Kinh Nghiệm Du Lịch Lý Sơn 3 Ngày 2 đêm Dành Cho Những "phượt ...
Có thể bạn quan tâm
Traveloka VN
20 Jul 2022 - 55 min read
Kinh nghiệm du lịch Lý Sơn 3 ngày 2 đêm dành cho những "phượt thủ"Thời gian gần đây, đảo Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi với đặc sản tỏi Lý Sơn nổi lên như một địa điểm du lịch hấp dẫn với những bãi biển tuyệt đẹp được mệnh danh là Maldives của Việt Nam. Lý Sơn là một điểm ghé qua của bọn mình trong hành trình 16 ngày của từ Sài Gòn ra Đà Nẵng rồi vòng về hồi tháng 9/2017. Bài viết này sẽ kể lại chi tiết hành trình cũng như kinh nghiệm du lịch Lý Sơn 3 ngày 2 đêm của bọn mình, đặc biệt sẽ hữu ích cho các bạn nào có ý định phượt xe máy xuyên Việt và ghé thăm Lý Sơn trong tình trạng phải mang theo xe máy còn đồ đạc thì lỉnh kỉnh.
Lý Sơn - Hòn đảo được mệnh danh là Maldives Việt Nam.
1. Đến với Lý Sơn như thế nàoĐảo Lý Sơn là huyện đảo duy nhất của Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý, bao gồm đảo Lớn (Lý Sơn, hay còn gọi là Cù Lao Ré), đảo Bé (cù lao Bờ Bãi) ở phía Bắc đảo Lớn, và hòn Mù Cu ở phía Đông của đảo Lớn.
Cách duy nhất để ra đảo Lý Sơn là đi tàu cao tốc từ cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi). Tàu cao tốc (và siêu tốc) đi về giữa cảng Sa Kỳ thì một ngày có 6 chuyến đi và 6 chuyến về (trong khoảng 7 giờ 30 đến 15 giờ 30). Giá vé dao động từ 115.000 VND đến 155.000 VND / người (tùy tuyến và tùy tàu), thời gian tàu chạy khoảng 1 giờ. Tham khảo thêm giá vé và lịch tàu chạy (cập nhật hàng tháng) ở đây.
Vào tháng 4/2018, tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn đã có thêm một tàu siêu cao tốc, là tàu Super Biển Đông với thời gian chạy chỉ 35 phút. Vé tàu có thể mua tại cảng, hoặc đặt vé trước (điện thoại đặt vé: 0255.3.626.431 - 0255.3626138; Email đặt vé: dangkyve.csk@gmail.com). Nếu bạn đến nhà nghỉ sớm, bạn cũng có thể nhờ nhà nghỉ đặt vé tàu giùm. Mà chắc đi ngày lễ hoặc cuối tuần mới cần, chứ đi ngày thường như bữa mình đi thì không cần thiết lắm. Ngoài ra bạn còn có thể đi tàu gỗ chở hàng trong trường hợp không bắt được tàu khách, giá vé là 30.000 VND / người, thời gian chạy là 2 giờ 30 phút.
2. Vượt biển đến với Lý SơnCảng Sa Kỳ đi Lý Sơn cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi khoảng 23 km và cách sân bay Chu Lai (Quảng Nam) khoảng 41 km. Tuỳ theo lịch trình đến Lý Sơn (ghé chơi Quảng Ngãi rồi mới ra cảng Sa Kỳ đi Lý Sơn, hoặc bay thẳng ra Quảng Ngãi, đến sân bay Chu Lai rồi đi cảng Sa Kỳ) mà bạn chọn thời gian và phương tiện di chuyển cho phù hợp.
Trong chuyến hành trình, bọn mình đi từ Quy Nhơn (Bình Định) chạy thẳng ra cảng Sa Kỳ. Lúc đến nơi thì đã sập tối. Trái ngược với lo sợ, khu vực cảng Sa Kỳ khá tập nập nhộn nhịp, và hàng quán tương đối đầy đủ (mình thấy cái gì cũng có, đến tiệm cắt tóc cũng có…). Bọn mình chọn một nhà nghỉ mới toanh, có chỗ giữ xe trong nhà, dưới bếp có nước nóng để nấu mì, phòng 2 giường thoáng đãng, sạch sẽ, TV truyền hình cáp đầy đủ như khách sạn mini, chỉ có là không máy lạnh (nhưng có quạt) giá 250.000 VND / đêm. Nếu lịch trình của bạn đòi hỏi bạn cần nghỉ lại một đêm ở cảng Sa Kỳ để sáng bắt đầu sớm đi Lý Sơn thì cứ mạnh dạn đến cảng nghỉ nhé, phòng ốc tươm tất còn hàng quán cũng không thiếu thứ gì.
Phòng nhà nghỉ với mớ hành lý kinh hoàng.
Ở nhà nghỉ thì họ có dịch vụ đặt vé tàu giùm. Nhưng bữa bọn mình tới khuya quá cũng như không gấp, nên sáng phải dậy sớm ra cảng mua vé. Tất cả các bài về kinh nghiệm du lịch Lý Sơn mình đã đọc thì toàn hù là phải ra sớm thật sớm xếp hàng mua vé (đó là từ thời chưa có nhiều tuyến tàu ra đảo…) các kiểu. Cũng hơi rét nên thôi sáng nay ráng dậy sớm.
6 giờ 25 tới cửa cảng. Các chị hàng quán chèo kéo vào uống nước ăn sáng, bảo giờ này càng chưa mở cửa… Okay… mà thôi tới rồi thì cứ vô. Trái ngược với suy nghĩ, phòng vé sáng thứ 2… vắng te. Lưu ý là để mua vé tàu đi Lý Sơn (chiều ngược lại về cảng Sa Kỳ cũng vậy) thì cần xuất trình CMND (1 CMND mua được 2 vé) kèm theo thông tin họ tên và năm sinh của tất cả người sẽ lên tàu cho bên phòng vé lưu lại. Thông tin này đọc miệng cũng không sao, nhưng nếu phòng vé đông (bữa từ Lý Sơn về lại cảng Sa Kỳ thì đông kinh hoàng) thì theo mình là cứ trình đủ CMND của người đi tàu để họ nhìn thông tin ghi lại cho nhanh.
Bọn mình mua chuyến sớm nhất là chuyến 7 giờ 30, giá vé lúc đó (tháng 9/2017) là 125.000 VND / người (bao gồm phí vào cảng). Do tùy tàu to nhỏ mới cũ (và tàu cao tốc hay siêu tốc – cao tốc chạy khoảng 1 giờ 15 phút còn tàu siêu tốc nghe nói chạy chỉ 30 phút) thì giá vé khác nhau.
Vé tàu.
Mình mua vé xong rồi thì 2 bạn nam trong nhóm cũng chở đồ tới. Hỏi thăm một vòng thì phí đem xe lên đảo là 50.000 VND / xe, bốc vác lên xuống hai đầu mỗi đầu 20.000 VND nữa là 90.000 VND tổng cộng cho một lượt đi. Nghĩa là đi về là 180.000 VND / xe. Trừ phi bạn định ở trên đảo nhiều hơn 2 ngày và bạn muốn tiết kiệm tiền (thật ra cũng không bao nhiêu), còn thì lời khuyên là đừng tốn công đem xe lên đảo làm gì. Cô tạp vụ ở cảng bảo đem xe lên xuống trầy xe lắm, thấy vừa lùm xùm vừa không có lợi.
Lúc này bãi xe cảng vẫn… chưa mở cửa, cả đám quyết định trở ra ăn sáng. Ba đứa gọi 3 phần bò né (thật ra là bò tái với 2 cái ốp la, 1 cây xúc xích và chả cá), bánh mì thêm với một dĩa chả cá (Huy B kêu…) hết 140.000 VND, tính ra một phần chắc khoảng 40.000 VND. Cũng ngon mà giá này so với ở đây theo mình thì hơi mắc (không lẽ thịt bò mắc dữ vậy…). Mà tại không hỏi giá trước (bữa giờ đi ăn chưa bị chém bao giờ) nên thôi kệ.
Bò né (cái trứng trông quá quyến rũ).
Dĩa chả cá gọi thêm.
Gần sát nút giờ lên tàu (7:15) rồi ba đứa mới lật đật quay lại cảng. Vô cảng đứng lớ ngớ tí nữa thì lên tàu rồi khởi hành, vé sẽ soát trên tàu. Do bọn mình đem hết đồ qua đảo (kể cả mấy cái nón bảo hiểm to đùng) nên đồ đạc hết sức lỉnh kỉnh. May mà không đem theo xe (lúc đi còn đỡ, lúc về là thốn lắm).
Tàu này thì tương đối rộng rãi, ổn hơn mình trông đợi. Trên vé có số ghế nhưng ghế trống khá nhiều nên khi tàu khởi hành rồi thì thấy chỗ nào trống thì cứ chui vào.
Cổng ra càu tàu (chụp từ phía cầu tàu).
Tàu của tụi mình.
Bên trong tàu.
Như thường lệ, mình có thù với tất cả các thể loại đóng hộp (xe hơi, tàu, máy bay, xe lửa), mà thù nhất là tàu. Ban đầu nghĩ 1 tiếng 15 phút không là gì, một hồi bắt đầu mệt quá nên ra ngoài đứng, tưởng sao một hồi cũng cho cả bữa sáng xuống biển. Tàu chạy chừng nửa tiếng là đã thấy đảo Lý Sơn hiện ra ở đằng xa. Mình tưởng sắp tới rồi mà cuối cùng còn chạy mãi chạy mãi chắc phải 45 phút mới cập bến.
Lý Sơn dần hiện ra trước mắt.
Biển Lý Sơn được khen là rất đẹp, quả thật không ngoa. Ở ngay khu vực cầu cảng mà nước xanh biếc trong vắt thấy cả đáy! Bắt đầu yêu rồi đấy.
Vào cầu cảng.
Hôm trước mình đã đặt phòng nhà nghỉ trước, bên nhà nghỉ có gọi điện xác nhận giờ mình sẽ cập bến để đón (nhà nghỉ, khách sạn ở Lý Sơn có “dịch vụ” đón trả khách miễn phí), nên khi tàu vừa vào cầu cảng là bên nhà nghỉ gọi hỏi đang ở đâu để đón. À chỗ cầu cảng Lý Sơn hết sức xô bồ (hay nói dễ nghe hơn là tấp nập, nhộn nhịp) nên mình nghĩ là các bạn có đi thì nên đặt trước phòng, hẹn giờ đón để thoát khỏi chỗ đó cho sớm, khỏi bị chèo kéo.
Ngoài nhà nghỉ thì hiện Lý Sơn cũng đã có thêm các khách sạn đạt chuẩn sao, các bạn có thể tìm hiểu thêm để chọn chỗ nghĩ ưng ý. Nhưng theo mình nên chọn các chỗ nghỉ gần cầu cảng để tiện ăn chơi, tham quan, di chuyển (đặc biệt là lúc đến và lúc về khi bạn phải mang cả đống hành lý…).
Ngoài ra còn một vấn đề khác, có vẻ là do Lý Sơn là đảo tiền tiêu nên vấn đề an ninh tương đối nghiêm ngặt. Lúc đến thì mình thấy có người bên biên phòng hay quân đội đang kiểm tra giấy tờ của một du khách nước ngoài. Nếu bạn đi chung với bạn bè người thân người nước ngoài, hãy nhớ mang đầy đủ giấy tờ nhé.
Cầu cảng đảo Lý Sơn. Anh áo đỏ là người của nhà nghỉ.
Bên nhà nghỉ đi hai xe ra đón cả lũ. Tới nơi thì một chị khác đón tiếp. Do bọn mình muốn ở phòng có cửa sổ mà phòng đó khách chưa trả, nên cả bọn ở tạm một phòng dưới đất rồi trưa quay về đổi phòng sau. Giá phòng 2 giường là 300.000 VND / ngày. Này là nhà nghỉ thôi nên không có tủ lạnh. Phòng khá ấm cúng, sạch sẽ, thoải mái. Máy lạnh, nước nóng đầy đủ. TV truyền hình cáp bao sáng rõ, chủ nhà nghỉ thì siêu dễ thương (mà thực ra hầu hết mọi người trên đảo Lý Sơn mình gặp ai cũng dễ thương hết). Bạn cũng có thể nhờ nhà nghỉ đặt giùm vé tàu lượt về.
Rửa mặt nghỉ ngơi chút rồi thì cả bọn thuê 2 chiếc xe (150.000 VND / chiếc / ngày – bao xăng – hết xăng ở đâu gọi điện về nhà nghỉ đem xăng ra châm ngay, anh chủ bảo thế), bắt đầu khám phá Lý Sơn. Lúc này là gần 10 giờ sáng.
3. Lý Sơn – yêu từ cái nhìn đầu tiênĐiểm tham quan gần nhà nghỉ nhất là chùa Đục nên cả bọn đi về hướng đó trước. Gần tới chùa Đục (chỗ cổng Tò Vò) thì thấy có một đường đê rộng rãi vắng vẻ nên rẽ vào xem. Sau đó cả bọn thì tốn chắc cả tiếng đồng hồ hơn vọc nước ở đây. Các bạn quên cái cổng Tò Vò đi, qua đây chụp hình vui hơn. Cảm giác ở ngoài tuyệt vời không tả được mà hình chụp lên thì cũng ảo lung linh.
Nói chung đắng lòng các thanh niên thành thị gần như chưa bao giờ thấy được biển đẹp như trên TV, bây giờ thấy rồi thì vui mừng không sao kể siết. Ở chỗ đê bao này có một khúc cua trông rất đẹp, đứa nào cũng phải ra làm một tấm sống ảo.
Sống ảo trên bờ đê.
Có chú bé bản tính thích vọc nước nên sau đó đã tụt luôn xuống dưới…
Ở khúc này thì không có đường xuống, chạy lên một chút sẽ có một lối nhỏ dẫn xuống dưới (và rác dập dềnh xung quanh). Cả bọn tới đó thì để xe xuống dưới chơi. Ôi mèn ơi nước thì trong vắt, đá rong rêu dưới chân thì không bén cũng không trơn, đi ra xa nước cũng không sâu, cả một trời biển chỉ có 3 đứa vọc nước. Cũng chính tại chỗ này (hình như vậy) mà cả bọn đã quyết định ngày mai sẽ ra đảo Bé cắm trại một đêm thay vì về như dự định (tại nghe chị ở nhà nghỉ nói là đảo Bé đẹp lắm).
Ngút ngàn.
Nước trong veo… thì ra biển đẹp nước sạch là có thật các bạn ạ…
Xa xa chính là Đảo Bé (ý nói cái đảo ở xa chứ không phải cái đứa đang diễn sâu trên cục đá).
Phía bên trong đê.
Các thanh niên nhiệt tình sống ảo.
Chơi ở đây chán chê rồi thì cả bọn quay lại địa điểm chính là chùa Đục hay còn có tên chính thức là Đỉnh Liêm Tự. Tới khu vực chùa Đục thì trước cổng có mấy quán nước giữ xe miễn phí (đổi lại thủ tục khi tham quan xong là gì thì chắc ai cũng đoán ra…).
Tượng phật trong sân chùa.
Bên trong chùa được lát gạch xanh, trong như biển.
Chùa Đục.
Qua khỏi chùa leo lên trên cao thì sẽ có một đỉnh núi nhỏ có thể leo lên được.
Sau khi leo lên, bạn sẽ thấy một tầm nhìn khá đẹp mắt ở khu vực này.
Tầm nhìn thoáng, nhìn được gần như cả một phần hòn đảo.
View từ đỉnh núi.
Như đã nói, ở đây có màn giữ xe miễn phí sau đó mời ủng hộ nước. Do trời khá nóng với chị bán nước cũng dễ thương nên cả bọn vô ngồi nghỉ tí chứ không giở phũ-phàng-thần-chưởng ra.
Sau khi kêu ba ly nước mía rồi thì nghe quảng cáo món xu xoa mình cũng kêu ăn thử. Cái này chắc là cái sương sa trắng trắng đục đục ngày xưa ngoài chợ hay bán chung với sương sâm sương sáo. Theo chị nói thì cái này làm từ rong biển vớt dưới biển rồi nấu rồi xay vắt nước gì đó (ý mình là làm từ vật liệu thiên nhiên chứ không phải dùng bột rau câu…). Để đông lại rồi ăn chung với nước đường gừng, hơi bị ngon và rất mát. Ở Lý Sơn mình ghiền món này tới mức cứ vô quán nước là gọi cái này. Giá 10.000 VND / ly (nước mía, xu xoa gì cũng thế, và quán nào cũng thế).
Ly xu xoa giờ nhắc tới vẫn còn thèm.
Quán nước trước cổng Chùa Đục.
Ngồi nghỉ chán chê rồi thì bắt đầu đói bụng nên đi ăn trưa. Chị hàng nước chỉ ra một quán cơm ở gần khu cầu cảng, bảo ở đó cơm bình dân, cơm dĩa, cơm phần, người dân cũng hay ra đó ăn.
Cả bọn tới nơi thì không thấy menu cơm dĩa, còn menu cơm phần thì không có giá (hỏi thì mới nói), phong cách thì thấy như chuyên phục vụ khách du lịch hơn. Cả đám gọi 1 phần thịt ram (50.000 VND / dĩa), 1 dĩa rau muống xào (20.000 VND / dĩa), 1 dĩa đậu hũ chiên giòn (20.000 VND / dĩa), 1 tô canh cá (50.000 VND / tô) và 2 dĩa cơm (10.000 VND / dĩa). Tổng cộng là 150.000 VND. Nói cho công bằng thì thức ăn khá ngon và đầy đặn, so với giá 150.000 VND cho một bữa ăn cho ba người như vậy thì không phải là mắc, nhưng do bữa giờ được ăn rẻ quá nên vẫn thấy giá vầy hơi cao, với mình bị kị vụ menu không có giá....
Bữa cơm.
Thịt ram.
Đậu hũ chiên giòn.
Rau muống xào tỏi.
Con cá.
Tô canh.
Ăn no rồi thì cả bọn quay về nhà nghỉ, đổi phòng lên tầng một lấy phòng có cửa sổ, tắm rửa và… ngủ trưa.
4. Núi Thới Lới và Cổng Tò VòCả bọn ngủ trưa tới gần cả 4 giờ chiều mới dậy đi tham quan tiếp. Lịch chiều nay là đi tham quan hang Câu, núi Thới Lới, cổng Tò Vò (mình kêu bỏ qua vậy thôi chứ mình vẫn ghé coi có gì hay, còn phải đi rút tiền vì ở lại thêm một ngày. Xem trên bản đồ thấy có một cái đường ven rìa đảo nên đi đường đó, cuối cùng nó sát mép biển thật, nhưng có một cái tường xây cao chả nhìn thấy biển… và lâu lâu thì lại nghe mùi khai (chắc bò nó tè).
Trước khi đi Lý Sơn thì mình có thắc mắc là không biết trên đảo đường nó to như đường thành thị hay nó nhỏ như đường làng. Câu trả lời là chỉ có duy nhất cái khúc chỗ Agribank và khách sạn Mường Thanh là trông có vẻ như đường thành thị, còn lại thì nó là đường xóm, như thế này đây. Mà đường ở Lý Sơn đang trong giai đoạn được nâng cấp đổ bê tông, nên rất nhiều đoạn đang xây dựng rất lồi lõm. Chạy theo Google Map có chút sấp mặt.
Đường ở Lý Sơn (mà chỗ này là đường đẹp rồi).
Chạy một hồi thì tới một cái chỗ không biết gọi là gì. Vô chụp hình chút rồi trở ra.
Chỗ không biết gọi là gì.
Tuy không biết là gì nhưng mình cũng tranh thủ "sống ảo" chút đỉnh.
Sau này, mình mới biết đăng là đường vào hải đăng cũ.
Sau đó lại tiếp tục đi về hướng hang Câu và núi Thới Lới. Lẽ ra là đi hang Câu trước mà tới cái ngả rẽ đó lại chỉ thấy bảng chỉ lên núi Thới Lới nên chạy theo cái lên núi luôn… Khúc này cũng có đi ngang mấy ruộng hành ruộng tỏi và đường thì là đường đất.
Chút minh họa ruộng tỏi ở gần Hang Câu.
Nhân tiện mình không biết sao có vụ này không nghe kinh nghiệm du lịch Lý Sơn nào nói. Đó là đường lên núi hơi bị dốc. Tay lái yếu với xe ga chở hai người chắc leo lên sẽ rất chật vật vì đường rất dốc…
Điểm dừng đầu tiên là một khúc cua có mỏm đá bằng phẳng để chụp hình sống ảo. Ở đây hết cho cắm trại rồi chứ cắm trại được ở đây là chắc hạnh phúc ngập tràn. Nói chứ Lý Sơn đẹp như một cô gái hiền dịu. Cảnh đã đẹp rồi mà còn đẹp một kiểu rất hiền hòa: dưới biển thì san hô đá này nọ không bén, trên núi thì bằng phẳng chứ không hiểm trở.
Lúc này là mặt trời bắt đầu lặn. Ai chụp hình xế chiều đẹp chứ không phải mình… Lúc nào chụp hình xế chiều cũng tự thấy dở hơi hết.
Khúc cua thần thánh.
Đường dốc.
Ở đây theo Google Map thì có đường đi coi cái hồ nước ngọt trên núi nữa, mà bị trưng bảng “Khu vực quân sự cấm Vào”.
Cái đường bên trái là cấm vào.
Ở Lý Sơn cảnh đẹp thế này không thiếu luôn.
Phong cảnh tuyệt vời.
Xong rồi chạy lên tiếp để tham quan cột cờ Tổ quốc. Dốc chỗ này còn dốc hơn ở khúc dưới nữa.
Đường lên cột cờ.
Cột cờ.
Hoàng hôn nơi cột cờ Tổ Quốc.
Xong rồi thì đi xuống. Lần này thì thấy cái bảng chỉ hướng đi hang Câu. Mình thì đã biết trước hang Câu sau này được khai thác, phải mua vé mới vào được. Xong tới nơi thì thấy xô bồ quá, với cũng trễ, mà nãy đứng trên núi dòm xuống không thấy gì vui, nên thôi không vào.
Hang Câu.. Hơi xô bồ…
Xong rồi quay về cổng Tò Vò để ngắm hoàng hôn (dù lúc này là sụp tối rồi…). Trên đường về thì ghé Agribank để rút tiền. Đến cổng Tò Vò thì tiếp tục chiêu gửi xe miễn phí. Cái cổng Tò Vò này lên hình ảo vậy thôi chứ ở ngoài "hèn"lắm.
Cổng Tò Vò. Cái bạn ngồi trên đó là một bạn nào đó tạo dáng hoài không chịu xuống nên mình chụp luôn…
Nói chung xuống được chừng 10 – 15 phút rồi quay lên, xong bị cô bán quán ở chỗ giữ xe nài vô ăn chả ram các kiểu. Không đứa nào muốn ăn vì sắp tới giờ đi ăn tối rồi mà cô ấy nài quá nên cũng hỏi một dĩa chả ram bao nhiêu, 50.000 VND / dĩa!!! Giá thì shock thôi rồi, 50.000 VND / trái dừa, 15.000 VND / lon Red Bull. Nói chung nếu bạn ở đây chơi lâu rồi sau đó lên ngồi nghỉ thì thôi coi như giá đó cắn răng cho qua cũng được, còn này bọn mình xuống chưa tới 15 phút lại còn không có nhu cầu ngồi nghỉ thì thấy thật quá mắc...Về tới nhà nghỉ nghỉ ngơi tí rồi đi ăn tối. Do còn dư chút tiền do thay đổi kế hoạch khúc trước nên tối nay cả bọn chơi sang đi ăn hải sản. Đi chơi miền biển mà bữa giờ chả đụng được tới hải sản vì nghèo quá.
5. Chợ đêm hải sảnỞ khu cầu cảng Lý Sơn (là chỗ mình ở) buổi tối sẽ có chợ đêm hải sản. Hải sản tươi sống, tới chọn trả giá rồi người ta chế biến cho. Ba đứa ngớ này thì nói giá sao biết vậy thôi chứ không trả giá, cũng không biết giá mắc rẻ ra sao vì không nắm giá thị trường. Giá này theo mình cũng không siêu rẻ nhưng chắc cũng không chém. Nhum biển 20.000 VND / con (to nhỏ tùy hàng, mà hàng nào cũng 20.000 VND), hàu thì 20.000 VND / con lớn và 10.000 VND / con bé. Cua huỳnh đế 600.000 VND / kg, tôm hùm 1.200.000 VND / kg, còn mấy cái ốc mặt trăng, xà cừ mình ăn thì 60.000 VND – 80.000 VND / kg cụ thể bao nhiêu quên rồi.
Cái quầy mà bọn mình ăn.
Hải sản đa dạng.
Tôm hùm.
Ghẹ bông.
Như đã nói, nhum biển thì hàng nào cũng 20.000 VND / con, mà tham ăn nên chọn hàng có con to nhất mà sà vào. Ba đứa ăn tổng cộng 6 con nhum, nửa kí ốc mặt trăng, nửa kí ốc xà cừ và nửa kí con gì nữa đó chả nhớ, 3 lon nước ngọt hết 300.000 VND. Nói chung là khá ổn cho một cuộc tình. Sau bữa này thì có một cụm từ mới được đẻ ra đó chính là “thơm nhum” vì nhờ đi Lý Sơn mới được ăn nhum rẻ như vầy.
Ba con trong 6 con nhum bị xơi.
Ra đảo thì phải "chén" ốc chứ nhỉ.
Các loại ốc khác.
Ăn xong rồi tính tiền thấy rẻ quá nên 3 đứa có âm mưu ăn thử cua Huỳnh Đế cho biết. Mà do hơi no nên quyết định đi bộ ra cầu cảng dạo một vòng cho tiêu bớt. Xong thấy quầy sinh tố nên ba đứa sà vô quất 3 ly sinh tố và 1 tô trái cây dầm, giá 20.000 VND / ly. Ở khu vực miền Trung này có cái món sinh tố - trái cây dầm thập cẩm này ăn khá vui. Trái cây đủ loại trộn chung với sữa đặc và rắc thêm mứt dừa giòn ở trên. Nếu có dịp đi chơi mà thấy món này bạn nhớ ăn thử.
Sinh tố.
Trái cây dầm.
Tới đây thì no nứt bụng rồi không còn chỗ đâu cho cua với ghẹ gì nữa nên thôi bye bye cua Huỳnh Đế. Cả bọn về phòng nghỉ ngơi để mai đi đảo Bé. Kết thúc ngày đầu tiên ở Lý Sơn hết sức mãn nguyện.
Sau một ngày tham quan ăn uống ở Đảo Lớn, lịch trình ngày thứ hai ở Lý Sơn của bọn mình là sang Đảo Bé và cắm trại một đêm ở đó.
Trước khi đi thì mình có tìm hiểu giá vé và lịch tàu chạy thì được biết là hiện nay cano qua lại giữa Đảo Lớn – Đảo Bé phải chạy theo giờ cố định (lịch tham khảo ở đây). Tuy nhiên, khi hỏi chị ở nhà nghỉ về lịch tàu chạy thì chị bảo cứ đủ khách là tàu chạy.
6. Buổi sáng ở Đảo LớnSáng nay còn đi lòng vòng vài chỗ nữa rồi mới qua Đảo Bé (chuyến tàu cuối theo lịch là 11 giờ 20 lận). 7 giờ 30 hơn là cả bọn đã rời khỏi khách sạn, hướng về Chùa Hang. Theo Google Map thì đường chỉ khoảng 3 km thôi, mà chạy mỏi mòn mới tới. Ra khỏi khu dân cư là đường cứ như ở đẩu ở đâu, vừa xấu vừa xóc vừa cát vừa vắng. Nói chung là chùa nằm ở một cái hốc bò tó.
(Nhụy) hoa sứ rơi đầy sân chùa.
Cảnh biển yên bình.
Lối vào.
Bên trong chùa.
Những bức tượng được điêu khắc kỳ công.
Chụp vài tấm hình rồi trở ra. Cái bãi biển trước chùa thật ra hấp dẫn hơn. Nó cũng ngút ngàn như chỗ bờ đê hôm qua mà còn đẹp hơn nữa. Nước trong vắt như thủy tinh, thấy rõ cá và rong ở bên dưới. Bãi biển cũng lài lài và đá thì không sắc.
Chùa Hang nhìn từ phía biển.
Cảnh đẹp như trên phim.
Nước biển trong vắt.
Đẹp đến ngỡ ngàng.
Cực ảo.
Rong bám trên đá.
Bãi biển này hấp dẫn hơn chùa Hang.
Trong lúc cả đám đang vọc nước thì có một chú ở gần đó lại giới thiệu dịch vụ lặn ngắm san hô (lặn thường thôi không có đeo bình dưỡng khí). Giá là 100.000 VND / người (so với bên Đảo Bé là 60.000 VND / người), chắc tại ở đây thì đi cano ra bãi chứ không phải đi thuyền thúng. Nói chung mình khá thích cách làm dịch vụ ở Lý Sơn: nhiệt tình, đàng hoàng, không chèo kéo dai dẳng, đặc biệt có tuyệt chiêu giúp đỡ trước rồi từ từ tính sau. Nói chung ghi đây để ai có đi Lý Sơn thì biết là ở Chùa Hang cũng có dịch vụ ngắm san hô.Chụp hình chán chê rồi thì quay trở lên chỗ gửi xe ăn… xu xoa. Xong rồi cả bọn đi ăn sáng với hủ tíu. Cái xe hủ tíu cũng gần khu vực cầu cảng, thấy bán cả ngày lẫn đêm… 2 tô bình thường và một tô không bánh hết 65.000 VND (không biết sao ra cái giá đó luôn vì không hỏi một tô bao nhiêu…). Ngoài ra có người còn ăn thêm một ổ bánh mì ốp la 15.000 VND.
Tô hủ tíu.
Ổ bánh mì ốp la 15.000 VND (hơi mắc…).
7. Lên đường sang Đảo Bé lặn ngắm san hôNo nê rồi thì về nhà nghỉ soạn đồ. Do vẫn chẳng biết là có tàu qua Đảo Bé không (vì hôm nay là ngày thường) nên mình ra cảng xem tình hình sao. Ra tới cảng thì có một toán đang ngồi chờ thuyền, chủ thuyền (hay cò lái hay gì đó) bảo tàu sắp chạy, đây là chuyến cuối (lúc đó mới 10 giờ hơn) nên mình bảo đợi bọn mình chạy về lấy đồ rồi ra.
Cập bến.
Cano chạy khoảng 15 phút là tới Đảo Bé. Thu tiền trên tàu luôn, 50.000 VND / người. Tới giờ mình cũng chả biết là giá vé tăng (lần cuối mình kiểm tra là 40.000 VND / người) hay là vì cái đoàn đi chung này họ bao nguyên tàu rồi mình đi ké nên bị lạm thu… vì đưa tiền là đưa cho người bên đoàn đó chứ không phải đưa cho bên nhà tàu.
Cầu cảng đang được xây dựng (thêm).
Vừa tới nơi là có một đội quân xe điện ra đón, chào mời đi xe tham quan một vòng đảo (20.000 VND / người), có người còn nhận diện ra đám mình là ba người bên nhà nghỉ nào luôn, tin tức tình báo bay quá nhanh. Ba đứa keo kiệt nên không thèm đi xe điện, cứ thế tính đi bộ sang đầu bên kia đảo, chỗ có hàng quán và cái bãi tắm hay được nhắc đến.
Lê lết…
Tưởng sao đi một hồi oải quá, tính gọi điện cho anh rồi ai dè xe anh trờ tới nên leo lên cho anh chở tham quan một vòng đảo. Lời khuyên của mình là nếu chỉ qua đây chơi rồi quay về trong ngày thì cứ đi bộ, còn vác đồ cắm trại thì nên leo lên xe điện đi thị sát một vòng xem thích cắm chỗ nào cho khoẻ, vác đồ đi bộ oải lắm.
Ruộng (tỏi) trên Đảo Bé.
Một khu vực có thể cắm trại.
Cây cầu mỗi lần lên là 5.000 VND.
Sau khi đi một vòng rồi thì bọn mình vẫn quyết định cắm trại ở chỗ bãi biển phía bên kia cầu cảng (Google Map gọi là Bãi Ngang / Bãi Hang, còn anh lái xe điện thì gọi là Bãi Sau).
Chỗ tối nay sẽ cắm trại.
Ở khu này ban ngày là một dãy hàng quán nhộn nhịp, kiêm luôn dịch vụ lặn ngắm san hô. Anh lái xe thả bọn mình ở một quán rồi đi (mình nghĩ ở đây chỗ nào cũng như nhau). Do còn sớm nên ba đứa quyết định đi lặn san hô luôn (60.000 VND / người). Ban đầu mình có chút quan ngại về chuyện đồ đạc để ở đâu, cuối cùng thì ở đây chu đáo tới mức có cả… tủ giữ đồ. Đồ không có giá trị thì cứ để ở ngoài, còn có giá trị thì cho vào tủ khóa lại.
Tủ đồ. Quán nào cũng có.
Tới giờ mình vẫn không biết ở đây họ hoạt động trên cơ chế nào… có vẻ như là làm chung với nhau hết. Bọn mình thay đồ xong thì mấy chú mặc áo “đội san hô” ngồi ở đó bảo mặc áo phao với lấy kính lặn (để đầy ở đó) rồi có một người dẫn ra bãi biển. Đi xuống bãi thì có một anh khác chờ, rồi lên thuyền thúng ra khơi.
Anh chèo thuyền dễ thương đội nón hoa đỏ.
Anh chèo thuyền đưa bọn mình ra bãi san hô mình thường khách hay lặn, nhưng mồm thì liên tục giới thiệu về một bãi khác xa hơn, đẹp hơn, đi thì tiền gấp đôi (là 120.000 VND). Cả bọn chưa quyết định nên thôi cứ lặn ở chỗ người ta hay lặn trước.
Như đã nói là bãi biển ở Lý Sơn rất nông. Bãi san hô nghe nói lúc nước rút có thể đi bộ ra được, còn lúc nước lên như vầy thì nước cũng chỉ cao hơn khoảng 1 m. Mình chơi ngu nhảy từ trên thuyền thúng xuống nên chân bị san hô đâm. Mà san hô ở đây hiền quá (ý là không bén) nên chỉ đau thôi chứ không chảy máu.
Theo mình là nếu đã lặn bình dưỡng khí rồi (ở Nha Trang chẳng hạn) thì sẽ thấy lặn san hô kiểu vầy không quá đặc sắc (dù vẫn vui), nhưng theo phản ứng của các bạn trai (chưa đi lặn bao giờ) thì vầy là quá đã!!!! Thật ra so với cái giá của lặn bình dưỡng khí (900.000 VND / hai lần lặn) thì việc chọn lặn ngắm san hô như vầy (60.000 VND – 120.000 VND / lần lặn) không phải là một lựa chọn tồi.
Lênh đênh.
Thuyền đi thêm khoảng 15 – 20 phút nữa thì tới bãi. Ở đây thì đúng là đẹp hơn, san hô nhiều màu sắc hơn, lại có những quả san hô to đùng. Anh chèo thuyền cứ luôn miệng hỏi có thấy san hô ở đây đẹp không (anh dễ thương lắm). Mình tính ra là cũng rất thích mà bị cái kính nó hơi lởm quá cứ vô nước hoài nên hơi bị tụt cảm xúc. Ai có kính xịn cứ đem theo, kính bơi cũng được. Nước ở đây cũng rất nông, không mặc áo phao cũng không sao, nhưng thực ra mặc áo phao là để nổi khỏi bị san hô đâm chứ không phải để khỏi bị chết chìm.
Sau khi chơi chán chê rồi thì lên thuyền quay vô bờ. Lúc này mới móc máy ra làm vài phát điểm danh. Lên tới bãi thì móc tiền trả anh luôn (do có đem theo bóp), mà vì không có tiền lẻ nên thôi gửi anh luôn 400.000 VND, tới chừng đưa tiền thì anh nói có không tiền thối… mà thôi lỡ rồi… anh dễ thương lắm nên cũng không sao.
Về tới nơi rồi thì tắm tráng lại rồi nghỉ ngơi. Do Đảo Bé thiếu thốn đủ thứ nên nước ngọt 20.000 VND / xô. Trong lúc chờ đói bụng thì lại tranh thủ ăn xu xoa (vẫn 10.000 VND / ly).
Biển quả thật rất đẹp.
Thức ăn ở đây cũng không rẻ, và số lượng sẽ được làm theo yêu cầu. Cá bớp 300.000 VND / kg (ba đứa ăn nửa kg), gỏi rong biển 70.000 VND / dĩa, trứng chiên 30.000 VND / dĩa (cái này là hồi sau thấy bàn mấy chú trong đội san hô ăn mới kêu), cơm 20.000 VND / thố (ba đứa ăn hai thố). Tổng cộng là 290.000 VND.
Lúc bưng đồ ăn ra tự dưng dược khuyến mãi thêm tô canh chua không người lái (dù mình không có kêu), chắc do lúc gọi món mình có lèm bèm chuyện ăn cá nướng thì không có canh để húp. Thức ăn khá ngon và vừa miệng (vừa lặn xong lên ăn cá nướng là đúng bài luôn), mọi người cũng rất dễ thương nên nói chung khá hài lòng.
Bữa trưa.
Cá bớp nướng.
Gỏi rong biển.
Trứng chiên.
Ăn xong thì đã hơn 2 giờ nên cả bọn nằm đó ngủ trưa luôn (trong quán có võng), đợi chiều bớt nắng rồi xuống bãi dựng trại. Nếu tính luôn việc có võng để nghỉ ngơi thì giá đồ ăn vầy mình thấy cũng ổn.
8. Một đêm cách ly ở Đảo BéHơn 4 giờ thì cả đám bắt đầu bò dậy. Lúc này trên quán người ta đã bắt đầu dọn dẹp (hèn gì anh lái xe điện nói buổi tối ở đây không có ai). Cô bên quán nghe nói bọn mình chút sẽ cắm trại qua đêm thì bảo tối trời có mưa cứ lên đây nằm võng (hu hu người dân ở đây thật là dễ thương). Mình cũng hỏi cô về lịch tàu chạy từ Đảo Bé về Đảo Lớn (lịch chính thức thì 10 giờ mới có chuyến) thì cô bảo là sáng sớm 6 giờ hơn là có tàu đưa khách từ Đảo Lớn sang rồi, có gì đi ké về, hoặc không thì đi chung với cái đoàn ban sáng mấy đứa qua chung ấy.
Xong mình có hỏi vụ nước ngọt thì cô bảo nếu muốn tắm lại thì cô để lại cho mấy xô nước. Mình trả tiền trước 3 xô nước để chút có xuống tắm biển thì lên có nước ngọt mà tắm. Quả này có hơi tổ trác một chút là tới lúc tối quay lên tắm thì phát hiện thùng nước vẫn nằm đó, tự múc. Nghĩa là có trả tiền hay không thì vẫn có nước tắm…
Bãi biển buổi chiều.
Ban sáng anh lái xe điện có nói buổi chiều người ta sẽ xếp gọn thuyền thúng trên bãi lại. Tới chừng ra bãi thì vâng đúng là cái nào cũng để gọn gàng mỗi tội là để tràn lan vì nhiều quá… chỉ có một khoảng nhỏ vừa đủ để dựng lều thôi… tới đây thì có chút vỡ mộng. Bọn mình chiếm chỗ này xong thì một lúc sau có một nhóm 4 bạn trai xuất hiện, cũng cắm trại tối nay ở đây.Cát ở đây không mịn mà rất thô (kiểu vỏ ốc vỏ sò với vụn san hô bị bào mòn ấy) nên đi khá đau chân (đổi lại thì ít dính chân lúc khô, nhưng lúc ướt thì thốn lắm nha…). Dưới cát thì cũng nhiều đá nên căng lều có chút khó khăn…
Thuyền thúng được xếp gọn gàng ở một góc
Hoàng hôn khá đẹp.
Dựng lều xong thì cả bọn đi tắm biển chút. Tới đây thì vỡ mộng tập 2. Biển nước tuy sạch nhưng có khá nhiều rong rêu, và dưới đáy thì có nhiều đá. Không bén lắm nhưng an toàn nhất là nên mặc áo phao để nổi (áo phao được để tràn lan trong hốc đá). Nói chung là không được lung linh như trên hình đâu.
Nhân tiện cũng nói luôn, biển Lý Sơn trông đẹp với nhiều mảng xanh khác nhau thực ra là do đá ngầm với san hô tạo nên đó. Không phải nước biển đổi màu ảo diệu đâu (đừng ngu như mình…). Tới chừng sập tối rồi thì cả bọn lên tắm lại nước ngọt rồi nghỉ ngơi.
Lều trại tối nay.
Kỳ này biết khôn nên trải cái bạt sát vô lều… Tắm rửa xong xuôi rồi thì nằm chơi. Một hồi đói bụng thì bắc nước nấu mì cho bữa tối (do trưa đã ăn ngon rồi). Xong hết lại nằm lăn ra nằm ngắm trời ngắm đất, nói chuyện phiếm do xuống tới đây là không có sóng điện thoại. Kết thúc ngày thứ 2 ở Lý Sơn.
Bữa tối.
9. Ngày về không yên ảHôm nay là ngày cuối cùng cắm trại nên mình quyết tâm dậy sớm chụp hình bình minh. Đợi mãi chỉ thấy trời sáng chứ chả thấy mặt trời đâu. Mình chụp đại vài tấm có vẻ ảo ảo rồi đi đánh thức mọi người dậy.
Tới đây thì mình cũng có lời khuyên là dù Đảo Bé cũng khá đẹp nhưng không cần ở lại qua đêm đâu, đi về trong ngày là được. Chỗ cắm trại trông vậy thôi nhưng khá là nhỏ (do bữa đi Bãi Môn rồi nên thấy ở đây hơi tù), bãi biển cũng hơi nhỏ, có nhiều đá ngầm và rêu (không biết bãi ở khúc khác trên đảo thì sao). Nước biển ở Lý Sơn rất trong nhưng cấu tạo bãi theo mình là không thích hợp để tắm, thực ra để ngắm, vọc nước, chụp hình ảo và lặn ngắm san hô thôi.
Như nước như mây.
Gần 6 giờ 30 là thu dọn xong xuôi hết, cả bọn đi bộ ngược ra khu cầu cảng chờ tàu.
Khu dân cư Đảo Bé buổi sáng.
Ra tới nơi hỏi tàu thì bảo chưa có tàu. Thôi vô quán nước ngồi nghỉ, và lại... ăn xu xoa. Lúc này cũng có rất nhiều người, cả dân địa phương và dân du lịch, đang đợi tàu đi Đảo Lớn.
Xu xoa buổi sáng và ya-ua đá.
Lúc này là gần 7 giờ rồi mà trời vẫn âm u kinh hoàng. Giở điện thoại ra thì mới thấy tin nhắn của mẹ là dự báo thời tiết đưa tin là sắp có bão vào… Hèn gì sáng nay không thấy mặt trời đâu...
Trời mây mù mịt.
Mãi tới gần 9 giờ thì cái tàu cứu hộ đó mới xuất hiện. Mọi người ùa ra thi nhau lên tàu. Một hồi sau thì người bên tàu đếm số người và thấy tàu đang chở quá số lượng cho phép nên yêu cầu vài người xuống bớt để đi chuyến sau, và đề nghị dân địa phương xuống để nhường cho du khách. Một vài người cũng xuống nhưng vẫn chưa đủ. Nhà tàu vẫn tiếp tục năn nỉ (chứ không ép buộc chỉ định), nên cuối cùng 4 bạn trai tối qua cắm trại dưới bãi quyết định đi xuống (cảm ơn các bạn…).
Tàu trở về Đảo Lớn.
Tàu lướt sóng ầm ầm hướng về đảo lớn. Người bên nhà tàu thu tiền, 100.000 VND / người. Lại “hả”? Mà thôi thực sự lúc này có tàu về là mừng rồi… Tới đây thì mình mới đoán ra cái tàu này không phải cano mà là tàu siêu tốc (là cái tàu chạy tuyến Lý Sơn – Sa Kỳ trong vòng 30 phút ấy)…
Tàu chạy chừng 10 phút thì về tới Đảo Lớn. Tới đây thì dòm trời ớn quá nên cả bọn quyết định phải về lại đất liền càng sớm càng tốt trước khi bão ập xuống. Sợ bão vào là kẹt luôn trên đảo… Chen chúc ở phóng vé rồi cũng mua được vé chuyến về sớm nhất là 11 giờ 30… Vé lượt về là 115.000 VND / người (thời điểm tháng 9/2017).
Quầy vé.
Mua vé xong thì quay về nhà nghỉ nghỉ ngơi tí. Trên đường về gặp anh bên nhà nghỉ chạy ngang, ảnh vừa thấy ba đứa là kêu lên: “Ủa 3 đứa về được hay vậy, người ta cho về hả?” (anh ơi anh làm như tụi em bị bắt vậy…). Về tới nhà nghỉ thì hỏi mướn phòng thêm 2 tiếng để chờ tàu, hết 100.000 VND. Tranh thủ tắm rửa cho sạch sẽ rồi đi ăn sáng.
Bước ra khỏi ngõ thì thấy quán cơm bình dân nên xông vào luôn (chả hiểu sao bữa đầu tiên không thấy…), 20.000 VND / dĩa kèm chén canh. Ngon, bổ, rẻ. Lúc tụi mình vô thì quán vắng te không biết là chưa mở hay vừa dẹp hàng, bọn mình vô xong thì tự dưng khách cũng ùa vô quá trời dù lúc đó mới 10 giờ hơn… (chả biết người ta đi ăn cơm sáng hay ăn cơm trưa nữa).
Cơm chả cá thịt kho trứng.
Cơm sườn cá kho.
No nê rồi thì về khách sạn nghỉ tí chờ tới giờ lên tàu. Tính nghỉ tí thôi mà cuối cùng mém trễ giờ. Anh bên nhà nghỉ phải chở cái đứa chậm chạp nhất (là mình) ra cảng bằng xe máy.
Tới đây thì không có hình nữa vì chặng đường về hết sức khủng khiếp. Ra tới cảng xong vừa bước xuống tàu là thấy chết chắc rồi. Biển đang động nên tàu lắc khủng khiếp, mà tàu này thì còn nhỏ với cũ hơn tàu lúc đi…Tàu về gần tới cảng Sa Kỳ thì biển đã dịu lại, lúc này mình cũng không còn cái gì có thể cho ra được nữa nên cũng đã không còn mệt. Lại xấc bấc xang bang một hồi mới có thể lết lên bờ được với toàn bộ đống hành lý.
Tới đây là chính thức tạm biệt Lý sơn. Các bọn lê đống hành lý tới gần bãi xe, đứng tí cho hoàn hồn rồi đi lấy xe (3 ngày 2 đêm là 15.000 VND / chiếc), đổ xăng rồi lại tiếp tục lên đường, tiến về Hội An.
10. Tổng kết kinh nghiệm đi Lý Sơn 3 ngày 2 đêmTrong tất cả những địa điểm du lịch mình đã từng ghé qua, Lý Sơn là cái tên được mình nhắc đến nhiều nhất sau khi trở về. Phong cảnh biển đảo quá đẹp, thức ăn ngon, giá cả hợp lý, không có lý do gì mà không một lần ghé thăm để biết thiên nhiên biển đảo Việt Nam đẹp như thế nào.
Lịch trình đi Lý Sơn 3 ngày 2 đêm đề xuấtNgày 0: Chiều tối đến cảng Sa Kỳ (từ TP. Quảng Ngãi hoặc đi thẳng từ sân bay Chu Lai), nghỉ một đêm ở cảng Sa Kỳ.
Ngày 1:
6:30: Đến cảng Sa Kỳ Mua vé (hoặc lấy vé nếu đã đặt trước). Sau đó đi ăn sáng.7:15: Ra cầu cảng lên tàu (chuyến 7 giờ 30).8:45: Tàu cập bến cảng Lý Sơn. Về nhà nghỉ nghỉ ngơi chút.10:00: Tham quan Đảo Lớn (đê ven biển, chùa Đục).12:30: Ăn trưa. Sau đó về nhà nghỉ nghỉ trưa.15:00: Tiếp tục tham quan Đảo Lớn (Hang Câu, núi Thới Lới). Ngắm hoàng hôn trên đỉnh núi Thới Lới.19:00: Ăn tối ở chợ đêm hải sản.Ngày 2:
7:30: Ăn sáng, đi tham quan chùa Hang.10:00: Đi tàu sang Đảo Bé.10:30: Đến Đảo Bé. Ngồi xe điện tham quan một vòng Đảo Bé.11:30: Lặn ngắm san hô ở Đảo Bé.12:30: Ăn trưa ở Đảo Bé. Nghỉ ngơi hoặc tiếp tục tham quan Đảo Bé.16:00: Lên đường trở về Đảo Lớn. Ngắm hoàng hôn ở Cổng Tò Vò.19:00: Ăn tối.Ngày 3:
7:00: Ăn sáng. Nếu dậy sớm, trước đó có thể lên Núi Thới Lới ngắm bình minh.9:00: Trả phòng, ra cầu cảng lên tàu (chuyến 9 giờ 30).10:45: Về tới cảng Sa Kỳ. Kết thúc chuyến đi.Chi phí dự kiến (không tính tiền ăn và tiền di chuyển đến cảng Sa Kỳ):Vé tàu Sa Kỳ - Lý Sơn: 115.000 VND - 155.000 VND / người (tuỳ chuyến, tuỳ tàu).Vé tàu Lý Sơn - Sa Kỳ: 115.000 VND - 150.000 VND / người (tuỳ chuyến, tuỳ tàu).Vé tàu Đảo Lớn - Đảo Bé: 100.000 VND / người (2 chiều).Ngủ 1 đêm ở cảng Sa Kỳ: 200.000 VND - 250.000 VND / phòng 2 - 4 người.Ngủ 2 đêm ở Đảo Lớn: 250.000 VND - 300.000 VND / phòng 2 - 4 người.Giữ xe 3 ngày 2 đêm ở cảng Sa Kỳ: 15.000 VND /xe.Thuê xe máy 1 ngày ở Đảo Lớn: 150.000 VND / xe (bao xăng).Lặn ngắm san hô: 60.000 VND - 120.000 VND / người / lần.Do Lý Sơn rất đông đúc vào các dịp lễ Tết, nếu có thể, bạn nên đi Lý Sơn vào một ngày thường để có thể tận hưởng hết vẻ đẹp của đảo. Ngoài ra do Lý Sơn nằm ở khu vực hay chịu ảnh hưởng của bão, bạn nên xem trước tin thời tiết cũng như lên kế hoạch kỹ về thời gian di chuyển đi lại (do phải đổi phương tiện di chuyển khá nhiều) để tránh tình trạng bị lỡ tàu hoặc bị kẹt lại đảo do bão. Mình hy vọng bài viết đã cung cấp thêm thông tin cho bạn những kinh nghiệm đi Lý Sơn hữu ích để bạn có thể lên kế hoạch cho một chuyến du lịch đến đây trong một ngày không xa.
Tác giả: Võ Thanh Liên Anh * Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal.
Traveloka Golocal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp đất nước Việt Nam. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch địa phương đến mọi người. Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 800.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: https://www.traveloka.com/vi-vn/golocal
Mục lục bài viết1. Đến với Lý Sơn như thế nào
2. Vượt biển đến với Lý Sơn
3. Lý Sơn – yêu từ cái nhìn đầu tiên
4. Núi Thới Lới và Cổng Tò Vò
5. Chợ đêm hải sản
6. Buổi sáng ở Đảo Lớn
7. Lên đường sang Đảo Bé lặn ngắm san hô
8. Một đêm cách ly ở Đảo Bé
9. Ngày về không yên ả
10. Tổng kết kinh nghiệm đi Lý Sơn 3 ngày 2 đêm
Lịch trình đi Lý Sơn 3 ngày 2 đêm đề xuất
Chi phí dự kiến (không tính tiền ăn và tiền di chuyển đến cảng Sa Kỳ):
Khách sạnVé máy bayThings to DoLuôn biết thông tin mới nhấtĐăng ký nhận bản tin của chúng tôi để biết thêm các khuyến nghị về du lịch và phong cách sống cũng như các chương trình khuyến mãi thú vị.Đăng kýĐăng kýHợp tác với TravelokaĐối tác thanh toán
Về Traveloka
- Cách đặt chỗ
- Liên hệ chúng tôi
- Trợ giúp
- Tuyển dụng
- Về chúng tôi
Theo dõi chúng tôi trên
- TikTok
- Youtube
- Telegram
Sản phẩm
- Khách sạn
- Vé máy bay
- Vé xe khách
- Đưa đón sân bay
- Cho thuê xe
- Xperience
- Du thuyền
- Biệt thự
- Căn hộ
Khác
- Traveloka Affiliate
- Traveloka Blog
- Chính Sách Quyền Riêng
- Điều khoản & Điều kiện
- Quy chế hoạt động
- Đăng ký nơi nghỉ của bạn
- Đăng ký doanh nghiệp hoạt động du lịch của bạn
- Khu vực báo chí
- Vulnerability Disclosure Program
Tải ứng dụng Traveloka
Công ty TNHH Traveloka Việt Nam. Mã số DN: 0313581779. Tòa nhà An Phú, 117-119 Lý Chính Thắng, P. 7, Q. 3, TPHCMCopyright © 2024 Traveloka. All rights reservedTừ khóa » đi Từ Quảng Ngãi Ra đảo Lý Sơn
-
Kinh Nghiệm Du Lịch Lý Sơn Tự Túc Chi Tiết Giá Rẻ Từ A - Z
-
Du Lịch đảo Lý Sơn Quảng Ngãi Từ A đến Z
-
Kinh Nghiệm Du Lịch đảo Lý Sơn 2 Ngày 1 đêm Tự Túc, Chi Tiết Từ A - Z
-
Đảo Lý Sơn Cách Quảng Ngãi Bao Nhiêu Km?
-
Kinh Nghiệm Du Lịch Lý Sơn 2022 Từ A-Z: Di Chuyển, ăn Chơi, Lưu Trú ...
-
[REVIEW] Lịch Trình Du Lịch Lý Sơn Tự Túc 4 Ngày 3 đêm Cực Chi Tiết
-
Kinh Nghiệm Du Lịch Lý Sơn - Quảng Ngãi Tuyệt đẹp - Elite Tour
-
Mọi Điều Bạn Cần Biết Khi Du Lịch Đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi - Klook
-
Kinh Nghiệm Du Lịch Lý Sơn, Quảng Ngãi (Cập Nhật 08/2022)
-
Kinh Nghiệm Du Lịch đảo Lý Sơn: Vé Tàu, Chơi đâu, ăn Gì?
-
Kinh Nghiệm Du Lịch đảo Lý Sơn - Thiên đường Giữa Biển Khơi
-
5 Cách Di Chuyển Từ đà Nẵng đến đảo Lý Sơn – Quảng Ngãi
-
Hướng Dẫn Tham Quan Du Lịch đảo Lý Sơn Chi Tiết Nhất
-
Bản đồ đường đi Đảo Lý Sơn - Du Lịch Quảng Ngãi