôn Ma Thuột
  • Các cửa khẩu giữa Việt Nam Campuchia

Trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột (Ảnh – cungphuot.info)

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả David Staszak, Trang Tũn, enlnino, serena_2210, Van Thanh Nguyen, Danh Thanh Tâm, Quốc Thắng, Vinh Gấu, motorbiketripvietnam_, lovelyixing_ , vh.pham, my_hanh_pham, rubylovefood, thaobigi, rubylovefood, eatingwellsg, anhdoan92, ntvvirus, vespa_khigia, pjnk0412, red_wallflower12, ngockhanhhaa, lam_luuduc nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Giới thiệu chung về Buôn Ma Thuột

Mục lục

  • 1 Giới thiệu chung về Buôn Ma Thuột
  • 2 Du lịch Buôn Ma Thuột vào khi nào ?
  • 3 Hướng dẫn đi tới Buôn Ma Thuột
    • 3.1 Phương tiện cá nhân
    • 3.2 Phương tiện công cộng
      • 3.2.1 Đường không
      • 3.2.2 Đường bộ
    • 3.3 Đi lại ở Buôn Ma Thuột
      • 3.3.1 Thuê xe máy
      • 3.3.2 Taxi
      • 3.3.3 Xe buýt
  • 4 Lưu trú ở Buôn Ma Thuột
    • 4.1 Khách sạn/Nhà nghỉ
    • 4.2 Homestay
  • 5 Các địa điểm du lịch ở Buôn Ma Thuột
    • 5.1 Trong thành phố
      • 5.1.1 Ngã 6 Ban Mê
      • 5.1.2 Cây Kơ Nia
      • 5.1.3 Buôn AKô Đhông
      • 5.1.4 Bảo tàng Đắk Lắk
      • 5.1.5 Khu Biệt điện Bảo Đại
      • 5.1.6 Chùa Sắc Tứ Khải Đoan
      • 5.1.7 Đình Lạc Giao
      • 5.1.8 Nhà đày Buôn Ma Thuột
      • 5.1.9 Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột
      • 5.1.10 Bảo tàng cà phê
      • 5.1.11 Làng cà phê Trung Nguyên
      • 5.1.12 Lee House Homestay
    • 5.2 Buôn Tuôr
    • 5.3 Buôn Kmrơng Prông B
    • 5.4 Khu du lịch Ko Tam
    • 5.5 Khu du lịch Đồi Thông
    • 5.6 Hồ Ea Kao
    • 5.7 Buôn Đôn
      • 5.7.1 Nhà sàn cổ
      • 5.7.2 Mộ vua Voi
      • 5.7.3 Cầu treo Buôn Đôn
      • 5.7.4 Vườn cảnh Trohbư
    • 5.8 Thác Đray Nur
    • 5.9 Thác Đray Sáp
    • 5.10 Hồ Lắk
    • 5.11 Đá Voi Yang-tao
  • 6 Ăn gì ở Buôn Ma Thuột
    • 6.1 Bún đỏ
    • 6.2 Bún chìa
    • 6.3 Bánh canh cá dầm
    • 6.4 Bánh bột lọc Đạt Lý
    • 6.5 Bò nhúng me
    • 6.6 Bánh ướt thịt nướng
    • 6.7 Bánh Khọt
    • 6.8 Cơm tấm
    • 6.9 Cơm gà
    • 6.10 Bánh bèo chén
    • 6.11 Rau tập tàng
    • 6.12 Đặc sản Buôn Ma Thuột làm quà
      • 6.12.1 Rượu A Ma Công
      • 6.12.2 Cà phê Đắk Lắk
      • 6.12.3 Bơ sáp Đắk Lắk
      • 6.12.4 Thịt nai khô
  • 7 Một số lịch trình du lịch Buôn Ma Thuột
    • 7.1 Sài Gòn – Buôn Ma Thuột – Kon Tum
    • 7.2 Hà Nội – Buôn Ma Thuột 4 ngày 3 đêm
    • 7.3 Hà Nội – Buôn Ma Thuột – Đà Lạt
Buôn Ma Thuột những năm 70(Ảnh – David Staszak)

Buôn Ma Thuột có bề bề dày lịch sử từ lâu đời, nhiều tư liệu từ trước đến nay đã cho thấy vùng đất này tồn tại từ rất sớm. Dưới góc độ nghiên cứu về khảo cổ học Buôn Ma Thuột ít ra đã có 4.000 năm tuổi. Nguyên xưa, nơi đây là vùng đất cư trú của người Ê Đê, với nhiều nhà dài Ê Đê nằm dọc theo suối Ea Tam, xuôi theo dòng đổ ra sông (Sêrêpôk). Các buôn được điều hành bởi già làng cho mỗi buôn. Những buôn làng được ghi nhận đầu tiên trên địa bàn thành phố Buôn Mê Thuộc ngày nay gồm có Buôn Kram, Buôn Alê, Buôn Păn Lăn, Buôn Kosier, Buôn Enao, Buôn Akõ Dhông, Buôn Dung.

Sau khi tiến hành xâm lược và bình định vùng đất Tây Nguyên, thực dân Pháp bắt tay ngay vào việc xây dựng bộ máy thống trị. Sau khi kí thành lập tỉnh Đăk Lăk (22-11-1904), đồng thời chuyển tỉnh lị từ Bản Đôn về Buôn Ma Thuột. Lúc mới thành lập, chỉ có cấp tỉnh, còn ở cấp dưới vẫn là buôn làng của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

và thành phố Buôn Ma Thuột ngày nay(Ảnh – cungphuot.info)

Những năm đầu Buôn Ma Thuột được xây dựng tại khu vực Buôn Kram, cạnh buôn Alê-A, Alê-B, ngày nay là thoải triền đồi khu vực ngõ cua đường Đinh Tiên Hoàng về nhánh suối Ea Tam. Thời kỳ Pháp đô hộ được đặt tên đô thị là Ban Mé Thuot, từ ” Ban” bao hàm một nghĩa rộng, ví như ”Ban” là đô thị các buôn, các buôn như khu khu vực nhỏ, ngang phường. Bản đồ thời kỳ 1905-1918-1930, ”Ban” và ”Buôn” được phân biệt rõ rệt qua tư liệu bản đồ lịch sử của người Pháp, qua thời Việt Nam Cộng Hòa phiên âm thành Ban Mê Thuột, sau giải phóng gọi thành Buôn Ma Thuột, nên nhiều người suy diễn là có vị tù trưởng ama Thuột, dẫn đến sự nhầm lẫn nghiêm trọng. Ngoài ra còn các cách gọi sai khác như (Bản Mế Thuột – Bản Mế Thuật, Buôn Ma Thuộc – Buôn Ma Thuật, Ban Mê Thuộc – Ban Mê Thuật), đều là cách gọi sai lệch về thông tin của thành phố.

Du lịch Buôn Ma Thuột vào khi nào ?

Chỉ cần đến Buôn Ma Thuột vào mùa khô là các bạn có thể thoải mái khám phá vùng đất này (Ảnh – Trang Tũn)
  • Tây Nguyên có 2 mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa (từ tháng 5-11). Vào mùa mưa, đường xá đi lại khá khó khăn do có nhiều tuyến đường vẫn là đường đất. Mùa khô thường là những tháng đầu năm, lúc này thời tiết dịu mát, chưa quá nóng.
  • Tháng 12 dương lịch ở Tây Nguyên có nhiều lễ hội và là mùa dã quỳ nở vàng rực đất trời Tây Nguyên
  • Lễ hội đua voi Bản Đôn được tổ chức vào tháng 3 dương lịch hàng năm.
  • Mùa hoa cà phê cũng thường vào khoảng tháng 3 hàng năm.

Hướng dẫn đi tới Buôn Ma Thuột

Phương tiện cá nhân

Nếu ở các địa phương lân cận, các bạn có thể dễ dàng tới Buôn Ma Thuột bằng các phương tiện cá nhân (Ảnh – cungphuot.info)

Nếu sử dụng phương tiện cá nhân, từ ngoài Bắc các bạn có thể đi dọc theo QL 1A tới Ninh Hòa, Khánh Hòa rồi đi tiếp theo QL26 tới Đắk Lắk, trên hành trình này các bạn có thể khám phá nhiều địa điểm ở Bắc Trung BộNam Trung Bộ. Hoặc một phương án khác, các bạn có thể từ Đà Nẵng đi theo QL14 dọc qua một loạt các tỉnh Tây Nguyên khác như Gia Lai, Kon Tum. Từ Sài Gòn cũng có thể sử dụng tuyến QL14 này để tới Buôn Ma Thuột.

Phương tiện công cộng

Đường không
Từ hầu hết các thành phố lớn, đều có đường bay trực tiếp tới Buôn Ma Thuột (Ảnh – enlnino)

Sân bay Buôn Ma Thuột nằm cách trung tâm thành phố khoảng 8 km về phía Đông Nam theo đường quốc lộ 27 đi Đà Lạt – Lâm Đồng. Hiện tại đây toàn bộ các hãng hàng không ở Việt Nam đều thiết lập đường bay đến, xuất phát từ Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vinh và Sài Gòn. Giá vé máy bay khứ hồi từ Hà Nội vào khoảng 1500-2000k, từ Sài Gòn vào khoảng 1000-1500k tùy hãng.

Đường bộ

Với hệ thống đường bộ dày đặc, hầu hết từ khắp mọi miền các bạn đều có thể mua vé xe khách để tới Buôn Ma Thuột. Từ Sài Gòn và các tỉnh miền Nam, Trung xe sẽ chạy hàng ngày do quãng đường ngắn. Từ Hà Nội, do quãng đường dài nên số lượng xe sẽ không nhiều bằng và lịch chạy xe thường cách ngày.

Xem thêm bài viết: Xe giường nằm đi Buôn Ma Thuột (Cập nhật 11/2024)

Đi lại ở Buôn Ma Thuột

Thuê xe máy

Nên kiếm một chiếc xe máy làm phương tiện đi lại trong những ngày ở Buôn Ma Thuột (Ảnh – cungphuot.info)

Tây Nguyên với những con đường trải dài thẳng tắp sẽ là một trong các lý do mà bạn không thể bỏ lỡ việc chạy xe máy ở đây. Tuy không nhiều nhưng ở Buôn Ma Thuột các bạn cũng không quá khó khăn để thuê một chiếc xe làm phương tiện di chuyển, với giá khoảng 100-150k/1 ngày, đây là phương tiện gần như cơ động nhất để đi lại và khám phá nơi đây.

Xem thêm bài viết: Thuê xe máy ở Buôn Ma Thuột (Cập nhật 11/2024)

Taxi

Với những bạn không muốn tự chạy xe, có thể thuê taxi theo giá trọn gói cho một số điểm đến nhất định (Ảnh – cungphuot.info)

Nếu đi theo nhóm đông hoặc đi theo gia đình, các bạn có thể sử dụng taxi làm phương tiện di chuyển khi ở Buôn Ma Thuột. Chỉ cần liên hệ với một tài xế taxi và thỏa thuận các địa điểm di chuyển với chi phí trọn gói là thoải mái.

Một số hãng taxi đang hoạt động ở Đắk Lắk

  • Taxi Vinasun: 0262 38 272727
  • Taxi Mai Linh: 0262 3819 819
  • Taxi Sun: 0262 3677 677
  • Taxi Tây Nguyên: 0262  3838 838
Xe buýt

Với những bạn đi một mình, để tiết kiệm chi phí có thể sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại (Ảnh – cungphuot.info)

Mạng lưới xe buýt ở Đắk Lắk có số đầu xe tương đối nhiều và độ phủ khá lớn, có thể đi được đến hầu khắp các huyện trong tỉnh. Nếu đi một mình hay không có khả năng chạy xe máy, các bạn có thể sử dụng xe buýt để đi đến một số tuyến điểm du lịch như Buôn Đôn hay Hồ Lắk. Với những địa điểm khác mà xe buýt không thể tới, các bạn có thể kết hợp cùng xe ôm hay taxi.

Lưu trú ở Buôn Ma Thuột

Buôn Ma Thuột có rất nhiều địa điểm lưu trú đẹp, phù hợp với các bạn trẻ thích check-in (Ảnh – serena_2210)

Khách sạn/Nhà nghỉ

Là trung tâm của Đắk Lắk, Buôn Ma Thuột tập trung hầu hết các khách sạn nhà nghỉ của tỉnh với công suất có thể phục vụ hàng nghìn du khách cùng một thời điểm. Tuy chưa có nhiều cơ sở lưu trú cao cấp như nhiều địa phương khác nhưng nếu hơi khó tính, các bạn vẫn có thể dễ dàng tìm được cho mình một khách sạn đầy đủ tiện nghi với giá cả phù hợp.

Một số khách sạn tốt ở Buôn Ma Thuột

HOMESTAY Đồi Sao Homestay Địa chỉ: 10/4a Nguyễn Lâm, Tự An, Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk Điện thoại: 0909587997 Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN Khách sạn Thanh Mai Địa chỉ: 170 Ngô Quyền, Tân An, Tp. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk Điện thoại: 0262 3924 666 Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

HOMESTAY Happy Homestay Địa chỉ: 251 Nguyễn Thị Định, Tân tiến, Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk Điện thoại: 0262 3890 252 Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN Khách sạn Biệt Điện Địa chỉ: 1 Ngô Quyền, Tân Lợi, Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk Điện thoại: 02623954299 Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN Mường Thanh Luxury Buôn Ma Thuột Địa chỉ: 81 Nguyễn Tất Thành, Tân An, Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk Điện thoại: 0262 3961 555 Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

Xem thêm bài viết: Khách sạn nhà nghỉ ở Buôn Ma Thuột (Cập nhật 11/2024)

Homestay

Các cơ sở lưu trú homestay dạng nhà nghỉ cộng đồng, ăn ở và sinh hoạt cùng người dân địa phương được xây dựng rải rác ở khắp trong tỉnh Đắk Lắk. Tại Buôn Ma Thuột, những homestay thường là những khách sạn mini với thiết kế đẹp, giá cả phải chăng để hướng tới những nhóm bạn trẻ du lịch theo nhóm bạn bè.

Một số homestay tốt ở Buôn Ma Thuột

HOMESTAY Zan HomeStay Địa chỉ: 37 Hồ Giáo, Thành Nhất, Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk Điện thoại: 0937140588 Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

HOMESTAY Happy Homestay Địa chỉ: 251 Nguyễn Thị Định, Tân Tiến, Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk Điện thoại: 0262 3890 252 Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

HOMESTAY Windy Garden Homestay Địa chỉ: Cụm 7, Thôn 10, Tp. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk Điện thoại: 090 921 30 68 Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

Xem thêm bài viết: Homestay ở Buôn Ma Thuột (Cập nhật 11/2024)

Các địa điểm du lịch ở Buôn Ma Thuột

Trong thành phố

Ngã 6 Ban Mê

Ngã 6 Ban Mê, nơi mà du khách đến Buôn Ma Thuột đều tò mò ghé qua (Ảnh – cungphuot.info)

Ngã 6 Ban Mê là trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột. Ở đây có Tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột được coi như biểu tượng của thành phố.

Cây Kơ Nia

Cây Kơ Nia cổ thụ (Ảnh – cungphuot.info)

Do bài hát Bóng cây Kơ-nia nổi tiếng vì vậy du khách khi đến Buôn Ma Thuột luôn muốn tìm xem tận mắt cây Kơ Nia. Ở trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột có một cây Kơ nia cổ thụ nằm trong khuôn viên sân sau nhà văn hóa trung tâm tỉnh, cách ngã 6 Ban Mê vài trăm mét.

Buôn AKô Đhông

Buôn Cô Thôn là một buôn làng khá bình yên nằm ngay trong lòng thành phố (Ảnh – cungphuot.info)

Buôn AKô Đhông hay Buôn Cô Thôn, làng Ma Rin là một buôn làng người Ê Đê ở thành phố Buôn Ma Thuột. AKô Đhông theo tiếng Ê Đê có nghĩa là buôn đầu nguồn vì nó ở đầu nguồn một con suối lớn ở Buôn Ma Thuột là suối Ea Nuôl. Ở đây nguồn suối bắt đầu cũng chính là bến nước cũ của buôn, một bến nước rất đẹp nhưng hiện tại không còn được sử dụng do bị ô nhiễm vì ở ngay trung tâm thành phố.

Buôn nằm ở cuối đường Trần Nhật Duật. Đây là một buôn được quy hoạch rất đẹp và giữ được nhiều giá trị truyền thống, hiện tại là một điểm du lịch hấp dẫn của thành phố. Nằm trong quy hoạch khu trưng bày lịch sử của Buôn Ma Thuột.

Bảo tàng Đắk Lắk

Bảo tàng Đắk Lắk là nơi lưu giữ nhiều hiện vật về các lĩnh vực văn hoá (Ảnh – cungphuot.info)

Bảo tàng Đắk Lắk là một trung tâm bảo tồn và trưng bày về lịch sử và văn hoá các dân tộc tỉnh Đắk Lắk. Du khách đến đây không chỉ để tham quan, giải trí, mà còn để tìm hiểu, nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa dân tộc và các lĩnh vực chuyên ngành khác ở Đắk Lắk.

Khu Biệt điện Bảo Đại

Khu biệt điện Bảo Đại (Ảnh – cungphuot.info)

Biệt Điện này với tuổi thọ trên 80 năm đã trở thành một công trình kiến trúc cổ. Khuôn viên Biệt Điện rất đa dạng về chủng loại và kích thước, là nơi duy nhất trong thành phố có nhiều cây nguyên sinh và cây cổ thụ với tuổi thọ hàng trăm năm. Sau năm 1977, tòa nhà được sử dụng làm nhà khách và một phần làm bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Đắk Lắk.

Chùa Sắc Tứ Khải Đoan

Chùa Sắc Tứ Khải Đoan (Ảnh – cungphuot.info)

Chùa sắc tứ Khải Đoan (Sắc tứ Khải Đoan tự), là ngôi chùa lớn nhất thành phố Buôn Ma Thuột và cả tỉnh Đắk Lắk, nằm ở phường Thống Nhất. Đây cũng là ngôi chùa lần đầu tiên được xây dựng ở Cao Nguyên. Tên gọi Khải Đoan là ghép từ tên vua Khải Định và vợ ông là Đoan Huy hoàng thái hậu.

Chùa được xây bắt đầu từ năm 1951 trên đường Phan Bội Châu thành phố Buôn Ma Thuột do Đoan Huy hoàng thái hậu mẹ vua Bảo Đại cho xây dựng và thứ phi Mộng Điệp trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý việc thi công. Là ngôi chùa cuối cùng tại Việt Nam được phong sắc tứ của chế độ phong kiến. Chùa hiện tại đã được bổ sung rất nhiều công trình mới nhưng vẫn giữ nguyên vẹn chính điện cũ và vẫn là một nơi thờ phụng lớn nhất của Phật giáo tại Đắk Lắk và là một điểm du lịch tham quan không thể bỏ qua ở thành phố Buôn Ma Thuột.

Đình Lạc Giao

Đình Lạc Giao (Ảnh – Van Thanh Nguyen)

Đình Lạc Giao nằm trong địa phận phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột, với diện tích 700m2, phía Nam giáp đường Y Jút, phía Tây và phía Bắc giáp chợ Buôn Ma Thuột, phía Đông giáp đường Phan Bội Châu. Đình Lạc Giao là di tích lịch sử về công cuộc khai khẩn đất đai của những người Kinh đầu tiên trên Cao Nguyên Đắk Lắk, là nơi thờ thần hoàng và những người có công với nước, là nơi cầu mong sức khỏe và làm ăn phát đạt.

Nhà đày Buôn Ma Thuột

Nhà đày Buôn Ma Thuột (Ảnh – Danh Thanh Tâm)

Nhà đày Buôn Ma Thuột do thực dân Pháp thiết lập trong thời kỳ 1930 – 1931 để đày biệt xứ và giam giữ những người yêu nước, những đảng viên cộng sản bị bắt, bị xử án nặng ở các tỉnh Trung Kỳ, những người đi đầu trong các cuộc đấu tranh phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột

Tòa giám mục có thiết kế đẹp theo kiểu nhà dài người Ê Đê (Ảnh – Quốc Thắng)

Đây là một công trình kiến trúc cổ có quy mô to lớn, tọa lạc ở 104 Phan Chu Trinh. Đây là một công trình kiến trúc cổ được xây dựng hầu hết bằng chất liệu gỗ, lợp ngói vảy cá, có quy mô rất lớn. Tòa nhà có kiến trúc đẹp và mang đậm dấu ấn phong cách nhà dài truyền thống của người Ê Đê bản địa nằm giữa một khuôn viên rộng với nhiều giống cây cỏ hoa lá lạ và được thiết kế và xây dựng bởi các nghệ nhân Công giáo Ê đê xưa với bàn tay khéo léo rất rất công phu.

Bảo tàng cà phê

Bảo tàng thế giới cà phê (Ảnh – cungphuot.info)

Với không gian mở chia thành nhiều khu khác nhau, bảo tàng thế giới cà phê được thiết kế theo kiến trúc nhà dài của đồng bào Tây Nguyên. Không gian triển lãm tương tác với khách tham quan qua những trải nghiệm nghe, nhìn, nếm, ngửi, chạm. Các hiện vật được sưu tầm từ khắp nơi trên thế giới, bài trí ngay trên lối đi, không đóng trong tủ kính, tạo cảm giác chân thực và gần gũi.

Làng cà phê Trung Nguyên

Các bạn có thể đến đây để thưởng thức rất nhiều loại sản phẩm của Trung Nguyên (Ảnh – cungphuot.info)

Làng cà phê Trung Nguyên hay còn được gọi là Làng Cà phê là một cụm công trình kiến trúc có diện tích lớn nằm ở phía Tây Bắc Thành phố, tọa lạc tại ngã ba Lý Thái Tổ – Nguyễn Hữu Thọ. Đây là một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Tây Nguyên với không gian kiến trúc độc đáo đậm đà bản sắc dân tộc và không gian cà phê đặc sắc.

Lee House Homestay

Lee House cũng có nhà hàng, phim trường để phục vụ các du khách không có nhu cầu lưu trú (Ảnh – Vinh Gấu)

Đây là một homestay nằm cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng hơn 10km, khu vực này có nhiều bối cảnh được xây dựng và trang trí đẹp trong một không gian bình yên giữa núi rừng Tây Nguyên. Đây đang là điểm đến hot nhất trong thời gian gần đây ở Buôn Ma Thuột.

Buôn Tuôr

Buôn Tuôr (Ảnh – motorbiketripvietnam_)

Nằm trên QL14 thuộc xã Hòa Phú, buôn Tuôr là một trong những buôn của người Ê Đê còn lưu giữ những ngôi nhà dài và duy trì tập quán sinh hoạt cổ xưa như chế độ mẫu hệ, sống quần cư, ở nhà sàn, những ngôi nhà không có cổng hay hàng rào…

Buôn Kmrơng Prông B

Thuộc xã Ea Tu, buôn vẫn lưu giữ những truyền thống, tập tục kỳ lạ như giữ rừng và bảo vệ nguồn nước. Bến nước là nơi gắn liền với đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào Tây Nguyên, tại đây bến nước vẫn giữ được kết cấu tổ ong nguyên thủy. Bên trên là những khu rừng nguyên sinh bạt ngàn với các cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi khiến cho không khí ở buôn luôn trong lành, mát mẻ. Hàng năm, sau mỗi mùa thu hoạch, người dân trong làng đều tổ chức lễ cúng bến nước để tạ ơn thần linh đã cho một mùa bội thu và cầu nguyện cho dân làng có mùa rẫy tiếp theo được mưa thuận gió hòa, mọi người đều bình an.

Khu du lịch Ko Tam

Khu sinh thái Ko Tam (Ảnh – lovelyixing_)

Khu du lịch này cách trung tâm thành phố 9km về phía Đông Nam, thuộc phường Tân Hòa và xã Ea Tu. Với không gian rộng rãi, thoáng mát và mang vẻ đẹp tự nhiên của núi rừng, khu du lịch Ko Tam là địa điểm lý tưởng để nghỉ ngơi và thưởng thức các đặc sản của núi rừng.

Khu du lịch Đồi Thông

Cách trung tâm thành phố khoảng 7km, thuộc thôn 1 xã Hòa Thắng, đây là một khu nghỉ dưỡng và giải trí với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, không khí trong lành. Đến đây, ngoài thưởng thức các món ăn ngon du khách còn được tham gia nhiều lễ hội truyền thống của Tây Nguyên.

Hồ Ea Kao

Hồ Ea Kao (Ảnh – vh.pham)

Cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 12km. Với những điều kiện thuận lợi về đất đai, cảnh quan thiên nhiên, vị trí địa lý, thảm thực vật, cây xanh, nguồn nước … khu du lịch hồ Ea Kao là nơi lý tưởng để nghỉ ngơi, tận hưởng sự trong lành của thiên nhiên.

Buôn Đôn

Nhà sàn cổ

Ngôi nhà lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa (Ảnh – my_hanh_pham)

Nhà sàn này được làm theo kiến trúc nhà sàn của dân tộc Lào, là nhà của Khun Yu Nốb. Đây là nhà của một thợ săn voi nổi tiếng ở bản Đôn và được mệnh danh là vua voi. Hiện tại ngôi nhà đã có đến trên 115 năm tuổi; được làm hoàn toàn bằng các loại gỗ tốt của rừng già Buôn Đôn như Hương, Căm xe, Cà chít…đặc biệt nhất là ngay cả mái ngói cũng được đẽo gọt công phu từng viên bằng tay từ gỗ Cà Chít.

Trong nhà còn lưu giữ rất nhiều kỉ vật về cuộc đời và đồ nghề săn bắt voi của vị vua voi Bản Đôn và những người kế tục. Giá của ngôi nhà khi xây dựng là 10 con voi lớn và mất gần 3 năm để hoàn thành.

Mộ vua Voi

Khu mộ của vua săn voi (Ảnh – cungphuot.info)

Đây là khu lăng mộ của gia đình vua voi Khun Yu Nốp, một nhân vật lịch sử đã trở thành một huyền thoại của vùng Bản Đôn nổi tiếng về truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Vua Voi, hay Khun Yu Nốb, là danh hiệu vua Xiêm (Thái Lan) ban cho N’ Thu K’ Nul, người dân gốc được coi như người khai sinh ra Bản Đôn với nghề săn bắt thuần dưỡng voi. Khu lăng mộ vua voi nằm trong quần thể nghĩa địa của buôn Yang Lành với những ngôi mộ được trang trí bằng tượng nhà mồ, một nét rất đặc trưng của văn hoá Tây Nguyên.

Cầu treo Buôn Đôn

Cầu treo Buôn Đôn là một hệ thống các đoạn cầu được kết nối với nhau để du khách có thể di chuyển giữa các điểm (Ảnh – cungphuot.info)

Cầu treo buôn Đôn là một cây cầu treo thô sơ bằng vật liệu tre nứa để phục vụ nhu cầu du lịch và cũng là tên một địa danh du lịch nổi tiếng của Bản Đôn. Cầu được làm bằng vật liệu tre, nứa, song, mây có gia cố thêm cáp sắt. Cầu được bắt trên một cây gừa cổ thụ khổng lồ hàng trăm năm tuổi, mọc ven bờ sông Serepôk đoạn chảy qua Bản Đôn và trùm qua một đảo nhỏ giữa dòng Serepôk. Tán cây bao trùm một diện tích tới trên một ha đất với nhiều gốc do các đoạn rễ phụ tạo thành nên trông rất lạ mắt. Cây cầu dài chừng 1 km, với nhiều phân đoạn gắn kết hài hòa với một hệ thống sàn nghỉ, nhà hàng gia công bằng gỗ cũng hoàn toàn nằm trên cây.

Vườn cảnh Trohbư

Vườn cảnh Troh Bư với những tiểu cảnh khá đẹp, trông như Nhật Bản hay Hàn Quốc (Ảnh – rubylovefood)

Vườn cảnh Trohbư là một khu vườn cảnh đẹp ở Đắk Lắk nằm tại Buôn Niêng, xã Ea Nuôl. “Trohbư”, theo tiếng Ê Đê, có nghĩa là “lũng cá lóc suối” (là loại cá lóc nhỏ chỉ bằng chuôi dao, đen chùi chũi, sống trong các suối đá). Hiện tại Trohbư là một khu vườn cảnh với những con đường đi dạo quanh co uốn lượn theo các triền dốc, bờ hồ. Ở đây có cả một bộ sưu tập phong phú và đa dạng về cây, cỏ, hoa và lan rừng; có những ngôi nhà nhỏ đơn sơ mang đậm màu cổ tích nằm ẩn giữa tàn cây; có những tiểu cảnh đẹp làm điểm nhấn.

Thác Đray Nur

Thác Dray Nur (Ảnh – cungphuot.info)

Thác Đray Nur hay còn viết là Thác Dray Nur nằm cách thành phố Buôn Ma Thuột 25 km đi theo quốc lộ 14, qua thủy điện Buôn Kuốp‎ gần 3 km và đây là một ngọn thác hùng vĩ mà thiên nhiên đã ban tặng cho Đăk Lăk. Thác có chiều dài trên 250m, chiều cao trên 30m nối liền đôi bờ 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.

Thác Đray Sáp

Thác Đray Sáp (Ảnh – cungphuot.info)

Thác Đray Sáp còn có tên gọi nữa là thác Chồng (thực chất thác này thuộc địa phận Đắk Nông nhưng lại nằm không xa thác Đray Nur). Theo tiếng Ê Đê, Dray Sap có nghĩa là “thác khói” (dray: thác, sap: Khói), bởi lẽ dòng nước từ trên cao đổ xuống thung lũng tạo thành một khối lớn bụi nước bay là như màu sương khói.

Hồ Lắk

Hồ Lắk (Ảnh – cungphuot.info)

Là một hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất tỉnh Đăk Lăk và lớn thứ hai Việt Nam sau hồ Ba Bể. Xung quanh hồ có những dãy núi lớn được bao phủ bởi các cánh rừng nguyên sinh. Hồ Lắk cũng là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc và độc đáo của người M’Nông bản địa.

Đá Voi Yang-tao

Đá Voi Mẹ là một điểm check-in với phong cảnh xung quanh rất hùng vĩ (Ảnh – thaobigi)

Đá Voi Yang-tao gồm một cặp hòn đá Voi Cha và hòn đá Voi Mẹ, nổi tiếng với truyền thuyết là “hòn đá biết đi”. Nằm cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 40 km theo đường quốc lộ 27, thuộc địa phận xã Yang-tao.

Đá Voi Yang-tao thuộc loại đá granit. Kích thước rất lớn: theo ước lượng thì đá voi mẹ có chiều dài khoảng 200m, chu vi dưới chân đá khoảng 500m và cao khoảng hơn 30m. Đá Voi Cha có kích thước nhỏ hơn: chiều dài khoảng 70m và chu vi khoảng 180m. Đá Voi Mẹ nằm sát chân núi, là một dãy núi thuộc vườn quốc gia Chư Yang Sin. Còn đá Voi Cha cách đó khoảng 5 km về hướng Nam, nằm giữa một cánh đồng.

Ăn gì ở Buôn Ma Thuột

Bún đỏ

Bún đỏ là đặc sản của Buôn Ma Thuột (Ảnh – rubylovefood)

Thoạt nhìn nhiều người sẽ lầm tưởng món bún đỏ rất giống với bún riêu hay món canh bún thường bán ở Sài Gòn, nhưng hoàn toàn khác bởi bún đỏ của người Buôn Ma Thuột được ăn kèm rau cần nước và giá cùng một số phụ gia như mỡ hành, tóp mỡ rán giòn và nhất là trứng cút luộc.

Nguyên liệu để chế biến món ăn này làm từ cua đồng, chả viên và những quả trứng cút luộc. Qua bàn tay khéo léo của người nấu, tô bún đỏ trở nên hấp dẫn với màu sắc và mùi vị vô cùng quyến rũ: màu hơi đỏ của hạt điều, màu đỏ au của miếng cà chua cắt múi cau, màu xanh tươi non của đĩa rau, màu nâu của riêu cua và chả cá, màu trắng nõn nà của trứng cút luộc vừa bắt mắt vừa kích thích vị giác.

Bún chìa

Bún chìa Ban Mê (Ảnh – eatingwellsg)

Bún chìa, đặc sản nổi tiếng Buôn Ma Thuột, có vị khá giống bún bò Huế, song món ăn này không sử dụng thịt bò làm thành phần chính. Bún chìa có nước dùng thanh, đượm vị mắm ruốc, hấp dẫn bởi phần giò chìa thơm ngậy.

Bánh canh cá dầm

Bánh canh cá dầm (Ảnh – anhdoan92)

Bánh canh cá dầm là món ăn có tiếng với người dân ở Buôn Ma Thuột. Trời se lạnh, chỉ cần cho một thìa nước dùng vào miệng là bạn đã có cảm giác được sưởi ấm với vị cay the thé của món ăn. Cái ngon của bánh canh không chỉ nằm ở thứ nước dùng ngọt ngọt, chua chua, cay cay – hương vị rất đặc trưng yêu thích của miền Nam, mà nhiều người “mê mệt” món ăn này còn bởi độ chất của những khúc cá thu mềm, ngọt, thơm và không có một chút xương nào. Đặc biệt, dù bạn có dầm nát miếng cá thu hòa lẫn cùng nước dùng thì bát bánh canh cũng không bao giờ bị tanh nồng, trái lại còn thấy ngon hơn, thú vị hơn nhiều.

Bánh bột lọc Đạt Lý

Bánh bột lọc ở Đạt Lý (Ảnh – cungphuot.info)

Bánh bột lọc là một loại bánh được từ bằng bột sắn (phương ngữ miền Nam gọi là khoai mỳ) được lọc lấy tinh bột, sau đó được luộc một phần nhỏ bột, nhồi kỹ và làm bánh. Nhân bánh thường bằng tôm trộn với gia vị, có thể làm nhân bằng thịt heo nạc hay hỗn hợp tôm-thịt heo. Sau khi vắt thành bánh, bánh được gói bằng lá chuối (hoặc có thể không gói) và hấp cách thủy.

Dọc theo QL 14 cách Tp Buôn Ma Thuột khoảng 10km sẽ tới khu chợ trung tâm của Đạt Lý, một vùng đất nhiều truyến thống tại Đăk Lăk. Bất kỳ một người dân nào ở đây cũng có thể giới thiệu cho các bạn về món ăn nổi tiếng này. Bột sắn để làm bánh được mang về từ vùng núi A Lưới của Huế kết hợp với thịt heo và tôm tươi cùng cách pha chế đặc biệt của từng loại gia vị tạo nên chiếc bánh vừa dai, vừa mềm lại vừa dẻo.

Bò nhúng me

Bò nhúng me là món khá đặc biệt, khó tìm ở nơi khác ngoài Buôn Ma Thuột (Ảnh – cungphuot.info)

Là một món ăn lạ, đặc sắc của Tp Buôn Ma Thuột. Thịt bò kèm với nước sốt me được chuẩn bị trên một khay nóng trông hơi giống với món bò bít tết thường ăn ở Hà Nội. Vị chua chua, ngọt ngọt của nước me kèm miếng thịt bò thái mỏng, thêm vị thơm của tỏi phi sẽ khiến bạn ăn hoài không ngán. Món này ăn kèm bánh mì thì khỏi phải chê.

Bánh ướt thịt nướng

Bánh ướt thịt nướng (Ảnh – ntvvirus)

Dù là khách phương xa hay người dân bản xứ, dù là người Việt Nam hay du khách nước ngoài đã từng thưởng thức món Bánh ướt thịt nướng kiểu Ban Mê sẽ không thể quên cảm giác thú vị của món ăn tuy quen mà lạ này. Không giống bánh ướt thịt nướng được cuốn sẵn và ăn với tương đã được nấu lên của Huế mà món bánh ướt kiểu Ban Mê bạn sẽ phải tự mình “vật lộn” và xoay vần với từng miếng bánh trước khi được thưởng thức. Cái thú vị và cái tinh tế cũng từ đó!

Điều đặc biệt của bánh ướt Ban Mê chính là từng chiếc bánh ướt được tráng mỏng tang trên đĩa, mỗi dĩa chỉ là một miếng bánh ướt thơm ngon và được tráng ngay trước khi đem ra cho thực khách.

Bánh Khọt

Bánh khọt (Ảnh – vespa_khigia)

Cái tên bánh khọt xuất phát từ âm thanh “khọt khọt” vang lên khi chảo bánh bắt đầu sôi. Nhưng cũng có người cho rằng, ngày xưa những người dân nghèo khó không đủ tiền ăn cao lương mỹ vị nên mới chế biến ra loại bánh chỉ toàn bột chứ không có thịt cá gì. Người ta gọi nó là bánh khọt, theo tiếng Hán có nghĩa là nhọc nhằn, cơ cực.

Bánh khọt ở Y jut chỉ đơn giản là bánh trắng thêm chút lá hẹ và hành. Bột được đổ vào những chiếc chảo có đế khuôn hình tròn, cho chút mỡ lợn rồi phi hành và lá hẹ để tráng khuôn rồi đậy vung lại. Chừng vài phút khi bánh chín, bột trở nên trắng đục, lá hành và lá hẹ bám vào bánh tạo nên màu xanh, bên dưới là lớp cháy mỏng. Ăn bánh ta có cảm giác giòn giòn, thơm thơm.

Cơm tấm

Cơm tấm là món có thể dễ tìm thấy ở nhiều nơi (Ảnh – cungphuot.info)

Cơm tấm là món đặc sản của miền Nam Việt Nam, nó là một trong những món ăn sáng được ưa chuộng nhất của người miền Nam, nhất là Sài Gòn . Hiện nay loại cơm làm từ hột gạo bể này đã có mặt ở một số nơi thuộc miền Trung, miền Bắc trong đó có Buôn Ma Thuột.

Cơm gà

Cơm gà Buôn Ma Thuột (Ảnh – cungphuot.info)

Cơm gà là món ẩm thực quen thuộc của người Việt Nam ,nhưng ở Buôn Ma Thuột lại được chế biến một cách độc đáo và có nét đặc trưng riêng của vùng đất Tây Nguyên này . Cơm được chiên với mỡ gà nên ăn rất béo và dòn ,bên trong hạt cơm rất mềm ,có mùi thơm đặc trưng , gà mềm và dai ,ăn vào có hương vị béo không làm cho người dùng cảm giác gây ngán.

Bánh bèo chén

Bánh bèo chén ở Buôn Ma Thuột (Ảnh – pjnk0412)

Được chế biến với bí quyết riêng, món bánh bèo chén ở đây đã mê hoặc không biết bao nhiêu thực khách gần xa. Không giống như những nơi khác, bánh bèo khay ở đây còn được ăn kèm với chả nem và nước chấm, vì vậy đã tạo nên một hương vị riêng biệt cho món bánh bèo khay và sẽ rất khó có thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào trên mảnh đất Buôn Ma Thuột.

Rau tập tàng

Món rau tập tàng có thể dễ dàng tìm thấy trong các nhà hàng, quán ăn ở Buôn Ma Thuột (Ảnh – red_wallflower12)

Rau tập tàng là cách gọi tổng hợp các loại rau hoang dã thường mọc ở các khu vườn. Rau tập tàng có quanh năm nhưng ngon nhất là mùa mưa. Bởi, mùa mưa rau phát triển rất mạnh và tươi, nấu canh ăn ngon hết ý. Trong hầu hết các nhà hàng, quán ăn ở Buôn Ma Thuột các bạn đều có thể thấy món canh rau tập tàng trong thực đơn như : Rau tập tàng nấu cua, rau tập tàng nấu tôm …

Đặc sản Buôn Ma Thuột làm quà

Rượu A Ma Công

Được ngâm từ thang thuốc  gồm lá và thân rễ cây Trơng, một loài cây mọc trong rừng sâu Buôn Đôn. Do nó có một công dụng rất tế nhị và được báo chí nhắc đến rất nhiều nên được nhiều người biết đến tìm mua như một đặc sản, một món quà quý mang đậm chất Bản Đôn. Rượu lấy theo tên A Ma Công là một huyền thoại sống của vùng Bản Đôn, đến năm 2007 ông khoảng 90 tuổi đang còn khỏe mạnh. Ông là cháu 3 đời của vua voi Khun Ju Nop, bản thân ông cũng là một Gru kỳ cựu, trong đời đã săn được trên 100 con voi.

Cà phê Đắk Lắk

Cà phê là đặc sản không thể bỏ lỡ khi đến Đắk Lắk (Ảnh – cungphuot.info)

Cà phê là một trong những nét văn hóa đặc trưng nhất của Đắk Lắk. Bởi vậy, nó đã trở thành thứ đặc sản quý giá của vùng đất này. Những li cà phê đen, đặc quánh, ấm nóng trong một không gian đậm chất núi rừng Tây Nguyên đã gắn liền với tâm tưởng của mỗi người khi nói đến Đắk Lắk. Vì thế mà cho đến nay, ở Đắk Lắk đã có hàng trăm quán cà phê lớn nhỏ mọc lên nhằm phục vụ nhu cầu thưởng thức cà phê cho tất cả mọi người. Nhiều vấn đề liên quan đến cà phê đã trở thành bản sắc văn hóa của nơi đây, đặc trưng nhất là văn hóa mời đi uống cà phê. Không những thế, cà phê chồn còn là một huyền thoại tạo nên một sức hấp dẫn kì lạ đối với người dân Tây Nguyên nói chung và người dân Đắk Lắk nói riêng.

Bơ sáp Đắk Lắk

Bơ sáp ở Đắk Lắk (Ảnh – cungphuot.info)

Bơ là trái cây nhiệt đới có nguồn gốc từ Mexico. Nhờ ăn ngon và bổ nên nó đã được trồng và canh tác ở nhiều nơi trên trái đất, đặc biệt là Indonesia, Philippne, và Brazil. Ở Việt Nam ,bơ được trồng ở nhiều nơi trong cả nước nhưng nổi tiếng nhất vẩn là bơ sáp Tây Nguyên.Có thể Bơ ở đây phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng đất đỏ bazan nên Bơ Tây Nguyên sớm trở thành món đặc sản vùng miền của vùng đất Cao Nguyên này .

Ngon nhất là giống bơ sáp được trồng ở Đắk Lắk , quả bơ to bên trong là lớp cùi bơ dầy dặn, vàng ươm, dẻo quánh.Nếu là lần đầu tiên thưởng thức, mới nếm thử bạn sẽ cảm thấy hình như bơ hơi nhạt. Nhưng rồi ngay sau đó, vị ngầy ngậy, thơm mát từ miếng bơ mềm lừ khiến bạn thấy thật ngon miệng. Chính cái vị thanh nhẹ, mát lành đó đã hấp dẫn người ăn, khiến người ta đâm “nghiện” thứ trái cây mộc mạc này.

Thịt nai khô

Thịt nai khô giờ dường như rất khó tìm (Ảnh – ngockhanhhaa)

Thịt nai giờ trở thành món đặc sản chủ yếu của vùng rừng núi Tây Nguyên, đặc biệt là ở Đắk Lắk vì vùng Tây Bắc giờ rất khó kiếm được. Thịt nai tươi khác thịt bò ở chỗ ít gân, mỡ màu trắng ngà, mềm hơn cả thịt bê non. Nai khô có thể là đầu bảng trong các món nai. Nai khô không béo ngậy như nai nướng vì cách thức và nguyên liệu tẩm ướp khác nhau nên miếng nai khô ngọt lịm.

Một số lịch trình du lịch Buôn Ma Thuột

Đến với Buôn Ma Thuột để thưởng thức ẩm thực, khám phá văn hóa của người dân Tây Nguyên (Ảnh – lam_luuduc)

Sài Gòn – Buôn Ma Thuột – Kon Tum

Lịch trình này dành cho các bạn sử dụng phương tiện cá nhân, di chuyển từ Sài Gòn đi Buôn Ma Thuột bằng đường bộ.

Ngày 1: Sài Gòn – Buôn Ma Thuột

Từ Sài Gòn các bạn đi theo hướng Đồng Xoài (Bình Phước) rồi theo QL14 để đi Buôn Ma Thuột, trên đường đi có thể tham quan một số địa điểm du lịch ngay trên đường. Tới Đắk Lắk tham quan cụm thác Dray Nur, Dray Sap rồi về lại trung tâm thành phố nhận phòng khách sạn nghỉ ngơi, đừng quên đặt phòng tại khách sạn Buôn Ma Thuột trước. Tối có thể ghé làng cà phê Trung Nguyên, lang thang thưởng thức ẩm thực Buôn Ma Thuột.

Ngày 2: Buôn Ma Thuột – Pleiku

Từ Buôn Ma Thuột khởi hành đi Buôn Đôn, đến đây tham quan hệ thống cầu treo bắc qua sông Serepok, nhà cổ Lào, nghe kể về quá trình săn bắt và thuần dưỡng voi. Thưởng thức đặc sản gà nướng bản đôn và cơm lam tại đây.

Chiều khởi hành đi Pleiku, nhận phòng khách sạn và nghỉ ngơi. Tối tự do khám phá phố núi, thưởng thức các món ăn ngon của Pleiku.

Ngày 3: Khám phá Pleiku

Đi tham quan nhà máy thủy điện Yaly, một công trình thủy điện hùng vĩ giữa núi rừng Tây Nguyên. Ghé thăm Biển Hồ, chùa Minh Thành nổi tiếng Kon Tum.

Quay trở lại Thành phố Buôn Ma Thuột, đến với buôn Cô Thôn, một trong những buôn làng bình yên giữa lòng thành phố.

Tối tiếp tục ngủ ở Buôn Ma Thuột

Ngày 4: Buôn Ma Thuột – Sài Gòn

Sáng dậy ăn sáng, uống cafe rồi ghé thăm bảo tàng Đắk Lắk, biệt điện Bảo Đại để tìm hiểu về văn hóa người dân bản địa.

Khởi hành trở lại Sài Gòn kết thúc hành trình

Hà Nội – Buôn Ma Thuột 4 ngày 3 đêm

Lịch trình này dành cho các bạn từ Hà Nội bay vào Buôn Ma Thuột để khám phá vùng đất Tây Nguyên.

Ngày 0: Hà Nội – Buôn Ma Thuột

Từ Hà Nội bắt các chuyến bay đi Buôn Ma Thuột, về trung tâm thành phố nghỉ ngơi. Nếu bay các chuyến bay chiều hoặc tối thì sau khi nhận phòng chỉ đi loanh quanh thôi, dành sức cho hôm sau nhé.

Ngày 1: Buôn Ma Thuột – Buôn Đôn

Tùy vào đoàn của mình các bạn có thể đi taxi hoặc thuê xe máy ở Buôn Ma Thuột để làm phương tiện di chuyển.

Đến Buôn Đôn tham quan du lịch quanh buôn, đi bộ trên mạng lưới cầu treo bắc qua sông Serepok, nhà sàn cổ người Lào, khu nhà mồ người Ê Đê, thăm mộ và nghe kể chuyện về vua săn voi.

Ăn trưa thưởng thức đặc sản Buôn Đôn như gà nướng, cá sông, cơm lam

Chiều quay lại Buôn Ma Thuột tham quan bảo tàng dân tộc Đắk Lắk. Tối dạo phố và thưởng thức cafe

Ngày 2: Buôn Ma Thuột – thác Dray Nur – Dray Sap – Gia Long

Sáng khởi hành đi tham quan cụm thác này, quãng đường khoảng 40km. Có thể mang theo đồ ăn trưa để nghỉ ngơi tại một trong 3 điểm thác.

Chiều quay lại thành phố, ghé thăm Buôn Akô D’hông, chùa Sắc Tứ Khải Đoan

Ngày 3: Buôn Ma Thuột – Hồ Lắk – Buôn Jun

Từ Buôn Ma Thuột di chuyển khoảng 6km để tới Hồ Lắk, ghé thăm buôn Jun nằm ngay cạnh hồ, nơi vẫn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa của người dân ở đây.

Tối có thể ngủ một đêm tại các homestay hồ Lắk.

Ngày 4: Quay về Hà Nội

Sáng ngày 4 từ hồ Lắk quay trở lại Buôn Ma Thuột, tùy vào thời gian chuyến bay mà các bạn có thể đi loanh quanh trong thành phố hoặc ra sân bay về lại Hà Nội.

Hà Nội – Buôn Ma Thuột – Đà Lạt

Với lịch trình này, các bạn đặt vé chiều đi tới Buôn Ma Thuột và đặt vé từ Đà Lạt về lại Hà Nội. Nếu khởi hành từ Sài Gòn thì sau khi qua Đà Lạt các bạn đi từ Đà Lạt về lại Sài Gòn.

Ngày 0: Hà Nội – Buôn Ma Thuột

Từ Hà Nội bắt các chuyến bay đi Buôn Ma Thuột, về trung tâm thành phố nghỉ ngơi. Nếu bay các chuyến bay chiều hoặc tối thì sau khi nhận phòng chỉ đi loanh quanh thôi, dành sức cho hôm sau nhé.

Ngày 1: Buôn Ma Thuột – Buôn Đôn

Tùy vào đoàn của mình các bạn có thể đi taxi hoặc thuê xe máy ở Buôn Ma Thuột để làm phương tiện di chuyển.

Đến Buôn Đôn tham quan du lịch quanh buôn, đi bộ trên mạng lưới cầu treo bắc qua sông Serepok, nhà sàn cổ người Lào, khu nhà mồ người Ê Đê, thăm mộ và nghe kể chuyện về vua săn voi.

Ăn trưa thưởng thức đặc sản Buôn Đôn như gà nướng, cá sông, cơm lam

Chiều quay lại Buôn Ma Thuột tham quan bảo tàng dân tộc Đắk Lắk. Tối dạo phố và thưởng thức cafe

Ngày 2: Buôn Ma Thuột – thác Dray Nur – Dray Sap – Gia Long

Sáng khởi hành đi tham quan cụm thác này, quãng đường khoảng 40km. Có thể mang theo đồ ăn trưa để nghỉ ngơi tại một trong 3 điểm thác.

Chiều quay lại thành phố, ghé thăm Buôn Akô D’hông, chùa Sắc Tứ Khải Đoan

Ngày 3: Buôn Ma Thuột – Hồ Lắk – Buôn Jun

Từ Buôn Ma Thuột di chuyển khoảng 6km để tới Hồ Lắk, ghé thăm buôn Jun nằm ngay cạnh hồ, nơi vẫn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa của người dân ở đây.

Tối có thể ngủ một đêm tại các homestay hồ Lắk.

Ngày 4: Hồ Lắk – Đà Lạt

Từ Hồ Lắk đi Đà Lạt vào khoảng 150km, các bạn có thể đi bằng xe khách hoặc nếu đi gia đình có thể thuê trọn gói 1 chuyến xe 1 chiều.

Ngày 5++

Tùy vào thời gian rảnh mà các bạn có thể khám phá Đà Lạt thêm 2-3 ngày trước khi về lại Hà Nội

Tìm trên Google:

  • kinh nghiệm du lịch Buôn Ma Thuột 2024
  • du lịch Buôn Ma Thuột tháng 11
  • tháng 11 Buôn Ma Thuột có gì đẹp
  • review Buôn Ma Thuột
  • hướng dẫn đi Buôn Ma Thuột tự túc
  • ăn gì ở Buôn Ma Thuột
  • phượt Buôn Ma Thuột bằng xe máy
  • Buôn Ma Thuột ở đâu
  • đường đi tới Buôn Ma Thuột
  • chơi gì ở Buôn Ma Thuột
  • đi Buôn Ma Thuột mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp Buôn Ma Thuột
  • homestay giá rẻ Buôn Ma Thuột

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đánh giá

Đã có 32 bình chọn và điểm trung bình là 4.7

Chưa có đánh giá nào

Từ khóa » Bản đồ Du Lịch Thành Phố Buôn Ma Thuột