Kỳ 14: Điều Trị Rối Loạn Nhịp Chậm | Xuyen A General Hospital

May tao nhip tim _ beta.bvxuyena.com.vn
Thời gian vừa qua, Bệnh Viện Đa Khoa Xuyên Á (BVXA) đã phẫu thuật thành công đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn để điều trị bệnh lý rối loạn nhịp chậm – một bệnh lý về tim mạch nguy hiểm, có thể gây ngưng tim đột tử. Trong chuyên mục hôm nay, thạc sĩ bác sĩ Ngô Hàng Vinh – khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á sẽ cung cấp thông tin cho chúng ta rõ hơn về căn bệnh rối loạn nhịp chậm.

1. Xin chào bác sĩ, được biết vừa qua BVXA đã thực hiện thành công các ca đặt máy tạo nhịp tim để điều trị bệnh rối loạn nhịp chậm. Vậy bác sĩ có thể cho biết rối loạn nhịp chậm là bệnh lý như thế nào?

– Như chúng ta đã biết, tim ví như cái máy bơm, tim phải co bóp để cung cấp máu cho các cơ quan để duy trì sự sống. – Tim muốn co bóp được, phải có nút tạo nhịp tim gọi là nút xoang, phát xung kích thích tim co bóp. – Ở người bình thường, nút xoang phát nhịp 60 – 80 lần/phút. Khi gắng sức (vận động, tập thể thao…) nút xoang sẽ đáp ứng phát nhịp nhanh hơn theo nhu cầu cơ thể. – Khi bị bệnh rối loạn nhịp chậm, tim đập chậm hơn bình thường, ví dụ dưới 50 lần/phút, dưới 40 lần/phút, thậm chí dưới 30 lần/phút, có khi ngưng tim kéo dài. – Tùy mức độ nhịp chậm, bệnh nhân có thể có biểu hiện khác nhau, nhẹ thì chỉ mệt, không có khả năng gắng sức, choáng váng, nặng thì bị ngất do thiếu máu não, có khi ngưng tim đột tử.

2. Vậy thì có những nguyên nhân nào gây rối loạn nhịp chậm thưa bác sĩ?

Nguyên nhân có thể là mắc phải hay bẩm sinh. a. Mắc phải: – Do lớn tuổi, nút xoang bị suy yếu, hệ thống dẫn truyền điện trong tim bị tổn thương gây nhịp chậm. – Có trường hợp sau mổ tim, nút xoang và hệ thống dẫn truyền bị tổn thương. – Có thể do dùng thuốc gây nhịp chậm, do nhiễm trùng làm hư hại hệ thống dẫn truyền, do bệnh nội tiết khác (suy giáp). b. Bẩm sinh: Sinh ra đã bị nhịp chậm. rối loạn chậm nhịp - beta.bvxuyena.com.vn

Khám sức khỏe định kỳ để tầm soát, phát hiện bệnh rối loạn nhịp chậm và các bệnh khác.

3. Như bác sĩ đã thông tin ở trên, rối loạn nhịp chậm là một bệnh lý nguy hiểm, vậy thì làm sao chúng ta có thể phát hiện bệnh này thưa bác sĩ?

– Khi có biểu hiện mệt, choáng váng, không có khả năng gắng sức, ngất xỉu thì cần đi khám bệnh ngay để tầm soát phát hiện bệnh lý rối loạn nhịp chậm. – Khám sức khỏe định kỳ hàng năm: Bệnh lý rối loạn nhịp chậm nhiều khi không rõ ràng, có khi biểu hiện giống các bệnh lý suy nhược, rối loạn tiền đình, có khi không có triệu chứng. Vì vậy, cần phải khám sức khỏe định kỳ hàng năm để tầm soát bệnh. – Một số trường hợp rối loạn nhịp chậm ở dạng “ Hội chứng nhịp nhanh – nhịp chậm”, nghĩa là có lúc tim đập rất chậm gây choáng váng, xen kẽ những khoảng tim đập rất nhanh không kiểm soát được gây hồi hộp khó chịu. Nếu có biểu hiện này, cần đi khám tim mạch ngay. Chú ý không dùng thuốc điều trị cơn nhịp nhanh trong trường hợp này, vì có khả năng bị nhịp chậm trầm trọng.

4. Tại bệnh viện, các bác sĩ thường dùng các kỹ thuật cận lâm sàng nào để chẩn đoán bệnh lý rối loạn nhịp chậm?

– Thông thường chỉ cần đo Điện tim, làm Holter nhịp tim là đủ chẩn đoán: + Điện tim: Đánh giá nhịp tim tức thời ngay lúc đo, nếu có nhịp chậm sẽ chẩn đoán được ngay. Tuy nhiên nếu không phát hiện nhịp chậm không có nghĩa không bị bệnh, vì nhịp tim có thể chậm từng lúc, nếu chỉ đo điện tim một lần sẽ không phát hiện được. + Holter nhịp tim 24 giờ: Cũng giống như đo điện tim, nhưng bác sĩ cho bệnh nhân mang máy đo điện tim suốt 24 giờ, đánh giá nhịp tim ban ngày, ban đêm, lúc nghỉ, lúc gắng sức, sẽ đánh giá chính xác hơn tình trạng bệnh. – Có những trường hợp khó, đo Điện tim và Holter điện tim 24 giờ vẫn không phát hiện được, nhưng bệnh nhân vẫn có biểu hiện của bệnh lý nhịp châm. Khi đó, cần làm thêm các kỹ thuật xâm lấn hơn giúp phát hiện bệnh: + Kích thích nhĩ qua thực quản: Bác sĩ sẽ đặt dây điện cực qua ngả thực quản (giống nội soi dạ dày) đến gần tâm nhĩ, kích thích tim nhằm phát hiện rối loạn nhịp chậm. + Khảo sát điện sinh lý trong buồng tim: Đưa ống thông theo đường mạch máu vào buồng tim, dùng máy kích thích phát hiện bệnh lý nhịp chậm và các rối loạn nhịp phức tạp khác. + Nghiệm pháp bàn nghiêng(Tilttest): Phát hiện ngất qua trung gian thần kinh.
rối loạn chậm nhịp - beta.bvxuyena.com.vn

ThS.BS. Ngô Hàng Vinh thăm khám bệnh nhân đã đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn tại khoa Nội tim mạch BVXA.

5. Xin bác sĩ cho biết phương pháp điều trị bệnh lý rối loạn nhịp chậm?

– Hiện nay, tại Việt Nam và trên thế giới nói chung, để điều trị bệnh lý rối loạn nhịp chậm, phương pháp duy nhất là cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn. Dùng thuốc hầu như không có hiệu quả gì, thậm chí có thể gây thêm rối loạn nhịp khác. Máy tạo nhịp sẽ thay thế phát nhịp khi nhịp tim chậm, giúp giữ nhịp tim bệnh nhân ở mức bình thường. – Bác sĩ sẽ cấy máy tạo nhịp vào dưới da ngực bệnh nhân, dây điện cực được luồn theo mạch máu vào buồng tim, cố định trong buồng tim. Nếu nhịp tim của bệnh nhân bình thường, máy sẽ ở trạng thái chờ, nếu nhịp tim bệnh nhân chậm, máy sẽ phát nhịp thay thế. – Các máy tạo nhịp hiện đại ngày nay có chức năng đáp ứng nhịp, khi bệnh nhân gắng sức, bị sốt… máy sẽ tạo nhịp nhanh hơn dể đáp ứng theo nhu cầu cơ thể.

6. Thưa bác sĩ, sau khi đặt máy tạo nhịp thì bệnh nhân có thể sinh hoạt như người bình thường được không? Và có những lưu ý gì dành cho các bệnh nhân đã đặt máy tạo nhịp?

– Trong thời gian vài tháng đầu, bệnh nhân nên sinh hoạt nhẹ nhàng, tránh vận động mạnh vì có khả năng gây tụ máu ổ máy dễ nhiễm trùng, xê dịch máy và dây điện cực. – Khi vết mổ lành và ổ máy ổn định (khoảng 3 tháng sau), bệnh nhân có thể sinh hoạt gần như người bình thường, trừ khi có những bệnh tim kèm theo bắt buộc phải hạn chế gắng sức. – Bệnh nhân có thể chơi thể thao mức độ vừa được, làm việc bình thường được, đi du lịch được. – Khi đi máy bay, nhớ trình báo nhân viên sân bay để không dùng máy quét có từ tính để rà kim loại như người bình thường. – Tránh va chạm vùng đặt máy, đề phòng trầy xước, lộ máy tạo nhịp gây nhiễm trùng. – Có thể dùng điện thoại bình thường. Tránh đi vào vùng có từ tính, tránh đứng gần đường điện cao thế. – Tránh chụp MRI. Khi bị bệnh khác, ví dụ tai biến mạch não, chấn thương, bệnh nhân có thể chụp CT Scan. Nhưng tránh chụp MRI vì có thể gây ảnh hưởng máy tạo nhịp (Ngày nay có máy tạo nhịp tương thích MRI, nghĩa là khi bệnh nhân bị bệnh khác cần chụp MRI thì vẫn làm được, không sợ hư máy). – Khi đi khám bệnh, nhớ báo bác sĩ biết mình có mang máy tạo nhịp, đặc biệt trước khi phẫu thuật vì bệnh lý khác, bác sĩ sẽ xem xét chỉnh chế độ máy trước khi phẫu thuật cho an toàn. – Tái khám định kỳ theo lịch để bác sĩ kiểm tra máy tạo nhịp và điều chỉnh nếu cần. – Nếu có bất thường, cần tái khám ngay. – Tuổi thọ máy: 10 – 12 năm. Nếu gần hết pin, phải thay máy.

——————————————

Bệnh viện Đa Khoa Xuyên Á (BVXA) tọa lạc trên quốc lộ 22, ấp Chợ, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, Tp.HCM – gần cầu An Hạ, đối diện khu công nghiệp Tân Phú Trung. Là bệnh viện tư nhân hiện đại hàng đầu khu vực với quy mô 750 giường, cam kết cung cấp dịch vụ y tế kỹ thuật cao, chất lượng cao đến cho mọi tầng lớp người dân.

Đặc biệt, BVXA tiếp nhận mọi đối tượng Bảo Hiểm Y Tế – kể cả Bảo Hiểm Y Tế trái tuyến, vào tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày Chủ Nhật. Bạn cũng có thể đến BVXA để đăng ký, gia hạn và chuyển đổi BHYT.

Các dịch vụ kỹ thuật cao đã triển khai rất thành công tại bệnh viện Xuyên Á:

  • Phẫu thuật sọ não, cột sống
  • Phẫu thuật nội soi bụng
  • Phẫu thuật sàn chậu
  • Phẫu thuật trĩ Longo (lông-gô)
  • Phẫu thuật nội soi khớp
  • Phẫu thuật thay khớp háng, khớp gối
  • Phẫu thuật nội soi tán sỏi thận
  • Phẫu thuật tạo hình
  • Tán sỏi ngoài cơ thể (không cần mổ)
  • Nội soi tiêu hóa có can thiệp
  • Nội soi mật tụy (ERCP) có can thiệp
  • Nội soi không đau
  • Chạy thận nhân tạo
  • Phẫu thuật nội soi tai – mũi – họng
  • Phẫu thuật đục thủy tinh thể Phaco (pha-cô)…

Đặc biệt, bệnh viện Xuyên Á đã triển khai:

  • Kỹ thuật đẻ không đau.
  • Phòng khám bệnh lý nam khoa.
  • Phòng khám ung bướu.
  • Phòng khám viêm gan.
  • Điều trị giãn tĩnh mạch chi dưới bằng laser nội mạng.

Tổng đài tư vấn: (08) 379 66 115 – Hotline: 0123 9999 910

Từ khóa » Chẩn đoán Nhịp Chậm Xoang