Kỹ Năng MC Dẫn Chương Trình: 5 Phương Pháp để Luyện Giọng Nói Hay

Để trở thành người dẫn chương trình chuyên nghiệp, ngoại hình đẹp là một lợi thế nhưng chưa đủ. Một giọng nói truyền cảm, giàu sức hút sẽ giúp bạn ghi dấu trong lòng khán giả. Có những người bẩm sinh đã may mắn có một giọng nói hay. Tuy nhiên, nếu như bạn mắc phải những khiếm khuyết giọng nói thì điều này không có nghĩa bạn không thể trở thành người dẫn chương trình.

Trên thực tế, có rất nhiều MC nổi tiếng từng trải qua quá trình rèn luyện gian khổ để có được một giọng nói ấn tượng. Nếu bạn cũng muốn giống như họ, dưới đây là những phương pháp bạn cần thực hiện.

bảng xếp hạngTrung tâm đào tạo kỹ năng phát triển bản thân

Hơi thở là quan trọng nhất để có một giọng nói hay

Muốn có một giọng nói tốt, trước tiên cần phải có một cột hơi vững vàng. Thông thường, chúng ta lấy hơi sẽ căng lồng ngực và hóp bụng vào. Tuy nhiên để có một làn hơi dài và cột hơi ổn định thì kỹ thuật lấy hơi bụng mới mang lại hiệu quả cao nhất, hỗ trợ cho việc tập luyện giọng nói.

Tư thế chuẩn nhất khi tập luyện thở bụng là đứng thẳng, vai và lưng thẳng, chân duỗi thẳng rộng bằng vai hoặc ngồi trên ghế. Ban đầu, bạn hít hơi vào bằng mũi, dùng đầu để điều khiển làn hơi đi xuống bụng (bụng sẽ phình to ra), nén hơi lại trong khoảng 8 – 12 giây, sau đó thở nhẹ nhàng qua đường miệng, thời gian giữ và thở ra tối thiểu phải được 30 giây. Trong lúc thở ra, bạn cần điều tiết cho hơi thở đều đặn và ổn định, không ngắt quãng.

Để sớm đạt được kết quả như ý, bạn cần tập luyện thường xuyên, đều đặn. Mỗi ngày nên tập từ 4 – 5 lần, 10 – 15 phút/lần.

Tập thở đúng cách sẽ giúp bạn sở hữu cột hơi vững
Tập thở đúng cách sẽ giúp bạn sở hữu cột hơi vững (Nguồn: medicalnewstoda)

Luôn cẩn thận trong phát âm

Việc nói bằng tiếng mẹ đẻ có thể khiến chúng ta chủ quan rằng bản thân không thể nói sai ngôn ngữ này. Nhưng khi dẫn chương trình hay khi nói trước đám đông, dưới áp lực của sân khấu, có thể bạn sẽ vô thức phát âm sai. Để tránh tình huống này, điều kiện cần đầu tiên là phải phát âm to và rõ ràng.

Hãy tập đọc mỗi ngày, phân tích và đọc thật kỹ từng chữ, từng câu và rèn luyện nhiều tới khi bạn hình thành được thói quen phản xạ, suy nghĩ về những nội dung được đọc ngay cả khi đang nói chuyện. Bạn có thể ghi âm bài đọc, sau đó hãy nghe lại thật kỹ và lưu ý để chỉnh sửa những điểm chưa ổn.

Nghiên cứu kỹ tài liệu đọc sẽ giúp chỉnh sửa kỹ năng phát âm
Nghiên cứu kỹ tài liệu đọc sẽ giúp chỉnh sửa kỹ năng phát âm (Nguồn: edasi)

Âm lượng và tốc độ nói rất quan trọng

Những người còn thiếu kỹ năng MC dẫn chương trình thường lúng túng, đồng thời dễ bị mất bình tĩnh, dẫn đến việc nói rất nhanh, hấp tấp và giọng nói run rẩy, không chắc chắn. Điều này vô hình chung đã tạo ra sự khó chịu đến cho người nghe. Khi nói nhanh, chúng ta cung cấp một lượng thông tin dồn dập khiến người nghe không kịp nắm bắt để tư duy thấu đáo. Hơn thế, nếu nói quá nhanh cũng dễ bị vấp hoặc nói sai thông tin. Ngược lại, khi tốc độ giọng nói quá chậm sẽ làm bài nói rời rạc, khiến người nghe mệt mỏi và uể oải.

Chính vì vậy, bạn cần phải luyện tập thật nhiều để giữ vững giọng nói truyền cảm trong mọi hoàn cảnh. Các bài tập luyện về điều tiết hơi thở sẽ là công cụ quan trọng giúp bạn điều chỉnh âm lượng giọng nói một cách hoàn hảo. Thông thường, tốc độ giọng nói trung bình đạt từ 110 – 140 từ/phút là hợp lý.

Chú ý đến nhịp điệu và tiết tấu khi nói

Một giọng nói thu hút người nghe là khi có sự hài hòa về nhịp điệu, âm lượng, tốc độ và sự truyền cảm trong đó. Để có giọng nói nhịp nhàng và truyền cảm, bạn nên luyện tập bằng cách đọc và nói những đoạn văn ngắn cảm xúc, những đoạn mô tả về cảnh quan thơ mộng, trữ tình, nhiều câu biểu cảm mang những sắc thái khác nhau.

Khi luyện đọc, có thể kết hợp nghe một số thể loại nhạc nhẹ không lời như nhạc giao hưởng, nhạc hòa tấu du dương để bạn giữ được cảm xúc trong khi đọc thoại.

Nhịp điệu nói mang lại một bài dẫn chương trình truyền cảm
Nhịp điệu nói mang lại một bài dẫn chương trình truyền cảm (Nguồn: marriedbyandy)

Linh hồn của giọng nói là sự truyền cảm

Một giọng nói rõ ràng, mạch lạc đến đâu cũng sẽ khó có thể đọng lại lâu và để lại một ấn tượng sâu sắc nếu như thiếu đi sự truyền cảm. Sự chân thành xuất phát từ bản thân người nói sẽ tạo nên âm sắc và tính truyền cảm. Đây là kỹ năng MC dẫn chương trình khó để luyện tập nhất.

Để người nghe cảm nhận được cảm xúc của người MC, chúng ta nên thể hiện cả sắc mặt, thái độ, ngôn ngữ hình thể ngay trong lúc diễn đạt. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến giọng nói của chính bạn.

Trong giao tiếp hàng ngày cũng như trong công việc, một giọng nói hay sẽ mang lại nhiều cơ hội cho người sở hữu nó. Và chúng ta hoàn toàn có thể luyện tập để có một giọng nói hay. Trên đây là 5 bí quyết luyện tập để có một giọng nói hay và truyền cảm mà Edu2Review giới thiệu cho các bạn. Chúc bạn sớm cải thiện chất giọng và kỹ năng MC dẫn chương trình của mình.

Khuê Lâm (Tổng hợp)

Nguồn ảnh cover: ABV Edu

Từ khóa » Bài Tập Luyện Giọng Mc