Kỷ Niệm 130 Năm Ngày Sinh Bác Hồ Kính Yêu “nghĩ Về Bác, Lòng Ta ...

Cuộc đời của Người là biểu tượng cao đẹp về chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, lòng yêu nước, yêu nhân dân tha thiết, đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị. Người để lại cho chúng ta một tấm lòng nhân hậu, một tình cảm chan chứa yêu thương, vì nước, vì dân, vì Đảng; một trí tuệ anh minh, mẫn tiệp; một tầm nhìn xa rộng, sâu sắc; một mẫu mực tuyệt vời về phong cách tư duy, phong cách viết, nói, làm việc và sinh hoạt.

Chi tiết tin

Nói đến phong cách sống của Bác Hồ là nói đến sự thanh cao, khiêm tốn, giản dị, không ham danh lợi, không màng địa vị, luôn gần gũi với Nhân dân, yêu thương con người. Với tinh thần của người cộng sản, Hồ Chí Minh luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, dành trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước, phấn đấu thực hiện “ham muốn tột bậc” là làm cho “Đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Khi đất nước độc lập, nhân dân thoát khỏi ách nô lệ, được sống cuộc sống tự do, bắt tay xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng cuộc sống thanh bạch của vị Chủ tịch nước vẫn không có gì thay đổi. Người không đòi hỏi những đặc quyền, đặc lợi gì cho mình, kể cả trong những dịp kỷ niệm Ngày sinh của Người.

Khi giữ trọng trách Chủ tịch nước, Bác tâm sự: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui…" Ở cương vị Chủ tịch nước, Người khước từ ở ngôi nhà sang trọng, mà chỉ ở ngôi nhà nhỏ của người thợ điện phục vụ cho Toàn quyền thời đó.

Ngày 19/5/1946 - lần đầu tiên tổ chức mừng sinh nhật Bác như để biểu thị khối đại đoàn kết toàn dân của một quốc gia non trẻ đang đương đầu với những thử thách to lớn. Hôm đó, tại Bắc Bộ phủ, Bác Hồ đã tiếp đại biểu Thiếu nhi Thủ đô, tự vệ và các đại biểu Nam Bộ đến chúc thọ. Đáp lại tình cảm của mọi người, Bác nói: “Thật ra, mọi người ở đây làm to sinh nhật tôi, chứ tuổi 56 chưa có gì đáng chúc thọ, cũng hãy còn như thanh niên cả, mà trước các anh, các chị, trước cảnh êm vui ở đây, tôi thật thấy làm xấu hổ rằng trong Nam chưa được thái bình”.

Là một người lịch lãm, nhân ái, Bác luôn tôn trọng, không quên cảm ơn những người đã chúc mừng Bác. Ngày 19/5/1956, Bác gửi thư cho cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Trong thư có đoạn viết: “Bác nhận được rất nhiều thư chúc thọ của các cô, các chú... Bác gửi thư này cảm ơn chung".

Những năm sau đó, thường cứ đến dịp sinh nhật, Bác lại thực hiện những chuyến đi công tác xa để tránh các tổ chức, cá nhân đến chúc tụng, gây phiền hà, tốn kém. Chúng ta càng thấy rõ phong cách sống và nhân cách cao thượng của Người.

Năm 1965, nhân dịp sinh nhật lần thứ 75, trong tài liệu “Tuyệt đối bí mật” của mình, lần đầu tiên Bác viết: “Năm nay, tôi đã 75 tuổi. Tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn khỏe mạnh. Tuy vậy, tôi cũng là lớp người “xưa nay hiếm”… tôi để lại mấy lời này, chỉ nói tóm tắt vài việc thôi. Phòng khi đi gặp các cụ Các Mác, Lê nin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và các đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột”.

Ba năm sau, tình trạng sức khỏe của Bác giảm sút, Người đã nhiều lần sửa đi sửa lại và đặt bút viết câu mở đầu vào tài liệu: “Tuyệt đối bí mật” để gửi lại cho đời sau. Sinh nhật lần thứ 78 của mình, Bác không “vắng nhà” như các năm trước, mà dành tất cả thời gian, tập trung suy nghĩ, sửa chữa bản “Di chúc”. Bác viết thêm một số nội dung cụ thể, căn dặn những việc phải làm ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi là hàn gắn vết thương chiến tranh, chỉnh đốn Đảng, chăm lo đời sống của nhân dân…

Đến tháng 5/1969 khi đó Bác Hồ 79 tuổi, Trung ương có ý định tổ chức mừng thượng thọ Bác 80 tuổi vào năm 1970, Bác nói: “Đừng tổ chức sinh nhật cho Bác, Bác yếu lắm rồi. Bác chẳng còn biết được bao lâu nữa, tổ chức bày vẽ làm gì, tốn kém ra. Khi miền Nam chưa được giải phóng, Tổ quốc chưa được thống nhất, Bác ăn không ngon, ngủ không yên, Bác không có lòng dạ nào hưởng niềm vui riêng cả...”.

Bác đã đi xa, về với “thế giới người hiền”, song những lời căn dặn, những tình cảm bao la như trời biển, những chỉ dẫn thiêng liêng của Người đã trở thành “Mệnh lệnh trái tim” đối với mỗi người dân Việt Nam. Người đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và dân tộc ta, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân cho đến hơi thở cuối cùng. Tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi trường tồn với non sông đất nước, với dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vĩ nhân đã in đậm dấu ấn vào lịch sử dân tộc và lịch sử nhân loại. Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng nhận rõ tính nhân văn và sự vĩ đại của Người. Tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh là di sản vô cùng quý giá của dân tộc và cách mạng Việt Nam, là ngọn đuốc tỏa sáng, soi đường dẫn dắt cách mạng nước ta đi đến thắng lợi cuối cùng.

Chúng ta nguyện tuyệt đối trung thành với lợi ích của dân tộc, của Nhân dân, của Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần, quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, gột rửa chủ nghĩa cá nhân. Thường xuyên gắn bó máu thịt với Nhân dân, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mỗi chúng ta càng cần phải đề cao trách nhiệm nêu gương, thường xuyên “tự soi, tự sửa”, quyết tâm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới; tự giác tu dưỡng, rèn luyện, nói đi đôi với làm, chủ động khắc phục mọi khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững, phát huy và lan tỏa những phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới./.                                                                                                          

P.Đ.C

Từ khóa » Tìm Hiểu Về Bác Hồ Kính Yêu