Ký Sinh Trùng Là Gì? 20 Loại Ký Sinh Trùng Phổ Biến Hiện Nay

Ký sinh trùng vẫn đang là mối đe dọa lớn cho sức khỏe con người bởi cơ chế tác động lên vật chủ theo nhiều cách khác nhau như: rút kiệt, gây chấn thương, gây độc, gây ức chế miễn dịch, các tác động cơ học, kích thích phản xạ gây co thắt ruột… Bệnh do nhiễm ký sinh trùng gây cho con người, nếu không được chẩn đoán, chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến những hệ lụy về sức khỏe, thậm chí đối diện với nguy cơ tử vong.

Ký sinh trùng là gì?

Ký sinh trùng là một sinh vật sống ký sinh trên một sinh vật sống khác (con người, động vật, thực vật), được gọi là ký chủ. Chúng sống hoàn toàn phụ thuộc vào ký chủ để tồn tại, phát triển và sinh sôi. Do đó, ký sinh trùng hiếm khi giết chết ký chủ, nhưng nó có thể là nguồn lây lan bệnh tật, và một vài trong số này có thể gây tử vong cho ký chủ. (1)

Khác với động vật ăn thịt, ký sinh trùng thường nhỏ hơn rất nhiều so với ký chủ nhưng tốc độ sinh sản nhanh hơn. Chúng cũng có thể tồn tại dưới dạng ký sinh nội sinh hay ngoại sinh, ký sinh trên hay dưới da, ký sinh hoàn toàn hay không hoàn toàn…

ký sinh trùng là gì
Ký sinh trùng là nguồn lây lan bệnh tật, và một vài trong số này có thể gây tử vong cho ký chủ

Các loại ký sinh trùng

Khoảng 70% loài ký sinh không thể nhìn thấy bằng mắt người (như ký sinh trùng sốt rét), nhưng một số ký sinh vật dài hơn cả cơ thể người, có loại sán dây thường dài từ 2 – 4 mét, có khi tới 8 – 10 mét.

Ký sinh trùng không phải là bệnh lý, nhưng chúng có thể truyền bệnh. Các loại ký sinh trùng khác nhau có khả năng gây bệnh khác nhau. Theo đó, ký sinh trùng được chia thành 3 dạng chính: Động vật nguyên sinh (sinh vật đơn bào), giun sán và sinh vật ngoại sinh (ngoại ký sinh). (2)

banner khai trương tâm anh quận 8 mb

1. Ký sinh trùng ở người

Có nhiều loại ký sinh gây ảnh hưởng đến con người và là nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh. Ký sinh trùng ở người có 3 nhóm chính: nhóm sinh vật đơn bào, nhóm giun sán và nhóm ngoại ký sinh.

2. Bệnh do sinh vật đơn bào

2.1. Amip (trùng chân giả)

Amip xuất hiện nhiều ở các vùng nhiệt đới, khu vực có mật độ dân số cao và điều kiện vệ sinh kém. Có rất nhiều loại amip ký sinh ở người và được chia làm 3 loại cơ bản: loại ký sinh nhưng không gây bệnh; loại ký sinh gây bệnh và loại tự do nhưng gây bệnh.

Entamoeba histolytica là loại amip duy nhất ký sinh và gây bệnh ở người. Loại này khi gây bệnh sẽ ăn hồng cầu, gây nên những vết loét (thường ở manh tràng và kết tràng sigma), vách ruột sẽ bị tróc ra từng mảng khiến cho phân có lẫn máu và chất nhầy.

2.2. Babesiosis

Đây là bệnh nhiễm trùng do ký sinh trùng đơn bào babesia gây ra và lây truyền sang người thông qua các vết cắn của bọ ve. Bệnh ảnh hưởng đến các tế bào hồng cầu, với các biểu hiện như: sốt, tan máu và đái ra huyết cầu tố.

2.3. Balantidiasis

Bệnh Balantidiasis là một bệnh nhiễm trùng gây ra bởi trùng lông Balantidium coli, một loại ký sinh trùng đơn bào thường ký sinh trên heo, người chỉ là tình cờ nhiễm bệnh. Đây cũng là loại trùng lông duy nhất gặp trong phân người, nó có thể lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với heo hoặc uống phải nguồn nước bị ô nhiễm, thường là ở các vùng nhiệt đới.

2.4. Blastocystis (chứng tăng bạch cầu)

Ký sinh trùng đơn bào Blastocystis xâm nhập vào người qua đường phân – miệng và gây ra một số triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, ăn không ngon… hoặc không có triệu chứng. Ai cũng có thể mắc bệnh khi dùng thức ăn hoặc đồ uống nhiễm phân người hoặc động vật chứa ký sinh trùng này.

2.5. Cầu trùng

Bệnh cầu trùng gây ra bởi ký sinh trùng Coccidia, thường truyền qua đường phân-miệng và được tìm thấy trên khắp thế giới. Có nhiều chủng cầu trùng khác nhau, gây bệnh cho người, gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, chủng cầu trùng của chó, mèo và người thì thường không lây nhiễm cho nhau.

2.6. Giardia (sốt hải ly)

Là loại ký sinh trùng ở đoạn ruột tá tràng, gây tiêu chảy mạn tính. Ngoài vật chủ chính là người, trùng roi này còn ký sinh trên động vật hoang dã và gia súc.

Giardia không chịu được sự giảm nước ở ruột già và biến thành thể bào nang ở đoạn ruột này. Bào nang tại vị trí này là thể phát tán bệnh, có sức đề kháng cao với môi trường bên ngoài.

Mắc bệnh là do nuốt phải bào nang có trong đồ ăn, thức uống. Phần lớn bệnh nhân mang Giardia trong người mà không có triệu chứng. Tuy nhiên, những triệu chứng bệnh phổ biến là ăn không tiêu, đau bụng, tiêu chảy, phân có thể có mủ.

2.7. Viêm não do amip

Đây là loại amip không ký sinh nhưng gây bệnh. Sống bình thường tự do trong nước, gây bệnh cho ký chủ khi xâm nhập vào cơ thể, bệnh viêm màng não amip tiên phát, khác hẳn với áp xe não amip thứ phát.

Các loại amip này sinh sản trong nước bùn, đất ướt, nhiệt độ 25 – 50 độ C và hóa nang khi gặp môi trường khô và lạnh. Amip “chui” vào cơ thể do tắm sông, hồ bơi. Amip đi qua niêm mạc mũi, xương sàn,… màng não rồi vào não.

Sau thời gian ủ bệnh 12-15 ngày, gây viêm mũi họng, nhức đầu, tiếp theo là hội chứng màng não và sốt, đi đến hôn mê. Biến chứng tử vong sau vài ngày mắc bệnh.

2.8. Sốt rét

Một người bị muỗi nhiễm ký sinh trùng sốt rét Plasmodium đốt, từ đó ký sinh trùng vào máu rồi đến gan, làm vỡ tế bào gan giải phóng ký sinh trùng non vào máu. Tại máu, ký sinh trùng non thâm nhập hồng cầu non và phát triển qua các giai đoạn như trong tế bào gan, phá vỡ hồng cầu giải phóng ký sinh trùng non gây nên cơn sốt rét.

Đây là loại bệnh khiến người mắc thiếu máu mà hồng cầu có màu sắc bình thường với kích thước hồng cầu không đều, biến dạng. Mức độ thiếu máu thay đổi tùy theo loại ký sinh trùng nào của Plasmodium gây ra. Bệnh trở nặng với Plasmodium falciparum, vừa với Plasmodium ovalePlasmodium vivax; nhẹ, không đáng kể với Plasmodium malariae.

3. Bệnh do giun, sán

3.1. Giun Anisakis

Bệnh do nhiễm ký sinh trùng Anisakis (thường gọi là bệnh Anisakis) xảy ra khi ăn phải cá sống ở vùng nước mặn hoặc nấu chưa chín chứa ấu trùng giun Anisakis simplex. Những biểu hiện như đau bụng, buồn nôn, nôn mửa… sẽ xuất hiện sau khi ăn phải ấu trùng vài giờ.

Giun sán
Giun tròn, giun đũa brugia malayi là một trong những nguyên nhân gây bệnh giun chỉ bạch huyết.

3.2. Giun đũa

Sống trong ruột non từ 12-24 tháng. Nếu số lượng nhiều thì có thể gây tắc ruột, tắc ống dẫn mật, ống tụy, viêm ruột thừa do giun trưởng thành chui vào. Ở trẻ em có nhiều giun đũa sẽ gây suy dinh dưỡng.

3.3. Sán lá gan

Sán lá gan bao gồm 2 loại phổ biến: sán lá lớn ở gan Fasciola sp (Fasciola hepatica, Fasciola gigantica) và sán lá nhỏ ở gan thuộc họ Opisthorchiidae. Sán lá gan ký sinh trong gan, trưởng thành trong ống mật nhưng giữa sán lá lớn ở gan và sán lá nhỏ ở gan hoàn toàn khác nhau về: loại ốc ký chủ trung gian, hình dạng, cơ chế gây bệnh sán lá gan, biểu hiện lâm sàng, do đó, khác nhau về chẩn đoán và điều trị.

Người bệnh bị sán lá lớn ở gan thường hay đau vùng thượng vị hay vùng hạ sườn phải. Còn với bệnh do sán lá nhỏ ở gan, nếu nhiễm nhiều sán thì gan cũng sưng to dần và đau bụng.

3.4. Giun móc

Thường tìm thấy trong phân, cả trong phân người bệnh sau khi đã uống thuốc sổ giun. Giun móc vừa hút máu để sống, vừa tiết ra chất chống đông máu, gây chảy máu từ vết thương do miệng giun cắm vào trong ruột. Giun móc gây ra tình trạng thiếu máu thiếu sắt.

3.5. Giun kim

Trứng giun kim (Enterobius vermicularis) phát tán ra bên ngoài qua động tác gãi hậu môn; giũ quần, chăn, chiếu. Bệnh lây lan do yếu tố vệ sinh cá nhân nên xuất hiện khắp nơi, kể cả xứ nóng lẫn xứ lạnh. Tỷ lệ nhiễm cao ở nơi có điều kiện vệ sinh kém, mật độ dân cư đông, sống chen chúc. Trẻ em có tỷ lệ nhiễm cao hơn người lớn; cư dân thành phố, đô thị nhiễm cao hơn cư dân nông thôn.

Bệnh cũng mang tính chất gia đình: trong nhà nếu có trẻ bị nhiễm giun kim thì người trong gia đình cũng thường bị lây nhiễm do sống chung và chăm sóc bé.

Biểu hiện lâm sàng duy nhất dễ nhận biết là ngứa hậu môn do giun cái đẻ trứng ở rìa hậu môn khi trẻ ngủ. So với các thời điểm khác trong ngày thì cảm giác ngứa hậu môn thường tăng vào ban đêm. Do bị ngứa, trẻ hay gãi hậu môn, có thể gây chàm hóa vùng niêm mạc hậu môn hoặc có thể gây trầy xước, dẫn đến nhiễm trùng.

Rối loạn tiêu hóa do giun kim biểu hiện bởi chứng hay đau bụng, biếng ăn, buồn nôn, tiêu chảy. Sự rối loạn thần kinh cũng thường gặp ở trẻ hay bị nhiễm giun kim hoặc nhiễm số lượng nhiều.

3.6. Giun lươn

Giun lươn Strongyloides stercoralis sống ở ruột non. Thông thường nhiễm giun lươn không có biểu hiện lâm sàng. Nhiễm nhiều giun lươn sẽ gây đau vùng thượng vị dễ nhầm với viêm loét dạ dày tá tràng, tiêu chảy, buồn nôn, sụt cân. Giun lươn cũng có thể gây bệnh nặng, bộc phát toàn thân trên cơ địa suy giảm miễn dịch.

3.7. Giun tóc

Giun tóc Trichuris trichiura sống trong ruột già. Thông thường nhiễm giun tóc không có biểu hiện lâm sàng. Khi nhiễm nặng sẽ đi ra phân nhầy có máu. Ở trẻ, nhiễm giun tóc còn gây tiêu chảy với triệu chứng sa trực tràng, thiếu máu, giảm protein máu và chậm lớn.

4. Ngoại ký sinh

Ngoài các loài chí Pediculus humanus capitis, Pediculus humanus corporis và rận Phthirus pubis vốn ký sinh đặc trưng ở người thì con người còn bị ký sinh bởi những côn trùng vốn ký sinh trên những động vật khác như chí Pediculus mjobergi của khỉ, bọ chét chó Ctenocephalides canis, Pulex simulans.

4.1. Rệp

Khi bị rệp chích hút máu, tùy theo cơ thể, phản ứng dị ứng có thể xảy ra. Ngứa sẽ xuất hiện 2-3 phút sau khi bị rệp hút máu. Phản ứng có thể nặng hay nhẹ hoặc có thể gây rối loạn thần kinh, rối loạn tiêu hóa ở một số người. Phản ứng nhạy cảm hơn ở trẻ, đôi khi xuất hiện tình trạng mệt mỏi.

4.2. Chấy (chí)

Bệnh chí gây nên bởi giống Pediculus (thuộc họ Pediculidae) thường ký sinh ở người, biến thái không hoàn toàn. Pediculus humanus capitis gây cảm giác ngứa ngáy, nhất là vùng đầu, gáy, có thể gây nhiễm trùng phụ do gãi hoặc trở thành chốc, tạo nên tổn thương có mày và rỉ nước, có hạch cổ. Thậm chí, có thể gây viêm kết mạc mụn nước.

Loại ký sinh trùng này thường gặp ở xứ lạnh, gây ngứa nhiều vào chiều tối ở vai, nách, lưng, thắt lưng. Không xảy ra ở mặt, tay, chân. Ngứa có thể dẫn đến tình trạng chốc hóa.

4.3. Rận

Ký sinh ở bộ phận sinh dục, rất hiếm gặp ở nách, râu mép, râu hàm, lông mày. So với chí thì rệp khó phân tán hơn, lây lan chủ yếu qua giao hợp, hiếm khi lây qua giường chiếu, khăn tắm hay vật dụng vệ sinh khác.

Biểu hiện đặc trưng của bệnh là ngứa về đêm ở vùng mu, là nguồn cơn của nhiễm trùng thứ phát do gãi dẫn đến chốc hóa viêm da mủ có hạch.

4.4. Ve

Về sinh thái, ve có thể chia thành hai nhóm: nhóm ngoài nhà và nhóm trong nhà. Nhóm ngoài nhà thích nơi rộng rãi, rừng, cây cỏ, có thể nhịn đói lâu. Nhóm trong nhà đòi hỏi độ ẩm cao, chịu đói kém, sống trong hang gặm nhấm, ổ chim, trong nhà, hang dơi…

Khi bị cắn, cảm thấy ngứa tại nơi chích do phản ứng của ký chủ. Người bị ve hút nhiều máu có thể gây tình trạng thiếu máu, gây phù, tăng nhiệt độ và, có thể ảnh hưởng tại chỗ như đi khập khiễng. Vết chích là cửa ngõ cho các loại vi trùng, ấu trùng ruồi xâm nhập, gây bại liệt trong vài giờ, nguy cơ tử vong có thể đột ngột do liệt cơ hô hấp.

4.5. Mạt

Một số loại mạt có thể gây viêm da tiếp xúc, gây dị ứng hô hấp cho người. Nguyên nhân là do tiếp xúc nhiều lần, nhất là với xác và chất tiết của chúng.

Các loại mạt ngoại ký sinh thường xuyên, sâu trong da, ở lớp sừng bao gồm:

  • Cái ghẻ: Ký sinh trên người, gia súc và hoang dã. Bệnh cái ghẻ là bệnh phổ biến trên thế giới, gặp nhiều ở tuổi thanh niên có lối sống tập thể, lây lan trực tiếp giữa người với người, qua hoạt động tình dục hay gián tiếp qua quần áo, giường chiếu.
  • Demodex folliculorum: ký sinh trong nang lông của người gây nên bệnh “ghẻ mụn trứng cá”.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bệnh gây bởi ký sinh trùng được chia thành 4 nhóm triệu chứng lớn, bao gồm:

  • Hiện tượng viêm: người bệnh thường bị viêm nhiễm nơi bị ký sinh xâm nhập hoặc định vị và gây ra các phản ứng tại chỗ.
  • Hiện tượng nhiễm độc: do ký sinh vật tiết ra độc tố, thường kéo dài và mãn tính.
  • Hiện tượng hao tổn: người bệnh bị suy dinh dưỡng và thiếu máu do bị ký sinh trùng giành chất dinh dưỡng, mất máu do xuất huyết. Đặc biệt, khi nhiễm giun nặng, người bệnh sẽ bị thiếu máu trầm trọng.
  • Hiện tượng dị ứng: xảy ra rất thường xuyên trong bệnh nhiễm ký sinh với những mức độ biểu hiện khác nhau như: hen suyễn, mề đay, tăng bạch cầu ái toan…

Do đó, khi thấy những dấu hiệu nhiễm ký sinh trùng, bạn nên đi khám các cơ sở y tế có chuyên khoa Ký sinh trùng hoặc khoa xét nghiệm ký sinh trùng để được khám và điều trị kịp thời. Những dấu hiệu phổ biến bao gồm:

  • Các biểu hiện dị ứng về da như phát ban đỏ, chàm, sưng tấy, loét… hay các dị ứng trên da khác.
  • Các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy mãn tính, táo bón mãn tính, đầy hơi, nôn ói, cảm giác bỏng rát trong bao tử…
  • Cảm giác ngứa vùng hậu môn: có thể là do giun kim đang đẻ trứng, xung quanh hậu môn gây ngứa ngáy, khó chịu…
  • Thiếu máu, mệt mỏi, cảm giác thèm ăn kéo dài…

Phòng ngừa ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể

Những yếu tố cơ bản nhất mà mỗi cá nhân cần phải trang bị để phòng ngừa ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể bao gồm:

  • Làm sạch môi trường sống xung quanh:
    • Chôn vùi hay đốt các đống rác
    • Che đậy thức ăn để tránh ruồi nhặng bu đậu
    • Lau nhà thay vì quét nhà
    • Không dùng phân tươi bón rau cải, ruộng lúa. cần ủ phân ít nhất 3 tháng.
  • Nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân:
    • Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
    • Không nên để trẻ (mới biết bò, đi) chơi đùa dưới đất
    • Rửa rau ăn sống từng lá, từng cọng nhiều lần dưới vòi nước đang chảy để trôi bớt trứng giun sán…
    • Hạn chế ăn hàng rong (bánh, trái cây ăn cả vỏ); Không nên ăn thịt tái, nấu chưa nấu chín hay gỏi cá sống…

Giới thiệu dịch vụ xét nghiệm ký sinh trùng tại BVĐK Tâm Anh

Việc chẩn đoán bệnh liên quan đến ký sinh trùng cần dựa vào cận lâm sàng thông qua các phương pháp xét nghiệm:

xét nghiệm KST
Xét nghiệm KST giúp xác định loại sinh vật đang ký sinh trong ký chủ
  • Trực tiếp nhằm tìm thấy trong cơ thể người bệnh. Đây là phương pháp có giá trị tuyệt đối khi cho kết quả dương tính. Tuy nhiên, có những trường hợp không thể áp dụng do nguyên nhân giai đoạn đầu của bệnh, ký sinh trùng chưa trưởng thành hoặc quá ít hay vị trí của chúng ở quá sâu trong cơ thể…
  • Gián tiếp bao gồm 2 loại xét nghiệm:
    • Xét nghiệm định hướng, xác định những biến đổi không đặc hiệu trong cơ thể ký chủ, giúp chọn kỹ thuật sinh học thích ứng.
    • Xét nghiệm miễn dịch đặc hiệu, cần thiết khi xét nghiệm trực tiếp không thể thực hiện được.

Trung tâm Xét nghiệm – BVĐK Tâm Anh, TP.HCM vẫn đang triển khai dịch vụ Xét nghiệm Ký sinh trùng, bao gồm: Xét nghiệm phân (soi tìm KST) và Xét nghiệm máu (huyết thanh chẩn đoán KST).

Sở dĩ có được các kết quả xét nghiệm chính xác, kịp thời cho người bệnh là nhờ Trung tâm Xét nghiệm, BVĐK Tâm Anh được đầu tư xây dựng khang trang, bố trí hệ thống trang thiết bị hiện đại và đồng bộ, đạt tiêu chuẩn An toàn sinh học cấp 2. Đồng thời, các dịch vụ xét nghiệm được thực hiện bằng hệ thống trang thiết bị, máy móc hiện đại nhất thế giới như: Hệ thống máy Sysmex XN 1000, Sysmex cs-1600 (Bộ phận Huyết học – Truyền máu); Hệ thống máy Roche Cobas 6000; Hệ thống máy nước tiểu Roche Cobas u701, u601, u411; Máy khí máu Roche Cobas b211; Hệ thống quản lý phòng xét nghiệm Cobas Infinity (Bộ phận Hóa sinh – Miễn dịch); Máy cấy máu, Máy định danh – Kháng sinh đồ tự động Vitek II Compact, Máy nhuộm Gram (Bộ phận Vi sinh – Ký sinh trùng), Máy tách chiết, Máy PCR… (Bộ phận Sinh học phân tử).

Để đăng ký khám bệnh và thực hiện các xét nghiệm Ký sinh trùng, khách hàng có thể thực hiện bằng các cách sau: đến khám trực tiếp tại bệnh viện, đăng ký qua số hotline 024 3872 3872 (Hà Nội) – 028 7102 6789 (TP.HCM).

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
    • 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
    • Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM:
    • 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh – Quận 8:
    • 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TP.HCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
    • 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TP.HCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
  • Website: https://tamanhhospital.vn

Ký sinh trùng khi xâm nhập vào cơ thể người sẽ để lại những hệ lụy sức khỏe nghiêm trọng nếu không được phát hiện sớm. Vì vậy, tuyệt đối không chủ quan nếu cơ thể xuất hiện các dấu hiệu kể trên, cần đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để tiến hành xét nghiệp và chẩn đoán loại ký sinh mà cơ thể mắc phải.

Từ khóa » Nội Ký Sinh