Kỷ Niệm Chuyến Về Nguồn – Đinh Công Sáng | FPT Way
Có thể bạn quan tâm
85. Kỷ niệm chuyến về nguồn – Đinh Công Sáng
Tết Dương lịch, thay vì bù khú với những bữa nhậu, chúng tôi quyết định đón năm mới tại vùng núi rừng Việt Bắc bằng một chuyến đi về nguồn.
Thật ra đây là chuyến đi của mấy anh cựu chiến binh FPT muốn về thăm lại những di tích lịch sử cách mạng như: Đồn Phay Khắt, Nà Ngần, hang Pác Bó, suối Lê Nin… Chúng tôi, những thế hệ ra đời sau giải phóng, chưa một ngày nào phải đi bộ đội nên cũng tò mò háo hức khi được các anh chiếu cố cho đi theo. Bàn qua loa về hành trình chuyến đi, chúng tôi thống nhất sẽ từ Hà Nội đi thẳng lên Phay Khắt, Nà Ngần, sau đó buổi chiều quay về thị xã Cao Bằng, nghỉ qua đêm, sáng hôm sau tiếp tục đi Pác Bó, Suối Lê Nin, rồi trở về Hà Nội.
Đoàn chúng tôi có đủ các thành phần: Cựu chiến binh, vợ cựu chiến binh, em cựu chiến binh, vợ bạn cựu chiến binh… Tuy nhiên, đoàn 15 người, tính cả lái xe, có duy nhất hai đồng chí cựu chiến binh thực thụ là anh Dũng “Già” và anh Tuấn Anh, cùng ở FPT Trading.
Đúng 7h45, chiếc xe County 25 chỗ ngồi đón chúng tôi xuất phát từ tòa nhà FPT Cầu Giấy. Vượt qua chặng đường dài gần 200 km, chúng tôi đến được thị xã Bắc Kạn. Cả đoàn dừng lại ăn trưa lấy sức để tiếp tục cuộc hành trình. Lúc này, đồng hồ trên xe đã chỉ con số 12h. Cơm nước xong, tôi hỏi anh Nam “Già”:
– Anh ơi còn bao nhiêu km nữa thì đến Phay Khắt – Nà Ngần?
– Khoảng gần 100 km nữa – Anh ậm ừ đáp.
– Mình đi đường nào anh?
– Anh cũng không nhớ lắm vì anh đi cách đây 10 năm rồi.
Chết thật, vậy mà hôm nọ ngồi nhậu với lão ấy, mồm cứ xoen xoét là anh đi rồi, hay lắm, đẹp lắm, các chú cứ yên tâm. Vậy nên tôi cũng chủ quan không tìm hiểu cung đường mà chúng tôi định đi, mặc dù được các anh giao cho trọng trách “Trung đội trưởng”, chịu trách nhiệm toàn bộ vấn đề đi lại, ăn uống, ngủ nghỉ cho đoàn. Như đọc được lo âu thoáng qua của tôi, anh Nam rỉ tai: “Chú cứ đi đi, đường ở mồm ấy”. “Vầng!” – Tôi ậm ừ.
Xe chúng tôi nhắm thị xã Cao Bằng thẳng tiến. Khi xe leo đến gần nửa Đèo Gió thì em Nga – Cán bộ Đại học FPT, trẻ nhất đoàn, bắt đầu “mặt xanh nanh vàng” với những cú nôn thốc tháo bởi con đường đèo quá hiểm trở. Cả đoàn im lặng nuốt nước bọt, nín thở như muốn chia sẻ những cơn nôn liên tiếp của em. Hơn hai tiếng sau, đoàn chúng tôi cũng đến được ngã ba đi Nà Phặc – cách thị xã Cao Bằng khoảng hơn 10 km. Qua hỏi han dò đường, chúng tôi cũng tìm được đường rẽ vào huyện Nguyên Bình, nơi có địa danh Phay khắt, Nà Ngần. Cứ đi khoảng 10 km chúng tôi lại đỗ lại hỏi dân bản địa về đường đi. Đoàn bắt đầu có những biểu hiện xuống sức bởi sự hiểm trở của con đường và tiếng nôn thều thào của em Nga. Nga không còn đủ sức để cho ra ngoài những gì khó chịu trong người nữa, và hình như cũng không còn gì để cho ra nữa. Tôi xót xa nhìn thứ dịch màu đen đen mà em đang cố ọe ra. “Trời ạ, nôn ra mật rồi!” – tiếng thằng Dũng “Đê tiện” ngồi bên cạnh Nga thất thanh.
Càng đi, trời càng mờ mịt vì mây mưa. Khổ nhất là toàn bộ con đường từ quốc lộ chính rẽ vào huyện Nguyên Bình đang bị đào bới, xả lấp càng trở nên lầy lội khó đi. Một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Xe chúng tôi lắc lư với tốc độ 5 km/h. Hỏi đường lần thứ hai sau khi đã chạy được khoảng một giờ vẫn thấy người đi đường nói: “Còn 30 km nữa mới đến”. “Quái lạ! Chả nhẽ dân ở đây họ dùng đơn vị đo lường đường đi khác với mình?” – Tôi lẩm bẩm. Anh Nam “Già” lại một lần rỉ tai tôi: “Lần sau chú hỏi đường thì bé bé cái mồm thôi và đừng nói lại với anh em trên xe”. “Vâng!”
Cho đến lúc này thì không khí trên xe như ngạt thở, những câu chuyện tiếu lâm của tôi và Dũng “Đê tiện” cũng chỉ đem lại đôi ba tiếng rặn khậc khậc, nghe không giống tiếng cười. Anh Nam “Già” phát động mọi người hát to những ca khúc cách mạng nhằm vớt vát chút sinh khí cho cả đoàn, nhưng nghe ra tiếng hát cũng chả át được nỗi lo. Dũng “Đê tiện” thì đệm đàn nhịp phách theo cơn nôn của em Nga nên chả đâu vào đâu, thi thoảng lại ném cây đàn đánh rầm xuống sàn xe để kịp đưa túi bóng hứng… nôn cho bạn gái. Tôi bắt đầu nghĩ đến khả năng đoàn phải ăn tối trên xe, nhưng khốn nỗi trên xe chỉ có duy nhất một túi bỏng gạo, vài lon bia và hơn chục chai nước suối. Lão Nam “Già” vẫn oang oang: “Về nguồn nó phải thế này chứ! Thế mới thấy hết đươc sự quyết tâm và gan dạ của các cụ ngày xưa để thắng được giặc Pháp. Chú Sáng chuẩn bị tìm mua mấy cái đèn pin, chúng ta sẽ soi đèn tìm đến rừng Trần Hưng Đạo – nơi cụ Giáp đọc lời tuyên thệ thành lập đội Tuyên truyền giải phóng quân!”. Tôi không “Vâng” nữa mà nhìn xuống vực thẳm, nơi có leo lét những ánh đèn của dân bản dưới chân núi. “Có mà mua vào mắt, đến bóng ma còn chả gặp trên cái con đường hun hút này” – tôi lẩm bẩm. Lúc này, tôi mới thấm thía lời cảnh báo của một đồng nghiệp trước chuyến đi: “Điên mới đi cùng lão Nam ‘Già’, mệt lắm!”
Vật vã gần 3 giờ đồng hồ chúng tôi cũng đến huyện lỵ Nguyên Bình, tôi rụng rời khi nhìn thấy biển chỉ dẫn: Rừng Trần Hưng Đạo 18 km, đồng hồ trên xe chỉ 20h. Lão Nam “Già” thẽ thọt với mọi người: “Thôi, có lẽ chúng ta nghỉ lại ăn uống và qua đêm ở đây thôi, sáng mai chúng ta vào rừng sớm và tìm đến đồn Phay Khắt luôn, chứ bây giờ vào rừng e rằng không an toàn, trời thì lại đang mưa rét!”. Vậy là dự định quay về nghỉ ngơi qua đêm tại thị xã Cao Bằng bị phá sản. Tôi bị bà chủ khách sạn tại Cao Bằng mắng té tát qua điện thoại vì bùng không về nghỉ đêm tại khách sạn của bà trong khi đã đặt phòng từ hôm trước.
Chúng tôi lòng vòng tới 2-3 lần ở thị trấn nhỏ Nguyên Bình mới tìm được khách sạn và cũng lại 2-3 vòng mới tìm được quán ăn. Cả đoàn đang ngồm ngoàm ăn uống vì đói khát thì Dũng “Đê tiện” bị chủ quán phát hiện: “Aaaaa, Giáo sư Xoay chúng mày ơi…”, thế là rượu ngô cứ thế ồng ộc chảy vào họng chúng tôi cho đến khi bò lết được về đến khách sạn.
Sáng hôm sau, lót dạ mỗi người bát phở lợn, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình tìm đến rừng Trần Hưng Đạo, tham quan di tích, lên đỉnh Slam Cao quan sát đồn Phay Khắt, rồi vội vàng rút quân trở lại con đường khốc liệt, về thị xã Cao Bằng để tiếp tục đi Pác Bó, suối Lê Nin…
Vượt 100 km nữa để đến được mục tiêu, chúng tôi lặp lại những cung đường bị đào xới. Có điều khá hơn là thay vì những tràng nôn liên tiếp, em Nga đã hát véo von vì mới phát hiện ra bí quyết chống say xe là… hát. Dũng “Đê tiện” trở thành nhạc công bất đắc dĩ trên suốt quãng đường hơm 100 km còn lại để đến với Pác Bó.
Khỏa tay xuống dòng suối trong vắt, với đàn cá lội tung tăng của suối Lê Nin, chúng tôi như quên hết mọi mệt nhọc của quãng đường, và hầu như cả đoàn cũng cảm nhận được khi người ta vượt qua gian nan, vất vả bao nhiêu thì thành quả và chiến thắng giành được có ý nghĩa lớn bấy nhiêu. Dù có thể thành quả đó rất nhỏ và ý nghĩa thì chưa nhìn thấy được, nhưng nó luôn là tiền đề quan trọng cho những khát khao vươn tới về sau.
Chúng tôi thênh thang rảo bước trên bờ suối Lê Nin, vào hang Pác Bó… Thật bất ngờ, tôi và bạn Hải Thanh – FPT Software – còn dũng cảm cởi quần áo nhảy ùm xuống dòng nước lạnh giá khi nhiệt độ trên bờ là 10 độ C mà thấy cực kỳ sảng khoái và nhẹ nhõm. Vì lúc đó chúng tôi nghĩ bao nhiêu cố gắng vất vả là để đến được nơi này, tại sao lại không tắm cho biết nhỉ? Và chúng tôi đã làm được chuyện phi thường là tắm suối giữa mùa đông.
Hoàn thành mục tiêu đề ra là thăm quan được Phay Khắt, Nà Ngần, Pác Bó, đoàn chúng tôi lên xe trở về Hà Nội lúc 18h. Ra khỏi hang Pác Bó, chúng tôi không quên tìm đến viếng mộ anh Kim Đồng. Trời mưa ẩm ướt là thế mà khi chúng tôi thắp hương cho anh, cả bó hương cứ cháy đùng đùng. Tôi nghĩ thầm trong bụng: “Anh Kim Đồng thiêng thật!”, chắc anh cũng cảm động trước cái sự lọ mọ vất vả của chúng tôi. Như mọi người, chắp tay trước mộ người anh hùng trẻ tuổi mà bất khuất, tôi cầu mong anh phù hộ cho đoàn chúng tôi đi đến nơi về đến chốn.
Mệt nhoài, nhưng mãn nguyện, không ai nói với ai, cả đoàn chúng tôi đều biết chặng đường về Hà Nội vẫn đang là một thử thách không kém phần cam go. Chúng tôi quyết định về thẳng Hà Nội mà không nghỉ đêm lại thị xã Cao Bằng nữa. Vậy là còn hơn 300 km nữa chúng tôi mới về đến nhà.
Vượt qua 50 km đường xấu, chúng tôi về đến chân đèo Gió, xe báo gần hết dầu. Bác tài ghé xe vào, định bụng sẽ bơm đầy bình cho chặng đường dài về Hà Nội, nhưng hỏi ra thì cây xăng này không có hóa đơn, sợ về không thanh toán được với công ty. Bác tặc lưỡi: “Thôi, để đến cây xăng sau đổ vậy, lượng dầu này chắc phải đi được 30 km nữa!”. Xe chúng tôi lại lầm lũi leo đèo trong màn sương khói mù mịt và tiếng hát át tiếng nôn của em Nga vẫn véo von…
Sao cái đèo này nó vắng thế không biết? Đi đến hơn 10 km rồi mà chả thấy cái xe nào, chả thấy nhà dân đâu, càng chả thấy cây xăng nào… Cả đoàn đang lắc lư theo con đường đèo uốn lượn thì xe tự nhiên có hiện tượng gằn máy, bác tài thất thanh: “Thôi chết rồi, xe hết dầu thật rồi!”. Tiếng hát của em Nga đột ngột dừng lại như chiếc đài cát-sét bị người ta rút điện nguồn, cả xe nín thở. Bác tài cho xe táp vào lề đường và alo SOS về Trung tâm xin cứu viện. Qua một hồi trao đổi điện thoại, chúng tôi lạnh người được biết: Phải đi khoảng 100 km nữa, hết đèo Gió và đến Bắc Kạn mới có cây xăng tiếp theo. Thôi xong, ngủ lại đèo là cái chắc! Đồng hồ lúc này chỉ 21h. Con đường đèo hun hút nay lại càng giống như đoạn cuối của đường hầm vậy. Sao nó vắng thế? Tôi đang loay hoay tìm xem túi bỏng gạo hôm qua trên xe có còn đủ cho 15 người dùng tạm bữa tối không thì có người trên xe kêu toáng lên: “Có xe dưới chân đèo đang lên đấy!”. Tôi và bác tài bật cửa, lao ra khỏi xe. Hai vệt sáng đèn pha như hai tia hy vọng chói lòa đang lừ lừ từ cuối chân đèo xa xa tiến về phía chúng tôi. Chắc chắn đây là xe tải rồi, nghe tiếng máy và tốc độ đi tôi có thể đoán được nó là một chiếc xe tải hay container với đầy đủ dầu dự trữ, ống ty-ô và các dụng cụ sửa chữa xe khác… Tôi cứ hy vọng, quyết đoán như vậy. Hai mươi phút sau, chiếc xe kia cũng đến được chỗ chúng tôi, đúng là xe container thật. Nó dài và to hơn chúng tôi tưởng. Bác tài lắp bắp chạy ra giữa đường vẫy liên tục bằng cả hai tay. Chiếc xe giảm tốc độ và đèn xi nhan bật sáng… “Sống rồi! Sống rồi!” – cả xe nhao nhao.
Qua vài giây trình bày hoàn cảnh và mếu máo trước đồng nghiệp xa lạ, bác tài cũng nhận được sự hỗ trợ quý giá của bác lái xe container. Chúng tôi nháo nhào chạy đi tìm xô và ống ty-ô để hút dầu từ xe container. Thật hú hồn! Lúc này, tôi chợt nhớ tới hình ảnh bó nhang cháy đùng đùng trước mộ anh Kim Đồng, đích thực là sự hiển linh của người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi mới cứu được chúng tôi thoát khỏi khó khăn và nguy hiểm này.
Đêm đó, đoàn chúng tôi về đến Hà Nội lúc 3h30 ngày 3/1/2011. Anh Nam nhìn mặt tôi nghiêm nghị: “Chuyến đi đã thành công, tuy nhiên, tôi đề nghị đồng chí Sáng kiểm điểm nghiêm khắc về việc tuyển chọn và đào tạo “cán bộ đường lối”, làm anh em ta suýt nữa phải ngủ trên đèo Tài Hồ Sìn. Phạt bằng cách tìm bằng được anh lái xe tốt bụng có tên là Bình, lái xe container biển số 99K 9548 để chúng ta làm bữa tạ ơn. Chi phí hoàn toàn do đồng chí Sáng chịu!”. “Vầng!”.
Vâng, chuyến về nguồn của chúng tôi chỉ có thế, nhưng nếu bạn là người cùng đi trên chuyến đó sẽ thấy ý nghĩa của nó thật lớn lao. Và, tôi cũng học được một vài điều từ anh Nam “Già”. Tự nhiên, tôi có thắc mắc: “Tại sao người thành đạt như anh Nam “Già” lại hay lặn lội về những nơi như thế này nhỉ?” Và tôi quyết định, lần sau sẽ lại đi với anh, cho dù là ra hải đảo.
86. Petrolimex ERP – thuyền về bến – Dương Ngọc Anh (Xem chi tiết)Chia sẻ:
Có liên quan
Từ khóa » đinh Công Sáng Fpt
-
Sáng Loa - Đinh Công Sáng Khi ở FPT Và Khi ở Nhà. Nguồn - YouTube
-
Đinh Công Sáng | Facebook
-
Đinh Công Sáng | Facebook
-
CEO FPT Lên Tiếng Sau Khi Bị Nhân Viên Chế Nhạc, đóng Kịch Mỉa Mai ...
-
Đội Ngũ Lãnh đạo - Tập đoàn FPT
-
CEO FPT Khiến Sáng Lòa 'á Khẩu', Giành Giải Nhất 'Ơn Giời Cụ đây Rồi'
-
Sáng 'Lòa”: 'Chỉ Có Một Giờ để Tập Vai Anh Ba'
-
Đóng Kịch Giục ông Trương Gia Bình Về Hưu, Mỉa Mai CEO, Nhân ...
-
Công Ty Hệ Thống Thông Tin FPT > Aboutfpt - FPT Information System
-
Giới Thiệu - .vn
-
FPT Software đầu Tư Dự án Hơn 2.000 Tỷ đồng Tại Bình Định
-
Tập đoàn FPT – Wikipedia Tiếng Việt
-
Bùi Quang Ngọc - Phó Chủ Tịch HĐQT FPT