Kinh Tế Học Vĩ Mô (LM)

“Sức khỏe kinh tế” của một quốc gia cũng tương tự như của một công ty. Do vậy, để phân tích một nền kinh tế, chúng ta cần phải có khả năng đọc, hiểu các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cơ bản và các mối quan hệ giữa chúng. Kinh tế vĩ mô không chỉ nghiên cứu những vấn đề của một nền kinh tế tổng thể như sản lượng GDP, việc làm và mức giá mà còn là một hệ thống vận hành trên nền tảng tổng thể các mối quan hệ của bốn khu vực bao gồm sản xuất, ngân sách chính phủ, tiền tệ và cán cân thanh toán. Bên cạnh đó, hệ thống kinh tế còn là sự tương tác chặt chẽ giữa khu vực tư nhân, chính phủ và nước ngoài. Nội dung môn học này được thiết kế theo từng khối kiến thức có sự liên kết chặt chẽ với nhau.

Đầu tiên là phần tìm hiểu về hạch toán thu nhập quốc gia (NIA-National Income Accounting) và cán cân thanh toán (BOP-Balance of Payments). Nội dung này bao gồm ý nghĩa và sự nối kết các chỉ tiêu và các khu vực cơ bản của hệ thống nền kinh tế. Đây là bước đầu tiên và quan trọng mà nhiều khóa học ở trường đại học đã bỏ qua. Thực tế là nội dung này lại rất cần thiết cho công việc phân tích kinh tế cả tầm vi và vĩ mô.

Khối thứ hai cung cấp kiến thức cơ bản về mối quan hệ của tiền, hoạt động ngân hàng và vai trò ngân hàng trung ương. Qua đó, người học có thể hiểu đầy đủ hơn về mối quan hệ của tiền và hàng, cơ chế vận hành của tiền trong hệ thống ngân hàng, cách thức điều hành chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa tăng trưởng tiền, thông qua điều hành chính sách tiền tệ, với vấn đề hình thành giá cả và lạm phát của nền kinh tế sẽ được đưa vào phân tích.

Tiếp theo là khối kiến thức về những mô hình cân bằng/bất cân bằng kinh tế vĩ mô, mô hình Tổng Cung – Tổng Cầu chính sách bình ổn, vấn đề tranh luận hiện hành của các chính sách tài khóachính sách tiền tệ. Trên cơ sở đó, học viên sẽ vận dụng kiến thức lý thuyết và thực hành trên dữ liệu thực nhằm định vị trạng thái kinh tế vĩ mô của một quốc gia thông qua mô hình cân bằng bên trong và bên ngoài cũng như dự báo chính sách ở khối kiến thức cuối cùng.

Khối thứ tư sẽ tập trung tìm hiểu những vấn đề của nền kinh tế mở. Trọng tâm sẽ xoay quanh ý nghĩa của tình trạng thặng dư/thâm hụt cán cân thương mại; cách tính và hiểu đúng về tỷ giá hối đoái danh nghĩa và thực; ý nghĩa của ngang bằng lãi suất và tác động dòng vốn đến nền kinh tế vĩ mô; và câu chuyện về xu hướng tăng/giảm lãi suất của FED tác động như thế nào đến nền kinh tế của một quốc gia và môi trường kinh doanh xung quanh chúng ta.

Cuối cùng, học viên sẽ dùng mô hình định vị nền kinh tế vĩ mô cho Việt Nam và đưa ra các giải pháp chính sách bình ổn. Trong phần này, mô hình Quản lý nền Kinh tế Mở Nhỏ (Mô hình EB-IB) sẽ được giới thiệu và học viên sẽ phải vận dụng toàn bộ kiến thức của bốn khối trước đó nhằm xác định vị trí trục trặc kinh tế vĩ mô của một quốc gia (Việt Nam chẳng hạn) ở một năm cụ thể. Sau đó, sẽ đưa ra các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ và tỷ giá hối đoái khả thi và hữu hiệu nhằm góp phần bình ổn nền kinh tế.

Tiếp cận mới trong môn học năm nay sẽ là tập trung nhiều hơn vào sự hình thành, xu hướng biến động và tương tác giữa các biến số kinh tế vĩ mô quan trọng như lãi suất, tỷ giá hối đoái và lạm phát. Mục tiêu là nhằm hỗ trợ học viên nhận thức đầy đủ về tầm mức quan trọng của các biến số này trong kinh doanh và quản lý kinh tế. Bên cạnh đó, các tình huống, các bài đọc cũng được tăng cường và cập nhật tác động của đại dịch COVID-19 đến hệ thống kinh tế vĩ mô. Những phản ứng chính sách và triển vọng thay đổi kinh tế vĩ mô toàn cầu cùng các chính sách hồi phục của các quốc gia và Việt Nam sẽ được đưa vào các hàm ý chính sách qua các bài giảng và thảo luận tình huống xuyên suốt khóa học.

Giảng viên chính: Vũ Thành Tự Anh, Châu Văn ThànhTrợ giảng: Chu Đức Mạnh, Vũ Thúy Vinh

Từ khóa » Bài Tập Vĩ Mô Chương 19