Kỷ Nguyên Mới Của Các Triệu Phú Mã Nguồn Mở - VnExpress Số Hóa

Với việc Linux ngày càng được đưa vào sử dụng rộng rãi tại các doanh nghiệp và những công ty CNTT lớn như IBM và HP thường xuyên công bố các sáng kiến mã mở, mã nguồn mở không chỉ còn giới hạn trong những người yêu thích công nghệ.

Trong quá trình Internet biến đổi từ sân chơi dành riêng cho giới công nghệ thành một thế lực cả trong kinh doanh và xã hội, lĩnh vực mã nguồn mở cũng chuyển biến từ một cuộc chơi lộn xộn “vui là chính” của dân lập trình viên nghiệp dư thành một hình mẫu doanh nghiệp lớn mạnh không ngừng. Các công ty và cá nhân dần tìm ra cách thức tiếp thị sản phẩm mã nguồn mở và đặc biệt là bán các dịch vụ liên quan. Họ nhận ra rằng mã mở đồng nghĩa với tiền bạc.

Mặc dù Linus Torvalds vẫn được tôn trọng trong cộng đồng mã mở, người sáng lập ra Linux không phải cá nhân được hưởng lợi nhiều nhất về tài chính từ sản phẩm mã nguồn mở này. Vị trí đó, theo nhiều nhà phân tích, là dành cho giám đốc điều hành Sam Palmisano của IBM.

Trong các công ty đang nỗ lực đưa mã mở vào môi trường doanh nghiệp, IBM tỏ ra tích cực nhất với các trọng tâm dịch vụ và đào tạo. Đây là hướng đi đúng đắn, vì theo nhà phân tích Laura DiDio của tập đoàn Yankee Group, chỉ với mã nguồn mở thì các nhà phân phối Linux thậm chí chẳng thể thanh toán hóa đơn tiền điện. Để có lợi nhuận, họ cần tính phí dịch vụ và đào tạo.

IBM đã bắt tay vào xây dựng các trung tâm toàn cầu "Centers of Competency" để đào tạo khách hàng về mã mở từ nhiều năm nay. Hiện nay, hãng có 6 trung tâm tại các quốc gia quan tâm đến Linux, bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Đức và Nhật Bản.

"Những trung tâm này nâng cao mức độ nhận thức về mã mở”, nhà phân tích George Weiss của Gartner nhận xét. “Chúng chỉ ra cách thức Linux có thể ứng dụng trong các ngành công nghiệp cụ thể, và đó là điều rất hấp dẫn với nhiều công ty”.

Năm ngoái, Linux mang lại cho IBM khoản lợi nhuận 2 tỷ USD. Năm nay, Jim Stalling, Giám đốc bộ phận Linux của hãng, tin rằng con số này sẽ gia tăng ít nhất 50%.

Các công ty lớn khác cũng kiếm được những khoản lợi nhuận lớn từ mã mở. Hewlett-Packard đạt doanh số 2,5 tỷ USD từ sản phẩm và dịch vụ Linux trong năm 2003 và đang tiếp tục mở rộng danh mục đầu tư cho mã nguồn mở. Red Hat, dù đang gặp khó khăn trong các vấn đề về chứng khoán, cũng hy vọng sẽ đạt doanh số 124 triệu USD trong năm nay.

Các công ty kinh doanh thành công với mã nguồn mở đang tích cực mở rộng hoạt động. Trong 4 năm qua, Novell đã đổ thêm nhiều vốn đầu tư vào sản phẩm Linux, và cùng với việc mua lại SuSE Linux, hãng dự tính sẽ đưa ra thêm nhiều sản phẩm và dịch vụ mới trong tương lai. Jeff Hawkins, Phó chủ tịch bộ phận Linux của Novell, nhận xét: “Mã nguồn mở là một phương thức hay để tạo ra phần mềm, vì nó đem lại sự lựa chọn tại những thị trường trước đây bị thống trị bởi một nhà cung cấp duy nhất. Mã mở có tầm ứng dụng rộng và điều đó mang lại những tiềm năng to lớn”.

Chuyên gia mã nguồn mở Eric Raymond cũng đồng ý với ý kiến trên: “Các doanh nghiệp ngày nay hỗ trợ rất nhiều cho phát triển mã mở, điều trước đây ít xảy ra”. Thời kỳ các dotcom bùng nổ thập niên 90, Raymond đã trở thành triệu phú chỉ sau một đêm khi nhà cung cấp mã mở VA Linux Systems phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) trên thị trường chứng khoán. Là một cổ đông lớn kiêm thành viên hội đồng giám đốc, tài sản của ông lên đến 41 triệu USD khi VA có tên trên Nasdaq. Khi hệ thống dotcom sụp đổ, ông mất trắng tất cả. Với sự “tái xuất” của Linux, Raymond lạc quan tin tưởng rằng các công ty tham gia cuộc chơi đã thấu hiểu sắc thái vận động của mã nguồn mở và điều đó sẽ mang lại thành công kế tiếp thành công, với sự xuất hiện của nhiều triệu phú mới.

T.N. (theo News Factor)

  • Máy ảnh chơi nhạc
  • Hiện tượng và bài học Dotcom
  • Torvalds có thực là cha đẻ Linux?
  • Thế hệ lãnh đạo Dotcom tuổi 30 ở châu Á

Từ khóa » Triệu Phú Dotcom Là Gì