Kỳ Lạ Loài Thằn Lằn Có Khả Năng Bay Như Rồng - Dân Trí

Kỳ lạ loài thằn lằn có khả năng bay như rồng

Thằn lằn Draco là loài thằn lằn duy nhất trên thế giới có khả năng bay lượn nên chúng còn được gọi là "rồng bay". Chúng sinh sống ẩn mình trong những cánh rừng rậm nhiệt đới ở khu vực Đông Nam Á. Thông thường, đó là những khu rừng nhiệt đới gió mùa với độ cao khoảng 1.400 m so với mực nước biển.

Kỳ lạ loài thằn lằn có khả năng bay như rồng - 1
Một con thằn lằn bay Draco

Trên mặt đất là vô số những kẻ săn mồi đang ẩn náu. Khi phải chạm trán với kẻ thù, ngoài việc trốn chạy thật nhanh, hàng nghìn năm qua, loài thằn lằn Draco dần thích nghi và thành thục khả năng bay lượn trên không trung, tránh những mối nguy hiểm rình rập.

Những con thằn lằn bay Draco có chiều dài trung bình khoảng 20 cm bao gồm cả đuôi. Cơ thể của chúng khá dẹt với trọng lượng nhỏ, giúp dễ dàng bay hơn trong không khí.

Kỳ lạ loài thằn lằn có khả năng bay như rồng - 2
Chúng được coi là "bậc thầy ngụy trang" bởi khả năng biến hóa màu sắc linh hoạt

Nhờ sở hữu bộ xương sườn dài, nên chúng có thể duỗi thẳng và co rút nếu muốn. Giữa xương sườn là phần da được xếp nếp và gấp gọn theo cơ thể, nhưng khi cấp bách, chúng có thể mở ra và hoạt động như một đôi cánh. Nhờ đó, thằn lằn Draco có thể đón hướng gió và bay lướt nhẹ nhàng như một cánh bướm.

Chỉ trong một bước nhảy, thằn lằn bay có thể bay xa tới 30 m. Đây cũng là cách rất hiệu quả khi di chuyển trong rừng rậm. Nhờ đó, chúng di chuyển rất nhanh, nhưng thường nằm chờ con mồi đi qua để tấn công.

Kỳ lạ loài thằn lằn có khả năng bay như rồng - 3
Một cú nhảy của loài này có thể bay xa tới 30 m

Ngoài khả năng "bay lượn như rồng" qua cây này tới cây khác để kiếm ăn và tìm kiếm bạn tình trong mùa giao phối, thằn lằn Draco còn có khả năng "tàng hình" điêu luyện. Chúng còn được ví là "bậc thầy" ngụy trang nhờ khả năng biến đổi màu sắc linh hoạt.

Kỳ lạ loài thằn lằn có khả năng bay như rồng - 4
Cất cánh bay để trốn kẻ thù

Các chuyên gia cho biết, nếu ở khoảng cách từ 4 m trở lên, mắt thường con người sẽ không phân biệt được đâu là loài động vật này hay mảng nứt trên thân cây xù xì, bởi chúng thường bám đậu trên thân cây.

Kỳ lạ loài thằn lằn có khả năng bay như rồng - 5
Cận cảnh đôi cánh của loài thằn lằn bay

Kết thúc mùa giao phối, thằn lằn cái sẽ xuống đáy rừng để đẻ trứng. Ban đầu, chúng dùng đầu đào các lỗ nhỏ, sau đó đẻ khoảng 5 quả trứng vào lỗ. Tiếp đó, chúng sẽ chôn các lỗ lại và nằm canh trứng trong vòng 1 ngày rồi mới trở lại thân cây. Khoảng 32 ngày sau, trứng sẽ nở thành con, bắt đầu vòng đời mới của những con thằn lằn bay Draco.

Từ khóa » Thằn Lằn Bay ở Việt Nam