Kinh Nghiệm Viết CV Ngành Kế Toán Thu Hút Nhà Tuyển Dụng

Nội dung bài viết

  • I. Khái quát về CV xin việc kế toán
  • II. Cách viết CV kế toán chuẩn nhất
    • 1. Giới thiệu chung về bản thân
    • 2. Xác định mục tiêu nghề nghiệp
    • 3. Tóm tắt trình độ học vấn
    • 4. Mô tả kinh nghiệm làm việc
    • 5. Liệt kê kỹ năng mềm cần thiết
    • 6. Hoạt động ngoại khóa đã tham gia
    • 7. Giới thiệu một số sở thích, tính cách
    • 8. Liệt kê chứng chỉ đạt được kèm minh chứng
    • 9. Ghi lại thông tin của người tham chiếu
  • III. Lời khuyên khi viết CV xin việc kế toán
    • 1. Tham khảo kỹ bản mô tả công việc
    • 2. Xác định những thông tin quan trọng
    • 3. Trình bày thông tin ngắn gọn, bao quát
    • 4. Trung thực về chứng chỉ và bằng cấp
    • 5. Chú ý đến hình thức, bố cục CV kế toán
    • 6. Kết hợp màu sắc hài hòa và bắt mắt
    • 7. Kiểm tra lần cuối trước khi gửi cho nhà tuyển dụng
  • IV. Tham khảo một số mẫu CV xin việc kế toán
Post Views: 2.092 4.5/5 - (2 bình chọn)

Để có cơ hội trở thành nhân viên trong lĩnh vực kế toán, bạn phải ghi điểm với nhà tuyển dụng ngay từ những chi tiết cơ bản nhất – và CV là một trong những yếu tố tối thiểu cần thiết trước khi bước vào một cuộc phỏng vấn và tuyển dụng. Hãy cũng theo dõi một số mẹo viết CV kế toán hay và thu hút nhà tuyển dụng trong bài viết này nhé!

I. Khái quát về CV xin việc kế toán

CV xin việc kế toán được hiểu là một bản giới thiệu tóm tắt các thông tin cá nhân của bạn, trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc và các thông tin thêm khác nhằm thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy tổng quan về con người, tính cách cũng như tinh thần làm việc của bạn. Từ đó nhà tuyển dụng sẽ xem xét, đánh giá xem bạn có phù hợp cho vị trí kế toán hay không.

Hiểu đơn giản, CV là lời chào đầu tiên của bạn đến công ty hoặc doanh nghiệp, bởi lẽ nhiều doanh nghiệp sẽ dựa vào CV để quyết định xem bạn có đến được vòng phỏng vấn không. Vì vậy, yếu tố này phải được chuẩn bị thật chỉn chu, rõ ràng, thể hiện được độ chuyên nghiệp của chính bạn.

II. Cách viết CV kế toán chuẩn nhất

1. Giới thiệu chung về bản thân

Đây là mục liệt kê các thông tin cá nhân của bạn, bao gồm họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, số điện thoại và email liên lạc, địa chỉ thường trú, địa chỉ tạm trú… Một lưu ý nhỏ khi cung cấp địa chỉ email là rằng nên sử dụng một tài khoản riêng cho công việc, tên email được đặt nghiêm túc, dễ nhớ. Không sử dụng nickname kiểu như hoantungoc@gmail.com, cobelolem@gmail.com, satthugiaumat@gmail.com,…

Ngoài ra, có một yếu tố cực kỳ quan trọng, không thể thiếu khi nhìn vào CV chính là ảnh đại diện. Mách nhỏ bạn rằng hãy đừng sử dụng ảnh thẻ vào mà hãy ưu tiên chọn những tấm hình bình thường, nghiêm túc, trang phục lịch sự, gương mặt tươi vui, không phản cảm và có thể nhìn rõ chân dung. Lưu ý không chọn những tấm hình chụp nghiêng một bên mặt, bị làm mờ hoặc có filter, chỉnh sửa quá nhiều…

2. Xác định mục tiêu nghề nghiệp

Đây là phần rất cần thiết bất kể bạn ứng tuyển vào vị trí hay ngành nghề nào, nó thể hiện một cách trực quan và tổng quát định hướng, mục tiêu của bạn với nhà tuyển dụng. Khi viết mục mục tiêu nghề nghiệp, bạn cần cô đọng nội dung và có thể viết theo hình thức liệt kê (gạch đầu dòng) hoặc trình bày thành đoạn.

Để có thể trình bày tốt và súc tích, bạn cần định rõ mục tiêu và nguyện vọng của mình theo định hướng ngắn hạn hoặc dài hạn; kết hợp với việc nêu ra bạn sẽ cống hiến như thế nào cho công ty. Về cơ bản, bạn có thể sử dụng các câu như sau:

– Tôi muốn trở nên chuyên nghiệp hơn trong lĩnh vực kế toán.

– Tôi muốn rèn luyện kỹ năng tư duy và tính toán thông qua quá trình tiếp xúc trực tiếp với công việc.

– Với những kỹ năng, trình độ chuyên môn và tinh thần học hỏi của mình, tôi tin rằng mình có thể cống hiến như những gì mà công ty mong đợi.

– Trong vòng 5 năm tới, tôi sẽ không ngừng phấn đấu để có thể trở thành kế toán trưởng.

3. Tóm tắt trình độ học vấn

Bằng cấp là yếu tố cực kỳ quan trọng trong ngành kế toán vì đây là cơ sở để nhà tuyển dụng đánh giá mức độ phù hợp của bạn đối với yêu cầu của công ty. Vì tính chất đặc thù của công việc, bạn cần nêu tóm tắt trình độ học vấn vì đây là điểm ưu tiên rất lớn khi bạn muốn ứng tuyển vào công ty nào đó.

Những thông tin bạn cần điền trong mục này là trường Trung cấp, Cao đẳng hoặc Đại học mà bạn đã theo học, thời gian theo học, khoa/viện theo học, chuyên ngành chính, GPA, xếp loại bằng.

Bạn có thể tham khảo cách trình bày như sau:

– Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (8/2016 – 4/2020)

– Khoa: Kế toán, Chuyên ngành kế toán.

– GPA: 3.72, Xếp loại Giỏi.

cách viết cv kế toán thu hút nhà tuyển dụngme

4. Mô tả kinh nghiệm làm việc

Đối với các ứng viên tốt nghiệp lâu và đã có kinh nghiệm làm việc nhất định, bạn cần thể hiện rõ trên CV thời gian làm việc ở công ty cũ là khi nào, tên công ty cũ là gì, vị trí công ty cũng như vai trò của bạn lúc đó là thế nào, bạn đã đạt được thành tựu gì. Bạn chỉ nên nêu ngắn gọn các thông tin quan trọng và nổi bật nhất, không nên trình bày thành đoạn mà nên trình bày kiểu liệt kê từ 2-3 ý, mỗi ý từ 1-3 dòng là đủ. Chẳng hạn như sau:

– Công ty phát triển và đầu tư X (02/2016 – 8/2019).

– Vị trí làm việc: Kế toán nội bộ.

– Mô tả công việc: ghi chép và tổng hợp chứng từ; báo cáo về kinh phí và doanh thu hằng tháng; báo cáo kết quả kinh doanh; tất cả các công việc được thực hiện trên phần mềm kế toán nên bản thân có khả năng sử dụng các phần mềm kế toán linh hoạt.

Đối với các ứng viên là sinh viên mới tốt nghiệp, bạn chưa có cơ hội thực tập nên chưa có kinh nghiệm, bạn có thể bỏ qua mục này hoặc ghi vào CV thẳng thắn rằng “Chưa có kinh nghiệm làm việc”. Với những đối tượng chưa có kinh nghiệm, ngoài trình độ học vấn, bạn cũng có thể ghi điểm với nhà tuyển dụng nhờ vào tinh thần nhiệt huyết, thái độ học hỏi của mình. Vì đây là ngành nghề phải thường xuyên làm việc với con số và phần mềm, cho dù bạn cố tình khai giả vào CV thì bạn cũng không thể vượt qua vòng phỏng vấn.

Ngoài ra, để có thể ứng tuyển thành công, bạn hãy đọc kỹ bản mô tả công việc (Job Description – JD), các yêu cầu về kiến thức và kinh nghiệm. Với những bạn mới tốt nghiệp, bạn nên ứng tuyển vào vị trí thực tập sinh hoặc học việc, về lâu dài, nếu làm tốt, bạn có thể được cân nhắc lên làm nhân viên chính thức; hoặc nếu môi trường không phù hợp thì bạn cũng đã có kinh nghiệm để viết CV và tìm đến công ty khác.

5. Liệt kê kỹ năng mềm cần thiết

Có một vài kỹ năng mềm đặc biệt quan trọng, cực kỳ cần thiết bất kể bạn làm trong ngành nghề nào, bao gồm kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tiếp nhận và học tập, kỹ năng nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, kỹ năng thích nghi với môi trường. Tất cả những kỹ năng này đều rất cần thiết trong quá trình hòa nhập, làm việc và phát triển.

Tuy nhiên, bạn cũng chỉ nên liệt kê một vài kỹ năng cần thiết chứ không nên liệt kê hết tất cả những gì bạn có. Với các kỹ năng mềm đặc biệt quan trọng như trên, bạn có thể liệt kê chỉ trong một ý mà không cần tách ra nhiều ý khác nhau gây choán chỗ. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể liệt kê một vài kỹ năng cứng cơ bản có liên quan đến kế toán.

Hãy tham khảo một số cách viết như sau:

– Kỹ năng làm việc nhóm, quản lý thời gian, giao tiếp, thích nghi tốt.

– Linh hoạt, năng động, trách nhiệm, ham học hỏi, chủ động.

– Khả năng phân tích dữ liệu với phần mềm kế toán như BRAO, MISA,…

– Sử dụng thành thạo tin học văn phòng: Word, Excel, PowerPoint,…

– Kỹ năng đánh máy, kỹ năng xử lý số liệu.

– Kỹ năng về hạch toán thuế, hạch toán giá thành sản phẩm,…

6. Hoạt động ngoại khóa đã tham gia

Đa phần, đây là mục gây bối rối cho không ít người khi thiết kế một chiếc CV vì không ai thật sự biết nó có quan trọng hay không. Với ứng viên đã từng đi làm và đã có kinh nghiệm nhất định thì đây là mục không cần thiết, tuy nhiên, với những bạn sinh viên mới ra trường, đây là mục thông tin thêm có thể được nhà tuyển dụng cân nhắc nếu biết cách đánh vào tâm lý của họ.

Các hoạt động ngoại khóa ở đây chỉ những hoạt động bạn đã từng tham gia khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bao gồm các buổi sinh hoạt ở câu lạc bộ – đội – nhóm, các vai trò khi tham gia hoạt động như cộng tác viên hoặc thành viên nòng cốt, tình nguyện viên cho các chương trình thiện nguyện. Việc liệt kê các hoạt động ngoại khóa là tiêu chí giúp nhà tuyển dụng nhận ra các fresher như bạn có thể làm việc nhóm, đồng thời nhận ra tính cách hòa đồng, năng nổ, chủ động và hoạt bát.

Đặc biệt, hãy ưu tiên các hoạt động có liên quan đến kế toán bạn đã từng tham gia cho dù tham gia bằng hình thức nào hoặc với vai trò gì, những kinh nghiệm bạn có được từ những buổi sinh hoạt nhỏ đó thông qua chia sẻ của các anh chị đi trước đôi khi lại là hành trang cho những việc bạn phải đối mặt sau này.

Hãy chú ý chỉ liệt kê khoảng từ 1-3 hoạt động tiêu biểu kèm thời gian cụ thể, bạn có thể tham khảo một số cách viết hoạt động ngoại khóa vào CV như sau:

– 8/2020: Tình nguyện viên Chương trình Tiếp sức mùa thi – Đơn vị tổ chức: Trung cấp Bách Khoa Sài Gòn.

– 10/2021: Câu Lạc Bộ CLB Kế toán A – Ban tổ chức Chương trình X.

7. Giới thiệu một số sở thích, tính cách

Với vị trí là nhân viên kế toán, nhà tuyển dụng có thể định hình được cơ bản con người của bạn thông qua sở thích và tính cách. Một số những sở thích khá tốt mà bạn có thể đưa vào CV là thích đọc sách liên quan đến kinh tế, sách liên quan đến kế toán, thích mày mò và tìm hiểu về máy tính, công nghệ cũng như các phần mềm sử dụng trong kế toán, thích các hoạt động ngoại khóa,…

8. Liệt kê chứng chỉ đạt được kèm minh chứng

Với những nghề thuộc ngành kế toán, sẽ có những chứng chỉ bạn có thể học để bổ sung thêm nhằm tăng kỹ năng và năng lực bản thân, bao gồm các chứng chỉ như CPA Việt Nam, CFA,… Ngoài ra, bạn cũng có thể thêm một vài thông tin về chứng chỉ tin học (MOS, tin học văn phòng,…) hoặc chứng chỉ ngoại ngữ (IELTS, TOEFL, TOEIC, SAT,…) vào CV.

Những bằng cấp này sẽ là một điểm cộng rất lớn cho những bạn nhắm đến công ty hoặc tập đoàn nước ngoài. Để tăng độ thuyết phục và chính thống, bạn hãy thêm thời gian đạt được bằng cấp cũng như đơn vị cấp bằng bên cạnh.

9. Ghi lại thông tin của người tham chiếu

Người tham chiếu trong CV có thể là cấp trên, trưởng phòng, quản lý, phó giám đốc, giám đốc,… ở công ty cũ, hay đơn giản hơn là những người có chuyên môn từng làm việc với bạn trong một kế hoạch hoặc dự án nào đó trong một thời gian nhất định. Đây là những người đã chứng kiến sự nỗ lực của bạn trước đó và có đủ điều kiện để trở thành “người bảo lãnh” năng lực cho bạn khi bạn chuyển sang môi trường làm việc mới.

Đây là mục được đặt ở cuối CV, sau khi bạn đã thể hiện hết các thông tin năng lực phía trên, nhà tuyển dụng sẽ xem xét hết một lượt rồi quay lại đối chiếu với người tham chiếu để đưa ra quyết định.

Hãy hỏi ý kiến của người tham chiếu trước khi điền thông tin của họ vào CV. Khi đã nhận được sự đồng ý, bạn có thể điền các yếu tố là họ tên, chức vụ làm việc, tên đầy đủ của công ty, thông tin liên lạc cụ thể (số điện thoại, email, địa chỉ).

III. Lời khuyên khi viết CV xin việc kế toán

1. Tham khảo kỹ bản mô tả công việc

Việc tham khảo kỹ bản mô tả công việc (Job Description – JD) không chỉ giúp ích cho quá trình phỏng vấn của bạn mà còn đóng vai trò cực quan trọng trong việc thiết kế CV. Những thông tin được đưa ra trong JD là những yêu cầu của nhà tuyển dụng, bạn có thể dựa vào đó để thiết kế, tổ chức và liệt kê nội dung cũng như những tố chất phù hợp với định hướng của công ty.

2. Xác định những thông tin quan trọng

Mỗi ngành nghề khác nhau sẽ có những yêu cầu riêng trong công việc, thậm chí các vị trí khác nhau trong cùng một lĩnh vực cũng sẽ không có yêu cầu chung nhất vì đặc điểm và tính chất là không đồng nhất.

Với đặc tính và yêu cầu công việc của ngành kế toán, bằng cấp chính là yếu tố quan trọng nhất và bạn phải đặt mục này ở nơi dễ thấy nhất khi người khác nhìn vào CV. Ngoài ra, yếu tố kinh nghiệm bản thân cũng nên được chú trọng, bạn hãy đề cập đến nó với việc liệt kê các dự án đã từng tham gia, vị trí và vai trò trong dự án đó ra sao,…

Tuy nhiên, các ứng viên là sinh viên mới ra trường hoặc xin đi thực tập, cái quan trọng nhất chính là tinh thần làm việc của bạn – được thể hiện qua các hoạt động ngoại khóa cũng như sở thích và tính cách của mình.

3. Trình bày thông tin ngắn gọn, bao quát

Bạn không nên trình bày tất cả thông tin trong CV thành một đoạn văn dài mà nên chia nhỏ ra thành từng đầu mục rõ ràng, trong từng đầu mục trình bày các thông tin ngắn gọn, bao quát bằng những ý nhỏ (gạch đầu dòng).

Lưu ý cho bạn rằng, trừ mục mục tiêu nghề nghiệp, bạn hãy cố gắng liệt kê các ý còn lại bằng danh từ hoặc cụm danh từ, tính từ hoặc cụm tính từ, động từ và cụm động từ. Tránh viết những câu mơ hồ, tối nghĩa, dễ gây hiểu lầm trong CV vì nhà tuyển dụng không có thời gian dừng lại để nghiên cứu ý nghĩa thật sự bạn muốn truyền tải.

4. Trung thực về chứng chỉ và bằng cấp

Tính chất công việc của kế toán là cực kỳ chú trọng đến năng lực và bằng cấp, cho dù bạn có thành công thông qua với các chứng chỉ hoặc bằng cấp giả ghi trong CV, đến lúc phỏng vấn bạn sẽ không qua mắt được nhà tuyển dụng và thậm chí còn bị đánh giá thấp.

Vì vậy, thay vì cố gắng lập bằng cấp, chứng chỉ giả hoặc khai không đúng sự thật, bạn hãy cố gắng tập trung phát triển năng lực cá nhân và làm việc với tinh thần cầu tiến, nhà tuyển dụng cũng như đồng nghiệp sẽ nhìn ra được tố chất của bạn và họ sẽ có thể vui vẻ giúp đỡ bạn trong quá trình làm việc.

5. Chú ý đến hình thức, bố cục CV kế toán

CV của bạn không nhất thiết phải quá đẹp, cầu kỳ hay bắt mắt, nếu bạn có thể tự thiết kế được thì rất tốt nhưng không có thì cũng không sao vì bạn có thể sử dụng hoặc tham khảo mẫu CV sẵn có. Trên thực tế, bạn chỉ cần thiết kế CV nhất quán, nội dung thông tin được thể hiện rõ ràng, hợp lý và logic, không có yếu tố nào bị lẫn vào nhau.

Về độ dài, bạn chỉ nên thiết kế CV từ 1-2 trang vì nhà tuyển dụng thường phải đọc rất nhiều những CV khác, hãy chú ý làm nên một chiếc CV ấn tượng và gây được thiện cảm với họ. Bạn cũng cần đảm bảo các yêu cầu về font chữ (sử dụng chung một font), size chữ (đề mục có size lớn hơn nội dung trong đề mục, thống nhất cỡ chữ giữa đề mục và nội dung) và khoảng cách (khoảng cách giữa đề mục và nội dung trong đề mục phải chú ý đảm bảo sao cho dễ đọc, không bị rối).

6. Kết hợp màu sắc hài hòa và bắt mắt

Không phải những màu sắc chói lóa, nổi bật lúc nào cũng thu hút được nhà tuyển dụng, bạn cần tuân thủ một quy tắc rất cơ bản trong thiết kế chính là nguyên tắc về kết hợp màu sắc. Màu sắc hài hòa nhưng vẫn bắt mắt là chìa khóa thu hút ánh nhìn của người đọc, đem lại cảm giác dễ chịu và thoải mái.

Để có thể kết hợp màu với màu cũng như màu với chữ, bạn cần lưu ý điều chỉnh một số chi tiết trong CV như sau:

– Những mục có tính chất giống nhau thì sử dụng cùng màu chữ. Chẳng hạn, thông tin cá nhân, mục tiêu nghề nghiệp cùng màu chữ; nội dung trong 2 mục trên có cùng màu chữ.

– Màu chữ bạn chọn giữa đề mục và nội dung trong đề mục không nên quá khác biệt. Cụ thể, bạn có thể sử dụng màu trắng cho đề mục và màu xám trắng cho nội dung.

– Màu chữ phù hợp với màu CV.

7. Kiểm tra lần cuối trước khi gửi cho nhà tuyển dụng

Bạn nên dành thời gian đọc qua một lượt những gì bạn viết trong CV, đảm bảo không xảy ra bất kỳ lỗi chính tả và ngữ pháp nào vì đây là điều tối kỵ, nó thể hiện sự hời hợt và không chuyên nghiệp của bạn. Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý đến font chữ xem có bị lỗi font không, khoảng cách giữa các chữ có dễ đọc không, màu sắc bạn chọn đã phù hợp và hài hòa với nhau chưa,…

Tiếp đến, bạn hãy đọc kỹ lại và đảm bảo không có một thông tin nào sai sót, từ thông tin cá nhân cho đến các thông tin quan trọng khác như bằng cấp, chứng chỉ, kỹ năng và kinh nghiệm.

IV. Tham khảo một số mẫu CV xin việc kế toán

Mau CV ke toan chuyen nghiep 2 Mau CV ke toan chuyen nghiep 1 Mau CV ke toan chuyen nghiep 4 Mau CV ke toan chuyen nghiep 5

Từ khóa » Cách Viết Cv Cho Sinh Viên Kế Toán Mới Ra Trường