Kỹ Sư Việt Chế Tạo Xe Máy Lai ôtô - VnExpress

Trong khu xưởng gần 100 m2 ở TP Thủ Đức những ngày đầu tháng 6, nhóm 10 con người ôm giấc mơ về dự án xe máy điện lắp cabin như ôtô đầu tiên tại Việt Nam. Sài Gòn khi ấy trầm lắng vì đại dịch Covid-19 quét qua.

Vũ Phương người miền Bắc, Trung Chính miền Nam, cả hai có hơn 3 tháng chạm mặt hàng ngày trong khu xưởng khi Sài Gòn phát lệnh "ai ở đâu ở yên đó". Phương và Chính là đồng sáng lập của dự án chế tạo xe máy điện lai ôtô mang tên Motorbox với kỳ vọng ra mắt bản thương mại vào tháng 2/2022.

"Có lẽ đó là cái duyên", Vũ Phương nói về Chính, người có thể cùng tán gẫu hàng giờ về xe cộ. "Motorbox có thể thành công hoặc không về mặt thương mại nhưng với chúng tôi, điều quan trọng nhất là chiếc xe hoàn thành được những ý đồ đã đặt ra, cả về công nghệ, cảm giác lái và tính ứng dụng thực tế".

Xe máy điện lắp cabin như ôtô của nhóm start-up Việt Xe máy điện lắp cabin như ôtô của nhóm start-up Việt

Thiết kế và tính năng trên nguyên mẫu Motorbox. Nguồn: Motorbox

Phương có ý tưởng về một giải pháp di chuyển kết hợp ưu điểm của xe máy và ôtô, xuất phát từ những gì anh quan sát hàng ngày. Đó là một chiếc xe nhỏ gọn hai bánh có thể di chuyển linh hoạt trong đô thị. Xe lắp khoang cabin che mưa, che nắng và sử dụng động cơ điện thân thiện với môi trường.

Bản thân Phương có nhiều năm kinh nghiệm về kỹ thuật điện tử, viễn thông nhưng một mình anh không đủ để hiện thực hóa tham vọng biến chiếc xe thành hiện thực. Trung Chính sở hữu công ty cung ứng linh phụ kiện cho xe buýt kèm hệ thống nhà xưởng, trở thành mảnh ghép còn thiếu.

Tháng 9/2019, cả hai phát triển dự án với kinh nghiệm và nguồn lực của bản thân. Họ tuyển mộ thêm những thành viên khác với thế mạnh của mỗi người về thiết kế, chế tạo khung sườn.

"Ngoại trừ những chi tiết không thể tự sản xuất được như phuộc, lốp, gương... cần nhà cung cấp bên ngoài, Motorbox gần như đều là thành quả của các thành viên trong nhóm", Trung Chính nói. "Điều đó khiến mỗi người tận tâm và dành rất nhiều kỳ vọng cho phiên bản thương mại có thể lăn bánh hợp pháp trên đường".

Trung Chính, đồng sáng lập dự án Motorbox bên nguyên mẫu thử nghiệm.

Trung Chính, đồng sáng lập dự án Motorbox bên nguyên mẫu thử nghiệm.

Năm 2018, Toyota trình làng xe điện ba bánh dạng ý tưởng tại triển lãm ôtô Việt Nam. Nhiều hãng xe khác, tương tự Toyota, đều lựa chọn thiết kế xe ba bánh cho giải pháp di chuyển ở đô thị cần kích cỡ nhỏ, tiện dụng. Nhóm điều hành dự án Motorbox không đi theo định hướng này mà chọn cấu hình hai bánh kèm "chân chống" gần bánh sau, trang bị khác biệt lớn nhất của Motorbox so với những sản phẩm đã có trên thị trường.

Chân chống như "đôi càng" của Motorbox lắp bánh nhỏ với ý tưởng tương tự như máy bay, tức có thể nâng, hạ tùy vào trạng thái di chuyển. Theo Vũ Phương, chân chống của xe là một thiết bị thông minh được lập trình sẵn và hoạt động bằng các cảm biến góc nghiêng, camera kết hợp hệ thống điều khiển ICU. Nhóm định hướng chân chống tự động hạ thấp khi xe di chuyển ở dải vận tốc dưới 20 km và ngược lại, nâng lên khi vượt mức này.

Chân chống trên xe kiêm nhiệm nhiều chức năng. Ngoài việc giữ xe thăng bằng, giải quyết nhược điểm của xe hai bánh, trang bị này còn giúp lái xe an toàn khi qua cua tốc độ cao bằng cách tự động điều chỉnh độ cao ở mỗi bên. Khi leo lề hay di chuyển qua các địa hình không bằng phẳng, chân chống nâng hạ tự động để giữ xe không đổ. Khi ở trạng thái đứng yên, chân chống sẽ giữ xe luôn đứng thẳng giống như đang ngồi trên ôtô.

"Lắp ba bánh sẽ giải quyết được câu chuyện cân bằng xe nhưng sẽ làm gia tăng kích cỡ, điều này không phù hợp tiêu chí đặt ra của mình" Vũ Phương nói. "Chân chống trên xe tuy được lập trình phức tạp nhưng sẽ giúp chiếc xe giữ được cấu hình 2 bánh, giảm chiều rộng và đặc biệt là cảm giác lái chân thực hơn lẫn an toàn hơn khi xe vào cua".

Bộ khung xe cơ bản trong quá trình thử nghiệm.

Bộ khung xe cơ bản trong quá trình thử nghiệm.

Tất cả phần mềm điều khiển trên xe đều do Phương tự viết và thiết lập. Bộ điều tốc trên xe cũng không ngoại lệ vì anh và Chính muốn chiếc xe vận hành theo đúng ý đồ, dù giá thành tự sản xuất có thể cao hơn các nhà cung ứng từ Trung Quốc.

Một thành viên trong nhóm tạo ra bản thiết kế cho Motorbox với kết cấu hai cửa, mở như ôtô. Phần khung sườn, dàn áo cũng do nhóm tự thiết kế và chế tạo. Pin đặc dưới sàn xe, môtơ điện gắn ở bánh sau với công suất khoảng 3-5 kW (4-6,7 mã lực), tốc độ tối đa khoảng 90 km và quãng đường di chuyển 100 km.

Motorbox lai ôtô ở cấu hình 2 chỗ kèm cabin với hệ thống điều hòa nhiệt độ. Trong khi với kết cấu hai bánh, nhóm dự án kỳ vọng Motorbox vận hành giống như một chiếc xe máy với cảm giác chân thực, ví dụ như nghiêng theo góc cua. Hệ thống trang bị an toàn trên xe phong phú với cảnh báo va chạm, cảnh báo điểm mù, cân bằng điện tử và chống trượt.

Đến nay, Motorbox đang ở nguyên mẫu (Prototype) thứ hai với độ hoàn thiện khoảng 90%. Phương và Chính đang tiếp tục cải tiến chiếc xe vì vẫn chưa hài lòng với cảm giác lái. "Có thể sẽ phải điều chỉnh một vài chi tiết về kích cỡ tổng thể, thử nghiệm và lắp đặt túi khí, hệ thống kiểm soát hành trình và lập trình các chế độ lái cho xe", Trung Chính nói.

Bộ đôi cầm tinh tuổi Tý (1984) cho biết, công nghệ của một số chi tiết trên xe đã làm thủ tục đăng ký bản quyền tại Mỹ. Kiểu dáng thiết kế Motorbox cũng đã được đăng ký tại Việt Nam. Phiên bản thương mại sẽ tiến hành đăng kiểm tại Việt Nam và bán ra thị trường vào 2022 với giá bán chưa được tiết lộ.

Phương và Chính kiệm lời về viễn cảnh tương lai của Motorbox. Cả hai hiểu rõ năng lực nội tại của bản thân khi chiếc xe được đầu tư những gì tốt nhất, kéo theo đó có thể giá thành sẽ khó hấp dẫn với số đông.

Thành Nhạn Ảnh: Motorbox

  • Toyota i-Road - ôtô lai xe máy cho phố thị Việt Nam

Từ khóa » Chế Xe Máy Thành ô Tô