Kinh Tế Châu Âu Tiếp Tục 'lãnh đủ' Vì Xung đột Nga - Ukraine - PLO

Đà mất giá mạnh của đồng euro so với đồng USD, do tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine và những rủi ro gia tăng đối với nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU), đã khiến giá trị đồng tiền chung châu Âu lần đầu tiên thấp hơn đồng USD. Cụ thể, theo hãng tin Reuters, giá trị quy đổi của đồng tiền chung châu Âu đã giảm xuống còn 1 euro ăn 0,9952 USD hồi tuần trước, tức giảm gần 12% giá trị chỉ trong năm nay. Đây cũng là tỉ giá thấp kỷ lục kể từ cuối năm 2002 - thời điểm đồng euro chính thức được giới thiệu.

Người dân đi bộ trên đường phố thủ đô Madrid, Tây Ban Nha hồi tháng 6. Ảnh: REUTERS

Người dân đi bộ trên đường phố thủ đô Madrid, Tây Ban Nha hồi tháng 6. Ảnh: REUTERS

Kinh tế châu Âu đối diện với hàng loạt sức ép

Kênh Euronews nhận định đằng sau sự sụt giảm đáng lo ngại của đồng euro là nhiều lý do. Một mặt, việc đồng euro yếu đi phản ánh nỗi lo ngại của thị trường vào tình hình kinh tế khó khăn của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Báo cáo mới nhất của Ủy ban châu Âu công bố hồi cuối tháng 6 cho thấy chỉ số niềm tin của người tiêu dùng châu Âu tụt xuống -23,6, thấp hơn mức dự đoán trung bình -20,5 của một số chuyên gia, theo hãng tin Bloomberg. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 4-2020, khi dịch COVID-19 bùng phát ở châu lục này.

Mặt khác, đồng euro rớt giá là hậu quả của việc tăng giá đồng USD trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tháng trước đã tăng mạnh lãi suất để giảm lạm phát, còn Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho đến nay vẫn phản đối bước đi này. Nhiều thông tin cho thấy Fed trong tháng này sẽ tiếp tục tăng lãi suất nếu lạm phát ở Mỹ vẫn không được kiểm soát. “Lãi suất ở Mỹ được dự đoán sẽ chạm mốc 3%, so với 1% ở châu Âu. Tiền sẽ chảy về nơi có lợi suất cao hơn” - chuyên gia Carsten Brzeski thuộc Tập đoàn tài chính ING (Hà Lan) nhận định.

Dù vậy, tác nhân lớn nhất vẫn là cuộc xung đột Nga - Ukraine khi Liên minh châu Âu (EU) liên tục tung ra nhiều lệnh trừng phạt kinh tế vô cùng nặng nề nhắm vào Nga và bị chính các lệnh trừng phạt này làm tổn hại. Việc tìm cách chấm dứt nhập khẩu năng lượng của Nga buộc EU phải tìm kiếm các nguồn cung thay thế đắt đỏ hơn nhiều lần.

Hiện nay, EU đứng trước rủi ro rất lớn là bị Nga cắt toàn bộ nguồn cung khí đốt bất kỳ lúc nào bởi từ ngày 11-7, Tập đoàn dầu khí nhà nước Nga Gazprom đã tạm ngưng việc cung cấp khí đốt cho EU với lý do phải bảo trì đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 trong thời gian 10-14 ngày. Tuy nhiên, đến ngày 13-7, tập đoàn này bất ngờ phát đi cảnh báo rằng Gazprom không chắc có thể tiếp tục cung cấp khí đốt cho EU sau khi việc bảo trì hoàn tất.

Đây là kịch bản được nhiều nước Eurozone đánh giá là xấu nhất bởi nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt đột ngột, chắc chắn nhiều nền kinh tế hàng đầu khu vực sẽ khốn đốn. Trên thực tế, đa số các nước lớn của khu vực này như Đức, Pháp, Hà Lan đều đã hạ dự đoán tăng trưởng kinh tế năm nay với mức cắt giảm vào khoảng 30%-50% so với dự đoán tăng trưởng đưa ra trước khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát.

Trong bài phát biểu ngày 17-7, ông Josep Borrell, đại diện cấp cao về an ninh và chính sách đối ngoại EU, đã kêu gọi người dân châu Âu thể hiện “sự kiên nhẫn” hơn nữa trong khi thực hiện các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga, bởi chúng cần có thời gian để phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận việc “thoát ly” khỏi nguồn cung năng lượng giá rẻ từ Nga quá nhanh đang đẩy nhiều quốc gia EU vào thế khó.

Đồng euro yếu kéo theo nhiều hệ lụy

Theo hãng thông tấn Đức DW, đồng euro trượt giá sẽ tạo thêm gánh nặng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp một số ngành nghề ở Eurozone vẫn đang phải chật vật đối phó với tình hình lạm phát cao kỷ lục. Đồng tiền chung châu Âu yếu hơn sẽ làm cho hàng nhập khẩu, chủ yếu bằng USD, trở nên đắt hơn. Nếu những mặt hàng đó là nguyên liệu thô hoặc hàng hóa trung gian, chi phí bị đội lên cao hơn sẽ làm tăng giá ở thị trường nội địa. Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), các nước EU thanh toán gần 60% hàng hóa nhập khẩu từ ngoài khu vực bằng đồng USD - trong đó chủ yếu là dầu mỏ, khí đốt và một số loại nguyên liệu công nghiệp. Lượng hàng thanh toán bằng đồng euro chỉ chiếm khoảng 40%.

Trong điều kiện bình thường, đồng euro trượt giá thường được xem là tin tốt cho các nhà xuất khẩu và các nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu như Đức. Đồng euro yếu hơn đồng USD sẽ thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm châu Âu ra các thị trường bên ngoài, nhất là các thị trường dùng chủ yếu đồng USD và đảm bảo lợi nhuận tốt hơn. Tuy nhiên, hiện nay lại không phải là thời điểm bình thường vì chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt đoạn, cũng như chịu nhiều ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga và tình hình bất ổn ở Ukraine.

Tuy nhiên, đối với những du khách Mỹ đến châu Âu vào mùa hè này, đồng euro yếu là một điều may mắn. Ví dụ, trên lý thuyết, họ có thể đổi 1.000 USD lấy 1.000 euro, thay vì chưa đầy 900 euro như hồi tháng 2. Nói cách khác, đồng USD của họ sẽ đáng giá hơn rất nhiều. Ngược lại, người dân châu Âu cũng sẽ phải chi phí nhiều hơn nếu muốn đi du lịch đến các quốc gia sử dụng đồng USD hay một số nước neo đồng tiền nội địa vào USD như tại Trung Đông.•

Chờ bước đi kế tiếp của ECB

Bà Christine Lagarde, Chủ tịch ECB, mới đây đã xác nhận sẽ công bố quyết định chính sách tiền tệ vào ngày 21-7. Hãng tin AFP dẫn báo cáo của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s Global Ratings (Mỹ) cho rằng nếu ECB muốn kéo lại đồng euro thì nên cân nhắc tăng lãi suất thêm 0,5% trong tháng này, sau đó tính toán tăng thêm 0,75% vào tháng 9. Dù vậy, một số nguồn tin nội bộ cho rằng ECB sẽ chỉ tăng khoảng 0,25%. Động thái có phần dè dặt là có thể hiểu được, bởi đây sẽ là đợt tăng lãi suất đầu tiên của cơ quan này kể từ năm 2011.

Theo đài CNN, một số chuyên gia kinh tế đã cảnh báo rằng kinh tế thế giới sẽ còn phải trải qua nhiều khó khăn nữa khi các ngân hàng trung ương liên tục điều chỉnh chính sách tiền tệ và cuộc chiến ở Ukraine kéo dài. “Đây có lẽ là một năm 2022 khó khăn, và cũng có thể năm 2023 sẽ khó khăn hơn với nguy cơ suy thoái gia tăng. Các ngân hàng trung ương cần phải có hành động mạnh mẽ với lạm phát ngay từ bây giờ, bởi hành động càng sớm thì sẽ càng ít gây tổn hại hơn” - Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận định.

VĨ CƯỜNG Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Dong âu