Kỷ Niệm Về Thăm Nơi Yên Nghỉ Của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp

Tháp chuông khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Tú Quyên

Để xe ô tô ngay bãi đất rộng dưới chân Khu tưởng niệm, chúng tôi đi bộ theo con đường dốc thoáng đãng lên nơi vị Đại tướng của nhân dân yên nghỉ. Lặng gió nhưng hơi lạnh từ ngoài biển khơi thổi vào khiến càng lên cao mọi người ai ấy đều phải xốc lại tấm áo khoác và chiếc khăn quàng cho ấm. Chậm rãi qua từng bậc thang gỗ, theo chỉ dẫn, chúng tôi nhẹ nhàng bước vào nơi chính thiêng khu mộ. Từ bậc sàn gỗ hướng mắt lên trên, hình ảnh nấm mộ lặng lẽ giữa đồi đất xanh xanh màu cỏ non khiến lòng người như nghẹn lại. Nét đơn sơ, giản dị và thanh tao, gần gũi đến nao lòng. Mỗi người lặng lẽ thắp nén hương thơm thành kính và tịnh tâm khấn nguyện. Từ nơi này, đưa tầm mắt ra xa là đảo Yến bình yên, kiêu hãnh. Lần đầu về Quảng Bình, viếng mộ Đại tướng, cảm xúc dâng trào.

Nhiều năm đã qua kể từ ngày tiễn biệt vị Đại tướng tài đức vẹn toàn về với tổ tiên, cả nước vẫn chưa nguôi nhắc nhớ về ông. Vũng Chùa - Đảo Yến, nơi người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam yên nghỉ trở thành miền hướng vọng.

Thành kính dâng hương trước mộ Đại tướng. Ảnh: Tú Quyên

Thiêng liêng và thành kính làm sao đối với những người cầm bút, cầm máy chúng tôi trong những ngày dân tộc tiếc thương vị tướng tài được Bác Hồ kính yêu sinh thời gọi là “Chú Văn” thân thương lìa xa trần thế. Những cựu chiến binh, các cựu thanh niên xung phong, các vị chỉ huy và sĩ quan, chiến sĩ, các cụ già và các cháu học sinh... mà chúng tôi đã gặp, nhiều người đều rơi lệ, ngậm ngùi. Ngày ấy, người đồng nghiệp của chúng tôi đã tất tả lên đường, về tỉnh bạn Gia Lai cùng một nhân chứng để cùng kể lại câu chuyện đầy xúc động về bức ảnh của Đại tướng. Chuyện là, tháng 8/1978, ông Phan Đức Luận ở phường Quang Trung, thành phố Kon Tum, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa & Thông tin tỉnh Kon Tum, còn là cán bộ tuyên huấn của Binh đoàn Trường Sơn. Một hôm, đơn vị nhận lệnh sắp có chuyến thăm và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Binh đoàn. Đại úy Phan Đức Luận được giao nhiệm vụ chụp những bức ảnh lưu niệm. Và với kinh nghiệm của một “phó nháy” nghiệp dư, người sĩ quan trẻ đã để lại bức ảnh “lịch sử”. Trong số hình ảnh 4 người được lưu lại trong bức ảnh, cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, còn có Thiếu tướng Võ Sở - Nguyên Chính ủy Binh đoàn Trường Sơn, ông Nguyễn Văn Sĩ - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai - Kon Tum và một đồng chí cán bộ của binh đoàn. Bức ảnh được gia đình nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai - Kon Tum Nguyễn Văn Sĩ ở thành phố Pleiku nâng niu, giữ gìn trân trọng. Chỉ đến khi người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam theo Bác Hồ về với thế giới người hiền, bức ảnh kỷ niệm thiêng liêng mới được giới thiệu; làm sống lại những cảm xúc chân thành, sâu lắng.

Thiêng liêng và thành kính làm sao khi đã bao lần, bức ảnh lịch sử và kỷ niệm vinh dự gặp Đại tướng tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam mà người đồng nghiệp đáng kính của chúng tôi chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp vẫn vẹn nguyên cảm xúc.

“Nghề báo là phải lao tâm, tổn trí, gian khổ nhưng được đền bù là người đọc”. Vị Đại tướng của Nhân dân mà cuộc đời và sự nghiệp vẻ vang gắn liền với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã nói như thế. Tác phong làm báo gần dân, tấm gương làm báo vì dân của ông mãi soi đường cho thế hệ những người làm báo hôm nay và mai sau.

Thanh Như

Từ khóa » Nơi An Nghỉ Của đại Tướng Võ Nguyên Giáp