KINH NGHIỆM THI VÀ PHỎNG VẤN VÀO CANON - Vision

Lượt xem: 21.686

Nhằm trang bị cho các bạn sinh viên mới ra trường và các bạn đã đi làm nhưng có mong ước và nguyện vọng làm việc với Canon Việt Nam. Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm liên quan đến thi cử và phỏng vấn tại Canon Việt Nam. Nội dung bài viết lấy từ kinh nghiệm thực tế trong giai đoạn 2012 tới 2019.

BẠN CÓ PHÙ HỢP?

Đầu tiên, dù bạn là ai (sinh viên mới ra trường hay những người đã từng đi làm), các bạn cần tìm hiểu kỹ về công ty và công việc mà mình định ứng tuyển. Từ lĩnh vực sản xuất, môi trường làm việc, thời gian làm việc, chế độ làm việc, mức lương, tới các trợ cấp cơ bản.

Một trong số các câu hỏi khá phổ biến mà nhà tuyển dụng (không riêng Canon) vẫn thường hỏi đó là “Bạn biết gì về công ty chúng tôi?”, “Tại sao bạn chọn phòng ban/ vị trí này?”. Khi đi phỏng vấn, tôi khá thất vọng và thường loại các ứng viên không trả lời một cách thuyết phục các câu hỏi cơ bản này. Vì nếu bạn không tìm hiểu kỹ về công việc và môi trường làm việc mà bạn đang ứng tuyển thì chắc chắn bạn sẽ làm việc không tốt (đặc biệt khi bạn ứng tuyển tại các vị trí quản lý – G2up). Ngay cả khi bạn là sinh viên mới ra trường – bạn như một trang giấy trắng, đồng ý là bạn vừa ra trường và bạn cần việc (Ok – Fair !). Tuy nhiên nếu bạn không có định hướng hoặc tìm hiểu về công việc của mình thì tôi sẽ lo ngại về mức độ gắn bó của bạn.

Để tìm hiểu thông tin về công ty không hề khó, chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ. Cả thế giới đang chuyển mình với cách mạng 4.0 – vậy chắc hẳn là bạn biết sử dụng công cụ tìm kiếm để tìm các thông tin liên quan đến công ty. (Bạn có thể truy cập trực tiếp vào website của công ty để tìm hiểu http://www.canon-vn.com.vn/vn/general_intro.html)

Ngoài các nguồn thông tin trên, bạn có thể tham khảo thêm qua người quen đã từng làm việc tại Canon. Việc tìm hiểu thông tin qua đối tượng thực tế là khá cần thiết, tuy nhiên bạn cần chọn đối tượng phù hợp để tham khảo. Vì họ chỉ chia sẻ cho bạn cảm nhận và góc nhìn của cá nhân họ, tuỳ theo năng lực, trình độ và vị trí – câu trả lời bạn nhận được có thể là khách quan hoặc chủ quan. Cá nhân mình khuyên mọi người nên hỏi và tham khảo những người có kinh nghiệm làm việc ở cấp quản lý, như vậy họ sẽ có cái nhìn bao quát và khách quan hơn.

Một điều quan trọng nữa đó là mức lương. Ở Canon, lương hưởng theo cấp bậc và rất rất rất rõ ràng, minh bạch. Bạn sẽ không có cơ hội thỏa thuận (nếu bạn muốn cao hơn mức Canon áp dụng thì mời bạn… tìm nơi khác). Do vậy, bạn nên tìm hiểu rõ mức lương dựa theo cấp bậc mà bạn ứng tuyển (G1, G2 hay G3). Từ năm 2018, Canon có phân biệt mức lương của khối Kỹ Thuật và các khối còn lại (mức chênh lệch ~ 1tr/tháng), nếu bạn ứng tuyển vào khối kỹ thuật thì xin chúc mừng vì thu nhập của bạn đã hơn huynh đệ cùng lứa ở khối khác rồi.

OK. Sau khi đã tìm hiểu về công ty, bạn thấy muốn và phù hợp với kiến thức, kinh nghiệm, hoàn cảnh, định hướng… của mình thì chúng ta chuyển sang bước tiếp theo.

LUYỆN THI

Trên mạng có rất nhiều các bài viết về đề thi đầu vào của Canon. Bên cạnh bài thi về tiếng anh, IQ-G.Match, còn có bài thi chuyên ngành. Tùy theo chuyên ngành bạn đăng ký, sẽ có các đề thi phù hợp với từng chuyên ngành (Cơ khí, IT, Điện-điện tử, Admin…).

Bài thi chuyên ngành

Nội dung bài thi có thể thay đổi theo từng thời kỳ, do vậy các bạn đừng quá cầu toàn và hy vọng học tủ. Do nội dung đề thi bao quát khá rộng các kiến thức cơ bản, do vậy các bạn cần chủ động ôn tập lại để đảm bảo làm tốt bài thi chuyên ngành. Ví dụ mảng cơ khí có các câu hỏi liên quan đến sức bền (tính độ bền, momen lực…), cơ học kỹ thuật (vận tốc tay quay – con trượt; gia tốc góc, gia tốc hướng tâm…); đo lường (đọc thước kẹp, panme…), vẽ hình chiếu 3D từ các hình chiếu theo tiêu chuẩn góc chiếu thứ 3 của Nhật. Mảng điện-điện tử có thể yêu cầu về đọc giá trị điện trở qua vạch màu, địa chỉ – chức năng chân IC…; mạch logic And-Or…; mạch chỉnh lưu; đoạn code…

Tóm lại, với phần thi chuyên ngành các bạn cần rèn ôn luyện lại các kiến thức cơ bản. Sẽ là một lợi thế với các bạn mới ra trường vì trong đầu vẫn còn đọng lại nhiều kiến thức cơ bản hơn so với các bạn đã rời ghế nhà trường một thời gian.

Có khá nhiều thông tin được chia sẻ trên mạng về nội dung bài thi, để đạt được kết quả tốt bạn cần phải đầu tư thời gian tìm kiếm các nguồn thông tin khác nhau. Đây cũng coi như là bước đầu tiên để khẳng định bạn là một người chủ động thay vì bị động cầu may.

LỰA CHỌN PHÒNG BAN

Sau khi kết thúc phần thi lý thuyết, các phòng ban trong công ty sẽ lên giới thiệu sơ bộ các thông tin liên quan đến vị trí công việc cần tuyển dụng (thời gian làm việc, quy mô phòng bạn, vai trò và nhiệm vụ của phòng ban, mô tả sơ lược về công việc của vị trí đang cần tuyển).

Thông thường, phần giới thiệu phòng ban được tổ chức khá muộn (sau khi thi xong lý thuyết), do vậy có nhiều bạn không đủ kiên nhẫn để ở lại tham khảo nội dung này. Cá nhân mình khuyên các bạn nên kiên trì ở lại để tham khảo các nội dung chia sẻ này, ngoài ra còn có phần giải đáp các thắc mắc của ứng viên. Từ các thông tin có được, các bạn nộp lại cho nhân sự của công ty về lựa chọn phòng ban của mình (bạn muốn làm việc tại phòng ban nào).

Khi bạn lựa chọn một cách có cơ sở (bản thân có phù hợp với yêu cầu công việc hay không?) thì các bạn hoàn toàn có thể trả lời được câu hỏi phỏng vấn “tại sao bạn lại lựa chọn phòng ban chúng tôi?” hoặc “bạn biết gì về phòng ban chúng tôi?”, “tại sao chúng tôi nên chọn bạn?”

Tất cả các nhà tuyển dung luôn quan tâm tới khả năng gắn bó của ứng viên, do vậy câu trả lời của bạn sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới kết quả đánh giá của nhà tuyển dung.

THI PHỎNG VẤN

Khoảng 1 tuần sau khi thi lý thuyết, các bạn sẽ nhận được lịch hẹn thi phỏng vấn từ phía nhân sự của công ty (nếu bạn đạt yêu cầu ở vòng thi lý thuyết)

Lưu ý về trang phục khi thi lý thuyết, Canon thường có ít nhất là 2 vòng phỏng vấn. Một vòng sơ loại (thường do các anh chị quản lý người Việt phỏng vấn để lựa chọn các ứng viên phù hợp) và vòng 2 sẽ lựa chọn chính thức (Có sự tham gia của các cấp quản lý người Nhật). Do ảnh hưởng của văn hóa công ty nên khi tham dự phỏng vấn các bạn cần ăn mặc lịch sự. Tuyệt đối tránh cách để trang phục, đầu tóc không phù hợp với môi trường làm việc trong khu công nghiệp (ví dụ như quần bò thủng lỗ chỗ…, đi dép lê…, trang sức hoặc trang điểm quá sặc sỡ…)

Canon yêu cầu với G2-up sẽ phải trình bày bài phỏng vấn bằng tiếng anh. (Với G2, đa số các ứng viên đều không thể trình bày tốt bằng tiếng anh, do vậy nhà tuyển dụng có thể tạm châm trước cho bạn trình bày bằng tiếng Việt, nhưng với G3 – khả năng cao là bạn sẽ bị loại nếu không thể trình bày được bằng tiếng anh)

Lưu ý về cách trình bày: Cần trình bày rõ từng ý, tránh tình trạng trả lời rất dài nhưng khó phân biệt từng ý và không rõ bạn đang hướng trọng tâm tới đâu. Ví dụ khi giới thiệu về kinh nghiệm bản thân, nếu bạn đưa ra thông tin một cách tràn lan thì sẽ gây khó khăn cho người nghe vì họ phải suy nghĩ xem bạn đang muốn hướng tới điều gì. Như vậy nhà tuyển dụng sẽ đánh giá không cao kỹ năng trình bày của bạn. Hãy trình bày mạch lạc từng ý, ví dụ bạn giới thiệu về kinh nghiệm làm việc của bạn ở công ty A với vai trò là quản lý line sản xuất, bạn hay nói rõ cho nhà tuyển dung biết những kinh nghiệm chính của bạn là (1 là…; 2 là …; 3 là …). Đừng trình bày một cách liên miên bất tận. Hãy trình bày rõ từng ý và có các khoảng ngắt hợp lý (khoảng 1 giây) khi kết thúc một ý trước khi bắt đầu ý thứ 2.

Giao tiếp bằng ánh mắt: Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá khả năng giao tiếp, mức độ tự tin của bạn thông qua giao tiếp ánh mắt trong quá trình phỏng vấn. Bạn nên nhìn vào đối phương khi trả lời, với các câu hỏi chung do nhân sự đưa ra, bạn hãy nhìn về phía hội động phỏng vấn và dịch chuyển ánh mắt qua các đối tượng để tạo tín hiệu giao tiếp. Khi một cá nhân đưa ra câu hỏi thì bạn sẽ hướng tới cá nhân đó khi trả lời. Nếu bạn nhìn lên trần nhà hay nhìn xuống đất hoặc nhìn vào đối tượng không liên quan thì sẽ làm giảm hiệu quả khi giao tiếp và điều đó cũng phản ánh mức độ tự tin của bạn chưa cao.

Ngoài ra, khi bạn nhìn vào đối tượng cần giao tiếp, bạn sẽ biết khi nào nên ngắt nhịp hoặc điều chỉnh âm lượng hay tốc độ của mình. Ví dụ bạn thấy nhà tuyển dụng hài lòng (thể hiện qua ngũ quan) thì bạn có thể tiếp tục và bạn cũng sẽ tự tin hơn. Có một số trường hợp nhà tuyển dụng bị gián đoạn ví nhiều lý do như có điện thoại gấp hoặc trao đổi với người bên cạnh, nếu bạn không nhìn vào đối tượng mà mình giao tiếp thì bạn sẽ không biết để chủ động dừng lại. Hoặc khi nhà tuyển dụng có biểu hiện khó hiểu hoặc không hài lòng thì bạn cũng nên cân nhắc và điều chỉnh (Có thể bạn đang trình bày quá xa trọng tâm câu hỏi, hoặc cách phát âm của bạn chưa chuẩn khiến đối phương không hiểu bạn đang nói gì)

LỜI CHÀO

Bên cạnh lưu ý về trang phục, bạn cũng nên tham khảo về văn hóa “xin chào” của Canon. Khi được mời vào phòng phỏng vấn, khi bước vào phòng, bạn nên nói “xin chào” với tất cả các thành viên trong hội đồng phỏng vấn và hơi cúi người kèm theo mỉm cười thân thiện. Bằng cách này, người phỏng vấn sẽ có thiện cảm và ấn tượng với các bạn ngay vì điều đó thể hiện các bạn có tìm hiểu văn hóa Canon và tạo cảm giác thân thiện vời hội đồng phỏng vấn.

Một lưu ý nhỏ nữa đó là các bạn cần ghi nhớ thông tin hướng dẫn của nhân sự về cách tìm vị trí ngồi của mình (một nhóm thường có 5 ứng viên vào phỏng vấn liền lúc, bạn cần di chuyển theo hàng và nhận định đúng vị trí ngồi của mình, tránh lúng túng và gây phản cảm với hội đồng phỏng vấn ngay từ những hành động đầu tiên)

Sau khi được ra hiệu hoặc nhắc nhở ngồi xuống thì các bạn hay ngồi xuống ghế của mình trong tư thế ngay ngắn (lưng thẳng, mắt nhìn về phía người phỏng vấn, hai tay để trên đùi). Tuyệt đối không khoanh tay trước ngực, rung đùi, hoặc khua múa tay chân khi ngồi hoặc khi trả lời.

OK – giờ chúng ta đến với các câu hỏi phỏng vấn. Nhân viên tuyển dụng của phòng nhân sự sẽ chịu trách nhiệm đưa ra các câu hỏi chung (cơ bản) cho ứng viên. Sau đó cấp quản lý tại các phòng ban mới đưa ra câu hỏi cho bạn. Do phỏng vấn đồng thời 5 ứng viên, do vậy nhà tuyển dụng sẽ đưa ra câu hỏi và mọi người trả lời lần lượt. Thứ tự trả lời có thể là từ trái qua phải hoặc ngược lại (các ứng viên ngồi hàng ngang). Các bạn ngồi ở ngoài cùng bên trái hoặc phải sẽ phải trả lời ngay lập tức sau khi nhận câu hỏi, các bạn còn lại có thời gian để suy nghĩ và lựa chọn cách trả lời.

GIỚI THIỆU BẢN THÂN

Câu hỏi đầu tiên chúng ta gặp ở bất kỳ một cuộc phỏng vấn nào. Đó là GIỚI THIỆU BẢN THÂN. Mặc dù đây là câu hỏi cơ bản nhất, nhưng trả lời như thế nào cho ấn tượng lại chẳng dễ dàng gì.

Một số lưu ý nênkhông nên khi trả lời câu hỏi này.

Nên trả lời một cách ngắn gọn và trọng tâm. Chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ không hứng thú nghe bạn kể về tuổi thơ, số người trong gia đình hay là anh trai mình làm ông này ông kia. Các bạn nên giới thiệu ngắn gọn và đầy đủ về bản thân. Và một điều rất quan trọng đó là đừng thổi phồng quá mức về năng lực bản thân. Nhà tuyển dung hoàn toàn có thể phát hiện ra khi hỏi sâu hơn mà bạn không trả lời được, và như vậy bạn sẽ mất điểm hoàn toàn trong mắt nhà tuyển dung.

Các thông tin cần thiết khi giới thiệu bản thân là:

1. Họ tên, tuổi, nơi ở (mặc dù nhà tuyển dụng có thể lấy thông tin này từ CV của bạn, nhưng bạn vẫn nên đưa vào trong phần giới thiệu bản thân).

2. Trình độ học vấn và thành tích nổi bật trong học tập. Với các ứng viên chưa có kinh nghiệm làm việc, bạn cần giới thiệu về trình độ học vấn để nhà tuyển dụng nắm được xuất phát điểm và năng lực tiềm năng của bạn. Với những ứng viên đã có kinh nghiệm, nếu ngành học của bạn phù hợp với yêu cầu tuyển dung thì bạn có thể đưa vào, trường hợp ngành học của bạn không phù hợp thì có thể chọn cách giới thiệu một cách khái quát và sơ lược.

3. Kinh nghiệm làm việc. Nếu bạn chưa từng đi làm, có thể trình bày các kinh nghiệm hoặc trải nghiệm của mình. Ví dụ như thực tập, tình nguyện, gia sư, hội sinh viên… Cần khéo léo liên kết các kinh nghiệm mình có được với vị trí ứng tuyển (cần năng lực kỹ thuật hay quản lý người, quản lý kho, quản lý dự án…). Lưu ý về cách trình bày ngắn gọn, rõ từng ý để tăng hiệu quả truyền đạt thông tin

4. Lý do lựa chọn Canon và lý do rời bỏ công việc cũ (nếu bạn đã/đang làm việc ở công ty khác). Bạn có thể bỏ qua nội dung này nếu không muốn trình bày, tuy nhiên chắc chắn sau đó nhà tuyển dụng vẫn sẽ hỏi lại.

5. Tín hiệu kết thúc phần giới thiệu bản thân. Đây là điều cần thiết, khi phỏng vấn, nếu bạn dừng lại mà không có tín hiệu bằng một câu “cảm ơn vì sự lắng nghe” thì rất có thể sẽ gây hiểu lầm cho nhà tuyển dụng rằng bạn đang suy nghĩ và phân trình bày của bạn vẫn còn. Sau đó là khoảng thời gian im lặng giữa hai bên, phía nhà tuyển dụng sẽ xác nhận xem bạn đã kết thúc chưa. Điều này có thể khiến bạn bị một điểm trừ.

Bạn có thể tham khảo bài viết về cách giới thiệu bản thân khi phỏng vấn theo đường dẫn (hãy đọc kỹ nội dung phía cuối bài viết về cách giới thiệu bản thân. Feb-2021 mình có update thêm nội dung CEO muốn nghe gì từ bạn trong câu hỏi này. Nội dung khá phù hợp với những bạn phỏng vấn ở level cao hơn)

CÁCH GIỚI THIỆU BẢN THÂN KHI PHỎNG VẤN

CÁC CÂU HỎI CƠ BẢN ĐỂ KHAI THÁC THÔNG TIN

Tại sao bạn lại chọn Canon?

Bạn lựa chọn phòng ban nào và tại sao?

Hướng dẫn: Với những câu hỏi này, khi bạn đã tìm hiểu thông tin và thấy mình thực sự PHÙ HỢP về trình độ chuyên môn, định hướng, hoàn cảnh, môi trường… (như đã tôi đã đưa ra trong phần đầu của bài viết). Khi bạn đã hiểu rõ và thấy mình phù hợp thì bạn hoàn toàn có thể trả lời tốt hai câu hỏi này.

Hãy tóm tắt tại kinh nghiệm của bạn.

Khi giới thiệu bản thân, hầu hết mọi người đều đã đưa ra thông tin tóm tắt về kinh nghiệm bạn thân, tuy nhiên phía nhân sự Canon thường sẽ đưa ra yêu cầu để các bạn trình bày lại. (Vì có một số ứng viên không trình bày thông tin này khi giới thiệu bản thân).

Vẫn theo tiêu chí ngắn gọn, rõ ràng, rành mạch từng ý. Bạn hãy kể lại kinh nghiệm của bản thân mình và hãy liên kết những kinh nghiệm này tới vị trí bạn đang ứng tuyển để chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy bạn là người phù hợp. Ngay cả khi bạn có rất ít kinh nghiệm hay chưa có kinh nghiệm làm việc (sinh viên mới ra trường) thì bạn vẫn có thể lựa chọn cách trình bày sao cho nhà tuyển dụng thấy được bạn có khả năng tiếp cận công việc. (Ví dụ vị trí ứng tuyển liên quan đến quản lý người thì bạn có thể link tới kinh nghiệm làm việc nhóm trong hội sinh viên, nhóm đồ án…; nếu vị trí ứng tuyển liên quan tới kỹ thuật thì bạn link tới các kinh nghiệm thực tập hay kinh nghiệm làm (nghiên cứu) ra các sản phẩm công nghệ khi làm đồ án…)

Lưu ý: Nếu bạn là người đã từng nhảy việc rất nhiều hoặc làm qua rất nhiều mảng công việc thì hãy trình bày sơ lược các công việc (kinh nghiệm) không liên quan đến vị trí ứng tuyển và chỉ đi vào chi tiết các kinh nghiệm liên quan đến vị trí ứng tuyển. Tránh trình bày lan man quá dài, điều đó không giúp bạn tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng và sẽ gây phản cảm.

Điểm mạnh và điểm yếu của bạn

Đây là một câu hỏi phổ biến nhưng rất khó để trả lời. Không có câu trả lời hoàn hảo, nó phụ thuộc vào khả năng xử lý của bạn.

Về cơ bản, nhà tuyển dụng chỉ muốn kiểm chứng phản xạ của bạn và cũng để tìm hiểu xem bạn có thực sự phù hợp với vị trí đang ứng tuyển. (Ví dụ: Chắc chắn bạn sẽ không phù hợp vị trí MC sự kiện nếu bạn có điểm yếu là sợ phát biểu trước đám đông).

Bạn có thể tham khảo một số tư vấn về cách trở lời cho câu hỏi này theo đường link sau

“MẸO” TRẢ LỜI CÂU HỎI ĐIỂM YẾU CỦA BẢN THÂN

TRẢ LỜI CÂU HỎI ĐIỂM MẠNH ĐIỂM YẾU KHI PHỎNG VẤN XIN VIỆC

Nếu phòng ban mà bạn lựa chọn không chọn bạn thì bạn có sẵn sàng làm việc ở phòng ban khác nếu được chọn ko?

Trong quá trình phỏng vấn, có nhiều trường hợp một phòng ban nào đó chỉ tuyển một chỉ tiêu trong khi có nhiều ứng viên ứng tuyển. Có thể bạn sẽ không được phòng ban mình đăng ký lựa chọn nhưng lại được phòng ban khác để ý. Cũng có trường hợp các phòng ban sẽ đàm phán với nhau để cân bằng lượng ứng viên. Khi đó nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn có sẵn sàng làm việc ở phòng ban khác khi được chọn.

Với câu hỏi này, đa số ứng viên đều trả lời “Yes” or “No”, tuy nhiên nếu bạn thực sự cân nhắc một cách nghiêm túc và cẩn trọng thì bạn nên kiên định với sự lựa chọn của mình, vì nếu bạn làm việc ở mảng công việc không phù hợp với mình thì sẽ khó có khả năng phát triển.

Khi bạn xác định mình phù hợp với mảng công việc nào, bạn có thể trình bãy rõ sự lựa chọn của mình. Ví dụ: Nếu không được phòng A chọn, tôi có thể làm việc tại phòng D hoặc E. Các phòng ban còn lại không phù hợp với tôi (hãy chuẩn bị sẵn câu trả lời khi bị hỏi tại sao bạn phù hợp với D, E mà không phù hợp với các phòng còn lại). Nếu có một phòng bạn nào đó quan tâm tới bạn và muốn bạn ứng tuyển thì bạn có thể hỏi lại nhà tuyển dụng các thông tin liên quan đến vị trí công việc của phòng ban đó trước khi quyết định. Như vậy bạn sẽ ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng hơn so với cách trả lời “Yes” for all.

CÁC CÂU HỎI TỪ PHÒNG BAN

Nhân viên phụ trách tuyển dụng của phòng nhân sự sẽ chỉ đưa ra các câu hỏi chung nhất để khai thác thông tin ứng viên và xác định một phần tính cách, năng lực, khả năng phản xạ và thích ứng của ứng viên

Sau khi có đủ các thông tin chung, từng thành viên trong hội đồng phỏng vấn sẽ đưa ra câu hỏi cho từng cá nhân mà họ quan tâm. Tùy theo vị trí bạn ứng tuyển và thông tin bạn đưa ra từ các câu hỏi chung, phía tuyển dụng sẽ có các câu hỏi chuyên sâu hơn để khai thác và đánh giá xem ai là người thực sự phù hợp.

Khối kỹ thuật

Hội đồng phỏng vấn gồm các anh chị quản lý từ các phòng ban, do vậy họ nắm rất rõ về các kiến thức chuyên môn. Trường hợp bạn ứng tuyển vào khối kỹ thuật và mô tả công việc đòi hỏi chuyên môn về lĩnh vực kỹ thuật đặc thù (vi điều khiển, PLC, LED, C#, NX, Mold design, bảo trì máy…) Khi đó bên tuyển dụng sẽ hỏi về các lĩnh vực này để xác nhận xem bạn có đủ kiến thức để làm việc hay không.

Nếu bạn là một sinh viên mới ra trường hoặc chưa có kinh nghiệm thực tế thì nhà tuyển dụng sẽ hỏi tới các kiến thức mà bạn đã học. Thường xoay quanh đồ án tốt nghiệp, một sản phẩm hoặc nghiên cứu nào đó của bạn trong thời sinh viên.

Nếu bạn là ứng viên đã có kinh nghiệm làm việc thì nhà tuyển dụng sẽ hỏi về chuyên môn liên quan trực tiếp tới kiến thức và công việc mà bạn đã làm ở công ty cũ. Ví dụ bạn làm ở nhóm sửa chữa khuôn thì có thể nhà tuyển dụng sẽ hỏi đến phần mềm hỗ trợ thiết kế và làm chương trình CNC như NX, Master CAM… hay các dụng cụ máy móc hỗ trợ sửa khuôn. Các lỗi thường gặp, điểm khó khăn khi thực hiện việc sửa chữa là gì? Cũng có thể sẽ hỏi bạn về cấu tạo khuôn (để sửa được khuôn thì bạn phải hiểu được cấu tạo khuôn), các hình thức bảo dưỡng khuôn…

Đôi khi có thể xuất hiện các câu hỏi đặc thù như: Điều quan trọng nhất trong thiết kế là gì?

Tóm lại, nếu bạn ứng tuyển ở vị trí vận hành,  bạn cần chuẩn bị kỹ các thông tin chuyên môn liên quan đến công việc mà bạn ứng tuyển.

Khối sản xuất

Đặc thù của khối sản xuất là làm việc và tiếp xúc trực tiếp với dây truyền sản xuất để tạo ra sản phẩm. Do vậy đòi hỏi bạn phải có kỹ năng quản lý hoặc có tiềm năng về mặt này. Để khai thác thông tin, nhà tuyển dụng có thể đưa ra một tình huống và xem bạn sẽ đưa ra phương án xử lý như thế nào.

Ví dụ vị trí ứng tuyển của bạn liên quan đến việc quản lý người (trưởng line, trưởng ca). Khi đó phía tuyển dụng sẽ hỏi bạn về việc quản lý người. Ví dụ: trước đây bạn quản lý trực tiếp bao nhiêu người? Làm thế nào để bạn quản lý được nhiều người như vậy trong khi bạn không thể ngày ngày trực tiếp đi theo từng người một? Bạn sắp xếp công việc cho cấp dưới như thế nào?

Bên canh các câu hỏi trực tiếp đi vào chuyên môn, cá nhân tôi khi muốn khai thác thông tin ứng viên, tôi thường yêu cầu ứng viên mô tả về công việc của chính họ một cách chi tiết. Căn cứ vào đó tôi có thể đánh giá được khả năng của ứng viên. Ứng viên sẽ phải mô tả lại công việc hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng năm. Từ đó có thể biết được tường tận và tầm của một người quản lý.

Các bạn sinh viên mới ra trường hoặc những bạn chưa có kinh nghiệm làm việc trong môi trường sản xuất cũng không cần lo lắng. Canon tập trung vào phát triển con người, do vậy họ chỉ tuyển cấp bậc từ G3 trở xuống (Rất hi hữu tuyển G4), Canon có mức lương tiêu chuẩn cho từng cấp bậc do vậy phía tuyển dụng cũng không đòi hỏi ở bạn quá cao về kinh nghiệm. Vì chúng tôi hiểu nếu bạn có trình độ cao thì mức lương khởi điểm của Canon khó đáp ứng được kỳ vọng của các bạn (Đặc biệt là các vị trí ứng tuyển G3). Do vậy, các bạn sinh viên mới ra trường cũng có cơ hội rất lớn. Bạn chỉ cần cho nhà tuyển dụng thấy bạn có phẩm chất để làm việc trong môi trường sản xuất là được.

Đặc thù của môi trường sản xuất, bạn phải quyết đoán và có tố chất lãnh đạo. Bạn có thể lấy dẫn chứng từ các kinh nghiệm có được thời sinh viên như bạn là trưởng phòng trong ký túc xá, trưởng nhóm trọ, hay nhóm học tập hoặc bất kỳ hoạt động nào. Môi trường sản xuất cần những phẩm chất này. (Lưu ý những gì tôi đang đề cập hướng tới các vị trí ứng tuyển trưởng line hay trưởng ca, vị trí cần năng lực quản lý nhóm). Với các vị trí vận hành đơn lẻ như vận hành máy, bảo dưỡng, sửa khuôn… thì sẽ chuẩn bị theo các nội dung thuộc khối kỹ thuật như đã đưa ra trước đó.

CÁC CÂU HỎI PHỤ

Có một số câu hỏi mang tính khảo sát hoặc mang tính cá nhân của thành viên phía tuyển dụng. Các câu hỏi này chỉ mang tính tham khảo, không mang tính đánh giá và cũng không ảnh hưởng nhiều tới kết quả phỏng vấn của bạn. Khi trả lời chỉ cần trung thực và rõ ràng, dứt khoát.

Bạn có thích và thường xuyên đá bóng không? Bạn thường đá ở vị trí nào?

(Một số “Sếp” thường hỏi vì Canon có nhiều hoạt động phong trào như ngày hội thể thao, CVN-Cup… và các phòng ban cũng thường xuyên tổ chức giao lưu với nhau)

Nhà bạn ở gần Samsung, tại sao bạn không ứng tuyển vào Samsung?

Bạn nên cân nhắc trả lời khéo léo vì trả lời không ổn có thể bị đánh giá mức gắn bó không cao. Như đã đề cập từ phần 1 về sự phù hợp, nếu bạn có cân nhắc và tìm hiểu thì bạn có thể trả lời tốt câu hỏi này.

Bạn có quen biết ai trong công ty (nhà máy ***) chúng tôi?

Các bạn trả lời một cách trung thực, nếu bạn có người quen thì càng chứng tỏ được cho nhà tuyển dụng về việc bạn có thông tin tham khảo khi lựa chọn vào công ty hay lựa chọn vị trí công việc.

Bạn có sẵn sàng làm thêm giờ, làm vào ngày nghỉ, làm theo ca – kíp ko?

Có lẽ không cần bình luận nhiều về câu hỏi này. Bạn đã tìm hiểu, đã tham khảo để cân nhắc sự phù hợp trước khi ứng tuyển thì bạn hoàn toàn có thể trả lời một cách nhanh chóng và dứt khoát.

Bạn mong muốn (đề xuất mức lương) như thế nào?

Hiếm khi Canon hỏi bạn câu hỏi này vì mức lương của Canon đã chuẩn hóa theo cấp bậc, bạn sẽ bị hỏi khi điền mức lương mong muốn trong hỗ sơ tuyển dụng quá cao hoặc quá thấp so với mức lương tiêu chuẩn. Để trả lời được tốt, bạn nên tham khảo mức lương của công ty cho vị trí bạn đang ứng tuyển, nếu bạn đòi hỏi quá cao thì dù bạn có thể hiện tốt như thế nào đi nữa thì bạn vẫn bị loại do công ty không đáp ứng được mức thu nhập kỳ vọng của bạn.

Bạn kỳ vọng trong 5 năm nữa bạn sẽ như thế nào?

Bạn nên trả lời về công việc, không nên miên man về đời sống như vợ đẹp, con ngoan, 3 tầng, 4 bánh. Nhà tuyển dụng muốn xác nhận xem bạn có là tuýp người cầu tiến hay không. Và cũng đừng trả lời một cách quá ngông cuồng kiểu như 5 năm nữa em hy vọng mình có thể giống như anh chị hôm nay. Ngay cả khi bạn rất có kinh nghiệm và bạn có năng lực thực sự, nhưng có thể những người đang phỏng vấn bạn đã phải cống hiến rất nhiều và rất vất vả mới lên được cấp bậc hiện tại, khi bạn trả lời như vậy sẽ làm mất thiện cảm với nhà tuyển dụng, và chỉ cần một nét bút là bạn có thể mất cơ hội việc làm.

Bạn có vấn gì cần xác nhận với chúng tôi không?

Với câu hỏi này, nếu bạn có thông tin gì chưa rõ ràng thì có thể xác nhận lại, tuy nhiên cần cân nhắc kỹ khi đưa ra câu hỏi, tránh câu hỏi để gây ấn tượng bằng các câu hỏi quá hiển nhiên. Nếu bạn không còn gì để xác nhận thì cứ thẳng thắn trả lời là KHÔNG.

KẾT THÚC

Sau hội đồng phỏng vấn không đặt thêm câu hỏi, nhân sự công ty sẽ thông báo cho các bạn về hình thức nhận kết quả phỏng vấn.

Và đừng quên nói “xin cảm ơn” thay cho lời chào tạm biệt. Khi đứng lên, chú ý không di chuyển ghế ngồi và trật tự xếp theo hàng để ra khỏi phòng. Hãy giữ hình ảnh đến phút cuối, chờ mọi người ra khỏi phòng, bạn có thể ra ngoài theo trình tự như khi vào, hoặc ra cuối hoặc đi cùng mọi người. Đừng hấp tấp chen ngang hay vội vã chạy ra ngoài đầu tiên như khi còn đi học, nghe chuông báo hết giờ thì vội xô đẩy chạy đi trước.

Các câu hỏi ở lần phỏng vấn lần 2 cơ bản đều giống lần 1. Chỉ có điểm khác biệt duy nhất là có thêm thành viên quản lý cấp cao ở các phòng ban (người Nhật và người Viêt). Nhiệm vụ của bạn ở vòng phỏng vấn này là trau chuốt lại các câu trả lời từ lần 1 để có thể trả lời lưu loát, logic, với phong thái tự tin. Thành quả của bạn sẽ tỷ lệ thuận với những nỗ lực bạn đã bỏ ra, và hãy nhớ rằng – dù thành công hay thất bại thì bạn cũng đã cố gắng hết sức mình. Và sau tất cả, hãy tự nhìn lại để rút ra kinh nghiệm cho bản thân cho các lần phỏng vấn khác. Ngay cả khi đã vào làm việc trong Canon, tương lai bạn sẽ còn đối mặt với rất nhiều lần phỏng vấn nội bộ khác.

Các bài viết tiếp theo mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm phỏng vấn nội bộ trong Canon (phỏng vấn promotion, phỏng vấn đánh giá định kỳ như thưởng hè, thưởng tết). Các bạn hãy chia sẽ kinh nghiệm của bản thân sau khi phỏng vấn để giúp đỡ cho các ứng viên trong tương lai bằng cách gửi bình luận dưới bài viết nhé.

Từ khóa » Bài Thi Gmat Canon