Kinh Nghiệm Xin Học Bổng Eiffel Bậc Thạc Sĩ Và Thi Vào Grande Ecole ...

26 / 100 Powered by Rank Math SEO Học bổng Eiffel mang tên 1 ngọn tháp nổi tiếng thế giới đặt tại Paris-Pháp (Riêng ngọn tháp này hàng năm đón tiếp  7  triệu khách du lịch). Qua nhiều năm, rất nhiều thế hệ du học sinh Việt Nam đã nhận được học bổng danh giá này của Bộ Ngoại giao Pháp. Đa phần các bạn sẽ đi theo khối kỹ thuật. Nhân 1 dịp tình cờ, Team Nguồn Học Bổng biết đến em- 1 bạn trẻ nỗ lực và năng động đeo đuổi con đường kinh doanh và quản trị này trong 1 buổi Franco-Talent 2018 được tổ chức tại Lãnh Sự Quán Pháp tại Tp.HCM. Học bổng Eiffel cũng không kém phần danh giá như Chevening của Anh, Erasmus Mundus của Liên Minh Châu Âu hay Irish Aid của Ireland đâu các bạn nhé.  Mời các bạn theo dõi phần 2 bài chia sẻ của bạn trẻ này nhé! cam nang san hoc bong Eiffel Ở phần 2 này, Yann sẽ đi chi tiết hơn những gì mà Yann đã đầu tư và chuẩn bị để có thể chạm đến học bổng Eiffel của chính phủ Pháp, một trong những học bổng danh giá nhất hành tinh và cũng là học bổng có mức trợ cấp cao nhất cho việc du học tại đất nước Pháp. Những kinh nghiệm chia sẽ dưới dây là theo góc nhìn của dân học kinh tế, do vậy đối với các ngành học khác như kĩ sư, nghệ thuật và y khoa thì sẽ có nhiều điểm khác. Bạn nào theo học Kinh Tế thì có thể đọc ngẫm kĩ càng trong khi các bạn học ngành khác thì vẫn có thể tham khao bài review này và đồng thời hỏi thêm các anh chị đi trước cùng ngành học để có cái nhìn cụ thể hơn. Hơn nữa, Yann dành rất nhiều thời gian để xây dựng hồ sơ cá nhân cụ thể là hơn 3 năm trời từ năm 2014 đến năm 2017 để có được kết quả viên mãn như hôm nay. Nhiều bạn có thể có thời gian chuẩn bị ngắn hơn Yann nhưng nhìn chung là một khi bạn đã quyết tâm thì bạn cần phải vô cùng kiên trì.

1.Tổng quan về học bổng Eiffel

Như có đề cập sơ sơ ở phần 1 và bên trên thì Eiffel là học bổng của chính phủ Pháp dành cho sinh viên quốc tế theo học . Ứng viên nhận học bổng Eiffel sẽ nhận trợ cấp cao, cụ thể : Trình độ Thạc sĩ : 1181 euro/ tháng.

Ngoài những trợ cấp trên, các bạn còn nhận học bổng còn được hưởng những hỗ trợ khác : + Vé máy bay khứ hồi đi Pháp. + An sinh xã hội, nhà ở tại Pháp. + Hoạt động văn hóa tại Pháp trong thời gian học tập.

hoc bong eiffel phap

Timeline để ứng tuyển :

– Mở đơn: Giữa tháng 10 hàng năm.

– Hạn chót nhận hồ sơ tuyển chọn đến Campus France từ trường học tại Pháp: Giữa tháng 1 năm tiếp theo.

– Thông báo kết quả: Tuần cuối tháng 3 năm tiếp theo.

Tìm hiểu thêm tại: Click here

2.Điểm đặc biệt của học bổng Eiffel: 

“Xin học bổng là xin thẳng lên hội đồng cấp học bổng hoặc xin thông qua Đại Sứ Quán tại nước sở tại.” – Yann chắc rằng đây là suy nghĩ của rất nhiều bạn đang ấp ủ ý định đi du học. Thật ra thì Yann cũng đã từng có suy nghĩ như vậy cho đến khi mày mò tìm hiểu quy trình học bổng Eiffel thì sẽ vỡ lẽ ra là mọi thứ đều khác cái mình đã từng nghĩ, cụ thể là: – Hội đồng học bổng Eiffel, cụ thể là Campus France tại Paris không chấp nhận mọi thể loại hồ sơ cá nhân xin học bổng từ ứng viên. – Hồ sơ được chấp nhận chỉ có thể được gửi từ một trong các cơ sở giáo dục sau đại học tại Pháp.

Với 2 điều kiện trên, điều đó đồng nghĩa với việc:

Bước 1: Bạn phải được một cơ sở giáo dục sau đại học tại Pháp chấp nhận vào học tại trường của họ trước tháng 12 hàng năm.

Bước 2: Bạn phải trải qua vòng xét tuyển sơ bộ của trường mà bạn nộp vào để trường đưa ra quyết định có chọn hồ sơ của bạn để đưa lên hội đồng học bổng Eiffel hay không.

Tag 01

Hơn nữa theo như Yann biết thì mỗi trường chỉ gửi được 1 hồ sơ (ai có thông tin nào khác thì cứ comment bổ sung bên dưới nhé) chất lượng nhất lên hội đồng nên việc chọn trường cũng không dễ dàng. Vì là học bổng quốc tế nên bạn sẽ cạnh tranh trực tiếp với tất cả các sinh viên quốc tế nộp vào trường cùng đợt với bạn.

Bước 3: (Bước này hoàn toàn do trường làm và bạn sẽ không còn được can thiệp gì nữa) .Nếu bạn được trường chọn nộp lên hội đồng Eiffel thì trường sẽ liên hệ với bạn để bổ sung thêm các giấy tờ liên quan hoặc nói chuyện với bạn để hiểu rõ hơn về con người bạn trước khi trường nộp hồ sơ đại diện thay cho bạn.

Bước 4: (Bước này là đến lượt hội đồng học bổng làm) . Khi nhận được tất cả các hồ sơ từ trường học thì họ sẽ bắt đầu xét trên nhiều yếu tố (học lực, ngoại ngữ, hoạt động xã hội, mục tiêu học tập, ý tưởng công việc sau khi học tập). Các hồ sơ sẽ được đánh giá rất kĩ càng vài tháng liền. Theo số liệu đầu năm 2018, thì hội đồng nhận được 1584 hồ sơ từ khắp các cơ sở đào tạo trên nước Pháp, và đã chọn ra 382 hồ sơ để trao học bổng ( tỉ lệ ~24%) với 322 học bổng cho bậc Thạc Sỹ và 60 học bổng cho bậc Tiến Sỹ. Ở bậc Thạc Sỹ, trong 322 suất toàn cầu thì có 24 suất dành cho người Việt Nam (tỉ lệ ~ 7.5%). Không có ứng viện Việt Nam được chọn cho bậc Tiến Sỹ năm vừa qua. Khi bạn được chọn thì Campus France và Đại Sứ Quán sẽ có email thông báo cụ thể cho bạn để làm bước các thủ tục tiếp theo.

linhnd402

3.Các bước chuẩn bị cơ bản về bản thân :

Để xin được học bổng không phải là chuyện dễ dàng, do vậy nên khi bạn đã nhắm đến việc xin học bổng thì ít nhất bạn phải có những nền tảng cơ bản để học Thạc sỹ tại Pháp:

– Ngoại ngữ : tiếng Anh (nếu học bằng tiếng Anh) , tiếng Pháp (nếu học bằng tiếng Pháp hoặc là ít nhất A2 để đủ điều kiện xin visa du học Pháp)

– Học vấn: Đạt trình độ đại học ở mức khá (7.0) trở lên.

– Hoạt động ngoại khóa: Cái này vô cùng quan trọng cho bạn nào muốn xin học bổng chính phủ vì do bạn có tốt nghiệp thủ khoa mà không có một hoạt động ngoại khóa, tiếp xúc xã hội thì khó lòng mà bạn được chọn trao học bổng.

Kinh nghiệm của bản thân Yann:

– Ngoại ngữ: IELTS 6.5 (thi năm 2014), GMAT 500 (thi năm 2014), tiếng Pháp học chương trình song ngữ từ lớp 1 đến hết lớp 12 + bằng cử nhận tiếng Pháp (năm 2014). Do IELTS và GMAT của Yann đã thi từ lâu nên đó là lí do Yann làm hồ sơ thông qua hệ thống Pass-World để có thể thi ngoại ngữ lại theo yêu cầu của trường và hơn nữa là do đi làm nhiều nên không có thời gian đi học ôn thi các bằng ấy lại lần nữa. Ngoài ra Yann có học tiếng Nhật sơ cấp nên hồ sơ đa ngoại ngữ (không tính tiếng Việt) làm cho bản thân nổi bật hơn các thí sinh khác. Nếu các bạn có thời gian đầu tư về khoản này thì Yann khuyên thật tình là các bạn nên đầu tư thi các văn bằng quốc tế IELTS, TOELF, GMAT (tiếng anh) và bằng B2, C1, IAE Score Message, TAGE-MAGE (tiếng Pháp).

Với tiếng Anh: Các bạn muốn đạt học bổng thì phải có IELTS ít nhất là 7.0 hoặc tương đương với bằng TOELF. Hiện nay rất nhiều trường, đặc biệt là Business School và Grande Ecole sẽ yêu cầu bạn nộp thêm cả GMAT nữa. GMAT thì minimum các bạn nên ở ngưỡng 680 trở lên. Thi càng cao càng tốt.

Với tiếng Pháp: Học Master tại Grande Ecole bằng tiếng Pháp thì trình độ tiếng Pháp của bạn ít ra phải ở ngưỡng C1 trở lên và TAGE-MAGE hay IAE Score Message (nếu apply vào hệ thống IAE) là khó mà tránh khỏi được. Và vẫn là câu thi điểm càng cao càng tốt.

Untitled design

FREE DOWNLOAD EBOOK-CLICK HERE

Học vấn: Yann tốt nghiệp đại học với số điểm trung bình 14.6/20.0 và nằm trong top 10 của lớp. Cái gì cũng có cái giá của nó các bạn ạ, học nhiều thì không có giờ chơi và chơi nhiều thì không có giờ học. Cho nên cái gì cũng nên ở mức cân bằng vẫn luôn là cái tốt nhất. Vì thời gian đi học của các bạn có hạn và bạn phải đầu tư nhiều thứ nên việc cân bằng giữa học vấn và hoạt động ngoại khóa là hoàn toàn cần thiết để bạn có được background tốt nhất có thể. Yann hồi đi học cũng có cúp tiết này nọ chứ cũng không phải là học trò ngoan gì, vấn đề là Yann dành thời gian học tiếp thu trên lớp tối đa rồi về nhà toàn chơi games, thư giản đầu óc và có thời gian tìm hiểu thêm nhiều các hoạt động ngoại khóa ngoài nhà trường.

Hoạt động ngoại khóa: từ khi học cấp 3, Yann đã tham gia các hoạt động đoàn hội rồi, lên đại học Yann càng tham gia ác liệt hơn không chỉ vì làm đẹp hồ sơ mà còn là cơ hội để Yann học hỏi được rất nhiều kiến thức bổ ích khác ngoài việc ngồi ghế giảng đường và ráng thi điểm cho cao. Cụ thể Yann đã từng làm tình nguyện viên rất nhiều dự án trong và ngoài nước của các tổ chức lớn quy mô toàn cầu như JENESYS, SARUS EXCHANGE PROGRAM, YMCA, UNESCO, YSEALI …v.v…

Rất nhiều chương trình trao đổi được đăng tải trên website: https://www.youthop.com Để được chọn đi giao lưu văn hóa quốc tế thì các bạn phải viết luận, làm video rất nhiều, do vậy các bạn cần phải trang bị cho mình một trình độ tiếng anh khá và nhiều ý tưởng để có thể ứng cử để ẵm ngay một suất đi cho bản thân mình (được tài trợ bán phần hoặc toàn phần tùy chương trình) để học hỏi và giao lưu cùng bạn bè quốc tế.

Chuyên mục Marketing !!

Dưới đây là một số chương trình quốc tế nổi bật mà Yann đã tham gia và đây cũng chính là những nơi mà Yann học tập kinh nghiệm quốc tế cụ thể nhất ngoài môi trường học đường ( Vài chương trình có video giới thiệu/ tổng kết): + JENESYS Program 2010 : Giao lưu văn hóa tại Nhật Bản dành cho học sinh, sinh viên. + Sarus Exchange Program 2013: Chương trình trao đổi, tình nguyện và giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Cam-pu-chia kéo dài gần 1 tháng. Video xem ở đây. + YMCA International Youth Symposium 2013-2014: Giao lưu văn hóa tại Hong Kong dành cho thanh niên quốc tế. Video xem ở đây. + ASEAN University Students Assembly 2015 (AUSA): Giao lưu văn hóa tại Bangkok, Thái Lan. + UNESCO 1st World Heritage Youth Forum in Asia Pacific 2015: Diễn đàn thanh niên Châu Á Thái Bình Dương về di sản văn hóa tại Siem Reap. + Camp Climate 2015 / COP 21: Hội nghị biến đổi khí hậu thế giới năm 2015 tại Paris, Pháp. Video giới thiệu cho chương trình năm 2018 xem ở đây. + Camp Climate 2016 / COP22: Hội nghị biến đổi khi hậu thế giới năm 2016 tại Marrakech, vương quốc Ma-rốc. Video xem ở đây. + YSEALI Generation Gr3en Workshop 2017: Diễn đàn thanh niên về kinh tế môi trường tại Bandar Seri Begawan, Brunei. Video xem ở đây. + YSEALI Continued Learning Immersion Program (CLIP) 2017: Chương trình tiếp nối của Generation Gr3en tại Manila, Philippines dành cho 03 đội được đánh giá cao nhất từ hội nghị tại Brunei trước đó. Video xem ở đây.

1280economische groep 1

Kinh nghiệm làm việc: Cái này rất quan trọng đối với bạn nào học kinh tế và có ý định học Grande Ecole/ Business School không những ở Pháp và còn ở các nước khác. Yann đã từng được nhận vào học Thạc Sỹ ở 1 đại học tổng hợp tại miền bắc nước Pháp vào năm 2014 ngay khi Yann tốt nghiệp cử nhân. Lúc đó thì chị gái Yann cũng khuyên là Yann chưa nên theo học Thạc Sỹ ngay khi tốt nghiệp mà nên đi làm để có va chạm thực tế trước rồi lúc đó đi học sẽ tiếp thu và nắm bắt nhanh hơn. Hồi đó thì Yann cũng bồng bột lắm nên cũng cãi và quyết đi cho được nhưng trời xui đất khiến lại hủy ngay phút chót về lí do sức khỏe.

Sau đó Yann ở TP. HCM đi làm và bắt đầu va chạm, cùng lúc đó nghiên cứu lại kĩ hơn về định hướng bản thân vì ngành học và nhắm đến học bổng Eiffel. Yann nghĩ đi làm tầm 2 năm thì bản thân sẽ có những kiến thức, mối quan hệ nhất định giúp bản thân định hướng rõ ràng hơn mình muốn học gì và làm gì tiếp theo.

music industry entrepreneur

Các trường về kinh doanh thì họ cũng sẽ thích có học viên có kinh nghiệm làm việc hơn là sinh viên mới tốt nghiệp. Điều này không có nghĩa là các bạn mới ra trường không có cơ hội nhe. Chỉ là khuyên các bạn nên có kinh nghiệm trước để về lâu về dài sau này bạn có sức bật tốt hơn sau khi tốt nghiệp Thạc Sỹ thôi. Và đặc biệt hơn nữa là đi làm rồi thì bạn có cơ hội xin được giấy giới thiệu từ chính sếp của mình và giấy giới thiệu từ công ty sẽ được đánh giá cao hơn là giấy giới thiệu từ giảng viên trường đại học cũ của bạn vì sếp bạn là người tiếp xúc bạn trực tiếp hơn và hiểu cách làm việc và xử lí tình huống của chính bạn, trong khi thầy cô tại trường có rất nhiều thế hệ học sinh tiếp nối và không chắc rằng thầy cô hiểu rõ cách làm việc của bạn như chính sếp của bạn.

Kỹ năng khác / hoạt động thể chất: Ngoài 3 yếu tố nêu trên, bạn cũng nên phát triển thêm các kĩ năng nho nhỏ khác để hồ sơ mình đa dạng hơn và có sức ảnh hưởng và lan tỏa đến cộng đồng hơn. Yann hay đi các nơi (trao đổi, công tác, hội thảo, du lịch) nên Yann cũng dành ít thời gian để làm vài video tóm tắt chuyến đi của mình. Làm video là để 1 là tự học được thêm kĩ năng mới (quay phim/ làm video) và 2 là có cái kỉ niệm chuyến đi thay vì chỉ check-in đăng hình trên Facebook. Yann khi làm tại công ty thì cũng tham gia hoạt động thể thao nữa ví dụ như tháng 1 vừa qua Yann có tham gia chạy Angkor Ultra Trails tại Siem Reap. Các kĩ năng này tuy nhỏ nhưng nó cũng phản ánh rằng bạn là con người năng động, không chỉ lo học mà còn đa tài. Đây hoàn toàn có thể là một điểm nhấn khác trong hồ sơ của bạn.

4.Nộp hồ sơ học bổng Eiffel:

Khi bạn đã chuẩn bị sẵn sàng cho bản thân các kĩ năng và kinh nghiệm như đã nêu ở phần 3 bên trên thì bạn đã đủ điều kiện học Thạc Sỹ và yêu cầu trường hỗ trợ bạn xin học bổng Eiffel rồi đấy. Mấu chốt ở đây hiện đang là kĩ năng giao tiếp và trình bày của bạn và thêm ít may mắn nữa thôi.

– Việc đầu tiên là bạn phải đi tìm hiểu trường bạn muốn nộp hồ sơ vào bằng cách hỏi bác Gồ đưa bạn đến website của họ và tìm hiểu ngành học. Nên nhớ là các bạn phải được chấp nhận vào trường vào khoảng tháng 11 để trường xét tiếp vòng sau nên các bạn có thể dự trù thời gian ra bằng cách liên hệ trường vào tháng 9 hoặc tháng 10 để đảm bảo thời gian trao đổi đủ cho bạn và cho trường.

+ Với các đại học tổng hợp: các bạn có thể tìm thấy người chịu trách nhiệm chương trình trên website của trường. Bạn cần email cho người chịu trách nhiệm gửi kèm CV của bạn cũng như trình bày nguyện vọng được xét tuyển sớm vào trường và đương nhiên là bạn muốn được hỗ trợ xin học bổng Eiffel. Hên thì bên trường sẽ trả lời email cho bạn nhanh chóng và kêu bạn gửi thêm hồ sơ để họ xét, xui thì sẽ tốn thời gian hơn hoặc không nhận được email trả lời. Bạn vẫn có thể gửi lại email để nhắc họ nếu bạn đủ chai mặt 1f642🙂. Nhưng mà gửi email thôi thì ngại gì không làm nhỉ .

+ Với các Grande Ecole: thì đương nhiên là bạn vẫn phải liên lạc trước qua email bằng cách tương tự, sau đó khi có hồi đáp một số trường sẽ bảo bạn tạo hồ sơ online và thi tuyển vào trường như cách Yann thi ở phần 1 của bài viết chia sẻ kinh nghiệm xin học Thạc Sỹ tại Grande Ecole. Grande Ecole thì sẽ có phỏng vấn (trực tiếp hoặc qua mạng), lúc đó các bạn đừng quên nói lại rằng bạn muốn được hỗ trợ xin học bổng Eiffel trực tiếp với đại diện của trường.

~~ Lưu ý: Cách chọn trường cũng ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh của bạn nhé !

+ Học tại đại học tổng hợp: thì không phải đóng học phí mà chỉ có phí ghi danh nên tình hình là không những nhiều bạn từ Việt Nam và quốc tế sẽ xin vào học tại đại học tổng hợp vì đỡ chi phí hơn rất nhiều. Vì vậy nên tỉ lệ chọi tại đại học tổng hợp thường cao hơn.

(Yann không nộp trực tiếp vào đại học tổng hợp nên đây là suy nghĩ riêng của Yann thôi do vậy bạn nào có ý khác vẫn có thể góp ý dưới comment nhé.)

+ Học tại Grande Ecole :thì sẽ có mức học phí cao nhưng bù lại họ sáng lọc sơ bộ khá kĩ ngay từ vòng đầu. Do vậy tâm lí nhiều bạn thường bàn lui ngay từ đầu khi nhắc đến Grande Ecole vì đắt đỏ và thi cử khó khăn dẫn đến bỏ cuộc dù còn chưa vào đến bãi gửi xe nữa. Bởi thế nếu bạn đã muốn vào Grande Ecole thì bạn có lợi thế hơn ngay từ vòng đầu và tỉ lệ chọi vào các vòng trong sẽ thấp hơn. Vả lại, Grande Ecole (cụ thể là trường Telecom Ecole de Management và hệ thống Pass-World) theo Yann thấy là họ vô cùng chủ động email liên hệ trao đổi từng chi tiết nhỏ nhất kèm theo hướng dẫn rất kĩ càng từng bước hồ sơ qua từng vòng tuyển chọn ứng viên cho học bổng danh giá Eiffel.

==> Các trường khi nhận bạn vào sẽ luôn có 1 câu cho bạn rằng họ không thể chắc chắn rằng bạn được chọn để nhận học bổng Eiffel vì thật cái này còn phụ thuộc rất nhiều vào tình hình hồ sơ năm đó của các trường đưa lên Campus France nữa và các bạn phải hiểu rằng quyết định đều nằm ở Campus France Paris chứ không phải do trường ở vòng cuối cùng nữa. Do vậy điều bạn cần là chuẩn bị tâm lí thật tốt cho mọi chuyện có thể xảy ra.

Yann thi Pass-World vào tháng 11 và chỉ vài ngày sau đó là nhận được email báo của Pass-World rằng Telecom Ecole de Management chấp nhận hồ sơ của Yann vào học Thạc Sỹ. Yann cũng ngạc nhiên vì bình thường để trường chọn thì sẽ mất ít nhất 1 tuần trong khi trường chỉ cần 2-3 ngày để quyết định chọn Yann vào học. Sau đó tầm 2 tuần, Yann tiếp tục được nhận email từ trường báo là sẽ chọn Yann đưa lên hội đồng Eiffel. Lúc này trường có yêu cầu Yann viết thêm 1 cái thư nữa bằng tiếng Pháp (2 trang) trình bày cụ thể những đặc điểm nổi bật nhất của bạn thân (học vấn, hoạt động xã hội, kỹ năng, động lực) để chứng minh rằng mình xứng đáng được nhận học bổng cao quý này.

Ngoài ra, trường cũng yêu cầu Yann điều chỉnh 1 số thông tin trong CV bằng cách nêu rõ các thứ hạng mà Yann có trong quá trình học tập của mình (cụ thể là lớp 12 đúng vị thứ 11 trên tổng 40 học sinh và đại học đứng vị thứ 6 trên tổng 50 học sinh).

huong dan san hoc bong lien minh chua au erasmus mundus

Yann nhanh tay viết theo yêu cầu của đại diện trường để trường có thời gian hoàn tất hồ sơ ở những khâu cuối cùng. Khi bổ sung xong, thì nhận thêm cái email nữa báo là ok well done !! thì lúc đó Yann bắt đầu thở phào nhẹ nhõm và để phần còn lại cho trường lo tiếp.

Từ tháng 12 đến hết tháng 3 thì Yann hoàn toàn gạt bỏ không nghĩ đến chuyện Eiffel vì tâm lí càng nghĩ càng trở nên nặng nề để tập trung làm việc và lo các dự án xã hội khác bởi dù có như thế nào đi chăng nữa thì mình cũng đã cố gắng hết sức. Cuối cùng thì cuối tháng 3, thì thằng cháu đang học tại đại học Bách Khoa nó mới nhắn tin Facebook báo là chú ơi chú đậu Eiffel rồi kìa thì Yann mò lên Campus France xem mà tim như muốn rơi ra ngoài.

Hiện tại cho đến hết tháng 4 thì Campus France Paris đã đánh giấy báo và ĐSQ Pháp tại Hà Nội cũng đã gửi email chúc mừng.

Lời tổng kết: Quy trình Eiffel nó gian nan là thế đấy. Nhưng mà nếu bạn có sự chuẩn bị, đầu tư đúng đắn thì khả năng bạn đậu học bổng là hoàn toàn có thể. Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc phần 2 cùa bài review này.

Chúc các bạn/ các em may mắn và tự tin chinh phục học bổng danh giá nước Pháp này trong năm học tiếp theo !!! Nghỉ lễ vui vẻ nhưng đừng vui quá nhe các bạn, vì ai muốn xin học bổng Eiffel cho năm học tiếp theo chỉ còn hơn nửa năm để chuẩn bị nữa thôi đó. 

Source: Yann Nguyễn- Eiffel 2018-2020 Mời bạn đọc Phần 1

  • Facebook
  • LinkedIn
  • Shares

Từ khóa » Xin Học Bổng Eiffel