Ký Sự Hồ Thủy Tùng Đắk Lắk | Con Người Và Thiên Nhiên

ThienNhien.Net – Năm 2001, trong một chương trình về bảo tồn các loài cây lá kim quý hiếm của Việt Nam, tôi có dịp đến hai khu rừng đầm lầy Thủy tùng (Thông nước) ở xã Earal (Ea H’Leo) và Trấp K’So (Krông Năng) của Đắk Lắk. Trong những năm đó, Thủy tùng còn là loài cây ít được biết tới ngoại trừ những người trong giới bảo tồn. Khu hồ Thủy tùng ở Earal khi ấy được bảo vệ bởi một trạm kiểm lâm nhỏ. Hồ Earal có diện tích khoảng 50 ha, số lượng Thủy tùng còn khoảng hơn 200 cá thể nhưng sinh trưởng kém, chết ngọn, thưa tán lá, ít hoa quả. Lý do chủ yếu là do khu vực xung quanh bị khai phá trồng cà phê và do đập nước thủy lợi mới xây làm chế độ nước trên đầm thay đổi. Thủy tùng bị ngập nước thường xuyên sẽ dẫn đến chết ngọn rồi chết úng. Vào lúc đó không mấy ai quan tâm đến những cây gỗ mọc trơ trọi trên những đám sình lầy giữa nương cà phê này. Nhưng chỉ sau đó một thời gian ngắn, khi nạn khai thác các loại gỗ quý ở Tây Nguyên gia tăng, gỗ Thủy tùng bị đồn thổi có công dụng đặc biệt, có thể chữa trị bệnh ung thư.

Do là loài cây đặc hữu hẹp, chỉ gặp tại 2 điểm ở Đắk Lắk nên Thủy tùng càng làm cho người ta tin vào sự quý hiếm và giá trị của nó. Những kiểm lâm địa bàn đã phải thay phiên canh gác, bảo vệ từng cây Thủy tùng cả ngày lẫn đêm nhưng cũng không ngăn được một số trường hợp lâm tặc cắt rào, lội vào đầm lầy để chặt trộm.

Hồ Thủy tùng ở Earal năm 2001…
Hồ Thủy tùng ở Earal năm 2001…
… và năm 2015.
… và năm 2015

Là người tham gia đánh giá hiện trạng các loài Thông Việt Nam từ năm 2004 tới nay, tôi chưa bao giờ bắt gặp một tài liệu nghiên cứu nào của thế giới cho biết Thủy tùng có chứa hoạt chất chữa bệnh ung thư. Năm 2012, Tổ chức bảo tồn IUCN đã nâng Thủy tùng xếp vào nhóm loài cây Cực kỳ nguy cấp (Critically Endangered) nhưng cũng không hề cho biết khả năng chữa bệnh của Thủy tùng. Loài cây lá kim có khả năng chiết xuất chất chữa ung thư là các loài Thông đỏ1 (họ Thông đỏ Taxaceae), cũng gặp rải rác ở Tây Nguyên nhưng là trên các sườn núi cao rải rác trong rừng rậm chứ không phải là loài Thủy tùng (Glyptostrobus pencilis) ở dưới đầm lầy vốn dĩ thuộc về một họ cây hoàn toàn khác (họ Hoàng đàn Cupressaceae). Sự nhầm lẫn về tên gọi cộng với sự đồn thổi có chủ ý đã dẫn đến thông tin sai lệch về giá trị công dụng của gỗ Thủy tùng. Tới nay, đã hơn chục năm, tôi chưa thấy ai sử dụng gỗ Thủy tùng để chữa bệnh gì cả. Nhưng những thông tin vô căn cứ đó đã và đang thôi thúc lâm tặc chặt hạ cây, đe dọa sự tồn vong của loài Thủy thùng ở Đắk Lắk.

Thủy tùng đúng là một loài cây “hóa thạch sống” vì nó đã từng tồn tại từ hàng nghìn năm trước ở nhiều nơi trên thế giới. Ngày nay, rừng Thủy tùng tự nhiên chỉ còn gặp ở Đắk Lắk và ở tỉnh Khăm Muội của Lào. Tuy nhiên, Thủy tùng không phải là loài cây quá quý hiếm trong gây trồng. Ở Trung Quốc, Thủy tùng đã được trồng từ lâu tại các khu vực hồ nước, ven đê sông ở vùng Đông Hoa Nam. Người ta trồng Thủy tùng cũng như ở Việt Nam trồng cây Bụt mọc trong vườn Bách thảo hay trong Lăng Hồ Chủ Tịch vậy. Sự quý giá của hồ Thủy tùng ở Đắk Lắk không phải ở bản thân cây Thủy tùng mà là ở sinh cảnh đầm lầy tự nhiên cổ sơ còn giữ lại được ở đây.

040316_thuytung (3)

040316_thuytung (2)
Cành ra quả và thân Thủy tùng ở Earal

Chính vì bị gắnmác “có thể chữa được ung thư” nên gỗ Thủy tùng thường được dùng làm đồ mỹ nghệ bán cho người miền xuôi. Những lọ lục bình, tượng phật, tượng phong thủy… được quảng cáo làm từ gỗ Thủy tùng xuất hiện nhan nhản ở khắp các tỉnh Tây Nguyên. Cũng như các loài cây Thông khác, Thủy tùng có gỗ nhẹ, mùi thơm, vân đẹp. Tuy nhiên, sự thực thì lượng cây Thủy tùng còn lại rất ít, lại được bảo vệ vô cùng nghiêm ngặt nên một điều chắc chắn là phần lớn lọ lục bình và tượng Thủy tùng đang được bày bán khắp Tây Nguyên đều là “rởm”. Thủy tùng là loài mọc dưới đầm lầy, sinh trưởng chậm, gốc nhỏ, hiếm có cây đường kính trên 50 cm để có thể làm lọ lục bình được, càng không thể có chuyện gỗ Thủy tùng có thể đủ để xẻ ván làm phản với đường kính lên tới cả mét.

Bản thân những cán bộ ở Ban quản lý Khu bảo tồn Thủy tùng tại Earal cũng khẳng định những đồ mỹ nghệ “thủy tùng” đang được bày bán thực chất là gỗ Thông lấy từ Lào về, được bôi đen đánh bóng cho giống gỗ Thủy tùng chứ nguồn gỗ Thủy tùng trong tự nhiên hoàn toàn không có để làm được nhiều đồ như vậy. Thủy tùng không chữa được bệnh ung thư, cũng không phải là loài cây quá hiếm trong nuôi trồng. Việc bày trong nhà các món đồ “Thủy tùng rởm” không những không có lộc mà còn thể hiện sự thiếu hiểu biết của người sử dụng đối với thiên nhiên.

Thủy tùng từ lâu đã được xếp vào nhóm IA trong danh sách các loài Thực vật rừng nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại của nước ta. Điều đó có nghĩa là mọi hành vi khai thác, vận chuyển, chế biến, quảng cáo, kinh doanh, sử dụng, tàng trữ gỗ Thủy tùng đều có thể bị truy tố. Có thật những chiếc lọ được làm bằng Thủy tùng sẽ mang lại lợi lộc cho gia đình bạn nếu bạn biết nó cũng là bằng chứng cho sự vi phạm pháp luật của những người mua bán, vận chuyển và sử dụng gỗ từ loại cây này?

Giâm hom Thủy tùng năm 2001.
Giâm hom Thủy tùng năm 2001
Cây Thủy tùng ghép trồng ở Earal năm 2015.
Cây Thủy tùng ghép trồng ở Earal năm 2015

Cách đây hơn 10 năm, tôi đã từng thử nghiệm và nhận định những cây Thủy tùng hoàn toàn không hề “vô sinh” như vẫn nghĩ dù hạt thu được từ những cây Thủy tùng còn lại ở Đắk Lắk hầu như không nảy mầm. Việc chúng không nảy mầm cũng dễ hiểu bởi một quần thể với lượng cá thể ít ỏi, bị chia cắt và chịu stress từ những tác động xung quanh của con người thì khả năng thụ phấn tự nhiên là rất thấp, tạo hạt lép nhiều. Tuy nhiên, loài thực vật cổ này dù gì vẫn là một sinh vật sống, có khả năng sinh sản và tái sinh vô tính. Chỉ cần chọn đúng cách tác động thì hoàn toàn có thể nhân giống và gây trồng tốt Thủy tùng, thậm chí cũng không quá khó để tiến hành thụ phấn nhân tạo cho những cây Thủy tùng, giống như ta thụ phấn cho mướp để ra quả vậy. Đừng trông chờ vào tự nhiên nhiều quá khi có thể làm những cách đơn giản để tạo giống cho những loài cây quý hiếm còn lại, trong đó có Thủy tùng.

Thật may, năm 2015, cũng thời gian tháng mùa khô ở Tây Nguyên, tôi có dịp quay trở lại đầm Thủy tùng ở Earal. Cảnh tượng đầm lầy trơ trọi mấy cây Thủy tùng chết ngọn như đang kêu cứu trước đây không còn. Thay vào đó là một khu vực rừng đầm lầy xanh tốt, cây cỏ mọc um tùm. Nếu 10 năm trước để chạm tay vào một cây Thủy tùng thì phải lội xuống vũng đầm lầy ngập ngang lưng thì nay trên mặt hồ Earal, Ban quản lý Khu bảo tồn đã làm cầu ván ngang dọc tới từng cây Thủy tùng. Du khách có thể đi lại trên đầm lầy, thưởng thức hương vị một khu rừng nguyên sinh cổ sơ, độc đáo, ngắm nhìn từng cây Thủy tùng xanh tươi, cành lá xum xuê, ra hoa, đậu quả đầy sức sống.

Hệ sinh thái rừng đầm lầy Thông nước cổ cũng được phục hồi. Những cây nắm ấp (Nepenthes sp.) với những chiếc “ấm” lớn để bắt côn trùng mọc khắp nơi. Trên cành cây là những thân Son môi (Aeschynanthus sp.) bò rủ dài, nở hoa với những bông hoa hình ống chùm đỏ rực rỡ như lông chim. Nắp ấm và Son môi có thể được coi là những loài cây chỉ thị cho hệ sinh thái rừng lành mạnh, nguyên sơ, trên một vùng đầm lầy vốn từng hoang tàn, đứng trước sự diệt vong.

Những cây Nắp ấm và Son môi trên hồ Thủy tùng Earal.

040316_thuytung (7)
Những cây Nắp ấm và Son môi trên hồ Thủy tùng Earal

Năm 2011 từ Trạm quản lý bảo khu hồ Earal đã chuyển thành Khu bảo tồn Thủy tùng với một Ban quản lý chuyên trách. Tuy không phải là những kiểm lâm viên mang sắc phục như trước nhưng những cán bộ ban quản lý này đã làm nhà ngay dưới gốc những cây Thủy tùng còn lại, ăn, ở và bảo vệ chúng ngày cũng như đêm. Có lẽ đó cũng là lý do vì sao hồ Thủy tùng ở đây đã khôi phục lại được dáng vẻ hoang sơ vốn có của nó.

Tới đầm Thủy tùng lần này còn thêm niềm vui mới khi thấy loài Thủy tùng từng bị coi là vô sinh đã có những cây giống để trồng, cây con trồng trên đầm cũng đã mọc tốt sau vài năm. Nhờ sự nỗ lực của những nhà khoa học, của những người có nhiệt huyết và sáng tạo ở Tây Nguyên, cành Thủy tùng đã được ghép lên thân cây Bụt mọc để tạo cây giống. Thử nghiệm giâm hom cành Thủy tùng cũng đã thành công. Khả năng trồng dặm, trồng mở rộng khu đầm lầy ở Earal là rất triển vọng. Những cây Thủy tùng ghép trên gốc Bụt mọc 2 năm tuổi giữa mùa khô vẫn đâm chồi nảy lộc trên đầm Thủy tùng cổ.

Đối với một loài cây quý hiểm, đặc hữu và biểu trưng như Thủy tùng ở Tây Nguyên, Khu bảo tồn sinh cảnh Thông nước rất cần được mở rộng thêm ra khu vực xung quanh. Một đầm nước riêng rẽ bản thân nó khó có thể tồn tại lâu dài được. Một khu bảo tồn diện tích nhỏ càng cần có vùng đệm để khôi phục sinh cảnh tự nhiên. Có thể biến những nương cà phê xung quanh thành những khu rừng để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ tốt hơn cho diện tích đầm Thủy tùng. Nguồn lợi thu được từ cà phê không thể so với việc phục hồi một sinh cảnh đầm lầy cao nguyên cổ vàchuyển thành một khu du lịch sinh tháihấp dẫn và có ý nghĩa giáo dục cao cho các thế hệ người dân ở Tây Nguyên cũng như trên khắp cả nước.Liệu Đắk Lắk có thiếu đất đến nỗi không thể đền bù giải tỏa cà phê quanh đầm Thủy tùng để đầu tư cho một khu du lịch sinh thái thu hút hơn cho tỉnh?

040316_thuytung (8)
Cây Thủy tùng lớn nhất Việt Nam
Cây Thủy tùng lớn nhất Việt Nam. 
Rừng đầm lầy Thủy tùng, một tiềm năng du lịch độc đáo của Đắk Lắk

Thiên nhiên và con người Tây Nguyên là một thế giới hoang sơ, bản sắc, ẩn chứa nhiều điều kỳ lạ. Giá trị của nó chỉ lộ ra đối với những ai biết nhìn nhận, biết sống thật với thiên nhiên và con người. Thủy tùng trên đầm lầy, Voi trong rừng khộp là những nét đặc sắc mà thiên nhiên ban tặng cho Tây Nguyên. Duy trì và sử dụng chúng như thế nào? Đừng biến chúng thành những món hàng chết bày trong nhà. Chiếc lọ Thủy tùng không hề mang lộc đến cho bạn vì đó là gỗ thịt của một loài cây cổ bị đe dọa tiêu diệt bởi thói tham lam của chính bạn. Nhẫn lông voi không đem lại điều may mắn vì số phận những chú voi ở Bản Đôn ngày nay thật bất hạnh khi lông và ngà của chúng bị cưa cắt.Chúng ta đối xử với thiên nhiên như thế nào thì ngày mai, thậm chí ngay hôm nay, thiên nhiên sẽ đáp trả chúng ta nhiều gấp bội. Hãy nghĩ về thiên nhiên và ngẫm lại chính mình!

———-

1. http://baolamdong.vn/khoahoc/201512/nhung-nghien-cuu-moi-nhat-ve-cay-thong-do-lam-dong-2648182/

Nguồn: Nguyễn Đức Tố Lưu (PanNature)/MT&ĐS

Bài liên quan:

  1. Đánh giá dịch vụ hệ sinh thái với phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam
  2. Tình nguyện trồng cây bản địa ở New Zealand
  3. Tham vấn công chúng và phát huy dân chủ
  4. Các loài rùa nguy cấp trước mối đe dọa từ buôn bán và tiêu thụ
  5. Nhâm Dần 2022: Năm Hổ và câu chuyện nuôi hổ để “bảo tồn” tại Việt Nam
  6. Quản lý động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm: Bất cập và khuyến nghị
  7. Xu hướng áp dụng thuế carbon và bài học cho Việt Nam
  8. Buôn bán trái phép ĐVHD cần được xem là hình thức tội phạm nghiêm trọng nhất
  9. Xử lý, tái chế và tái sử dụng các sản phẩm loại bỏ từ hoạt động chiếu sáng
  10. Bài 3: Kiến nghị khẩn cấp để bảo vệ các “sứ giả bầu trời”

Từ khóa » Thủy Tùng H