Kỷ Niệm 100 Năm Ngày Sinh Của đồng Chí Lê Đức Anh (1/12/1920

Đồng chí Lê Đức Anh (bí danh Nguyễn Phú Hòa, còn gọi là Chín Hòa, Sáu Nam), sinh ngày 1/12/1920 tại làng Trường Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng, thấu hiểu sự nghèo đói, lam lũ của người dân lao động cùng khổ dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến, đồng chí sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1937. Năm 1938, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) khi mới 18 tuổi.

NGƯỜI CHỈ HUY TÀI BA, QUYẾT ĐOÁN LUÔN CÓ MẶT Ở NHỮNG CHIẾN TRƯỜNG KHÓ KHĂN, GIAN KHỔ NHẤT

Sau một thời gian hoạt động ở quê nhà, theo chủ trương của tổ chức và để tránh sự khủng bố của địch, đồng chí bí mật hoạt động trong các hội Ái Hữu ở Hội An, Đà Lạt, Lộc Ninh, Thủ Dầu Một và các nghiệp đoàn cao su ở Lộc Ninh, Quản Lợi, Xa Can, Xa Cát để gây dựng phong trào cách mạng. Những năm tháng làm việc ở đồn điền cao su Lộc Ninh, đồng chí đã quan tâm “tổ chức, củng cố đời sống vật chất và tinh thần cho những người phu cao su, hâm nóng và thắp sáng trong họ lòng tự tôn dân tộc”[1]. Tại những địa bàn đó, hàng trăm phu cao su được đồng chí giác ngộ, tuyển chọn; trong đó, 4 người được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Chi bộ Đảng đầu tiên ở Lộc Ninh được thành lập do đồng chí làm Bí thư. Đồng chí đã tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở vùng đất đỏ trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Ngày 23/9/1945, kháng chiến Nam Bộ bùng nổ, đồng chí được điều vào quân đội. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 -1954), đồng chí lần lượt đảm nhiệm các chức vụ từ cấp đại đội, chi đội, trung đoàn, đến Tham mưu trưởng Khu 7, Khu 8, Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn đến Tham mưu phó Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Những năm kháng chiến đầy gian khó đó, đồng chí đã bám sát thực tiễn, vận dụng đúng đắn, sáng tạo quan điểm, đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng vào điều kiện cụ thể của từng địa bàn, theo phương châm dựa vào dân mà chiến đấu, góp phần vào thắng lợi quan trọng của các chiến dịch, đi đến kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Sau Hội nghị Giơnevơ năm 1954, đồng chí tập kết ra Bắc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 -1975), đồng chí được Đảng giao các chức vụ: Cục phó Cục Tác chiến; Cục trưởng Cục Quân lực - Bộ Tổng Tham mưu; Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam; Tư lệnh Quân khu 9; Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh cánh quân hướng Tây - Tây Nam đánh vào Sài Gòn.

Cụ thể, năm 1964, từ miền Bắc, đồng chí được điều động vào làm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam và liên tục ở chiến trường Nam Bộ cho đến ngày toàn thắng. Hơn 10 năm trực tiếp là người lãnh đạo, chỉ huy chiến trường Nam Bộ, đồng chí đã bộc lộ rõ tài năng và sự quyết đoán, dám làm và dám chịu trách nhiệm của mình đối với cấp trên, với đồng bào, đồng chí. Năm 1969, khi chiến trường Tây Nam Bộ gặp khó khăn chồng chất, đồng chí được Quân ủy - Bộ Chỉ huy Miền điều động về làm Tư lệnh Quân khu 9 để từng bước khôi phục lại lực lượng vũ trang và phong trào cách mạng ở địa bàn sông nước rất ác liệt và gian khổ này…

Từ năm 1969 đến năm 1973, đồng chí được giao cương vị Phó Bí thư Khu ủy, Tư lệnh Quân khu 9. Đây là giai đoạn Khu 9 gặp muôn vàn khó khăn, thử thách, lực lượng vũ trang bị tổn thất nặng nề, phải rút khỏi vùng ven đô thị, đồng bằng khi địch bình định lấn chiếm gần hết vùng giải phóng trước đây. Với tài năng chính trị - quân sự, tầm nhìn chiến lược và tư duy sắc sảo, phân tích, đánh giá chính xác tình hình, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đồng chí đã cùng Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng khối đoàn kết, củng cố tổ chức, xây dựng lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị... từng bước vượt qua mọi khó khăn, hiểm nguy, đánh bại các chiến thuật, chiến lược quân sự của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, góp phần khôi phục và phát triển phong trào kháng chiến trên địa bàn. Đồng thời, với tư chất của một nhà chỉ huy quân sự mưu lược, quyết đoán và dũng cảm, đồng chí đã tham gia hoạch định và tổ chức thực hiện thành công nhiều kế hoạch tác chiến chiến lược, như cuộc Tổng tiến cđồng chí và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968); cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thực tiễn chiến trường cho thấy đồng chí là một tài năng quân sự, nhà tham mưu chiến lược tài ba của Đảng và quân đội; đồng thời, đồng chí cũng có công lao lớn trong việc xây dựng quân đội, xây dựng các công trình phòng thủ miền Bắc để sẵn sàng đánh trả khi đế quốc Mỹ dùng không quân và hải quân ném bom, bắn phá miền Bắc.

Sau Hiệp định Paris (1/1973), đồng chí đã cùng Bí thư Khu ủy Khu 9 Võ Văn Kiệt kiên quyết không thực hiện lệnh “5 cấm chỉ” để giáng trả quân đội Sài Gòn khi chúng xé bỏ Hiệp định, tung quân đánh phá ác liệt vùng giải phóng của ta. Quyết định dũng cảm và táo bạo sát đúng với thực tế chiến trường của hai đồng chí sau này được Trung ương đánh giá rất cao. Năm 1974, đồng chí được điều trở lại làm Phó Tư lệnh Miền để chuẩn bị cho những đòn quyết định giải phóng miền Nam. Trên cương vị này, đồng chí trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo chiến dịch đường 14 - Phước Long, giải phóng thị xã Phước Long, xem đây như đòn trinh sát chiến lược thăm dò sức chiến đấu của quân đội Sài Gòn và khả năng quân Mỹ có can thiệp trở lại miền Nam khi quân ta đánh lớn hay không. Chính thắng lợi của chiến dịch này đã giúp Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 -1976. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng chí là Phó Tư lệnh kiêm Tư lệnh Đoàn 232 đánh chiếm Sài Gòn từ hướng tây - tây nam và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ...

NGƯỜI LÃNH ĐẠO SẮC SẢO VỚI NHIỀU DẤU ẤN NỔI BẬT

Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí đảm nhiệm các trọng trách: Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia; Trưởng ban lãnh đạo Đoàn Chuyên gia tại Campuchia; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương); là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI, VII và VIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa VII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa V, VI, VII và VIII; Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII; Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (9/1992 đến 12/1997); Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng (12/1997 đến 4/2001); đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII và IX.

Tháng 6/1978, đồng chí lại được điều động trở lại Đông Nam Bộ, giữ trọng trách Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7 để chuẩn bị cho những chiến dịch lớn trừng trị bè lũ Pôn Pốt - Iêng Xary, đẩy chúng ra khỏi biên giới và giúp bạn đánh đổ chế độ diệt chủng, cứu dân tộc Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng. Tháng 6/1981, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia. Trong gần 7 năm gắn bó với chiến trường này, đồng chí đã chỉ huy bộ đội quân tình nguyện và các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam giúp nhân dân Campuchia hồi sinh, góp phần giữ vững thành quả cách mạng.

Tháng 12/1986, đồng chí về Tổng hành dinh làm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và đến tháng 2/1987 giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Trên cương vị là người lãnh đạo, chỉ huy cao nhất của quân đội, đồng chí đã cùng Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng tập trung xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân và nền quốc phòng toàn dân, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước. Cụ thể, đồng chí đã tham mưu cho Bộ Chính trị và lãnh đạo, chỉ đạo điều chỉnh bố trí chiến lược, tổ chức, biên chế, xây dựng quân đội vững mạnh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, giải quyết vấn đề biên giới, tăng cường phòng thủ biển; đã trình Bộ Chính trị sắp xếp thế bố trí chiến lược của toàn quân, giảm quân số thường trực từ 1,5 triệu xuống còn 45 vạn; đã rút các đơn vị chủ lực về tuyến hai, đưa bộ đội địa phương, dân quân du kích và bộ đội biên phòng lên tuyến một làm cho tình hình biên giới dịu đi…

Đặc biệt, đồng chí đã chỉ đạo bộ đội hải quân tăng cường phòng thủ, mở rộng trú đóng trên các đảo đá chìm, giữ vững chủ quyền biển, đảo trên quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam trên tinh thần: "Xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của các cán bộ chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta!”[2]. Với tầm nhìn chiến lược, đồng chí đã ký nhiều mệnh lệnh về việc bảo vệ quần đảo Trường Sa, trên cơ sở đó, từ tháng 6/1989 đến tháng 11/1990, Quân chủng Hải quân đã khắc phục khó khăn, duy trì sự có mặt của Việt Nam trên thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

Luôn giữ vững lập trường và đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết, trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao, xử lý và giải quyết các mối quan hệ quốc tế, quán triệt sâu sắc lời dạy “Dĩ bất biến ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí luôn tích cực nghiên cứu cách thức, phương pháp và bước đi để thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ với một số nước, một số đối tác, góp phần đặt nền móng cho chính sách đổi mới, mở cửa và hội nhập của Đảng, Nhà nước. Với tư duy sắc sảo của mình, đồng chí được Bộ Chính trị giao trọng trách thăm dò và trực tiếp tiến hành nhiều công việc hệ trọng, xúc tiến bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, Trung Quốc, từng bước đưa đất nước gia nhập ASEAN và thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước trên thế giới, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tháng 9/1992, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX, đồng chí được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 1992-1997. Đây là giai đoạn Việt Nam triển khai toàn diện công cuộc đổi mới với nỗ lực cao của toàn Đảng, toàn dân. Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều bất lợi với Việt Nam, đặc biệt sau sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, đảm nhiệm trọng trách mới, trên cương vị nguyên thủ quốc gia, đồng chí đã cùng Tổng Bí thư Đỗ Mười, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và tập thể Bộ Chính trị, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trăn trở, tìm tòi biện pháp, quyết sách đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, cải thiện đời sống nhân dân, củng cố an ninh - quốc phòng và mở cửa hội nhập quốc tế; kiên định con đường đổi mới để tiến lên.

Là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của đất nước thời đổi mới, trước những biến động phức tạp của tình hình quốc tế và khu vực, trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, đồng chí đã thực hiện và triển khai một cách thận trọng, nghiêm túc, nhưng cũng hết sức tích cực chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam, góp phần làm cho bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn đất nước và con người Việt Nam; hiểu rõ chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa trên nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và cùng có lợi; góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định để thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới…

Là Chủ tịch nước, đồng chí đã ký công bố Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người tham gia hoạt động kháng chiến, người có công với cách mạng, góp phần lan tỏa sâu rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng nhà tình nghĩa, nhận phụng dưỡng suốt đời các Bà mẹ Việt Nam anh hùng; làm cho “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” và phong trào toàn dân chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng được hưởng ứng sôi nổi, rộng khắp trong cả nước, thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam…

NGƯỜI CHỈ HUY - LÃNH ĐẠO LUÔN QUAN TÂM CHĂM LO CHIẾN SĨ, ĐỒNG BÀO, ĐỒNG CHÍ

Hơn 80 năm tuổi Đảng, Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh là một nhà lãnh đạo tài năng, nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước đã dành trọn cuộc đời cống hiến vì sự nghiệp cách mạng. Vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, đồng chí hết lòng phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Từng vào sinh ra tử, trưởng thành qua các cuộc kháng chiến và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Lê Đức Anh luôn vững vàng bản lĩnh chính trị, giữ vững ý chí, phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản, hết lòng phụng sự Tổ quốc và nhân dân; không ngừng rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao tri thức về mọi mặt và hành động quyết liệt trong công tác để hoàn thành nhiệm vụ. Trong ký ức của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, thì “Lê Đức Anh là một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta”[3].

Trên những chặng đường cách mạng, dù đảm nhiệm vị trí, trọng trách nào, đồng chí cũng luôn xác định gắn bó mật thiết với nhân dân, bám sát thực tiễn cuộc sống bình dị của nhân dân, vì nhân dân phục vụ để phấn đấu. Luôn nắm bắt tình hình thực tế, nhìn rõ những thuận lợi, khó khăn của thực tiễn, đồng chí đã lắng nghe tâm tư, tình cảm của nhân dân để kịp thời chỉ đạo các địa phương, đơn vị những ý kiến phù hợp. Trong chiến đấu và trong công việc, đồng chí quyết đoán, thẳng thắn và nghiêm khắc, song trong sinh hoạt đời thường, đồng chí lại luôn gần gũi, thương yêu, quan tâm, chăm lo và sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi với cán bộ, chiến sĩ… Là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt tiêu biểu, đồng chí đã mang hết tâm huyết, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào những vấn đề lớn của đất nước, luôn đặt lợi ích của Đảng, Tổ quốc và nhân dân lên trên hết để tìm ra những biện pháp giải quyết kịp thời, giúp mình hoàn thành những trọng trách được giao phó.

Là một Chủ tịch nước, một Đại tướng nhân cách tài - đức vẹn toàn, trong ký ức của mỗi người dân, mỗi người lính, mỗi cấp dưới, cùng cấp, cấp trên hay với bạn bè quốc tế, đồng chí Lê Đức Anh không chỉ là tấm gương một người cán bộ lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nhanh chóng quyết đoán trong những khoảnh khắc quyết định mà còn là một người giản dị và chan hòa, chân tình và độ lượng, luôn dành tình cảm thương yêu, quan tâm chăm lo đời sống của đồng bào, đồng chí, chiến sĩ nói chung, với quê hương Thừa Thiên Huế nói riêng.

Trên chiến trường đối đầu trực diện với kẻ thù, đồng chí thể hiện bản lĩnh của một vị tướng tài năng, không chùn bước trước hy sinh, gian khổ; lăn lộn với thực tế, sát cánh cùng bộ đội để tìm ra những cách đánh hiệu quả, táo bạo, giảm thiểu hy sinh xương máu của chiến sĩ và đồng bào. Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, vị tướng giản dị, gần gũi và sâu sát thực tiễn Lê Đức Anh đã đi thăm và kiểm tra nhiều đơn vị cơ sở; đã kịp thời nắm bắt được thực tế những khó khăn, thiếu thốn, thậm chí cả biểu hiện tư tưởng tiêu cực phát sinh và kịp thời chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các đơn vị tập trung mọi nguồn lực chăm lo đời sống bộ đội, để anh em ổn định tư tưởng, quyết tâm bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Chỉ hơn một tháng sau “sự kiện Gạc Ma năm 1988”, Đại tướng đã trực tiếp đi thị sát quần đảo Trường Sa, nắm tư tưởng cán bộ, chiến sĩ và động viên bộ đội vững vàng tay súng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong suy nghĩ của Nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Thị Bình, "đồng chí Lê Đức Anh, một con người điềm đạm, ít nói nhưng suy nghĩ nhiều, sâu và có tính quyết đoán. Trong công việc, đồng chí luôn luôn giữ vững nguyên tắc. Khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch nước, đồng chí nói với chúng tôi:“Đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối. Vì vậy, mọi việc hệ trọng của Đảng và Nhà nước, tôi sẽ bàn bạc và đề xuất với Bộ chính trị và tôi sẽ thực hiện các quyết định do tập thể Bộ Chính trị thông qua”. Trên thực tế đồng chí đã làm như vậy"[4]. Cũng theo lời đồng chí Nguyễn Thị Bình, "kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch nước, trong bài phát biểu trước Quốc hội, đồng chí nhấn mạnh đến chủ nghĩa cá nhân là nguyên nhân của các tiêu cực, tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa rời quần chúng. Về cán bộ, đồng chí thường nói với chúng tôi là phải đánh giá trên hành động thực tế của từng người"[5]...

Lãnh đạo nhà nước Lào đã "đánh giá cao sự đóng góp to lớn của đồng chí Lê Đức Anh trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước của Việt Nam trong hơn 80 năm qua. Đồng chí Lê Đức Anh đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Lào và Việt Nam”[6].

Giáo sư, Tiến sĩ Ka Mathul, Chủ nhiệm Khoa Quan hệ quốc tế, Viện Quan hệ quốc tế Campuchia (thuộc Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia) trong bài trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Campuchia ngày 4/5/2019 đã nhấn mạnh: “Phần lớn cuộc đời Đại tướng Lê Đức Anh cống hiến, phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông là một người con anh hùng của nhân dân Việt Nam. Đại tướng Lê Đức Anh tham gia chống Pháp, chống Mỹ và trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, ông là Tư lệnh Bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Campuchia”.

Đối với nhân dân Cuba, "cuộc đời mẫu mực và những đóng góp to lớn của đồng chí với nền độc lập và chủ quyền của Việt Nam sẽ không bao giờ bị lãng quên... Đồng chí Lê Đức Anh là một người bạn lớn của nhân dân Cuba và là người đã gìn giữ và vun đắp mối quan hệ anh em và đoàn kết giữa Việt Nam và Cuba”[7]. Đặc biệt, lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh: "Đồng chí Lê Đức Anh đã có cống hiến quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam, luôn không ngừng nỗ lực trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước Trung - Việt phát triển”[8]…

Khi Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đi xa, TS Lê Mạnh Hà - con trai đồng chí viết: "Ba đã sống một cuộc sống kiên cường của người chiến sĩ và bình dị như bao người dân khác. Vượt qua 4 cuộc chiến và 3 cơn bạo bệnh, ba đã sống đến gần 100 tuổi. Yêu thương, nghị lực, may mắn và sức sống phi thường đã giúp ba sống thật lâu và thật sự có ích cho đời... Gia tài ba để lại cho con, cháu thật đồ sộ và quý giá, đó là trái tim nhân hậu của con người dũng cảm. Yêu thương và vị tha, nhân hậu để vị tha. Chúng con thật vinh dự và tự hào được nhận món quà quý giá đó. Cảm ơn ba”[9].

Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng sôi nổi, phong phú của đồng chí Lê Đức Anh là một tấm gương sáng, góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và khích lệ các tầng lớp nhân dân noi gương đồng chí, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, tiền bối tiêu biểu của Đảng ra sức học tập, lao động và cống hiến để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, vì một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"./.

TS. Văn Thị Thanh Mai

[1] Đại tướng Lê Đức Anh: Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng (Hồi ký), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2015, tr.36

[2] Đại tướng Lê Đức Anh: Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng (Hồi ký), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.230.

[3] Đại tướng Lê Đức Anh và nhiều tác giả: Bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.273

[4] Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp Nhà nước “Đồng chí Lê Đức Anh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế”, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020, tr.45

[5] Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp Nhà nước “Đồng chí Lê Đức Anh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế”, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020, tr.46

[6] Lãnh đạo Trung Quốc, Lào, Campuchia, Cuba chia buồn về việc nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh từ trần, Báo Thế giới & Việt Nam, số ra ngày 27/4/2019

[7] Lời cảm tưởng do Bộ trưởng Bộ Truyền thông Cuba Jorge Luis Perdomo ghi Sổ tang tại Lễ truy điệu Đại tướng Lê Đức Anh, ngày 3/5/2019

[8] Lãnh đạo Trung Quốc, Lào, Campuchia, Cuba chia buồn về việc nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh từ trần, Báo Thế giới & Việt Nam, số ra ngày 27/4/2019

[9] Lời đáp từ của gia đình trong Lễ tang Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh, tháng 5/2019 http://www.tuyengiao.vn/nghien-cuu/dong-gop-cua-chu-tich-nuoc-dai-tuong-le-duc-anh-voi-cach-mang-viet-nam-130868

Từ khóa » Sinh Nhật Lê đức Anh