Kỹ Thuật Chăn Nuôi Vịt Cổ Lũng - Tạp Chí - Hậu Cần Quân đội
Có thể bạn quan tâm
Đặc điểm chung của vịt Cổ Lũng
Khi mới nở, vịt có bộ lông tơ màu xám đen xen kẽ khoang màu vàng nhạt. Khi trưởng thành, vịt trống có lông ở đầu màu xanh, phần cổ, ngực và lưng lông màu nâu đỏ xen lẫn trắng. Cổ có một vòng tròn màu trắng. Con mái lông màu cánh sẻ đậm, vòng tròn lông màu trắng hơi thắt lại, đuôi cánh có màu xanh đen. Khi trưởng thành, vịt Cổ Lũng có đầu to, cổ ngắn, mình bè, có thể đẻ khi được 22 tuần tuổi. Năng suất đẻ trứng của mỗi con vịt mái đạt 175 quả/năm. Khi được 10 tuần tuổi trọng lượng từ 1,8-1,9 kg có thể thịt. Thịt vịt Cổ Lũng có đầy đủ các loại axit amin, đặc biệt là các axit amin thiết yếu.
Chuồng trại
Chuồng trại nên bố trí ở nơi cao ráo, sạch sẽ, đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, không bị mưa hắt, không bị nắng chiếu vào ổ đẻ, có đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho công tác vệ sinh phòng dịch và an toàn sinh học. Nếu nuôi nhốt cần có sân chơi làm bằng gạch, bê - tông, diện tích gấp từ 2-3 lần chuồng nuôi, có độ dốc dễ thoát nước, mặt sân nhẵn để hạn chế xây xát ở gan bàn chân, tránh nấm hại xâm nhập vào cơ thể vịt. Với vịt hậu bị và vịt đẻ, sân chơi tốt nhất là bãi cát, bãi cỏ sạch được khử trùng trước khi thả vịt. Chuồng trại có thể làm đơn giản bằng tre, nứa… nhưng phải chắc chắn.
Thiết bị, dụng cụ: Có đủ máng ăn, máng uống bằng tôn, nhựa…; sử dụng máng xây bằng gạch hoặc bê tông; lưu ý xây bên ngoài chuồng, tránh làm ướt chuồng. Bóng điện, chụp sưởi để chiếu sáng và sưởi ấm cho vịt (giai đoạn vịt còn nhỏ); những nơi không có điện, sử dụng đèn dầu hoặc bếp than… nhưng phải loại bỏ khói ra ngoài chuồng.
Vịt Cổ Lũng. Ảnh: CTV |
Kỹ thuật nuôi
Công tác chuẩn bị chuồng trại trước nuôi
Trước khi thả vịt vào chuồng nuôi phải đảm bảo sạch sẽ nền, tường chuồng nuôi và được quét vôi. Sau khi vôi khô, đưa chất độn chuồng vào, sử dụng 1 trong các nguyên liệu sau: Mùn cưa hoặc trấu khô (đảm bảo không mốc), rơm rạ băm nhỏ, khô sạch và phải được khử trùng bằng formalin, thuốc tím. Rửa máng ăn, máng uống sạch sẽ, sau đó ngâm vào dung dịch formalin 0,3-0,4% và để khô trước khi sử dụng. Cần sưởi ấm chuồng nuôi bằng bóng điện (tốt nhất sử dụng bóng có tia cực tím) trước khi thả vịt vào chuồng.
Nhiệt độ và ánh sáng
Vịt từ 1-5 ngày tuổi, nhiệt độ úm thích hợp: 32-280C; từ 6-14 ngày, nhiệt độ úm: 25-280C; từ 15 ngày tuổi trở lên úm theo nhiệt độ môi trường. Giai đoạn vịt đẻ duy trì nhiệt độ thích hợp từ 16-220C.
Trong tuần đầu nuôi, chiếu sáng bằng đèn cả ngày và đêm. Từ tuần thứ 3 trở đi chỉ cần chiếu đèn ban đêm, ban ngày sử dụng ánh sáng tự nhiên. Trước khi vịt đẻ 5 tuần tuổi cần bảo đảm 10h chiếu sáng. Trước khi vịt đẻ 4 tuần cần bảo đảm 12h chiếu sáng. Sau đó, cứ mỗi tuần tăng lên 1h cho đến khi đạt mức chiếu sáng 18h/ngày. Với cường độ chiếu sáng 3-5w/m2 diện tích chuồng.
Thức ăn và nước uống
Không được sử dụng thức ăn mốc và ôi thối để tránh cho vịt bị nhiễm các độc tố, đặc biệt là độc tố Aflatoxin.
Giai đoạn vịt còn nhỏ có thể sử dụng thức ăn hỗn hợp có độ đạm 20-21% được chế biến sẵn. Đến giai đoạn hậu bị và giai đoạn vào đẻ có thể sử dụng 1 phần thức ăn đậm đặc kết hợp với các nguyên liệu có sẵn ở các đơn vị như ngô, thóc, cám gạo, sắn… để phối trộn. Lưu ý, không nên sử dụng khô dầu lạc trong khẩu phần ăn cho vịt (tránh nhiễm độc tố aflatoxin), riêng ngô nên sử dụng dạng hạt không quá 20% trong khẩu phần (vịt đẻ kém).
Với phương thức nuôi chăn thả, có thể sử dụng bột sắn, khoai lang thay thế trong giai đoạn hậu bị (từ 9-15 tuần tuổi), sau đó thay thế dần thức ăn bằng thóc, cho đến tuần thứ 19 cho hoàn toàn bằng thóc.
Nước uống cần đảm bảo trong, sạch và thường xuyên cho vịt uống cả ngày lẫn đêm, ở tuần tuổi thứ nhất không cho uống nước lạnh dưới 10-120C, tuần tuổi thứ 2 và 3 không lạnh quá 6-80C.
Nuôi vịt trong chuồng, cần đặt máng uống dưới sân chơi có tấm chắn không cho vịt nhảy vào trong máng. Hằng ngày thay nước 2 lần, đảm bảo đủ nước sạch cho vịt uống. Nếu nuôi chăn thả, hằng ngày vào buổi sáng, buổi trưa và chiều tối nên để cho vịt bơi ở những ao hồ có nước trong, sạch để vịt uống nước, giao phối và làm sạch lông. Mùa hè cần che máng uống nước tránh để vịt uống nước nóng.
Nhu cầu nước uống phụ thuộc vào khả năng đẻ trứng, từ 600-750 ml/con/ngày.
Chăm sóc, nuôi dưỡng và thu nhặt trứng
Hằng ngày kiểm tra sức khỏe đàn vịt từ sáng sớm, có sự thay đổi nào về sức khỏe cần báo ngay cho cơ quan thú y để xử lý.
Giai đoạn vịt con: Sử dụng thức ăn hỗn hợp dạng viên hoặc gạo nấu thành cơm, trộn với thức ăn giàu đạm. Sau 2 tuần, có thể cho vịt ăn các sản phẩm nông nghiệp như: thóc, ngô, đỗ tương, cám gạo… Trước khi cho vịt ăn phải dọn sạch máng, quét bỏ những thức ăn thừa, hôi, thối, mốc; cho vịt ăn nhiều lần trong ngày để tránh rơi vãi, ôi chua thức ăn. Tách những con nhỏ cho ăn riêng để đảm bảo độ đồng đều của đàn.
Giai đoạn hậu bị từ 56 ngày tuổi đến khi vịt bắt đầu đẻ, cho vịt ăn thức ăn hạn chế cả số lượng và chất lượng. Vịt được 20 tuần tuổi, chọn những con đạt tiêu chuẩn giống để đưa vào nuôi đẻ trứng.
Giai đoạn vịt đẻ, cho ăn theo định lượng 2 bữa/ngày, sau đó cho ăn 01 lần hết lượng thức ăn trong ngày.
Lượng thức ăn:
Đối với vịt nuôi thịt: Cho ăn theo chế độ tự do.
Đối với vịt nuôi sinh sản: Ở giai đoạn vịt con lượng thức ăn cần trung bình 40g/con/ngày, giai đoạn hậu bị: 110-140g/con/ngày, vịt đẻ: 160-180g/con/ngày.
Thu nhặt trứng
Trước khi vịt đẻ 2 tuần cần bố trí các ổ đẻ trong chuồng nuôi, chất độn ổ đẻ phải được thay thường xuyên hàng tuần, trứng thu nhặt vào buổi sáng sớm từ 6÷7 giờ sáng. Sau khi nhặt trứng tiến hành phân loại trứng. Trứng mang ấp phải được khử trùng ngay sau khi thu hoạch trứng bằng dung dịch khử trùng.
Công tác phòng bệnh
Vịt Cổ Lũng thường mắc một số bệnh như: Dịch tả, Ecoli, tụ huyết trùng, viêm gan virus… Khi vịt 15 đến 45 ngày tuổi, phải được tiêm đủ vắc - xin dịch tả vịt với liều: 0,5ml/con. Sau 6 tháng tiêm nhắc lại. Từ 2-3 tháng sử dụng các loại kháng sinh đặc hiệu phòng các bệnh Salmonella, tụ huyết trùng và các bệnh khác tùy theo thời tiết và tình trạng sức khỏe đàn vịt. Có thể sử dụng một số loại vắc - xin khác phòng các bệnh như: Viêm gan virus, H5N1... Thường xuyên bổ sung các thuốc: Bcomplex, vitamin C, điện giải giúp tăng sức kháng bệnh cho vịt.
Quá trình chăn nuôi nếu phát hiện những con ốm yếu, cần loại ngay ra khỏi đàn, xác vịt chết cần phải đưa ngay ra khỏi khu vực chăn nuôi và xử lý tùy từng loại bệnh. Phân vịt và chất độn chuồng cần thu, gom và đưa vào đúng nơi quy định để xử lý. Lập sổ ghi chép những thông số về ngày tuổi, tình trạng sức khỏe, thức ăn, nước uống, vắc-xin và thuốc sử dụng cho đàn vịt nhằm đánh giá chính xác độ sinh trưởng của đàn vịt cũng như hiệu quả kinh tế trong tổ chức chăn nuôi.
Trung tá, ThS CHU HOÀNG NGA - Học viện Hậu cần
Từ khóa » Vịt Cổ Lũng
-
Thương Hiệu Vịt Cổ Lũng - Báo Đại Đoàn Kết
-
Phục Tráng Thành Công Giống Vịt Cổ Lũng Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế ...
-
Đặc Sản Vịt Cổ Lũng ở Bá Thước - Thanh Hóa - Asay Food
-
8X Cất Bằng Về Quê Nuôi Vịt Cổ Lũng, Thu Hàng Trăm Triệu đồng Mỗi ...
-
Vịt Cổ Lũng Hút Khách Du Lịch
-
Vịt Cổ Lũng Vượt Núi
-
Để đặc Sản Vịt Cổ Lũng Vươn Xa
-
Đi Chăn Vịt Cổ Lũng: Đặc Sản Quý Hiếm | CSNN 517 | VTC16
-
Bảo Hộ Chỉ Dẫn địa Lý “Cổ Lũng – Bá Thước” Cho Sản Phẩm Vịt
-
Đặc Sản Tiến Vua - Vịt Cổ Lũng - Doanh Nhân Phượng Hoàng
-
Quán 48 - Phở Bò & Vịt Cổ Lũng ở Thành Phố Thanh Hóa, Thanh Hoá
-
Đưa Vịt Cổ Lũng Trở Thành Sản Phẩm OCOP