Kinh Nghiệm Trồng Ngô Ngọt | Farmvina Nông Nghiệp

Giống ngô ngọt là giống lai đơn F1, phần lớn được sản xuất tại Thái Lan, nên rất phù hợp với thời tiết khí hậu nước ta. Mặt khác, nông dân Việt Nam đã quen với việc trồng ngô, nên trồng ngô ngọt yêu cầu kỹ thuật cũng không có gì cách biệt lắm. Hiện nay trên thị trường đang bán các giống ngô ngọt Sugar 75, Star Brix, Seminis, Hoa Trân.

Đặc điểm chung: ngô ngọt có thời gian sinh trưởng ngắn (từ 67-85 ngày tùy thời tiết). Cây cao 2-2,2m, vị trí đóng bắp thấp, nên khả năng chống đỡ tốt. Ngô ngọt trồng được quanh năm, cho năng suất cao từ 650-800kg/sào Bắc bộ. Ngoài thu bắp, ngô ngọt còn cho một lượng thức ăn xanh từ 2,5-3 tấn/sào. Tính kháng bệnh cao.

Chuẩn bị đất: Ngô ngọt có khả năng thích nghi rộng, đất càng màu mỡ càng cho năng suất cao. Chỉ cần chọn đất không bị ngập úng, gần nguồn nước để có thể chủ động cung cấp đầy đủ nước trong quá trình sinh trưởng, phát triển. Đất trồng ngô ngọt yêu cầu cày sâu 18-20cm làm sạch cỏ, bừa phẳng, lên luống.

Mật độ: Mật độ gieo trồng phụ thuộc vào thời vụ và độ phì nhiêu của đất. Nhưng thường trồng với mật độ 1.600-1.800 cây/sào Bắc bộ là tốt nhất. Hàng cách hàng 65-70cm, cây cách cây 25x30cm. 1 kg giống ngô ngọt trồng 4,5-5 sào Bắc bộ (8.000 – 9.000 hạt/kg).

Gieo hạt: Có thể gieo hạt ngô ngọt trực tiếp xuống đất mà không cần ngâm ủ. Gieo hạt sâu 2-2,5cm. Sau khi gieo phải tưới nước thật ẩm cho đến khi hạt nảy mầm mới tưới lại. Chỉ cần gieo 1 hốc 1 hạt. Chú ý đề phòng kiến… Có nơi người ta ủ hạt trong khăn bông ẩm, đợi hạt nảy mầm mới đem ra trồng. Nhưng qua kinh nghiệm thực tế thì phương pháp ủ hạt trong cát ẩm là tốt nhất. Giống ngô ngọt nảy mầm chậm, có hạt 4-5 ngày mới nảy mầm, chỉ khi nào bóp thấy hạt đã thối nhũn mới bỏ đi. Để đảm bảo mật độ cần gieo 5% lượng giống dự phòng, nên gieo trước 1 ngày.

Chăm sóc: Việc chăm sóc ruộng ngô ngọt sau khi gieo cho đến thu hoạch, cũng giống như chăm sóc các giống ngô khác mà bà con nông dân đang trồng. Để có năng suất cao, cần tránh mọi nguy cơ mất cây, và tránh sự phát triển không đồng đều của ruộng ngô.

Giống ngô ngọt

Bón phân:

– Bón lót: Phân chuồng là một yếu tố rất quan trọng, lượng phân chuồng hoai mục bón lót cần 500kg/sào. Phân lân 12-15kg/sào. Phân đạm 3-4kg/sào.

– Bón thúc:

+ Lần 1: Khi ngô 3-4 lá bón 3kg N + 2kg K/sào;

+ Lần 2: Khi ngô 7-8 lá bón 3kg N + 2 kg K/sào;

+ Lần 3: Khi ngô 10-11 lá bón 3 kg N/sào.

Lượng phân và cách bón còn phụ thuộc vào tình trạng đất đai và tập quán của địa phương. Những diện tích chua (pH=4,5) cần bón lót vào rãnh hay hốc 30-40kg vôi bột/sào.

Tưới nước: Nước là yếu tố quan trọng nhất đối với ngô ngọt. Thời kỳ gieo hạt độ ẩm tốt nhất là 50%. Khi cây 3-4 lá cần tưới nước để giữ độ ẩm cho cây, có thể kết hợp pha loãng phân để tưới. Lúc cây 7-8 lá tưới nước đủ độ ẩm 70%. Chú ý khi ngô ngọt giai đoạn xoắn loa kèn, giai đoạn này bón thúc lần cuối, vun cao và tiến hành tưới nước. Nếu thời tiết này tưới nước bảo đảm đủ độ ẩm, năng suất có thể tăng từ 15-20%.

Phòng trừ sâu bệnh: Phòng trừ sâu bệnh cho ngô ngọt như các giống ngô khác.

Thu hoạch: Khác với các giống ngô thông thường, thời gian thu hoạch của ngô ngọt rất ngắn, chỉ trong 2-3 ngày. Khi nhìn các hạt ngô căng đều có màu vàng cam, râu hơi chớm héo thì thu hoạch. Nếu trồng để chế biến thì việc thu hoạch do cơ sở chế biến xác định.

Chú ý: Trồng ngô ngọt tránh giai đoạn trỗ cờ phun râu gặp thời tiết trên 37°C và dưới 15°C. Ngô ngọt nhất thiết chỉ để 1 trái bắp/cây.

Một số điểm cần lưu ý khi trồng các giống ngô ngọt lai F1

– Giống: Các giống chủ yếu đang được sử dụng trong sản xuất đại trà được nhập nội từ Mỹ, Thái Lan như: Sakita, TN 103, TN 115…

– Thời vụ: Theo Công ty TNHH hạt giống Trang Nông thì các giống này đều có thể trồng được quanh năm ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam nước ta. Tuy nhiên, trồng vào mùa mưa nhiều nên chọn các chân đất cao, dễ thoát nước. Thời gian sinh trưởng của vụ Đông Xuân ở các tỉnh phía Bắc hoặc các huyện Đơn Dương, Đức Trọng (Lâm Đồng) sẽ kéo dài hơn bình thường 10-15 ngày ( tùy theo giống ) vì do nhiệt độ thấp.

– Cách ly: Đất trồng ngô ngọt lai F1 phải được cách ly không gian ít nhất 300m với các ruộng trồng ngô giống khác hoặc cách ly thời gian bắt đầu trổ cờ với ruộng khác giống ít nhất 15 ngày để hạn chế giao phấn tự do. Sự giao phấn tự do sẽ hạn chế sự tích lũy đường, làm cho bắp bị nhạt, kém ngọt, chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu cho chế biến.

– Mật độ, khoảng cách trồng: Nên trồng cây cách cây 20-25cm, hàng cách hàng 70cm. Có thể thay đổi ít nhiều về khoảng cách và mật độ tùy theo đất tốt, xấu và tùy giống nhưng cố gắng đạt mật độ từ 10 đến 12 vạn cây/ha để có năng suất cao. Lượng hạt giống cần cho 1.000 m2 khoảng 1,2-1,4 kg. Nên ngâm ủ hạt giống cho nẩy mầm rồi đem gieo để tiết kiệm hạt giống vì giá giống khá cao. Gieo mỗi lỗ 1 hạt và gieo thêm vào bầu khoảng 10-15% để dự phòng trồng dặm sau 5-6 ngày cho cây đồng đều.

– Bón phân: Lượng phân bón tùy thuộc vào đất tốt, xấu để bón cho phù hợp. Bón lót cho 1 ha như sau: 10 tấn phân chuồng hoai mục, 200 kg NPK loại 16-16-8 hoặc 200 kg urê, 400 Supe lân, 150 kg KCl và 300kg DAP. Phân chuồng 7-10 tấn/ha; N:P:K= 140:60:40 tương đương: urê 300-350 kg; Supe lân 370-400 kg ; Kali clorua 80 kg. Bón lót toàn bộ phân chuồng và lân trước khi gieo. Vụ đông trên đất lúa nên giữ lại 1/2 lượng phân lân để tưới lúc ngô xuất hiện hiện tượng lá huyết dụ. Lượng phân còn lại chia làm 2 lần để bón thúc. Bón thúc lần thứ nhất lúc ngô có 3-4 lá bón 1/2 đạm + 1/2 kali; Thúc lần 2 khi ngô có 7-9 lá thì bón nốt số phân còn lại. Khi bón thúc lần I nên cuốc thành rãnh cách hàng ngô 5-10 cm, sâu 5 cm, rải phân đều rồi lấp lại.

– Tưới nước: Tùy theo cách tưới (tưới thấm, tưới phun), độ ẩm của đất, thời vụ (mùa nắng hay mùa mưa) mà có chế độ tưới làm sao để cây không bị thiếu, không bị dư nước hạn chế đến sinh trưởng và năng suất, thậm chí còn gây dịch bệnh làm chết cây. Chú ý tưới đủ nước vào các thời kỳ cây đang lớn, trỗ cờ và nuôi bắp lớn.

– Tỉa chồi và tỉa trái: Trước khi bắp trổ cờ, phun râu nhất thiết phải tiến hành tỉa chồi triệt để 100% (khoảng 3 tuần sau khi gieo) nếu không năng suất trái sẽ giảm, ảnh hưởng chiều cao của cây. Có thể dùng tay bẻ hoặc dao để cắt chồi nhẹ nhàng, tránh làm xây xước đến thân, bắp. Thường trên mỗi cây chỉ để 2 bắp sẽ cho chất lượng tốt nhất. Với những cây sinh trưởng kém, nên tỉa bỏ bớt bắp nhỏ, chỉ giữ lại mỗi cây 1 bắp to nhất. Đồng thời chú ý phòng trừ sâu bệnh.

Print Friendly, PDF & Email

Từ khóa » Trồng Bắp Ngô Ngọt