Kinh Tế Việt Nam 2021: “Lội Dòng Nước Ngược”, Gặt Hái Thành Công

Triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam là rất lớn.
Triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam là rất lớn.

Từ trong gian khó

Nền kinh tế Việt Nam năm 2021 từng chao đảo khi xuất hiện biến chủng Covid Delta. Theo đó, dịch Covid 19 tác động rất lớn đến nền kinh tế. GDP Việt Nam chưa bao giờ tăng trưởng âm nhưng trong quý III vừa qua, kinh tế Việt Nam âm 6,17%.

Tuy nhiên, vượt qua nghịch cảnh, nền kinh tế của chúng ta đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Tính cả năm 2021, GDP Việt Nam vẫn tăng trưởng dương 2,58%.

Năm 2021, khu vực nông nghiệp tiếp tục phát huy vai trò “bệ đỡ” của nền kinh tế. Trong bối cảnh dịch bệnh, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì được mức tăng trưởng 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế. Đặc biệt, sự phát triển của khu vực nông nghiệp, đã góp phần quan trọng cho xuất khẩu nông sản năm 2021, đạt 48,6 tỷ USD (tăng 14,9% so với năm 2020), phá vỡ mọi kỷ lục trước đó. Năm 2021, tiếp tục có 10 nhóm hàng chủ lực của ngành Nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong số hàng này, có tới 6 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.

Cùng với ngành Nông nghiệp, kim ngạch xuất, nhập khẩu chung của Việt Nam cũng đạt mức kỷ lục mới. Tổng giá trị xuất nhập khẩu đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 336,25 tỷ USD (tăng 19% so với năm 2020), kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 332,25 tỷ USD (tăng 26,5% so với năm 2020), tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam. Cùng với việc tháng 12 xuất siêu đạt 1,5 tỷ USD, đã giúp cho kim ngạch ngoại thương của Việt Nam trong năm 2021 có sự đảo chiều ngoạn mục, xuất siêu cả năm đạt 4 tỷ USD. Điểm sáng của ngoại thương năm 2021 là kết quả từ sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch, đồng thời cũng là kết quả của sự nắm bắt thời cơ từ các Hiệp định thương mại (FTA) được các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng có hiệu quả.

Bên cạnh đó, sức thu hút của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất hấp dẫn. Trong thời điểm khó khăn này, các nhà đầu tư hàng đầu của Mỹ, Hàn Quốc, EU... vẫn khẳng định cam kết tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.

Hướng tới năm 2022

Để đạt được những thành tích ấn tượng trong năm 2021 đầy khó khăn có rất nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu là Việt Nam đã nhanh chóng chuyển từ chiến lược "Zero Covid" sang "Thích ứng linh hoạt với Covid" dần nới lỏng giãn cách và mở cửa nền kinh tế. Kết quả là nền kinh tế đã có bước chuyển biến tích cực.

Theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát tăng nhẹ do giá nhiên liệu tăng, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng ngoài lương thực, thực phẩm đang phục hồi và chi phí logistics tăng, trong khi tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức ổn định, cung cấp thanh khoản dồi dào để phục hồi kinh tế. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng triển vọng phục hồi của kinh tế Việt Nam là rất lớn.

Nhiều tổ chức quốc tế và các chuyên gia dự báo, trong năm 2022 mức tăng trưởng của Việt Nam có thể đạt từ 6 - 7%.

Hoạt động xuất, nhập khẩu trong lĩnh vực thủy sản vẫn được duy trì, tăng trưởng.
Hoạt động xuất, nhập khẩu trong lĩnh vực thủy sản vẫn được duy trì, tăng trưởng.

Điều này hoàn toàn khả thi và Việt Nam sẽ "viết tiếp câu chuyện tăng trưởng". Để đạt tới điều này, ngay từ đầu năm 2022, Chính phủ đã dự thảo xây dựng hai Nghị quyết số 01 và 02, về điều hành kinh tế vĩ mô và về các giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Theo đó, chủ đề điều hành của năm 2022 dự kiến sẽ là “ổn định, kỷ cương, an toàn, linh hoạt và hiệu quả”.

Đồng thời, Chính phủ đang xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023, với mục tiêu đưa nền kinh tế sớm quay lại quỹ đạo tăng trưởng cao và bền vững. Cộng đồng xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, toàn hệ thống chính trị đang trông ngóng vào sự đột phá của chương trình này.

Ngày cuối cùng của năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có phiên họp bàn về gói chính sách tài khóa, tiền tệ cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023. Tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, chiều 11/1/2022 Quốc hội Khoá XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với 424/426 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành. Theo đó, Quốc hội chính thức thông qua gói Hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội gần 350.000 tỷ đồng. Đây là yếu tố giữ vai trò đặc biệt quan trọng cho sự hồi phục của nền kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những dự báo tích cực, nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối diện nhiều khó khăn, đặc biệt khi dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề cần giải quyết cũng như những tác động chưa thể lường trước của bối cảnh chung của kinh tế thế giới rất cần các giải pháp kịp thời, căn cơ để giải quyết các vấn đề phát sinh để kinh tế Việt Nam có thể đạt được tăng trưởng như kỳ vọng trong năm tới.

Có thể nói, chặng đường phục hồi kinh tế đang ở giai đoạn bắt đầu, sẽ chuyển sang giai đoạn tăng trưởng. Và có lẽ, trong lúc này, mọi hy vọng đang được đặt vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ đang xây dựng.

Một năm mới đang về, mọi vui buồn của năm cũ theo đó mà khép lại. Một luồng gió Xuân tươi mát của năm Nhâm Dần đang mang đến nhiều sự mới mẻ cho nền kinh tế của đất nước. Chúng ta hoàn toàn hy vọng với xung lực của năm mới sẽ đem đến sự tăng trưởng bền vững ấn tượng trong năm 2022.

10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2021

Từ khóa » Các Chỉ Số Kinh Tế Việt Nam 2021