Kinh Nghiệm Trị Bệnh Với Cây Râu Mèo - Tra Cứu Dược Liệu

Cây râu mèo là vị thuốc Đông Y có tác dụng điều trị bệnh sỏi thận, tăng bài tiết, hạ đường huyết… Ở Việt Nam, râu mèo phân bố rải rác ở vùng đồng bằng và miền núi như: Cao Bằng, Thanh Hóa (Vĩnh Lộc), Hà Nội (Ba Vì), Lâm Đồng, Phú Yên (Tuy Hòa), Ninh Thuận (Phan Rang), Kiên Giang (Phú Quốc)… 

Kinh nghiệm trị bệnh với cây Râu mèo 1

Cây râu mèo còn gọi là Cây bông bạc. Tên khoa học là Orthosiphon stamineus Benth., thuộc họ Bạc hà (Lamiaceae). Có tên gọi như vậy bởi hoa của loài này hình dạng rất giống với bộ râu của mèo, đó là cây râu mèo. Không chỉ đẹp, cây râu mèo còn được biết đến với tác dụng đặc biệt vào đường tiểu…

Mục lục

  •  1. Mô tả cây
  • 2. Tính vị công dụng
    • Tăng và bài tiết nước tiểu
    • Lợi tiểu
    • Bệnh thận và sỏi thận
    • Hạ huyết áp, giảm tần số hô hấp
    • Hạ đường huyết
    • Tăng sức đề kháng
  • 3. Cách dùng, liều lượng
  • 4. Kinh nghiệm trị bệnh với cây râu mèo

 1. Mô tả cây

  • Cây râu mèo-có tên như vậy vì nhị và nhuỵ của hoa thò ra giống râu mèo,cây nhỏ, sống lâu năm, cao 0,3-0,5 -1m. Thân cây có cạnh vuông, mang nhiều cành.
  • Lá mọc đối, cặp lá trước mọc thành chữ thập đối với cặp lá sau. Cuống lá rất ngắn, chừng 2-5mm.
  • Cụm hoa tận cùng thẳng, mọc thành chum, màu hoa lúc non thì trắng, sau ngả màu xanh tím.
  • Hoa nở suốt mùa hè.

2. Tính vị công dụng

Theo Đông y, cây râu mèo có vị ngọt, nhạt, hơi đắng, tính mát; có tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, trừ thấp, dùng làm thuốc lợi tiểu mạnh, thông mật, dùng trong bệnh sỏi thận, sỏi túi mật, viêm túi mật, dùng trị viêm thận cấp tính và mạn tính;viêm bàng quang; sỏi tiết niệu…

Một số tác dụng đáng lưu ý của cây râu mèo

Tăng và bài tiết nước tiểu

Theo nhóm tác giả Chow S.Y. và Liao J.F (Đài Loan), dịch chiết từ râu mèo trên chó thí nghiệm bằng đường tiêm truyền tính mạch với liều 18,8mg/kg/phút có tác dụng tăng cường bài tiết nước tiểu và các chất điện giải Na+ K+ Cl.

Lợi tiểu

Nhóm tác giả G.A. Schut và J.H.Zwaving (Hà Lan) đã xác định tác dụng lợi tiểu của 2 flavon sinensetin và 3-hydroxy – 3,6,7,4 tetramethoxyflavon trong chiết xuất cây râu mèo bằng đường tiêm tĩnh mạch với liều lượng 10g/kg, lượng nước tiểu thu được sau 140 phút là 410mg, còn Sinensetin dùng cùng liều trên, lượng nước tiểu thu được sau 160 phút là 614mg, trong khi đó ở lô chuột đối chứng, sau 120 phút, không thu được một lượng nước tiểu nào.

==> Hai flavon trên cùng một liều 1mg/kg có so sánh với tác dụng của hydrochlorothiazid thấy tác dụng lợi tiểu yếu hơn và xuất hiện chậm.

Bệnh thận và sỏi thận

  • Trong một nghiên cứu ở Ấn Độ, râu mèo rất có ích cho điều trị bệnh thận và phù thũng. Trên bệnh nhân, râu mèo có tác dụng làm kềm hóa máu, sự có mặt của hoạt chất orthosiphonin và muối kali trong dược liệu có tác dụng giữa cho acid uric và muối urat ở dạng hòa tan, do đó phòng ngừa được sự lắng đọng của chúng để tạo thành sỏi thận.
  • Ở Thái Lan, thí nghiệm trên những người tình nguyện khỏe mạnh, dịch râu mèo có tác dụng làm tăng sự bài tiết citrat và oxalat; oxalat với hàm lượng cao có thể tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.

Bệnh thận và sỏi thận 1

Hạ huyết áp, giảm tần số hô hấp

Trên động vật thí nghiệm, chất methylripariochromene A (MRC), ly trích từ lá râu mèo cho thấy có tác dụng hạ huyết áp (đặc biệt là huyết áp tâm thu) do tác dụng giãn mạch, giảm hậu tải của tim và lợi tiểu.

  • Trên chuột nhắt trắng, râu mèo bằng đường tiêm xoang bụng với liều 2 – 4g/kg làm giảm hoạt động vận động của chuột.
  • Trên chó, bằng đường tiêm truyền tĩnh mạch với liều 0,179g/kg có tác dụng hạ huyết áp và làm giảm tần số hô hấp.

Hạ đường huyết

Dịch chiết lá râu mèo có tác dụng hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường nhờ cơ chế kích thích sự hình thành glycogen ở gan.

Tăng sức đề kháng

Các flavonoid trong râu mèo có tác dụng chống oxy hóa và bẫy gốc tự do là các chất gây tổn hại cho tế bào và hệ miễn dịch của cơ thể, do đó râu mèo còn có tác dụng tăng sức đề kháng của cơ thể.

3. Cách dùng, liều lượng

Bộ phận thường dùng cành lá mang hoa lúc chớm nở, tươi từ 20 – 60g; khô từ 12 – 30g/ngày, dưới dạng thuốc sắc, pha như trà hoặc chế biến thành cao. Ngày 5 – 6g bột dược liệu pha với nửa lít nước nóng, chia làm 2 lần, uống trước bữa ăn 15 – 30 phút. Thường uống 8 ngày lại nghỉ 2 – 4 ngày.

Nhánh cây được phơi khô sắc lấy nước, lợi tiểu mạnh và tốt cho việc tiểu tiện. Trong râu mèo, các chất kali, orthosiphonin, mesoisonitol tác dụng lợi tiểu, làm tăng bài tiết chất cặn bã như urê, acid uric, Na+, Cl-… và đặc biệt không làm mất kali nhiều như các thuốc lợi tiểu tây y.

Cỏ râu mèo cũng được sử dụng làm thuốc trị sỏi thận và sỏi túi mật. Ngày dùng 15 – 40g dạng thuốc sắc, hãm. Có thể nấu cao lỏng. Thường uống luôn trong 8 ngày, lại nghỉ 2 – 4 ngày.

Theo tài liệu, Ấn Độ coi dịch hãm lá râu mèo là thuốc điều trị đặc hiệu các bệnh thận và bàng quang, ngoài ra còn điều trị bệnh thấp khớp và bệnh gút. Liều dùng 5 – 12g lá hãm với nước sôi, chia làm 2 lần uống trước khi ăn cơm 15 – 30 phút. Nên uống lúc dịch hãm còn nóng, hoặc sắc nước uống.

Tham khảo thêm: Tác dụng trị sỏi thận của cây chó đẻ

4. Kinh nghiệm trị bệnh với cây râu mèo

4. Kinh nghiệm trị bệnh với cây râu mèo 1

Trị sỏi tiết niệu loại sỏi nhỏ:

Râu mèo 6 – 10g khô, rửa sạch hãm với nửa lít nước sôi như hãm trà. Chia 2 lần uống trong ngày, trước khi ăn cơm 15 – 30 phút. Uống nóng, uống liên tục 10 ngày, nghỉ 4 ngày, lại uống tiếp đợt khác.

Hoặc cỏ râu mèo, chó đẻ răng cưa, thài lài, mỗi vị 30g. Tất cả rửa sạch cho 800ml nước, sắc còn 250ml, uống trong ngày, trước khi ăn, lúc còn nóng. Dùng 5 -10 ngày một liệu trình.

Hỗ trợ điều trị đái tháo đường:

Râu mèo tươi 50g, khổ qua (dây, lá, quả non, tươi) 50g, cây mắc cỡ (sao vàng) 6g. Tất cả rửa sạch cho 800ml nước sắc còn 250ml, uống trong ngày, dùng liên tục 1 tháng, sau đó kiểm tra lại lượng đường trong máu.

Trị tiểu tiện không thông (tiểu buốt, rắt):

Râu mèo 40g, thài lài trắng 30g, rửa sạch cho 750ml nước, đun nhỏ lửa thêm 6g hoạt thạch, uống trong ngày. Uống liền 5 ngày. Nếu tiểu tiện bình thường thì ngừng thuốc.

Trị tiểu ra sỏi, tiểu ra máu và tiểu buốt:

Râu mèo 40g, thài là trắng 30g, Sắc lấy nước, mỗi lần hòa thêm 6g bột hoạt thạch uống trong ngày, chia làm 3 lần. Uống liền 5 – 7 ngày.

Trị viêm đường tiểu: Râu mèo, thài lài, chó đẻ răng cưa, mỗi thứ 30g sắc uống. Dùng trong một tuần lễ.

Trị viêm thận mạn tính, viêm bàng quang, viêm khớp, phong thấp, viêm đường ruột: Râu mèo 40g, tỳ giải và rễ ý dĩ mỗi vị 30g. Sắc nước uống. Dùng 3 tuần nghỉ 1 tuần.

Trị viêm thận phù thũng:

Râu mèo, mã đề, bạch hoa xà thiệt thảo, mỗi vị 30g sắc uống. Chú ý phải kết hợp dùng thuốc kháng sinh của y học hiện đại đủ liều theo phác đồ.

Trị thận dương suy kém kèm theo hiện tượng bụng dưới đau tức:

Râu mèo 16g, mã đề 20g, rễ tranh 12g, tô mộc 12g, rễ cỏ xước 16g, rễ cây ruột gà 12g. Dược liệu khô, sắc với nửa lít nước 150 – 200ml, chia làm 2 lần uống trước bữa ăn.

Trị viêm gan siêu vi, bệnh hoàng đản, da dẻ xanh xao vàng bủng, táo bón kinh niên:

Râu mèo 30g, cỏ lưỡi rắn 30g, cây chó đẻ 30g, ac-ti-sô 20g, cỏ mực 30g. Dược liệu khô thêm 1 lít nước sắc còn 3/4 lít để uống trong ngày. Dùng 3 tuần lễ, nghỉ 1 tuần rồi uống tiếp trong vài ba tháng.

Trị đái tháo đường:

Râu mèo tươi 50g, khổ qua (dây, lá, trái non, tươi) 50g, cây mắc cỡ khô 6g. Dược liệu tươi rửa sạch, bằm nhỏ, mắc cỡ sao vàng, thêm 1 lít nước sắc còn 3/4 để uống trong ngày, dùng liên tục 3 tháng đi thử máu lại.

Lưu ý:

  • Với liều lượng thông thường, cây râu mèo không thấy có tác dụng gây độc cấp tính.
  • Tuy nhiên, do tác động trên sự cân bằng ion K+, Na+… và các phân hóa tố, vì vậy, không nên dùng thường xuyên và lâu dài râu mèo với liều cao.
  • Cần thận trọng khi dùng cho phụ nữ có thai, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

Theo: Suckhoedoisong

Từ khóa » Tác Dụng Của Cỏ Râu Mèo