Kỷ Niệm 77 Năm Ngày Thành Lập Quân đội Nhân Dân Việt Nam (22/12 ...

Ngày 15/5/1945, tại Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, Trung ương Đảng đã quyết định thống nhất Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân và các lực lượng vũ trang khác để thành lập Việt Nam Giải phóng quân với 13 đại đội. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được phân công làm Tư lệnh. Trong sự thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Việt Nam Giải phóng quân giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Với lệnh Tổng khởi nghĩa của Ủy ban khởi nghĩa, lời hiệu triệu của lãnh tụ Hồ Chí Minh, lực lượng vũ trang cùng quần chúng nhân dân cả nước nhất tề đứng lên cướp chính quyền.

Sau khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm xây dựng lực lượng vũ trang Nhân dân. Ngày 22/5/1946, Nhà nước ra sắc lệnh thành lập Quân đội Quốc gia của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đến cuối năm 1946, tổng quân số đạt hơn 82.000 quân cùng khoảng 1 triệu quân du kích, tự vệ. Từ năm 1950, Quân đội Quốc gia Việt Nam được đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cờ chiến thắng tung bay trên nóc hầm cứ điểm Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN) Cờ chiến thắng tung bay trên nóc hầm cứ điểm Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Từ năm 1947 đến 1953, lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam không ngừng lớn mạnh. Khởi đầu là việc đánh bại hoàn toàn cuộc tấn công quy mô lớn của Pháp lên chiến khu Việt Bắc tháng 10/1947. Thắng lợi này đã làm phá sản chiến thuật “đánh nhanh thắng nhanh” của Pháp, buộc họ phải chuyển sang đánh lâu dài với ta. Đặc biệt, chiến thắng của quân và dân ta ở chiến dịch Biên giới - Thu Đông năm 1950 đã giúp ta giành quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc bộ. Trên đà đó, quân đội ta tiếp tục có bước phát triển, trưởng thành.

Kế hoạch Nava năm 1953 là một thử thách lớn hơn với Quân đội nhân dân Việt Nam khi thực dân Pháp huy động một nguồn lực rất lớn từ con người, tài chính, khí tài để với quyết tâm giành thắng lợi trước quân và dân ta. Để đối phó, trong chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954, quân ta xác định phương châm chiến đấu là “tích cực, chủ động, cơ động và linh hoạt; đánh ăn chắc, tiến ăn chắc, chắc thắng thì đánh cho kỳ thắng, không chắc thắng thì kiên quyết không đánh”. Những trận đánh của quân đội Nhân dân Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam, cũng như phối hợp với các lực lượng vũ trang cách mạng Lào đã từng bước làm thất bại kế hoạch Nava.

Để cứu vãn tình thế, Pháp tập trung những nguồn lực tinh nhuệ nhất ở Đông Dương để xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Pháp tự tin rằng đây là “pháo đài không thể công phá”, là nơi sẽ “nghiền nát” quân chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, sự sáng tạo, tinh thần dũng cảm và chiến đấu quả cảm của quân dân ta, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị quân ta tiêu diệt ngày 7/5/1954 với chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ làm cho cả thế giới kinh ngạc.

Sau hiệp định Genève năm 1954, Quân đội Nhân dân Việt Nam bắt đầu một giai đoạn phát triển mới, đồng thời phải thực hiện nhiều nhiệm vụ mới. Ở miền Bắc, lực lượng vũ trang cách mạng cùng nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội và là hậu phương vững chắc cho miền Nam ruột thịt với phương châm “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Từ năm 1965 - 1975, quân và dân miền Bắc đã chi viện vào miền Nam hàng trăm ngàn quân, hàng triệu tấn hàng hóa, quân trang, quân dụng. Trên mặt trận quân sự, quân và dân ta ra sức chống lại các cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ - Ngụy. Trong đó, thắng lợi đặc biệt to lớn của quân và dân miền Bắc là đập tan cuộc tấn công bằng siêu pháo đài bay B52 của Mỹ trong suốt 12 ngày đêm vào cuối tháng 12/1972. Chiến thắng này buộc Mỹ phải chấp nhận ký Hiệp định Paris để kết thúc chiến tranh.

Ở miền Nam, sau giai đoạn khó khăn ban đầu do sự khủng bố gắt gao của Mỹ - Ngụy, lực lượng vũ trang cách mạng từng bước được xây dựng, phát triển để trực tiếp đảm nhận sứ mệnh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đặc biệt, ngày 15/2/1961, Quân Giải phóng miền Nam được thành lập. Sự phát triển, trưởng thành của lực lượng vũ trang miền Nam được minh chứng với hàng loạt chiến thắng quan trọng, đánh bại các chiến lược quân sự quy mô lớn của Mỹ - Ngụy như “Chiến tranh đặc biệt” (1961 - 1965), “Chiến tranh cục bộ” (1965 - 1968), “Việt Nam hóa chiến tranh” (1968 - 1972). Đặc biệt, cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 của quân và dân miền Nam là minh chứng hùng hồn cho khả năng giành chiến thắng toàn diện của quân đội miền Nam trước lực lượng quân sự hùng mạnh của Mỹ và tay sai.

Đoàn quân chiến thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh tiến về Sài Gòn. (Ảnh: TTXVN) Đoàn quân chiến thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh tiến về Sài Gòn. (Ảnh: TTXVN)

Sau Hiệp định Paris, thế và lực của cách mạng miền Nam bước sang một trang mới. Trước những chuyển biến rất thuận lợi trên chiến trường, Đảng ta đặt ra kế hoạch giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975. Để thực hiện mục tiêu trên, Đảng quyết định thành lập các quân đoàn chủ lực 1, 2, 4. Cuộc Tổng tiến công giải phóng miền Nam của quân và dân ta được mở màn từ ngày 4/3/1975 bằng chiến dịch Tây Nguyên và nhanh chóng giải phóng toàn Tây Nguyên. Sau đó, các cánh quân chủ lực tiến đánh khu vực ven biển Nam Trung Bộ. Đến ngày 29/4/1975, toàn bộ các tỉnh khu vực này và quần đảo Trường Sa được giải phóng.

Thừa thắng xông lên, từ ngày 26/4 đến 30/4/1975, chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh diễn ra và quân dân ta giành toàn thắng. Vào lúc 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, Tổng thống chế độ Sài Gòn Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Đến ngày 1/5/1975, quân và dân ta giải phóng toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long, đánh dấu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã kết thúc, thắng lợi vẻ vang.

Sau ngày hòa bình lập lại, đất nước thống nhất về một mối, Quân đội nhân dân Việt Nam tích cực tham gia xây dựng đất nước, khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh để cùng hướng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Thế nhưng, từ năm 1977 – 1979, trước hành động xâm lược ở nhiều nơi trên tuyến biên giới Tây Nam do chính quyền Pol Pot – Ieng Sary ở Campuchia thực hiện, quân đội ta buộc phải tiếp tục cầm súng thực hiện cuộc chiến tranh vệ quốc và nghĩa vụ quốc tế, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Đầu năm 1979, quân dân ta tiếp tục giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc…

Trải qua 77 năm xây dựng và phát triển, trong thời chiến, Quân đội nhân dân Việt Nam đã giành những chiến công oanh liệt, là sự tiếp nối truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm hàng ngàn năm của cha ông. Đó là cơ sở vô cùng ý nghĩa cho quân đội ta rèn luyện, trưởng thành trong thời bình để tiếp tục bảo vệ thành công của cách mạng, bảo vệ dân tộc Việt Nam, bảo vệ chế độ và Nhà nước của dân, do dân và vì dân, xứng đáng là “Bộ đội Cụ Hồ”.

Từ khóa » Tóm Tắt Lịch Sử Ngày 22/12