"Kotaro Sống Một Mình": Đứa Bé Quá Mạnh Mẽ, Hiểu Chuyện Là Kết ...

Bộ phim kể về cuộc sống sinh hoạt thường nhật của cậu bé Kotaro 4 tuổi sống một mình. Cậu bé phải tự đi siêu thị, nấu ăn, làm cơm bento mang đi học và tắm ở nhà tắm công cộng. Cậu bé được yêu thương, quan tâm bởi những người hàng xóm thú vị: Anh chàng họa sĩ nghèo Shin Karino, cô gái tiếp rượu Mizuki và ông chú đầu gấu Isamu Tamaru. Phim mang tình tiết nhẹ nhàng nhưng mang đến những cảm xúc sâu nặng về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Như vậy, vì sao là phụ huynh nhất định phải xem phim này?

“Đứa bé quá hiểu chuyện” không xuất thân từ một gia đình đủ đầy hạnh phúc

Cả 10 tập phim, hình ảnh của người mẹ ít ỏi được chiếu đến qua những nét hồi ức của Kotaro, rất mờ nhạt thậm chí còn không rõ được gương mặt. Chỉ có tấm lưng và mái tóc đen dài. Và đặc biệt, những lần xuất hiện của bà đều chẳng dẫn tới phân cảnh hạnh phúc, chúng chỉ tồn tại trong ánh mắt to tròn vô hồn đặc trưng của cậu bé 4 tuổi.

Nhưng chỉ một vài hình ảnh ký ức mờ nhạt ấy mà bất kể người mẹ nào cũng nhận ra, đây là một người mẹ bị trầm cảm. Dường như không được hỗ trợ đầy đủ về mặt thể chất và tinh thần, mắc kẹt trong đau đớn, ghê tởm sợ hãi chính đứa con của mình, đến nỗi mỗi ký ức của Kotaro với mẹ tượng trưng bằng hộp găng tay nylon mà bà từng sử dụng để chạm vào cậu bé.

Kotaro có một ám ảnh với sự tiếp nhận, cũng bởi vì trước đây, mọi giao tiếp với người mẹ luôn kết thúc trong trầm mặc. Đáp lại những thăm nom của con trai là sự tĩnh lặng đến nghẹt thở.

Kotaro mặc định mình phải sạch sẽ mỗi ngày, bởi trước đây, ở tình cảnh bị bỏ bê, cậu bé không được tắm rửa, đói vật đói vờ đến nỗi phải ăn khăn giấy và cỏ để sống qua ngày. Bởi vậy, một cậu bé 4 tuổi có thể đọc vanh vách nguyên liệu cấu tạo giấy ăn và phân tích mức độ dưỡng chất đối với cơ thể.

Bạn tưởng đó là thiên tài? Thiên tài này sinh ra từ bi kịch.

"Kotaro sống một mình": Xem để hiểu rằng một đứa bé quá mạnh mẽ, hiểu chuyện là kết quả của những điều buồn đau - Ảnh 1.

Cậu bé chọn giấy ăn là món quà ra mắt hàng xóm mới, bởi với cậu bé giấy ăn là một "món ăn rất ngọt".

Vậy còn bố thì sao?

Cũng chỉ là những hồi ức hiện lên vô thức nhưng cho thấy Kotaro bị ám ảnh như thế nào với quá khứ bị lạm dụng bạo hành. Kotaro thích chụp ảnh, nhưng cũng rất sợ bị chụp ảnh. Cậu không muốn bố mình biết nơi ở, bởi bố có thể tìm ra Kotaro, cuộc sống lại sẽ một lần nữa rơi vào vòng lặp thống khổ không dứt. Đau lòng làm sao khi các bạn cùng trang lứa còn đang chập chững biết chơi thì Kotaro đã nằm lòng kỹ năng SINH TỒN.

Có lẽ ở ngoài đời thực không thiếu những Kotaro như vậy, phải chăng chỉ là có những đứa trẻ được cứu và có những đứa trẻ thì không may mắn đến vậy.

HÃY QUAN TÂM và HÀNH ĐỘNG - mọi vết thương đều có thể chữa lành bằng tình yêu thương.

Không thể phủ nhận rằng những tổn thương sẽ ảnh hưởng và tác động đến hành vi của trẻ. Mới 4 tuổi nhưng Kotaro đã có thời gian sống trong cô nhi viện vậy thời gian sống cùng với bố mẹ là bao nhiêu?

Dù không là bao lâu nhưng sự tổn thương đã đủ in sâu vào tâm trí của Kotaro. Cảnh cậu bé chơi trò ném bóng với các bạn ở lớp mẫu giáo. Thay vì cần bắt quả bóng thì cậu bé luôn để bóng đập vào mặt. Điều này khiến cô giáo và các bạn không thể lý giải nổi và cho rằng em chỉ đơn giản là chưa hiểu luật chơi.

Anh họa sĩ hàng xóm đã hướng dẫn bé chơi bóng và cho tới khi Kotaro nói rằng “nếu tránh được quả bóng mà bạn bè ném, nghĩa là cháu đã phớt lờ họ, chú bảo hãy coi quả bóng là lời nói mà. Chẳng phải là đau lòng khi ném bóng cho ai đó mà họ không có ý định bắt bóng à?’’.

"Kotaro sống một mình": Xem để hiểu rằng một đứa bé quá mạnh mẽ, hiểu chuyện là kết quả của những điều buồn đau - Ảnh 2.

Lúc này trong cậu bé là ký ức bản thân đã vẽ được một bức tranh đẹp và muốn khoe với mẹ mình nhưng cuối cùng chỉ nhận được sự thờ ơ.

Thế nhưng, Kotaro chưa bao giờ oán trách bố mẹ. Trong thâm tâm của cậu bé 4 tuổi chỉ là những khao khát được mạnh mẽ lớn lên, phải có giá trị, lúc ấy bố mẹ mới yêu quý và trở về bên Kotaro. “Trẻ con là kết tinh của tình yêu, bố mẹ cháu phải rất yêu nhau mới có được Kotaro”, và bởi thế, Kotaro nỗ lực trong việc được mọi người yêu quý, làm hài lòng, biết nhìn sắc mặt người lớn, đoán tâm tư - mọi thứ chỉ để khiến mình trở thành một báu vật quý giá mà bố mẹ sẽ tìm lại.

Dù hoàn cảnh xuất thân của Kotaro không may mắn, cậu bé lại nhận được những vỗ về từ xã hội, từ những người tưởng như dửng dưng.

Là bác cảnh sát và mọi người xung quanh cảnh giác khi thấy ông chú đầu gấu Isamu Tamaru đi cùng với cậu bé.

Là anh họa sĩ nghèo giật mình bởi câu hỏi của chính mình khi thấy TV nói nạn bắt cóc trẻ em ngày càng nhiều “Người lớn đang ở đâu? - mình cũng là người lớn mà”. Và sau đó quyết định đi tắm nhà tắm công cộng cùng Kotaro để bảo vệ cậu bé trong khi anh ấy chẳng có nhiều tiền.

Là chị Mizuki cho cậu bé ngủ cùng khi những đêm gặp ác mộng.

Là ông chú đầu gấu luôn muốn yêu thương và cưng nựng cậu.

Là cô giáo luôn để ý xem cậu có cười hay không, là cô hàng xóm mới đến để ý cậu bé tăng cân vì tâm lý bất ổn…

"Kotaro sống một mình": Xem để hiểu rằng một đứa bé quá mạnh mẽ, hiểu chuyện là kết quả của những điều buồn đau - Ảnh 3.

Kotaro nhờ chú giao báo hãy để ý những tờ báo nếu bị kẹt hơn hai ngày thì có thể đã có chuyện xảy ra với cậu bé.

Nhờ có sự quan tâm và hành động mạnh mẽ của những người tốt bụng mà cuộc sống của cậu bé dần ổn định hơn. Những vết thương đã dần được chữa lành. Không chỉ riêng Kotaro được chữa lành, mà nhờ sự đồng cảm, tình yêu của Kotaro đã chữa lành cho chính những - người - lớn nhưng luôn có "đứa trẻ 4 tuổi" đầy tổn thương bên trong tâm hồn.

Vậy nên, hãy hiểu rằng khi quan tâm và giúp đỡ người khác cho dù là một đứa bé thì cũng là đang giúp chính mình.

Và đây chắc chắn là một bộ phim mà bất cứ người lớn nào cũng nên xem một lần.

Từ khóa » Hình ảnh Kotaro