Kinh Nghiệm Du Lịch Đền Hùng, Phú Thọ (Cập Nhật 08/2022)
Có thể bạn quan tâm
Mới cập nhật
- Mộc Châu
Thơ mộng bản Áng, hồ rừng thông Đông Sang
- Lai Châu
Kinh nghiệm du lịch Lai Châu
- Thừa Thiên Huế
Nét thu trong rừng ngập mặn Rú Chá
- Mù Cang Chải
Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Chế Tạo, Mù Cang Chải
- Ninh Bình
Đến Tràng An check-in ở ‘ngôi làng thổ dân’ tại phim trường Kong Skull Island
- Đà Lạt
Các món ăn ngon ở Đà Lạt
- Lâm Đồng
Kinh nghiệm du lịch Lâm Đồng
- Malaysia
George Town, cứ giơ máy lên là có ảnh đẹp
- Bắc Giang
Kinh nghiệm du lịch Bắc Giang
- Hà Giang
Đến Xín Mần dạo bước trên thảo nguyên Suôi Thầu
Kinh nghiệm du lịch Đền Hùng, Phú Thọ
🏠︎ › Phú Thọ › Kinh nghiệm du lịch Đền Hùng, Phú Thọ Kinh nghiệm du lịch Đền Hùng, Phú Thọ (Cập nhật 12/2024) ✉︎ CPI - ⏱︎ Cập nhật lần cuối: 21 tháng 11 năm 2024Cùng Phượt – Khu Di tích lịch sử Đền Hùng nằm trên ngọn núi Nghĩa Lĩnh (hay còn gọi là núi Hùng), là mảnh đất địa linh, nơi hội tụ hồn thiêng sông núi, nơi thờ tự các Vua Hùng đã có công dựng nước – Tổ tiên thiêng liêng của dân tộc Việt. Vào các dịp đầu năm mới và đặc biệt vào dịp Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 âm lịch, nơi đây lại đón hàng triệu người con Đất Việt tới du lịch Đền Hùng, hành hương về với cội nguồn, dâng hương cầu bình an, sức khỏe và thành kính tri ân công đức của các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
- Một số lịch trình du lịch Đông Bắc
- 13 món đặc sản ở đất Đền Hùng, Phú Thọ
- Xe khách đi Phú Thọ
- Kinh nghiệm du lịch Phú Thọ
- Hồ Ly – điểm ‘sống ảo’ mới tuyệt đẹp của giới trẻ
- Kinh nghiệm du lịch Xuân Sơn, Phú Thọ
- Cây lộc vừng di sản ở Phú Thọ trải thảm hoa đỏ dưới gốc
©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả minh.minhle, Chi Thùy Nguyễn, hoanghung_july91, temo mushi, huongjuly88, hoaiminhdo, Bùi Thụy Đào Nguyên, FB Đền Hùng – Cội nguồn dân tộc Việt Nam, Việt Nam Di tích, Nguyễn Ngọc Tuấn, Tạ Ngọc Dũng, Tuan Le, Hùng Vũ Mạnh, Đăng Định, superLeo, Tuấn Dung Pin, Huy Thiệp Đỗ, Thùy Lã, Ngocan Nguyen, Tường Cát, Hong Lieu Chu, Du Già, Bùi Công Tuấn, Nguyễn Hải Yến, Lương Thị Hải Yến, Hoa Hoa, Ha Nguyễn, Khánh Huyền, Anh Tuyet Do, dieulinhh.ndl nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.
Giới thiệu chung về Đền Hùng
Mục lục
- 1 Giới thiệu chung về Đền Hùng
- 2 Đi du lịch Đền Hùng vào thời gian nào?
- 3 Hướng dẫn đi tới Đền Hùng
- 3.1 Phương tiện cá nhân
- 3.2 Phương tiện công cộng
- 3.2.1 Đường sắt
- 3.2.2 Đường bộ
- 3.3 Đi lại ở Đền Hùng
- 4 Lưu trú khi du lịch Đền Hùng
- 5 Các địa điểm tham quan khi đến Đền Hùng
- 5.1 Cổng đền
- 5.2 Đền Hạ
- 5.2.1 Nhà bia
- 5.2.2 Chùa Thiên Quang
- 5.3 Đền Trung (Hùng Vương Tổ miếu)
- 5.4 Đền Thượng
- 5.5 Lăng Hùng Vương
- 5.6 Đền Giếng (Ngọc Tỉnh)
- 5.7 Đền Tổ mẫu Âu Cơ
- 5.8 Bảo tàng Hùng Vương
- 5.9 Các địa điểm khác ở Việt Trì
- 5.9.1 Đền Quốc Tổ Lạc Long Quân
- 5.9.2 Thiên cổ miếu
- 5.9.3 Đền Tam Giang – Chùa Đại Bi
- 5.9.4 Làng cổ Hùng Lô
- 5.9.5 Đình Hùng Lô
- 5.9.6 Chùa Cát Tường
- 6 Ăn gì khi du lịch Đền Hùng
- 6.1 Bánh tai Phú Thọ
- 6.2 Thịt chua Thanh Sơn
- 6.3 Cọ ỏm
- 6.4 Bánh làng Dòng
- 6.5 Bánh sắn
- 6.6 Đặc sản Phú Thọ mua về làm quà
- 6.6.1 Tương Dục Mỹ
- 6.6.2 Bưởi Đoan Hùng
- 6.6.3 Hồng Gia Thanh
- 6.6.4 Chè Phú Thọ
- 7 Một số lưu ý khi du lịch Đền Hùng
- 8 Lịch trình du lịch Đền Hùng
- 8.1 Hà Nội – Đền Hùng 1 ngày
- 8.2 Các tuyến khám phá Đền Hùng
Dù ai đi ngược về xuôi; Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba (Ảnh – Chi Thùy Nguyễn) |
Khu Di tích lịch sử Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đây là nơi thờ các vua Hùng có công dựng nước, Tổ Tiên của dân tộc Việt Nam. Ngày xa xưa vùng đất này là khu vực trung tâm của nước Văn Lang, nằm giữa hai dòng sông giống như hai dãy hào thiên nhiên khổng lồ bao bọc lấy cố đô xưa của các vua Hùng. Phía đông với các dãy núi non trung điệp. Vùng đất này có nhiều sông ngòi ao hồ, đồi núi, lại có những cánh đồng màu mỡ phì nhiêu do phù xa của ba con sông bồi đắp, vừa thuận lợi cho cuộc sống định canh định cư, vừa thuận lợi cho việc phòng thủ hay rút lui khi xảy ra các cuộc xung đột bộ lạc.
Hiện nay dấu vết cư trú của dân cư thời đại các vua Hùng còn để lại trong hàng chục di chỉ khảo cổ học, được phân bố dày đặc từ huyện Lâm Thao tới ngã ba Bạch Hạc – Việt Trì. Những di chỉ khảo cổ học đo là minh chứng một thời đại, với nghề luyện kim đồng thau và trồng lúa nước của một nền văn minh nông nghiệp, đã từng tồn tại trược công nguyên hàng nghìn năm.
Đền Hùng là trung tâm, là tiêu điểm về thời đại các vua Hùng, các ngôi đền thờ vua Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh (còn gọi là núi Cả theo địa phương hay các tên khác: núi Hùng, núi Hy Cương), có độ cao 175 mét so với mặt nước biển. Trước kia khu vực này là cánh rừng già nhiệt đới. Ngày nay núi Hùng vẫn giữ dáng vẻ của rừng tự nhiên với nhiều thế hệ cây tầng khác nhau, gồm 150 loài thảo mộc, thuộc 35 họ, trong đó còn lại một số cây đại thụ lớn như: đa, thông, thiên tuế, trò v.v…
Núi Hùng trông xa giống như đầu của một con rồng lớn hướng về Nam, mình rồng uốn lượn thành núi Trọc, núi Vặn, núi Pheo. Phía sau núi Hùng có những quả đồi lớn san sát nối liền dài tới 10km giống như đàn voi chầu về Đất Tổ, phía trước là ngã ba Bạch Hạc với sự hợp lưu của ba dòng sông lớn nhất miền Bắc: sông Hồng, sông Lô, sông Đà tạo ra một vùng nước lớn mênh mông, từ đó có những quả đồi thấp lô nhô giống như một đàn rùa nước bò lên trầu về Nghĩa Lĩnh. Phía Đông xa mờ là dãy Tam Đảo trùng điệp (núi mẹ), xa về phía nam là dãy Ba Vì cao ngất (núi cha) tụ lại. Sát núi Hùng còn có những quả đồi như phượng cặp như (Tiên Kiên), hổ phục (Khang Phụ – Chu Hoá). Cảnh thế ngoạn mục hùng vĩ, đất đầy khí thiêng của sơn thuỷ tụ hội. Đứng trên đỉnh cao Nghĩa Lĩnh ta có thể bao quát toàn bộ một vùng rộng lớn với cảnh đẹp của sơn thuỷ hữu tình. Tương truyền vua Hùng đã đi khắp mọi miền, về đây chọn làm đất đóng đô.
Đi du lịch Đền Hùng vào thời gian nào?
Nếu muốn đến Đền Hùng vào dịp lễ Giỗ Tổ, các bạn cần nhớ là dịp này rất rất đông (Ảnh – hoanghung_july91) |
Về cơ bản, đầu năm là thời điểm phù hợp để đi lễ đền, chùa ngoài miền Bắc. Thời tiết dịp đầu năm cũng thường mát mẻ, pha chút lạnh nên đi sẽ không quá mệt mỏi. Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm được tổ chức vào ngày 10/3 (Âm lịch), đây là dịp phù hợp để đến Phú Thọ tham quan Đền Hùng. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là lượng khách du lịch đổ về đây trong những ngày Giỗ Tổ vô cùng lớn, nếu ở xa đến Phú Thọ, các bạn cần lưu ý đặt phòng trước thật sớm bởi càng sát ngày thì việc tìm phòng càng khó khăn hơn rất nhiều.
Hướng dẫn đi tới Đền Hùng
Phương tiện cá nhân
Các bạn có thể đi từ Hà Nội theo quốc lộ 32C qua cầu Trung Hà, đến cầu Phong Châu, đi khoảng hơn 20 km là tới Đền Hùng. Ngoài ra cũng có thể đi theo quốc lộ 2 qua Vĩnh Phúc, qua cầu Hạc Trì đến trung tâm thành phố, di chuyển khoảng gần chục cây số tới ngã ba Đền Hùng, rẽ trái khoảng 3km là đến với Đền Hùng. Hoặc phương án khác có thể đi từ Hà Nội, qua cao tốc Nội Bài – Lào Cai, tại nút giao Phù Ninh, rẽ phải lên cầu vượt để ra khỏi đường cao tốc, rẽ trái khoảng 2 – 3 km sẽ đến đường rẽ vào Đền Hùng ngay.
Phương tiện công cộng
Đường sắt
Ga Tiên Yên, Lâm Thao (Ảnh – temo mushi) |
Nếu đi Đền Hùng các bạn có 2 lựa chọn. Xuống ga Việt Trì rồi đi bộ ra đường Hùng Vương để bắt xe buýt số 19, tuyến buýt này sẽ đi ngang qua gần Đền Hùng. Xuống ga Tiên Kiên (Lâm Thao) rồi đi xe ôm hoặc taxi vào Đền Hùng (từ đây vào đền Hùng còn khoảng 4km).
Từ ga Hà Nội có 2 chuyến tàu có dừng ở ga Việt Trì là tàu YB3 và tàu SP3. Tàu YB3 xuất phát từ Hà Nội lúc 6h10 và đến Việt Trì lúc 8h20. Tàu SP3 xuất phát từ Hà Nội lúc 22h và có mặt ở Việt Trì lúc 23h50. Dừng ở ga Tiên Kiên chỉ có tàu YB3 lúc 8h55.
Đường bộ
Từ Bến xe Mỹ Đình hàng ngày có rất nhiều các tuyến xe đi tới các huyện của Phú Thọ, các bạn có thể thoải mái lựa chọn nhà xe phù hợp với lịch trình của mình. Nếu muốn đi Đền Hùng bằng xe khách, các bạn chỉ cần lựa chọn các nhà xe có lộ trình đi Thị xã Phú Thọ, các xe này sẽ đi ngang qua cửa Đền Hùng.
Xem thêm bài viết: Các tuyến xe chất lượng cao đi Phú Thọ (Cập nhật 12/2024)
Đi lại ở Đền Hùng
Xe điện phục vụ du khách tại trung tâm lễ hội Đền Hùng (Ảnh – huongjuly88)
Khu di tích Đền Hùng có sẵn dịch vụ vận chuyển bằng xe điện từ các bãi xe đến cổng Đền Hùng và các địa điểm khác trong quần thể. Giá dịch vụ khá hợp lý, nếu đi đông người các bạn cũng có thể thuê nguyên chuyến xe để chủ động hơn trong việc di chuyển.
Lưu trú khi du lịch Đền Hùng
Thường thì với Đền Hùng, du khách thường chỉ đi trong ngày rồi về luôn. Trong trường hợp các bạn ở những địa phương tương đối xa với Phú Thọ, hoặc muốn lên Đền Hùng từ tối hôm trước ngủ lại thì các bạn có thể lựa chọn những khách sạn nhà nghỉ tại khu vực Thành phố Việt Trì. Trong thành phố có đầy đủ các loại hình lưu trú cơ bản đáp ứng được nhu cầu của du khách.
Xem thêm bài viết: Hệ thống cơ sở lưu trú ở Phú Thọ (Cập nhật 12/2024)
Các địa điểm tham quan khi đến Đền Hùng
Cổng đền
Cổng vào Đền Hùng (Ảnh – hoaiminhdo)
Được xây dựng vào năm Khải Định thứ 2 (1917). Cổng xây kiểu vòm cuốn cao 8,5m, hai tầng 8 mái, lợp giả ngói ống. Tầng dưới có một cửa vòm cuốn lớn, đầu cột trụ cổng tầng trên có cửa vòm nhỏ hơn, 4 góc tầng mái trang trí Rồng, đắp nổi hai con Nghê. Giữa cột trụ và cổng đắp nổi phù điêu hai võ sỹ, một người cầm giáo, một người cầm rìu chiến, mặc áo giáp, ngực trang trí hổ phù. Giữa tầng một có đề bức đại tự: “Cao sơn cảnh hành” (lên núi cao nhìn xa rộng). Còn có người dịch là “Cao sơn cảnh hạnh” (Đức lớn như núi cao). Mặt sau cổng đắp hai con hổ là hiện thân vật canh giữ thần.
Đền Hạ
Đền Hạ trong quần thể di tích Đền Hùng (Ảnh – Bùi Thụy Đào Nguyên)
Tương truyền nơi đây, Mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con trai, nguồn gốc “đồng bào” (cùng bọc) được bắt nguồn từ đây. Dấu tích giếng “Mắt Rồng” là nơi mẹ Âu Cơ ấp trứng nay vẫn còn ở phía sau đền.
Đền Hạ được xây dựng lại trên nền đất cũ vào thế kỷ XVII – XVIII. Kiến trúc kiểu chữ “nhị” gồm hai toà tiền bái và hậu cung, mỗi toà ba gian, cách nhau 1,5m. Kiến trúc đơn sơ kèo cầu suốt, bẩy gối vào đầu kèo làm cho mái sau dài hơn mái trước. Đốc xây liền tường với đốc Hậu cung, hai bên đắp phù điêu, một bên voi, một bên ngựa. Bờ nóc phẳng, không trang trí mỹ thuật. Mái lợp ngói mũi, địa phương gọi là ngói mũi lợn.
Nhà bia
Nhà bia Đền Hạ (Ảnh – FB Đền Hùng – Cội nguồn dân tộc Việt Nam)
Ngay chân Đền Hạ là Nhà bia với kiến trúc hình lục giác, có 6 mái. Trên đỉnh có đắp hình nậm rượu, 6 mái được lợp bằng gạch bìa bên trong, bên ngoài láng xi măng, có 6 cột bằng gạch xây tròn, dưới chân có lan can. Trong nhà bia trước đây đặt tấm bia ghi lại việc tu sửa đường lên núi Hùng, hiện nay đặt bia đá, nội dung ghi lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Đền Hùng ngày 19/9/1945:
“Các Vua Hùng đã có công dựng nước Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”
Chùa Thiên Quang
Gần Đền Hạ có một ngôi chùa, xưa có tên là Sơn cảnh thừa long tự, sau đổi là Thiên quang thiền tự. Chùa được xây theo kiểu nội công ngoại quốc, gồm các nhà: tiền đường (5 gian), thiêu hương (2 gian), tam bảo (3 gian) ở phía trước, dãy hành lang, nhà Tổ ở phía sau. Các toà được làm theo kiểu cột trụ, quá giang gối đầu vào cột xây, kèo suốt. Mái chùa được lập ngói mũi, đầu đao cong. Bờ nóc tiền đường đắp lưỡng long chầu nguyệt. Chùa thờ Phật theo phái Đại thừa.
Trước cửa chùa có cây thiên tuế là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với cán bộ và chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong trước khi về tiếp quản thủ đô Hà Nội. Trước sân chùa có 2 tháp sư hình trụ 4 tầng. Trên nóc đắp hình hoa sen. Lòng tháp xây rỗng, cửa vòm nhỏ. Trong tháp có bát nhang và tấm bia đá khắc tên các vị hoà thượng đã tu hành và viên tịch tại chùa.
Chùa còn có một gác chuông được xây dựng vào thế kỷ XVII, gồm 3 gian, 2 tầng mái, 4 vì kèo cột kiểu chồng giường kết hợp với bẩy lẻ. Các bẩy lẻ hầu như để trơn không chạm trổ gì. Trên gác chuông có treo quả chuông, không ghi niên đại đúc chuông mà chỉ ghi: “Đại Việt quốc, Sơn Tây dạo Lâm Thao phủ, Sơn Vi huyện, Hy Cương xã, Cổ Tích thôn cư phụng”. Qua đó có thể đoán quả chuông được đúc thời Hậu Lê.
Đền Trung (Hùng Vương Tổ miếu)
Đền Trung (Ảnh – Việt Nam Di tích)
Tương truyền là nơi các Vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng du ngoạn ngắm cảnh thiên nhiên và họp bàn việc nước. Nơi đây vua Hùng thứ 6 đã nhường ngôi cho Lang Liêu – người con hiếu thảo vì đã có công làm ra bánh chưng, bánh dày.
Đền được xây theo kiểu hình chữ nhất, có 3 gian quay về hướng nam, dài 7,2m, rộng 3,7m. Mái hiên cao 1,8m, không có cột kèo, cầu quá giang gối vào tường, bít đốc tường hậu, phía trước mở 3 cửa.
Đền Thượng
Trên Đền Thượng (Ảnh – Nguyễn Ngọc Tuấn)
Đền Thượng được đặt trên đỉnh núi Hùng. Tương truyền rằng thời Hùng Vương, Vua Hùng thường lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh để tiến hành nghi lễ tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp thờ trời đất, thờ thần lúa, cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh. Tục truyền đây còn là nơi vua Hùng thứ 6 lập đàn cầu trời ban cho người tài ra giúp nước đánh giặc Ân. Sau khi Thánh Gióng đánh tan giặc và bay về trời, vua Hùng cho lập đền thờ vọng trên đỉnh núi, về sau, nhân dân đặt thêm bài vị vua Hùng vào thờ cúng. Đền Thượng có tên chữ là “Kính thiên lĩnh điện” (Điện cầu trời) còn có tên là “Cửu trùng tiên điện” (Điện giữa chín tầng mây). Trong Đền Thượng có bức đại tự đề “Nam Việt triệu tổ” (Tổ khai sáng nước Việt Nam). Đền được làm kiểu chữ Vương, kiến trúc đơn giản, kèo cầu, không có chạm trổ, được xây dựng qua bốn cấp khác nhau gồm: nhà chuông trống (cấp I), đại bái (cấp II), tiền tế (cấp III) và hậu cung (cấp IV).
Bên phía tay trái Đền có một cột đá thề, tương truyền do Thục Phán dựng lên khi được Vua Hùng thứ 18 truyền ngôi để thề nguyện bảo vệ non sông đất nước mà Hùng Vương trao lại và đời đời hương khói trông nom miếu vũ họ Vương. Cột đá cao 1,3m, rộng 0,3m, hình vuông. Đến năm 1968, Ty Văn hoá Vĩnh Phú tôn tạo lên bệ như hiện nay.
Lăng Hùng Vương
Lăng Hùng Vương (Ảnh – Tạ Ngọc Dũng)
Lăng Hùng Vương tương truyền là mộ của Vua Hùng thứ 6. Lăng mộ nằm ở phía đông Đền Thượng, có vị trí đầu đội sơn, chân đạp thủy, mặt quay theo hướng Đông Nam. Xưa là mộ đất, thời Tự Đức năm thứ 27 (1870) cho xây mộ dựng lăng. Thời Khải Định tháng 7 (1922) trùng tu lại. Lăng hình vuông, cột liền tường, có đao cong 8 góc, tạo thành 2 tầng mái. Tầng dưới 4 góc đắp 4 con rồng tư thế bò, tầng trên đắp rồng uốn ngược, đỉnh lăng đắp hình “quả ngọc” theo tích “cửu long tranh châu”. Mái đắp ngói ống, cổ diêm, 3 phía đều đắp mặt hổ phù. Ba mặt Tây, Đông, Nam đều có cửa vòm, 2 bên cửa đều đắp kỳ lân, xung quanh có tường bao quanh, trang trí hoa, chất liệu bằng đá. Trong lăng có mộ Vua Hùng. Mộ xây hình hộp chữ nhật dài 1,3m, rộng 1,8m, cao 1,0m. Mộ có mái mui luyện. Phía trong lăng có bia đá ghi: Biểu chính (lăng chính). Phía trên ba mặt lăng đều có đề: Hùng Vương lăng (Lăng Hùng Vương).
Đền Giếng (Ngọc Tỉnh)
Giếng Cổ ở khu di tích Đền Hùng (Ảnh – Tuan Le)
Tương truyền là nơi hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa (con gái của Vua Hùng thứ 18) thường soi gương, vấn tóc khi theo cha đi kinh lý qua vùng này. Hai bà có công dạy dân trồng lúa nước và trị thuỷ nên được nhân dân lập đền thờ phụng muôn đời. Đền được xây dựng vào thế kỷ XVIII, theo hướng Đông Nam, kiến trúc kiểu chữ công, gồm nhà tiền bái (3 gian), hậu cung (3 gian), 1 chuôi vồ và 2 nhà oản (4 gian), có phương đình nối tiền bái với hậu cung.
Cổng Đền Giếng được xây vào thế kỷ XVIII, kiểu dáng gần giống cổng chính nhưng nhỏ và thấp hơn. Cổng xây theo kiểu kiến trúc 2 tầng 8 mái. Tầng dưới, giữa có một cửa xây kiểu vòm, hai bên có hai cột trụ trên lắp nghê chầu. Tầng trên giữa cổng có bức đại tự đề: “Trung sơn tiểu thất” (ngôi miếu nhỏ trong núi). Hai bên có đề câu đối và tượng hai võ sỹ. Mặt sau cổng đắp hổ, mỗi con một bên.
Đền Tổ mẫu Âu Cơ
Đền Tổ Mẫu Âu Cơ (Ảnh – Hùng Vũ Mạnh)
Được bắt đầu xây dựng vào năm 2001 và khánh thành tháng 12/2004. Đền được xây dựng trên núi ốc Sơn (núi Vặn) theo kiến trúc truyền thống với cột, xà, hoành, dui bằng gỗ lim, mái được lợp bằng ngói mũi hài, tường bằng gạch bát. Đền chính có diện tích 137m2, làm theo kiểu chữ Đinh. Bên cạnh đền chính có nhà Tả vũ, nhà Hữu vũ, nhà Bia, Trụ biểu, Tứ trụ, cổng Tam quan, nhà tiếp khách và hoa viên.
Trong đền có tượng thờ Mẹ Âu Cơ và hai Lạc hầu, Lạc tướng. Đường đi lên đền được xây bằng 553 bậc đá Hải Lựu.
Bảo tàng Hùng Vương
Bảo tàng Hùng Vương ở khu di tích Đền Hùng (Ảnh – Đăng Định)
Bảo tàng Hùng Vương được khởi công xây dựng vào năm 1996 và được khánh thành đúng ngày khai hội Đền Hùng năm 2003. Với gần 700 hiện vật gốc trên tổng số hơn 4.000 hiện vật có trong Bảo tàng, 162 bức ảnh, 4 bức tranh gốm, 5 bức tranh sơn mài, 9 bức gò đồng, 5 hộp hình, một nhóm tượng lớn và nhiều hiện vật khác được trưng bày đã khắc hoạ chủ đề tổng quát: “Các Vua Hùng dựng nước Văn Lang trên mảnh đất Phong Châu lịch sử”.
Phần trưng bày của Bảo tàng Hùng Vương được tập trung vào 3 chủ đề chính:
- Giới thiệu giai đoạn văn hoá Hùng Vương bằng các hiện vật liên quan đến thời đại Hùng Vương tìm được trên đất Phú Thọ và Vĩnh Phúc.
- Giới thiệu việc hình thành khu di tích Đền Hùng và ý thức xây dựng khu di tích Đền Hùng của nhân dân cả nước.
- Tình cảm của nhân dân đối với Đền Hùng.
Đền Hùng vừa là thắng cảnh đẹp, vừa là một di tích lịch sử – văn hóa đặc biệt quan trọng đối với người Việt Nam. Về với Đền Hùng là về với cội nguồn dân tộc, để tự hào về dòng giống tiên rồng đang chảy trong huyết mạch của mỗi người dân Việt Nam.
Các địa điểm khác ở Việt Trì
Đền Quốc Tổ Lạc Long Quân
Đền thờ Lạc Long Quân được xây dựng trên núi Sim vào năm 2007 và khánh thành năm 2009 (Ảnh – superLeo)
Đền Quốc tổ Lạc Long Quân được xây dựng tại đồi Sim, cách núi Nghĩa Lĩnh khoảng 1 km, nơi có vị trí đắc địa, có thế “sơn chầu thuỷ tụ”. Đồi Sim có hình thế giống một con rùa lớn, hai bên có Thanh Long, Bạch Hổ, phía trước là hồ Hóc Trai và sông Hồng chảy xuôi về biển. Ngôi đền tọa lạc trên lưng rùa biểu hiện sự linh thiêng huyền diệu.
Đền chính có diện tích 210m², kiến trúc kiểu chữ đinh truyền thống, nội thất bằng gỗ lim, sơn son thếp vàng, mái lợp ngói mũi hài, nền lát gạch Bát Tràng, bó vỉa đá xanh. Hậu cung đặt tượng thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân dáng vẻ uy nghiêm. Tượng được đúc bằng đồng, nặng 1,5 tấn, cao 1,98m ở tư thế ngồi trên ngai, đặt trên bệ đá chạm khắc hoa văn theo mô típ văn hóa Đông Sơn. Hai bên là tượng Lạc hầu và Lạc tướng ở tư thế đứng có chiều cao 1,80m, mỗi pho nặng 0,5 tấn.
Cổng đền (nghi môn) cũng được xây dựng theo kiểu truyền thống, gồm có 4 cột, cổng chính rộng 4,2m, cổng phụ rộng khoảng 2m. Cổng được xây dựng bằng bê tông cốt thép, phía ngoài ốp đá xanh chạm họa tiết hoa văn 4 mặt. Phía trước nghi môn là cổng biểu tượng cũng có kết cấu cột bê tông cốt thép ốp đá và chạm khắc. Hai bên sân đền là nhà tả vu, hữu vu xây dựng 5 gian, khung gỗ lim, lợp ngói mũi hài. Hai trụ biểu đối xứng nhau cũng bằng bê tông cốt thép, phía ngoài ốp đá xanh. Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân được Nhà nước đầu tư xây dựng đồng bộ các hạng mục công trình kiến trúc, các họa tiết trang trí được mô phỏng theo hoa văn trên trống đồng Đông Sơn được cách điệu như: Hình ảnh người giã gạo, hình ảnh chim lạc… thể hiện sinh động, độc đáo mang nét kiến trúc đặc trưng riêng của ngôi đền tôn thêm sự uy nghiêm, linh thiêng.
Thiên cổ miếu
Thiên Cổ Miếu (Ảnh – Tuấn Dung Pin)
Nằm trong địa phận của kinh đô Văn Lang xưa, đền Thiên Cổ uy nghiêm ngự trên một quả đồi nhỏ thuộc thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đây là ngôi đền thờ vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang, người thầy giáo đầu tiên của dân tộc đã có công dạy dỗ hai công chúa Tiên Dung – Ngọc Hoa con vua Hùng Vương thứ 18.
Tương truyền, thầy giáo Vũ Thê Lang quê ở Mộ Trạch, Hải Dương cùng vợ là bà Nguyễn Thị Thục, quê ở Đông Ngàn, Kinh Bắc lên kinh đô Văn Lang dạy học từ thời Hùng Vương thứ 18. Hai người tạ thế cùng một giờ, một ngày mồng 2 tháng 2 năm Quý Dậu (năm 228 trước Công nguyên). Đến nay phần mộ của hai vợ chồng thầy cô vẫn còn được nhân dân giữ gìn và bảo vệ cẩn thận ở trong ngôi đền. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, ngôi đền vẫn được người dân thôn Hương Lan, xã Trưng Vương hết lòng bảo vệ.
Đền Tam Giang – Chùa Đại Bi
Đền Tam Giang và chùa Đại Bi (Ảnh- Huy Thiệp Đỗ)
Khu di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đền Tam Giang, chùa Đại Bi thuộc phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ngôi đền nằm bên tả ngạn nơi hợp lưu của ba dòng sông: sông Hồng, sông Lô, sông Đà mà xưa nay nhân dân vẫn quen gọi là ngã ba Hạc. Đây là một thắng cảnh đẹp của vùng đất Tổ, thu hút đông đảo du khách đến tham quan và lễ bái.
Khu di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đền Tam Giang, chùa Đại Bi là cụm di tích hoàn chỉnh, thống nhất, gồm có: đền Tam Giang, đền Mẫu, chùa Đại Bi, vết chân Thổ lệnh Cao quan Bạch Hạc Đại Vương, bến bơi chải, tượng đài Chiêu Văn Vương Tả Thánh Thái Sư Trần Nhật Duật và bức phù điêu 18 ngôi chùa tiêu biểu của Phật Giáo Việt Nam.
Đền Tam Giang thờ nhân vật lịch sử huyền thoại thời Hùng Vương dựng nước là thần Thổ Lệnh, ông là thần làng – thần sông Bạch Hạc đã có công chu du thiên hạ tìm phương thuốc quý chữa trị tật bệnh cho muôn dân, khi mất lại linh ứng giúp cho các tướng lĩnh đánh giặc ngoại xâm giữ nước. Chùa Đại Bi, ngôi chùa cổ do Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật và cháu gái là công chúa Thiên Thụy xây dựng từ đời Trần (năm 1328) đã có gần 700 năm tuổi.
Làng cổ Hùng Lô
Du khách nước ngoài rất thích đến làng cổ Hùng Lô (Ảnh – Thùy Lã)
Hùng Lô xưa là vùng đất trù phú, có lịch sử phát triển lâu đời. Đình Hùng Lô là quần thể di tích có giá trị văn hóa, lịch sử nổi bật trên vùng Đất Tổ, niên đại khoảng hơn 300 năm. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đình vẫn bảo tồn được nguyên vẹn giá trị kiến trúc, văn hóa, lịch sử: Ngôi miếu cổ, tòa Đại đình, Long đình, nhà Tiền tế, lầu chuông, lầu trống, nhà thờ Phật, bệ thờ thần nông, nhà Văn chỉ và nhà Yến lão.
Đình Hùng Lô
Đình Hùng Lô là nơi diễn ra nhiều các hoạt động văn hóa (Ảnh – Ngocan Nguyen)
Đình Hùng Lô, thuộc làng cổ Hùng Lô, nằm dọc ven sông Lô, cách Đền Hùng chừng 10km về phía Đông. Đình Hùng Lô được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1990. Tương truyền, đây là vùng đất thiêng, nơi Vua Hùng từng nghỉ chân trong một lần đi du ngoạn. Về sau, dân lập miếu thờ, đến đời Lê Hy Tông (1697), đình được xây dựng, hướng về núi Nghĩa Lĩnh…
Một điểm đặc sắc đáng lưu ý nữa, đình Hùng Lô rất nổi tiếng về truyền thống trong lễ hội rước kiệu Đền Hùng từ xưa đến nay. Năm Mậu Ngọ (1918), đình Hùng Lô đã được thưởng “Kỷ niệm Hùng Vương đệ nhất hội”; hiện nay, biển thưởng này vẫn được trang trọng lưu giữ trong đình. Vào dịp lễ hội Đền Hùng hằng năm, đến đình Hùng Lô, du khách sẽ được hòa mình trong lễ rước kiệu quy mô rất hoành tráng của trên 200 nam trung, đi đến đâu náo động cả một vùng đến đó. Cuộc rước sẽ đi từ đình làng đến Đền Hùng; trở về từ Đền Hùng, các lễ tế tại đình làng mới được tiến hành, sau cùng là thụ lễ tại nhà Yến lão.
Chùa Cát Tường
Chùa Cát Tường (Ảnh – Tường Cát)
Đền Tiên Cát và Chùa Cát Tường nằm bên bờ sông Hồng thuộc khu phố Anh Dũng, phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì. Đền Tiên thờ Mẫu Thần Long Hồng Đăng Ngạn- Hoàng Hậu nước Xích Quỷ, vợ vua Kinh Dương Vương, mẹ đẻ của Vua Lạc Long Quân. Người đã sát cánh cùng chồng trong buổi đầu dựng nước, trong việc dạy dỗ nhân dân và người đã được vua Kinh Dương Vương phong làm “Vi Cung Chính Khổn” thưởng cho cung Tiên Cát. Khi người mất nơi đây được chuyển thành Tiên Cát lăng được nhân dân trông nom gìn giữ suốt mấy nghìn năm.
Ăn gì khi du lịch Đền Hùng
Bánh tai Phú Thọ
Bánh tai, món đặc sản mảnh đất Phú Thọ (Ảnh – Hong Lieu Chu)
Bánh tai Phú Thọ hôm nay có từ thời xa xưa của làng Phú Thọ. Bánh tai có hình thù giống cái tai, là thứ bánh gạo tẻ, nhân thịt lợn, dễ làm bởi quy trình không mấy phức tạp, dụng cụ không cầu kỳ nhưng không phải ai cũng làm được.
Bánh tai Phú Thọ chủ yếu là thứ ăn sáng. Ra chợ phường (như chợ phường Hùng Vương hiện nay) định ăn bánh tai, ta phải tìm đến bà hàng không quán, bánh đựng trong thúng ủ kín. Ngon nhất là ăn tại chỗ, kiểu dân dã. Bánh tai vừa lấy ra còn hơi nóng, lót tay bằng mảnh lá chuối hoặc cầm tay không, từ từ ăn mới thấm hết cái đặc điểm và mùi vị của bánh: cảm giác dẻo mát, giòn, bùi, ngọt, béo, thơm hòa quyện trong từng miếng.
Thịt chua Thanh Sơn
Thịt chua Thanh Sơn, loại được đặt trong ống nứa (Ảnh – Du Già)
Vùng đất cổ Thanh Sơn (Phú Thọ) được nhắc đến với văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú mà chỉ mới nghe tên các món ăn mà ai nấy cũng đã xốn xang: “Lạ lùng rêu đá, đậm đà thịt chua”. Nhắc tới món thịt chua Thanh Sơn bạn sẽ nghĩ ngay đến mùi vị bùi bùi của thịt, sần sật của bì nướng hoà quyện với vị chua chua của vị thính đã lên men, vị chát ngọt của lá cây vô cùng dễ ăn giúp thay đổi khẩu vị, có thể dùng làm mồi trong các bữa nhậu rất đặc sắc và thơm ngon.
Nguyên liệu để chế biến món thịt chua gồm: thịt lợn mán, thính ngô, thính đỗ, các loại gia vị như: muối, đường, tỏi, ớt,… Quy trình làm thịt chua với rất nhiều công đoạn: thui cho lợn vàng đều, quay cho thịt lợn gần chín tới, những vùng thịt ngon nhất của con lợn như: thịt ba chỉ, thịt mông sấn, thịt nạc vai, nạc thăn sẽ được đem thái lát mỏng, ướp một chút muối gia vị, trộn đều với thính ngô, đỗ sao cho bột thính bám thật đều trên bề mặt các miếng thịt. Công đoạn tiếp theo là chuẩn bị những chiếc thau to rửa sạch, để khô, lót lá ổi, lá sung xuống dưới rồi cho thịt đã được ướp thính vào, đậy lớp lá ổi lên trên bề mặt và đậy chặt lại. Sau 5 – 7 ngày khi ăn miếng thịt khô, tơi, chua, ngọt, thơm ngậy vừa miệng là có thể dùng được. Người ta thường ăn thịt kèm với các loại lá như: lá sung, lá ổi, lá mơ, lá đinh lăng, rau thơm,… chấm kèm với tương ớt sẽ cảm nhận được hết hương vị vô cùng độc đáo, mới lạ mà món ăn đem lại.
Cọ ỏm
Món cọ ỏm ở Phú Thọ (Ảnh – Bùi Công Tuấn)
Cứ đến cữ tháng 9 cây cọ bắt đầu ra hoa và đến vài ba tháng sau thì cho quả. Quả cọ non thì chưa om được, phải đợi đến khi quả cọ già, da chuyển màu xanh sậm. Quả cọ rửa qua, cho vào nồi lưng lưng nước, đặt lên bếp, đun nhỏ lửa. Cái giống cọ không ưa to lửa, bởi nếu ai nóng ruột đun lửa to cho chóng chỉ có làm hỏng món cọ om mà thôi, bởi khi ấy cọ rất chát, lửa càng to thì cọ càng chát. Vậy nên khi đun nhỏ lửa, vị chát của cọ được “thôi” ra, cho đến khi thấy quả cọ mềm là được. Cọ om ăn bùi, ngậy không kém trám om. Cầu kỳ hơn, cọ om đem kho cá, nêm gia vị ăn cũng rất lạ.
Bánh làng Dòng
Bánh chưng làng Dòng (Ảnh – Nguyễn Hải Yến)
Làng Dòng (Xuân Lũng, Lâm Thao) nức danh khắp vùng trung du đất Tổ với nghề làm bánh truyền thống đã tồn tại hàng mấy trăm năm, vẫn đang được người dân nơi đây gìn giữ và phát triển. Các loại bánh của làng Dòng vừa ngon, vừa đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, luôn được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh yêu thích.
Bánh chưng được gói từ gạo nếp cái hoa vàng, dẻo thơm đậm đà hương vị; bánh nẳng được làm cầu kỳ từ gạo nếp với nước cốt các loại lá thơm, mầu đỏ đậm, có độ trong và dẻo, chấm với mật mía đem lại cho du khách cảm giác mát giọng, ngọt ngào; bánh gai dẻo mềm hương vị của lá gai, bùi béo của mứt sen trần, của lạc rang, của cùi dừa; bánh đúc giòn, đậm đà vị tương quê, thêm lạc rang bùi ngậy thơm nồng; bánh giày mịn màng, dẻo thơm, ngọt dịu…
Bánh sắn
Bánh sắn Phú Thọ (Ảnh – Lương Thị Hải Yến)
Đây là loại bánh dân dã đã để lại khá nhiều ấn tượng mới lạ, sâu sắc cho du khách thập phương mỗi khi ghé thăm quê hương Phú Thọ. Món ăn không chỉ thơm bùi của vị sắn nếp đặc sản nơi đây mà còn béo ngậy quyến rũ lòng người.
Để làm ra những chiếc bánh ngon, trước tiên phải chọn được nguyên liệu tốt đó là loại sắn nếp củ trắng, thân mập có nhiều bột, vị ngọt thơm, khi luộc sắn bở tung trắng xốp. Cách làm loại bánh này khá đơn giản: Sắn bóc vỏ, rửa sạch, lọc bỏ xơ dùng bàn mài sắn thành bột đánh nhuyễn. Vắt lấy bã còn nước để lắng gạn lấy tinh bột rồi nhào bã cùng tinh bột cho mịn nhuyễn, nắn thành từng chiếc bánh nhỏ xinh. Nhân bánh gồm: Thịt mỡ, hành tươi, đỗ xanh bỏ vỏ nấu chín. Phi hành mỡ thơm cùng đỗ xanh, thịt mỡ nêm gia vị cho vừa để làm nhân bánh. Bột sắn nặn thành những chiếc bánh xinh xinh hình tròn hoặc khum dẹt, dùng lá chuối bọc bên ngoài từng chiếc bánh để khi xôi bánh không bị dính vào nhau. Lần lượt xếp bánh vào nồi đồ xôi. Đun nồi xôi nhỏ vừa để bánh chín đều. Sau 40 phút bánh sẽ lên mùi thơm ngậy của sắn nếp và nhân đậu thịt. Khi bóc chiếc bánh, bên ngoài có màu xanh nhạt từ màu xanh của lá chuối, bên trong bánh có màu trắng và ở giữa là nhân.
Đặc sản Phú Thọ mua về làm quà
Tương Dục Mỹ
Làng nghề tương Dục Mỹ (Ảnh – Hoa Hoa)
Mùi thơm hấp dẫn, vị đậm ngọt, béo ngậy và màu vàng sánh của tương Dục Mỹ khiến cho những ai từng thưởng thức sẽ không quên được hương vị tương quê đặc biệt nơi đây
Những nguyên liệu để tạo nên tương Dục Mỹ là gạo nếp, đậu tương, muối và nước. Tuy quy trình làm tương nơi đây không có gì khác so với quy trình làm tương truyền thống: phơi mốc, ủ mốc, lên men…nhưng có lẽ chính do nguồn nước ngọt được lấy từ độ sâu hàng trăm mét dưới lớp đá ong dày đã tạo nên mùi vị đặc biệt cho loại tương này.
Bưởi Đoan Hùng
Bưởi Đoan Hùng là đặc sản của Phú Thọ, nhưng để tìm được đúng loại bưởi loại 1 cũng rất khó vì số lượng không nhiều (Ảnh – Ha Nguyễn)
Bưởi Đoan Hùng là giống bưởi đặc sản nổi tiếng tại Phú Thọ và khắp miền Bắc. Loại trái cây đặc biệt này được trồng tại vùng đất Đoan Hùng, xưa còn gọi là “bưởi Phủ Đoan”, là loại cây trồng lâu năm, có quả hình cầu dẹt, nặng chưa đầy 1 kg, khi quả chín màu vàng sáng, tép nhỏ, vỏ héo, mềm, đặc trưng mọng nước, ngọt và mát. Món ẩm thực đất Tổ này còn quý ở chỗ có thể bảo quản được vài tháng đến nửa năm, ngay cả khi vỏ đã héo khô, khi bổ ra ăn vẫn ngọt, thơm mát, vẫn giữ nguyên hương vị.
Tại Đoan Hùng hiện nay vẫn còn giữ được hai giống bưởi quý đó là: bưởi Chí Đám và bưởi Bằng Luân. Cách đây khoảng 300 năm bưởi Bằng Luân được trồng nhiều nhất ở hai xã Bằng Luân và xã Quế Lâm của huyện Đoan Hùng. Bưởi Chí Đám rất ưa đất phù sa, loại này có nguồn gốc từ việc gây giống cây bưởi của nhà lão nông có tên là ông Sửu cách đây trên 200 năm, nên bưởi còn có tên gọi là bưởi Sửu.
Hồng Gia Thanh
Hồng không hạt Gia Thanh (Ảnh – Khánh Huyền)
Hồng Gia Thanh có nguồn gốc ở Tiên Cát, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, được dân di thực về trồng tại các vườn hộ gia đình thuộc xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh ít nhất từ 50 – 70 năm trở lại đây, có những cây đã gần 70 tuổi. Hiện trên địa bàn huyện Phù Ninh đang có khoảng 50ha diện tích trồng Hồng mang lại thu nhập cho người dân.
Đặc điểm của Hồng Gia Thanh là quả không có hạt, hình thoi cao thành chứ không tròn, tai vểnh lên, khi chín quả có màu vàng nhạt, ăn vị giòn, ngọt. hồng ngâm còn chứa nhiều vitamin tốt cho sức khỏe, là một món quà hấp dẫn cho những người con xa quê và du khách thập phương ghé thăm Phú Thọ được thưởng thức đặc sản vùng Đất Tổ.
Chè Phú Thọ
Chè Phú Thọ (Ảnh – Anh Tuyet Do)
Mỗi vùng đất với điều kiện thổ nhưỡng khác nhau nên đã đem lại cho sản phẩm chè Phú Thọ nhiều hương vị đặc trưng riêng. Đến nay, sản phẩm chè của Phú Thọ đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới và được đông đảo người tiêu dùng trong nước biết tới.
Một số lưu ý khi du lịch Đền Hùng
- Trang phục: Tùy thời tiết nhưng về cơ bản các bạn nên mặc trang phục gọn nhẹ, thoải mái cho việc di chuyển. Nếu đi vào mùa đông thì không nên mang theo những trang phục dày, hãy mặc thành nhiều lớp mỏng, trong quá trình di chuyển nếu nóng quá sẽ bỏ dần ra. Vừa không phải mang nặng, vừa vẫn giữ ấm được cơ thể. Có một điều cần nhớ, các bạn PHẢI MẶC TRANG PHỤC LỊCH SỰ, nếu trang phục không đảm bảo lịch sự, các bạn có thể bị từ chối vào Đền Hùng.
- Nên sử dụng giày thể thao, loại có đế bám tốt. Nếu mùa hè thì có thể mang theo dép tổ ong cho tiện.
- Dịp lễ hội thường sẽ rất đông người, tình trạng lộn xộn chen lấn là không thể tránh được, các bạn cần có phương án để tự bảo quản tài sản cá nhân. Điện thoại, ví tiền luôn để trong túi quần trước (để túi quần sau rất dễ bị rạch hoặc móc mất). Các loại túi, ba lô nên đeo quay về phía trước để luôn có thể nhìn được tài sản của mình.
- Chặt chém là đặc sản của các địa điểm du lịch nổi tiếng ngoài Bắc, các bạn hãy luôn nhớ trả giá trước khi mua hay sử dụng bất kỳ dịch vụ gì. Chưa đạt được thỏa thuận tuyệt đối không sử dụng dịch vụ. Nếu trong trường hợp bị bắt chẹt, đừng ngại ngần gọi sự trợ giúp từ lực lượng chức năng. Đôi khi người kinh doanh thường đánh vào tâm lý các bạn ở nơi xa đến, không muốn lằng nhằng nên sẽ ép các bạn, nếu các bạn kiên quyết tìm sự hỗ trợ, họ sẽ không dám làm gì đâu.
Lịch trình du lịch Đền Hùng
Ảnh – dieulinhh.ndl
Hà Nội – Đền Hùng 1 ngày
Đây là lịch trình khám phá Phú Thọ trong vòng 1 ngày, phù hợp với các bạn xuất phát từ Hà Nội
Sáng xuất phát sớm từ Hà Nội, điểm đến đầu tiên là đền Mẫu Âu Cơ ở xã Hiền Lương, Hạ Hòa. Đây tương truyền là nơi mẹ Âu Cơ hóa tiên bay về trời. Khoảng 5h00 đi thì khoảng 7h có mặt tại đền rồi, đi đường cao tốc Lào Cai, ra ở điểm IC10
Sau khoảng 1 tiếng ở đền Mẫu thì từ đây tiếp tục khởi hành đi Đền Hùng. Khoảng cách từ đền Mẫu Âu Cơ đi Đền Hùng là 60km, thời gian di chuyển khoảng 1 tiếng.
Dân hương tưởng niệm vua Hùng, đền thờ Lạc Long Quân rồi sau đó nghỉ ngơi ăn trưa.
Tiếp tục di chuyển đi thăm làng cổ Hùng Lô, đình cổ Hùng Lô. Đây là quần thể di tích có giá trị văn hóa, lịch sử tiêu biểu ở Phú Thọ với niên đại khoảng 300 năm. Xem biểu diễn và tìm hiểu về hát xoan cổ, một loại hình nghệ thuật dân gian được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Làng cổ Hùng Lô với nhiều ngôi nhà có niên đại trên 200 năm tuổi, tham quan các làng nghề truyền thống gần đấy.
Khoảng 5h chiều xuất phát lại về Hà Nội, 7h có mặt ở Hà Nội kết thúc chuyến đi
Các tuyến khám phá Đền Hùng
Lộ trình thứ nhất: Bắt đầu thắp hương đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân → đền thờ Tổ Mẫu Âu cơ → Đền thờ các Vua Hùng “đi từ cổng lên đền → đền Hạ → chùa Thiên Quang → đền Trung → đền Thượng → xuống giếng Cổ → xuống đền Giếng” → các điểm tham quan khác → kết thúc hành trình.
Lộ trình thứ hai: Bắt đầu thắp hương đền thờ đền thờ Tổ Mẫu Âu cơ → Đền thờ các Vua Hùng “đi từ cổng lên đền → đền Hạ → chùa Thiên Quang → đền Trung → đền Thượng → xuống giếng Cổ → xuống đền Giếng” → các điểm tham quan khác → đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân → kết thúc hành trình.
Lộ trình thứ ba: Đi từ cổng trung tâm lễ hội → Đền thờ các Vua Hùng “đi từ cổng lên đền → đền Hạ → chùa Thiên Quang → đền Trung → đền Thượng → xuống giếng Cổ → xuống đền Giếng” → đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ → các điểm tham quan khác → đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân → kết thúc hành trình.
Tìm trên Google:
- kinh nghiệm du lịch Đền Hùng 2024
- du lịch Đền Hùng tháng 12
- tháng 12 Đền Hùng có gì đẹp
- review Đền Hùng
- hướng dẫn đi Đền Hùng tự túc
- ăn gì ở Đền Hùng
- phượt Đền Hùng bằng xe máy
- Đền Hùng ở đâu
- đường đi tới Đền Hùng
- chơi gì ở Đền Hùng
- đi Đền Hùng mùa nào đẹp
- địa điểm chụp ảnh đẹp Đền Hùng
- homestay giá rẻ Đền Hùng
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Hãy để lại đánh giá của bạn nhé
Đánh giáĐã có 77 bình chọn và điểm trung bình là 4.7
Chưa có đánh giá nào
đền hùng phú thọBài xem nhiều
Phú Thọ Đông BắcKinh nghiệm du lịch Xuân Sơn, Phú Thọ
Phú ThọCác địa điểm du lịch ở Phú Thọ
Phú Thọ Đông BắcKinh nghiệm du lịch Đền Hùng, Phú Thọ
Phú Thọ Tin tứcHồ Ly – điểm ‘sống ảo’ mới tuyệt đẹp của giới trẻ
Phú ThọCác món ăn ngon ở Phú Thọ
Bài mới đăng
Hà Giang Tin tứcĐến Xín Mần dạo bước trên thảo nguyên Suôi Thầu
Cùng Phượt – Nằm ở độ cao hơn 1.000 m
Hà Giang Tin tứcĐịa chỉ đỏ cuối vùng trời Đông Bắc
Cùng Phượt – Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị
Hà Giang Tin tứcNơi lưu giữ bảo vật Quốc gia của Hà Giang
Cùng Phượt – Chùa Sùng Khánh tọa lạc trên một
Hà Giang Tin tứcĐến Phương Độ ngủ nhà sàn, ăn đồ nướng
Cùng Phượt – Những nếp nhà sàn truyền thống mái
Hà Giang Tin tứcNơi ngắm trọn Thành phố Hà Giang
Cùng Phượt – Không phải thành phố nào cũng được
Kinh nghiệm cần biết
Kinh nghiệmKinh nghiệm đi cắm trại cho người mới
Cùng Phượt – Trong những năm gần đây, phong trào
Kinh nghiệmKinh nghiệm chuẩn bị đồ đi cắm trại
Cùng Phượt – Trong thời gian gần đây, cùng với
Kinh nghiệmKinh nghiệm du lịch bằng tàu hoả
Cùng Phượt – Tàu hoả là một trong 3 loại
Kinh nghiệmKinh nghiệm làm hộ chiếu trẻ em
Cùng Phượt – Do sự phát triển mạnh của các
Close WindowLoading, Please Wait!
This may take a second or two.Từ khóa » Bản đồ Khu Di Tích đền Hùng
-
Bản đồ Du Lịch Đền Hùng - Phú Thọ
-
Sơ đồ Khu Di Tích Lịch Sử Đền Hùng Chi Tiết Nhất - Đức Vinh Travel
-
Cập Nhật Bản đồ Khu Di Tích Lịch Sử Đền Hùng - Đức Vinh Travel
-
Sơ đồ Khu Di Tích Lịch Sử Đền Hùng Chi Tiết Nhất - Đức Vinh Travel
-
Khu Di Tích Lịch Sử Đền Hùng | Cổng Thông Tin Điện Tử Phú Thọ
-
Album: Khu Di Tích Lịch Sử đền Hùng (27.4.2010) - Hình ảnh: Sơ đồ ...
-
Bản đồ đường đi Đền Hùng - Du Lịch Phú Thọ
-
Đền Hùng – Wikipedia Tiếng Việt
-
Sơ đồ Khu Di Tích Lịch Sử đền Hùng - 123doc
-
Ứng Dụng Du Lịch Thông Minh Về Đền Hùng
-
Phú Thọ: Ra Mắt ứng Dụng Du Lịch Thông Minh 'Đền Hùng' Dịp Giỗ Tổ
-
Khai Thác Giá Trị Di Sản Văn Hóa Khu Di Tích Lịch Sử Quốc Gia đặc Biệt ...