Kinh Nghiệm Quản Lý Lớp Học Trật Tự, Tạo Tiết Học Hiệu Quả

Bạn là một giáo viên Tiểu học và bạn cảm thấy chán nản mỗi khi đứng lớp thì học sinh lại mất trật tự, nói chuyện riêng dù có nghiêm khắc hơn thế nhưng tình trạng vẫn không được cải thiện.

Vậy thì hãy cùng Download.vn tìm hiểu về những kinh nghiệm quản lý lớp học trật tự, tạo tiết học hiệu quả giáo viên Tiểu học nên biết nhé! Dưới đây là những kinh nghiệm quản lý lớp học trật tự, tạo tiết học hiệu quả nhất, các bạn có thể áp dụng để giúp lớp học, tiết học của mình luôn trật tự và các học sinh luôn lắng nghe bài giảng.

Kinh nghiệm quản lý lớp học trật tự, học hiệu quả

1. Cho các em học các nguyên tắc trong lớp học

- Chẳng hạn như đầu giờ vào thì giáo viên sẽ đặt câu hỏi: "các con giờ học thì chúng ta học như thế nào?" và bọn trẻ sẽ trả lời, lúc đó giáo viên có cơ hội tiếp lời "vậy thì..." và bạn có thể có 1 ngôn ngữ cử chỉ với các em như:

+ Khi thầy/cô đưa tay lên môi thì chúng ta sẽ cùng im lặng các con làm được không?

+ Khi thầy/cô gõ thước trên bàn thì chúng ta sẽ cùng nhìn lên bảng.

Hoặc giáo viên nên viết 5 nguyên tắc để trở thành một người nghe tốt, dán lên bảng. Mỗi khi học sinh vi phạm, ngay lập tức ngừng dạy và cho học sinh đọc lại các nguyên tắc đó:

  • Tai lắng nghe
  • Mắt nhìn người nói
  • Miệng không nói
  • Ngồi yên
  • Tay không nghịch đồ

- Mỗi khi học sinh không lắng nghe giáo viên, hay không lắng nghe bạn, giáo viên cần nhắc nhở rất nghiêm khắc, cho học sinh nhắc lại quy tắc ngay lập tức và cám ơn những bạn nào đã có kĩ năng nghe tốt. Mỗi khi giáo viên đang nói mà học sinh xen vào, giáo viên nên nói "Cô xin lỗi nhưng đến lượt nói của cô, cô đang nói, cô cần bạn lắng nghe!" Khi giáo viên đang giảng bài mà học sinh quay đi, không chú ý, giáo viên nên đưa ngay tên của học sinh đó vào lời giảng, cho một ví dụ vui vui để gây chú ý và kéo em lại bài giảng của mình.

2. Học sinh ồn - giáo viên im lặng

- Nhiều giáo viên than phiền rằng: "Em la hét khan cả tiếng mà không học sinh nào nghe lời". Vì sao như vậy, chẳng qua bạn chưa biết cách tạo sự chú ý.

Thay vì la hét bảo học sinh im lặng, tại sao bạn không thử tự mình im lặng để gây sự chú ý cho học sinh. Theo như cách này, nếu học sinh ồn thì giáo viên im lặng không giảng bài tiếp, khi nào học sinh im lặng thì tiếp tục giảng, qui định thời gian chờ đợi của giáo viên sẽ học bù lại vào cuối tiết. Nhìn thẳng vào những học sinh đang nói chuyện và chờ các em im lặng, hoặc gọi thẳng tên các em đó để nhắc nhở. Phân công học sinh hay gây mất trật tự, ồn giữ chức lớp phó trật tự. Yêu cầu những học sinh mất trật tự đứng và bắt lỗi các học sinh khác nói chuyện trong giờ học.

3. Học sinh và giáo viên cần có thói quen thực hiện nguyên tắc: "người nói phải có người nghe"

- Khi giáo viên nói, giảng: học sinh phải nghe để hiểu và nắm kiến thức. Và khi học sinh nói, phát biểu: giáo viên cũng phải lắng nghe để biết được ý kiến phản hồi từ học sinh. Chẳng hạn: Khi giáo viên đang giảng bài: học sinh A mất trật tự. Giáo viên mời học sinh đó lên giảng thay (đây cũng là lời nhắc nhở học sinh đã vi phạm vào nguyên tắc "người nói phải có người nghe") và học sinh A sẽ dừng nói chuyện. Nếu trường hợp học sinh A sẵn sàng lên giảng thay giáo viên thì giáo viên sẽ hỏi cả lớp: Các con muốn cô giảng hay bạn A giảng bài. Đương nhiên học sinh sẽ trả lời là muốn nghe cô giảng. Giáo viên sẽ quay sang nói với bạn A: "Các bạn đều muốn nghe cô giảng, cô nghĩ con cũng vậy, đúng không?". Học sinh A sẽ hiểu ra và ngừng nói chuyện. Giáo viên sẽ mất thời gian để giải quyết như vậy 1 lần. Nếu lần sau lớp ồn, giáo viên chỉ cần hỏi: " Ai muốn giảng bài thay cô vậy?", tự khắc học sinh sẽ trật tự.

- Khi giáo viên yêu cầu học sinh làm bài cá nhân: học sinh mất trật tự. Giáo viên chỉ cần nhắc chung: "Cô khen một số bạn tập trung làm bài, không nói chuyện nên làm bài rất nhanh, rất chính xác. Còn những bạn vừa làm vừa nói chuyện thì phải tập trung ngay nếu không sẽ không kịp thời gian đâu nhé"

4. Không bao giờ có thời gian "chết"

Muốn lớp trật tự thì đừng bao giờ cho học sinh có thời gian nói chuyện, làm việc riêng. Điều này có nghĩa là giáo viên phải bao quát tốt, ví dụ như khi đang tiết toán, những học sinh nào đang nói chuyện, giáo viên hỏi lại các học sinh đó nội dung bài cũ, lớp cũ. Nhất là với các học sinh lớp lớn như lớp 3, 4, 5 thì càng có nhiều nội dung để hỏi. Hỏi liên quan đến bài học thì là cái tốt, học sinh sẽ động não tư duy, và sẽ không có thời gian nói chuyện nữa.

5. Giáo viên phải công bằng

- Được thầy cô giáo yêu thương là một trong những yếu tố quan trọng giúp học trò có nhiều động thái tốt trong học tập. Tuy nhiên, nếu tình yêu ấy được chia sẻ không đúng cách, không đúng lúc có thể khiến các em cảm nhận rằng đó là sự thiên vị. Đứng trước một lớp học có sĩ số vài chục học sinh, có những học sinh giỏi, ngoan, đáng yêu thì việc giáo viên dành tình cảm nhiều cho các học sinh ấy là điều dễ hiểu. Ngược lại, giáo viên cũng có thể không dành nhiều tình cảm đến những học sinh cá biệt, nghịch ngợm, không nghe lời. Và trẻ cảm nhận được thái độ, tình cảm của cô giáo dành cho từng học trò ra sao. Đối với trẻ được dành nhiều tình cảm, đó có thể là một niềm hạnh phúc nhưng đôi khi lại hình thành cho trẻ tính ích kỷ, coi mình là “trung tâm”. Trẻ cảm thấy mình có giá trị trước mặt nhiều người, theo đó có thể cậy thế để cư xử với người xung quanh một cách không tôn trọng và xem thường người khác vì đinh ninh mình đã có “chỗ che lưng”. Từ đó, những trẻ còn lại có thể cảm thấy mình không nhận được sự quan tâm, chia sẻ từ giáo viên nên lo lắng, buồn, mặc cảm và mất sự tự tin. Thậm chí trẻ có thể hình thành nên tính đố kỵ, ganh ghét với bạn bè xung quanh. Đôi khi còn khiến trẻ mất đi cảm giác trông chờ, hứng khởi khi tiết học đến và cũng vì thế mà nghịch ngợm, nói chuyện riêng, mất trật tự xảy ra với tần suất nhiều hơn.

Bạn biết đấy, học sinh hoàn toàn có thể phân biệt điều gì là công bằng và điều gì thì không. Vì thế, giáo viên phải đối xử bình đẳng đối với tất cả học sinh nếu mong được học sinh tôn trọng.

6. Cho cả lớp thi đua với cô giáo

- "Nếu lớp mất trật tự thì giáo viên sẽ có điểm và ngược lại, nếu lớp ngoan lớp sẽ có điểm. Đôi khi có thể chỉ rõ bạn nào hư và trừ điểm cả lớp/cả tổ vì bạn đó. Áp lực từ phía các bạn mà cá nhân cá biệt sẽ răm rắp nghe theo." Đây là kinh nghiệm nhỏ quản lý lớp trật tự của một giáo viên đút kết được trong quá trình đi dạy của mình. Nó giúp cho mỗi cá nhân của lớp có trách nhiệm hơn với tập thể, một mặt không nói chuyện gây ồn ào trong lớp, mặt khác nâng cao tinh thần trách nhiệm không để lớp/tổ bị mình ảnh hưởng.

- Phần thưởng hàng tuần là các đồ dùng học tập đơn giản như: bút chì, mực, phấn, thước kẻ, tẩy, bút màu, giấy màu…) nhưng cần được làm vinh dự hóa như: “Đây là phần thưởng dành cho các bạn đã có nhiều cố gắng (có nhiều điểm cộng/ có ý thức tốt….) trong tuần qua, cô hi vọng các con sẽ cùng cố gắng để tuần sau sẽ đến lượt các con nhận quà.”

- Cuối tháng, để học sinh bình bầu hoặc lựa chọn các bạn cố gắng trong 4 tuần học của tháng và thưởng học sinh bằng những món quà lớn hơn như: Cầu đá, sách, truyện, bút mực…

7. Giáo viên cần có phương pháp, hình thức dạy học linh hoạt

- Nói gì thì nói, cách tốt nhất để học sinh không mất trật tự đó chính là lôi cuốn các em vào bài học. Đôi lúc cần có câu chuyện ngắn (liên quan đến kiến thức trong bài) và giáo viên kể hấp dẫn, làm chủ được tiết dạy, đồng thời bao quát lớp tốt, không cắm cúi viết, không chăm chăm nhìn vào giáo án. Nhắc nhở học sinh ngay khi các em không chú ý. Với học sinh cần nhắc cụ thể tên. Chẳng hạn như các trường hợp sau:

  • Khi các em làm bài, giáo viên xuống lớp quan sát và hướng dẫn luôn cho từng em (nếu cần).
  • Cũng có thể dừng lại và hướng dẫn cả lớp.
  • Khi học sinh làm việc nhóm giáo viên quan sát và không để học sinh ngồi chơi. Có bài tập phân hoá đối tượng học sinh.
  • Có những nội dung học sinh không phải ngồi khoanh tay nghe giảng. Các em hợp tác và thảo luận. Không nhất thiết cả tiết hay buổi học yêu cầu các em ngồi ngoan. Thỉnh thoảng tổ chức trò chơi. Đầu giờ trò chơi vận động, giữa các tiết trò chơi nhẹ nhàng để các em thoải mái....

8. Sự thành công của lớp học 99% là ở giáo viên

"Tất cả đều nằm ở giáo viên... Đặc biệt là học sinh tiểu học thì sự thành công của lớp học 99% là ở giáo viên" Nhận xét của một giáo viên khi được hỏi làm thế nào để các tiết học luôn trật tự và hiệu quả. Vậy giáo viên phải làm sao và phải làm như thế nào? Tóm tắt lại có thể hiểu như sau:

  • Cách nói, nói không tốt rất ảnh hưởng
  • Cách viết chữ xấu rất ảnh hưởng
  • Những động tác phi ngôn Ngữ phải chuẩn, lôi cuốn và phù hợp
  • Cách đi phải đúng
  • Cách trao đổi phải nhẹ nhàng gợi mở, cho dù học sinh trả lời sai cũng phải tạo cho học sinh cảm thấy vui và ý nghĩa bởi câu nói sai đó, không được chê, không được thẳng thắn bảo là con trả lời sai, phải làm cho học sinh khi trả lời sai vẫn vui, vẫn có hào hứng phát biểu tiếp
  • Học sinh ngủ gật hay nói chuyện 80% là do giáo viên dạy chưa đạt... Lúc đó cần có biện pháp đến gần học sinh đó, nói to hơn, không cần phải nhắc nhở trực tiếp, học sinh sẽ tự nhắc nhở nhau, khi học sinh đó đã tỉnh ngủ hoặc đã chú ý hơn thì đặc biệt quan tâm đến học sinh đó, có thể hỏi chuyện, ví dụ, hay đưa tên của bạn học sinh đó vào 1 câu chuyện của bài học... Chắc chắn sẽ thành công, cho dù học sinh hư đến đâu thì vẫn muốn nghe khi trong câu chuyện có sự hiện diện của chính mình

Nói tóm lại giáo viên phải thật khéo léo và phải học như câu nói (học ăn học nói học gói học mở) và với lúa tuổi nào thì phải phù hợp vớ lúa tuổi đó.

9. Giáo viên phải học cách lắng nghe và thấu hiểu học sinh của mình

  • Hãy tìm hiểu nguyên nhân trẻ mất trật tự ở đây là gì?
  • Thay vì quát mắng thì hãy đồng cảm với trẻ. Lắng nghe xem các cháu muốn gì?
  • Tổ chức 1 trò chơi nho nhỏ về tinh thần trách nhiệm sau đó phân tích cho trẻ hiểu việc mất trật tự nó có tác hại như thế nào?
  • Hãy hỏi trẻ nếu mất trật tự trong lớp thì có tác hại như thế nào? Để cho các cháu tự trả lời. Sau đó tiếp tục hỏi các cháu 1 câu: Theo các em thì chúng ta phải làm gì? Trẻ sẽ nói cho chúng ta biết. Sau đó sẽ thống nhất quan điểm và đi tới thỏa thuận chung của lớp. Tiếp đến thiết lập quy định để mọi người cùng làm theo luật chơi thống nhất
  • Hàng tuần tổng kết lại vấn đề mất trật tự để tuyên dương và cùng bàn tiếp giải pháp cho những trường hợp vi phạm
  • Cô giáo phải xây dựng là hình mẫu cho các học sinh noi theo

10. Áp dụng các hình thức thưởng phạt hợp lý

  • Nhắc nhở không hiệu quả thì các hình thức xử phạt được xem như giải pháp cuối cùng và các hình thức xử phạt sau đây để các em thấy lỗi của mình và không tái phạm:
  • Học sinh nói chuyện riêng nhiều lần, làm phiền các bạn xung quanh: phạt ngồi riêng lên đầu lớp trong vài ngày.
  • Học sinh đánh nhau: Phạt lao động/trực nhật cùng nhau.
  • Học sinh không làm bài cũ: Phạt học thuộc và giảng bài lại cho cả lớp.
  • Học sinh mất trật tự ảnh hưởng đến lớp học: Phạt xin lỗi từng người trong lớp.
  • Học sinh chửi bậy: Phạt đứng cúi đầu xin lỗi 20 lần.
  • Học sinh xúc phạm giáo viên: Mời phụ huynh lên làm việc và khen ngợi trước, sau đó mới nói về vấn đề giáo viên bị xúc phạm. Học sinh tự xấu hổ và chủ động xin lỗi thầy cô (tâm phục khẩu phục).
  • Học sinh bị điểm kém: Phạt chép bài nhiều lần.
  • Học sinh trốn học đi đánh điện tử: Phạt trực nhật đầu và sau giờ học, chép bài cũ đã trốn.

Từ khóa » đề Nghị Cả Lớp Im Lặng