Kinh Nguyệt Ra ít Do đâu? Cách điều Trị Như Thế Nào? - Hello Bacsi

Hiện tượng kinh nguyệt ra ít hơn bình thường, nếu tình trạng mới xảy ra lần đầu thì có thể do stress, căng thẳng, thay đổi cân nặng hoặc rối loạn nội tiết tố tức thời. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng là một dấu hiệu liên quan đến bệnh lý.

Khi nhận thấy tình trạng kinh nguyệt ra ít, có thể bạn sẽ lo lắng vì không rõ nguyên nhân là gì hoặc cũng có thể bạn sẽ phớt lờ vì xem nhẹ tình trạng. Các dấu hiệu lạ từ cơ thể thường là tín hiệu để chúng ta nhận diện, do đó nội dung bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tín hiệu này, cụ thể là về tình trạng kinh nguyệt ra ít.

Như thế nào là kinh nguyệt ra ít?

Một chu kỳ kinh nguyệt bình thường sẽ kéo dài từ 28 – 30 ngày, có thể nhanh hơn hoặc chậm hơn từ 3 -5 ngày. Thời gian hành kinh là từ 3 – 5 ngày và lượng máu trong mỗi chu kỳ kinh vào khoảng 50-80ml, đã bao gồm máu hành kinh, niêm mạc tử cung và dịch nhầy.

Do đó, nếu một chu kỳ kinh nguyệt ra ít thì có thể là diễn ra ít ngày, lượng máu ít hoặc chu kỳ kinh nguyệt kéo dài tức là rất lâu mới hành kinh một lần.

Dấu hiệu của tình trạng kinh nguyệt ra ít:

  • Số ngày hành kinh chỉ 1 – 2 ngày.
  • Tần suất kinh nguyệt xuất hiện ít hơn, 2 – 3 tháng/lần.
  • Lượng máu kinh mỗi lần ra rất ít, không đầy băng vệ sinh.
  • Kinh nguyệt cũng có thể kéo dài nhiều ngày nhưng lượng máu ra ít, rải rác.
  • Máu kinh có màu sắc bất thường. (Tìm hiểu thêm về màu sắc kinh nguyệt).
  • Chị em cũng xuất hiện các triệu chứng khác như đau bụng dưới, cơ thể mệt mỏi…

Nguyên nhân khiến kinh nguyệt ra ít

Kinh nguyệt ra ít do mang thai ngoài tử cung

Một trong những dấu hiệu mang thai rõ ràng nhất là mất kinh nguyệt. Tuy nhiên, chuyên gia sản khoa Janet Choi, giám đốc y tế tại CCRM in New York cho biết một số phụ nữ vẫn tiếp tục ra kinh nguyệt với lượng ít khi đang mang thai.

Tình trạng kinh nguyệt ra ít trong thai kỳ có thể là dấu hiệu cho thấy có thể bạn mang thai ngoài tử cung. Đây là tình trạng trứng được thụ tinh bên ngoài tử cung do bạn gặp một số viêm nhiễm ở ống dẫn trứng, đặt vòng tránh thai hoặc có sẹo ở tử cung.

Tình trạng mang thai ngoài tử cung rất nguy hiểm nên nếu nghi ngờ, bạn cần thử thai và gặp bác sĩ ngay.

Do cân nặng thay đổi

Tình trạng cân nặng thay đổi có thể làm chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn hoặc kinh nguyệt ra ít hơn bình thường rất nhiều. Khi bạn tăng cân, lượng chất béo tích tụ trong cơ thể có thể khiến hormone mất cân bằng. Tương tự, chế độ ăn kiêng giảm cân bằng cách hạn chế calo có thể khiến cơ thể bạn rơi vào trạng thái căng thẳng và tạo ra sự mất cân bằng hormone.

Cơ thể bạn cần một sự cân bằng giữa protein, carbohydrate, chất béo và vitamin để có thể hoạt động bình thường.

T.S. Akopians, Bác sĩ Sản Phụ khoa chia sẻ

Do đó, để duy trì lượng kinh nguyệt đều đặn mỗi tháng, bạn nên ăn uống đầy đủ và tập luyện thường xuyên.

Kinh nguyệt ra ít do bạn bị căng thẳng

Bạn rất có thể bị mất cân bằng hormone và gặp tình trạng kinh nguyệt ra ít nếu đang bị trầm cảm hoặc phải trải qua những đau buồn lớn. Ngoài stress về mặt tâm lý, lịch tập thể dục quá mức cũng có thể gây căng thẳng về mặt thể chất và làm ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt.

Khi đã qua được giai đoạn khó khăn, lượng kinh nguyệt hằng tháng sẽ bình thường trở lại. Trường hợp nếu kinh nguyệt bị ảnh hưởng do stress, bạn hãy thư giãn bằng cách đọc sách, nghe nhạc, thiền hay du lịch.

Bệnh cường giáp

Bệnh cường giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức khiến cơ thể sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp. Bệnh này có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho tim, huyết áp, cơ bắp…

Hiện tượng kinh nguyệt ra ít bất thường và mất kinh nguyệt là một trong những dấu hiệu của bệnh cường giáp này. Đồng thời bạn cũng nên đi khám ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường kèm theo như lo lắng, mệt mỏi và đi tiểu nhiều.

Kinh nguyệt ra ít do biện pháp tránh thai

Một trong những lý do phổ biến nhất khiến kinh nguyệt ra ít là các phương pháp tránh thai nội tiết như thuốc viên uống tránh thai, miếng dán tránh thai, que cấy tránh thai hoặc vòng tránh thai nội tiết. Những phương pháp này không những có thể khiến kinh nguyệt ra ít mà còn làm kinh nguyệt có màu tối hoặc thậm chí là mất kinh.

Nếu bạn không quen với việc ra kinh ít thì có thể thử các biện pháp tránh thai khác như bao cao su, thuốc diệt tinh trùng hoặc mũ cổ tử cung. Những cách tránh thai này sẽ không làm mất cân bằng hormone nên sẽ không ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, hiệu quả tránh thai thấp hơn các biện pháp nội tiết.

Nếu bạn đang ở trong một mối quan hệ và có thực hiện hành vi quan hệ tình dục, nhưng chưa muốn mang thai, bạn có thể tham khảo Các phương pháp tránh thai an toàn không dùng thuốc.

Máu kinh ra ít do buồng trứng đa nang

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là tình trạng buồng trứng sản xuất hormone sinh dục nam androgen nhiều một cách bất thường. Việc thay đổi nội tiết tố này có thể ảnh hưởng tới chu kỳ rụng trứng, gây kinh nguyệt không đều, kinh nguyệt ra ít và mất kinh.

Bạn cần đi khám nếu gặp những triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang như nổi mụn, da nhờn, tăng cân và mọc nhiều lông trên cơ thể.

Kinh nguyệt ra ít do mãn kinh

Bạn cần để ý tới độ tuổi của mình khi bắt gặp tình trạng kinh nguyệt ra ít vì đây có thể là dấu hiệu cơ thể bạn đang dần thay đổi khi số tuổi tăng dần. Có rất nhiều phụ nữ ra rất nhiều kinh nguyệt ở độ tuổi từ 20 đến 30 nhưng lại có ít kinh nguyệt hơn khi 40 tuổi.

Hẹp cổ tử cung

Tình trạng cổ tử cung thu hẹp hoặc đóng hoàn toàn rất hiếm nhưng cũng có thể xảy ra và khiến kinh nguyệt ra ít. Tình trạng có thể xảy ra sau khi bạn trải qua một số phẫu thuật cổ tử cung như thủ thuật khoét chóp cổ tử cung để loại bỏ tổn thương ở cổ tử cung hoặc cắt bỏ nội mạc tử cung. Hẹp cổ tử cung cũng có thể là do nồng độ estrogen thấp trong giai đoạn tiền mãn kinh.

Khi cổ tử cung hẹp, kinh nguyệt vẫn bị giữ lại trong tử cung hoặc chỉ có thể chảy ra từ từ khiến kinh nguyệt ra ít. Nếu bạn bị đau bụng kinh nhưng kinh nguyệt lại ra ít thì nên đi khám ngay.

Máu kinh ít do tử cung có sẹo

Hầu hết phụ nữ đã từng trải qua các thủ thuật nong và nạo tử cung (dilation and curettage procedures) để chẩn đoán và điều trị một số bệnh tử cung hoặc bỏ thai mà không gặp bất kỳ biến chứng gì. Tuy nhiên, đôi khi thủ thuật này cũng để lại sẹo nghiêm trọng khiến kinh nguyệt bị ảnh hưởng.

Nếu hiện tượng kinh nguyệt ra ít xuất hiện sau khi bạn thực hiện thủ thuật nong và nạo tử cung, bạn có thể cần gặp bác sĩ để loại bỏ mô sẹo.

Kinh nguyệt ra ít do bạn mất nhiều máu

Tuy rất hiếm nhưng tình trạng mất nhiều máu trong hoặc sau khi sinh có thể khiến cơ thể thiếu oxy làm ảnh hưởng tới tuyến yên và gây hội chứng Sheehan. Hội chứng này làm giảm đáng kể việc sản xuất tất cả các loại hormone, bao gồm cả những hormone kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt.

Nên làm gì khi kinh nguyệt ra ít?

Về mặt y khoa, có một vài cách đơn giản mà bạn có thể thực hiện để ngăn ngừa tình trạng rối loạn chu kỳ kinh nguyệt nói chung hay tình trạng kinh nguyệt ra ít nói riêng. Đó là thay vì bạn phớt lo lắng hoặc phớt lờ tình trạng thì bạn hãy xây dựng một lối sống lành mạnh để tình trạng sớm khỏi và không tái lại.

  • Xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh: Bạn nên ngủ đủ giấc, tập thể dục và vận động nhẹ nhàng từ 120 – 150 phút mỗi tuần. Tránh rượu bia và các chất kích thích.
  • Theo chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất: Mỗi bữa ăn cần đủ năng lượng theo nhu cầu từng độ tuổi. Bạn cần ăn đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng gồm tinh bột, chất béo, chất đạm và rau xanh. Trong đó, bạn cần đảm bảo ăn đủ lượng rau xanh và hoa quả mỗi ngày ít nhất 400g. Đồng thời, bạn cần uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để cơ thể không bị thiếu nước.
  • Duy trì trạng thái tinh thần cân bằng: Bạn tránh để tâm lý căng thẳng, cơ thể mệt mỏi bằng cách cân bằng giữa công việc, cuộc sống và thời gian nghỉ ngơi sao cho hợp lý.
  • Cẩn thận khi sử dụng thuốc: Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc kháng sinh, tránh lạm dụng thuốc tránh thai hay bất cứ loại thuốc nào khác.
  • Thăm khám phụ khoa định kỳ để kiểm tra sức khỏe với bác sĩ, trung bình 6 tháng/lần.

Kết luận

Tình trạng mất máu không những khiến kinh nguyệt ra ít mà cũng ảnh hưởng tới sức khỏe nói chung. Bạn cần đi khám ngay khi gặp dấu hiệu này.

Mặc dù tình trạng kinh nguyệt ra ít có thể không quá nguy hiểm nhưng bạn vẫn cần theo dõi chu kỳ của mình. Nếu đã chăm sóc sức khỏe tốt và sống lành mạnh nhưng lượng kinh nguyệt vẫn không bình thường sau vài tháng, bạn hãy đi khám ngay nhé.

Mục “Chu kỳ kinh nguyệt” thường xuyên đăng tải các nội dung liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt và luôn được kiểm chứng bởi đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Sản Phụ khoa cộng tác trên HelloBacsi. – Bạn có thể chọn nút ‘Chuyên mục’ ở trên và chọn vào cụm ‘Tất cả chuyên mục‘ để thấy danh sách các chuyên mục có trên HelloBacsi.

[embed-health-tool-ovulation]

Từ khóa » Tắc Kinh Ra ít