Kỷ Niệm 96 Năm Ngày Báo Chí Cách Mạng Việt Nam (21/6/1925

Ngày 21/6/1925, Cơ quan ngôn luận của tổ chức “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội” - Báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã ra số đầu tiên, đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta. Ngày 05/02/1985, theo Quyết định của Ban Bí thư số 52-QĐ/TW lấy ngày 21/6 hằng năm là Ngày Báo chí Việt Nam nhằm kỷ niệm, tri ân các nhà báo đã cống hiến trí tuệ, sự nhiệt thành để độc giả có những bài báo hay sự kiện nóng hổi, chân thật. Ngày 21/6/2000, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi Ngày báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Cùng với quá trình lịch sử vẻ vang của Báo chí cách mạng Việt Nam, đội ngũ người làm báo đã đồng hành cùng dân tộc suốt hơn chín thập kỷ qua và có nhiều đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong mọi giai đoạn của cách mạng, Ðảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để báo chí hoạt động và phát triển, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ người làm báo cách mạng.

Những đóng góp quan trọng, những thành tích nổi bật của đội ngũ những người làm báo trong 96 năm qua đã làm ngời sáng truyền thống vẻ vang của báo chí và đội ngũ người làm báo cách mạng. Ðó là tinh thần đoàn kết, là sự gắn bó máu thịt với Nhân dân, trung thành tuyệt đối với Ðảng, với Tổ quốc và dân tộc. Ðó là tinh thần chiến đấu và phẩm chất tiên phong, luôn có mặt nơi đầu sóng ngọn gió và sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng, kiên quyết bảo vệ công lý và lẽ phải. Luôn đổi mới sáng tạo, phát hiện cái mới, khẳng định và bảo vệ cái mới, cố gắng cập nhật kiến thức, rèn luyện kỹ năng để tác nghiệp trên tất cả các loại hình báo chí, sử dụng công nghệ làm báo tiên tiến, hiện đại.

Phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Kạn tác nghiệp tại Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới năm 2020

Trước môi trường hoạt động sôi động của báo chí trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước, quá trình hội nhập quốc tế và cơ chế thị trường, đội ngũ người làm báo Bắc Kạn cũng luôn đoàn kết, nâng cao về trình độ chính trị, văn hóa, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí được đề cao, nỗ lực trong chỉ đạo điều hành, tháo gỡ khó khăn, quyết tâm thực tốt nhiệm vụ tuyên truyền.

Cùng với sự phát triển của đất nước, của tỉnh, đội ngũ những người làm báo Bắc Kạn đã có bước trưởng thành. Trình độ, năng lực chuyên môn nghề nghiệp ngày càng được nâng lên. Đa số người làm báo tâm huyết, say mê nghề nghiệp hơn, ý thức sâu sắc trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Tỉnh Bắc Kạn hiện có 3 cơ quan báo chí địa phương; 2 cơ quan báo chí Trung ương có đại diện và thường trú; 6 cơ quan báo chí Trung ương cử phóng viên phụ trách địa bàn. Cùng với đó là nhiều cơ quan, đơn vị có hoạt động mang tính chất thông tin báo chí.

Đến nay, Bắc Kạn có 84 nhà báo được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp thẻ, trong đó 72 nhà báo là hội viên sinh hoạt tại Hội Nhà báo tỉnh. Kế thừa và phát huy truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam, trong giai đoạn 2015 - 2020, đội ngũ người làm báo của tỉnh tiếp tục sự nghiệp đổi mới, tích cực sáng tạo tác phẩm báo chí, xứng đáng là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận chính trị - tư tưởng. 

Các cơ quan báo chí tỉnh Bắc Kạn đã tập trung tuyên truyền các sự kiện trọng đại của đất nước như: Đại hội lần thứ XII của Đảng, hoạt động của Quốc hội khóa XIV, các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chính phủ… Tuyên truyền việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm của tỉnh; việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị; Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… Báo chí đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao dân trí, đáp ứng ngày càng cao đời sống tinh thần, cổ vũ các điển hình tiên tiến, phong trào thi đua yêu nước của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn. 

Từng cơ quan báo chí đều có những đổi mới và phát triển. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, trình độ, công nghệ của báo chí ngày càng được cải thiện. Điều kiện hoạt động nghề nghiệp của các nhà báo ngày càng thuận lợi hơn. Đặc biệt trong thời đại thông tin bùng nổ mạnh mẽ, các cơ quan báo chí và người làm báo đã nỗ lực tôi luyện phẩm chất nghề nghiệp, có trách nhiệm với mỗi sản phẩm báo chí thực hiện chức năng thông tin và định hướng dư luận. Các cơ quan báo chí của tỉnh Bắc Kạn có vai trò rất quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, là cầu nối giữa Đảng và các cấp chính quyền với Nhân dân; đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phê phán, đấu tranh với các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực, tệ nạn xã hội… góp phần dự báo, đón đầu các sự kiện và xu thế phát triển của xã hội.

Phóng Viên Báo Bắc Kạn tác nghiệp về hoạt động phòng, chống dịch Covid-19

Những ngày này, khi cả nước đang tập trung chống đại dịch Covid-19, các nhà báo, phóng viên trên địa bàn tỉnh cũng là một trong những lực lượng trên tuyến đầu, nhiều phóng viên tác nghiệp trực tiếp ở các vùng tâm dịch, ghi lại được những hình ảnh, câu chuyện, những tấm gương rất xúc động. Ở đâu có hoạt động chống dịch, ở đó có phóng viên báo chí.

Dù ở thời kỳ nào, các nhà báo vẫn luôn tôi rèn bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội đối với công chúng; xây dựng và rèn luyện bản lĩnh của người cầm bút để thực sự trở thành chiến sỹ tiên phong trên mặt trận văn hóa - tư tưởng của Đảng, xứng đáng với sự tin yêu, kỳ vọng của Nhân dân, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại vì lợi ích của đất nước và Nhân dân./.

Từ khóa » Tờ Báo Cách Mạng đầu Tiên Của Việt Nam