Kỷ Niệm 90 Năm Ngày Thành Lập Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam (18/11 ...
Có thể bạn quan tâm
Đồng chí Dương Văn Thống - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy (khóa XVIII) tặng hoa chúc mừng Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái nhân Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/2019).
Thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất để đoàn kết tập hợp toàn dân chống kẻ thù chung, thực hiện các mục tiêu cách mạng là một sáng kiến, cống hiến vĩ đại của Đảng ta. Ngày 3/2/1930 thành lập Đảng thì ngày 18//1/1930, từ cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, Đảng đã ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế Đồng minh - hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.
Trải qua 15 năm hoạt động, dưới nhiều tên gọi khác nhau cho phù hợp với yêu cầu từng giai đoạn cách mạng, năm 1945 với tên gọi Việt Nam Độc lập Đồng Minh (gọi tắt là Việt Minh), Mặt trận đã tập hợp, đoàn kết toàn dân tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công, lập ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Ở Yên Bái, những tổ chức đầu tiên của Việt Minh được nhen nhóm, xây dựng tại thị xã Yên Bái và vùng phụ cận. Được giác ngộ cách mạng, ông Nguyễn Minh Đăng đã tổ chức nhóm Viên chức Cứu quốc đầu tiên thông qua truyền bá quốc ngữ để vận động thanh niên và viên chức hưởng ứng, hoạt động theo chương trình của Việt Minh.
Mùa hè năm 1944, ông Nguyễn Văn Thản là cán bộ Việt Minh lên Yên Bái hoạt động đã kết nạp thêm 6 viên chức và binh sĩ yêu nước cùng một số thanh niên vào tổ chức Cứu quốc của Việt Minh.
Nhiều trí thức, nhà hữu sản như cụ đốc tờ Phạm Gia Đệ, luật sư Lê Văn Phương, anh em ông Nguyễn Văn Cầm, Nguyễn Văn Kỳ ở Hợp Minh… đều gia nhập Mặt trận Việt Minh, đóng góp trí lực, tiền của cho cách mạng, góp phần chuẩn bị Tổng khởi nghĩa.
Ở phủ Trấn Yên, đến tháng 5/1944 các làng xã: Linh Thông, Đồng Yếng, Vân Hội, Bảo Long, Hạ Bằng La đã kết nạp được 23 hội viên Cứu quốc, trong đó có 4 người là dân tộc Tày, Nùng. Tháng 4/1945, tổ chức Việt - Minh được thành lập ở Cảm Nhân, Mỹ Gia, Yên Phú (phủ Yên Bình), Thống lý người Mông ở Cao Phạ (Văn Chấn) cũng theo Việt Minh, 5 nhóm trung kiên của Việt Minh được thành lập ở Đại Lịch, Chấn Thịnh, Thượng Bằng La, Nghĩa Lộ, Sơn A, Bản Hẻo (Văn Chấn).
Ngày 11/3/1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, Chi bộ Nhà tù Sơn La đấu tranh buộc chúng trả tự do cho 200 chiến sĩ cách mạng. Anh em theo kế hoạch về xuôi nhận nhiệm vụ theo chỉ thị của Đảng. Khi qua Nậm Khắt, Púng Luông (Mù Cang Chải), Thống lý Lý Nủ Chu cùng bà con người Mông đã đem thịt lợn, gà, gạo ra giúp đỡ và cử người đưa đường cho đoàn về xuôi an toàn.
Tháng 6/1945, Ban cán sự Đảng liên tỉnh Phú Thọ - Yên Bái được thành lập do ông Ngô Minh Loan làm Bí thư Ban cán sự Đảng kiêm Bí thư Việt - Minh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, tổ chức Cứu quốc của Việt Minh được thành lập rộng khắp, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, kể cả một số người thuộc tầng lớp trên như Chánh tổng Lương Ca Trần Đình Khánh, Chánh hương hội Nang Sa Đặng Bá Lâu, ông Chánh Lê (Chánh tổng Việt Long), ông Lý Huệ ở Minh Quân, ông Bút Tân (Yên Bình), ông Chánh Khít (Lục Yên) đều theo cách mạng.
Hàng vạn quần chúng nhân dân các dân tộc đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh được lực lượng vũ trang cách mạng hậu thuẫn đã nổi dậy cướp chính quyền, thành lập chính quyền cách mạng ở Yên Bái ngày 22/8/1945, chỉ sau Hà Nội 4 ngày.
Nhờ lực lượng to lớn của nhân dân trong Mặt trận Việt Minh mà chỉ có 7 đảng viên cộng sản lãnh đạo, Yên Bái đã giành thắng lợi nhanh chóng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Sau khi giành được chính quyền, Tỉnh bộ Việt Minh có từ 3-5 người trong Ban Chấp hành, tất cả các huyện, các xã vùng thấp đều có tổ chức Việt Minh, bí thư hoặc thường vụ cấp ủy cùng cấp phụ trách dân vận kiêm bí thư Việt Minh. Việt Minh đã tuyên truyền, khơi dậy lòng yêu nước, đoàn kết giữa các dân tộc, chống âm mưu chia để trị của địch.
Hưởng ứng "Tuần lễ vàng” do Chính phủ phát động, nhân dân Yên Bái lúc đó còn nghèo cũng đã ủng hộ Chính phủ được 20 lạng vàng, 200 lạng bạc, 3 triệu đồng Đông Dương. Để mở rộng Mặt trận, ngày 29/5/1946, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt) được thành lập, nòng cốt là các tổ chức Cứu quốc của Mặt trận Việt Minh. Mặt trận Liên Việt đã tập hợp tất cả mọi người yêu nước vào mặt trận chung chống Pháp.
Tháng 4/1946, ông Trần Huy Liệu thay mặt Trung ương lên kiểm tra việc chuẩn bị kháng chiến ở Yên Bái, đến Bản Lìm (Tú Lệ) đã trao cho Thống lý Giàng Lao Tả thanh gươm do chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng với lời dặn: "Đồng bào Mông hãy đoàn kết đánh giặc Pháp, giữ lấy bản làng”.
Sự động viên đó đã khơi dậy tinh thần yêu nước để Đội du kích Khau Phạ sau này thành lực lượng chiến đấu với 200 tay súng đã đánh cho giặc Pháp nhiều trận "thất điên, bát đảo”.
Ở Nhà thờ Bản Hẻo (Văn Chấn), Linh mục Nguyễn Văn Sáng đã động viên ông Đức và ông Hương đang học lớp thầy dòng đi theo kháng chiến và nhiều lần huy động lương thực tiếp tế cho bộ đội. Khi rút vào hoạt động bí mật, Đảng đã hóa thân vào Mặt trận. Lúc này, Mặt trận là tổ chức công khai huy động toàn dân đánh giặc cứu nước, tăng gia sản xuất, xây dựng đời sống mới.
Với hàng loạt chiến thắng: Phố Ràng, Đại Bục, Đại Phác, Róm (Đông An); Chiến dịch Lý Thường Kiệt màn 1, màn 2; Chiến dịch Lê Hồng Phong; Chiến dịch Tây Bắc, giải phóng Nghĩa Lộ, tiến tới thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ, quân và dân Yên Bái đã đóng góp xứng đáng cùng cả nước đánh bại thực dân Pháp nhờ huy động được sức mạnh của toàn dân trong Mặt trận Liên Việt.
Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, từ ngày 5-10/9/1955, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất toàn quốc họp tại Hà Nội đã đổi tên Mặt trận Liên Việt thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do cụ Tôn Đức Thắng (là Phó Chủ tịch nước) làm Chủ tịch.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tập hợp đoàn kết toàn dân ở miền Bắc xây dựng CNXH, chi viện cho miền Nam để đấu tranh giành thống nhất nước nhà. Khi Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, Mặt trận động viên nhân dân vừa sản xuất, vừa chiến đấu với ý chí sắt đá: "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam được thành lập do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch. Mặt trận trở thành ngôi nhà chung quy tụ, đoàn kết nhân dân toàn miền Nam nhất tề đứng lên chống Mỹ cứu nước.
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968, Liên minh Các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam ra đời đã mở rộng Mặt trận, tập hợp tất cả nhân sĩ, trí thức, những người yêu nước ở miền Nam vào mặt trận chung chống Mỹ.
Trải qua vô vàn gian khổ, hy sinh, cuối cùng cuộc kháng chiến chống Mỹ đã giành toàn thắng ngày 30/4/1975. Đất nước thống nhất, các tổ chức Mặt trận ở cả 2 miền được hợp nhất với tên gọi: Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam.
Cùng với cả nước, những năm chống Mỹ cứu nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đoàn kết trong MTTQ Việt Nam, vừa sản xuất, vừa chiến đấu đã bắn rơi 115 máy bay hiện đại của Mỹ, 24.000 thanh niên nhập ngũ chi viện cho Miền Nam, đảm bảo "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” là do sự động viên, vận động của Mặt trận.
Trong thời kỳ mới của cách mạng, Mặt trận là liên minh chính trị, đoàn kết tập hợp tất cả các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài để cùng chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhân dân ta đã đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng để phát triển ngoạn mục trở thành điểm sáng xóa đói, giảm nghèo trên thế giới, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 57% đến này chỉ còn 3%, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình.
Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 nước, là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với tất cả các nước lớn, là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020- 2021. Chưa bao giờ nhân dân ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đất nước có cơ đồ, uy tín và vị thế như hôm nay.
Thành tựu đó do Đảng ta lãnh đạo nhưng trước hết thuộc về nhân dân mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là người đại diện.
Trong công cuộc đổi mới, MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái đã phối hợp thống nhất hành động, lấy sức dân chăm lo cho dân, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, thực hiện định canh định cư, khai hoang, tăng vụ, đi vào sản xuất hàng hóa, khai thác lợi thế của tỉnh về tài nguyên rừng, đất rừng, khoáng sản, đưa kinh tế phát triển khá nhanh và bền vững.
Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và "Chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã góp phần đưa Yên Bái phát triển với nhịp độ chưa từng có, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, đô thị hóa và giảm nghèo 4-5% mỗi năm. Thị xã Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ bị Mỹ ném bom hủy diệt nay đã trở thành đô thị lớn ở cửa ngõ Tây Bắc, vươn dài, mở rộng với tầm vóc chưa từng có.
Lịch sử cách mạng Việt Nam đã khẳng định Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam là vũ khí chính trị không thể thiếu được để nhân dân ta phát huy sức mạnh tổng hợp của mình trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành tự do, độc lập và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Suốt 90 năm, từ khi có Đảng đến nay, chưa bao giờ vắng bóng Mặt trận trên con đường cách mạng. Với truyền thống oanh liệt 90 năm đồng hành cùng dân tộc, đại diện cho dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tin rằng MTTQ Việt Nam sẽ mãi là ngọn cờ đại đoàn kết, là cội nguồn sức mạnh để đưa cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến lên.
Nguyễn Thanh Vân - Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái
3725 lượt xem
Từ khóa » Thành Lập Mttq Việt Nam
-
Lễ Kỷ Niệm Trọng Thể 90 Năm Ngày Thành Lập Mặt Trận Dân Tộc Thống ...
-
Ngày Thành Lập Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam
-
Kỷ Niệm 90 Năm Thành Lập Mặt Trận Dân Tộc Thống Nhất Việt Nam
-
Kỷ Niệm 91 Năm Ngày Thành Lập Mặt Trận Dân Tộc Thống Nhất Việt ...
-
LỊCH SỬ MẶT TRẬN DÂN TỘC THỐNG NHẤT VIỆT NAM
-
Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam - 90 Năm Chặng đường Lịch Sử Vẻ Vang
-
Kỷ Niệm 90 Năm Ngày Thành Lập Mặt Trận Dân Tộc Thống Nhất Việt ...
-
Tài Liệu Tuyên Truyền Kỷ Niệm 90 Năm Ngày Thành Lập Mặt Trận Dân ...
-
Tọa đàm Kỷ Niệm 91 Năm Thành Lập Mặt Trận Dân Tộc Thống Nhất Việt ...
-
90 Năm Mặt Trận Dân Tộc Thống Nhất Việt Nam
-
Lễ Kỷ Niệm 91 Năm Ngày Thành Lập Mặt Trận Dân Tộc Thống Nhất Việt ...
-
GẶP MẶT NHÂN KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY THÀNH LẬP MẶT TRẬN ...