Kỷ Niệm 60 Năm Ngày Truyền Thống Lực Lượng Cảnh Sát Nhân Dân (20 ...

Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống lực lượng cảnh sát nhân dân (20/7/1962 - 20/7/2022)

Lực lượng Cảnh sát nhân dân ra đời, bảo vệ chính quyền cách mạng mới thành lập, cùng toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp

Ngay từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố các công cụ chuyên chính của cách mạng. Trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), “Đội Tự vệ đỏ” được thành lập để hỗ trợ bảo vệ quần chúng nổi dậy phá nhà giam, đốt huyện đường, vây đồn lính, bắt giữ bọn hào lý, làm tan rã từng mảng chính quyền tay sai của đế quốc ở cơ sở; bảo vệ cán bộ, bảo vệ các phiên tòa của Xô viết - Công nông xét xử bọn phản cách mạng; giữ gìn an ninh, trật tự ở những nơi có chính quyền Xô viết.

ca

Ảnh: minh họa nguồn internet

Tháng 3/1935, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất thông qua Nghị quyết quan trọng về “Đội Tự vệ”, xác định rõ: “Không một sản nghiệp nào, làng nào có cơ sở của Đảng, của Đoàn, của các Hội quần chúng cách mạng mà không có tổ chức Đội Tự vệ, đó là khẩu hiệu của chúng ta hiện nay”. Khi cuộc vận động Mặt trận Dân chủ Đông Dương phát triển thành cao trào cách mạng rộng lớn, Đảng chỉ thị: “Mỗi ấp phải tổ chức ra Đội Tự vệ để ngăn cản những kẻ phá rối cuộc đấu tranh và đối phó với các lực lượng phản động”.

Đầu năm 1940, Đảng chủ trương thành lập “Ban Công tác đội” làm nhiệm vụ bảo vệ An toàn khu, bảo vệ cán bộ cấp cao của Đảng, giải thoát cho cán bộ khi bị địch bắt. “Ban Công tác đội” đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương, được trang bị vũ khí và huấn luyện về kỹ thuật chiến đấu.

Ngày 4/6/1945, Tổng bộ Việt Minh tuyên bố thành lập khu giải phóng và 10 chính sách lớn của Việt Minh. Ngay sau đó, các tổ chức “Đội trinh sát”, “Đội hộ lương diệt ác” lần lượt ra đời cùng với “Đội Tự vệ đỏ”, “Ban Công tác đội” và “Đội danh dự trừ gian” làm nhiệm vụ thủ tiêu lực lượng của Nhật, trừ khử bọn việt gian, trừng trị bọn lưu manh, bảo vệ chính quyền cách mạng. Đây chính là các tổ chức tiền thân của Công an nhân dân.

Ngày 19/8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa giành thắng lợi ở Hà Nội, cùng với việc đập tan các cơ quan đàn áp của địch và thiết lập chính quyền cách mạng, các tổ chức đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân ra đời: Ở Bắc Bộ, chính quyền cách mạng thành lập Sở Liêm phóng Bắc Bộ; ở Trung Bộ thành lập Sở Trinh sát và ở Nam Bộ thành lập Quốc gia tự vệ cuộc (bao gồm cả lực lượng Trinh sát và Cảnh sát). Tuy tên gọi ở ba miền khác nhau nhưng các tổ chức đầu tiên của Công an nhân dân đều có chung nhiệm vụ là trấn áp phản cách mạng, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân.

Các tổ chức Cảnh sát ngay sau khi được thành lập đã phối hợp với lực lượng Liêm phóng trấn áp bọn phản cách mạng, lưu manh côn đồ, giữ gìn trật tự trị an ở các thành phố, thị xã, bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ căn cứ về Hà Nội. Đặc biệt, lực lượng Cảnh sát đã phối hợp chặt chẽ cùng các lực lượng khác bảo vệ tuyệt đối an toàn Lễ Tuyên ngôn độc lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 02/9/1945 tại Thủ đô Hà Nội.

Để tăng cường xây dựng, củng cố các công cụ chuyên chính của chính quyền cách mạng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ trật tự trị an, ngày 21/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23-SL hợp nhất các Sở Cảnh sát, Sở Liêm phóng thành Việt Nam Công an vụ. Đây là mốc son lịch sử quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng.

Mặc dù mới thành lập, song lực lượng Công an nói chung, lực lượng Cảnh sát nói riêng đã nhanh chóng ổn định đi vào hoạt động với vai trò là lực lượng chuyên chính của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh chống các thế lực phản động và bọn tay sai của phát xít Nhật, thực dân Pháp và chính quyền Tưởng Giới Thạch âm mưu gây bạo loạn lật đổ chính quyền cách mạng, bọn lưu manh côn đồ cướp của, giết người, làm mất trật tự trị an; đã điều tra khám phá hàng trăm vụ cướp của, giết người, bắt cóc tống tiền; triệt phá các tổ chức do bọn phản động lập ra để chống phá cách mạng. Nổi bật nhất là chiến công của Nha Công an Trung ương (gồm lực lượng Trinh sát và Cảnh sát): Ngày 12/7/1946, lực lượng Công an đã tấn công vào trụ sở của Quốc dân Đảng ở số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội) và số 80 phố Quán Thánh, Hà Nội, phá tan tổ chức phản động nguy hiểm đội lốt “Quốc gia dân tộc”, âm mưu cấu kết với thực dân Pháp đảo chính lật đổ chính quyền cách mạng; điều tra khám phá vụ thảm sát cả nhà chủ hiệu kim hoàn Vĩnh Tường ngày 03/8/1946 ở Hải Phòng do binh lính Pháp gây ra; ngoài ra lực lượng Cảnh sát cùng các lực lượng bảo vệ an toàn cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên trong cả nước tháng 01/1946.

Ngày 18, 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị tại làng Vạn Phúc (Hà Nội), quyết định phát động cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Căn cứ vào tương quan lực lượng địch - ta, Hội nghị khẳng định: “Cuộc kháng chiến của Nhân dân ta trường kỳ nhưng nhất định thắng lợi”. Đúng 20 giờ ngày 19/12/1946, mệnh lệnh chiến đấu đã được phát ra qua Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Người nói: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ...”. Nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân nói chung, Cảnh sát xung phong và Công an trật tự nói riêng là di chuyển hồ sơ, tài liệu, di chuyển trại giam; bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bảo vệ các cơ quan, kho tàng của Nhà nước, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân; theo dõi và đẩy đuổi các đối tượng nghi vấn ra khỏi khu vực chiến sự; bảo vệ bí mật quân sự và tham gia chiến đấu tiêu hao sinh lực địch; đồng thời tăng cường công tác nắm tình hình hoạt động quân sự của địch, hoạt động của bọn phản cách mạng, chuẩn bị đưa người trở về vùng địch tạm chiếm để hoạt động.

Ngày 19/01/1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “Phá hội tề”. Trong phong trào phá tề trừ gian đã xuất hiện nhiều gương chiến đấu mưu trí, dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ Công an trong lòng địch. Cũng trong năm 1948, thực hiện chủ trương “Bao vây kinh tế địch” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Công an trật tự các tỉnh đã tăng cường công tác bao vây, cô lập kinh tế địch đạt kết quả tốt. Điển hình như Công an các tỉnh Phú Thọ, Phúc Yên, Hưng Yên, Hải Dương. lập nhiều hàng rào bao vây kinh tế địch, các trạm kiểm soát buôn lậu, phục vụ ổn định kinh tế tại các vùng tự do.

Cùng với các hoạt động bao vây kinh tế địch, lực lượng Trị an hành chính đã đẩy mạnh đấu tranh chống tội phạm kinh tế, phát hiện bắt hàng trăm vụ buôn lậu, đầu cơ tích trữ, khám phá nhiều vụ án lớn như: Công an Lạng Sơn bắt 5 vụ buôn vàng; Công an Hải Dương bắt 24 vụ trốn thuế, thu giữ 5.000 mặt hàng; Công an Nghệ An, Hà Tĩnh khám phá vụ lấy cắp 17 vạn đồng (tiền Chính phủ kháng chiến), 5 vụ tiền giả; Công an Hà Giang khám phá 15 vụ tham ô, trong đó có vụ tham ô 1.000 tấn muối. Chiến công của lực lượng Trị an hành chính trong bao vây kinh tế địch, phòng chống tội phạm, bảo vệ kinh tế lúc này có ý nghĩa hết sức quan trọng, hạn chế hao hụt ngân khố quốc gia để tập trung cho kháng chiến, góp phần cô lập địch để tiêu diệt địch.

Đầu năm 1950, tình thế ở chiến trường đang có lợi cho ta, ta càng đánh càng mạnh, vùng tự do được mở rộng, yêu cầu công tác bảo vệ căn cứ, vùng tự do và nội bộ càng cao, nhiệm vụ nắm tình hình địch, phục vụ tổng phản công đòi hỏi cấp thiết. Chính vì vậy, ngày 05/5/1950, Ban Chấp hành Trung ương Đảng có Chỉ thị số 10-CT/TW về “Đảng lãnh đạo Công an” nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác công an. Thực hiện chỉ thị này, các cấp ủy đảng từ Trung ương đến địa phương đều quan tâm lãnh đạo công tác công an; chỉ đạo các cơ quan, ban ngành phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, cử một số cán bộ Đảng có năng lực tăng cường cho ngành Công an. Tiếp đó, ngày 12/5/1951, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 05-CT/TW quy định nhiệm vụ và tổ chức Nha Công an Việt Nam - đây là Chỉ thị quan trọng để xây dựng ngành Công an phục vụ công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, làm nền tảng xây dựng lực lượng Công an nhân dân sau này. Được tăng thêm sức mạnh tinh thần, nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an đã mưu trí, dũng cảm, kiên cường, giữ vững khí tiết của người Công an cách mạng, không khai báo khi bị địch bắt, tra tấn vô cùng dã man, tiêu biểu như Anh hùng liệt sỹ Trần Thành Ngọ (Hải Phòng), Nguyễn Văn Dưỡng (Lạng Sơn), Bửu Đóa (Khánh Hòa), Bùi Thị Cúc (đội viên Công an xung phong Hưng Yên)... Những gương sáng đó đã tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng qua những chặng đường lịch sử.

Ở hậu phương, lực lượng Công an trật tự đã giải quyết tốt nhiều vấn đề về trật tự, an toàn xã hội. Thực hiện Thông tư 118/TT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chống lưu manh, trộm cắp, Công an Nghệ An đã khám phá 4 vụ giết người cướp của, 3 vụ in, tiêu thụ tiền giả, 40 vụ cướp, hàng chục vụ biển thủ công quỹ, khám phá vụ trộm 17 vạn đồng tiền công quỹ ở Sở Tài chính Trung Bộ. Công an các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang khám phá nhiều vụ trộm cắp, cướp của, hàng chục vụ tham ô, nhiều vụ buôn bán thuốc phiện, vũ khí. Trong công tác giữ gìn trật tự, chống lưu manh, trộm cắp, lực lượng Công an đã tổ chức Nhân dân tham gia đấu tranh, xử lý những đối tượng vi phạm pháp luật. Nhiều đồn, trạm Công an đã tổ chức các buổi “Nhân dân phê bình Công an” để lắng nghe ý kiến của Nhân dân, phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, nâng cao tinh thần phục vụ Nhân dân, đồng thời tăng cường mối quan hệ giữa Công an nói chung, nhất là lực lượng Công an trật tự nói riêng với Nhân dân để làm tốt công tác giữ gìn an ninh, trật tự.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ngày càng quyết liệt. Để phục vụ hiệu quả cho công cuộc kháng chiến đòi hỏi Công an phải tăng cường lực lượng và củng cố về tổ chức; ngày 16/2/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 141- SL đổi Nha Công an Việt Nam thành Thứ Bộ Công an, trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Sắc lệnh đã quy định nhiệm vụ của Công an thời kỳ này, trong đó có nhiệm vụ của Trị an dân cảnh, Trị an hành chính là: Bài trừ lưu manh trộm cắp, bài trừ tệ nạn xã hội và giữ gìn trật tự, an ninh trong Nhân dân; quản trị các trại giam, giáo dục cải tạo phạm nhân. Sắc lệnh cũng quy định tổ chức, bộ máy của Thứ Bộ Công an gồm 7 đơn vị trực thuộc Bộ, trong đó có Vụ Trị an hành chính; các khu, sở, ty Công an và hệ thống tổ chức Công an cấp huyện, cấp xã. Tại kỳ họp từ ngày 27 - 29/8/1953, Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết đổi tên Thứ Bộ Công an thành Bộ Công an. Đây là sự kiện đánh dấu bước trưởng thành, lớn mạnh của Công an nhân dân Việt Nam.

Tháng 11/1953, Trung ương Đảng chính thức thông qua cương lĩnh cải cách ruộng đất và được Quốc hội nhất trí thông qua ngày 01/12/1953. Thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, ngành Công an đã cử cán bộ tham gia phát động quần chúng cải cách ruộng đất, lực lượng Trị an hành chính có nhiệm vụ: “Kết hợp phát động quần chúng thu thập và kiểm soát vũ khí, chỉnh đốn và xây dựng Công an xã, tiến hành lập danh sách hộ khẩu trong xã, theo dõi sự biến chuyển về nhân khẩu (số người đến hoặc đi khỏi xã)”. Trong quá trình thực hiện, lực lượng Trị an hành chính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao phó.

Thất bại trên các chiến trường Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc, Thượng Lào, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ xây dựng cứ điểm. Lực lượng Trị an hành chính cùng các lực lượng khác của ngành Công an được giao nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ. Với quy mô và tầm quan trọng của chiến dịch, ngành Công an đã thành lập “Ban công tác tiền phương” nằm trong “Hội đồng cung cấp mặt trận” để trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ chiến dịch; lực lượng Trị an hành chính đã tham gia bảo vệ chiến dịch, phát hiện, bắt giữ, xử lý hàng chục vụ phạm pháp hình sự, bắt những tên lưu manh, trộm cắp hàng hóa, tài sản của Nhà nước, bắt bọn buôn lậu lợi dụng con đường dân công để làm ăn phi pháp; đồng thời cùng với các lực lượng khác của ngành Công an đã làm tốt công tác bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bảo vệ các cơ quan đầu não chỉ đạo kháng chiến.

Ngày 07/5/1954, Chiến dịch Điện Biên phủ toàn thắng buộc Chính phủ Pháp phải ký kết với Chính phủ Việt Nam “Hiệp định đình chiến, lập lại hòa bình ở Đông Dương” ngày 21/7/1954. Trải qua 9 năm kháng chiến đầy hy sinh gian khổ, lực lượng Trị an hành chính, tiền thân là Cảnh sát xung phong, Công an Trật tự đã bảo vệ vững chắc trật tự trị an ở vùng căn cứ, vùng tự do, chiến đấu diệt địch, phá tề, phục vụ bảo vệ an toàn các chiến dịch, góp phần cùng toàn quân, toàn dân đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi.

Lực lượng Cảnh sát nhân dân bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày 20/7 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân

Ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đất nước ta tạm chia thành hai miền. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa; miền Nam tiếp tục công cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ, thực hiện thống nhất nước nhà. Trước nhiệm vụ mới của cách mạng, lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng Trị an hành chính nói riêng đã đẩy mạnh các biện pháp quản lý hành chính, đấu tranh chống bọn phản cách mạng và bọn tội phạm hình sự, giữ vững an ninh, trật tự xã hội.

Ngày 17/02/1955, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 9 khẳng định: “Nếu không đẩy mạnh công tác trị an thì không thể mau chóng ổn định trật tự xã hội”. Hội nghị cũng xác định những nhiệm vụ cơ bản của lực lượng Trị an hành chính, đẩy mạnh công tác trị an ở nông thôn, thành phố, đảm bảo giữ gìn trật tự, trị an xã hội trong tình hình miền Bắc mới được giải phóng.

Ngày 28/7/1956, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 982/TTg thành lập Cục Cảnh sát nhân dân thuộc Bộ Công an, theo đó lực lượng Trị an hành chính các cấp cũng đổi tên thành Cảnh sát nhân dân. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng Cảnh sát nhân dân về mặt tổ chức, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với việc xây dựng lực lượng Công an nhân dân chính quy, xứng đáng là công cụ chuyên chính sắc bén của Đảng, Nhà nước.

Tháng 11, 12/1959, lực lượng Cảnh sát cùng các lực lượng khác của Công an nhân dân đã phối hợp với Quân đội nhân dân mở chiến dịch đập tan âm mưu gây bạo loạn, cướp chính quyền tại tỉnh Hà Giang, làm tan rã lực lượng phản động gồm 1.112 tên phỉ, tiêu diệt và bắt sống 152 tên, gọi hàng 139 tên, thu 335 súng các loại. Lực lượng Cảnh sát đã cùng lực lượng An ninh đấu tranh bắt gọn hầu hết các toán gián điệp, biệt kích của Mỹ, Ngụy tung ra phá hoại miền Bắc, bắt giữ 463 tên, thu nhiều tấn vũ khí, chất nổ, phương tiện hoạt động; bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ sở kinh tế, cơ quan, xí nghiệp, các công trình quốc phòng, an ninh, văn hóa - xã hội, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của Nhân dân. Đấu tranh, trấn áp, bắt giữ, xử lý hàng trăm tên tội phạm nguy hiểm, kịp thời dập tắt các vụ cháy lớn, làm giảm thấp nhất thiệt hại.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng miền Nam, lực lượng Công an miền Bắc đã tuyển chọn, huấn luyện, đưa hàng vạn cán bộ, chiến sỹ cùng hàng trăm tấn vũ khí, tài liệu, phương tiện thông tin liên lạc chi viện cho chiến trường miền Nam, sát cánh cùng lực lượng An ninh miền Nam bảo vệ Đảng, bảo vệ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam và khu căn cứ cách mạng.

Để xây dựng Cảnh sát nhân dân thành lực lượng vũ trang thuộc Bộ Công an, thừa hành pháp luật của Nhà nước, đấu tranh chống bọn phản cách mạng và tội phạm khác, giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ tài sản công cộng, bảo vệ tính mạng, tài sản và quyền lợi hợp pháp của công dân, bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, góp phần đảm bảo cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, thống nhất đất nước ở miền Nam; ngày 20/7/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 34/LCT công bố Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát nhân dân và Pháp lệnh quy định chế độ cấp bậc sỹ quan, hạ sỹ quan Cảnh sát nhân dân. Đây là mốc son quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng Cảnh sát nhân dân. Từ đó đến nay, ngày 20/7 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân.

Ngày 24/7/1963, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 85/NQ-BCT về “Nâng cao ý thức, trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế, tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Bộ Công an ban hành Chỉ thị số 1623 P7B/G78 về xây dựng cơ quan xí nghiệp, đơn vị an toàn. Lực lượng Cảnh sát nhân dân đã tích cực thực hiện cuộc vận động “3 xây, 3 chống”, khám phá nhiều vụ tham ô lớn. Trước tình hình tham ô xảy ra nghiêm trọng trong ngành thương nghiệp, Công an các địa phương đã hỗ trợ ngành thương nghiệp trong công tác bảo vệ, kiến nghị, bố trí cán bộ tốt vào các khâu chủ chốt, tham mưu cấp ủy đảng củng cố thương nghiệp, bảo vệ tài sản của Nhà nước và tập thể.

Với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, lực lượng Công an nhân dân nói chung, Cảnh sát nhân dân nói riêng đã vượt qua mưa bom, bão đạn của kẻ thù, bảo vệ an toàn các kế hoạch, địa điểm chuyển quân, chuyển hàng, kho tàng, bến bãi và các cuộc hành quân của bộ đội ta vào chiến trường miền Nam. Hình ảnh cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát nhân dân ngày đêm bám đất, bám đường, bắn trả máy bay địch, nguỵ trang, phân tán xe cộ, bảo vệ vật tư, phương tiện vận tải chi viện cho tiền tuyến; các chiến sỹ phòng cháy, chữa cháy, Cảnh sát khu vực, Cảnh sát giao thông... quên mình trong lửa đạn để cứu người, cứu tài sản là những tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Ngày 05/8/1964, đế quốc Mỹ dựng lên sự kiện “Vịnh Bắc Bộ” sử dụng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã mưu trí dũng cảm, không sợ hy sinh, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ dưới bom đạn, cứu chữa tài sản của Nhà nước, tài sản và tính mạng của Nhân dân. Điển hình: Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Hạ Long trong hai năm 1965, 1966 đã cứu chữa 22 vụ cháy, trong đó 8 vụ cháy do địch ném bom, bắn phá gây ra, cứu được hàng trăm tấn xăng, nhiều hầm lò sản xuất, nhiều tài sản giá trị khác. Ngày 19/6/1966, máy bay Mỹ ném bom bắn phá kho xăng Đức Giang (Hà Nội), xăng dầu bốc cháy dữ dội, Công an Hà Nội cùng Cục Phòng cháy, chữa cháy điều động các lực lượng phòng cháy, chữa cháy ở các địa phương lân cận cùng với Quân khu Thủ đô, Nhân dân vùng Gia Lâm quyết chiến với “giặc lửa”, dập tắt được vụ cháy, cứu được 12 bồn xăng và hàng nghìn thùng phuy xăng.

Cuối năm 1965, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về giao thông trật tự, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố thuộc địa bàn trọng điểm đưa lực lượng Cảnh sát giao thông bám chốt, bám đường suốt ngày đêm; bom đạn quân thù không khuất phục được ý chí kiên cường của Cảnh sát giao thông với quyết tâm bảo đảm thông đường, thông xe vì tiền tuyến gọi, vì miền Nam thân yêu. Điển hình như đồng chí Hoàng Hữu Nờ, Chỉ huy Đồn 84 Quảng Bình, đồng chí Nguyễn Tiến Tuẫn, Tiểu đội trưởng Tiểu đội Cảnh sát giao thông ngã ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh...

Cùng với các lực lượng khác, Cảnh sát khu vực có vai trò rất quan trọng, đóng góp nhiều công sức, kể cả tính mạng vào công tác phòng không nhân dân, chống chiến tranh phá hoại miền Bắc xã hội chủ nghĩa của kẻ thù. Dưới làn bom của giặc Mỹ, các đồng chí Cảnh sát khu vực không quản ngại hy sinh giúp đỡ các cụ già, em nhỏ, người tàn tật, gia đình neo đơn di chuyển đến nơi an toàn, tuần tra canh gác, giữ gìn trật tự, bảo vệ tài sản công cộng, tài sản của Nhân dân, nhiều đồng chí đã dũng cảm cứu chữa những người dân bị thương, bị sập hầm, bị cháy nhà, giải quyết hậu quả sau những trận ném bom. Đặc biệt có đồng chí lấy thân mình che bom đạn cho Nhân dân như Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Uân (Hà Nội), Anh hùng Hồ Bá Thọ hàng chục lần lấy thân mình làm thang cho các cháu học sinh K8 lên xuống xe và xông pha trong bom đạn hướng dẫn các cháu vào nơi trú ẩn an toàn.

Ngày 16/4/1972, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2, chúng sử dụng hàng trăm lượt máy bay và tàu chiến bắn phá các địa phương ven biển, dùng B52 ném bom rải thảm các thành phố, thị xã từ Thanh Hóa đến Vĩnh Linh. Đặc biệt, ngày 18/12/1972, đế quốc Mỹ dùng máy bay B52 ném bom rải thảm Thủ đô Hà Nội và TP Hải Phòng suốt 12 ngày đêm. Lực lượng Cảnh sát nhân dân đã vượt qua muôn vàn khó khăn, nguy hiểm cùng các lực lượng khác vừa chiến đấu đánh trả máy bay địch, vừa tích cực hướng dẫn Nhân dân trú ẩn, cứu thương, đưa Nhân dân đi sơ tán, bảo vệ tài sản của Nhà nước và tài sản của Nhân dân, giữ vững an ninh, trật tự, góp phần vào thắng lợi của trận “Điện Biên Phủ trên không”.

Tháng 3/1975, quân và dân miền Nam liên tiếp giành được thắng lợi trong chiến dịch Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng và một số vùng ở đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ, hình thành thế bao vây Sài Gòn. Ngày 31/3/1975, Hội nghị Bộ Chính trị nhận định thời cơ giải phóng Sài Gòn - Gia Định đã chín muồi, toàn quân ta cần “Nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất trong tháng 4/1975, không thể chậm được”. Cùng với cả nước tập trung huy động nhân lực, vật lực cho ngày thống nhất đất nước, gần 3.000 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân chi viện cho miền Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần to lớn vào chiến thắng lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, lực lượng Cảnh sát nhân dân cùng lực lượng An ninh nhân dân đã nhanh chóng tiếp quản và tích cực lập lại trật tự xã hội, bảo vệ an ninh chính trị, ổn định đời sống Nhân dân ở các tỉnh, thành phố vừa giải phóng.

Lực lượng Cảnh sát nhân dân tăng cường đấu tranh phòng, chống tôi phạm, giữ gìn trât tự, an toàn xã hôi, góp phần thực hiên tốt hai nhiêm vu chiến lược xây dựng và bảo vê Tổ quốc

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước ta được hòa bình, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội với hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiệm vụ đặt ra cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta lúc này là phải nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 30, lực lượng Cảnh sát nhân dân ở miền Bắc tiếp tục tăng cường hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ cho Công an các Sở, Ty ở miền Nam, tích cực tham gia xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, giữ gìn an ninh, trật tự ở vùng mới giải phóng.

Ngày 02/12/1980, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 31/NQ-TW về nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới. Nghị quyết chỉ rõ: “Phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng, sử dụng đồng bộ mọi biện pháp nhằm tích cực xây dựng, chủ động phòng ngừa, chủ động tiến công và tiến công liên tục, tiến công để làm chủ, làm chủ để tiến công, nhằm tiêu diệt và làm tan rã bọn phản cách mạng và bọn tội phạm khác”. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng An ninh nhân dân truy quét tàn quân ngụy, trấn áp các tổ chức phản động như “Mặt trận quốc gia giải phóng Việt Nam” (7/1982), tổ chức “Lực lượng dân quân phục quốc” ở TP Hồ Chí Minh, tổ chức “Sư đoàn Thanh Long - Long Thoại” ở Hậu Giang, tổ chức phản động trong Viện hóa đạo Ân Quang và hàng trăm tổ chức phản động khác.

Từ năm 1980 - 1985, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã bắt 192.504 tên (30% là lưu manh chuyên nghiệp), triệt phá 13.000 băng ổ nhóm, trong đó có 81 băng cướp của giết người, 60 băng cướp của tống tiền, điển hình như băng cướp do tên Nguyễn Văn Sơn, tức “Sơn Dứa” cầm đầu, chuyên cướp trên tàu hỏa (02/1980); băng cướp gồm 20 tên do Nguyễn Khắc Lễ cầm đầu (8/1982); băng cướp do tên Võ An Khê cầm đầu ở An Giang (3/1983); băng cướp do tên Trần Văn Tuyến cầm đầu ở Hải Phòng (3/1983); băng cướp do tên Nguyễn Trung Thành cầm đầu ở Nghĩa Bình (12/1984); băng cướp do tên Nguyễn Văn Nghĩa cầm đầu ở Hà Nội (02/1985)...

Thực hiện Nghị quyết 128/HĐBT ngày 02/8/1982 của Hội đồng Bộ trưởng về các biện pháp cấp bách bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã đấu tranh có hiệu quả với bọn tội phạm kinh tế, tập trung và o các ngành trọng điểm là giao thông vận tải, vật tư, lương thực, chú trọng bảo vệ các mặt hàng thiết yếu như lương thực, xăng dầu, phân bón, thuốc chữa bệnh, vật tư quý hiếm, lập lại trật tự kinh tế và ổn định trật tự, an toàn xã hội; tổ chức nhiều đợt tấn công truy quét bọn buôn lậu hoạt động trên tuyến biên giới Tây Nam. Kết quả: Lực lượng Cảnh sát đã điều tra khám phá, xử lý 76.389 vụ xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, thu nhiều hàng hóa, tài sản có giá trị lớn.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), lực lượng Cảnh sát nhân dân và lực lượng An ninh nhân dân đã nắm chắc tình hình, đấu tranh có hiệu quả với Fulro. Tiểu đoàn I, Cục Cảnh sát Bảo vệ được thành lập, trực tiếp chiến đấu chống Fulro, phối hợp chặt chẽ với lực lượng An ninh làm tốt công tác dân vận, trực tiếp chiến đấu, lập nhiều chiến công xuất sắc, đã đánh 2.025 trận, tiêu diệt 2.435 tên, bắt gần 3.000 tên, kêu gọi 9.546 tên ra trình diện. Sau hơn 10 năm chiến đấu ở vùng rừng núi Tây Nguyên, cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát nhân dân đã góp phần quan trọng vào chiến công chung, tiêu diệt và làm tan rã Fulro, tạo chuyển biến tích cực về an ninh, trật tự ở địa bàn Tây Nguyên. Ghi nhận thành tích trên, Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Tiểu đoàn I và liệt sỹ Lưu Thế Hà, cán bộ Tiểu đoàn I.

Thực hiện chủ trương của Nhà nước về quản lý nhân khẩu và cấp giấy chứng minh nhân dân thống nhất trong cả nước, với quyết tâm cao, chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã hoàn thành công tác đăng ký, quản lý hộ khẩu và giấy chứng minh nhân dân cho đồng bào miền Nam, phục vụ kịp thời nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và phát triển xã hội. Thông qua công tác quản lý hành chính đã phát hiện 31.740 đối tượng hình sự, 253.730 đối tượng chính trị, trên 117.229 đối tượng nguỵ quân, nguỵ quyền trốn trình diện, cải tạo; thu hồi hàng vạn khẩu súng quân dụng, đạn dược, thuốc nổ, phương tiện chiến tranh.

Lực lượng Cảnh sát nhân dân nâng cao hiệu quả công tác, chủ động, tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội phục vụ đăc lực công cuộc đôi mới, hội nhập quốc te và phát triên kinh te - xã hội đất nước

Tháng 12/1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng mở ra thời kỳ đổi mới toàn diện nhằm đưa nước ta vượt qua khó khăn, khủng hoảng, tiếp tục đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, phản động ráo riết tiến hành chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ nhằm phủ định sự lãnh đạo của Đảng, xoá bỏ Nhà nước Việt Nam; triệt để lợi dụng các vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền” để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ, trực tiếp của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã đổi mới toàn diện các mặt công tác, xây dựng lực lượng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, theo hướng tập trung thống nhất, chuyên sâu, tăng cường nghiệp vụ cơ bản; kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ theo chức danh tiêu chuẩn nghiệp vụ; đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng, gắn việc học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy với công tác xây dựng Đảng, chấn chỉnh tác phong, phương pháp làm việc. Tập trung tấn công liên tục tội phạm hình sự, nhất là các loại đối tượng nguy hiểm, phấn đấu làm giảm trọng án, đấu tranh ngăn chặn và tiến tới đẩy lùi tham nhũng, buôn lậu; củng cố, nâng cao chất lượng các biện pháp nghiệp vụ trinh sát, điều tra, công tác khoa học hình sự, hồ sơ nghiệp vụ và các biện pháp quản lý hành chính về trật tự xã hội; cùng các lực lượng khác trong ngành đẩy mạnh phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, giữ vững trật tự, an toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Công tác xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân thời kỳ này luôn được Đảng, Nhà nước và Bộ Công an quan tâm xây dựng, củng cố và phát triển. Ngày 31/01/1989, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 11/NĐ-HĐBT quy định tổ chức, bộ máy Bộ Nội vụ, trong đó có Tổng cục Cảnh sát nhân dân; Quốc hội có Nghị quyết về an ninh, trật tự; Hội đồng Nhà nước có kết luận tiếp tục thực hiện Nghị quyết 49/TVQH về tập trung cải tạo những phần tử có hành động nguy hại cho xã hội. Đặc biệt, tháng 5/1989, Hội đồng Bộ trưởng ra Chỉ thị 135 về tăng cường công tác bảo vệ trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới, đây là cơ sở pháp lý, chỗ dựa và là nội dung quan trọng để lực lượng Cảnh sát nhân dân tấn công tội phạm, phát động quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự, qua đó tình hình tội phạm hình sự giảm, lập lại trật tự kỷ cương xã hội, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân, sự tín nhiệm của Nhân dân đối với lực lượng Cảnh sát nhân dân được nâng lên.

Đến năm 1992, lực lượng Cảnh sát nhân dân tập trung triển khai Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII) về củng cố an ninh - quốc phòng, chống “diễn biến hòa bình”, thực hiện Chỉ thị 594 của Bộ về công tác tư tưởng. Đặc biệt, đã đề xuất Hội đồng Bộ trưởng ra Chỉ thị 233 về tổ chức kỷ niệm 30 năm Ngày Bác Hồ ký Sắc lệnh ban hành Pháp lệnh Cảnh sát nhân dân và tổ chức Lễ kỷ niệm, các hoạt động theo Chỉ thị 12 của Bộ trưởng. Ngày 30/11/1996, tham mưu Bộ Chính trị (khóa VIII) ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Ngày 31/7/1998, tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm (trong đó, thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm Trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Công an làm Phó Trưởng ban, Thứ trưởng Bộ Công an phụ trách Cảnh sát nhân dân làm Ủy viên thường trực); Chương trình hành động phòng, chống ma túy 1998 - 2000 và tham mưu triển khai thực hiện (hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình vẫn được duy trì tốt cho đến hiện nay). Đồng thời, năm 1998 - 1999, lực lượng Cảnh sát nhân dân tham mưu Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung và ban hành mới nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng; triển khai 3 Chỉ thị của Bộ trưởng về đấu tranh chống tội phạm hình sự gây án nghiêm trọng; phòng, chống bắt oan sai, bức cung, nhục hình; tăng cường ngăn chặn đua xe trái phép, hạn chế tai nạn giao thông. Năm 2004, đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự.

Ngày 26/3/2008, tham mưu Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 21 -CT/TW về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới. Trên cơ sở Chỉ thị và căn cứ Luật Phòng, chống ma túy ngày 09/12/2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy ngày 03/6/2008, lực lượng Cảnh sát nhân dân tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1001/QĐ-TTg ngày 27/6/2011 phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1203/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2012 - 2015.

Về tổ chức, bộ máy, ngày 15/9/2009, Chính phủ có Nghị định số 77/2009/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an; theo đó, hệ thống tổ chức, bộ máy của lực lượng Cảnh sát nhân dân với 03 Tổng cục (Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm; Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp) và Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động. Ngày 17/11/2014, Chính phủ có Nghị định số 106/2014/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an; theo đó, hệ thống tổ chức, bộ máy của lực lượng Cảnh sát nhân dân với 02 Tổng cục (Tổng cục Cảnh sát; Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp), Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và 02 Cục trực thuộc Bộ (Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông).

Đến năm 2018, kế thừa có chọn lọc ưu điểm của tổ chức bộ máy Bộ Công an, Đảng ủy Công an Trung ương đã chủ động nghiên cứu xây dựng Đề án 106 “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Bộ Công an tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 01/NĐ-CP ngày 06/8/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Công an, theo đó không tổ chức cấp Tổng cục, sắp xếp tinh gọn cơ quan Bộ thành các đơn vị cấp Cục trực thuộc Bộ, hệ thống tổ chức, bộ máy lực lượng Cảnh sát được bố trí theo hướng tập trung, chuyên sâu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội với 12 Cục nghiệp vụ gồm: Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an; Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Cục Cảnh sát hình sự); Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Cục Cảnh sát kinh tế); Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Cục Cảnh sát môi trường); Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông; Viện Khoa học hình sự; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng; Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; sáp nhập 20 Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tăng cường gần 5 vạn cán bộ, chiến sỹ xây dựng lực lượng Công an xã, thị trấn chính quy theo phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” (trong đó, đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 42/NĐ-CP ngày 31/3/2021 quy định việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy).

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã tham mưu với Đảng, Nhà nước và cấp uỷ, chính quyền các cấp tổ chức thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Bộ Chính trị: Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22-6-2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới; Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22-10-2010 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16-8-2019 về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy (thay thế Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26-3-2008); Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25-6-2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy; Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04-9-2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông... Đây là những văn bản quan trọng của Đảng, tạo cơ sở chính trị để lực lượng Cảnh sát nhân dân làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp các giải pháp phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Cùng với tiến trình cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã tích cực tham gia công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác quản lý xã hội, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, trong đó đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng đề xuất Quốc hội ban hành: Bộ Luật hình sự (2009); Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2021; Luật Tổ chức Cơ qua điều tra (năm 2015); Luật thi hành Tạm giữ, tạm giam 2015; Luật Thi hành án hình sự 2019; Luật phòng, chống ma túy (2000, 2008, 2021); Luật phòng, chống mua bán người (2011); Luật cư trú (2006, 2020); Luật Căn cước công dân (2014); Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (2017, 2019); Luật phòng cháy chữa cháy (2001); Luật giao thông đường bộ (2008); Pháp lệnh về Cảnh sát môi trường (2014); Pháp lệnh Cảnh sát cơ động (2013), hiện nay đang xây dựng trình Quốc hội thông qua Luật Cảnh sát cơ động (dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV... Bên cạnh các dự án Luật, lực lượng Cảnh sát cũng tham mưu với Chính phủ ban hành nhiều Nghị định, Bộ Công an ban hành nhiều Thông tư để hướng dẫn thực hiện. Qua đó, hành lang pháp lý cho công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội ngày càng được hoàn thiện, từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội trong tình hình mới.

Để thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã tham mưu với Chính phủ ban hành chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm; Chiến lược quốc gia phòng chống và kiểm soát túy; các Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng, chống mua bán người theo từng giai đoạn, các Chỉ thị, Nghị quyết về phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự xã hội... qua đó đã cụ thể hóa trách nhiệm và phát huy được vai trò của các cấp, các ngành, toàn thể nhân dân và huy động được nhiều nguồn lực tham gia công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, lồng ghép công tác này với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn.

Cùng với việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật, các cơ chế, chính sách để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, các phương châm, biện pháp công tác nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát nhân dân không ngừng được bổ sung và hoàn thiện phù hợp với yêu cầu, đỏi hỏi của tình hình thực tiễn. Lực lượng Cảnh sát nhân dân đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 151/2008/QĐ-TTg ngày 28/11/2018 ban hành Quy chế áp dụng các biện pháp công tác nghiệp vụ trong phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội của lực lượng CSND; Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Chỉ thị số 02/CT về nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng Cảnh sát nhân dân và các Thông tư quy định cụ thể từng mặt công tác; các quy định này đã được bổ sung, sửa đổi theo hướng phân cấp mạnh cho cơ sở, nhất là cấp xã, phát huy vài trò “tư lệnh" của các Cục nghiệp vụ trong chỉ đạo xuyên suốt theo hệ lực lượng... qua đó, đã góp phần tích cực chủ động nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng, giữ vững thế chủ động trong phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Lực lượng Cảnh sát nhân dân đã bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước trong từng giai đoạn để triển khai các quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường lành mạnh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Trung bình những năm gần đây (giai đoạn 2010-2021), mỗi năm điều tra khám phá 51.500 vụ phạm tội về trật tự xã hội; 20.300 vụ phạm tội về ma túy; 16.200 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu; 18.300 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về môi trường; thụ lý điều tra 100.000 vụ án các loại. Trong đó, tỷ lệ điều tra khám phá các loại án hình sự đạt trên 75%, án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90%, hầu hết các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm đều được khẩn trương điều tra làm rõ. Triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm hình sự như: băng nhóm Khánh “trắng", Phúc “bồ" ở Hà Nội; vụ Cu Nên ở Hải Phòng; vụ Minh “samasa” ở Bà Rịa - Vũng Tàu; băng nhóm Năm Cam ở TP. Hồ Chí Minh; vụ Hoàng “lựu đạn" ở Đồng Nai; vụ Phương Linh “hột", Dũng “mặt sắt" ở Quảng Ninh; vụ Tú “khỉ" ở Hưng Yên; băng nhóm Minh Sâm ở Bắc Ninh... Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm liên quan đến “tín dụng đen"" giai đoạn 2017-2020, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã triển khai các biện pháp tấn công trấn áp quyết liệt, góp phần đẩy lùi tình trạng này. Qua 02 năm 2020-2021, đã phát hiện 2.199 vụ, 4.141 đối tượng liên quan đến “tín dụng đen"; trong đó, khởi tố 1.156 vụ, 2.417 bị can; 644 vụ, 1.261 bị can cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự). Điển hình: Năm 2018, Công an Thanh Hóa phá chuyên án tại 32 điểm kinh doanh dịch vụ tài chính trên địa bàn tỉnh và nhiều cơ sở ở các tỉnh, thành phố, bắt 11 đối tượng, thu giữ 01 quả lựu đạn; 90 vỏ đạn súng quân dụng; 20 dao, lê, kiếm các loại và nhiều tài liệu liên quan; năm 2021 Công an Nghệ An phá chuyên án, bắt 82 đối tượng ở 28 tỉnh, thành phố cho hơn 10.000 bị hại vay lãi nặng hơn 1.000 tỷ đồng... Trong những năm gần đây, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong phòng ngừa, đấu tranh thực hiện mục tiêu kéo giảm tội phạm (năm 2018, số vụ phạm tội về trật tự xã hội giảm 0,61% so với năm 2017; năm 2019, giảm 7,39% so với năm 2018; năm 2020, giảm 5,43% so với năm 2019; năm 2021 giảm 11,33% so với năm 2020).

Lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu thu được những kết quả rất quan trọng và có nhiều bước tiến mới. Năm 2011, trước những diễn biến phức tạp của thị trường tài chính, tiền tệ, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; tăng cường lực lượng phát hiện xử lý một số vụ mua bán trái phép ngoại tệ lớn, phát hiện, điều tra xử lý nhiều vụ án lớn trong lĩnh vực Ngân hàng, nhiều tạo được dấu ấn rõ nét, góp phần thiết lập lại trật tự trên thị trường ngoại tệ. Đặc biệt từ năm 2013 đến nay, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã thực hiện có hiệu quả công tác phát hiện, điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (nay là Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực) tạo được nhiều dấu ấn rõ nét, được đánh giá là “điểm sáng” trong công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước. Việc khởi tố, điều tra các vụ “đại án" lớn đã được dư luận đồng tình ủng hộ, khẳng định quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ"" trong công tác này (điển hình như các vụ án: vụ Phạm Công Danh, Ngân hàng Xây dựng; vụ Hà Văn Thắm, Ngân hàng Đại Dương; vụ Hứa Thị Phấn, Ngân hàng Đại Tín; vụ Trần Phương Bình, Ngân hàng Đông Á; vụ Trần Bắc Hà, BIDV; vụ Trầm Bê, Ngân hàng Phương Nam; vụ Vũ Quốc Hảo, Dương Thanh Cường, Ngân hàng Agribak; vụ Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng; vụ A VG; các vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ; các vụ án liên quan đến lãnh đạo UBND Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh...). Qua công tác điều tra, xử lý các vụ án đã góp phần đưa công tác phòng, chống tham nhũng trở thành xu thế “không thể đảo ngược"" như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá. Phát huy những kết quả đã đạt được, từ năm 2019 đến nay, Công tác phát hiện, điều tra án kinh tế, tham nhũng tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh cả ở cấp độ Trung ương và địa phương. Lực lượng Cảnh sát nhân dân đã chủ động nhận diện vi phạm trong các lĩnh vực, lựa chọn điểm đột phá để phát hiện, xử lý nhằm cảnh tỉnh răn đe phòng ngừa sai phạm, theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực; xử lý một người để cứu muôn người. Điều này thể hiện tính nhân văn rất cao với mục tiêu là không phải xử lý nhiều cán bộ mà giúp cán bộ không vướng vào tham nhũng. Điển hình như việc phát hiện, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực y tế (vụ vi phạm tại CDC Hà Nội, vụ tại bệnh viện Bạch Mai, vụ Công ty Việt Á...); lĩnh vực giáo dục (vụ vi phạm về đấu thầu tại Sở Giáo dục đào tạo tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ninh, Điện Biên...); lĩnh vực đất đai (các vụ án tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nang, Khánh Hòa, Bình Dương, Hà Nội...); lĩnh vực cổ phần hóa (vụ án tại Tổng Cty XNK Bình Dương; Tổng Công ty Ciencol...); lĩnh vực khoáng sản (các vụ án khai thác khoáng sản trái phép tại Hải Dương, Quảng Ninh...); lĩnh vực xăng dầu (vụ án buôn lậu tại Đăk Nông, Đồng Nai...). Qua các vụ án kinh tế, tham nhũng, đã thu hồi cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng; kiến nghị các ngành khắc phục nhiều sơ hở, thiếu sót, không để tội phạm lợi dụng hoạt động. Đồng thời, từ kết quả phát hiện, điều tra án tham nhũng đã cùng các ngành chỉ rõ nguyên nhân tham nhũng từ những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và tham mưu với Bộ Chính trị mở rộng chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Trung ương để chỉ đạo cả vấn để “tiêu cực” để giải quyết từ gốc tham nhũng.

Trong giai đoạn này, sự gia tăng của tội ma túy trên thế giới và khu vực đã tác động làm cho tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trong nước diễn ra rất phức tạp. Lực lượng Cảnh sát đã phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp chặt chẽ cùng các ngành tham mưu với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, giải pháp thực hiện đồng bộ mục tiêu “chặn cung”, “giảm cầu” và “giảm tác hại” của ma túy. Trong đó, đã đấu tranh triệt phá hàng trăm đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn xuyên quốc gia, góp phần ngăn chặn và hạn chế tình trạng ma túy thẩm lậu vào trong nước, không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy đi nước thứ ba. Những chiến công tiêu biểu là: Chuyên án 006N của Công an tỉnh Quảng Ninh triệt phá 05 đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia với hơn 30.000 bánh heroin; Chuyên án 279-LL của Công an tỉnh Sơn La triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào trong nước qua khu vực biên giới; Chuyên án 113-T của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy triệt phá đường dây mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép 2.181 bánh hêroin do Tráng A Tàng cầm đầu... Phát hiện, triệt phá nhiều tụ điểm mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép ma túy trong nước, nhất là trong các nhà hàng, vũ trường, quán bar, karaoke... góp phần hạn chế sự lây lan của ma túy, nhất là ma túy tổng hợp trong thanh, thiếu niên; lực lượng Cảnh sát nhân dân đã triển khai nhiều giải pháp để phòng ngừa người nghiện ma túy, đối tượng loạn thần do sử dụng ma túy (ngáo đá) gây ra các vụ án hình sự.

Các mặt công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn, quản lý, giáo dục, cải tạo can phạm nhân được tăng cường. Dấu ấn nổi bật là, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã chủ động, sáng tạo, đổi mới phương thức quản lý dân cư từ thủ công sang điện tử, hoàn thành xuất sắc việc xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân, tạo nền tảng để phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số. Chỉ trong thời gian ngắn từ tháng 1/2021 đến 30/7/2021, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã triển khai thực hiện thắng lợi chiến dịch thu nhận và cấp 50 triệu thẻ căn cước có gắn chíp điện tử cho công dân với nhiều dấu ấn nổi bật về tinh thần cống hiến, tận tụy phục vụ nhân dân. Ngay sau khi hoàn thành dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã tham mưu với Chính phủ có Quyết định số 06/QĐ- TTg ngày 06/01/2022 phê duyệt “Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, đây là Đề án có ý nghĩa quan trọng của quá trình chuyển đổi số quốc gia, cũng như góp phần đổi mới các mặt công tác của lực lượng Công an nhân dân trong giai đoạn mới.

Năm 2020-2021, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn thế giới và trong nước, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã có nhiều đóng góp quan trọng với vai trò là một trong những lực lượng trên tuyến đầu cùng cả nước phòng, chống đại dịch Covid-19. Hàng vạn cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát nhân dân ở cơ sở đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, tham gia các chốt kiểm dịch, phối hợp thực hiện các biện pháp phong tỏa, cách ly, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để truy vết, khoanh vùng, dập dịch; tăng cường đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội để cùng cả nước từng bước đẩy lùi dịch bệnh. Qua đó, càng tô thắm thêm bản chất tốt đẹp, cao quý của người chiến sỹ Cảnh sát nhân dân “thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống của mình” như lời căn dặn của cố Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn.

Trên lĩnh vực hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm, lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) năm 1991; gia nhập Hiệp hội Cảnh sát các quốc gia Đông Nam Á (Aseanapol) năm 1995 và mở rộng quan hệ hợp tác với cơ quan Cảnh sát các nước láng giềng, đối tác lớn trên thế giới. Những năm qua, lực lượng Cảnh sát nhân dân tích cực hợp tác cùng cộng đồng quốc tế đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm xuyên quốc gia, giải quyết những vấn đề phi truyền thống các quốc gia cùng quan tâm, góp phần tạo môi trường ổn định cho thế giới, khu vực và trong nước.

Trước bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến động phức tạp, hơn lúc nào hết, lực lượng Cảnh sát nhân dân luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, vượt qua mọi khó khăn thử thách, kiên trì phục vụ sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Với nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, trong những năm qua đại bộ phận cán bộ, chiến sỹ lực lượng Cảnh sát nhân dân luôn trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Tổ quốc và Nhân dân, có kỷ luật chặt chẽ, không quản ngại hy sinh gian khổ, chiến đấu dũng cảm để bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân./.

Nguồn: Tuyết Mai-PVHTT

Bình Chọn Đã Bình Chọn

Từ khóa » Tổng Cục Csnd