Kỳ 2: Tan Hoang Hòn Rớ, Cù Hin - Công An

Những núi này góp phần làm nên cảnh quan, vẻ đẹp hội tụ sông - núi - biển - rừng của xứ trầm hương. Thế nhưng cả hai ngọn núi trên đang bị “xẻ thịt” không thương tiếc!

NHỮNG CÔNG TRƯỜNG TRÊN NÚI HÒN RỚ

Hòn Rớ là ngọn núi nhỏ nằm ở ngoại ô thanh bình thuộc xã Phước Đồng, thành phố biển Nha Trang. Vài năm trở lại đây, ngọn núi này không còn yên bình nữa. Nhiều dự án bạt núi đồng loạt thi công, khiến Hòn Rớ trở thành một đại công trường xây dựng. Từ cầu Bình Tân nhìn về Hòn Rớ, giữa màu xanh thảm thực vật là mảng sườn đồi bị đào bới nham nhở, những đường, vách taluy dọc, ngang, màu đất xám, đỏ loang lổ.

Khu rừng rộng lớn bị đào bới, san ủi làm sườn núi biến dạng

Dự án Haborizon Nha Trang (do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Thế Giới Xanh làm chủ đầu tư) nằm trên sườn dốc phía đông bắc núi Hòn Rớ, theo quảng cáo có diện tích lên tới gần 13,4 héc-ta. Theo thiết kế, trên sườn núi sẽ xây 429 biệt thự, cao trung bình 3 tầng, 1 tum, thiết kế dày đặc.

Từ hai, ba năm nay, người dân tại khu dân cư dưới chân núi đã quen với tiếng xe tải, máy đào, máy ủi gầm rú. Cạnh đó, dự án Seapark Nha Trang Villas (do Công ty cổ phần (CP) Phát triển nhà và đô thị HUD Nha Trang làm chủ đầu tư) cũng đang là một công trường “xẻ” núi, xây dựng quy mô, với diện tích gần 8 héc-ta.

Ngay sát Đại lộ Nguyễn Tất Thành (TP. Nha Trang), một khu vực rộng của sườn phía tây nam Hòn Rớ cũng bị đào bới, thi công dang dở, để lại mặt bằng lở lói, lổn nhổn đất, đá. Con đường dẫn lên núi nham nhở, dốc đứng. Theo hồ sơ, dự án Khu biệt thự sinh thái vườn đồi Thanh Trúc (do Công ty TNHH Thanh Trúc làm chủ đầu tư) có diện tích lên tới 9,2 héc-ta. Phân nửa dự án này nằm ngất ngưởng trên triền núi.

13 DỰ ÁN “XÂU XÉ” NÚI CÙ HIN

Ngay trước Tết Kỷ Hợi 2019, một khu du lịch (KDL) quy mô tại sườn phía tây núi Cù Hin, thuộc địa bàn xã Phước Đồng (TP.Nha Trang) giáp ranh huyện Cam Lâm (cùng tỉnh) được khánh thành, đưa vào khai thác. Đó là KDL Tàu Ngầm Nha Trang (do Công ty TNHH Đầu tư thương mại du lịch Ngọc Thiên Long làm chủ đầu tư).

KDL này khá ấn tượng với mô hình mô phỏng tàu ngầm Kilo 636, với kích thước thật, được xây dựng trên sườn núi, ở độ cao khoảng gần 90m. Để hình thành KDL, thảm thực vật trong phạm vi 15 héc-ta cơ bản bị phá trắng. Sườn núi bị san ủi, biến dạng.

Mở đường lên đỉnh Cù Hin

Sườn phía đông ngay dốc lên đèo Cù Hin, Đại lộ Nguyễn Tất Thành (thuộc xã Phước Đồng), một công trường trên sườn núi cũng đã hình thành. Núi bị bạt, thảm thực vật tự nhiên bị phá trắng, san ủi, hình thành hệ thống đường giao thông trục, giật cấp, chia cắt sườn núi.

Theo UBND xã Phước Đồng, khu vực núi bị ảnh hưởng thuộc dự án KDL Non Nước Nam Sông Lô (do Doanh nghiệp tư nhân Ban Mai làm chủ đầu tư, nay là Công ty TNHH Ban Mai Nha Trang, được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 11-2007). Dự án có diện tích 16 héc-ta, gồm 12 héc-ta đất và 4 héc-ta khu vực đất bãi biển liền kề.

Bên sườn phía nam núi Cù Hin, một con đường dẫn từ chân núi, sát đầm Thủy Triều hướng lên đỉnh núi, đến độ cao gần 300m đã thành hình. Theo địa hình sườn núi, đường quanh co uốn khúc, có chỗ dốc đứng, những bờ taluy âm và dương hun hút, dốc đứng.

Dự án Khu du lịch Non Nước Nam Sông Lô

Theo báo cáo ý tưởng đề xuất quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu vực núi Cù Hin được Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa trình ngày 30-3-2018, tổng diện tích khu vực quy hoạch là 3.893 héc-ta. Trong đó có khoảng 3.000 héc-ta là đất rừng và núi, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất bãi biển chưa khai thác, sử dụng, riêng diện tích mặt nước khoảng 200 héc-ta.

Báo cáo các dự án liên quan đến quy hoạch khu vực núi Cù Hin của Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho biết, ý tưởng của quy hoạch dự kiến sẽ chia khu vực này thành 10 phân khu chức năng. Trong đó có 7 phân khu theo hướng phát triển kiến trúc, xây dựng các KDL sinh thái, nghỉ dưỡng, sân golf, khu vui chơi, thể thao mạo hiểm...

Cũng theo báo cáo này, có 13 dự án thuộc phạm vi nghiên cứu quy hoạch khu vực núi Cù Hin, gồm: 10 dự án đã được thỏa thuận địa điểm, cấp giấy chứng nhận đầu tư; 3 dự án khác đang xin chủ trương và chấp thuận đầu tư.

Trước đó, vào tháng 10-2017 và những tháng đầu năm 2018, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành nhiều văn bản đề cập chủ trương lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu vực núi Cù Hin, làm cơ sở để các dự án du lịch xây dựng đồ án quy hoạch chi tiết. Cũng như tình trạng núi Cô Tiên, dù quy hoạch chung mới chỉ dừng lại ở chủ trương, ý tưởng, thế nhưng 10 dự án đã thỏa thuận địa điểm đều đã có... quy hoạch chi tiết (?).

Dự án Khu du lịch Tàu Ngầm Nha Trang

Vì sao lại xảy ra tình trạng ồ ạt “xẻ thịt” núi Cù Hin? Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian gần đây, khi tỉnh Khánh Hòa tập trung rà soát các dự án du lịch - dịch vụ trên địa bàn, chủ trương thu hồi những dự án chậm tiến độ theo quy định. Mục đích của công tác này là nhằm tránh lãng phí tài nguyên, tạo cơ hội cho những nhà đầu tư tâm huyết, năng lực và ý tưởng tốt có thể tiếp cận nguồn quỹ đất, cảnh quan tiềm năng, nhưng chưa được khai thác.

Trước khả năng dự án bị xem xét thu hồi, một số nhà đầu tư sau thời gian nhiều năm “án binh bất động”, “bỏ quên” dự án, bắt đầu rục rịch mua gom đất hay tập trung máy móc thi công, trong lúc dự án chưa có đủ các thủ tục pháp lý cần thiết.

Khu vực núi Cù Hin có diện tích gần 3.900 héc-ta, địa giới hành chính thuộc TP.Nha Trang và huyện Cam Lâm. Núi Cù Hin có đỉnh cao gần 1.000m, là đỉnh cao nhất khu vực ngoại ô Nha Trang, được mệnh danh là “nóc nhà của phố biển”.

Núi có cảnh quan đẹp, nhiều loài thực vật đặc trưng, giá trị cao, khí hậu mát mẻ. Từ núi Cù Hin có thể nhìn bao quát vịnh Nha Trang, biển Bãi Dài (Cam Lâm) và thành phố biển. Khu vực núi Cù Hin có hơn 2.360 héc-ta thuộc quy hoạch phát triển rừng sản xuất, trong đó khoảng 125 héc-ta thuộc rừng tự nhiên, không được tác động dưới mọi hình thức.

Quy hoạch thì như vậy, nhưng thực tế rừng Cù Hin đang bị tác động nghiêm trọng. Nhiều vùng rừng tự nhiên đã và đang tiếp tục bị biến thành nương rẫy hay trong tình trạng bị đốn hạ hàng loạt, tạo thành những đồi trọc, đất, đá lô nhô, nham nhở.

Nhìn trên ảnh vệ tinh, khu vực núi Cù Hin loang lổ da báo, với màu chủ đạo là những mảng xám của đất đồi trọc, màu nâu của những đám rừng bị đốt phá. Mảng màu xanh thẫm lành lặn của thảm thực vật tự nhiên với đặc trưng riêng chỉ còn những chỏm khiêm tốn nằm ở các vị trí khe sâu, sườn dốc...

(Còn tiếp...)

Cảnh báo những hệ lụy khi liên kết địa chất bị phá vỡ

Có một thực tế là hầu như tất cả các ngọn núi và nhiều đảo tại TP.Nha Trang hiện nay đều đang bị tác động. Núi bị “móc” chân, đào bới, san ủi trên triền dốc lẫn đỉnh, xẻ dọc, ngang.

Trao đổi với báo chí về những rủi ro của các dự án trên núi ở TP.Nha Trang, kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc (Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa) cho rằng: Nha Trang như là một thung lũng, bốn bề được bao bọc bởi các dãy núi cao, mặt trước hướng ra biển. Nhiều dự án “tranh nhau” lên tầng cao của núi, triền đồi để có “view” đẹp, tận hưởng cảnh quan thiên nhiên. Nhưng các dự án này đã tác động vào thiên nhiên, làm biến đổi địa chất, mất tính liên kết ổn định. Nhiều khu vực rừng phòng hộ bị phá vỡ, đất rừng bị “xén” làm đường, dễ làm giảm khả năng chống đỡ với thiên tai của thành phố. Như việc quy hoạch hồ bơi rộng trên sườn núi cho thấy sự bất ổn, nhất là khi phía dưới có khu dân cư.

“Hội kiến trúc sư đã nhiều lần cảnh báo về điều này. Các dự án ven núi hoặc trên núi ở Nha Trang đều có độ cao vượt chuẩn quy hoạch chung TP.Nha Trang mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Quy hoạch được các cơ quan chức năng nghiên cứu rất kỹ càng, còn các dự án trên núi đều vi phạm, kể cả quy hoạch sử dụng đất, vì tất cả đều quy hoạch rừng và cây xanh ở khu vực đồi núi” - ông Lộc nói.

Lương Văn - Duy Luân

Từ khóa » Sự Tích đèo Cù Hin